Đọc truyện Quái Khách Muôn Mặt – Chương 2: Tai họa biến thành hạnh phúc
Uyên nhi tay vẫn nắm chặt chân bàn không buông ra tới khi nó cảm thấy người mình va chạm vào một vật cứng, lại bắn lên trên cao và văng ra xa. Khi rớt xuống cả người lẫn bàn đều rơi xuống mặt nước và chìm lỉm luôn.
Nó kêu ối một tiếng, nhưng vừa há mồm ra là bị uống luôn hai ngụm nước bể. Một lát sau, nó lại thấy người từ từ nổi lên trên mặt nước. Khi nó thấy đầu đã nhô lên ngoài mặt nước rồi, mới mở mắt ra nhìn. Nó thấy mình đang lênh đênh trên mặt bể, bốn bề là trời nước mênh mông.
Nó thấy phía đằng trước cách đó không xa, có một cù lao lớn, cao chừng hai mươi trượng, có những mảnh ván vỡ nổi lênh đênh và có vài mảnh ván rơi trên những tảng đá cạnh cù lao kia nữa.
Nó cố bò lên mặt bàn, rồi ngồi ngày chỗ giữa, nó quay đầu lại nhìn và hoảng sợ đến mất hết hồn vía. Thì ra chỗ phía đằng sau cách nó mười trượng có một con lá lớn nổi lên, lưng nó như một cái núi nhỏ và đầu nó đang phun một vòi nước rất cao, hai mắt nó to như hai cái chậu rửa mặt đang lóng lánh nhìn nó. Thỉnh thoảng con cá ấy há hốc mồm như muốn đớp nó vậy, vì thân cá quá lớn, phần bãi biển cạn và bên dưới cách xa bờ lại có nhiều đá ngầm, vì vậy nó cứ bơi quanh ngoài khơi cách xa hơn mười trượng nên không làm hại Uyên nhi được.
Uyên nhi không biết việc đó nên hoảng sợ. Nhưng rồi dần dần, gió thổi tạt Uyên nhi vào gần bờ. Nó còn ít tuổi, chưa biết chèo thuyền lần nào và vì quá lo sợ nên chỉ còn cách vài mươi thước nữa tới bờ, mà nó không biết làm sao bơi tới.
Nó hoảng sợ toát mồ hôi. Bỗng có tiếng khua “cộc” rất lớn, cái bàn nó đang ngồi bị động mạnh, rồi bay thẳng về phía trước mấy thước. Suýt tí nữa nó rơi xuống bể. Nó nhìn xuống rất ngạc nhiên vì có đàn cá đang bơi và chân bàn đã bị lũ cá gặm gãy hết.
Y thầm lo ngại, nếu một con cá to nào đó nhô lên đúng ngay mặt bàn lật nó xuống nước, ắt nó chết thê thảm, vì sẽ bị lũ cá này chia nhau gặm xé tan nát thân thể.
Vừa kinh sợ vừa đưa mắt nhìn chung quanh, bỗng thấy gần đó có một tảng đá lớn nhô lên khỏi mặt nước chừng năm thước, nhưng từ chỗ nó tới đó cách chừng bảy thước thì làm sao mà tới được?
Đang do dự, đột nhiên nghe “kẹt” nó càng run sợ vì mặt bàn đã bị con cá lưỡi cưa đâm thủng một lỗ, suýt tí nữa tay nó cũng bị lưỡi cưa ở mồm cá cưa phải. Nó quá sợ không kịp suy nghĩ, vội đứng dậy, tung mình nhảy về phía tảng đá trước mặt.
Nó thầm ước muốn nhảy tới gần rồi giơ tay nắm được mé đá là có thể leo trên liền. Ngờ đâu, nó vừa tung mình nhảy đi, người nó đã bay lên cao hơn năm trượng, và vượt qua tảng đá đó rất xa, nên nó lấy làm kinh hãi và ngạc nhiên không hiểu tại sao mình lại biết võ công như vậy.
Nó thấy chỗ mình sắp rơi xuống lại là mặt nước nên hoảng sợ vô cùng, vội cử động hai cánh tay và chân đạp lung tung. Nhờ vậy người nó lại văng về phía trước mấy thước và rơi xuống một tảng đá nho nhỏ ở gần đó.
Tuy không biết võ công là gì, nhưng khi nó múa tay đập chân, ngờ đâu lại hợp với một thể thức của khinh công, như vậy nó mới bắn được ra xa mấy thước như thế, nhưng khi đụng chân xuống mặt đá vì không biết võ công nên nó ngã sóng soài ra đó liền.
Tuy đau đớn một chút, nhưng còn hơn là rớt xuống nước bị cá đớp. Nó bò dậy đưa tay đưa tay thoa bóp, chỗ đau ở trán, hai khuỷu tay và hai đầu gối, sau đó vài phút, nó cảm thấy bớt đau nên lồm cồm ngồi dậy, nó ngẩn người ra nghĩ ngợi. Câu chuyện vừa xảy ra như một giấc mơ, vì trước kia nó rất thích nhảy nhót, nhưng nhảy cao lắm cũng không đầy năm thước, lần này ngờ đâu lại nhảy cao được đến thế và tựa như bay vậy.
Nghĩ ngợi mãi mà không tìm ra được nguyên nhân. Nó không suy nghĩ nữa, và hiện thấy mình ngồi trên một tảng đá bơ vơ, nó cảm thấy buồn, lại muốn nhảy sang một tảng đá khác.
Đã kinh nghiệm lần trước và nó cũng tự tin là mình có thể nhảy xa được nên lần này, nó rất cẩn thận tung mình nhảy lên, hai chân hơi co lại, hai tay nắm chặt đưa về phía sau phi luôn sang một tảng đá lớn cách đó hơn hai trượng.
Lúc hạ chân xuống nó vẫn bị té ngồi xuống, chứ không sao đứng vững như những người khác. Tuy vậy nó đã mừng rỡ khoái chí vô cùng. Hòn đá mà nó vừa nhảy tới đó rất to lại bằng phẳng. Nó lại thấy gần đấy có một cái hòm sắt nằm yên ở đó.
Vội chạy xem kỹ. Nó ngạc nhiên vì đó chính là cái hòm sắt đã thấy trong hang động kỳ lạ trước kia. Nó không ngờ lúc nó bị thổi bay, hòm sắt ấy cũng bay tới đây.
Nó lôi cái hòm sắt tới giữa tảng đá, để làm ghế ngồi suy nghĩ vẩn vơ và nhìn trời nước mênh mông.
Nó lại thấy con cá to như hòn núi vẫn bơi đi bơi lại ngoài khơi, cách chỗ nó ngồi hơn ba mươi trượng, và dưới bể chỗ gần nó, một đàn cá lớn đang lượn qua lượn lại.
Mặt trời đã về phía tây, màu đen tối nuốt dần không gian. Nó nghĩ thầm :
– Ta làm gì bây giờ đây? Không biết trên cù lao lớn kia có người hay không? Gần đây có thuyền nào không? Hà… Nếu ta trông thấy một chiếc thuyền nào ta phải cố kêu la cầu cứu yêu cầu họ đưa ta về nhà.
Nó nghĩ tự nhiên bỏ nhà ra đi như thế này chắc cha mẹ và các bác thế nào cũng nhớ thương nó lắm.
Bao nhiêu ý nghĩ trôi qua trong đầu óc Uyên nhi. Rồi nó lẩm bẩm :
– Không! Ta không về nhà, các bác nghiêm khắc, không tự do, nếu ta trông thấy thuyền, ta yêu cầu họ cứu ta nhưng ta không nói chỗ ta ở. Như vậy họ không biết ta ở đâu và sẽ giữ ta lại trên thuyền, suốt ngày được đi đây đi đó, sung sướng biết bao.
Nó ngồi dậy đã lâu rồi, tự dựng đôi mắt nó thấy con cá lớn kia vẫn không chịu đi, nên nó ngạc nhiên vô cùng :
– Cá này là cá gì? Sao to như vậy, tại sao nó bơi quanh đây không chịu đi nơi khác và cứ trơ mắt nhìn ta như vậy? Nếu mi không chịu đi, người ta trông thấy mi, thì làm sao ai dám bơi thuyền đến đây cứu ta.
Nghĩ tới đó, nó lại thấy đói khát, liền móc túi lấy trái hạt châu để ăn.
Ngờ đâu vừa mở gói hạt châu ra, ánh sáng đỏ đã chói lọi liền, con cá lớn ở trong bể trông thấy ánh sáng hạt cháu liền há hốc mồm đớp liên tiếp và kêu “u… u…” hoài. Hình như nó đang giận dữ vô cùng, cho nên vòi nước của nó phun ra lại càng cao và lớn hơn trước nhiều.
Thỉnh thoảng còn có một ít nước bắn tới người Uyên nhi nữa.
Những vòi nước đó tuy mạnh thật, nhưng vì cách Uyên nhi quá xa nên không làm gì nổi thằng nhỏ, trái lại chỉ làm cho những cá bơi gần đó, bị dập vào đá chết tươi thôi.
Uyên nhi thấy vòi nước của con cá đó không làm gì được mình, trong lòng mới yên. Nó trông thấy những đợt sóng bởi vòi nước đó gây nên như loạt núi một đổ tới dồn dập. Nó không những không sợ hãi, trái lại còn vỗ tay khen đẹp là khác.
Trời tối đến mặt trăng ở phía đông cũng từ từ lên cao, những vì sao lần lượt nhô lên. Nhưng lạ thật Uyên nhi không cảm thấy trời tối chút nào, trong mắt nó lúc nào trời cũng sáng tỏ như ban ngày. Trời tối như thế, nó chỉ không trông thấy mặt trời và ánh nắng chiếu xuống thôi, còn bốn bề chung quanh vẫn sáng tỏ như ban ngày vậy.
Nó ngạc nhiên vô cùng, tưởng mình tới một thế giới nào khác vậy, chứ có biết đầu vì ăn những trái hạt châu đỏ, vì hai mắt lại dính phải nước trong hai châu rồi, nên mới thấy sáng như thế.
Sự thật trái hạt châu đỏ mà nó đã ăn đó là Quỳnh Châu nghìn vạn năm chưa chắc người ta đã được gặp và cũng là tinh huyết của con cá lớn cứ bơi quanh đó không chịu đi hóa thành.
Thì ra Uyên nhi ngủ say, chiếc thuyền của nó đột nhiên gặp phải một con cá Kình. Con cá này đã sống hơn chín nghìn năm, mình mẩy của nó to không thể tưởng tượng được. Lúc ấy nó đang nghịch nước và kiếm ăn, ngẫu nhiên há miệng ra đớp một cái, ngờ đầu lại nuốt phải chiếc thuyền nhỏ của Uyên nhi vào trong dạ dày.
Khi Uyên nhi thức tỉnh, trông thấy cái động đó chính là dạ dày con cá.
Mỗi khi cá ông nuốt những cá nhỏ vào trong dạ dày rồi, vách dạ dày rỉ ra những nước chua để hóa những thức ăn đó thành một chất nước đặc rồi đổ vào trong ruột già. Cái hang động nho nhỏ ở phía đằng sau mà Uyên nhi trông thấy chính là miệng ruột già của con cá.
Nước chua của con cá có công dụng làm cho xương thịt của các loài vật tan rã, nên lúc đầu cánh tay của Uyên nhi bị nhỏ trúng một giọt, nó mới thấy đau nhức buốt xương là thế.
Cũng may nó nằm ở trong khoang thuyền, nước chua đó không sao thấm qua được ván cây, nên nó mới thoát chết.
Còn những hạt châu đỏ kia là những trái kết tinh tinh huyết của con cá ông này, mỗi nghìn năm mới luyện thành được một trái.
Nếu con cá voi sống lâu vạn năm thì trong người nó có mười trái kinh châu, và chỉ sống thêm nghìn năm nữa, những Kình châu ấy cứng như đá biến thành nội đơn. Lúc bây giờ nó có thể hóa thân biến thành rồng liền.
Con cá voi này đã có chín trái Kình châu, như vậy đủ biết nó đã sống trên chín nghìn năm rồi, chỉ còn một nghìn năm nữa là nó thành rồng liền.
Ngờ đâu số của Uyên nhi lại may mắn ăn được ngót năm trái Kình châu, tất cả vì vậy thể chất của nó biến đổi rất lớn.
Những uế tục khí trong người đều hóa hết, hai trăm bảy mươi chín yếu huyệt to nhỏ đều được đả thông và luồng hơi nóng của hạt châu hóa thành tiềm phục ở trong người nó. Sau này nếu nó được minh sư chỉ điểm võ công cho, nó sẽ học một tiến mười, người nhẹ sức khỏe, chân khí của nó sẽ vận dụng được hóa vô hình thành hữu hình và bất cứ luyện tập môn nào nó chỉ luyện tập một năm nhưng sự thành công của nó bằng người thường hai mươi năm luyện tập.
Ngoài ra nước của hạt châu ấy còn có một công dụng làm cho sáng mắt nữa. Người thường chỉ bôi một chút ít nước đó lên trên mắt, cũng có thể đi trong bóng tối như là đi lúc ban ngày vậy. Nếu người khổ luyện võ công tinh thông huyền công mà bôi một tí nước này lên mắt, có thể nhìn suốt qua những tầng mây và có thể trông thấy được những cảnh vật ngoài xa trăm dặm.
Uyên nhi mơ màng trải qua những kỳ hiểm đó mà lại ngộ kỳ duyên như vậy.
Con cá ông ấy nuốt chiếc thuyền nhỏ, không những không tiêu hóa nổi mà còn mất mát những kỳ báu như vậy thì làm sao mà nó không tức giận được. Lúc bấy giờ nó chỉ đủ năng lực vận động những Kình châu làm tiêu hóa những thức ăn ở trong bụng thôi, chứ nó chưa đủ tài ba dùng ý mà sai khiến những hạt châu ấy.
Sau Uyên nhi ngẫu nhiên kiếm thấy cái đinh ba xuyên cá, muốn thử xem vách động là vật gì mà lạ, biết rung động như thế, nó liền lao cái chĩa ba đó lên sâu ngập nửa cán, khiến con cá Kình đau nhức chịu không nổi.
Trong khi nó đau nhức, cá liền vận sức nôn chiếc thuyền nhỏ ấy ra. Chiếc thuyền liền bắn về phía chỗ có những hòn đá lởm chởm. Vì vậy thân thuyền mới bị vỡ ra làm muôn mảnh nếu Uyên nhi không nắm chặt lấy cái bàn, thì nó không chết đuối cũng bị cá mập và cá dao ăn thịt rồi.
Gió bể càng lúc càng lớn! Những đợt sóng đánh vào thành đá, gây ra những tiếng ầm ầm như tiếng sấm động.
Lúc bấy giờ trăng đã lên tới đỉnh đầu. Nếu tính giờ có lẽ lúc đó đang là nửa đêm. Lúc ấy tuy Uyên nhi không thấy lạnh nhưng nó ghét những luồng gió to kia, vì gió bể bao giờ cũng mạnh hơn ở trên bờ, nếu nó không nắm chặt cái hòm sắt thì có lẽ nó bị gió thổi đi xa mấy lần rồi.
Cũng vì vậy, nó buồn ngủ mà không dám nhắm mắt lại ngủ, sợ bị gió thổi rớt xuống bể. Nó trợn to đôi mắt ngắm nhìn bốn bề chung quanh, lòng mong trông thấy có chiếc thuyền nào xuất hiện.
Quả nhiên nó bỗng thấy phía bên phải của cù lao đá đen kia bỗng có một chiếc thuyền buồm xuất hiện.
Uyên nhi không biết thuyền còn cách mình bao xa, vội đứng dậy múa chân múa tay kêu la cầu cứu.
Từ khi ăn mấy trái Kình châu rồi, trung khí rất sung túc, nên tiếng kêu của nó có thể đi xa chừng mười dặm. Nhưng chiếc thuyền đó cách xa hàng bảy tám chục dặm thì người trên thuyền làm sao mà nghe thấy tiếng kêu của nó được!
Uyên nhi kêu gào luôn mấy chục tiếng nhưng chiếc thuyền nọ vẫn đi thẳng không quay về hướng mình và một lát sau thuyền đó đã mất dạng.
Uyên nhi thất vọng vô cùng.
Nó đang nản chí ngồi xuống, thì bỗng nghe trên đỉnh núi cao hơn hai mươi trượng và rộng mấy chục mẫu, ở phía đằng sau có một giọng nói rất thánh thót vọng xuống.
– Này ai ở bên dưới kêu la om sòm thế, người có phải bị nạn đấy không?
Uyên nhi nghe nói mừng rỡ vô cùng, quay người và ngẩng đầu nhìn lên trên đỉnh núi. Quả nhiên nó trông thấy một nàng mặc áo trắng đang đứng ở khe núi lởm chởm trên đỉnh cù lao.
Nàng nọ đứng trên đỉnh non cao, quần áo bị gió bể thổi bay phất phới tựa như một nàng tiên đẹp tuyệt trần, thiếu nữ có một bộ tóc vàng úa và dùng một cái khăn trắng cột chắc mớ tóc đó xõa xuống ngực, dài tới eo lưng.
Uyên nhi thấy vậy thắc mắc vô cùng bụng bảo dạ rằng :
– Có lẽ cô nương này không phải là người, người gì mà tóc lại vàng như thế? Thiếu nữ nọ không thấy nó trả lời lên tiếng hỏi tiếp :
– Này sao người kia không nói gì? Ngươi ở đâu thế?
Uyên nhi nghe nói nghĩ thầm :
– Có lẽ cô nương này mù. Ta trông thấy cô ta rõ mồn một mà, sao cô ta lại không thấy ta!
Nghĩ đoạn nó múa hai tay và la lớn :
– Đại tỷ! Tôi ở đây, đại tỷ có trông thấy tôi không?
Cô nương nọ hình như kêu “ủa” một tiếng rồi nói tiếp :
– Người trông tôi ư? Sao tôi không trông thấy người ở đâu hết vậy?
Uyển Nhi nghe nàng từ nói như vậy, nghĩ tiếp :
– Nếu cô này không cận thị thì cũng mù chứ không sai.
Nghĩ đoạn nó liền lấy hai trái Kình châu ra cầm nơi tay khua động và hỏi tiếp :
– Đại tỷ, tôi ở đây, mau cứu tôi lên trên ấy đi.
Trong bóng tối, hai trái Kình châu chiếu ra hai khối ánh sáng đỏ như hai cái đèn lồng, và chung quanh nó hơn trượng đều sáng tỏ. Thiếu nữ đứng ở trên khe núi hình như đã trông thấy Uyên nhi rồi, liền kêu “ối chà” một tiếng và nói tiếp :
– Ủa! Thế ra cậu là em nhỏ đấy à? Sao lại phiêu lưu tới đây thế? Cậu đừng sợ, tôi sẽ xuống cứu cậu lên, ngoan ngoãn đợi chờ coi chừng trượt chân té xuống nước nhé!
Uyên nhi thấy thiếu nữ ấy sốt sắng như vậy, cảm động vô cùng, lẳng lặng ngồi xuống đợi cô xuống cứu.
Con cá ông ở ngoài bể trông thấy Uyên nhi lấy Kình châu ra lại há mồm thật lớn kêu “u… u…” hoài. Đồng thời nó cứ phun nước liên tiếp, vòi nước nó vừa cao, vừa mạnh như là trời long đất lở vậy.
Uyên nhi biết nó không sao bơi gần được nên không thèm đếm xỉa tới, cứ đưa mắt nhìn chung quanh, tìm kiếm xem có thấy hình bóng của thiếu nữ tóc vàng tới cứu mình không?
Độ nửa tiếng đồng hồ sau nó đã thấy phía trái có một chiếc thuyền nho nhỏ dài hơn trượng, rộng chừng ba thước từ từ bơi tới. Thiếu nữ tóc vàng ngồi ở trên thuyền, hai tay cầm hai cái dầm bơi rất lão luyện xuyên qua những tảng đá lởm chởm và đi nhanh như tên bay.
Uyên nhi trông thấy nàng mừng rỡ vô cùng, vội đứng dậy gọi :
– Đại tỷ! Em ở đây này!
Nó vừa nói dứt thì chiếc thuyền nhỏ đã tới bên cạnh. Thiếu nữ nọ để hai cái mái dầm xuống, tay cầm một sợi dây thừng, không thấy nàng nhún nhảy gì hết mà người đã phi lên trên tảng đá, đứng trước mặt Uyên nhi rồi.
Thiếu nữ trông thấy Uyên nhi trắng trẻo xinh đẹp như một tiên đồng ngạc nhiên vô cùng, vội giơ hai cánh tay nõn nà ra vỗ vai Uyên nhi cười hỏi :
– Em nhỏ tên là gì thế? Sao lại lưu lạc đến đây?
Uyên nhi hai tay bận nắm hai hạt Kình châu có ánh sáng đỏ chiếu vào mặt nàng nọ, nó thấy nàng ta tuổi chừng mười bốn mười lăm, da trắng như tuyết mày ngài nhưng màu vàng thẫm, đôi ngươi xanh biếc, khác hẳn người thường lại thêm đôi môi đỏ, răng vừa trắng vừa đều, với mớ tóc vàng phủ bờ vai trông đẹp vô cùng. Nhất là hai má lúm đồng tiền, mỗi khi nàng nói và cười càng tăng thêm vẻ đẹp.
Uyên nhi thấy nàng quá đẹp, cứ đứng ngẩn người ra nhìn và quên cả lời hỏi của nàng.
– Em nhỏ sao em không nói năng gì, em đói ư?
Lúc ấy, Uyên nhi mới tỉnh ngộ lắc đầu tỏ vẻ không đói, nhưng hai mắt vẫn nhìn mặt nàng cười khúc khích đáp :
– Đại tỷ đẹp thật!
Thiếu nữ tỏ vẻ hổ thẹn nhưng lại nhìn thẳng vào mặt Uyên nhi và nói tiếp :
– Em chả đẹp trai là gì! Hà, em không rét ư! Mau theo chị về, muốn gì chờ về đến nhà rồi hãy nói.
Nói xong nàng ôm Uyên nhi lên, một tay ôm cái hòm sắt nhẹ nhàng nhảy xuống thuyền. Lạ thật, nàng ẵm Uyên nhi và ôm cái hộp sắt nặng như thế mà khi xuống tới thuyền thân thuyền không hề xao động một chút nào. Như vậy đủ thấy khinh công của cô ta đã luyện tới mức thượng thặng rồi.
Nhưng lúc ấy Uyên nhi không biết cái gì là khinh công chỉ thấy nàng ta nhảy như vậy mà thuyền không chòng chành thì rất lấy làm lạ thôi. Nó chỉ thấy lạ và thích thú thôi, chứ không sợ hãi gì hết, trái lại còn muốn dò biết căn bản của thiếu nữ nọ.
Thiếu nữ ngồi xuống, đặt Uyên nhi ngồi ở trong lòng, hai tay cầm hai cái dầm khẽ bơi mấy cái, chiếc thuyền quay đầu đi luôn.
Trong lúc đi đường thiếu nữ hỏi tên họ của Uyên nhi và hỏi tại sao lại lạc tới đây. Uyên nhi biết được những gì thì nói cho cô ta nghe thế.
Thiếu nữ nghe Uyên nhi kể như vậy thì kinh ngạc vô cùng Nàng cũng không hiểu quái động gì mà biết chảy máu, biết rung động và có nước chua chảy ra như thế. Cho nên nàng không sao giải thích cho Uyên nhi được và chính nàng thắc mắc vô cùng. Sự thật nàng cũng không rõ Uyên nhi nói thật hay là nói dối. Nhưng nàng thấy vẻ mặt của Uyên nhi thật thà và tay lại cầm Kình châu như vậy, khiến nàng phải tin.
Thế rồi nàng ngẫm nghĩ một lúc rồi thở dài đáp :
– Việc này chị cũng không biết rõ, nếu sư phụ của chị còn sống, thì thế nào chị cũng biết ngay. Hà, tiếc thay năm năm trước đây ông ta đã khuất núi rồi.
Uyển Nhi ngồi trong lòng của thiếu nữ, mùi thơm dìu dịu phảng phất làm cho nó ngất ngây. Nó tựa về phía sau, thân người nàng mát dịu làm cho Uyên nhi nghe dễ chịu. Thiếu nữ nọ tiếp :
– Em phải ngồi cẩn thận, sắp vào trong hang rồi, muốn nói gì để về tới nhà hãy hay.
Uyên nhi đã thấy chiếc thuyền nhỏ ấy tiến thẳng vào một vách núi cao chót vót. Nó ngạc nhiên vô cùng, sao nàng ta lại bơi thuyền vào trong vách núi như vậy, thì làm sao có chỗ lên xuống. Nhưng nó chưa kịp nghĩ thì thấy thuyền đã chui vào một cái hang động tối om. Sở dĩ nó thấy hơi tối là vì đang ở ngoài sáng mà chui vào trong đó ánh sáng khác hẳn, nhưng nó vẫn trông thấy rõ mồn một.
Nó thấy thủy động đó hình như rất dài và quanh co khúc khuỷu, nên đi mãi, vẫn chưa thấy đi hết hang động.
Đi được một quãng khi thuyền quẹo sang bên thì nó thấy trên đỉnh hang có treo một ngọn đèn dầu, ánh sáng vàng lờ mờ tỏa ra.
Hình như cô nương này rất quen thuộc đường lối của động nên dù đi nhanh như vậy mà thuyền không giảm bớt tốc lực chút nào.
Thủy động càng đi càng sâu, càng vào càng rộng và đỉnh động cũng càng lúc càng cao.
Không bao lâu đã ra khỏi động đó, nó thấy trước mặt là một cái đầm lớn, đầm này hình tròn rộng chừng một mẫu, nước trong đầm trong suốt, cá bơi đi bơi lại trông thật rõ ràng. Trên bờ đầm có mấy chiếc thuyền nhỏ và lớn.
Thuyền vào đến trong đầm, Uyên nhi tưởng tượng như lạc vào tiên cảnh, nhìn tả nhìn hữu hoài, vì những cảnh tượng kỳ lạ trong đầm này làm cho nó ngạc nhiên vô cùng.
Thì ra những vách núi quanh đó cây cối um tùm và có rất nhiều hoa thơm cỏ lạ! Trong bụi cây ở phía động trước có những nhà cửa như ẩn như hiện lộ ra chứ không trơ trọi như những vách núi bên ngoài. Vì vậy Uyên nhi mới ngạc nhiên ngắm nhìn như trên. Không những thế hai bên sườn núi ở hai phía động lại có mấy chục mẫu ruộng, lúa trong ruộng đang mọc cao và sắp chín.
Uyên nhi càng xem càng lấy làm lạ vội hỏi :
– Đại tỷ, những ruộng kia có phải một mình chị cấy đấy không?
Thiếu nữ nọ lắc đầu rồi ghé thuyền vào bờ, rồi dắt tay nó, nhảy lên và vừa đi vừa đáp :
– Ruộng đó không phải chị cấy đâu, những người kia cấy đấy!
Nói xong, nàng chỉ những dãy nhà trong rừng thông ở phía đằng trước, rồi nàng vác hòm sắt dắt tay Uyên nhi sang phía nam.
Bốn phía đầy những hoa thơm cỏ lạ. Mùi thơm theo gió thổi tới, khiến Uyên nhi dễ chịu hết sức. Ngoài ra, nó lại còn thấy những trái cây ở trên những cành cây gần đó rất sai và gần như sắp chín cả, nên nó thèm nhỏ dãi nhưng không tiện lên tiếng đòi hái một vài trái ăn.
Thiếu nữ đã biết ý mỉm cười nói :
– Em đói rồi phải không? Khỏi lo, lát nữa về đến nhà chị còn có những thức ăn ngon lành hơn.
Uyên nhi hổ thẹn, hai má đỏ bừng, nhưng cố ý nói sang chuyện khác để chữa thẹn :
– Đại tỷ quý danh là gì? Nơi đây là đâu? Sư phụ của đại tỷ là ai?
Nó hỏi một thôi, một hồi, khiến thiếu nữ phải phì cười rồi đáp :
– Em nhỏ nóng nảy thế? Đã bảo chờ lát nữa khi đến nhà chị sẽ nói cho em biết liền.
Uyên nhi thấy nàng ta nói như vậy không tiện hỏi nữa cứ lẳng lặng đi, một lúc sau hai người đến trước một căn nhà xinh đẹp. Nhà ấy xây ở trên đỉnh núi và xây bằng đá trắng Vừa đẩy cửa vào, hai người đã tới ngay đại sảnh, giữa sảnh có treo một ngọn đèn. Những đồ đạc bàn ghế trong sảnh đều làm bằng đá xanh. Trên vách nơi chính giữa có treo một bức tranh trên vẽ một ông già tuổi trạc năm mươi. Mặt mũi rất cổ kính và đạo mạo, nghênh ngang đứng trước một cây thông trông có vẻ nghiêm nghị. Trên đầu bức tranh có để chữ: “Tiên sư Cô Độc Khách di tượng”.
Phía dưới bức ảnh đề: “Đệ tử Vân Tuệ kính họa”.
Hai bên lại có một đôi câu đối, chữ viết rất đẹp, nét bút già dặn.
Câu trên :
“Đang vấn thứ tâm vô xạ tầm”
(Chỉ cần biết mình không hổ thẹn với lương tâm).
Câu dưới :
“Họ thượng đồ tận thiên hạ nhân”
(Có giết sạch người thiên hạ cũng không ngại).
Uyên nhi được bác bảy dạy bảo cho thi từ, nên nó vừa đọc đôi câu đối câu đối này là hiểu nghĩa ngay, giật mình kinh hãi và bụng bảo dạ rằng :
– Sao người viết câu đối này lại hung dữ đến thế.
Nghĩ đoạn nó thấy chỗ dưới bức ảnh ký tên: “Cô Độc Khách tự tỉnh”.
Uyên nhi sinh trưởng ở một gia đình nhân hậu nên tuy tuổi hãy còn nhỏ, mà đã hấp thu được tính hiền hậu. Uyên nhi rất bất mãn với đôi câu này. Nhưng nó rất thông minh. Thấy trong nhà này không còn người khác, nó biết ngay người vẽ tranh tên là Vân Tuệ, mà Cô Độc Khách kia thể nào cũng là tiên sư mà nàng vừa nói hồi nãy.
Thiếu nữ thấy nó vừa vào nhà đã ngắm nhìn bức tranh và đôi câu đối liền tủm tỉm cười để cái hòm sắt xuống và vội đi vào nhà trong. Một lát sau nàng bước ra, tay bưng một cái khay trên đựng đầy những trái cây tươi, vừa cười vừa nói :
– Em đói phải không, mau lại đây ăn những trái cây này trước, sáng mai chị sẽ làm cơm cho em ăn.
Uyên nhi nghe nói liền ngồi ngay xuống, cầm trái cây lên ăn luôn. Nó vừa ăn vừa hỏi :
– Có phải tên đại tỷ là Vân Tuệ không?
Thiếu nữ nghe nói ngạc nhiên, nhưng nàng chỉ đảo đôi mắt một vòng rồi vừa cười vừa đáp :
– Ủa, thế ra em cũng biết chữ đấy à? Giỏi thật, tên chị là Vân Tuệ. Người trong tranh chính là sư phụ của chị. Ông ta đã khuất núi từ một năm rồi.
Nói đến tới đó, nàng tỏ vẻ rầu rĩ và luyến tiếc sư phụ của mình. Uyên nhi hiểu ngay nhưng không biết tại sao, nó vừa gặp thiếu nữ đã có cảm tình liền. Nó thấy nàng rầu rĩ vội nói sang chuyện khác và hỏi tiếp :
– Chị Tuệ, trái hạt châu ăn ngon lắm, chị ăn hai trái thử xem.
Vân Tuệ lúc đầu tỏ vẻ không ăn, nhưng Uyên nhi đã đưa hai trái hạt châu đó vào mồm nàng.
Nàng thấy Uyên nhi khẩn khoản như vậy không tiện từ chối liền giơ tay ra cầm lấy hai trái hạt châu và nói :
– Được, chị ăn một trái, còn để lại một trái chiếu sáng, có phải thú hơn không?
Uyên nhi không chịu :
– Em không chịu, em còn hai trái nữa, chị cứ ăn hết hai trái ấy đi.
Bất đắc dĩ, Vân Tuệ đành phải ăn cả hai trái đó. Ngờ đâu nàng cảm thấy thơm ngọt vô cùng, khi nước đó vào bụng hóa thành một luồng hơi nóng chạy khắp nơi.
Nàng là người có võ học cao thâm, trước kia theo Cô Độc Khách học võ, nàng được sư phụ chỉ bảo nên nàng biết rõ những tính chất của các linh vật như thế nào nên vừa ăn xong hai trái đó, nàng biết ngay đây là loại nội đơn, một linh vật của thiên hạ, ăn vào trong người sẽ tăng thêm công lực ra sao, vì vậy nàng không dám trì hoãn, vội ngồi xếp bằng tròn ở trên ghế ngưng thần điều tức, vận dụng nội gia huyền công dẫn luồng hơi nóng đó chạy quanh người một vòng.
Vân Tuệ có phẩm chất rất thanh kỳ, mà những võ công nàng đã học hỏi được lại là huyền môn chính tông, tuy tuổi không lớn lắm, nhưng nàng đã luyện tới mức thượng thừa rồi.
Nhưng dù sao nàng hãy còn trẻ tuổi, chưa đả thông được Nhâm Đốc hai mạch, nay nhờ có hơi nóng của hạt Kình châu trợ giúp, nàng ngồi vận công chốc lát đả thông được Nhâm Đốc hai mạch liền. Thế là công lực của nàng đột nhiên tăng tên gấp bội.
Uyên nhi đứng cạnh đó thấy nàng bỗng có cử chỉ như vậy ngạc nhiên vô cùng, nhưng nó không tiện hỏi cứ đứng đó mà ăn những trái cây ngon lành.
Tuệ cô nương vận công thêm hai vòng nữa, thấy khí cơ lưu thông, Linh Đài trong sáng, biết mình đã thu được rất nhiều ích lợi, liền từ từ mở mắt ra nhìn Uyên nhi tủm tỉm cười hỏi :
– Em nhỏ, trái hạt châu này công hiệu lớn lắm đấy… Em đã ăn nhiều hạt châu rồi ư?
Uyên nhi như hiểu mà không hiểu, nhưng nó vẫn gật đầu. Tuệ cô nương lai hỏi tiếp :
– Đi, để chị đưa em đi tắm rồi đưa em đi nghỉ nhé!
Uyên nhi gật đầu. Vân Tuệ dẫn nó vào phòng tắm ở phía sau, cởi áo đổ nước cho nó tắm và ra lấy quần áo cũ của mình cho nó thay rồi mới đưa nó ra ngoài phòng ngủ.
Uyên nhi vào tới trong phòng thấy giường làm bằng bạch ngọc trên có màn gấm, ghế cũng phủ nệm gấm, tất cả đồ đạc trong phòng đều trắng toát, thật là thanh nhã cao quý. Phòng đó chính là khuê phòng của Vân Tuệ.
Vân Tuệ đặt Uyên nhi lên giường đắp chăn cho xong. nàng nằm cạnh đó tức thì và nói :
– Đêm đã khuya rồi, em ngủ đi, sáng mai trời sáng tỏ chị sẽ quét dọn thư phòng để cho em ở, tối nay em cứ ngủ tạm ở đây với chị một đêm.
Từ khi ăn Kình châu rồi, Uyên nhi thấy sức khỏe và tinh thần khác hẳn xưa kia, tuy đã khuya mà nó không thấy mệt mỏi chút nào cả, vả lại từ khi được gặp Tuệ cô nương rồi, có rất nhiều nghi vấn tấm tức trong lòng, nó cứ muốn hỏi cho ra lẽ ngay nên nó không sao nhắm mắt được. Vì thế nó nói :
– Đại tỷ, em không buồn ngủ, chị hãy nói cho em biết những chuyện chị hứa nói.
Thấy Uyên nhi xinh đẹp lại ngoan ngoãn, Vân Tuệ rất yêu thương nên mới chịu để cho thằng nhỏ ngủ trên giường thêu của mình như vậy.
Thấy Uyên nhi tỉnh táo, nàng biết là ảnh hưởng của trái Kình châu. Nhưng nàng không cho nó ngồi dậy, cứ bắt nó nằm cạnh mình mà trả lời :
– Thôi được, để chị kể cho em nghe. Nơi đây là cù lao Hắc Tiền vì quanh cù lao này có rất nhiều đá ngầm, nên các thuyền chài không dám tới gần. Hai mươi năm trước đây, sư phụ chị một mình ra ngoài khơi, đi qua cù lao này. Vì trong lòng hiếu kỳ thúc đẩy, nên leo lên mới phát hiện giữa cù lao có chốn đào nguyên này, chứ không như bên ngoài trơ trọi đến một ngọn cỏ cũng không sao mọc ra được.
Uyển Nhi rất kinh ngạc, vội ngắt lời Vân Tuệ mà hỏi tiếp :
– Chị Tuệ, sư phụ của chị leo được vào trong này, như vậy chắc võ công của ông ta phải cao siêu lắm?
Vân Tuệ mỉm cười đáp :
– Lẽ dĩ nhiên rồi! Sư phụ chị nổi danh trên giang hồ trên ba mươi năm chưa gặp một địch thủ nào. Bất cứ người của hắc đạo hay bạch đạo hễ nghe tên tuổi của sư phụ chị thì mất hết hồn vía. Nên thiên hạ mới tặng cho sư phụ chị một biệt danh là Đệ Nhất Kiếm Khách. Như vậy đủ thấy võ nghệ của của sư phụ chị cao siêu như thế nào.
Uyên nhi gật đầu liên tiếp và giục Vân Tuệ kể nữa :
– Sau rồi thế nào nữa?
– Lúc ấy sư phụ của chị tìm thấy chốn này tốt như vậy mừng rỡ vô cùng đồng thời lại phát hiện chỗ chính giữa có một cái đầm và có một thủy động. Lúc nước thủy triều lên, nước bể lấp kín hang động, nhưng đến nửa đêm, nước thủy triều thế nào cũng rút xuống một tiếng đồng hồ, lúc bấy giờ thủy động hiện ra có thể đi thuyền được ra bên ngoài. Cho nên thủy động đó không những bí ẩn mà lại còn kỳ lạ nữa.
– Kỳ lạ như thế nào hả chị?
Vân Tuệ quay mặt giơ hai tay lên vuốt má Uyên nhi mà nói tiếp :
– “Nước trong đầm tuy thông với nước bể nhưng không mặn chút nào và có thể dùng làm nước uống được. Trong đầm có nhiều cá, những cá này ngon thịt lắm, không kém gì những cá ở nước sông lớn trong Trung Nguyên. Có một vài thứ cá lại còn ngon hơn cá ở Trung Nguyên nữa. Em bảo có lạ lùng không? Tuy sư phụ của chị rất có tiếng tăm ở Trung Nguyên nhưng ông ta không có một người bạn thân nào cả. Ông ta nói bị người đời bạc đãi từ thuở bé thơ.
Vì thế, sau khi học thành tài, ông ta bỏ tên thật, lấy tên là Cô Độc Khách ở trong Trung Nguyên chuyên môn hành hiệp trượng nghĩa, giết chết vô số nhưng kẻ tiểu nhân hiểm ác. Ngờ đâu vì thế mà bị người đời hiểu lầm lại coi ông ta như một vị sát tinh của võ lâm. Từ khi ông ta kiếm thấy chốn đào nguyên này rồi, nhận thấy nơi đây là một chốn tránh xa người đời rất lý tưởng, nên ông ấy mới quyết định dọn lại đây để ở. Trong hai mươi năm trời, năm nào cũng như năm nào, mỗi năm sư phụ chị chỉ ra ngoài có hai lần để mua đồ ăn thức dùng.
Đôi khi sư phụ chị cũng có đi ra ngoài một vài lần còn thì suốt ngày ông ta chỉ ở trên đỉnh cù lao để luyện võ và uống rượu thôi. Ông ta còn rủ mấy gia đình thuyền chài thật thà ở một cù lao lân cận đến đây ở cho vui. Những người đó cày cấy lấy mà ăn, hưởng một cuộc đời an nhàn hạnh phúc”.
Uyên nhi nằm lại gần nàng, trông thấy mớ tóc vàng, mắt xanh, da trắng, mũi cao của nàng, khác hẳn mọi người thường ngạc nhiên hỏi :
– Chị Tuệ, chị ở đâu tới thế? Sao không giống…
Vân Tuệ thấy mặt Uyên nhi có vẻ nghi ngờ và cứ nhìn vào đầu tóc của mình, nàng biết đứa bé định hỏi gì rồi nên nàng thản nhiên đáp :
– Một mùa hè mười bốn năm về trước, sư phụ chị đi thuyền vào Trung Nguyên mua thức ăn đồ dùng.
“Lúc trở về xa xa trông thấy gần cù lao Hắc Tiền này có đậu ba thuyền lớn. Sư phụ chị lại tưởng có người đã phát hiện chốn đào nguyên này, nhưng ông ta nhìn kỹ mới hay một chiếc thuyền trong bọn bị đá ngầm đến thủng đang chìm dần còn hai chiếc thuyền kia đậu ở bên cạnh không những không ra tay cứu giúp những kẻ bị nạn, trái lại còn thừa cơ cướp bóc tài vật và giết hại nạn nhân”.
“Sư phụ chị thấy như vậy tức giận vô cùng vội chạy lại cứu, nhưng tiếc rằng ông đến muộn nên không cứu được một người nào cả. Hai chiếc thuyền giặc đang giương buồm rút lui, nhưng khi thấy sư phụ chỉ có một mình, chúng khinh địch ung dung nhổ neo. Sư phụ chị tức giận vô cùng nhảy ngay lên trên thuyền chúng chém giết bọn giặc ấy một hồi, chỉ trong nháy mắt đã giết được một trăm hai mươi mấy tên. Những tên giặc còn sống sót đều quỳ cả xuống xin hàng, lúc ấy sư phụ chị mới ngừng tay”.
“Sư phụ chị chất vấn tên chúa giặc, hỏi tại sao chúng lại nhẫn tâm đến thế, nhưng ngôn ngữ bất đồng ông ta mới biết là bọn giặc lùn, liền nổi giận đánh một chưởng, tướng giặc ngã lăn ra chết. Sư phụ chị đuổi tên giặc kia đi. Lúc ấy đang là ban ngày, thủy động đang bị nước bể che lấp, thuyền không vào được bên trong, sư phụ chị đành phải đi quanh cù lao một vòng lớn để đợi chờ nước thủy triều rút xuống và đồng thời cũng muốn xem còn người bị nạn nào sống sót không. Ngờ đâu, nhờ vậy sư phụ mới thấy chị”.
Uyên nhi cau mày lại, lắng tai nghe vụ thảm sát đó. Lúc ấy nó nghe thấy Vân Tuệ nói đến chuyện của nàng, nó mới vội hỏi :
– Chị Tuệ, lúc ấy chị ở đâu?
Vân Tuệ hình như nghĩ tới thân thế của mình, thở dài một tiếng, giọng run run đáp :
– Lúc ấy chị mới lọt lòng mẹ được hơn một tháng, có lẽ lúc ấy cha mẹ chị để chị vào trong một cái hòm gỗ, sau khi thuyền đắm, hòm gỗ lênh đênh trên mặt nước, và trôi đến gần thủy động.
“Sư phụ chị vớt chị lên thấy bên cạnh chỉ có một thanh trường kiếm và một chiếc cà rá. Bảo kiếm với cà rá cũng như chị vậy, khác hẳn kiếm và cà rá của các người khác. Lúc ấy sư phụ chị cũng không đoán ra được chị là người nước nào. Sư phụ chị suốt đời cô độc trông thấy chị kháu khỉnh nên mới quyết tâm giữ chị lại để nuôi”.
“Năm chị lên năm, sư phụ mới bắt đầu dạy văn và dạy võ cho và quyết tạo chị thành một người đệ tử duy nhất của Cô Độc Khách. Mấy năm sau chị đã hiểu biết nhiều, thấy hình dáng của mình khác mọi người, liền hỏi sư phụ cha mẹ của chị là ai. Sư phụ chị rất thương chị, thấy chị hỏi như vậy, quyết tâm lặn xuống đáy bể, tìm chiếc thuyền bị đắm để tìm kiếm lai lịch của chị. Lúc sư phụ chị lặn xuống nước tìm kiếm thì chị mới vừa bằng tuổi em bây giờ.
Chị nhát gan lắm nên khi thấy sư phụ chị chưa lên liền khóc òa lên”.
“Ngày hôm sau, sư phụ chị ở dưới đáy bể lên, nghỉ ngơi hai ngày liền mới kể chuyện cho chị nghe. Ông ta bảo chiếc thuyền ấy không những to lắm, và cấu tạo cũng đặc biệt vô cùng, giống như những chiếc thuyền của Bồ Đào Nha, hàng năm vẫn đem đồ đến tiến cống cho Trung Hoa”.
“Vì thế sư phụ chị mới đem bảo kiếm cùng cà rá của chị tới Ninh Ba để dò hỏi. Đến Ninh Ba sư phụ chị mướn một người thông dịch để chuyện trò một ngày với Đại sứ Bồ Đào Nha. Vị đại sứ này nhận ra bảo kiếm và cà rá của chị và nói còn biết cả cha mẹ chị nữa”.
Uyên nhi ngạc nhiên vô cùng vội hỏi :
– Thế chị là người Bồ Đào Nha ư? Nước Bồ Đào Nha đâu vậy chị?
Vân Tuệ ứa lệ sụt sùi khóc. Uyên nhi vội lấy khăn tay của nàng để chùi nước mắt cho nàng, nhưng nó không biết dùng lời lẽ gì để an ủi nàng.
Vân Tuệ thấy Uyên nhi thương mình như vậy trong lòng mừng thầm nắm chặt lấy tay Uyên nhi nói tiếp :
– Chị cũng không biết nước Bồ Đào Nha ở đâu cả. Theo sư phụ nói thì nước đó ở xa lắm và ở trên bờ bể. Người ở đấy hình dáng giống như chị vậy, tiếng nói của họ khó nghe lắm.
– Cái tên của chị ai đặt cho thế?
– Tất nhiên là sư phụ của chị đặt cho. Thanh bảo kiếm của chị là một vật báu sắc bén vô cùng, tuy trông bên ngoài như là một thanh kiếm cùn nhưng có thể chém gãy bất cứ một thứ khí giới nào. Đồng thời chiếc cà rá của chị cũng quý báu lắm. Bên trên có một hột xoàn to bằng ngón tay cái quý giá vô cùng. Cha và mẹ chị yêu nhau và kết hôn, sống đầy hạnh phúc. Ngờ đâu lúc bấy giờ quốc vương trông thấy không những sinh lòng tham định cướp bảo kiếm và cà rá lại còn bắt mẹ chị tấn cung.
“Cha mẹ chị yêu nhau như thế, khi nào lại chịu xa nhau nên hai người cùng nhau chạy trốn ra ngoại quốc, mua một chiếc thuyền lớn, mướn vài mươi thủy thủ rồi theo Công sứ đến Trung Hoa để tìm chỗ thanh tĩnh mà an cư lạc nghiệp. Ngờ đâu trời không thương, cha mẹ chị vừa rời thành Hoa Lệ, không những thuyền va phải đá ngầm bị đắm, lại còn bị giặc lùn cướp bóc. Cả thuyền đểu bị chôn thân dưới đáy bể”.
Vân Tuệ được Cô Độc Khách nuôi từ nhỏ chí lớn, nên nàng không biết mặt cha mẹ ra sao. Nhưng tình cốt nhục là do thiên tính xui nên, vì vậy nói đến cha mẹ là nàng đau lòng, sụt sùi khóc.
Uyên nhi lại chùi nước mắt nàng và dùng tay vuốt mớ tóc vàng của nàng, mồm thì ấp a ấp úng nhưng mãi không sao nghĩ ra lời lẽ gì để an ủi nàng.
Văn Tuệ thấy Uyên nhi thương mình tha thiết càng yêu Uyên nhi thêm hơn nữa.
Uyên nhi không những xinh đẹp tuyệt trần lại còn thông minh đáng yêu, lại thêm thái độ ôn thuần và rất tha thiết với nàng.
Hai người mới quen biết nhau và mới ở gần nhau không lâu nhưng đã thương nhau vô cùng. Vân Tuệ chùi nước mắt lòng rất cảm động, nhìn thẳng vào mặt Uyên nhi khiến nó ngượng vô cùng.
Thế rồi, nó nghĩ ra một vấn đề, vội hỏi tiếp :
– Chị Tuệ, sau này chị có về nước Bồ Đào Nha không?
Vân Tuệ cương quyết lắc đầu đáp :
– Không, chị không còn một thân nhân nào ở nước Bồ Đào Nha cả. Chị có về tới đó cũng không hiểu lời nói của họ thì về làm chi? Sau này chị sẽ vào Trung Nguyên trả thù cho sư phụ, báo thù xong lại lại trở về đây cũng kiếm một đồ đệ dạy bảo và vĩnh viễn không ra ngoài đời nữa.
Trong khi nàng nói vẻ mặt rất nghiêm nghị và cương quyết. Uyên nhi nghe không hiểu chút nào, lúc nào nó chỉ khao khát được học võ để sau này hành hiệp cứu khổ cứu nạn cho ngoài đời.
Uyên nhi đã học qua văn chương và lịch sử nên rất ngưỡng mộ các vị du hiệp đời xưa. Lúc nào nó cũng mơ tưởng sau này sẽ học võ nghệ thành công để đi ngao du sơn thủy, để cứu khổ cứu nạn cho người đời.
Vì vậy nó đã xin cha cho học võ là thế. Nhưng mỗi lần nó hỏi thì cha nó đều trả lời “mày còn nhỏ, lớn một chút nữa rồi cha sẽ dạy cho”.
Bây giờ nó nghe thấy Vân Tuệ nói kiếm pháp của Cô Độc Khách hùng cứ trong võ lâm, tuy vì chưa thấy tài ba của Vân Tuệ nhưng nó chắc là đồ đệ của Cô Độc Khách tất võ công thể nào cũng hơn người nên nó nghe thấy nàng nói định thâu đồ đệ, mừng rỡ vô cùng. Nó liền ướm lời hỏi thử :
– Chị Tuệ, chị nói báo thù gì thế? Chị xem em có đủ tư cách làm đồ đệ của chị không?
Vân Tuệ thấy Uyên nhi nói một cách rụt rè như vậy liền phì cười hỏi :
– Em cũng muốn học võ đấy à?
Uyên nhi gật đầu.
– Em muốn làm đồ đệ chị ư?
Uyên nhi lại gật đầu, nhưng Vân Tuệ thở dài một tiếng rồi đáp :
– Không được, tuổi chị hãy còn nhỏ thế này, võ công lại chưa luyện tới mức tuyệt đỉnh thì làm sao mà có thể thu em làm đồ đệ được. Hơn nữa, dù chị có luyện thành công võ công cũng phải trả thù cho sư phụ trước rồi mới dám thu đồ đệ.
Nói xong, nàng nghĩ đến sư phụ lại ứa nước mắt ra và nói tiếp :
– Chú em, chú không biết đấy thôi, sư phụ của chị chết một cách thảm thương lắm. Năm năm trước, sư phụ chị đi ra bên ngoài hang động để mua đồ dùng và thức ăn thì bị đả thương và sắp chết đến nơi. Lúc ấy chị thắc mắc vô cùng, không hiểu ai mà có công lực đả thương nổi sư phụ chị như thế?
“Tuy vậy chị vẫn không dám hỏi, chỉ nóng lòng sốt ruột mà băng bó và hầu hạ sư phụ thuốc thang thôi, vết thương của sư phụ quá nặng, không những tạng phủ bị chấn nát mà còn trúng phải thuốc độc rất nặng. Nếu nội công của sư phụ không thâm hậu thì không sao có thể về được tới nhà. Sư phụ biết không thứ thuốc nào có thể chữa khỏi được nữa, nên ngày thứ hai sư phụ gọi chị tới cạnh và nói cho chị biết rõ đầu đuôi câu chuyện”.
Uyên nhi trợn to đôi mắt lên nghe. Thoạt tiên nó rất bất mãn Cô Độc Khách, nhưng bây giờ vì Vân Tuệ mà nó lại thương lão hiệp, nên nó vội hỏi :
– Ai đánh sư phụ chị như thế?
Vân Tuệ ứa nước mắt ra, nghiến răng mím môi đáp :
– Lúc ấy sư phụ chị chỉ còn thở thoi thóp. Trước hết ông ta dặn chị phải theo cuốn bí kiếp ở trong cái hộp sắt ông ta đem về mà luyện võ công: “Cố gắng luyện thành võ công ấy rồi vào Trung Nguyên kiếm các người Chưởng môn của bảy đại môn phái để trả thù cho ông”, sư phụ còn muốn nói thêm nhưng hồn người đã lìa khỏi xác.
“Theo sự ước đoán của chị, kẻ thù của sư phụ không riêng gì mấy người Chưởng môn đó, mà còn nhiều hơn thế nữa, bằng không họ địch sao nổi sư phụ, dù sư phụ không thắng nổi chúng vẫn có thể rút lui ung dung trở về đây được. Từ hồi ấy đến giờ chị tuân theo lời trối trăng của sư phụ, đem cuốn bí kiếp đó ra mà khổ tập ngày đêm, chỉ mong sớm thành công để đi trả thù cho sư phụ”.
Lúc bấy giờ Uyên nhi thấy hai mắt nàng đỏ ngầu, trông rất kinh dị đồng thời nó cũng rất thông cảm hoàn cảnh của nàng, nên thở dài một tiếng tỏ ý thương tiếc rồi hỏi :
– Tiếc thay chị không thể thâu em làm đồ đệ, bằng không em học hành võ công thể nào cũng giúp chị đi đánh những kẻ thù ấy.
Vân Tuệ nghe nói cũng buồn rầu thở dài một tiếng, và đỡ lời :
– “Chị không dám nhận em làm đồ đệ quả thật có nhiều nguyên nhân lắm. Nguyên nhân thứ nhất chị lớn hơn em có mấy tuổi thôi, và đang lúc học tập thì tư cách đâu mà làm sư phụ của em. Thứ hai, khi chị học thành tài là phải rời khỏi nơi đây ngay để đi tìm kẻ thù.
Những kẻ thù đã giết hại nổi sư phụ chị tất nhiên võ công của chúng phải lợi hại lắm, nên chị đi tìm chúng ắt hung nhiều cát ít, lỡ chị bị chúng giết chết bỏ em ở đây một mình thì lòng chị áy náy vô cùng. Nên có chí học võ thì nên nghe lời chị khuyên bảo mà đi cầu danh sư khác chắc chắn hơn”.
Nhưng nói tới đây, nàng thấy mặt Uyên nhi tỏ vẻ thất vọng vô cùng nên không nỡ, liền nói tiếp :
– Nhưng trước khi hiền đệ chưa rời khỏi nơi đây, nếu hiền đệ thích cứ việc bắt chước chị học tập, chờ khi nào có thuyền đến hay đi qua đây, chị sẽ nhờ họ đưa hiền đệ về nhà.
Uyên nhi nghe thấy Vân Tuệ bằng lòng cho mình theo nàng học võ, mừng rỡ vô cùng vội nhảy lên ôm Vân Tuệ và bá chặt lấy cổ nàng la lớn :
– Có thật không, chị Tuệ, chị tử tế quá.