Phù Thiên Ký

Chương 40: Bát đại cảnh giới


Đọc truyện Phù Thiên Ký – Chương 40: Bát đại cảnh giới

Thấy Trần Biểu đột nhiên im lặng chẳng nói năng gì nữa, Vương Chi bèn lên tiếng: “Sư huynh, ta phải về rồi”.

“À, ừ”. – Trần Biểu ngẩng đầu lên, nói – “Vậy hẹn gặp sư đệ sau, giờ ta cũng phải đến chỗ Nguyễn Oánh sư tỷ để học đan thuật”.

Sau khi từ biệt Trần Biểu, Vương Chi liền đi thẳng về phòng với ý định phục dụng Nguyên Đan để đề thăng tu vi, tuy nhiên, lúc hắn còn chưa kịp thực hiện ý định của mình thì đã phải lập tức ngưng lại. Thập tam trưởng lão đã cho người đến.

“Sư tỷ, ngươi tới kiếm ta hả?”. – Vương Chi nhìn cô gái trước cửa phòng, hỏi. Cô gái này cũng chẳng lạ lùng gì với hắn. Nàng chính là người đã làm rơi cuốn ngọc giản Xà Kiếm Bộ ở Tàng Thư Các, đồng thời cũng chính là người đã ngăn hắn bỏ về trong cuộc thi chung với đệ tử nội môn – Hoàng Nữ Tú Anh. Thú thật thì hắn không có nhiều ấn tượng với nàng lắm, kể cả khi nàng rất xinh đẹp đi nữa. Hiện giờ hắn chỉ đang thắc mắc một điều là tại sao nàng lại đến gõ cửa phòng hắn, hắn và nàng cũng không được tính là có giao tình gì đấy.

Như hiểu được sự nghi hoặc của Vương Chi, Hoàng Nữ Tú Anh nói ra lý do của mình:

“Sư phụ bảo ta đến đón ngươi”.

Sư phụ nàng?


Tâm tư xoay chuyển, Vương Chi nhanh chóng hiểu ra vấn đề:

“Sư tỷ, ngươi là đệ tử của thập tam trưởng lão sao?”.

“Ừm”. – Hoàng Nữ Tú Anh gật đầu xác nhận. Nàng nói tiếp: “Sư phụ đang đợi, chúng ta nên đi thôi”.

Lát sau.

Khi Vương Chi và Hoàng Nữ Tú Anh đến nơi thì đã thấy thập tam trưởng lão, cũng tức Lăng Tố đứng đợi sẵn. Hôm nay nàng mặc bộ y phục màu lục nhạt, nhìn rất có sức sống. Tiến tới trước mặt nàng, Hoàng Nữ Tú Anh nói:

“Sư phụ, đã đưa sư đệ đến”.

Khẽ gật đầu coi như đáp lại Hoàng Nữ Tú Anh xong, Lăng Tố chuyển ánh mắt lên người Vương Chi trong khi hắn cúi đầu chào.

Quan sát một lúc, nàng lên tiếng: “Ta nghĩ chắc ngươi đã biết ta sẽ thay thế phong chủ chỉ dạy thuật pháp cho ngươi một thời gian phải không?”.

“Vâng, sư phụ đã nói qua”. – Vương Chi đáp.

“Ừm. Thú thật thì ta không biết nhiều về đan đạo lắm, tuy nhiên nếu nói về thuật pháp thì ngươi có thể yên tâm, ta sẽ dạy cho ngươi những thứ tốt nhất mà Yêu Tông có”.

Nghe được những lời bảo đảm của nàng, trong lòng Vương Chi không khỏi cảm thán. Vì sao ư? Bởi vì hắn nhớ đến sư phụ hắn; mà không, chính xác thì phải là những lời ra mắt khủng bố tinh thần của sư phụ hắn.

“Giá như người nhận ta làm đệ tử là thập tam trưởng lão thì tốt biết mấy”. – Một cách tự nhiên mà trong lòng Vương Chi hiện lên ý nghĩ như vậy. Đương nhiên nó vẫn đơn thuần là suy nghĩ, là mong muốn viễn vong của hắn, thực tế thì đó đã là chuyện không thể, thậm chí dù cho thập tam trưởng lão có muốn nhận hắn làm đệ tử đi chăng nữa. Hắn cũng không muốn bị sư phụ hắn xem là “kẻ phản bội” a.

Trong khi Vương Chi còn đang “cảm thán” thì bị Lăng Tố kéo về thực tại:


“Vương Chi”.

“Hả?”. – Vương Chi phản ứng một cách vô thức. Kế đó, biết mình đã vô lễ với thập tam trưởng lão, hắn nói lí nhí: “Trưởng lão gọi đệ tử”.

May cho hắn là tính tình Lăng Tố khá tốt, nàng hoàn toàn không chấp nhặt phản ứng vô lễ của hắn. Vẫn với chất giọng ôn nhu, nàng hỏi:

“Công pháp chủ tu hiện tại của ngươi là gì?”.

Trong lòng thở phào một hơi, Vương Chi thành thật hồi đáp: “Trưởng lão, là Tiểu Bích Hải Triều Sinh Quyết”.

Tiểu Bích Hải Triều Sinh Quyết? Lăng Tố lục tìm trong trí nhớ một lúc thì nhận ra là mình chưa bao giờ nghe thấy cái tên này. Nàng đoán đó hẳn là một công pháp phẩm cấp rất thấp.

“Sư phụ”. – Bên cạnh Lăng Tố, Hoàng Nữ Tú Anh lên tiếng giải thích – “Tiểu Bích Hải Triều Sinh Quyết là công pháp không nhiều người luyện, cảnh giới cao nhất mà nó giúp tu sĩ đạt tới là Tích thủy cảnh”.

Tỏ vẻ hiểu được, Lăng Tố lần nữa hướng ánh mắt về phía Vương Chi, bảo:

“Ngươi đưa tay ra”.

Sau khi nắm lấy tay Vương Chi rồi tiến hành kiểm tra tình trạng cơ thể hắn, Lăng Tố đưa ra nhận xét:


“Mặc dù tu vi của ngươi hơi thấp một điểm nhưng bù lại căn cơ khá tốt, xem ra ngươi cũng rất nỗ lực”.

Nàng nói tiếp: “Lát nữa ta sẽ truyền cho ngươi một bộ công pháp khác đủ để ngươi có thể tu luyện đến Linh châu cảnh. Tuy nhiên, trước đó ta muốn giảng giải cho ngươi một số kinh nghiệm trọng yếu đối với tu đạo giả”.

“Đầu tiên là về bát đại cảnh giới, ngươi có hiểu ý nghĩa cụ thể của chúng không?”.

Vương Chi thành thật lắc đầu. Những kiến thức mà hắn đọc và nghe qua đều không có lý giải rõ ràng về bát đại cảnh giới.

“Được rồi, vậy bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu từ nó”. – Lăng Tố giảng giải – “Cái gọi là bát đại cảnh giới bao gồm: Phàm thai cảnh, Khai nhãn cảnh, Tích thủy cảnh, Linh tuyền cảnh, Linh châu cảnh, Thiên hà cảnh, Lnh anh cảnh và Đại hải cảnh. Trong số đó thì Khai nhãn cảnh và Linh châu cảnh được xem là hai đại cảnh giới cốt lõi…”.

“… Như ngươi biết, tu đạo giả chúng ta lấy đan điền làm nơi hấp nạp linh khí tiến hành cải tạo cơ thể, từng bước đi lên các cảnh giới cao hơn. Có thể nói đan điền chính là căn cơ của tu đạo giả. Tuy nhiên, ngay từ đầu, hình thái đan điền của chúng ta chỉ là một không gian hỗn độn và chật hẹp, chẳng có gì cả. Thời điểm này nó như một bào thai chưa thành hình, vì vậy mà gọi là Phàm thai cảnh. Việc mà một tu đạo giả cần làm là phải nhanh chóng đột phá cảnh giới Phàm thai đó, cũng tức phải mở rộng không gian đan điền, định hình thai nhi. Giai đoạn này chính là Khai nhãn. Ý nghĩa của từ Khai nhãn chính là mở ra thế giới. Bởi vì tư chất của mỗi người là khác nhau cho nên thế giới được khai mở bên trong đan điền cũng không giống nhau. Đây chính là lúc để phân định giữa thiên tài và người thường. Ta nghĩ chẳng cần nói thì ngươi cũng hiểu được”.

Dừng trong thoáng chốc, nàng nói tiếp:

“Sau khi Khai nhãn thành công, đan điền sẽ hình thành nên một không gian rộng lớn và vẫn sẽ tiếp tục mở rộng theo sự đề thăng tu vi. Nhiệm vụ của tu đạo giả trong giai đoạn này là tích trữ chân nguyên; ban đầu nó sẽ có dạng “khí”, đến khi đã đủ nhiều thì nó sẽ chuyển sang trạng thái “lỏng”, lúc này gọi là Tích thủy. Tiếp đó, cùng với quá trình tu luyện của tu đạo giả, những chân nguyên ở trạng thái lỏng kia sẽ ngày một nhiều lên, tới một thời điểm nhất định nó sẽ hình thành nên những dòng suối bên trong đan điền, gọi là Linh tuyền cảnh. Sau Linh tuyền thì chính là Linh châu cảnh. Vậy tại sao lại gọi là Linh châu? Đó là bởi giai đoạn này, các dòng Linh tuyền sẽ tụ hội lại, từ đó tạo nên một viên Đan châu và nuôi dưỡng nó. Cứ thế, Đan châu không ngừng được các dòng Linh tuyền, về sau sẽ trở thành các dòng sông, gọi là Thiên hà nuôi dưỡng; và khi đã “chín mùi” thì từ trong Đan châu sẽ xuất hiện một Linh vật. Linh vật ấy chính là Linh anh của tu đạo giả. Nó có rất nhiều hình dạng, ví như một thanh kiếm, một ngọn thương, một yêu thú, một cành cây,… Nói chung là nó có thể có bất kỳ hình dáng gì, tất cả tùy thuộc vào công pháp và đặc điểm cơ thể của tu đạo giả… Về phần cảnh giới cuối cùng – Đại hải cảnh, thú thật thì ta không biết rõ lắm”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.