Quái Khách Muôn Mặt

Chương 31: Một kế yên lòng người đời


Đọc truyện Quái Khách Muôn Mặt – Chương 31: Một kế yên lòng người đời

Hôm đó Long Uyên với bà cháu Phong Lan đã về tới thành Chức Mạc. Tất nhiên Long Uyên phải hoàn lại bộ mặt thực của mình nên trông đẹp như Phan An Tống Ngọc vậy.

Phong Lan cũng trang điểm đẹp hơn mọi ngày, ba người đi ở trên một chiếc xe ngựa trong lúc xe vào tới phố lớn người phu xe liền hỏi :

– Thưa đại gia, đại gia cho đậu xe ở đâu thế?

Long Uyên đáp :

– Đi về phía nam quay sang phía bắc tới căn nhà bên ngoài có một bờ tường đã cao lớn ngoài cửa có…

Không đợi chờ chàng nói dứt người phu xe đã vội đỡ lời :

– Cháu biết rồi, có phải đại gia định tới nhà của Long đại nhân không?

– Phải chính nhà ấy đó.

– Có lẽ đại gia là thiếu công tử của Long phủ phải không? Hà, đại gia đã về tới thực là trời có mắt. Đại gia chắc không biết chuyện gần đây mấy vị đại nhân của quý phủ vì nhớ đại gia mà hết người này tới người nọ đau ốm liên miên.

Long Uyên nghe thấy người phu xe nói như vậy cả kinh nhưng cũng ngạc nhiên vội hỏi :

– Có thực không? Nhưng tại sao đại ca lại biết rõ như thế?

Người phu xe thủng thẳng đáp :

– Sao không biết, tiểu nhân là Khoái Thối không bao giờ nói dối ai cả. Nếu đại gia không tin về tới nhà sẽ hiểu liền. Vả lại chuyện này không phải là chuyện bí mật gì hết, vì mấy vị đại nhân của quý phủ quanh năm làm việc thiện ở thành Chức Mạc ai chả biết. Cho nên ai ai cũng quan tâm tới sức khỏe của mấy vị đại nhân, vì vậy hơi có một tí gì là đồn khắp huyện ngay, mấy ngày gần đây trong huyện buồn rầu vì đại nhân đau yếu.

Long Uyên không ngờ nhà mình lại có tiếng tăm như thế, đồng thời chàng cũng không ngờ mấy vị bá bá nhớ nhung mình mà đau ốm như vậy. Chàng cảm động vô cùng ứa nước mắt ra, chỉ muốn một bước bước ngay về nhà.

Phong Lan nghe thấy hai người nói chuyện cũng thấy gay cấn hết sức, bây giờ thấy Long đại ca ứa nước mắt ra nàng lại càng kinh hãi thầm vì vậy nàng một tay nắm Bà bà một tay nắm cánh tay của Long Uyên khẽ hỏi?

– Long đại ca làm sao thế?

Long Uyên khẽ lắc đầu và cố nhịn không để cho nước mắt ứa ra. Chiếc xe đã ngưng, người phu xe vén tấm mành xe lên và gọi :

– Đại gia, đã tới rồi, mời đại gia xuống xe đi.

Y chưa nói dứt thì đã thấy Long Uyên ném cho một nén bạc nặng chừng mười lạng rồi y vội nói lớn :

– Đại gia, cháu không dám lấy.

Ngờ đâu y vừa ngẩng đầu lên, lúc cúi đầu nhìn xuống thì đã không trông thấy hình bóng của ba người rồi, y vội nhìn về phía cửa lớn mới hay ba người đã thủng thẳng đi vào trong cửa ở chỗ cách y hơn hai mươi trượng. Y liền kêu gọi tiếp :

– Đại ca hãy chờ một chút, cháu đội ơn các vị đại nhân nhiều lắm không dám lãnh số tiền thưởng nhiều như vậy.

Nói xong y vội đuổi theo ngay, nhưng Long Uyên quay đầu lại nói :

– Đại ca đánh xe chở chúng tôi đi bấy nhiêu đường cũng mệt nhọc lắm, một chút tiền mọn này có nghĩa lý gì đâu, đại ca cứ cầm lấy nó đem đi nhậu nhẹt.

Người phu xe còn định nói nữa, Long Uyên đã quay người đi luôn.

Lúc ấy lão bộc coi cửa nghe thấy có người nói chuyện vội chạy ra nhìn thấy Long Uyên đã về, mừng khôn tả, nhưng y vẫn còn không tin giơ tay lên dụi mắt mấy cái và nhìn lại nữa. Lúc ấy y đã nhận rõ đúng là Long Uyên rồi quay đầu nói vọng vào bên trong :

– Thằng nhỏ sói đầu mau vào thưa với lão gia, thiếu… thiếu gia đã về đấy!

Nói xong y như đứa trẻ nhảy nhót mấy cái tới trước mặt Long Uyên quỳ xuống vái lạy và nói rằng :

– Đại gia đã về, thực…


Nói xong y vội đứng dậy lấy bọc áo ở trong tay của Long Uyên rồi mới quay đầu lại. Lúc ấy y lại trông thấy hai bà cháu Phong Lan. Y liền ngẩn người ra.

Trong nhà mọi người nghe thấy lão bộc nói vọng vào như vậy đã đổ ra nghênh đón, tám chín con nữ tỳ như một đàn bươm bướm chạy ra ngoài cửa lớn ngó nhìn, vừa thấy Long Uyên đi tới chúng đã vội chắp tay vái chào và đồng thanh nói :

– Công tử…

Chào xong chúng vội chạy vào, tên nào về báo tin cho chủ tên ấy.

Nhất thời tiếng cười vui vẻ và tiếng nói ồn ào của mọi người làm náo nhiệt khôn tả, ai nấy đều chăm chú nhìn vào ba người, nhất là nhìn Phong Lan và Võ Di bà bà.

Vào tới khách sảnh, Long Uyên liền mời Võ Di bà bà với Phong Lan ngồi xuống rồi cáo lỗi rằng :

– Bà bà với Lan muội hãy ngồi chơi xơi nước, để tôi lên trên lầu.

Võ Di bà bà cảm động vô cùng không đợi chờ Long Uyên nói dứt đã đỡ lời :

– Cậu cứ lên lầu đi.

Long Uyên lại vái một lạy nữa mới giở hết tốc lực khinh công ra chạy lên trên lầu.

Phong Lan nhìn theo cho tới khi mất hút bóng chàng mới thôi, nàng lại đưa mắt nhìn những đồ bày biện ở trong nhà. Nàng cảm thấy từ bàn ghế cho tới những đồ bày biện đều là những thứ quý giá cả. Cầu thang ở góc trên phía tây vừa lớn rộng và làm bằng gỗ trầm. Trên trần nhà lại treo rất nhiều đèn pha lê, đèn nào cũng có tua ngũ sắc tỏa xuống trông như một tòa cung điện vậy.

Nàng đang ngắm nhìn liền nghe thấy tiếng của Long Uyên ở trên lầu vọng xuống :

– Cha, Uyên nhi đã về.

Nghe thấy tiếng nói ấy nước mắt nàng đã chảy quanh vì quá cảm động. Nàng quay trở lại nhìn Võ Di bà bà định nói nhưng không sao nói lên tiếng được thì đã nghe thấy bốn chung quanh đã có tiếng người. Đồng thời trên cầu thang cũng có tiếng chân người nữa. Phong Lan còn nghe thấy tiếng của đàn bà nghẹn ngào nói :

– Con buông tay ra, con không thấy các người đều ra cả rồi hay sao?

Nàng vội ngẩng đầu lên nhìn mới hay Long Uyên đang ẵm một người đàn bà tuổi chừng năm mươi, phía sau còn có mấy thị tỳ đi theo nữa.

Hai má của Long Uyên vẫn còn đẫm lệ, nhưng vẻ mặt của chàng lại tươi cười, chàng đàn ẵm người đàn bà ấy xuống và nghe thấy bà ta nói liền nhìn xuống dưới thì thấy Phong Lan ngẩng đầu lên, chàng mới đặt bà ta xuống làm mặt xấu và đỡ lời :

– Mẹ sợ gì ai cười, tất cả đều là người nhà hết chứ có ai xa lạ đâu mà mẹ phải ngại.

Chàng vừa cười, Phong Lan biết người đàn bà đó là mẹ của chàng rồi.

Mẹ của Long Uyên lại tiếp :

– Con không thấy khách sảnh chả có khách là gì, hai người…

Long Uyên giải thích :

– Thưa mẹ, hai vị ấy đi cùng với con về đây đấy.

Chí Dũng phu nhân vừa kinh hãi vừa mừng rỡ lên tiếng nói :

– Có phải cô bé kia là người chị có ơn với con đấy không?

Long Uyên có vẻ ngượng, biết bà ta hỏi Vân Tuệ nên chàng hổ thẹn cúi đầu xuống cải chính rằng :

– Không, nàng là Phong Lan đấy mẹ. Còn chị Tuệ thì chưa tới.

Chí Dũng phu nhân cả mừng vội vàng xuống lầu vừa khen con trai rằng :

– Con tài thực, cô nương này đẹp lắm.


Bà ta vừa đi vừa nói đã xuống tới dưới sảnh, lúc ấy trong khách sảnh có rất nhiều người, già có trẻ có, các cụ già đều do những tỳ nữ dìu ra. Các bác của Long Uyên chưa ra tới khách sảnh đã lên tiếng kêu gọi :

– Uyên nhi, Uyên nhi!

Võ Di bà bà là một vị tiền bối rất có tên tuổi ở trên giang hồ, nhưng thấy cảnh vui vẻ của gia đình này cũng không sao trấn tĩnh được tinh thần, bà ta vội đứng dậy kéo Phong Lan sang một bên. Phong Lan lẳng lặng the bà lùi sang một bên đứng xem. Ngờ đâu Chí Dũng phu nhân không để yên cho hai bà cháu. Bà ta vừa xuống tới lầu đã buông tay Long Uyên chạy lại nói chuyện với hai bà cháu Phong Lan.

Long Uyên thấy các bác trai gái chưa khỏi bệnh mà cũng ra gặp mình, trong lòng cảm động hết sức, vội tiến lên tới trước mặt mấy bác trai bác gái quỳ xuống vái lạy và lớn tiếng nói với ông cụ lớn tuổi và đi trước nhất rằng :

– Uyên nhi bái kiến đại bá phụ với bá mẫu!

Ông cụ ấy là Chí Lễ, đầu tóc bạc phơ, sắc mặt xanh xao, có lẽ đang đau ốm. Ông ta ngồi vào cái ghế bành do hai người đầy tớ khiêng vào. Ông ta vừa trông thấy Long Uyên quỳ xuống đã phân trần ngay với giọng khàn khàn gọi :

– Ồ, Uyên nhi con đã về đấy à, mau đứng dậy để đại bá phụ coi mặt con cái nào!

Ông ta vừa nói vừa ra hiệu bảo Long Uyên đứng dậy.

Tiếp theo đó các người cũng lần lượt ra cả ngoài khách sảnh. Long Uyên lần lượt quỳ xuống vái lạy các người bá phụ. Chờ bảy vị gia trưởng ngồi xuống xong, chàng thấy mẹ mình đang nói chuyện với Võ Di bà bà. Còn thất bá phụ Chí Tri với cha mình không có mặt tại đây, chàng vội hỏi đại bá phụ rằng :

– Thưa bá phụ, thất bá phụ với gia phụ con đâu?

Chí Lễ đau ốm nửa năm rồi rất ít hỏi han tới gia sự, cho nên không biết gì hết. Ông ta ngơ ngác nhìn bốn chung quanh bỗng trông thấy Phong Lan ông ta liền kêu “ủa” một tiếng không ngờ người em thứ tám là Chí Hiếu đã lên tiếng trả lời tiếp :

– Thất ca đi sang bên huyện kế bên mua thuốc còn cha con lên núi Thái Sơn chừng nửa tháng trước có lẽ tối nay sẽ về tới nơi.

Ông ta nói tới đó thấy đại ca đang chăm chú nhìn Phong Lan, ông ta cũng quay đầu nhìn theo liền kêu ủa một tiếng ngẩn người ra ngay. Thì ra hai người thấy Phong Lan rất xinh đẹp đều ngẩn người ra nhìn. Chí Tri phu nhân vội lên tiếng hỏi :

– Ối chà, má của Uyên nhi, mỹ nhân này là cô nương của nhà ai thế? Mau dẫn lại đây để cho chúng tôi xem nào.

Chí Dũng phu nhân đang chuyện trò với Võ Di bà bà và Phong Lan. Lúc ấy thấy mọi người đã xuống hết và chú ý cả Phong Lan. Bà ta liền nói với Võ Di bà bà và Phong Lan :

– Lão phu nhân, mời lão phu nhân với cô nương lại đằng này để các vị huynh trưởng chúng tôi được tiếp chuyện.

Võ Di bà bà gật đầu nhận lời rồi thuận tay để cái lẵng hoa trên bàn chóng quày đi ra cửa sảnh.

Phong Lan cũng để cái lẵng hoa của mình trên bàn và ỏn ẻn đi theo sau.

Chí Dũng phu nhân đi sát cách Võ Di bà bà mặt tỏ vẻ vui cười như là một anh hùng mới thắng trận trở về vậy. Bà ta giơ tay ra hiệu bảo nữ tỳ mang một cái ghế đến giữa sảnh để cho Võ Di bà bà ngồi, rồi bà ta chào vợ chồng Chí Lễ mà giới thiệu rằng :

– Đại ca, đại tẩu cùng các vị huynh, tẩu quý khách này là Võ Di bà bà, cháu gái của bà ta tức là Phong Lan cô nương đây…

Nói tới đó bà ta chỉ tay vào Phong Lan. Tuy Phong Lan là một giang hồ nữ hiệp, khi ra trận không sợ một kẻ địch nào, nhưng không hiểu sao ở trong khách sảnh này lại hổ thẹn mặt đỏ bừng và cứ cúi mặt xuống.

Chí Dũng phu nhân lại nói tiếp :

– Cô ta được Phong gia bà bà cho phép đã đính hôn với Uyên nhi rồi.

Mọi người nghe thấy bà ta nói như vậy liền xôn xao bàn tán. Long Uyên đứng ở cạnh ghế của Chí Lễ nghe thấy mẹ mình tuyên bố như vậy chàng bẽn lẽn theo.

Chí Lễ thấy mọi người ồn ào bàn tán liền lên tiếng quát bảo, nhưng vì ông ta ốm yếu không đủ sức nói lớn nên không ai nghe thấy gì cả.

Long Uyên thấy vậy vội lớn tiếng nói :

– Thưa các vị bá bá, xin các vị hãy yên lặng để đại bá phụ nói.


Chí Lễ nhìn chàng gật đầu khen ngợi rồi cúi đầu chào Võ Di bà bà một cái trịnh trọng nói :

– Lão phu là Chí Lễ, không biết thân gia bá mẫu giá lâm, nên mới thất lễ như vậy, xin thân gia bá mẫu lượng thứ cho.

Võ Di bà bà cũng gật đầu đáp lễ và trả lời rằng :

– Già này không dám, già là người ở trong giang hồ nên không biết lễ phép gì cả, được gặp lệnh điệt ở Hoàng Sơn vì thấy cậu ấy là một người chính thực vô tư nên mới gả cháu nó cho cậu ta mà chưa được phép của quý vị, điều này mong quý vị lượng thứ cho!

Chí Lễ đại diện các anh em khiêm tốn một hồi rồi đột nhiên Chí Tín phu nhân đứng dậy hỏi Chí Lễ với Võ Di bà bà rằng :

– Xin hỏi cô nương này là dâu của phòng nào?

Võ Di bà bà không hiểu tại sao Chí Tín phu nhân lại hỏi như vậy, ngẩn người ra không biết trả lời như thế nào cho phải, Chí Lễ cũng ngẩn người ra giây lát rồi thủng thẳng đáp :

– Vấn đề này coi như là dâu của phòng lão tám hay của ngu huynh cũng được.

Chín vị phu nhân nghe thấy Chí Lễ nói như vậy liền có mấy vị đứng lên cùng phản kháng rằng :

– Đại ca, như thế sao được?

Chí Lễ vội xua tay bảo mọi người hãy ngồi xuống rồi nói tiếp :

– Việc này hãy để chờ đợi lão thất lão bát về đã, rồi anh em chúng ta hãy thương lượng sau, hà tất phải ồn ào như thế.

Nói xong ông ta lại gượng cười nói với Võ Di bà bà tiếp :

– Xin thân gia bá mẫu đừng có chê cười!

Long Uyên thấy sắc mặt của đại bá phụ nhợt nhạt, sợ ông ta qua khích động mà đau thêm liền khuyên rằng :

– Đại bá phụ hãy trở về phòng nghỉ ngơi trước, việc này chờ tới khi cha con về bàn lại cũng chưa muộn.

Chí Lễ nhìn chàng mỉm cười liền dặn mẹ chàng tiếp rước hai bà cháu Võ Di bà bà rồi xin lỗi Bà bà một tiếng và tuyên bố bảo các người về phòng, tạm thôi đừng quấy nhiễu hai bà cháu Phong Lan với Long Uyên vội. Ông ta dặn bảo xong liền bảo Long Uyên khiêng mình về phòng.

Long Uyên chỉ khẽ nâng một cái cả người lẫn ghế của ông ta đã lên cao rồi và nói rằng :

– Đại bá phụ, Uyên nhi đưa bá phụ về phòng nào!

Nói xong, chàng liền bưng Chí Lễ đi về phòng ngay. Các bá phụ bá mẫu cũng lần lượt chào Võ Di bà bà về phòng hết.

Lúc ấy trong khách sảnh chỉ còn Võ Di bà bà với Phong Lan và các bá mẫu của Long Uyên. Các vị bá mẫu ấy cứ quấn lấy hai bà cháu nàng hỏi thăm luôn miệng.

Long Uyên bưng Chí Lễ về phòng rồi lại tới các phòng khác hỏi thăm các vị bá phụ kia.

Chàng rất thạo về y lý vội thăm mạch và kê đơn hốt thuốc chữa cho mấy vị bá phụ bị đau ấy, nhưng có một điều khiến chàng nhức óc nhất là ba vị bá phụ lớn tuổi nhất đều ngoài bảy mươi, nguyên dương chân khí đã kiệt không khác gì một ngọn đèn đã cạn dầu, như vậy dù ba vị ấy không có bệnh cũng chẳng sống được bao nhiêu lâu, nên chàng lo âu vô cùng.

Sau chàng mới nghĩ ra mình có đem theo Xích Long hoàn về nhưng đã chia cho Vân Tuệ mấy viên và bây giờ trong người của chàng chỉ còn có một viên cuối cùng thôi. Viên thuốc ấy chỉ đủ cho một người uống và người nào được uống viên thuốc đó thì sống thêm được mười năm, nếu chia ra thì mỗi người chỉ sống thêm có ba năm nữa thôi. Vì vậy chàng phân vân khó xử hết sức. Chàng liền đi ra ngoài khách sảnh.

Lúc ấy trời đã sắp tối mà các bá mẫu còn giữ bà cháu Võ Di bà bà ở đó chuyện trò, chàng rất tức cười nhưng không dại gì lại đâm đầu vào chỗ đó để cho mọi người giữ mình lại hỏi vu vơ. Nên chàng vội giở khinh công ra lướt qua đại sảnh lên ngay trên lầu.

Phong Lan bị các bà cụ hỏi han đang nhức đầu váng óc ngẫu nhiên nhìn lên trên lầu thấy Long Uyên đang cúi đầu nhìn xuống như là một vị cứu tinh vậy, nàng vội gọi :

– Long đại ca!

Các vị bá mẫu của Long Uyên nghe thấy Phong Lan gọi như vậy đều ngẩng đầu nhìn.

Long Uyên kêu khổ thầm, không thể nào chạy thoát được đành phải đi xuống chào bảy vị bá mẫu.

Chí Tri phu nhân ôm lấy chàng và nói :

– Long nhi, con đi ra ngoài một năm tuy không cao hơn trước mấy nhưng đã học được bẻm mép.

Long Uyên đang định cãi lại thì các bá mẫu khác đã chạy lại xúm quanh chàng. Chí Đạt phu nhân xen lời nói :

– Lão thất, Uyên nhi không phải là con của một mình thím đâu, tại sao thím lại cứ ôm chặt con nó làm chi?

Phong Lan với Võ Di bà bà thấy các bá mẫu của Long Uyên coi chàng như đứa bé lên ba tranh cướp nhau để ẵm, cả hai bà cháu đều lấy làm ngạc nhiên và bụng tức cười thầm.


Đang lúc Long Uyên bị các bá mẫu tranh nhau lôi kéo và ôm ẵm khiến chàng khó chịu hết sức thì Chí Tri với cha chàng đã về tới, thấy vậy chàng mừng rỡ không khác gì đã gặp được cứu tinh vậy.

Các vị phu nhân nghe thấy em chồng đã về đều phải đứng sang hai bên nhờ vậy Long Uyên mới thoát thân chạy lên vái chào cha và thất bá.

Thất bá phụ của chàng là người rất văn vẻ, ăn vận lối nho sinh trông không có vẻ gì là già hết. Chàng vừa lấy làm lạ và mừng thầm, Chí Tri vừa đỡ Long Uyên dậy vừa nói :

– Uyên nhi, chuyến này con về lại còn đem theo một người đẹp như thế này thật con tài ba và sành mắt lắm.

Phong Lan nghe thấy bá phụ của chàng nói như vậy hổ thẹn vô cùng mặt đỏ bừng.

Ngờ đâu Chí Tri chưa nói xong thì vợ của ông ta đã xen lời nói :

– Thất ca chỉ biết khen ngợi thôi, chứ không nghĩ Uyên nhi chỉ mang có một người vợ về, vậy bây giờ biết làm sao mà phân ra?

Chí Tri nhìn Phong Lan một cái rồi cười ha hả đáp :

– Cô dâu này thực là một trăm vạn người chưa chắc đã lựa ra được một người lại vừa đẹp lài vừa tài ba như thế này. Uyên nhi với cô ta thực là nam tài nữ sắc, hợp đôi vừa lứa.

Chí Lễ phu nhân vội hỏi :

– Thất thúc đi mua thuốc chẳng hay đã mua được chưa?

Chí Chi đáp :

– Đại tẩu cứ yên tâm, có Uyên nhi về tới thì việc gì cũng xong hết và bệnh của đại ca thế nào cũng khỏi ngay.

Lúc ấy trời đã khuya, các bá mẫu liền lần lượt cáo từ về phòng.

Thị tỳ dọn cơm ra, cha mẹ Long Uyên liền mời Bà bà với Phong Lan vào bàn ăn.

Cơm nước xong, Chí Dũng phu nhân đưa Bà bà với Phong Lan lên lầu nghỉ ngơi, trong đại sảnh chỉ còn lại Chí Tri với Chí Dũng và Long Uyên thôi.

Long Uyên được biết thất bá đã mua được đủ các thứ thuốc về chữa cho các bá phụ, chàng mừng rỡ vô cùng và chàng cũng lấy Xích Long hoàn ra đưa cho Chí Tri và nói :

– Thưa thất bá phụ, viên thuốc này để cho ba vị bá phụ dùng, mỗi vị có thể sống thêm được ba năm.

Nói tới đó chàng có vẻ buồn rầu.

Chí Dũng thấy vậy liền khuyên con rằng :

– Con đừng buồn rầu làm chi, mấy vị bá phụ của con không yên tâm nhất là vấn đề thừa tự, cho nên mấy vị ấy chỉ mong trông thấy con lấy vợ và sinh con đẻ cái là an ủi lắm rồi.

Long Uyên đáp :

– Cha với thất bá cứ yên tâm, thế nào con cũng không để cho quý vị bề trên thất vọng.

Nhưng chàng nói tới đó mới sực nghĩ tới lời cha bảo mình lấy vợ đẻ con sinh cái nên chàng ngượng không dám nói nữa. Chí Tri thấy vậy cười ha hả xen lời nói :

– Uyên nhi, con khỏi phải lo âu, bá phụ xem số của con biết con thế nào cũng có tám chín người vợ chứ không sai.

Long Uyên nghe thấy bá phụ nói như vậy chàng liền giật mình kinh hãi, nhưng chàng không dám cải, chàng cảm thấy bây giờ mình đã có Vân Tuệ và lại thêm Phong Lan nữa, như vậy là đã quá đáng rồi, làm sao mà còn lấy được thêm bảy tám người vợ như thất bá vừa nói.

Chí Tri thấy chàng suy nghĩ liền đứng dậy cáo từ và nói :

– Hôm nay chắc Long Uyên mới về nhà mỏi mệt lắm, hãy đi nghỉ đi và có chuyện gì chúng ta hãy bàn sau.

Nói xong ông ta về phòng ngay, cha con Long Uyên cũng lần lượt đi nghỉ.

Về tới phòng ngủ Long Uyên vén màn lên thấy trong giường có bày la liệt chín con búp bê bằng ngọc, chàng ngạc nhiên vô cùng, liền cầm một con lên vạch áo ra xem, thấy trên lưng có đề chữ “Lễ”. Chàng vội xem tám con búp bê kia mới hay con nào ở sau lưng cũng đều có chữ hết, và mỗi con đại diện cho một bá phụ. Còn một điều khiến chàng ngạc nhiên nhất là ngoài những búp bê đó lại chín con búp bê gái nữa. Chàng thắc mắc không hiểu cứ đứng ngẩn người ra để nhìn những búp bê ấy và cũng nghĩ thầm rằng :

– “Chẳng lẽ các vị bá bá cố ý xếp đặt như vậy. Nhưng tại sao…”

Lúc ấy cửa phòng bỗng hé mở và có một thiếu nữ tuyệt đẹp lẳng lặng bước vào. Nàng ta trông thấy hình dáng của chàng như vậy cũng phải phì cười.

Long Uyên nghe thấy tiếng cười giật mình kinh hãi vừa ngẩng đầu lên đã thấy một thiếu nữ lạ mặt đứng phía sau. Sắc đẹp của nàng không kém gì Phong Lan.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.