Bạn đang đọc Phòng Trọ Ba Người – Chương 9
Buổi chiều tới nhà Thu Thảo dạy kèm, Mẫn chụp ngay cái nón “chiến lợi phẩm” lên đầu.
Vừa mở cửa ra, thấy anh, Thu Thảo reo ầm lên:
– A, nón mới!
Mẫn sờ tay lên đầu, cười cười:
– Không mới lắm đâu!
Thu Thảo nheo mắt:
– Nhưng đối với em là mới! Lần đầu tiên em thấy anh đội nón.
Vào tới phòng học, Thu Thảo vẫn chưa quên cái nón của Mẫn.
Cô tò mò hỏi:
– Bộ anh thích cái nón này lắm hả?
– Sao Thu Thảo hỏi vậy?
– Tại em thấy anh đội nón buổi chiều. Buổi chiều trời đâu có nắng.
Không biết trả lời sao, Mẫn đành gật đầu:
– Ừ, thích!
Thu Thảo vẫn chưa chịu thôi:
– Vì sao anh thích?
Đang khoái chí về “thành tích” của mình, tự nhiên Mẫn bỗng hào hứng hẳn lên. Anh vui vẻ khoe:
– Bởi vì đây là cái nón “chiến lợi phẩm”.
Thu Thảo trố mắt:
– Chiến lợi phẩm?
– Ừ.
Thu Thảo càng thắc mắc:
– Anh làm gì mà có “chiến lợi phẩm”?
Đến đây, Mẫn có vẻ ngập ngừng:
– À, thì tôi… thì có một người bạn nhờ tôi gỡ rỗi…
Thu Thảo hiểu ngay:
– Anh “gỡ rối tơ lòng” giùm cho ai chứ gì?
Mẫn cười:
– Đại khái là vậy.
Thu Thảo reo lên:
– Hay quá hén! Hóa ra anh là nhà tâm lý học. Vậy mà trước giờ anh giấu không cho em biết.
Mẫn lại cười. Quan hệ giữa anh và Thu Thảo trong thời gian gần đây đã vui vẻ và cởi mở hơn nhiều. Sau “sự kiện bức tranh”, dường như cả hai đều thấy cần phải quan tâm và đối xử với nhau dịu dàng hơn. Thu Thảo đã bắt đầu ý tứ hơn trong những lần trò chuyện “ngoài giờ” với anh, không còn vô tình “phang” những câu như búa bổ vào lòng tự ái của anh như trước. Ngược lại, Mẫn cũng dần dần bớt “khép kín” hơn. Bây giờ, trong những phút giải lao giữa hai giờ học, Mẫn đã chuyện trò với Thu Thảo nhiều hơn và đề tài nói chuyện dĩ nhiên cũng mở rộng hơn trước.
Trong sự thay đổi này, có một sự tác động ngẫu nhiên nhưng đáng kể từ phía Chuyên và Nhiệm. Sự xuất hiện của Sương và Thủy trên đường đời hai người bạn của anh khiến cuộc sống của học đâm ra nhộn nhịp và “khí thế” hẳn lên. Và cái bầu không khí lúc nào cũng sôi sùng sục như nồi súp – de của căn gác trọ càng ngày càng cuốn hút và nung nóng trái tim vốn nguội lạnh của Mẫn.
Anh trở nên mềm yếu hơn, vì vậy hoạt bát hơn, trước Thu Thảo, một sinh vật mà ngay từ lần đầu gặp mặt, anh đã thề với lòng mình là sẽ không mở miệng nói với cô bất cứ chuyện gì ngoài những con số.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Căn bệnh “dị ứng… phụ nữ” của Mẫn đã thuyên giảm nhiều, ít ra là đối với cô học trò thông minh và khả ái của anh. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Mẫn đã biết… yêu. Với anh, tình yêu trước sau vẫn là một thứ “xa xí phẩm”. Và trung thành với quan niệm thâm căn cố đế của mình, Mẫn chưa bao giờ tìm cách đi theo con đường của Chuyên và Nhiệm, dù chỉ trong ý nghĩ. Anh cho đó không phải là chuyện của mình, mặc dù trong khi hào hứng tham dự vào “chuyện riêng” của Chuyên và Nhiệm, anh luôn cảm thấy một cái gì đó không cân đối, không trọn vẹn trong cuộc sống chung của ba người.
Chuyên và Nhiệm chia sẻ với anh biết bao nhiêu tâm sự, anh thì chẳng có gì để sẻ chia. Anh hạnh phúc và lo lắng theo hạnh phúc và lo lắng của bạn nhưng anh lại chẳng có buồn vui nào để bạn buồn vui. Sự hụt hẫng đó nhiều lúc khiến Mẫn cảm thấy vô cùng bứt rứt. Bứt rứt không phải vì mình không có người yêu hay vì không ai yêu mình, bởi nỗi day dứt của Mẫn không thuộc về lãnh vực tình cảm. Anh chỉ tiếc là mình không có một “chuyện tình” – như là một “tài sản” riêng – để “góp vốn” vào… sự “hỗn loạn” chung trong căn gác ba người. Như vậy, có lẽ cuộc sống sẽ vui nhộn và hoàn chỉnh hơn.
Nỗi day dứt của Mẫn hôm nay lại dịp khơi dậy khi Thu Thảo nhí nhảnh hỏi:
– Anh gỡ rối tơ lòng giùm người ta, vậy tơ lòng của anh thì ai gỡ?
Dù ý tứ hơn trước rất nhiều, Thu Thảo cũng không đủ kinh nghiệm và sự tế nhị để thấu hiểu tâm trạng của Mẫn, vì vậy thỉnh thoảng cô lại buộc miệng hỏi những câu như trêu ngươi. Ngược lại, Mẫn hiểu Thu Thảo nhiều hơn, do đó anh không hề giận cô.
Tuy nhiên, trước một câu hỏi “độc địa” như vậy, Mẫn hoàn toàn lúng túng. Thoạt đầu, anh định nói thẳng: “Tôi chẳng bao giờ có tơ lòng để mà rối!”, nhưng rồi không hiểu sao, cuối cùng anh lại trả lời lấp lửng bằng một thái độ bông đùa:
– Tôi hả? Tơ lòng của tôi thì… người khác gỡ!
Thu Thảo mỉm cười:
– Người khác là ai?
Lỡ ở vào thế “ném lao đành phải theo lao”, Mẫn đành đáp đại:
– Là bạn bè! Hay là bất cứ ai quan tâm đến mình…
Thu Thảo nheo nheo mắt và nở một nụ cười tinh quái: – Như em được không?
– Thu Thảo sao? – Mẫn trố mắt.
– Em sẽ gỡ rối cho anh! – Thu Thảo đề nghị nửa đùa nửa thật – Khi nào anh gặp chuyện gì khó nghĩ, em sẽ tham gia ý kiến với anh.
Nhiệt tình của Thu Thảo khiến Mẫn nửa buồn cười nửa xót xa. Cô không biết rằng anh chỉ có đi gỡ rối cho thiên hạ (mặc dù càng gỡ càng… rối) chứ chẳng hề xảy ra điều ngược lại. Cô tin những lời bông đùa nãy giờ của anh là thật, vì cô đã… đăng ký “giải đáp tâm tình” cho anh một cách hồn nhiên.
Mẫn tỏ ra bối rối trước tình huống bất ngờ đó. Anh ấp úng:
– À, à, để coi…
Thu Thảo chun mũi:
– Còn để coi gì nữa! Anh gật đầu đại đi!
Mẫn làm ra vẻ đắn đo:
– Còn phải coi Thu Thảo có giúp được gì không đã chứ!
Thu Thảo mau mắn:
– Chuyện gì em cũng giúp được!
Mẫn cười:
– Thật không?
– Thật.
Vẻ quả quyết của Thu Thảo khiến Mẫn cảm thấy rất mến cô. Nhưng anh không biết nên bịa ra một cái “tơ lòng” nào để cô có dịp “gỡ”.
Đang suy nghĩ vẩn vơ, tự nhiên trong óc Mẫn lóe lên một ý định mới mẻ. Và ngay lập tức, anh cảm thấy ý tưởng đó hoàn toàn có thể thực hiện và một cách nào đó, nó sẽ “làm đầy” những cái “thiếu sót” của anh đối với Chuyên và Mẫn, nó sẽ giải quyết được những day dứt của anh lâu nay.
Sau khi đã quyết định, mặt mày Mẫn tươi tỉnh hẳn lên. Anh nói với Thu Thảo bằng một giọng tin cậy:
– Nếu Thu Thảo có ý định giúp tôi thì tôi có thể nhờ Thu Thảo chuyện này…
Mẫn chưa nói dứt câu, mắt Thu Thảo đã sáng rỡ:
– Chuyện gì vậy? Làm được là em làm liền! Mẫn hạ giọng:
– Thu Thảo biết không, mối quan hệ giữa tôi với… cô bạn của tôi gần đây không được tốt lắm. Chung qui chỉ vì cô ta nghĩ rằng – Chỗ này, Mẫn “bịa” một cách khó khăn – trong quan hệ tình cảm hiện nay giữa hai người, tôi là người… chịu ơn. Còn cô ta là kẻ ban phát…
Mẫn “tâm sự” với vẻ rầu rầu rất đạt. Thu Thảo thì ngẩn người nghe không chớp mắt.
– Cô ta cho rằng, mặc dù không nói thẳng, ngoài cô ta ra, tôi không thể yêu ai bởi vì sẽ không cô gái nào… yêu tôi. Suy nghĩ đó khiến cho cách xử sự của cô ta đối với tôi không được tốt đẹp lắm, và gần đây có những dấu hiệu xấu…
Mẫn ngừng lời, và bất giác anh cảm thấy cổ họng khô đắng. Một câu chuyện hoàn toàn bịa nhưng những mặc cảm đó dường như là có thật. Anh không ý thức về sự có mặt của nó nhưng chắc chắn nó tồn tại đâu đó trong anh, ở những tầng sâu thẳm của tiềm thức.
Đây là lần đầu tiên trong đời, Mẫn nói đến sự thiệt thòi của số phận. Và sở dĩ anh có thể nói đến nó bởi anh nghĩ anh đang nói về một điều bịa đặt. Nhưng khi lời nói thoát ra khỏi đôi môi, anh lại nhìn nhận vấn đề theo một cách khác, thực tế hơn và cay đắng hơn. Nhưng một khi đã chấp nhận bước vào cuộc chơi, Mẫn hiểu rằng anh không thể quay lại.
Vì vậy, khi Thu Thảo hỏi bằng một giọng ái ngại:
– Em có thể giúp anh được gì?
Mẫn trả lời không chút do dự:
– Thu Thảo sẽ đóng vai một… cô bạn mới của tôi. Tất nhiên Thu Thảo không cần xuất hiện. Nhưng Thu Thảo sẽ viết thư cho tôi… thường xuyên. Tôi sẽ “tình cờ” để cho cô ta phát giác ra những bức thư đó.
Thu Thảo gật gù:
– Em hiểu rồi. Khi biết anh vẫn có những cô gái khác, cô bạn anh sẽ phải nghĩ lại…
Mẫn khen:
– Đúng rồi! Thu Thảo thông minh lắm! Nhưng Thu Thảo thấy có gì bất tiện trong “nhiệm vụ” này không?
Thu Thảo sốt sắng:
– Không! Chẳng có gì bất tiện! Thậm chí em còn thích nữa! Kế hoạch của anh giống hệt như trong các truyện trinh thám! – Đột nhiên Thu Thảo hỏi – Cô bạn của anh tên gì?
Mẫn giật thót:
– Cô ta hả? Cô ta tên… Thủy!
Đang quýnh quáng, không kịp nghĩ ra một cái tên nào khác, Mẫn đành mượn đại tên người yêu của Nhiệm. Nói xong, anh cười thầm: “Nếu tên Nhiệm biết mình “giành” Thủy của hắn, chắc hắn rủa mình thê thảm!”
– Chị Thủy cũng học cùng lớp với anh hả? – Thu Thảo lại hỏi.
Mẫn lắc đầu:
– Không! Thủy đi làm.
Thu Thảo tò mò:
– Chị Thủy chắc là dễ thương lắm?
Mẫn gật đầu đại:
– Ừ, dễ thương! Nhưng Thu Thảo cũng chẳng cần biết rõ về Thủy làm gì!
Nghe Mẫn nói vậy, Thu Thảo “hứ” một tiếng:
– Em phải biết chứ! Rủi mai mốt, khi biết em là “bồ” anh, chỉ tìm đến “thanh toán” em thì sao!
Mẫn phì cười:
– Cái đó thì Thu Thảo khỏi lo! Viết thư cho tôi, Thu Thảo không cần ghi địa chỉ người gởi. Vả lại, Thu Thảo nên “bịa” ra một cái tên khác.
Thu Thảo có vẻ hào hứng với trò chơi ngoắt ngoéo này, cô nhíu mày:
– Bịa tên gì bây giờ?
Mẫn gõ gõ tay xuống bàn:
– Một cái tên bất kỳ nào đó!
Thu Thảo nghiêng mặt nhìn anh:
– Nhưng phải hay kìa!
– Ừ thì hay! Tên hay thì thiếu gì!
Thu Thảo cắn môi:
– Tên Hương được không?
– Được! Gì Hương?
– Thanh Hương.
Thấy Mẫn che miệng cười, Thu Thảo hỏi, giọng nghi ngờ:
– Anh cười gì vậy?
– Cười cái tên.
Thu Thảo không hiểu:
– Cái tên sao?
Mẫn lại cười:
– Nghe giống như nước hoa Thanh Hương quảng cáo trên ti-vi.
Thu Thảo vùng vằng:
– Vậy mà cũng cười! Giống nước hoa thì giống chứ sao, miễn tên hay là được!
Mẫn làm hòa:
– Thì tôi có nói gì đâu! Vậy Thu Thảo lấy tên Thanh Hương hén?
– Ừ, Thanh Hương!
Mẫn thở phào. Thế là cái trò chơi tình cảm của anh đã khởi động khá suôn sẻ. Con Tàu đã được đặt vào ray, bây giờ chỉ còn chờ nổ máy và lăn bánh. Anh chưa kịp suy nghĩ đến công việc tiếp theo thì Thu Thảo đã hỏi:
– Vậy chừng nào em mới bắt đầu viết thư cho anh?
– Tất nhiên càng sớm càng tốt.
– Ngay hôm nay được không?
Mẫn gật đầu:
– Được.
Rồi anh hỏi lại:
– Thu Thảo định viết ngay hôm nay thật à?
Thu Thảo chớp mắt:
– Thật chứ sao! Nhưng mà em chưa biết… sẽ viết như thế nào?
Mẫn khoát tay:
– Dễ thôi! Tôi sẽ viết sẵn một lá thư, Thu Thảo cứ theo đó mà chép lại.
Thu Thảo ngó Mẫn:
– Chừng nào anh đưa lá thư đó cho em?
– Mốt.
– Sao anh không đưa ngay bây giờ?
Mẫn gãi đầu:
– Bây giờ hả? Bây giờ thì… tôi đâu đã viết.
– Thì anh viết ngay đi! – Thu Thảo giục.
Mẫn lưỡng lự:
– Viết ngay bây giờ sao được? Còn học nữa chi!
Đang hứng chí, Thu Thảo gạt phắt:
– Học thì lúc nào học chẳng được! Với lại, viết thư thì đâu có tốn mấy thì giờ. Viết xong rồi học.
Trước nhiệt tình quá mức của cô học trò khoái nghịch ngợm, Mẫn đành phải lùi giờ dạy lại. Anh loay hoay lật tặp, cặm cụi “sáng tác” một lá thư gởi cho… chính mình.
Thu Thảo ngồi đợi bên cạnh, với vẻ mặt náo nức của một đứa trẻ sắp được món đồ chơi của mẹ.
Viết xong lá thư, Mẫn đưa thư cho Thu Thảo:
– Em xem đi!
Thu Thảo vừa xem vừa cười khúc khích. Mẫn hồi hộp theo dõi nét mặt cô và cố đoán xem những dòng chữ nào khiến cô bật cười.
– Bức thư “tình” lắm! – Cuối cùng, Thu Thảo gấp lá thư lại và nhận xét – Nhưng có nhiều chỗ hơi kỳ kỳ!
Mẫn bối rối:
– Chỗ nào kỳ kỳ đâu?
Thu Thảo chỉ tay vô lá thư:
– Chẳng hạn chỗ này nè! Anh viết: “Hôm đó anh thất hẹn khiến em đợi dài cổ luôn”.
Mẫn chớp mắt:
– Vậy mà kỳ?
Thu Thảo chun mũi:
– Chứ sao! Làm gì có chuyện con trai cho con gái đợi dài cả cổ! Chỉ có con gái cho con trai “leo cây” thì có !
Mẫn đực mặt ra. Anh ấp úng:
– Vậy thì… Thu Thảo bỏ câu đó đi!
– Còn chỗ này nữa!
Mẫn toát mồ hôi:
– Chỗ đó sao?
– Cũng không hợp lý chứ sao! – Rồi Thu Thảo hắng giọng đọc – “Chiều thứ bảy này, em sẽ chờ anh ở đầu đường Sương Nguyệt Ánh, y chỗ cũ…”.
Lần này, rút kinh nghiệm, Mẫn không dám bộp chộp hỏi “tại sao”, sợ Thu Thảo phát hiện ra mình là một chàng trai không hề có một chút xíu kinh nghiệm nào trong tình yêu. Anh ngồi im lặng nghe cô học trò “lên lớp”:
– Hẹn ở đầu đường chỉ có bạn trai với nhau thôi. Con gái thường ý tứ, chẳng làm gì có chuyện đứng đợi người yêu ngoài đường ngoài sá…
Mẫn gục gặc đầu ra vẻ hiểu biết:
– Đúng, đúng! Thu Thảo nói đúng! Khi nãy viết vội quá nên tôi không để ý…
Rốt cuộc, trước khi chép lại lá thư của Mẫn, Thu Thảo phải kiêm thêm nhiệm vụ “biên tập”. Cô cân nhắc, sửa chữa từng câu từng chữ sao cho bức thư thật “trữ tình” và nhất là phải phù hợp với tâm lý một người con gái đang yêu.
Và Thu Thảo làm tất cả những việc đó với một sự say mê, thích thú.
Trước khi ra về, Mẫn ghi cho Thu Thảo địa chỉ phòng trọ của mình và dặn cô cứ gởi thư về đó.