Bạn đang đọc Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ – Chương 6: Chuyến tàu qua đèo Khyber
Đèo Khyber thuộc về biên giới Afghanistan có nhiều đá hơn, cao hơn và nguy hiểm hơn bên Pakistan, nhưng ở Tor Kham – biên giới – không gian chuyển sang sắc xanh nhờ cây cối, vì thế người ta cảm thấy cực kỳ biết ơn. Đây là khoảng không gian xanh mướt trải dài đầu tiên mà tôi được nhìn thấy từ khi rời Istanbul. Bắt đầu là thảm địa y trên mặt đá, những khóm cỏ xanh nhạt đang nhú lên từ kẽ đá; tiếp đó là những bụi cây và cây thấp bị gió thổi quấn vào nhau và cuối cùng là những đoạn dốc phủ kín cỏ, chuyển thành màu xanh lá khi đến gần Peshawar. Cứ như có sự thay đổi thật đột ngột: không có nhiều quốc gia gần về địa lý mà lại khác biệt nhiều đến vậy. Khung cảnh dịu đi từ nơi đoạn ranh giới trên bản đồ bắt đầu, gương mặt xám xịt của người Afghan với mái đầu nhàu nhĩ đặt dưới khăn xếp trắng được thay thế bằng gương mặt góc cạnh với cái mũi khoằm của người Pakistan, bọn họ đi dép chật, trên mép có một hàng ria giễu cợt như của mấy áo thuật gia hay những nhân vật phản diện trong phim ảnh.
Và đây là đường sắt Khyber, còn dễ chịu hơn nữa. Một công trình tuyệt vời, được xây dựng từ năm mươi năm trước với chi phí lớn. Có ba mươi tư đường hầm, chín mươi hai cầu và ống dây điện ngầm, leo lên đến độ ột nghìn hai trăm mét. Đoàn tàu được giám sát chặt chẽ: những chỗ dốc trên đường ray, trong các trạm gác nhỏ, những tay súng ở Khyber đứng canh gác, nhìn vô định vào những hẻm núi xanh đen thẳng đứng ở phía bên kia của Afghanistan.
Mỗi tuần chỉ có một chuyến tàu đi qua đường sắt Khyber và thông thường tất cả hành khách được người Pakistan gọi là “người dân tộc”, người Kuki, Malikdin, Kambar và Zakka Khel, hành lý của bọn họ rất đặc trưng. Họ đi tàu mỗi tuần để đến phiên chợ ở Peshawar. Đối với bọn họ đấy là một chuyến đi chơi dã ngoại. Ở thềm ga Landi Kotal của đèo Khyber có rất đông những người dân tộc đang hào hứng bước đi trên đôi chân trần, nhấp nhổm đợi tàu đến. Tôi tìm được chỗ ngồi ở toa cuối cùng và nhìn một người dân tộc, trông ông này rõ là thần kinh không bình thường, cãi nhau với mấy người ăn mày ở thềm ga. Một người ăn mày đi khập khiễng nghiêng người về phía gia đình của mình đang đứng đợi, ông ta đưa tay ra. Lúc đó lão điên cố tình va vào người này và quát mắng. Một vài người ăn mày lờ lão ta đi; có một người đánh lại, thực ra là chỉ đập vào ông ta cho đến khi có cảnh sát can thiệp.
Lão điên đó cũng đã lớn tuổi. Lão có bộ râu dài xồm xoàm, mặc một chiếc áo khoác quân đội quá khổ, đi đôi xăng đan cao su cắt ra từ lốp ô tô. Lão ta kêu oai oái với cảnh sát và lên tàu, chọn một chỗ rất gần tôi. Lão bắt đầu hát, mọi người thấy thích thú. Lão ta hát càng to hơn. Những người ăn mày khác đi ngang qua toa – có người bị bệnh phong, vài người bị mù được mấy thằng nhóc dẫn đường, có người đi trên nạng – đoàn diễu hành quen thuộc của những người dân quê kém may mắn. Họ ngồi lẫn lộn với nhau ở cuối toa và rên rỉ. Các hành khách khác đặc biệt chú ý đến họ, nhưng chẳng ai cho bọn họ chút gì. Những người ăn mày mang theo mấy hộp thiếc đựng vụn bánh mỳ khô. Lão điên trêu bọn họ: lão làm mặt giễu cợt trước một người mù; lão la hét vào một người bị bệnh phong. Hành khách trong toa cười vang; mấy người ăn mày đi ngang qua. Một gã cụt tay lên tàu. Gã này trỏ vào phần tay bị cụt của mình, chỉ là một mẩu xương dài mười lăm xăng ti mét ở vai.
“Lạy đức Allah vĩ đại! Tay tôi đã mất! Xin hãy cho người tàn tật này chút gì đó!”
“Cút đi! Đồ ngốc!” lão điên hét lên.
“Làm ơn đi.” Gã cụt tay nói. Gã đi sâu vào trong toa.
“Cút ngay, thằng ngu! Bọn tao không muốn mày ở đây!” Lão điên đứng lên định tấn công gã kia thì bị gã đấm ột cú trời giáng vào một bên mặt, khiến lão loạng choạng ngã xuống ghế. Khi gã cụt tay rời đi, lão điên lại hát tiếp. Nhưng giờ thì chẳng có ai nghe nữa.
Hai người đàn ông ngồi gần dịch lại cuộc đối thoại cho tôi nghe, đó là ông Haq và Hassan. Ông Haq, khoảng sáu mươi lăm tuổi, là một luật sư ở Lahore. Ông Hassan, đến từ Peshawar, là bạn của ông Haq. Họ mới đến từ chỗ biên giới, ông Haq nói: “chúng tôi đi kiếm một vài thông tin.”
“Anh sẽ thích Peshawar.” Hassan nói. “Đấy là một thị trấn nhỏ rất hay.”
“Xin phép được ngắt lời ông bạn hiểu biết của tôi để nói rằng ông ấy không biết mình đang nói gì đâu.” ông Haq bảo. “Tôi là một ông già và tôi biết mình đang nói gì. Peshawar không còn là một thị trấn hay ho nữa. Đã từng thế, nhưng giờ thì không. Chính quyền Afghanistan và Nga muốn thống trị nơi đây. Chính phủ Nga và Ấn Độ đã lấy đi một phần của Pakistan, giờ họ gọi chỗ đó là Bangladesh. Ừm. Pakistan trước đây từng rất tuyệt vời. Giàu truyền thống lịch sử, nhưng giờ chúng tôi chẳng biết chuyện gì xảy ra nữa.”
Đoàn tàu khởi hành, lão điên đang hành hạ một cậu bé đi tàu một mình, những người dân tộc – chống khuỷu tay – ngồi bên cửa sổ. Một chuyến tàu kỳ lạ: có lúc toa tàu tràn ngập ánh sáng, khung cảnh bên ngoài chuyển từ đỉnh thung lũng sang hình ảnh hẻm núi đầy đá cuội; có lúc chúng tôi di chuyển trong bóng tối. Đoàn tàu phải đi qua năm ki lô mét đường hầm, vì không có đèn trên tàu nên chúng tôi đi trong bóng tối.
“Rất vui được nói chuyện với anh.” ông Had nói. “Anh chắc đã đi đến Kabul. Cho tôi biết ở đó có an toàn không?”
Tôi nói với ông rằng mình đã nhìn thấy rất nhiều lính, nhưng tôi cho rằng bọn họ ở đó vị họ thuộc lực lượng quân đội Afghanistan được điều khiển bằng các sắc lệnh.
“Ừm, tôi có một vấn đề, tôi là một ông già, vì thế cần vài lời khuyên.”
Vấn đề là ông Haq có một đứa cháu họ xa, người Pakistan, bị bắt ở Kabul. Khó khăn là làm thế nào để có được ngoại tệ và không thể du lịch sang Ấn Độ, nơi duy nhất dành cho những người Pakistan thích đi du lịch là Afghanistan. Ông Haq nghĩ thằng bé bị bắt do tàng trữ gai dầu và ông được nhờ đến Kabul để xem liệu có thể giúp thằng bé ra tù. Ông không chắc là mình muốn đi hay không.
“Anh hãy nói cho tôi biết. Quyết định hộ tôi đi.”
Tôi nói với ông nên đặt vấn đề này với sứ quán Pakistan ở Kabul.
“Về mặt hình thức đúng là hai nước có quan hệ ngoại giao, nhưng mọi người đều biết là chẳng có quan hệ ngoại giao nào đâu. Tôi không thể làm thế được.”
“Thế thì ông phải đi thôi.”
“Nếu bọn chúng bắt tôi thì sao?”
“Sao bọn họ lại làm thế được?”
“Bọn chúng có thể nghĩ tôi làm gián điệp,” ông Haq nói, “Chúng tôi sắp có chiến tranh với Afghanistan vì vấn đề Paktoonistan.”
Vấn đề Paktoonistan là mấy ngôi làng có vũ khí của người dân tộc Pathan, được Nga và Afghanistan hỗ trợ, các ngôi làng này đang có nguy cơ đòi tách ra khỏi Pakistan, tuyên bố là một quốc gia mới có thu nhập chính từ hoa quả khô và trở thành khu vực tự trị; những chiến sỹ giải phóng khi đó sẽ tham gia cạnh tranh trên thị trường thế giới với món nho và mận khô.
“Lời khuyên của tôi là đừng đi.” Tôi bảo.
“Sao anh lại nói thế? Thế còn thằng bé? Nó là họ mạc với tôi – gia đình nó đang lo lắm. Ước gì,” ông Haq nói, “liệu tôi có thể hỏi thêm anh là anh có biết nhà tù ở Kabul không?”
Tôi đáp mình không biết, nhưng tôi đã đến trại tâm thần ở Kabul và không thấy nơi đó đáng đi chút nào.
“Nhà tù ở Kabul. Để tôi kể anh nghe. Được vua Babar xây từ năm 1626. Người ta gọi đấy là nhà tù, nhưng thực ra là những hố trên mặt đất, giống như cái giếng sâu vậy. Bọn chúng tống tù nhân xuống đó. Ban đêm lấy một cái nắp đậy lên. Sự thật là vậy đấy. Không cho thức ăn đâu. Thằng bé có khi chết rồi. Tôi không biết mình nên làm gì.”
Ở Urdu ông Haq bực mình với Hassan, trong khi đó tôi chụp ảnh hẻm núi. Chúng tôi lại chui vào đường hầm, đi qua chỗ rẽ đường sắt, trên đầu chúng tôi là những tháp công sự được gia cố, ụ súng đá và ánh mặt trời giữa chiều tỏa sáng. Một chuyến đi tàu không tưởng. Tàu “132 – miền xuôi” bập bênh trên những vách núi, thở nặng nề và khi chẳng có gì ở phía trước ngoài không khí cùng một vách đá dốc thẳng đứng, đoàn tàu bất thình lình đổi hướng lao vào trong núi. Lao qua một cái hang, lũ dơi bật ra từ trần hang mấy người dân tộc lấy que đập chúng. Rồi lại lao vào ánh mặt trời, đi qua pháo đài ở Ali Masjid, giữ thăng bằng trên mỏm núi cao, một giờ sau, sau hai mươi lần lộn vòng, chúng tôi đi đến sườn núi ít dốc hơn ở gần Jamrud. Phía trên Jamrud là một pháo đài hùng vĩ với những bức tường dày ba mét và phần nổi giữa các tháp hướng về phía Afghanistan.
Một vài người dân tộc xuống tàu ở Jamrud, ông Hassa quan sát và nhận xét: “Chúng ta làm những gì có thể với họ còn họ cứ đi lên.”
Rồi ông chìm vào im lặng, không nói gì cho đến khi chúng tôi đi qua vùng ngoại ô Peshawar, bên cạnh một con đường có những chiếc xe ngựa lọc cọc và ọp ẹp đi qua. Nơi đây, địa hình bằng phẳng và xanh mát, những cây cọ đều cao vút; có thể ở đây nóng hơn Kabul, nhưng rợp bóng cây xanh khiến cho thời tiết mát dịu. Phía sau chúng tôi, mặt trời xuống rất thấp, những đỉnh núi phía đèo Khyber ánh lên tím biếc giữa không gian mờ ảo màu hoa tử đinh hương, đẹp đến nỗi người ta có cảm giác chúng có mùi thơm thật sự. Ông Haq nói có công chuyện ở đây. “Tôi phải đi giải quyết mối lo của mình đây.”
“Chúng ta gặp nhau sau nhé,” ông nói khi đến nhà ga Peshawar. “Tôi sẽ không làm phiên anh bằng những chuyện của tôi đâu. Chúng ta sẽ uống trà và nói chuyện trên trời dưới biển.”
Peshawar là một thị trấn khá đẹp. Tôi sẵn sàng chuyển đến đây sống, an cư bên một hiên nhà, ngắm hoàng hôn trên đèo Khyber và già đi theo năm tháng. Những căn biệt thự lớn ở Peshawar đều là những ví dụ xuất sắc của kiến trúc gothic Anglo – Muslism, nằm trải dài trên những con đường yên ả dưới hàng cây mát rượi: một nơi tuyệt vời để lấy lại sức sau những trải nghiệm khủng khiếp ở Kabul. Bạn gọi một chiếc tonga (xe ngựa) ở sân ga rồi đi đến khách sạn, có ghế và xích đu đặt bên hiên để khách có thể duỗi chân duỗi cẳng áu lưu thông. Một anh bồi bàn nhanh nhẹn đem đến một chai bia Murree cỡ lớn. Khách sạn vắng hoe, những vị khách khác đã liều lĩnh đi một chuyến đi cực hình đến Swat với hi vọng được khách sạn Wali đón tiếp như ông hoàng. Bạn sẽ ngon giấc trong chiếc màn chống muỗi, thức dậy cùng tiếng chim hót và bữa sáng kiểu Anh, bắt đầu với món cháo đặc và kết thúc là món bầu dục. Sau đó tonga sẽ đưa bạn đến bảo tàng.
Bạn tự hỏi, đức Phật được thụ thai thế nào. Bảo tàng Peshawar có hệ thống trụ gạch nghệ thuật Hy-Phật mô tả hình ảnh mẹ đức Phật đang nằm nghiêng một bên và được thụ thai qua xương sườn bằng cái vòi của một quả bóng khí ở phía trên bà. Ở một ô cột khác, hình ảnh đức Phật sơ sinh đang nhảy ra từ một bên sườn của mẹ mình – một cuộc vượt cạn lấy hết sức để nhảy xa. Cách đó một khoảng là cảnh sinh nở, hình ảnh đức Phật đang nằm ở trung tâm giữa những người có mặt, bọn họ quỳ xuống cầu nguyện; trông như cách trình bày một tấm thiệp Giáng sinh tinh tế bằng đá với những gương mặt kinh điển. Tác phẩm đáng kinh ngạc nhất là bức điêu khắc cáo khoảng một mét tạc ông già trong tòa sen. Người này trông rất vững chãi: mắt trũng sâu, xương sườn nổi lên, đầu gối nhô ra, bụng hóp sâu. Ông ta trông như sắp chết, nhưng gương mặt đầy mãn nguyện. Đây là bức điêu khắc đá có thần nhất mà tôi từng thấy ở cả Ấn Độ và Pakistan. Tôi cũng nhìn thấy hình người tương tự ở các lối vào và bên ngoài các túp nhà, dựa bên các cột của sân ga, trông như người chết đói nhưng trên khuôn mặt hốc hác toát lên vẻ thần thánh.
Cách bảo tàng một đoạn, khi đi mua một ít diêm ở cửa tiệm, tôi được mời chào mua morphine. Tôi thắc mắc không biết mình có nghe nhầm không và muốn xem hàng. Người đàn ông lấy ra một hộp diêm (có lẽ “hộp diêm” là mật hiệu?) rồi mở nắp. Bên trong có một lọ thủy tinh nhỏ dán chữ morphine sunphat đựng mười viên thuốc trắng. Người đó nói bọn họ phải kẹp ở nách và nói rằng tôi có thể lấy hết với giá hai mươi đô la. Tôi trả giá năm đô la và cười, hắn biết mình bị trêu nên nổi khùng và đuổi tôi đi.
Tôi muốn ở Peshawar lâu hơn. Tôi thích ngồi bên hiên nhà, lắc lắc tờ báo nhìn tonga qua lại, thích nghe những người Pakistan trao đổi về cuộc chiến sắp xảy ra với Afghanistan. Bọn họ lo lắng và buồn rầu, nhưng tôi an ủi họ rằng họ sẽ nhận được lời chúc phúc của tôi nếu họ có ý định xâm lược đất nước xấu xa kia. Sự an ủi của tôi khiến họ ngạc nhiên, nhưng họ nhận thấy là tôi nói thật lòng. “Tôi hy vọng ngài sẽ giúp chúng tôi,” một người nói. Tôi giải thích rằng tôi không phải là một người lính. Ông ấy nói: “Không phải riêng ngài mà là nước Mỹ.” Tôi nói rằng mình không dám hứa sẽ huy động được cả nước, nhưng tôi sẽ rất vui được lên tiếng vì họ.
Mọi thứ ở Peshawar thật dễ dàng trừ việc mua vé tàu. Công việc buổi sáng này khiến bạn kiệt sức. Đầu tiên phải xem xét thời gian tàu chạy ở hãng Đường sắt Miền Tây Pakistan và thấy chuyến tàu thư vận Khyber khởi hành lúc 4 giờ. Sau đó đi đến ở cửa thông tin và được biết rằng tàu khởi hành lúc 9 giờ 50 tối. Người cung cấp thông tin sẽ bảo bạn đến chỗ đặt vé. Người nhận đặt vé không có ở đó, nhưng ông quét nhà nói anh ta sẽ quay về ngay. Một tiếng sau anh ta quay lại và giúp bạn chọn hạng vé. Anh ta viết tên bạn vào một quyển sổ và đưa biên nhận. Bạn cầm tờ biên nhận đó đến quầy mua vé, với một trăm linh tám rupi (tương đương mười đô la), người ta đưa cho bạn hai vé và một tờ biên nhận có ký nháy. Bạn quay trở lại chỗ đặt vé đợi người này quay về. Khi quay về, anh ta ký lên vé, kiểm tra giấy biên nhận, viết chi tiết vào một cuốn sổ cái có diện tích khoảng hai mét vuông.
Đó chưa phải là khó khăn duy nhất. Người đàn ông ở chỗ đặt vé nói với tôi rằng không còn giường nằm trên chuyến tàu thư vận Khyber. Tôi nghi ngờ anh ta có ý định đòi baksheesh nên cho anh ta sáu rupi để kiếm giường nằm. Sau hai mươi phút, anh ta nói các giường đều kín chỗ cả. Anh ta rất tiếc. Tôi đòi lại khoản tiền kia, anh ta nói: “Được thôi.”
Rồi tôi nghĩ ra một phương án tuyệt vời. Tôi nghỉ ở khách sạn Dean, một thành viên của tập đoàn khách sạn Faletti ở Lahore. Tôi đã quấy quả anh nhân viên bằng một phi vụ có hời, cuối cùng anh ta đồng ý bố trí bộ giường đệm cho tôi. Tôi sẽ cho anh ta sáu mươi rupi còn anh ta sẽ đưa cho tôi một tờ biên nhận. Ở Lahore, tôi sẽ đưa bộ giường đệm và hóa đơn cho khách sạn Faletti để lấy lại sáu mươi rupi. Giấy biên nhận đó viết như sau: Xin hãy trả lại cho người này sáu mươi rupi nếu anh ta đưa ra biên nhận này và một chăn, một ga trải giường, một gối cùng giấy chứng nhận thuộc khách sạn Dean ở Peshawar.