Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

Chương 19: Tàu chợ đi Maymyo (P.1)


Bạn đang đọc Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ – Chương 19: Tàu chợ đi Maymyo (P.1)


Châu Á chào buổi sáng bằng việc giặt giũ hăng say như đánh nhau. Chuyến tàu sớm đưa bạn đi qua những người dân và cứ thấy họ giặt cứ như thể đang luyện tập chuẩn bị ột tội ác nào đó – người Pakistan giũ đống quần áo ướt sũng bằng gậy, người Ấn Độ quật dhoti vào đá như thể đang đập đá (đây là cách mà Mark Twain định nghĩa người Ấn Độ), trong khi những người Ceylon thì mắm môi mắm lợi vắt kiệt khăn lungi. Ở Thượng Miến Điện, phụ nữ ngồi xổm thành từng nhóm thì thầm với nhau một cách rất bí ẩn bên những dòng suối sủi bọt, đập phẳng đồ giặt của họ bằng những mái chèo gỗ to, lũ trẻ con lom khom loạng choạng đi giữa những khe đá, những cô gái ngực nhỏ, quấn xà rông đến nách một cách e lệ và giản dị, đội những thùng nước trên đầu. Trời còn âm u nhiều mây và bắt đầu có sương mù khi chúng tôi rời Mandalay, lão già đặt một bọc vải gọn gàng trên đầu gối ngồi cạnh tôi cứ nhìn vào các cô gái đang tắm.
Nhúng những lọn tóc vào thùng
Dày như bờm ngựa, mướt đen và bóng loáng
– Làm sao không thấy đôi mắt đục lão già rực sáng
Ngời ngời như mắt tên cướp Barbary
(Sáng như thế, nếu hắn để người ta nhìn thấy)
Phút chốc, tôi đã nghĩ đến việc nhảy khỏi tàu, rồi cầu hôn, vứt bỏ cả cuộc đời để theo một trong những tiên nữ ấy. Nhưng tôi vẫn ngồi yên trên ghế.
Những dòng suối cuồn cuộn, bọt tung trắng xóa, cho thấy đã có mưa lớn trước đó; chúng tôi đã bỏ lại cái nóng chảy mỡ cùng hàng cây cọ đầy bụi bặm ở Mandalay, đi lên sườn núi qua những rừng thông, nơi những ngôi chùa có đỉnh tháp mạ vàng, mô phỏng hình dáng của cây thông, vươn lên từ cánh rừng xanh thẳm. Một đám mây trắng như quả khí cầu dừng lại trên một nhà ga, chúng tôi đi ra khỏi đó và bắt gặp những người dân lam lũ hơn, toàn thân lấm lem bùn đất, gánh những chiếc thùng trên vai. Một cơn mưa nhỏ bắt đầu rơi và đoàn tàu đi chậm đến mức tôi có thể nghe thấy tiếng những giọt mưa tí tách trên cây lá mọc bên đường ray.
Tại các nhà ga đầu tiên nằm trên dốc núi, những người đàn bà bê khay bán đồ ăn sáng cho hành khách: cam, đu đủ cắt lát, bánh rán, lạc và chuối. Một cô bán một thứ gì đó nâu bóng như hạt gì đó. Tôi ra hiệu gọi cô ta lại gần để xem là thứ gì. Đó là những con côn trùng béo ngậy bị xiên vào que – châu chấu chiên. Tôi hỏi ông già ngồi cạnh tôi xem ông có thích một ít không. Ông trả lời lịch sự rằng ông đã ăn sáng rồi và dù sao thì ông cũng không bao giờ ăn côn trùng. “Nhưng những người địa phương thì rất thích ăn chúng.”
Hình ảnh những con châu chấu chiên đã khiến tôi chán chẳng muốn ăn uống gì, nhưng một giờ sau đó, cơn đói trở lại dữ dội như dông bão. Tôi đứng gần cửa bắt chuyện với một người Miến Điện đang trên đường đi Lashio thăm gia đình. Anh ta cũng đang đói. Anh ta nói rằng chúng tôi sắp đến một ga có thể mua thức ăn.
“Tôi thích uống chút trà,” tôi bảo.
“Nhưng tàu dừng nhanh lắm – chỉ vài phút thôi.”
“Nghe này, sao anh không đi mua thức ăn còn tôi kiếm đồ uống gì đó nhỉ? Như thế đỡ tốn thời gian hơn.”
Anh ta đồng ý, nhận lấy ba kyat tôi đưa, và khi tàu dừng thì chúng tôi nhảy ra – anh ta đi tới quầy thực phẩm, tôi đi tới một khu tường rào treo nhiều chai lọ. Người bán hàng rong giải thích với một nụ cười xin lỗi rằng tôi thể mang cốc trà của anh ta đi, vì vậy tôi uống một cốc tại chỗ và mua hai chai soda. Khi lên tàu tôi không thể tìm thấy anh người Miến Điện kia đâu, cho tới tận sau khi tàu bắt đầu lăn bánh thì anh ta mới xuất hiện, thở không ra hơi, mang đến hai gói lá cọ buộc dây. Chúng tôi mở nắp chai bằng bản lề cửa, đứng thích khuỷu tay vào với nhau ở cuối toa và mở các gói lá cọ ra. Có gì đó giống nhau ở bên trong, một xiên gỗ với ba vật đen ngòm cắm vào – đó là các miếng thịt cháy. Không chỉ là các xiên thịt này được tạo hình không đúng cách, mà đúng ra là chúng được tạo hình sai theo cách y hệt nhau. Các xiên thịt được nhồi giữa một nắm cơm.
“Tiếng Miến Điện chúng tôi gọi đó là…” Anh ta nói ra từ trong tiếng Miến Điện.

Tôi săm soi mấy xiên thịt. “Có phải từ đó là cánh?”
“Vâng, đây là thịt chim.”
Và rồi tôi thấy những cái đầu bé tí, cái mỏ, những đôi mắt cháy rụi và những cái móng sém đen trên cái chân khẳng khiu.
“Anh có thể gọi đây là thịt chim sẻ,” anh ta nói.
Có thể chúng tôi gọi đây là chim sẻ, nhưng tôi nghĩ sao chúng trông bé đến thế khi không có lông. Anh ta rút một con ra khỏi cái xiên, tọng cả vào mồm và gặm rau ráu đầu, chân, cánh, cả con chim; anh ta vừa nhai vừa mỉm cười. Tôi véo một miếng thịt nhỏ từ con chim sẻ của tôi ăn thử. Vị cũng không tồi, nhưng thật khó để ăn một con chim sẻ ở Miến Điện mà không bị những con chim bay nhanh như tên bắn riếc móc. Tôi liều ăn cơm vậy. Tôi quay trở lại chỗ ngồi, vì vậy anh kia không nhìn thấy tôi vứt chỗ thịt chim còn lại đi.
Ông già ngồi cạnh tôi hỏi: “Cậu nghĩ tôi bao nhiêu tuổi. Đoán đi.”
Tôi nói sáu mươi trong khi nghĩ ông bảy mươi.
Ông lão ngồi thẳng lên. “Sai rồi! Tôi tám mươi nhé. Thế này, tôi đã qua sinh nhật lần thứ bảy chín, tức là tôi đang ở tuổi tám mươi.”
Đoàn tàu hết lùi lại tiến trên những khúc đường cong đột ngột như những đoạn trên đường từ Simla đi Landi Koral. Tàu thường dừng lại mà chẳng có lý do rõ ràng gì, rồi sau đó lại khởi hành mà không kéo còi cảnh báo; những người Miến Điện nhảy ra ngoài đi giải phải chạy đuổi theo đoàn tàu, họ vén xà rông lên chạy dọc đường ray trong khi bạn bè trên tàu hò hét. Sương mù, cơn mưa và những đám mây lạnh sà xuống thấp khiến người đi tàu cảm thấy như đang trong buổi sáng sớm, trời lờ mờ và lạnh như trước lúc bình minh, trời cứ thế này kéo dài tới tận trưa. Tôi mặc thêm áo sơ mi bên ngoài áo len, rồi thêm một cái áo ấm và một cái áo mưa ni lông, nhưng tôi vẫn thấy lạnh, không khí ẩm ngấm vào đến tận xương. Đây là lúc tôi cảm thấy lạnh nhất kể từ khi rời khỏi Anh quốc.
Đột nhiên ông lão nói: “Tôi sinh ra ở Rangoon năm 1894. Cha tôi là người Ấn Độ, nhưng theo Công giáo. Vì vậy tôi được gọi là Bernard. Cha tôi là một quân nhân trong Quân đội Ấn Độ. Ông cả đời làm lính – tôi đồ rằng ông tham gia quân đội ở Madras vào những năm 1870. Ông phục vụ trong Trung đoàn Bộ binh 26 Madras và theo trung đoàn đến Rangoon năm 1888. Tôi từng có ảnh của ông, nhưng khi bọn Nhật chiếm Miến Điện – tất cả tài sản của chúng tôi bị tiêu tán hết, chúng tôi đã mất rất nhiều thứ.”
Ông lão rất háo hức nói chuyện, vui mừng vì có một người lắng nghe, chẳng cần hỏi gợi chuyện. Ông nói rất từ tốn, búng vào gói vải mỗi khi nhớ ra một câu, còn tôi thì tự ôm lấy mình trong cái lạnh và vui mừng rằng tất cả những gì ông lão cần ở tôi chỉ là thi thoảng tôi gật đầu một cái để bày tỏ mình quan tâm.
“Tôi chẳng nhớ nhiều về Rangoon, chúng tôi chuyển đến Mandalay khi tôi còn rất trẻ. Tôi còn nhớ gần như mọi thứ từ năm 1900 đến nay. Ông MacDowell, ông Owen, ông Stewart, đại úy Taylor – tôi đã làm việc cho những người đó. Tôi là bếp trưởng trong nhà bếp sĩ quan Pháo binh Hoàng gia nhưng tôi còn làm nhiều hơn là việc nấu nướng – tôi làm mọi thứ. Tôi đã đi khắp Miến Điện, phục vụ trong các trại khi họ ở trên chiến trường. Tôi có trí nhớ tốt. Tôi nghĩ thế. Ví dụ, tôi nhớ ngày Nữ hoàng Victoria băng hà. Tôi đang học lớp nhì Trường thánh Xavier ở Mandalay. Ông giáo nói với chúng tôi: ‘Nữ hoàng đã băng hà, nên hôm nay các em được nghỉ học.’ Khi đó, tôi – bao nhiêu nhỉ? – lên bảy tuổi. Tôi là một học sinh giỏi. Tôi làm bài tập, nhưng khi tôi không học nữa thì chẳng có gì để làm. Năm 1910 tôi mười sáu tuổi và nghĩ mình nên kiếm việc trong ngành đường sắt. Tôi muốn trở thành một người lái tàu. Tôi muốn lên một đầu máy, đi tới tận vùng Thượng Miến Điện. Nhưng rồi tôi thất vọng. Họ bắt chúng tôi đội những thúng than lên đầu. Đó là một công việc rất vất vả, cậu không thể tưởng tượng được đâu – nóng lắm – và tên quản lý chúng tôi, là Vander gì đó, người lai Anh-Ấn. Hắn quát chúng tôi, tất nhiên vào mọi lúc; chỉ được nghỉ có mười lăm phút để ăn trưa mà hắn cũng vẫn quát. Hắn béo và chẳng tử tế gì với chúng tôi. Hồi đó có nhiều người lai Anh-Ấn làm việc trong ngành đường sắt. Có lẽ tôi nên nói hầu hết bọn họ là người lai Anh-Ấn. Tôi đã tưởng tượng mình sẽ lái đầu máy và giờ đây tôi đang tải than! Công việc này quá nặng nhọc với tôi, nên tôi bỏ đi.
“Tôi rất thích công việc tiếp theo. Trong nhà bếp sĩ quan của Pháo binh Hoàng gia. Tôi vẫn còn một vài giấy chứng nhận, trên đó có ghi chữ RA[1]. Đầu tiên tôi phụ giúp đầu bếp rồi tôi trở thành đầu bếp. Ông đầu bếp tên Steward chỉ cho tôi cách gọt rau củ theo nhiều kiểu khác nhau, cách làm xa lát, cốc tai hoa quả, bánh kem xốp và các kiểu pha thịt. Khi đó là năm 1920 và là quãng thời gian đẹp nhất ở Miến Điện. Sau này chưa bao giờ được như thế. Hồi đó có rất nhiều thực phẩm, mọi thứ đều rẻ và thậm chí sau Thế chiến I ở Miến Điện; chúng tôi chẳng nghe thấy gì về nó – chúng tôi không cảm thấy nó. Tôi chỉ biết chút ít về cuộc chiến vì nó liên quan đến anh trai tôi. Anh ấy chiến đấu ở Basra – tôi chắc cậu biết nơi đó – Basra, ở vùng Lưỡng Hà.
[1] Pháo binh Hoàng gia Anh.
“Vào lúc đó tôi kiếm được hai mươi lăm rupi mỗi tháng. Nghe thì có vẻ không nhiều, đúng không nhỉ? Nhưng, cậu biết không, tôi chỉ mất có mười rupi để trang trải cuộc sống – tôi dành dụm chỗ còn lại và sau đó tôi mua một nông trại. Khi được trả lương, tôi được một đồng bảng vàng và một tờ mười rupi. Một đồng bảng vàng có giá trị bằng mười lăm rupi. Nhưng phải ví dụ để cho anh thấy mọi thứ rẻ như thế nào, một cái áo sơ mi chỉ có giá là bốn anna[2], thực phẩm thì dồi dào và cuộc sống rất dễ chịu. Tôi kết hôn và có bốn đứa con. Tôi làm việc ở nhà bếp sĩ quan từ năm 1919 đến tận năm 1941, khi quân Nhật tới. Tôi yêu công việc của mình. Tất cả các sĩ quan đều biết tôi và tôi tin là họ tôn trọng tôi. Họ chỉ nổi cáu khi có việc gì đó chậm không đúng thời hạn – nếu có sự chậm trễ – thì họ sẽ rất giận dữ. Nhưng chẳng có ai trong số họ tàn ác với tôi cả. Suy cho cùng, họ là sĩ quan – sĩ quan quân đội Anh quốc, cậu biết đấy – họ có tiêu chuẩn ứng xử tốt. Trong suốt thời gian đó, bất cứ khi nào dùng bữa, họ mặc đầy đủ quân phục, đôi khi có khách hoặc các phu nhân dự thì họ mặc dạ phục, đeo nơ đen. Còn các quý bà thì áo choàng dài. Tha thướt như những cánh bướn. Tôi cũng có đồng phục của mình, áo vest trắng, nơ đen và giày mềm – cậu biết cái kiểu giày mềm đó đấy. Chúng không phát ra tiếng động nào cả. Tôi có thể đi vào trong phòng mà không ai có thể nghe thấy tôi. Người ta không làm loại giày đó nữa, cái loại không phát ra tiếng động ấy mà.”
[2] Đơn vị tiền cũ của Ấn Độ – một rupi bằng mười sáu anna.

“Mọi việc cứ diễn ra như vậy trong vài năm. Tôi nhớ một đêm ở nhà ăn, Tướng quân Slim đến dự ở đó. Anh biết ông ấy đấy. Và cả Phu nhân Slim. Họ bước vào tận trong bếp. Cả Tướng quân Slim và Phu nhân Slim, một số người khác nữa, các sĩ quan và phu nhân của họ.
Tôi đứng nghiêm.
Phu nhân Slim hỏi tôi: ‘Anh là Bernard?’
Tôi trả lời: ‘Vâng thưa Qúy bà,’
Bà ấy nói rằng bữa ăn hôm đó tuyệt ngon. Hôm đó có món thịt gà phủ xốt bóng, rau và bánh xốp kem.
Tôi đáp: ‘Rất vui vì Qúy bà hài lòng.’
Tướng quân Slim nói: ‘Thế mới là Bernard chứ’ và họ đi ra ngoài.”
“Ngài Tưởng Giới Thạch và Tưởng phu nhân cũng từng tới đó. Ngài ấy rất cao và không nói lời nào. Tôi phục vụ họ. Họ ở lại hai ngày – một đêm và hai ngày. Và ngài Toàn quyền tới – Huân tước Curzon. Rất nhiều người đã tới – Công tước xứ Kent, những người từ Ấn Độ và một vị tướng khác – tôi sẽ cố nhớ ra tên ông này.
“Rồi người Nhật tới. Ôi, tôi còn nhớ việc này rất rõ! Nó như thế này. Tôi đang đứng trong bụi cây gần nhà – bên ngoài Maymyo, ở chỗ ngã ba đường. Tôi mặc một cái áo may ô và quần thụng longyi, như người Miến Điện vẫn mặc. Cái xe to lắm, với một lá cờ trên nắp ca pô – quốc kỳ Nhật, mặt trời mọc, đỏ và trắng. Xe dừng lại ở ngã ba. Tôi không nghĩ họ nhìn thấy tôi. Một người gọi tôi lại gần. Ông ta nói gì đó với tôi bằng tiếng Miến Điện.
Phương Đông lướt ngoài cửa sổ – Chương 18 : Tàu chợ đi Maymyo (P.2)
Tôi nói: ‘Tôi biết nói tiếng Anh đấy ạ.’
Quý ông người Nhật kia nói ‘Anh là người Ấn à?’ Tôi thưa vâng. Ông ta tự nắm tay vào nhau như thế này rồi nói, ‘Ấn Độ – Nhật Bản. Bằng hữu!’ Tôi mỉm cười với ông ấy. Tôi chưa bao giờ đến Ấn Độ trong đời mình.
Có một vị quan rất to trên xe. Ông ấy chẳng nói gì, nhưng ông kia nói ‘Đây có phải đường đi Maymyo không?’
Tôi nói chính là đường đó. Họ lái xe đi tiếp, leo lên trên đồi. Quân Nhật tiến vào Maymyo như thế đấy.”

“Vợ tôi mất. Năm 1941 tôi tái hôn và có thêm ba con trai, John Henry, Andrew Paul và năm 1945 có thêm thằng Victor. Cậu biết đấy, tên là Victor, vì chiến tranh đã kết thúc. Tôi cố gắng nghỉ hưu. Tôi đã già đi, nhưng chính phủ Miến Điện lại triệu tôi đến mỗi khi có dạ tiệc ở Mandalay. Tôi chưa từng tới Rangoon kể từ năm 1944 hay 1945 gì đó, dù tôi đã đến Mandalay rất nhiều lần. Giờ tôi đi từ đó tới dây. Hai đêm trước có một dạ tiệc, một món nướng nhiều thịt. hai món rau. Không hoành tráng như Dạ tiệc Chiến thắng. Tôi chịu trách nhiệm tổ chức toàn bộ Dạ tiệc Chiến thắng năm 1945 – cho hai trăm người. Chúng tôi khai vị với xúp kem rau, rồi cá hồi trộn mayonnaise, gà quay, các món rau, khoai tây chiên và luộc, cả nước xốt nữa. Bữa ăn kết thúc với bánh xốp kem và một món mặn. Ừ, món mặn thì là cái gì chẳng được, nhưng nhân dịp đó là món Kỵ sĩ Quỷ. Thăn lợn và pho mát được quấn quanh một miếng bánh mì và cố định bằng một cái tăm. Mọi người đều vui sướng trong Dạ tiệc Chiến thắng. A, Maymyo đây rồi.”
Ở đây nhà mọc lên từ những cái cọc, xung quanh là đám cây trạng nguyện cao khoảng mét rưỡi, hoa đỏ mọc búa xua trông như những chiếc ruy băng lễ hội rung rinh. Rồi, qua một đền thờ và một tu viện với những tấm gỗ bị gió mưa biến thành màu đồng xỉn, nhiều nhà cửa hơn xuất hiện, một dãy cửa hiệu, một nhà hát, một nhờ thờ Hồi giáo trên con phố rộng đầy bùn đất. Nhà ga có khoảng sân rộng chưa được lát và vì trời vẫn đang mưa phùn nên vài chỗ trên sân bị ngập nước, những chỗ còn lại bị giày xéo thành một thứ bùn sánh như cháo đặc.
Ông Bernard hỏi: “Cậu định trọ ở đâu?”
Tôi nói chưa có ý tưởng gì dù là nhỏ nhất.
“Vậy cậu nên đến Candacraig,” ông nói. “Tôi là người quản lý – tôi đặt phòng cho cậu nhé?”
“Vâng,” tôi nói. “Sau đấy cháu còn đi tiếp – cháu phải mua vé đi Gokteik.”
Trong lúc đi tìm phòng vé, tôi bước nhầm vào phòng điều hành radio, trong đó một người lai Á-u râu quai nón đeo cà vạt vàng, mái tóc chải xuống gọn gàng đang ngồi nghe tín hiệu Moóc và viết nguệch ngoạc lên một tập giấy. Anh nhìn tôi và đứng dựng dậy, bắt tay tôi. “Liệu tôi có thể giúp gì được anh?”
Tín hiệu Moóc vẫn đang tiếp tục. Tôi nói có lẽ anh nên nghe tiếp.
“Cũng chẳng quan trọng lắm đâu,” anh đáp.
Tôi để ý tập giấy với nét bút chì viết chữ Miến Điện.
“Họ gửi cho anh tín hiệu Moóc tiếng Miến à?”
“Tại sao không chứ?” Anh giải thích rằng tiếng Miến Điện có ba mươi sáu chữ cái, nhưng thỉnh thoảng họ gửi tín hiệu Moóc theo tiếng Anh.
“Làm sao anh biết là họ đang gửi tín hiệu bằng tiếng Miến Điện hay tiếng Anh?”
“Giả sử anh đang nhận tín hiệu tiếng Miến Điện. Tín hiệu cứ thế được một lúc. Rồi anh nhận được mười hai chấm. Điều đó có nghĩa sau đó là tiếng Anh. Rồi anh sẽ nhận tín hiệu tiếng Anh. Rồi lại thấy mười hai chấm nữa có nghĩa là họ sẽ quay lại tiếng Miến Điện. Anh hiểu không, tại vì trong tiếng Miến Điện không có những từ như ‘cần pít-tông’ hay ‘trục khuỷu’. Hay đấy chứ.”
Anh nói nhanh, điệu bộ có vẻ bồn chồn. Da anh tối màu như người Miến Điện, nhưng cái mũi khoằm và khuôn mặt nhăn nheo như một nông dân người Ý.
“Tiếng Anh của anh rất tốt.”
“Tiếng mẹ đẻ của tôi mà!” Anh nói tên là Tony. Thực ra tôi đến phát điên ở cái điểm trung chuyển này. Tôi ở trên Hsipaw cơ, nhưng tôi đến đây vì cái ông tướng làm ở Maymyo bỏ việc. Họ chẳng có người thay, nên tôi cứ phải ở đây tới tận ngày mười chín. Gia đình tôi ở Hsipaw và lẽ ra tôi phải về đó mấy tuần rồi – tôi có sáu nhóc, chúng đang băn khoăn bao giờ bố mới về. Anh định đi đến đâu nhỉ?”
Tôi nói với anh rằng tôi muốn đi tàu đến Gokteik, nhưng tôi đã nghe nói là bị cấm.

“Chẳng có vấn đề gì. Bao giờ anh muốn đi? Ngày mai à? Có chuyến tàu lúc bảy giờ đấy. Chắc chắn là tôi có thể giúp anh lên tàu. Tôi đoán rằng anh muốn xem cây cầu – nó đẹp đấy. Buồn cười nhỉ, chẳng có mấy ai đi lên tận đấy. Khoảng một năm trước có một ông mãnh – hắn là người Anh – đi đến Lashio. Bọn lính chặn lại và đuổi hắn xuống tàu ở Hsipaw. Tâm trạng hắn lúc đấy não nề lắm – bị cắt hết mọi mối liên lạc. Tôi bảo hắn đừng lo. Bọn cảnh sát sát tới và gây phiền hà một chút, nhưng hôm sau tôi cho hắn lên tàu đi Lashio và khi cảnh sát tới vào lúc chín giờ tôi nói ‘Hắn đến Lashio rồi,’ thế là bọn họ chẳng làm được gì cả.”
“Thế đến Gokteik có phạm luật không?”
“Có thể có, có thể không. Chẳng ai biết cả – nhưng tôi sẽ cho anh lên tàu. Đừng lo.”
Anh tiễn tôi ra tới sân trước nhà ga; nơi đó, dưới trời mưa và một khoảng không gian rộng đầy bùn đất, có khoảng ba mươi xe ngựa chở khách đang đỗ – những thùng xe gỗ đã phai màu sơn, cửa xe đều nứt nẻ và những tay phu xe đội mũ rộng vành, khoác áo vải mưa nhựa không tay vút những chiếc roi da cứng lên lũ ngựa đã bị bịt mắt. Lũ ngựa giậm chân, nhiều con đang cố kéo những cỗ xe chất đầy hàng khỏi đống bùn – những cỗ xe quá tải với gói, hộp, hòm xiểng chất lên tận nóc và ở cả sáu mặt cửa sổ. Với giá chuyển hướng động cơ hơi nước phía đằng sau, hình ảnh những cỗ xe ngựa gharri – cùng trời mưa, bùn lầy và những người Miến Điện quấn khăn chống lại giá lạnh – đã hoàn chỉnh bức tranh về một thị trấn vùng biên. Một bác phu xe vụng về bước về phía tôi với đôi ủng lấm bùn (những phu xe khác đi xăng đan cao su và một số thì đi chân trần, tuy nhiên tất cả đều mặc áo khoác ngoài nặng trịch), Tony nói với bác này đưa tôi đến Candacraig.
Bác phu xe già nhấc bổng cái túi của tôi lên trên nóc và phủ nó bằng một miếng bạt cứng trước khi buộc xuống. Tôi chui vào trong cỗ xe bằng gỗ và chúng tôi lên đường, đường xóc nên xe lắc lư; tôi ngồi thẳng lưng, nhìn màn mưa trên những con phố rộng của Maymyo với những hàng cây bạch đàn. Những căn nhà gỗ xiêu vẹo, những căn nhà xây bằng gạch trông cổ kính mà mong manh trong cơn mưa, ở góc phố chính, trước một căn nhà hai tầng bằng gỗ có mái hiên, một cỗ xe ngựa đang rẽ, người đàn ông quất con ngựa khi nó đang chạy nước kiệu sát lề con đường gập ghềnh – trên đường chẳng thấy cái xe ô tô nào – con ngựa hí lên trong thị trấn mưa gió tối tăm, trong ánh sáng le lói mờ mịt giữa cơn dông bão trên con phố ướt át, ngay trước các cửa hàng Trung Quốc. Tiệm may Thượng Hải và Nhà hàng Charlie. Cảnh tượng trông giống như một bức vẽ Klondike[3] bằng mựa sepia, màu nâu và tĩnh lặng, tưởng như đã trải qua một thế kỷ như vậy mà không có gì chuyển động ngoài việc cận cảnh có hình ảnh con ngựa đen nhạt nhòa đang kéo xe trong mưa.
[3] Một dòng sông ở Bắc Mỹ nơi có nhiều người đổ đến đãi vàng đầu thế kỷ 20.
Candacraig ở phía trên thị trấn, trên đỉnh núi Tây, cách nhà ga gần năm ki lô mét. Ở đây, nhà cửa đều to, với những tòa tháp và mái nhà lợp bằng đá, những viên gạch trở nên đỏ quạnh trong mưa, đó là nhà cũ của những viên chức dân sự người Anh, họ đến Maymyo khi thủ đô được chuyển tới đây vào mấy tháng mùa hè. Chúng tôi đi qua những tòa nhà mang tên Cây Thông, Nhà Đỉnh núi và Cảnh Rừng; Candacraig nằm ở trên đỉnh một quả đồi nhỏ, giống như một biệt thự ở Newport hay Eastbourne, có cổng vòm, mái hiên đầu hồi và phía trên cửa là một dàn thường xuân uốn theo dọc cửa được tỉa tót gọn gàng.
Tôi trả tiền cho bác phu xe rồi đi vào sảnh cao như chính tòa nhà. Những căn phòng chạy dọc phía trên sảnh, theo một hành lang được cắt bởi một cầu thang đôi hình đàn lira vươn lên tận đầu hành lang. Phía trên lò sưởi ốp gỗ tếch là một cái quầy trống trơn; những bức tường cũng trống trơn, sàn nhà được lau bóng phát ra ánh sáng dịu, lan can cầu thang sáng bóng; trong một gian sảnh bằng gỗ rộng lớn như thế này mà lại không có đồ trang trí gì. Nó trống rỗng. Có mùi sáp. Tôi gõ nhẹ lên quầy.
Một người đàn ông xuất hiện. Tôi đã nghĩ đó là ông Bernard, nhưng lại là một người đàn ông đeo kính dày; không phải người Ấn Độ hay người Miến Điện, với bộ răng hô nổi bật và đôi bàn tay to lớn ngượng nghịu. (Sau này tôi được biết anh ta là người Ceylon, nhưng có thể xem như anh ta bị bỏ rơi lại xứ Thượng Miến Điện này ba mươi năm rồi). Anh ta nói rằng ông Bernard đã bảo là tôi sẽ tới, rằng tôi là người khôn ngoan nên sẽ đến Candacraig – những khách sạn khác ở Maymyo thì chẳng có trang thiết bị gì cả.
“Họ không có trang thiết bị gì cơ?”
“Xà phòng ạ, thưa Quý ông.”
“Không có xà phòng ấy à?”
“Không ạ, thưa Quý ông. Và không có cả chăn, ga trải, khăn tắm và đôi khi còn chẳng có cả thực phẩm. Họ chẳng có gì cả. Họ chỉ có một chỗ cho khách ngả lưng nhưng chẳng có thêm gì khác, thưa Quý ông,” anh ta quay ra nói với ông Bernard vừa bước vào phòng, “Con đã bố trí Quý ông đây vào Phòng số 10.”
Ông Bernard đưa tôi đến phòng, xúc một xẻng đầy than nhóm lửa trong lò sưởi và luôn miệng kể về Candacraig. Tên của khách sạn được đặt theo kiểu Scotland, địa điểm này thực sự là một “khu nhà tập thể” dành cho những viên chức chưa kết hôn của Công ty Thương mại Bombay – Miến Điện, nhằm tránh cho các anh chàng này khỏi những rắc rối của mùa nóng sau những tháng làm việc tại các lâm trường xa xôi: ở đây họ có thể tắm nước lạnh, chơi bóng bầu dục, cricket và polp. Đế chế Anh hoạt động dựa trên một lý thuyết rằng độ cao sẽ xốc dậy tinh thần. Ông Bernard cứ tiếp tục nói. Cơn mưa giội vào cửa sổ và tôi có thể nghe thấy nước chảy khắp mái nhà. Nhưng ngọn lửa đã cháy rực và tôi đang ngồi trên ghế bành, hơ đôi chân, hút tẩu và mở tập thơ của Browning ra.
“Cậu có muốn tắm nước nóng không?” Ông Bernard lịch thiệp hỏi tôi, “Thế thì rất tốt, tôi sẽ sai con trai tôi mang mấy xô lên. Mấy giờ thì cậu muốn ăn tối? Tám giờ à. Cảm ơn cậu. Cậu có muốn uống chút gì không? Tôi sẽ tìm một chút bia nhé. Cậu có thấy căn phòng ấm áp thế nào không? Phòng rộng nhưng lửa sưởi rất tốt. Tiếc là trời ngoài kia lại mưa rét. Nhưng ngày mai cậu sẽ lên tàu đi Gokteik mà. Chúng tôi từng đóng trại ở đó – Pháo binh Hoàng gia Anh ấy mà. Ở Gokteik thì không có gì để ăn đâu, nhưng tôi sẽ làm cho cậu một bữa sáng ngon và khi cậu về thì trà đã sẵn sàng. Ở đây thật thoải mái, nhưng ở trên ấy thì chỉ có rừng thôi.”
Đêm hôm đó tôi ăn tối một mình, dưới ánh nến, tại một cái bàn ăn khổng lồ. Ông Bernard đã bố trí chỗ của tôi gần lò sưởi. Ông đứng cách tôi một quãng, không nói một lời, lướt qua lần này đến lần khác để chuốc thêm đồ uống vào cốc của tôi hoặc bưng đến món mới. Tôi nghĩ rằng tôi cũng gan lì như người đứng kế bên tôi, nhưng tôi có một phần nào đó trong mình – có khi cũng chính là phần thích đi tàu hỏa – tận hưởng các chuyến đi chỉ vì những lần nghỉ chân dễ chịu trên đường, một kẻ lười nhác thích hưởng những thú vui bình dân, đi khắp châu Á để thỏa mãn cái thú đó và biện hộ cho niềm vui của mình bằng khoảng cách đi được. Vậy là tôi đã đi tận bốn mươi nghìn ki lô mét để tới đây, nằm lười nhác ở Maymyo, hơ mông sưởi ấm và mỗi lần được người ta phục vụ thì lại quên mất chỗ đang đọc dở trong tập Bishop Blougram’s Apology[4] (Lời xin lỗi của Bishop Blougram): tôi là người khách duy nhất trong căn biệt thự hai mươi phòng ở Miến Điện này.
[4] Một tập thơ của Robert Browning.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.