Bạn đang đọc Phương Tà Chân – Sát Sở – Chương 12: Tâm Bất Sát (tt)
Phương Tà Chân vừa nghe, liền cao giọng hỏi:
– Truy Mệnh đang ở đâu?
Cố Phật Ảnh vẫn chậm rãi bước đi:
– Y còn chưa đến. Bất quá, từ ba tháng trước y đã truy tung ba người này rồi.
Y vừa đi vừa nói tiếp:
– Công tử nhà ta đã gửi thiếp mời, hẹn ba người bọn họ ngày mai đến Tương Tư Đình ở Tiểu Bích Hồ nói chuyện, tưởng tất Truy Mệnh cũng sẽ đến đó.
Phương Tà Chân đành hỏi:
– Tại sao huynh ấy lại truy tung ba người này?
Cố Phật Ảnh đã đi tới cầu thang, đột nhiên quay đầu lại đáp:
– Bởi vì y muốn phá vụ án Mạnh Tùy Viên toàn gia bị đồ sát.
Phương Tà Chân lại hỏi:
– Ba người này là hung thủ?
– Ta cũng không biết, có thể là chỉ có một người, có thể là cả ba, cũng có thể là không có ai.
Cố Phật Ảnh nói:
– Có điều, chỉ cần Truy Mệnh xuất hiện, ba người này rất có khả năng sẽ cùng lúc xuất thủ đối phó y.
Phương Tà Chân liền hỏi:
– Tại sao?
– Bởi vì bất kể có phải là hung thủ hay không thì bị người khác hoài nghi và theo dõi là một chuyện rất đáng ghét. Mà một khi đã xuất thủ đối phó với quan sai thì không thể lưu lại hoạt khẩu.
Cố Phật Ảnh nói với vẻ luyến tiếc:
– Đặc biệt là đối phó với loại cao thủ như Truy Mệnh.
Y mỉm cười nói tiếp:
– Người trong giang hồ xưng tụng tay của Thiết Thủ, chân của Truy Mệnh, kiếm của Lãnh Huyết, ám khí của Vô Tình và độc của Đường Cừu, chùy của Đồ Vãn, tâm của Triệu Hảo, ca vũ của Yến Triệu là thiên hạ bát tuyệt, từ đó mà gọi là Thiên Hạ Tứ Đại Danh Bộ và Tứ Đại Hung Đồ. Bất quá, kim xoa của Đoạn Mi Lão Yêu, cổ kiếm của tên tiểu tử vô danh, chiếc túi của Thất Phát Thiền Sư, và thâm bích chi kiếm của thiếu hiệp đều có thể coi là giang hồ nhất tuyệt, theo lý cũng phải tính vào đó mới đúng.
Cố Phật Ảnh nheo mắt cười:
– Nếu như cặp mắt già này của ta còn chưa bị hoa thì thanh kiếm của thiếu hiệp rất có khả năng là Diệt Hồn Kiếm trong Việt Vương Bát Kiếm?
Đoạn y mỉm cười, cung tay chào Phương Tà Chân rồi quay lưng bước xuống lầu, trước khi đi còn ném lại một câu:
– Thịnh hội ngày mai ở Tương Tư Đình trong Tương Tư Lâm ở Tiểu Bích Hồ, Du công tử sẽ ở đó cung hầu đại giá.
Y nói hết câu thì người đã đi ra đến cửa.
Nhưng thanh âm vẫn như ở sát bên tai Phương Tà Chân.
Không nhanh không chậm.
Không cường không nhược.
Phương Tà Chân thầm nhủ:
– Chỉ bằng vào nội lực hung hậu mà Cố Phật Ảnh vừa hiển lộ, tuyệt đối có thể liệt y vào hàng thập đại cao thủ về nội công trong võ lâm.
Môn khí công này được gọi là Đại Giang Nam Bắc.
Loại nội lực này cũng không có gì đặc biệt, chỉ bất quá là tinh tuyển trong nội công của đại giang nam bắc hai mươi bảy nhà, khổ luyện thành hai hệ công lực nam bắc, trở thành nội lực trong nội lực, nội công trong nội công mà thôi.
Đương thế có thể luyện thành loại nội lực này chỉ có bốn người.
Một người sau khi luyện thành liền chết ngay. Huyết mạch bị vỡ mà chết. Nghe nói là chân khí quá vượng lại vô phương tiết ra ngoài, vì thế nên mạch máu mới vỡ nát mà chết.
Một người khác luyện được một nửa thì bị tẩu hoả nhập ma, chân khí chạy hết ra ngoài, về sau chẳng những trở thành phế nhân, mà tinh thần còn bị tổn hại nghiêm trọng, trở nên si si dại dại.
Người thứ ba chính là Quan Thất trong Mê Thiên Thất Thánh. Người này đã trở thành đại thế lực thứ ba trong kinh thành, cùng với Lục Phân Bán Đường và Kim Phong Tế Vũ Lâu tương tranh.
Người cuối cùng chính là Cố Phật Ảnh.
Hoành Đao Lập Mã, Tú Nygoạ Sơn Cương Cố Phật Ảnh.
Phương Tà Chân quay lại nhìn Tích Tích.
Tích Tích vẫn nhìn gã như trước.
Dưới ánh đèn, khuôn mặt nàng tràn đầy vẻ u uất mà ôn nhu.
Phương Tà Chân cảm thấy lòng mình như ấm lại.
Gã thốt:
– Ngày mai ta không đi nữa.
Nàng nói:
– Ta biết.
Gã lại thốt:
– Ngày kia ta vẫn phải đi khỏi đây.
Nàng nói:
– Lưu lại thêm một ngày cũng là một chuyện tốt.
Nàng như đang buồn bã, đang ân hận mà than rằng:
– Có một số chuyện, muộn một chút hoặc sớm một chút thì kết quả hoàn toàn khác nhau rồi.
Gã khẽ nhíu mày:
– Nàng không vui?
Tích Tích nhoẻn miệng cười tươi, dáng vẻ thập phần thuần chân, xinh đẹp mà vô tà. Phương Tà Chân nhìn đến như si như dại.
Trên tay gã không có rượu, mà lòng như đang say.
– Chàng có thể ở lại, ta làm sao mà không vui được.
Nàng lại nhoẻn cười.
– Chàng phải đi, lẽ nào ta lại mừng chứ?
Tích Tích nói như vậy.
Nhưng không biết vì sao nàng cứ cảm thấy mình ngốc nghếch, thật sự có gì đó ngốc nghếch. Ý nghĩ này chỉ thoáng qua đầu nàng, nhẹ thoáng qua như làn gió xuân vậy.
Rõ ràng nàng rất muốn Phương Tà Chân có thể lưu lại Lạc Dương, nhưng tại sao nàng lại có cách nghĩ như vậy? Nàng không biết. Nàng không hiểu và nàng cũng không muốn hỏi tại sao?
oo Phương Tà Chân hôm nay trở về tương đối muộn.
Thông thường trước giờ Hợi là gã đã về đến Pháp Môn Tự rồi. Nhà của Phương Tà Chân chính là ở hậu sơn của Pháp Môn Tự.
Đêm nay giờ tý gã mới về đến nơi.
Lúc này, gió đã lặng, mây đã tan. Mặt trăng chiếu rải thứ ánh sáng lành lạnh khắp nhân gian.
Có phải vào lúc thiên sắc âm trầm thường hay phát sinh những chuyện không như ý? Có phải vào lúc thiên sắc sáng sủa thường có những chuyện tương đối như ý phát sinh?
Không phải.
Thời tiết là thời tiết.
Sự việc là sự việc.
Người là người.
Cũng như một người đang ở trong hoàn cảnh giá lạnh cực hàn, nhưng lòng y thì nóng như một lò lửa rừng rực cháy. Cũng có thể trong mùa hè nóng như thiêu như đốt, nhưng lòng người lại lạnh đến mức kết thành băng.
Lòng Nhan Tịch còn chưa kết thành băng, nhưng mười đầu ngón tay nhỏ thanh của nàng giờ còn lạnh hơn cả băng.
Thì ra, Nhan Tịch cùng Hồng Tam Nhiệt dẫn theo tám thủ hạ đứng ở trước ba trăm sáu mươi lăm bậc thang dẫn lên Pháp Môn Tự, muốn đợi gã thanh niên nhân tịnh không nhận lễ vật kia đi qua, đồng thời thử tài, dọa khiếp y một phen.
Không ngờ lại dọa chính bản thân mình.
Nhan Tịch thấy thời gian đã gần hết giờ Hợi, gió lạnh thổi không ngừng, trong lòng cảm thấy rất khó chịu:
“Lẽ nào Kiếm phu tử tính nhầm thời gian?” Đúng vào lúc này, Hồng Tam Nhiệt đã không thể chịu nổi nữa.
Y tức giận quát mắng:
– Con mẹ nó! Ta đến Y Y Lầu lôi gã về đây. Chúng ta thì ở đây hít gió lạnh, còn gã thì ở đó phong lưu khoái hoạt.
Nhan Tịch nhẹ nhàng vén màn kiệu, ngẩng đầu nhìn thiên sắc, vừa hay lại nhìn thấy ánh trăng.
Ánh trăng chiếu vào mặt nàng. Khuôn mặt Nhan Tịch nhu hòa như ánh trăng vậy, ánh mắt nàng cũng u uất phiền muộn như ánh trăng lành lạnh, ngón tay nàng mềm mại, u mỹ như mặt trăng đêm rằm.
Cả cơ thể nàng giống như một mặt trăng của nhân gian vậy.
Không biết mặt trăng khiến nàng nghĩ đến chuyện gì?
Nàng xuất thần.
Thất thần.
Sau đó thở dài ưu tư.
Hồng Tam Nhiệt lại cho rằng đại phu nhân đã đợi đến hết kiên nhẫn, nhảy dựng người lên nói:
– Ta đi.
Nhan Tịch ngạc nhiên:
– Tam ca định đi đâu?
Hồng Tam Nhiệt nói:
– Thuộc hạ đi lôi tên tiểu tử đó ra khỏi cái chăn ấm của Y Y Lầu, dẫn gã về đây gặp đại phu nhân!
Nhan Tịch gượng cười nói:
– Nhưng nếu để chuyện này xảy ra thì tam ca thần dũng rồi, còn Phương công tử không phải mất hết oai phong hay sao? Như thế thì dù cho y có muốn gia nhập Lan Đình Trì Gia, e rằng cũng khong còn mặt mũi nào mà gia nhập nữa.
Hồng Tam Nhiệt ngây người, xoa đầu ngại ngùng nói:
– Chuyện … chuyện này …
Nhan Tịch hỏi:
– Tam ca thử xem, như vậy có phải khó xử không?
Hồng Tam Nhiệt gãi gãi đầu:
– Quả thật có chút khó xử … Huống hồ, trước giờ thuộc hạ xuất thủ đều hơi nặng …
Nhan Tịch lại nói:
– Thêm nữa, hiện giờ chúng ta đang dùng lễ để mời người ta đến vì Trì gia chúng ta mà lao lực, vậy mà tam ca lại định lôi y từ trong chăn ấm ra, giống như lão ưng cắp thỏ con kéo về đây, sau đó lại dùng lễ chiêu nạp, thật không khỏi có chút … có một chút không cân xứng lắm. Tam ca có nghĩ như vậy không?
Hồng Tam Nhiệt ra vẻ nghĩ ngợi:
– Thuộc hạ cũng đã nghĩ đến chuyện này rồi, dường như đích thực có một chút không cân xứng.
Nhan Tịch vỗ tay cười cười nói:
– Sở kiến của tam ca quả thực không khác với ta là mấy.
Hồng Tam Nhiệt cũng cười đến ngoác cả miệng, hai tay cứ gãi đầu gãi tai, hiển nhiên là vô cùng cao hứng.
Nhan Tịch lại nhoẻn miệng cười:
– Bởi vậy …
Hồng Tam Nhiệt ngẩn người:
– Bởi vậy?
Nhan Tịch nói:
– Bởi vậy, vì đại cục nên tam ca bất tất phải lao giá chuyến này.
Hồng Tam Nhiệt nghĩ ngợi giây lát rồi nói:
– Đúng vậy, thuộc hạ bất tất phải lao giá làm gì.
Đột nhiên một thanh âm cất lên:
– Có điều, đại phu nhân lại vẫn phải lao giá một chuyến.
Hồng Tam Nhiệt vội quay đầu lại.
Khi y quay đầu, hai tay đã nắm chặt, xương cốt cũng cùng lúc phát ra những tiếng kêu răng rắc.
Nhưng chính vào sát na y quay đầu lại đó, tám thủ hạ dẫn theo đã ngã xuống bốn người.
Ngã xuống không một tiếng động.
Dưới ánh trăng, chỉ có một người đang bước xuống từ trên bậc thang đá, y phục bị gió thổi bay phần phật.
Người này đang mỉm cười.
Nhan Tịch vừa nhìn thấy y, trong lòng liền trầm hẳn xuống.
Bởi vì cái người đang tiếu dung mãn diện kia so với một ngàn người mặt mày dữ tợn còn khó đối phó hơn gấp bội.
Y là đại tổng quản của Tiểu Bích Hồ Du Gia, Giản Tấn.
Nhan Tịch mới nhìn đã biết, người này nếu như không nắm chắc chuyện gì, tuyệt đối sẽ không xuất động, một khi xuất động, thì không dễ gì trở về không.
Huống hồ, hôm nay y đã về không một lần rồi.
Trên Y Y Lầu, tuy Giản Tấn cười tươi mà đi, song dù sao cũng không giống với dáng vẻ của một kẻ toàn thắng trở về.
Đã thất thủ một lần, y tuyệt đối sẽ không để mất mặt lần nữa.
Đặc biệt là loại người như Giản Tấn.
Loại người như thế này chỉ cần một người đã thập phần khó đối phó.
Mà người này vẫn còn chưa xuống đến nơi, tám ngón tay khẽ búng ra, bốn thuộc hạ của nàng đã ngã xuống.
Bốn người còn lại là kiệu phu.
Bọn họ tổng cộng đã khênh hai cỗ kiệu đến đây.
Hồng Tam Nhiệt ngồi ngựa, hai cỗ kiệu một là để cho Nhan Tịch ngồi, một là chuẩn bị để đưa Phương Tà Chân về Lan Đình Trì Gia.
Bốn kiệu phu này đương nhiên cũng biết một hai chiêu, nhưng so với cao thủ nhất lưu trong võ lâm, tự nhiên là không chỉ kém bảy tám phần.
Cũng có nghĩa là, Giản Tấn vừa đến đã đánh ngã những người có thể chiến đấu của bên nàng, giờ chỉ còn lại mình nàng và Hồng Tam Nhiệt.
Nhan Tịch còn chưa nghĩ ra đối phương dùng thủ pháp gì để cách không điểm ngã mấy người, nhưng nàng biết rõ bốn người này tuy không thể động đậy, song còn chưa mất đi tình mạng.
Giản Tấn tựa hồ không hề muốn giết họ.
Trong Tứ Công Tử, ngoại trừ Diệu Thủ Đường Hồi Bách Ứng dám hạ độc thủ ra, ba người còn lại đều muốn lưu lại một chút dư địa, để đối phương có một con đường rút lui, cũng để cho bản thân sau này một cơ hội …
Tứ Công Tử phân tranh, rốt cục cũng không giống như những cừu sát trên giang hồ.
Nghĩ đến đây, trong lòng Nhan Tịch dường như an tâm được một chút.
Bất quá, an tâm cũng chỉ có một chút mà thôi.
Bởi hoàn cảnh hiện tại của nàng một chút cũng không an toàn, một chút cũng không yên ổn.
Nàng chỉ hy vọng Giản Tấn chỉ đến một mình.
Như vậy, nàng và Hồng Tam Nhiệt hợp lực, có lẽ còn đối kháng được với “con báo” này.
Một “con báo” biết cười.
Báo thường hay phẫn nộ.
Trong võ lâm có nhiều danh xưng liên quan đến báo như là Nộ Báo, Hắc Báo, Phi Báo Tử, Kim Tiền Báo, những cao thủ có ngoại hiệu này đa phần đều xuất thủ cực nhanh, lực trầm khí mãnh, tính tình bạo liệt, giống như là báo tử vậy.
Giản Tấn lại không như vậy.
Nếu như nói y là Báo Tử, vậy thì y là một “con báo biết cười”.
Thậm chí y còn khiêm cung hữu lễ, văn nhã đạo mạo xem ra còn giống một nhân tài giao tế hơn là một nhân vật võ lâm.
– Tại hạ đương nhiên không đến một mình.
Câu nói đầu tiên của Giản Tấn đã chặt đứt tia hy vọng duy nhất của Nhan Tịch.
– Tại hạ còn có hai cỗ kiệu nữa đang hầu ở hậu sơn, đợi hai vị đến đó ngồi.
Y mỉm cười rồi lại nói tiếp:
– Bất quá, nếu hai vị không thích, muốn ngồi kiệu của mình cũng được. Vì vậy, nên tại hạ đã lưu lại bốn vị tiểu huynh đệ này, nếu các vị muốn người của mình khiêng kiệu cũng không có gì bất tiện.
Y nói như vậy, tựa hồ như đã tính toán hết sức chu đáo, khiến Nhan Tịch và Hồng Tam Nhiệt hết thức thuận tiện vậy.
Hồng Tam Nhiệt vừa nghe đã muốn phát tác, song Nhan Tịch lại mỉm cười nói:
– Không biết Giản quản sự muốn đưa chúng ta đi đâu?
Giản Tấn bước tới bậc thang thứ mười lăm liền dừng lại, cười cười nói:
– Không xa, không xa! Chỉ là tới Tiểu Bích Hồ một chuyến mà thôi.
Nhan Tịch nói:
– Đến Tiểu Bích Hồ? Ta còn chưa chuẩn bị lễ vật, hơn nữa đoạn đường này cũng phải bảy tám dặm, muốn đi cũng nên có chuẩn bị một chút, thêm vào đó, ta là gái đã có chồng, nửa đêm đến viếc thăm Du công tử không khỏi có chút bất tiện.
Giản Tấn nói:
– Tương thỉnh chi bằng tương ngộ. Chúng ta đều là người giang hồ, đặc biệt đại phu nhân lại là nữ trung hào kiệt hà tất phải câu nệ những thứ tục lễ này làm gì!
Một câu nói đã khéo léo tránh đi chủ đề có gặp Du công tử hay không?
Nhan Tịch lại hỏi tiếp:
– Nếu như quý phủ có ý mời chúng ta đến nói chuyện, hà cớ gì không báo thiệp đến bản trang, tương thỉnh đột xuất như vậy không phải có chút quá mạo muội hay sao?
Giản Tấn cười cười:
– Chúng ta đoán định đại phu nhân sẽ đứng đây đợi chờ Phương thiếu hiệp. Bất quá, đêm nay Phương thiếu hiệp có thể về muộn một chút. Trì công tử và chủ nhân tệ phủ tình như thủ túc nên không thể để đại phu nhân ở đây chịu gió chịu sương được. Đại phu nhân là ngời anh hoa hiệp cốt, chắc sẽ không tính toán gì một chút thiếu lễ số này đâu.
Nhan Tịch nhướng mày, hỏi thẳng:
– Ồ, nói như vậy, đêm nay các hạ phụng mệnh Du công tử, cưỡng bức chúng ta đến Tiểu Bích Hồ có phải không?
Giản Tấn không trực tiếp trả lời, chỉ nói:
– Đại phu nhân nặng lời rồi.
Nhan Tịch biết có hỏi tiếp nữa cũng không ra kết quả gì, bởi tuy ngoại hiệu Giản Tấn là Báo Tử, song y còn trơn hơn là cá trạch nữa. Y không chịu nhận đây là ý của Du Ngọc Già, vạn nhất có thất thủ, người của Du gia vẫn có thể phủ nhận, nói không liên quan gì đến họ mà chỉ là do Giản Tấn tự tiện hành động.
Hồng Tam Nhiệt không nhịn được nữa, hét lớn một tiếng, trong nháy mắt đã ráp mấy thanh thép thành một cây trường thương dài một trượng hai. Y đâm tới một htương, dáng vẻ oai phong như thiên tướng:
– Ta đi!
Giản Tấn thần sắc không đổi, mỉm cười nói:
– Rất tốt! Đại phu nhân tưởng tất cũng cùng đi với Hồng huynh đây?
– Có thể!
Hồng Tam Nhiệt gầm lên như sấm động:
– Bất quá phải hỏi cây thương trên tay ta đã!
Y nói dứt câu thì trường thương trên tay đã biến thành một đóa hoa.
Đó là hoa thương, hoa thương vốn chẳng phải hoa, cũng giống như hoa tuyết không phải hoa, hoa khói không phải hoa vậy.
Nhưng khi thương ở trong tay Hồng Tam Nhiệt thực sự đã biến thành một đóa hoa.
Đó là vì khi Hồng Tam Nhiệt nói dứt câu nói đó, đã có bảy tám cỗ “ám khí” bay về phía y.
Những “ám khí” này hoàn toàn không mang theo tiếng rít gió, vì thế khi Hồng Tam Nhiệt phát hiện ra thì “ám khí” đã đến trước mặt rồi.
“Ám khí” không chỉ công vào trước mặt y, thân trước thân sau, thượng trung hạ bàn của y ít nhất cũng có tới mười chỗ yếu hại nằm trong phạm vi tấn công của số “ám khí” này.
Trường thương trên tay Hồng Tam Nhiệt quá dài, khó mà chống đỡ kịp. “Ám khí” lại đến quá nhanh, không kịp né tránh, y đành phải dùng cánh tay còn lại để tiếp “ám khí”.
Khi y bắt được hết số “ám khí” thì phát giác trường thương trên tay bị đoạt, vội nắm chặt tay lại, nhưng thứ y nắm không phải thương, mà là hoa.
Liên hoa.
Sau đó y phát hiện những “ám khí” y vừa bắt được đều là hoa. Những loại hoa khác nhau.
Điểm tương đồng duy nhất là:
Hoa đều rất đẹp.
Những bông hoa đẹp!