Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

Chương 28: Chuyến tàu nhanh Ozora (Bầu trời bao la) tới Sapporo


Bạn đang đọc Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ – Chương 28: Chuyến tàu nhanh Ozora (Bầu trời bao la) tới Sapporo


“Con tàu đi ra khỏi đường hầm dài tiến vào xứ tuyết. Mặt đất vẫn trắng dưới bầu trời đêm.” Những dòng mở đầu Xứ tuyết (nằm ở đâu đó, ở phía Tây Honshu) của Kawabata mô tả con tàu Ozora, một giờ sau khi rời Hakodate. Mới chỉ năm giờ rưỡi một sáng tháng Mười hai; tôi chưa bao giờ nhìn thấy những khoảng tuyết vươn xa đến thế và sau sáu giờ khi mặt trời lên nhuộm vàng đống tuyết, biến chúng thành sa mạc cát chói chang thì tôi không thể ngủ nổi. Tôi đi đi lại lại trên tàu, gom mọi thứ vào trong tầm mắt: đó là điều mà không người Nhật nào có thể phản đối.
Trong toa ăn, một người đàn ông Nhật bảo tôi, “Chuyến tàu này có tên là Ozora bởi Hokkaido là mảnh đất của bầu trời bao la.” Tôi cố bắt chuyện nhưng anh ta nói “Làm ơn” và chạy nhanh đi. Có vẻ như không còn ai nói tiếng Anh trên chuyến tàu, nhưng trong khi tôi ăn sáng, một người Mỹ lại gần tự giới thiệu là Chester hỏi liệu anh ta có thể ngồi cùng bàn được không. Tôi nói tốt thôi. Tôi rất vui được gặp anh ta, để tự khẳng định rằng tôi vẫn đủ khả năng tiếp cận người lạ và thưởng thức chuyến đi. Cảm giác chóng mặt trải qua ngày hôm qua làm tôi khó chịu; tôi coi nó là nỗi sợ hãi, là trạng thái không thoải mái chút nào khi ở Nhật Bản. Chester sống ở Los Angeles. Anh ta có bộ ria kiểu ghi đông và mặc áo khoác dài tới gối: áo len ca rô, quần vải chéo đi cùng giày ống có dây buộc. Anh ta dạy tiếng Anh ở Hakodate, nơi anh ta lên tàu. Người Hakodate rất tốt, nhưng thời tiết rất tệ, giá thuê phòng rất cao và sinh hoạt phí rất đắt. Anh ta đang trên đường tới Sapporo để thăm bạn gái vào dịp cuối tuần. Tôi đang làm gì?
Tôi nghĩ sẽ không may mắn nếu nói khoác: dấu hiệu của bệnh hoang tưởng đã khiến tôi mê tín. Tôi nói với anh ta chính xác tôi đã ở đâu, gọi tên các quốc gia; tôi nói rằng tôi đã ghi chép lại và rằng khi quay lại nước Anh, tôi sẽ viết một quyển sách về chuyến đi, đặt tên nó là Phương Đông lướt ngoài cửa sổ. Và tôi còn nói nhiều hơn: rằng ngay khi anh ta hút khỏi tầm mắt tôi, tôi sẽ ghi lại những gì anh ta nói, rằng người ở đây rất tốt, thời tiết rất tệ, và tôi cũng sẽ tả bộ ria của anh ta nữa.
Những lời bộc trực này đã gây ra sự tò mò: Chester nghĩ tôi đang nói khoác, và khi tôi thuyết phục anh ta rằng mình đang kể sự thật thì anh ta bắt đầu nói theo giảng hòa bỡn cợt, như thể tôi đang phát rồ lên và có thể hành xử bạo lực ngay lập tức. Hóa ra anh ta không tin vào sách hướng dẫn du lịch: anh ta nói không muốn làm tổn thương những cảm nhận của tôi nhưng cho rằng sách hướng dẫn du lịch không có tác dụng gì. Tôi hỏi anh ta tại sao.
“Bởi vì mọi người đều đi du lịch,” Chester nói. “Thế thì ai muốn đọc nó chứ?”
“Mọi người đều có kế hoạch cả, nhưng điều đó không loại trừ việc khai thác nó như một đề tài – ý tôi là người ta vẫn viết về nó.”
“Đúng thế, nhưng anh vẫn đi du lịch,” anh ta nói. “Người bình thường ở Mỹ chả nghĩ gì về việc đi tới Bally. Tôi biết nhiều người – những người trung lưu bình thường – nhưng đi đến những nơi rất xa như Istanbul, Anchor, Taheedy, anh vừa nhắc tên nó – bạn tôi đang ở Oh-sucker ngay giờ phút này. Vậy thì họ đã ở đó rồi: Có ai muốn đọc nó chứ?”
“Tôi không biết, nhưng sự thật là người ta đi du lịch cũng có thể đồng nghĩa với việc họ thích đọc nó hơn.”
“Nhưng họ đã đến đó rồi.” Chester ngoan cố.
“Họ đi bằng máy bay. Giống như đi tàu ngầm.” Tôi nói. “Đi bằng tàu hỏa thì lại khác. Nhìn chúng ta mà xem: chúng ta sẽ không có cuộc đối thoại này nếu đi bằng máy bay. Dù sao thì người ta không phải lúc nào cũng nhìn thấy những thứ giống nhau ở nước ngoài. Tôi giả định rằng những gì anh nghe thấy sẽ ảnh hưởng – thậm chí có thể quyết định – đến cái anh muốn xem. Một con đường bình thường có thể bị một tiếng gào làm thay đổi. Hoặc một thứ mùi nào đó có thể khiến một địa điểm khủng khiếp trở nên hấp dẫn. Hoặc anh có thể thấy một ngôi mộ đồ sộ của một quý tộc Hồi giáo, nhưng khi đang ngắm nó thì anh nghe thấy ai đó nói ‘chuồng gà’ hoặc ‘lỗ chuột’ và toàn bộ ngôi mộ sẽ dường như trở nên nhão nhoét.”
Tôi sẽ phát minh ra cái giả định lập dị nào cho Chester đây? Tôi không thể rũ sạch cái ý niệm này ra khỏi đầu, theo đó tôi đã thuyết phục anh ta rằng tôi là người lành mạnh. Cơn hối thúc muốn chứng tỏ mình tỉnh táo khiến tôi lắp bắp, và sự lắp bắp ấy lại bác bỏ khẳng định của tôi. Chester nheo mắt nhìn tôi, đánh giá tôi theo kiểu thương cảm làm tôi cảm thấy mình giống như nhân vật Pinfold[1] của Waugh vậy.
[1] Nhân vật trong tiểu thuyết The ordeal of Gilbert (Thử thách của Gilbert) của Emily Waugh.

“Anh có thể đúng,” anh ta nói. “Xem này, tôi rất muốn nói chuyện với anh, nhưng tôi có cả đống việc phải làm.” Anh ta bước đi nhanh và trong suốt hành trình còn lại, anh ta tránh tôi.
Đoàn tàu đi qua một bán đảo bầu bầu, từ Hakodate đến Mori. Chúng tôi đi hết một vòng quanh Vịnh Uchiura nơi mặt trời vừa mới mọc, được nước biển và tuyết bên bờ khuếch đại mãnh liệt. Chúng tôi tiếp tục đi dọc bờ biển, trên con đường chính thẳng tắp bằng phẳng; trên đảo có các dãi núi và vách đá dốc đứng, thỉnh thoảng có núi lửa. Đỉnh Tarumae hiện lên phía trái khi đoàn tàu bắt đầu rẽ để đi thẳng vào đất liền, hướng tới Sapporo trên đường Chitose. Nhiều người đội mũ có vạt che tai và mặc áo dày làm việc cạnh đường ray, cùng nhau đóng cọc tạo thành bộ khung cho hàng rào chắn tuyết. Chúng tôi rời bờ biển phía cực Tây của Thái Bình Dương; trong vòng một giờ, tàu tới gần Sapporo, nơi mà từ trên các ngọn đồi người ta có thể thấy màu xanh của biển Nhật Bản. Biển ngập trong gió và tuyết lạnh của Siberia; gió liên tục thổi và tuyết ở Hokkaido rơi rất dày vào tháng Chạp.
Lúc sau tôi đi hỏi nguyên nhân tại sao. Bây giờ không phải mùa trượt tuyết: những người đi trượt tuyết sẽ đến muộn hơn, cùng một lúc, làm chật kín đường trượt. Những người Nhật cư xử như trong nhà hát, cứ đến hẹn lại lên, không bao giờ làm trước khi có hiệu lệnh. Họ trượt tuyết trong mùa trượt tuyết, thả diều vào mùa thả diều, bơi thuyền và đi dạo trong công viên vào các thời điểm khác theo sở thích. Tuyết ở Sapporo thật thích hợp cho trượt tuyết, nhưng tôi chưa bao giờ thấy có quá hai người trên đường trượt, đường trượt dài những chín mươi mét, mặc dù có tuyết cứng phủ đầy và được rải bột trên mặt, nhưng vẫn vắng lặng, vẫn đóng cửa cho đến khi vào mùa.
Ông Watanabe, lái xe của cơ quan Lãnh sự, đón tôi ở ga và đưa tôi đi ngắm Sapporo một vòng. Sapporo trông giống như thành phố Wisconsin vào mùa đông: nó có một quảng trường hình chữ T và trên hệ thống đường sá đầy tuyết bẩn là những lố ô tô cũ, các cửa hàng, ánh đèn huỳnh quang, hình bánh hamburger bằng nhựa, các hộp đêm, quán rượu. Sau mười phút, tôi đòi ngừng chuyến tham quan, nhưng đó chỉ là một hành động vô hiệu – chúng tôi bị tắc đường không đi được. Tuyết bắt đầu rơi, một vài bông tuyết lớn rơi cảnh báo, sau đó là cả đám bông tuyết nhỏ.
Ông Watanabe nói, “Tuyết rơi rồi!”
“Ông có thích trượt tuyết[2] không?” tôi hỏi.
[2] Tiếng Anh là “ski”.
“Tôi thích rượu whisky.”
“Whisky?”
“Vâng.” Ông ta trông nghiêm nghị. Chiếc xe đằng trước di chuyển hơn một mét; ông Watanabe lái theo nó và dừng lại.
Tôi hỏi, “Ông Watanabe, có phải ông đùa không?”
“Vâng.”
“Ông không thích trượt tuyết. Ông thích rượu whisky.”

“Vâng.” Ông ta nói và vẫn tiếp tục nghiêm nghị. “Anh thích trượt tuyết?”
“Thi thoảng.”
“Chúng ta đi đến sân trượt tuyết chín mươi mét nhé.”
“Không phải hôm nay,” tôi đáp. Trời đang tối dần; trận bão tuyết vào giữa buối sáng đã khiến thành phố chìm trong ánh chạng vạng.
“Đây là nơi ở,” ông nói, chỉ vào một dãy các ngôi nhà hình hộp, mỗi ngôi nhà tọa lạc trên một mảnh đất, trông nhỏ xíu bên cạnh các khu liên hợp căn hộ, khách sạn và nhiều quán rượu đang thắp sáng đèn. Hokkaido là khu vực cuối cùng ở Nhật được đầu tư phát triển: trung tâm thương mại của Sapporo vẫn mới, và với quy mô kiểu Mỹ lẫn cái lạnh không phải là nơi người lạ được mời tới sống lâu dài. Ông Watanabe cho rằng tôi buồn. Ông ta nói, “Anh có muốn đến vườn thú không?”
“Vườn thú gì?”
“Thú hoang.”
“Thú nhốt trong chuồng?”
“Đúng, vườn thù rất lớn.”
“Không, cảm ơn.” Tình trạng giao thông vẫn di chuyển thêm mét rưỡi nữa rồi lại dừng. Tuyết rơi dày thêm. Giữa những người mua sắm đi lại trên vỉa hè, tôi thấy ba phụ nữ trong trang phục kimono, khăn choàng, họ búi tóc và cài tóc bằng những cái lược lớn. Họ mang theo ô để chống lại mưa tuyết dữ dội, bước đi õng ẹo trên những đôi guốc bảy phân. Ông Watanabe nói họ là những geisha.
Bây giờ các geisha ấy đi đâu?”
“Có thể đi ăn cua.”
Tôi nghĩ một lúc.

Ông nói, “Anh thích cua không?”
Tôi đáp, “Rất thích.”
“Đi chứ?”
Tôi phải nói lời từ chối. Thứ tôi muốn thấy chính là khu nghỉ dưỡng Jozanlcei cách Sapporo hai mươi dặm, nằm trên những rặng núi, nơi có suối nước nóng. Ấy là do ảnh hưởng của Kawabata, đối với tôi, tiểu thuyết đó dường như ngày càng giống một phiên bản The lady with the little dog (Người đàn bà và con chó nhỏ) của Chekhov. Shimamura vào ngày nghỉ có một cuộc hẹn tình cờ với một geisha ở khu nghỉ dưỡng suối nước nóng; anh ta bị cô geisha hút hồn và muốn rút lui, nhưng tình yêu sét đánh chống lại ý chí của anh ta. Anh ra nói, “Tại sao những người khác lại tới đây vào tháng Chạp?”
Ông Watanahe đồng ý đón tôi và hỏi, “Buff?”
“Có thể buff hoặc có thể xem thôi,” tôi nói.
Ông ta hiển và ngày hôm sau chúng tôi đến Jozankei.
Buff là một từ hay về tắm kiểu Nhật, vì nó không chỉ có tắm mà còn trần như nhộng nhúng mình vào bể nước nóng công cộng, đưa bạn vào cảm giác khỏe khoắn. Nhưng năm nghìn yên, gần hai mươi đô la ột lần tắm, tôi nhận ra rằng mình không có tiền yên để tắm nhiều chừng ấy. Dù thế nào, tuyết ở Jozankei đã đạt tới tỷ lệ của bão tuyết: hàng đống mây tuyết treo trên cái xóm nhỏ xấu xí, và cái xóm trông như những đống chất chồng tuột xuống từ các bức tường của hẻm núi xinh đẹp. Trời đổ tuyết suốt cả mùa đông ở Jozankei, tuyết rất dày đến nỗi người ta đào một đường hầm bên dưới các đống tuyết không thể dịch chuyển nổi. Các mái nhà có phần hiên rộng kiểu Thụy Sĩ, những cột đánh dấu vòi nước cao tới hơn bốn mét rưỡi.
Tuyết rơi bóp nghẹt mọi âm thanh; tuyết bắt xe phải dừng lại, bắt mọi người ở trong nhà. Tuyết vẫn rơi, thêm vào cho đống tuyết khô đã ở sẵn đó và tuyết trên hẻm núi, làm giảm tầm nhìn và khiến cho những ngôi nhà thấp trở thành những hình dạng tôi tối lờ mờ trong mảng màu trắng ấy – một mái hiên thò ra, một mẩu bức tường, một ống khói đang nhả khói. Đây là nửa trên của một biển hiệu và trong cái mờ mịt của bão tuyết, một cây thông mọc đơn độc trong hình dạng đơn giản của một đống tuyết. Tôi làm một đàn quạ giật mình và chỉ khi chúng bay lên thì cái cây mà chúng ẩn mình mới hiện ra. Còn có nhiều quạ hơn nữa sống bằng đồ ăn thừa đằng sau cái quán nhỏ; chúng bay lên và đậu trên không trung màu trắng, bộ lông đen nhánh làm lộ ra các cành cây. Tôi muốn chụp một bức ảnh đàn quạ đang bay lên trong tuyết. Tôi vỗ tay chạy về phía chúng. Chúng không động đậy gì. Tôi thử lại và ngã vào một đám tuyết. Khi tôi đứng lên, một phụ nữ Nhật đi ngang qua; cô ta nói rất to bằng tiếng Nhật và đi tiếp. Ông Watanabe cười lớn và che mặt.
“Cô ta nói gì thế?”
Ông ngượng nghịu.
“Nói đi.”
“Cô ấy nói anh kỳ quặc.”
Tôi quay về phía người phụ nữ và bắt chước tiếng quạ, quạ! quạ! quạ! Cô ta quay lại và hét lên (theo như ông Watanabe), “Tôi nói với anh cái gì chứ!”
Chúng tôi đi tới rìa làng, tới một con dốc nơi có vài người trượt tuyết chìm trong tuyết, ba dấu vết mờ ảo trong bão tuyết đang vung tay như những con chim bị mắc kẹt. Không có âm thanh nào; chỉ có cử động mờ nhạt của họ. Sau đó chúng tôi đi tiếp và tìm thấy một nhà hàng. Chúng tôi ăn trong khi giày được hong khô bằng kotatsu. Cái lò than hoa này, nguồn hơi ấm chủ yếu của hầu hết các ngôi nhà Nhật, là thứ duy nhất trong danh sách trả tiền chứng tỏ người Nhật làm việc trong thế kỷ 20 nhưng sống ở thế kỷ 19. Chúng tôi rời đi vào giữa chiều. Cách Jozankei chưa đầy nửa dặm thì tuyết phủ đầy: trời nắng và các ngọn núi trông to lớn trong ánh nắng. Tôi quay lại để ngắm nhìn Jozankei tôi tối, xam xám và cơn bão vẫn đang quần thảo trên đó như một lời nguyền.

Ông Watanabe nói, “Anh muốn gặp Tiến sĩ Crack[3]?
[3] Đúng ra là Clark. Người Nhật không phát âm được chữ “l”
Một trong những điều ấn tượng nhất của lịch sử Sapporo là William S. Clark, một người đàn ông Massachusetts. Tôi chưa từng nghe về người này, nhưng biết ông ta là Chủ tịch của trường Nông nghiệp Massachusetts ở Amherst. Một người lạnh lùng với vầng trán thông minh và bộ ria được chăm sóc cẩn thận, Tiến sĩ Clark là một trong những người sáng lập ra trưởng Nông nghiệp Sapporo vào 1876. Tượng đồng của ông được đặt ở một trong những nơi trang trọng nhất của thành phố. Có câu chuyện rằng sau tám tháng trên cương vị trưởng bộ môn ở Sapporo, ông cưỡi ngựa về Massachusetts. Sinh viên của ông theo ông đến ngoại ô Sapporo, tại Shimamatsu, ông đi quanh và giảng bài cho họ. Một trong số những câu ông nói là, “Các chàng trai, hãy có tham vọng! Có tham vọng không phải vì tiền, không phải vì ích kỷ nâng cao địa vị, không phải vì danh tiếng phù du. Hãy có tham vọng đối với trí thức mà tất cả những người đàn ông phải biết.”
Lời từ biệt mơ hồ này làm nức lòng người Nhật (“Câu nói, ‘Các chàng trai, hãy có tham vọng’ từ đó đã trở thành mục tiêu sống trong những thanh niên của chúng ta.” – Sổ tay Sapporo), nhưng ý tưởng là của một người đàn ông Massachusetts. Chuyện một giáo viên trường nông nghiệp được nhớ tới bởi đã bảo người Nhật hãy có tham vọng gây ấn tượng vui nhộn cho tôi. Tiến sĩ Crack!
Tôi giảng bài. Hơn ba tháng trước, ở Istanbul, tôi đã nói về truyền thống của tiểu thuyết Mỹ, ám chỉ rằng nó rất đặc biệt và mang tính địa phương. Ở Ấn Độ, tôi nói ngược lại hầu hết những thứ đó và tới lúc tôi ở Nhật, tôi đã đi hết một vòng hoàn chỉnh, tuyên bố rằng không có một truyền thống thực thụ nào trong văn chương Mỹ cũng như văn chương châu Âu. Tiểu thuyết là của phương Tây và thậm chí các tác giả được chúng tôi coi là Mỹ nhất, như Twain hay Faulkner, đều chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Anh bởi cảm hứng tự thân của họ. Việc định nghĩa truyền thống Mỹ cũng dễ như Borges đã làm với truyền thống Argentina: tất cả đều thuộc văn hóa phương Tây. Thuyết này, có thể đúng, làm người Nhật lúng túng. Họ đứng và cúi chào vào lúc cuối buổi giảng, nói, “Chúng tôi chưa đọc Borges, nhưng chúng tôi đã đọc Leslie Fiedler. Ông ta viết như thế này…”
“Tại sao cô không ở lại uống cái gì đó?” Lúc sau tôi nói với một cô gái Nhật xinh đẹp trên sảnh. Shimamura trong tôi đang nói. Cô giấu mặt trong cổ áo lông và vuốt mái tóc đen của mình.
“Em không thể,” cô đáp.
“Tại sao không?”
“Bởi vì,” cô nói và bắt đầu đi ra cổng, “bởi vì em xấu hổ lắm.
Lời mời của tôi đưa ra không chuẩn bị trước, và nó bị từ chối vì lý do đó. Thời điểm ấy không thích hợp: người Nhật có cảm giác về thời điểm mà câu chuyện sau đây có thể minh họa. Cùng buổi tối đó ở Sapporo, một phụ nữ Mỹ có con gái gửi tại một nhà trẻ Nhật được một bà mẹ khác có con học cùng lớp mời đến ăn tối. Bữa tối có hai mục đích – giới thiệu văn hóa Nhật với người phụ nữ Mỹ và nịnh nọt giáo viên nhà trẻ, hôm ấy cũng được mời tới. Việc chăm sóc giáo viên như thế này – chiêu đãi họ tại các nhà hàng sang trọng – là một hành động nhã nhặn phổ biến của Nhật Bản, và tựu trung lại để đảm bảo rằng con bạn sẽ nhận được sự quan tâm thân thiện mà nó đáng được hưởng. Bữa tối có hai cô geisha phục vụ; ba cô geisha nữa chơi nhạc, thức ăn được đem ra nhiều đến nỗi sau một giờ, ba người ăn tối có vẻ không muốn ăn nữa và nói chuyện về các chủ đề cùng quan tâm, hai phụ nữ Nhật thổ lộ mối quan tâm khá lớn đối với độ tuổi mà những phụ nữ Mỹ bắt đầu có kinh.
Người ta ngừng mang thức ăn ra; trà được rót nhiều hơn và người mẹ Nhật lấy ra một gói bọc bằng vải. Chị nói đó là một điều ngạc nhiên, chị tháo dây ruy băng một cách từ tốn, bóc lớp vỏ bọc rồi lấy ra một cuộn giấy. Chị nói cái này cổ lắm, được vẽ có lẽ khoảng một trăm năm mươi năm trước và chị trải nó ra sàn. Các geisha đặt các nhạc cụ của mình xuống, tám người phụ nữ quỳ trên chiếu trong căn phòng riêng của nhà hàng này, trong khi người chủ của cuộn giấy mở nó ra, nó dài hai mươi xăng ti mét. Đây là bức họa vẽ một nhà sư cường tráng, đầu cạo trọc đang liếc nhìn một geisha. Có một bài thơ ở dưới bức họa, bài thơ được đọc và dịch trước khi bức vẽ khác mở ra. Ở bức vẽ thứ hai, nhà sư đang sờ soạng cô geisha sợ hãi và xé phần dưới bộ kimono của cô ta. Bài thơ đi kèm được thuật lại một cách trang trọng như bài trước và chị phụ nữ tiếp tục mở cuộn giấy. Cứ thế, từng bức từng bức; tới khi được mở ra hết, cuộn giấy thể hiện chuỗi hành động khiêu dâm của nhà sư dâm đãng ở nhiều bước khác nhau của hành vi hiếp dâm. Sau này, tôi có xem bộ tranh và có thể xác nhận rằng cái âm hộ bị tổn thương và cái dương vật như khẩu súng ngắn đang cương lên đã được mô tả chi tiết, sống động, mặc dù tôi đồng ý với nhà phê bình người Anh William Empson (viết về Beardsley) khi ông nói, “… những danh họa Nhật đánh mất ranh giới phân biệt khi họ rẽ vào tà đạo, tạo ra đồ khiêu dâm.” Trong bức tranh thứ tám, nhà sư có vẻ mệt nhọc, đối nghịch với cô geisha trông hét sức khêu gợi: mắt cô ta đỏ hơn và cô ta hiện ra trong tư thế mãnh liệt hơn. Bức tranh thứ chín vẽ cô geisha túm lấy cái dương vật mềm nhũn của nhà sư đang chạy trốn; bức thứ mười cho thấy nhà sư rất đau lưng, cô Geisha ngồi trên ông ta, nhưng không thể nhét dương vật của ông ta vào trong mình; bức thứ mười một, một lời đanh thép, mô tả một nhà sư lụ khụ bị bắt phải mơn trớn cô ta: cô geisha đang nở nụ cười đê mê, nắm chặt tay nhà sư kéo vào chỗ cái hạt màu sáng của âm vật cô ta. Bà mẹ Nhật vỗ tay và tất cả các phụ nữ đều cười – các cô geisha cười to nhất.
Cảm giác về thời điểm, tính trang trọng của bữa tối, tiền trả cho thức ăn, các geisha có mặt, đàn ông vắng mặt – tất cả các luật lệ được tôn trọng – làm cho việc xem món đồ cổ khiêu dâm trở nên chấp nhận được. Cuộn giấy, được cuộn và gói lại, tặng cho chị phụ nữ Mỹ: chị được dặn rằng có thể cho chồng xem, nhưng không được phép cho cô con gái nhỏ xem. Sau một tuần, cuộn giấy được trả lại cho chủ cũ. Người phụ nữ Mỹ bối rối – và hơi ngượng ngùng khi cô giáo mầm non đã chứng kiến tất cả. Nhưng bà mẹ Mỹ (người kể cho tôi câu chuyện) được nịnh nọt bằng việc mời tham quan Hiệp hội Văn hóa Phụ nữ Nhật, không còn nghi ngờ gì nữa đó mới là mục đích chính.
“Tiểu nhân nhanh nhảu đoảng,” một người đàn ông trên chuyến tàu tốc hành đi về phía Nam nói vậy và anh ta nghĩ mình đã đào sâu chôn chặt. Nhưng càng nghĩ nhiều về lễ nghi trong phòng trà ở Sapporo, tôi thấy Hokkaido càng ít giống Wisconsin.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.