Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

Chương 3: Chuyến tàu tốc hành Hồ Van


Bạn đang đọc Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ – Chương 3: Chuyến tàu tốc hành Hồ Van


“Tôi năn nỉ ngài đấy, cứ nhìn vào cuộn giấy này rồi nhìn tôi đi,” gã bán đồ cổ tại chợ Istanbul nói. Hắn đập đập cuộn giấy lụa vào tay. “Ngài nói cuộn giấy này ẩn và hoen ố! Phải! Nó bẩn và hoen ố! Tôi đã bốn mươi hai tuổi rồi, đầu đã hói, cũng có nhiều nếp nhăn nữa. Cuộn giấy này không phải bốn mươi hai tuổi – nó hai trăm tuổi cơ đấy và ngài sẽ không mua nó vì ngài nói nó bị hoen ố! Ngài mong chờ điều gì nào? Một cuộn giấy mới tinh, sáng bóng? Ngài đang gạt tôi thì có!”
Hắn cuộn cuộn giấy lại, nhét vào dưới nách tôi rồi bước tới sau cái máy tính tiền, thở dài: “Được rồi, ngài đã lừa được tôi. Mới sáng sớm, tôi chỉ lấy bốn trăm lira thôi.”
“Olmaz,”[1] tôi đáp rồi trả lại hắn. Tôi đã thể hiện thái độ tò mò về cuộn giấy chỉ vì lịch sự, nhưng hắn lại cho rằng tôi rất quan tâm và mỗi lần tôi định bỏ đi, hắn lại giảm giá một nửa, vì cho rằng tôi giảm hứng thú với món hàng chẳng qua là một chiêu đòi giảm giá.
[1] Không. Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối cùng tôi cũng bỏ đi được. Tôi đã ngủ quá giấc. Tôi thấy đói và dự tính sẽ mua đồ ăn cho chuyến đi trên tàu tốc hành Hồ Van, chuyến tàu này có tiếng là thường xuyên hết đồ ăn sớm và luôn trễ cả mười ngày mới đến được biên giới Iran. Đồ ăn cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi vì một lý do khác nữa. Tôi đã định sẽ nếm thử vài món đã được nói đến ở Nagel. Tên các món ăn đó đầy quyến rũ mà tôi sẽ rời đi trong chuyến tàu chiều nay, đây là cơ hội cuối cùng để thưởng thức chúng. Tôi tự vẽ ra trong đầu thực đơn của riêng mình. Đó là các món: “Imam ngất xỉu” (Imam Bayildi, một loại xúp rau tổng hợp), “Ngón tay của Vizier” (Vizier Parmagi), “Hoàng thượng thích nó” (Hunkar Begendi) và hai món không thể cưỡng lại được, “Đùi của quý cô” (Kadin badu) và “Rốn của quý cô” (Kadin Bobegi).
Tôi không có đủ thời gian để nếm hết các món, ngoại trừ hai món cuối cùng. Tôi dừng lại ở một quán cà phê trên đường ra bến phà và tự hỏi người Thổ Nhĩ Kỳ xác định mùi vị theo bộ phận cơ thể thì phần đùi rất ngậy và cái rốn thì rất ngọt. Chỉ hai mươi xu ỗi món, khá rẻ và có lẽ an toàn hơn nhiều so với những “đồ thật” đứng thành dãy trong những con hẻm nhỏ của khu Istiklal Caddesi vào ban đêm. Cùng với tiếng saxophone réo rắt phát ra từ các quán rượu đèn mờ, các nàng mèo trong những con hẻm sẽ kéo tay khi bạn đi qua con đường rải sỏi này. Tôi đã rất kiên quyết. Không bao giờ lại gần bất cứ đùi của quý cô nào ở Istanbul ngoại trừ món bánh mang tên đó. Thêm nữa, tôi cũng được cảnh báo rằng đa số nàng mèo đó đều là những gã giả gái, ban ngày những gã đó vẫn làm việc tại bến cảng Bosporus, thành viên của các thủy thủ đoàn.
Tôi tin vào điều này khi nghe được cái giọng ái nam ái nữ của một anh chàng mặc bộ đồ thủy thủ, gọi tôi một cách âu yếm là Effendi, khi hối thúc tôi lên phà nhanh lên trong chuyến đi cuối cùng tới Haydarpasa. Tôi nhìn lên boong trên, hình dung ra viễn cảnh của mình: tôi có vài hộp cá ngừ, đậu và lá nho, vài củ dưa chuột, một khoanh pho mát dê, bánh xốp, bánh quy xoắn và ba chai rượu vang, mỗi ngày một chai trên đường đến Hồ Van. Tôi cũng mang theo ba hộp sữa chua kem – ở đây người ta gọi là ayran, thứ đồ uống truyền thống của những người chăn cừu Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng tôi không cần bận tâm nhiều, trong thoáng chốc tàu tốc hành Hồ Van đã dừng trước ga Haydarpasa, tôi để ý ngay đến toa ăn. Tôi tìm thấy toa của mình, sau đó đi thẳng đến toa ăn để dùng bữa trưa và theo dõi những hoạt động ở thềm ga. Mấy nhóm người híp pi trông giống như các gia đình bộ lạc đang tìm chỗ họp bàn, hoặc tìm đồng cỏ mới, bọn họ cãi nhau với mấy gia đình người Thổ Nhĩ Kỳ ăn mặc nhã nhặn. Chỉ vài phút sau đó, gia đình người Thổ và nhóm híp pi phát hiện ra họ cùng ở chung trong các toa hạng ba và lại tiếp tục tranh nhau chỗ ngồi bên cửa sổ. Đường sắt Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng đầu máy xe lửa hơi nước cho những hành trình ngắn, ở sân ga, than được đổ vào, muội than bắn vào hành khách lên tàu, bầu trời tối đi vì muội khói, khiến cho sân ga kiểu Đức mang đúng không khí Đức.
Thật thú vị khi được ngồi ăn, uống, đọc cuốn Little Dorrit và lại tiến về phía Đông trên một chuyến tàu chợ sẽ đưa tôi tới chiếc hồ rộng nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi thấy yên tâm trước những gì mình thấy ở hãng đường sắt Thổ Nhĩ Kỳ: tàu dài và chắc chắn, toa ngủ mới hơn những toa nằm trên tàu Phương Đông trực tuyến, toa ăn có hoa tươi và nhiều rượu vang bày trên bàn. Mất ba ngày để đến Hồ Van, năm ngày để đến Teheran, tôi cảm thấy cực kỳ thoải mái. Tôi quay trở lại toa của mình và thả mình ngồi xuống bên cửa sổ – một góc ngồi dễ chịu – tôi cảm thấy đê mê với cảm giác châu Á đang lướt đi dưới bánh tàu.
Chúng tôi tới bên bờ biển và đi chậm lại, qua bờ cực Đông của biển Marmara, dừng lại ở các thị trấn hẻo lánh Kartal và Gebze (nơi Hannibal tự sát) sau đó tới Vịnh Izmit, hứng những tia sáng hoàng hôn cuối cùng. Trời tối dần, chúng tôi vào đất liền, đi qua Ankara. Những điểm dừng chân của chúng tôi ngắn hơn và ít hơn, ở mỗi ga, lại có những người đàn ông nhỏ bé, đầu đội mũ vải, dáng mệt mỏi bước xuống tàu, hạ hành lý xuống và ngóng đợi đoàn tàu tiếp theo. Khi tàu chuyển bánh, tôi vẫn dõi nhìn theo họ cho đến khi điểm duy nhất tôi nhìn thấy là những điếu thuốc lá sáng lên sau mỗi lần họ sốt ruột rít thuốc. Ở hầu hết các ga tỉnh lẻ đều có quán cà phê ngoài trời với rất nhiều bàn ghế trắng vá tràn ngập cây xanh. Những người ngồi uống ở đó không phải khách du lịch mà là người dân địa phương, thường ra ga sau bữa tối, ngồi hàng giờ ngắm những đoàn tàu đi qua. Tàu tốc hành Hồ Van là một sự kiện đối với quán cà phê: ngay khi chúng tôi rời đi, một người đàn ông to lớn trở về chỗ ngồi và chỉ vào cốc cà phê của mình, gọi người phục vụ mặc áo vest trắng, anh chàng này bị bất động trong giây lát khi tập trung nhìn đoàn tàu đi qua. Anh ta như bừng tỉnh khi nghe người đàn ông gọi, vắt chiếc khăn nhỏ ở cánh tay và đi tới bàn của khách, chuẩn bị cúi người.
“Guten Abend”[2]. Một người Thổ đứng ở cửa toa của tôi. Anh ta bảo không biết nói tiếng Anh nhưng biết đôi chút tiếng Đức. Anh ta đã làm công việc lắp ráp ô tô ở Munich suốt một năm. Anh ta xin lỗi vì đã làm phiền tôi, nhưng bạn anh ta muốn hỏi vài câu. Bạn anh ta là một ông già đứng phía sau anh ta, không biết nói thứ tiếng nào ngoại trừ tiếng mẹ đẻ. Họ rụt rè bước vào toa của tôi; sau đó người nói được tiếng Đức bắt đầu: Tại sao tôi lại chỉ có một mình trong toa này? Tôi định đi đâu? Tại sao lại để vợ ở nhà? Tôi có thích nước Thổ Nhĩ Kỳ không? Sao tôi lại để tóc dài thế? Ở quê tôi ai cũng để tóc dài thế à? Chuỗi câu hỏi kết thúc. Ông lão cầm quyển Litte Dorrit lên giở các trang, chăm chú nhìn vào những dòng chữ in nhỏ và ước lượng trọng lượng cuốn sách chín trăm trang trên tay mình.
[2] Xin chào. Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tôi cảm thấy mình cũng có quyền hỏi họ những câu họ vừa hỏi mình, nhưng tôi cứ ngập ngừng. Họ mới dùng bữa trong toa của họ xong và mang tới ít rau chua vào toa của tôi. Họ nhìn chằm chằm vào chỗ rượu gin của tôi. Họ quên không cài hết khuy quần, giờ thì tôi đã hiểu tại sao trong Thế chiến I, lính Anh vẫn hay gọi những chiếc khuy đó là “huân chương Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông lão cứ nhấm nước bọt vào ngón tay rồi miết xuống, lật từng trang sách của tôi.
Gương mặt của mấy đứa trẻ con xuất hiện ở cánh cửa, một đứa nhỏ bắt đầu khóc, sức chịu đựng của tôi đã tới đỉnh điểm. Tôi yêu cầu lấy lại sách rồi đuổi họ ra. Tôi chốt cửa lại đi ngủ. Trong mơ, tôi thấy mình đang cố gắng bay, đập hai cánh tay để gạt đi những luồng gió mạnh đang cố cản tôi như cản một con diều và tôi cố đưa mình lên khỏi mặt đất. Nhưng tôi cứ di chuyển sát mặt đất giống như một con sâm cầm đang bay là là mặt nước, những ngón chân của tôi vẫn lướt trên đất. Tôi đã mơ như vậy mỗi tuần vài lần trong suốt ba tháng, chỉ khi đến Viên Chăn và hít đầy phổi mùi thuốc phiện, tôi mới cất cánh được.
Chỉ có người Thổ ở trong các toa hạng cao cấp. Khác hẳn với quan điểm của những người hay đi du lịch vẫn cho rằng người dân địa phương không xài hạng sang. Như sợ bị lây ô nhiễm từ các khu vực khác trên tàu, nên những người Thổ ít khi ra khỏi toa ghế nằm của mình và cũng chẳng ra khỏi khoang. Mỗi toa nằm được bố trí hai giường nhỏ, đôi khi tôi tự hỏi không hiểu người ta bố trí nằm thế nào trên hai chiếc giường ấy. Ví dụ, ngồi cạnh tôi là một người đàn ông mặt vàng như nghệ, đi cùng hai phụ nữ mập và hai đứa con trẻ. Tôi thấy họ ngồi thành hàng cạnh nhau ở giường tầng dưới suốt cả ngày, nhưng đêm đến, chỉ có Chúa mới biết có chuyện gì xảy ra. Không toa ngủ nào có ít hơn bốn người và sự chật chội khiến những toa này mang bầu không khí ô nhiễm chẳng khác gì những toa hạng ba mà mấy vị khách du lịch cố tránh xa.
Người Thổ nói tiếng Đức mô tả khu vực còn lại trên tàu thật ồn ào và tỏ vẻ khó chịu. Nhưng những tiếng ồn ào chủ yếu là của đám người nói tiếng Anh. Ở kia, có mấy anh chàng cao ráo, tóc buộc ruy băng và vài cô gái tóc ngắn đang đong đưa với bạn trai, mấy anh chàng này trông õng ẹo như dân đồng tính. Mấy anh chàng gầy nhẳng, tóc bù xù, túi đeo trên vai và mũi rám nắng đang đứng đung đưa ở hành lang, chân của bọn họ đều bẩn. Khi đi dọc xuống các khoang phía dưới, tôi thấy bọn họ trông càng bẩn hơn và kỳ cục hơn, ở những khoang cuối, bọn họ có thể được coi là họ hàng xa của những người Thổ – những người trông sạch hơn nhiều, ở chung toa với bọn họ, nhồm nhoàm nhai bánh mì, gạt thức ăn vụn rơi trên ria mép, vuốt bụng ấy đứa bé sơ sinh. Nói chung, đám híp pi mặc kệ những người Thổ, họ cứ chơi ghi ta và ắcmônica, nắm tay nhau, đánh bài. Có kẻ còn nằm dài ra ở trong toa, chiếm diện tích đến một nửa toa, cong người lại “tự sướng” trước con mắt ngạc nhiên của những phụ nữ Thổ đang ngồi nhìn qua lớp khăn che mặt tối màu, tay họ kẹp chặt vào giữa hai đầu gối. Thỉnh thoảng, tôi thấy có một đôi tình nhân rời khỏi toa, dắt tay nhau đi vào nhà vệ sinh để tình tang.
Đa số bọn họ đều đi tới Ấn Độ và Nepal bởi vì:
những giấc mơ điên dại nhất ở Kew là thực tại ở Khatmandhu,
Và những tội ác ở Clapham là sự trong sạch ở Martaban.
Phần lớn bọn họ mới đi lần đầu tiên và có một vẻ ngoài ớn lạnh – đây chẳng qua là mặt nạ trên gương mặt của một kẻ đào tẩu. Thực sự, tôi chẳng nghi ngờ chuyện những cô gái tuổi vị thành niên lập ra mấy nhóm phóng túng này cuối cùng sẽ xuất hiện qua những bức ảnh mờ mờ, hoặc ảnh của lễ tốt nghiệp cấp Ba trên những tờ thông báo của các văn phòng lãnh sự Mỹ ở châu Á, trong mục Người mất tích và Bạn có thấy cô gái này không? Những kẻ mới nhập môn đều có trưởng nhóm, rất dễ nhận ra trưởng nhóm thông qua cách ăn mặc: quần áo bạc phếch, ba lô rách tả tơi, trang sức – khuyên tai, bùa hộ mệnh, vòng tay, vòng cổ. Họ có được vị trí trưởng nhóm là nhờ kinh nghiệm, điều này có thể thấy qua trang sức họ đeo – cái gã đang ồn ào ở ngoài hành lang – kinh nghiệm đã cho hắn được là thủ lĩnh của một nhóm. Tóm lại, đây là một trật tự xã hội tương tự như ở bộ lạc Masai.
Tôi thử tìm hiểu xem họ sẽ đi đâu. Thật chẳng dễ gì. Họ hiếm khi ăn ở toa ăn; họ thường ngủ suốt và không được phép đi đến khu cao cấp của người Thổ. Có vài người đứng bên cửa sổ ở hành lang, như trong trạng thái bị thôi miên khi bị cảnh đẹp của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ quyến rũ. Tôi rụt rè tiến tới ngồi cạnh hỏi về kế hoạch của bọn họ. Một người thậm chí chẳng quay sang. Anh ta khoảng ba lăm tuổi, tóc rối bời, mặc một chiếc áo phông có dòng chữ “Moto-Guzzi”, đeo một khuyên vàng nhỏ ở thùy tai. Tôi đoán là anh ta đã bán chiếc xe mô tô của mình để mua vé đi Ấn Độ. Anh ta bám tay vào bậu cửa sổ nhìn ra khoảng đất trống màu nâu vàng trước mặt. Anh ta trả lời câu hỏi của tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ: “Pondicherry.”
“Đền thờ?” Auroville là một thị trấn nằm gần Pondicherry, phía Nam Ấn Độ, được xây dựng để tưởng nhớ đến Sri Aurobindo (chính trị gia Ấn Độ, 1872-1950), vào thời đó thị trấn này do bà vợ lẽ người Pháp chín mươi tuổi (được gọi là Mẹ) của ông cai quản.
“Tôi muốn ở đó càng lâu càng tốt.”
“Bao lâu?”

“Nhiều năm.” Anh ta nhìn chăm chú một ngôi làng mà chúng tôi vừa đi qua và gật đầu. “Nếu người ta cho phép tôi ở đó.”
Đó là giọng điệu pha lẫn giữa sự sùng đạo và kiêu ngạo, cho ta thấy anh ta có thiên hướng tôn giáo. Nhưng Moto-Guzzi đã có vợ và con ở California. Thật thú vị: anh ta đã chạy trốn khỏi con mình và những cô gái trong nhóm của anh ta thì trốn khỏi cha mẹ.
Một anh chàng khác đang ngồi ở giá chuyển hướng trên tàu, đung đưa chân trong gió. Anh ta đang gặm một quả táo. Tôi hỏi xem anh ta định đi đâu. “Có thể là Nepal,” anh ta trả lời rồi cắn một miếng táo. “Có thể là Ceylon, nếu tiện.” Anh ta cắn một miếng nữa. Quả táo giống như trái đất mà anh ta đang chia ra từng phần, từng phần nhỏ có thể tới được. Anh ta đặt hàm răng trắng vào và lại cắn miếng nữa. “Có thể là Bali.” Anh ta nhai ngon lành. “Cũng có thể tới Úc.” Anh ta cắn miếng cuối cùng và ném cái lõi táo đi. “Ông đang làm gì thế, viết sách à?”
Đây không phải là một thử thách. Anh ta rất hài lòng – bọn họ đều thế cả, chỉ có một ngoại lệ. Đây là cuộc chạy ma ra tông kiểu Đức. Anh ta có thể bị nhìn thấy bất cứ lúc nào trong ngày khi đang làm những bài toán đẳng cự ở khoang hạng hai. Anh ta nghiện sữa chua và cam. Anh ta mặc áo khoác thể thao, có phéc mơ tuya màu xanh và bước đi trên phần đầu của ngón chân. “Tôi đang điên đây,” anh ta nói. Anh ta từng chạy hai chục cây số mỗi ngày. “Nếu con tàu này chạy quá lâu, thì tôi bị mất dáng mất thôi.” Vì một lý do nào đó, tôi không hiểu được rằng anh ta sẽ đến Thái Lan để chạy. Anh ta đã tới Baluchistan. Anh ta bảo tôi rằng tàu đang chạy tới Zarand. Anh ta cười với ý nghĩ rằng: “Ông sẽ rất bẩn khi tới được Zahedan.”
Phương Đông lướt ngoài cửa sổ – Chương 03: Chuyến tàu tốc hành Hồ Van (P.2)
Một tiếng va trong đêm đó đã khiến tôi nhỏm dậy nhìn ra ngoài cửa sổ để thấy tấm biển nhà ga ở Eskisehir biến mất. Lúc sáu giờ sáng, chúng tôi đã ở Ankara, nơi anh chàng vận động viên ma ra tông nhảy xuống tàu và bước hối hả lên xuống ở bên cạnh những đầu máy rẽ đường. Đến bữa trưa, ở trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ, anh chàng chạy ma ra tông đó nói với tôi rằng anh ta đã ăn đủ sữa chua cho chặng đường đến biên giới Afghanistan, tại đó sẽ có nhiều sữa chua hơn nữa.
Rồi chúng tôi im lặng nhìn ra ngoài cửa sổ của khoang ăn. Chỉ có một thứ đáng chú ý. Cảnh vật không có gì thay đổi và khô cằn: một dãy dài những ngọn đồi trọc trải tới chân trời; trước mặt chúng tôi là một đồng bằng cằn cỗi, bị che phủ bởi bụi màu hung đỏ cuốn lên từ tàu tốc hành Hồ Van. Nhìn sa mạc khiến tôi thấy đau mắt. Sự khác biệt duy nhất mà tôi thấy ở đây là những hành động vô tâm của Chúa Trời, bằng chứng là những trận lụt lội, hạn hán, bão cát, đáy sông cạn trong những rãnh nước xói mòn khiến đất đá trồi lên. Phần còn lại là một khoảng rộng mênh mông không có nước và cứ tiếp tục như vậy trong nhiều giờ, dưới bầu trời xanh trong vắt. Những người dân mà tôi thấy ở đây trông thật thảm hại như trong một vở kịch của Beckett, họ trở nên ngớ ngẩn khi lo lắng ảnh đất bị tàn phá không thương tiếc này. Từ đâu đó, một bé gái nhỏ mặc chiếc váy đáng yêu đang bước đi thận trọng khi xách hai xô nước, một ví dụ về ảnh hưởng to lớn của sa mạc; đứng bên một mương nước cạn như ngọn cỏ dại ven đường, là một gã đàn ông người Thổ mặc quần sọc, đội mũ len của người chơi golf, áo len cổ chữ V và cà vạt, nụ cười rạng rỡ dưới hàng ria mép. Cách chỗ này vài dặm, chúng tôi gặp một dãy nhà. Sáu ngôi nhà được xây như những hàng gạch với các thanh gỗ xấp ngay ngắn thành hàng trên mái nhà. Đây là vùng cao nguyên trung tâm, chúng tôi đi tiếp xuống dưới sau bữa trưa và thấy những dấu hiệu của công trình thủy lợi, những ốc đảo xanh tươi, xa xa là những dãy núi mờ mờ. Nhưng nhìn ra ngoài cửa sổ khá chóng mặt, đặc biệt là khi nhìn chăm chú và trong lúc nhiệt độ đang tăng. Đến lúc chiều tối, nhiệt độ khoảng trên ba mươi độ còn bụi phủ kín không gian xung quanh.
“Trông ít nhiều giống đường đến Pakistan,” anh chàng chạy ma ra tông nói. “Mọi thứ đều giống nhau, một mặt phẳng rộng lớn màu nâu, nhưng dĩ nhiên là nóng và bụi hơn.”
Tôi đi đến toa của mình và nằm xuống, như một góa phụ người Hindu chuẩn bị hỏa thiêu để chết theo chồng. Để làm tôi vui lên, một cô gái người Úc có gương mặt đầy đốm tàn nhang từ khoang hạng ba đã đi qua toa nằm của tôi và hỏi liệu tôi có thể mời cô ta uống nước. Tôi mời cô rượu nho raki; cô gái muốn uống nước. Có sáu người trong toa của cô. Đêm trước, có một người đã lẻn đi – cô cũng không rõ đi đâu – “Năm người thì cũng không tệ lắm. Ý tôi là tôi đã ngủ ngon trong vài giờ, nhưng tối nay lại là sáu người. Tôi sẽ chán điên lên nếu biết tôi sẽ làm gì.” Cô nhìn quanh toa nằm của tôi và mỉm cười. “Tôi tên Linda.”
“Tôi sẽ mời cô ở lại đây,” tôi nói, “nhưng Linda, vấn đề ở chỗ cái toa này quá nhỏ nên chúng ta sẽ sớm nằm lên nhau mất thôi.”
“Cám ơn anh vì ly nước.”
Cô là một sinh viên, như những người khác, và có một chiếc thẻ sinh viên để chứng minh. Kể cả gã trưởng nhóm lớn tuổi nhất, xơ xác và tiều tụy nhất cũng có thẻ sinh viên. Lý do là: giá vé giảm một nửa cho những ai có thẻ sinh viên. Cô gái tàn nhang người Úc chỉ phải trả chín đô la tiền vé tàu từ Istanbul đi Teheran. Vé của tôi giá năm mươi đô la – một mức giá rẻ đến kinh ngạc cho chặng đường dài ba nghìn hai cây số trong một toa riêng có quạt mát, bồn rửa và gối đủ nhiều để tôi có thể thả mình lên chiếc giường giống như một ông tổng trấn và cố vấn Nagel trên những thị trấn mà chúng tôi đi qua.

Một trong những thành phố đó là Kayseri, trước đâu còn gọi là Caesarea. Chúng tôi đến đó vào một buổi chiều nóng nực. Thành phố này đã từng bị chinh phạt nhiều lần từ năm 17 sau Công nguyên, khi Tiberius coi đây là thủ đô của Cappadocia: quân Sassanids trong thế kỷ 6, quân Ả rập trong thế kỷ 7 và 8, quân Byzantine vào thế kỷ 9, quân Armenia vào thế kỷ 10 và bị quân Seljuk tiếp quản một năm sau trận chiến Thần Tốc. Cuối cùng quân của Bayezid (còn được các giảng viên Anh quốc gọi là Bajazeth) đã chiếm được thành phố này, đấy là tù nhân điên khùng của Tamburlaine, người đã đập đầu vào song sắt cũi giam trong phần đầu cuốn Tamburlaine the Great (Tamburlaine Đại đế) của Marlowe. Sau khi quân Tamerlane lịch sử đánh bại Bayezid ở trận Angora (1402), Caesarea được sát nhập vào: sau đó bị quân Mamelukes chiếm đóng vào thế kỷ 16 và trở thành một phần của Đế chế Ottoman. Nhưng bụi không giữ được dấu chân của kẻ chinh phạt và cái tên nổi tiếng của Tamerlane cũng không làm cho thành phố tẻ nhạt này thú vị lên được. Các cuộc chiến sau đó đã cướp đi những nét đặc trưng của thành phố này, khiến nó chẳng còn gì ngoại trừ một thánh đường Hồi giáo, có lẽ do một kiến trúc sư người Sinai xây dựng, một thiên tài đã dựng lên thánh đường vĩ đại nhất ở Istanbul và được biết đến nhiều nhất vì đã tu sửa Saint Sofia bằng những cột trụ áp tường tinh tế và to lớn. Những tòa tháp hình bút chì của thánh đường Kayseri hiện lên rất rõ giữa các hầm tháp và xa xa ngoài thành phố, bên ngoài những rặng cây dương với những tán lá xanh nhạt đu đưa trong gió là khu vực ngoại ô lạc hậu với những căn nhà thấp lè tè có cửa sổ cong cong, những căn nhà gỗ nằm độc lập trông khá kỳ cục, nơi đây hậu duệ của Tamerlane đang thơ thẫn đi trong khu vườn và đau đáu nhìn về phía chân trời đợi chờ những kẻ chinh phạt khác.
Hoàng hôn xuống, khoảng thời gian thanh bình nhất ở trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ: một vài ngôi sao sáng trên bầu trời xanh nhung, những dãy núi màu đen, những vũng nước cạnh vòi nước của các giếng làng lấp lánh và mang hình dạng biến ảo như những bể thủy ngân. Đêm xuống rất nhanh, bóng đen phủ kín, chỉ còn mùi bụi đất nhắc nhở ta nhớ đến một ngày mệt mỏi.
“Thưa ngài?” người soát vé tàu Thổ Nhĩ Kỳ mắt xanh đang trên lối đi khóa các toa giường ngủ để tránh trộm cướp mà anh ta tưởng tượng chúng đang có mặt trên tàu này.
“Gì thế?”
“Thổ Nhĩ Kỳ thú vị hay dở tệ ạ?”
“Thú vị lắm,” tôi đáp.
“Cám ơn ngài.”
Ngày thứ ba từ khi rời Malatya, chúng tôi đi qua thượng nguồn sông Euphrates, tới Elazig và xa hơn nữa, chầm chậm tiến tới Hồ Van, dừng lại khá thường xuyên và mỗi khi tiếng còi ngừng kêu, tàu lại khởi hành. Các ngôi nhà vẫn hình vuông, nhưng được xây bằng đá tròn và trông như những ụ đá hình tháp, dẫn tới một ốc đảo ẩm ướt. Đằng xa xa, những đàn cừu, đàn dê đang đứng trên đồng bằng mấp mô; nếu có dấu hiệu của cỏ, hẳn người ta sẽ cho là chúng đang gặm cỏ. Nhưng ở đây chẳng có cỏ, trông chúng xơ xác và tiêu điều như chính mảnh đất mà chúng đang đứng trên đó. Ở vài trạm dừng, bọn trẻ con chạy đuổi theo đoàn tàu, bọn chúng có mái tóc vàng và rất hiếu động, trông như người Thụy Sĩ, ngoại trừ vẻ ngoài rách rưới. Địa hình các vùng tương đối giống nhau, càng đi, càng thấy rộng lớn hơn, khô cằn hơn và trống trải hơn; những rặng núi phía xa hằn lên rãnh nứt lớn do núi lửa gây ra, có những rãnh nứt xanh biếc, những ngọn đồi gần hơn cũng có vết nứt tương tự, nhưng chúng màu nâu và cấu trúc hình kim, như một miếng bánh chảy.
Cửa khoang tôi nằm bật mở khi tôi đang ngắm quang cảnh tiêu điều. Đó là người đàn ông mặt vàng như nghệ ở toa bên cạnh. Ông ta ra hiệu, nhíu mày, đóng cửa và ngồi xuống. Ông ta giữ đầu thẳng. Con của ông ta đang kêu khóc; tôi có thể nghe thấy tiếng chúng qua cửa sổ. Ông ta có một hàng ria mép mảnh và thái độ của ông ta giống như một nghệ sĩ hài kịch đang gặp toàn chuyện xui, cái dáng vẻ buồn bã của ông ta rất hợp với hài kịch. Ông ta ra dấu hiệu bó tay, có vẻ như muốn xin thứ lỗi và châm điếu thuốc. Ông ta ngồi lùi lại, hút thuốc. Ông ta không nói gì, chỉ thở dài, hút xong điếu thuốc, dụi thuốc, vỗ lên đầu gối, kéo cửa mở ra, rồi bước ra ngoài đi về phía những đứa con đang khóc mà không hề quay đầu nhìn lại.
Đến giờ ăn trưa, bữa trưa trên tàu tốc hành Hồ Van có thể rất thú vị nếu bạn đến được khoang ăn sớm để được ngồi phía râm nắng và có đủ chỗ đặt khuỷu tay lên bàn đọc cuốn Little Dorrit. Tôi đang chuẩn bị ăn và đọc sách thì một ông bếp phó nào đó ngồi xuống bên cạnh. Anh ta có mái tóc dài vàng óng giống kiểu đầu của những cậu bé phù rể trong đám cưới. Áo của anh ta được cắt khá nghệ thuật từ một bao tải bột mì, khoác thêm bên ngoài chiếc áo yếm bạc màu hiệu Washington, tay này anh ta đeo một chiếc vòng lông voi còn tay kia đeo một chiếc vòng kiểu Ấn Độ. Trước đó tôi đã thấy anh ta ngồi thiền dáng sen ở toa hạng hai. Anh ta đặt một cuốn sách của Idries Shah lên bàn; trông giống như một cuốn kinh Koran nát bét nằm trên bàn tay xanh xao của một kẻ cuồng đạo mà sau này tôi được gặp ở thành phố thánh thần Meshed. Anh ta không đọc sách.
Tôi hỏi anh ta đi đâu.
Anh ta lắc đầu, mái tóc đu đưa. “Chỉ là” – anh ta ngước mắt lên và nói giọng như nghệ sĩ – “đi du lịch thôi.”
Anh ta trông có vẻ khá mộ đạo, nhưng có lẽ là do con tàu làm anh ta như vậy. Toa hạng hai của vùng này ở Thổ Nhĩ Kỳ thường bán vé cho những người trông mặt bụi bặm và có dáng vẻ mộ đạo khổ hạnh.
Món dưa bở của anh ta được đưa ra, cắt thành miếng vuông nhỏ. Anh ta cười món dưa của mình với thái độ thương hại và nói, “Bọn họ đã cắt nó.”

Tôi nhiệt tình cho anh ta biết rằng mấy người Thổ ở bàn bên cạnh ăn loại dưa không cắt. Cả miếng nguyên, còn vỏ và vẫn còn trên đĩa của họ.
Anh chàng đó suy nghĩ một lát rồi nghiêng người nhìn vào mắt tôi. “Thế giới này kỳ cục thật.”
Vì tình trạng tinh thần của anh ta như thế, tôi hy vọng thời tiết sẽ không nóng hơn. Nhưng trời đã nóng lên, không khí khô ran, cả khoang tàu không chỗ nào có bóng râm. Mỗi khi định đọc hay viết, tôi lại ngủ mất và chỉ tỉnh dậy khi tàu đến một trạm dừng. Có những trạm dừng ở giữa sa mạc, một cái nhà nhỏ, một người đàn ông cầm cờ, một tấm biển báo có dòn chữ Mush hay Bug gì đó. Tôi viết vài dòng và nhận thấy chữ viết của mình trông như của một nhà thám hiểm lạc đường, chứa đựng những lo lắng bất thường, bản thảo viết về đoạn ở sa mạc đã được giải mã và sau này được góa phụ xuất bản. Khi còi tàu kêu lần sau, tôi tự nói với mình, mình sẽ dậy đi tới chỗ đầu máy. Nhưng tôi luôn ngủ khi còi tàu hụ.
Chúng tôi đến Hồ Van vào lúc mười giờ tối, thời điểm thật khó chịu. Bóng tối che phủ khiến tôi không thể nghe rõ những mẩu chuyện về con mèo biết bơi, nước chứa nhiều soda có tác dụng tẩy trắng quần áo và người Thổ khi bơi trong nước đó, tóc sẽ ngả sang màu đỏ. Còn một hối tiếc nữa: đây là điểm cuối của chặng hành trình này. Khoang ngủ bị tách ra và tôi không biết sẽ được thu xếp thế nào trong chặng còn lại. Đầu máy diezen được thay ra, đầu máy hơi nước đưa chúng tôi xuống bến phà và trong vài giờ tới sẽ lần lượt đưa hai khoang một xuống phà. Trong lúc đó, tôi thấy người soát vé mới, một người Iran; tôi đưa vé cho anh ta.
Anh ta gạt sang một bên và nói. “Không có toa nằm.”
“Nhưng đây là vé hạng nhất,” tôi nói.
“Không có chỗ,” anh ta nói. “Ông xuống kia đi.”
Xuống kia. Anh ta chỉ về phía những toa vừa được đưa lên phà, toa hạng ba. Sau ba ngày đi qua các toa đó trên lối đi đến toa ăn, tôi nghĩ chỗ đó thật khủng khiếp. Tôi biết những người ở trong đó: có một gã chân vòng kiềng người Nhật, tóc tai dựng đứng, hắn đi cúng với một phụ nữa lùn, cũng là người Nhật, máy ảnh của cô ta móc vào chiếc dây da treo trên cổ, chiếc máy ảnh rung rung trước đầu gối. Thủ lĩnh của bọn họ là một người có dáng vẻ dữ tợn, đeo kính râm quân sự và ngậm tẩu không châm thuốc, anh ta đi đôi xăng đan cao su. Có cả một nhóm người Đức nữa: mấy anh chàng râu quai nón và những cô gái mập mạp tóc húi cua. Trưởng nhóm là một gã như khỉ đột, thường lảng vảng ở hành lang chặn không ọi người đi qua. Ngoài ra còn có những người Thụy Sĩ, Pháp và Úc ngủ liên tục, chỉ thức dậy để càu nhàu hoặc hỏi giờ. Còn có vài người Mỹ nữa, tôi cũng biết tên vài người trong đó. Các trưởng nhóm đang có một cuộc họp trên phà; những những khác ngồi bên lan can ngắm cảnh.
“Đi nào,” người soát vé nói.
Nhưng tôi không muốn đi, bên cạnh những toa chật ních người châu Âu và châu Mỹ là những toa của người Kurd, Thổ, Iran, Afghanistan, họ nằm đè lên nhau mà ngủ và nấu ăn ở khoảng giữa mấy chiếc giường bằng mấy cái bếp dầu phập phùng lửa trông thật nguy hiểm.
Phà khởi hành, hú còi lướt trên mặt hồ đen kịt. Tôi cứ đuổi theo người soát vé từ mũi tàu bên này sang bên kia để tiếp tục trình bày. Lúc đó đã quá nửa đêm, tôi dồn anh ta vào chỗ các toa tàu bị xích chặt để không bị trượt trên phà, tôi hỏi: toa của tôi đâu?
Anh ta đưa tôi đến chỗ hạng hai với ba người Úc. Đó là một tình huống mà tôi phải quen dần trong ba tháng tới. Với tôi đây là mức tồi tệ nhất, khi mọi chuyện trở nên thê thảm và khó chịu hết mức, tôi luôn thấy mình đồng hành với người Úc, những người luôn nhắc cho tôi thấy mình đã rơi xuống đáy. Bộ ba trên chuyến phà Hồ Van này nhìn tôi như một kẻ xâm nhập. Bọn họ nhìn lên ngạc nhiên khi đang ăn: họ đang chia một ổ bánh mì, khom người như lũ khỉ, hai anh chàng và một cô nàng mắt lồi. Họ lầm bầm khi tôi yêu cầu họ dẹp gọn mấy túi đồ trên giường ngủ của tôi. Máy phà làm cửa sổ toa rung lên, tôi đi ngủ và tự hỏi sẽ thế nào nếu phà chìm, tôi có thể vật lộn vì sự an toàn, lao ra khỏi toa và bò lên cầu thang, lên tới mũi tàu. Tôi ngủ không được ngon, có lần bị tỉnh ngủ vì tiếng lầm bầm của cô gái, cô ta cách tôi chưa đầy sáu mươi xăng ti mét, nằm bên dưới một trong hai anh bạn đồng hành đang ngáy.
Bình minh lên, trong ánh bình minh buổi sớm, chúng tôi đến bên bờ phía Đông của hồ. Tại đây, chuyến tàu trở thành tàu tốc hành Teheran. Mấy người Úc đang ăn sáng, véo từng miếng nhỏ trong phần bánh mì còn lại. Tôi đi ra hành lang và tính xem liệu người soát vé sẽ nhận một khoản đút lót bao nhiêu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.