Bạn đang đọc Phòng Trọ Ba Người – Chương 2
Chương 2
Mẫn được nhận vào dạy kèm Thu Thảo là một điều hoàn toàn may mắn.
Hồi trước, Chuyên, Nhiệm, Mẫn cùng học chung với nhau lớp mười hai ở trường phổ thông thị trấn. Đậu vào đại học, lên thành phố, được người quen giới thiệu, cả ba lại thuê chung với nhau căn gác trọ này. Chuyên và Nhiệm học ở Đại học Tổng hợp Văn, Mẫn lại học ở Đại học Bách Khoa.
Trong bọn, gia đình Nhiệm là khá giả nhất. Nhà Nhiệm là lò bánh mì lớn và khá nổi tiếng của thị trấn. So với hai bạn, Mẫn nghèo nhất. Anh luôn là “con nợ” của Chuyên và Nhiệm. Vì vậy, vừa đặt chân lên thành phố, Mẫn đã lo kiếm việc làm thêm ngoài giờ học.
Một hôm, đọc được mẫu rao vặt cần người dạy kèm, Mẫn lò dò đến nhà Thu Thảo. Đó là một căn nhà gạch xinh xắn nằm khuất sau dãy hàng rào bông giấy rực rỡ. Mẫn hơi ngập ngừng một thoáng trước khi đưa tay bấm chuông.
Người bước ra mở cổng là một chàng trai trạc tuổi Mẫn. Anh ta quan sát Mẫn vài giây rồi hỏi:
– Xin lỗi, anh tìm ai?
Tự nhiên, Mẫn cảm thấy bối rối:
– Tôi… tôi đọc trên báo…
Người con trai mỉm cười, ngắt lời:
– Anh đến xin dạy kèm phải không?
Mẫn gật đầu.
Chàng trai đưa Mẫn vào nhà. Anh ta tự giới thiệu:
– Tôi là Sơn.
– Còn tôi là Mẫn.
Mẫn đáp, giọng không được tự tin lắm. Anh tỏ ra ngượng ngập về những bước chân khập khiễng của mình mặc dù Sơn cố ý không nhìn Mẫn. Sau này, Mẫn mới biết Sơn là anh trai của Thu Thảo, sinh viên trường Mỹ thuật, một chàng trai khá cởi mở.
Tính cách người cha khác hẳn cậu con trai, ba Thu Thảo có một bề ngoài khá nghiêm nghị. Ông ít cười. Hôm đó, sau khi mất đúng một buổi sát hạch Mẫn về mọi phương diện, cuối cùng ông mới đồng ý nhận Mẫn vào dạy kèm Thu Thảo.
Thực ra, ba Thu Thảo thích tìm cho con gái một cô giáo hơn. Đó là tâm lý của các bậc cha mẹ biết… lo xa. Cô giáo bao giờ cũng “an toàn” hơn. Còn các chàng trai, không “bất trắc” nào là không thể xảy ra. Nhưng khổ một nỗi, từ hôm mẩu rao vặt được đăng báo đến nay, chẳng có người phụ nữ nào đến xin dạy. Chỉ toàn là giống mày râu. Nhưng tất cả đều bị ba Thu Thảo loại thẳng cánh. Ông không chọn một người nào, khi thì vì lý do này, khi thì vì lý do khác.
Đúng vào lúc Sơn và Thu Thảo bắt đầu phàn nàn về sự khó tính của ông thì Mẫn xuất hiện như một vị cứu tinh. Vẻ khiêm tốn và lễ phép của Mẫn chinh phục ông ngay. Hơn nữa, với một bên chân bị tật của mình, Mẫn có “lợi thế” rõ rệt so với những chàng trai khác, ít ra nó cũng cho biết rằng anh không phải là mẫu người hấp dẫn với các cô gái và vì vậy anh hoàn toàn… vô hại với phụ nữ. Tất nhiên, Mẫn không hề biết tất cả những ngoắt ngoéo, phức tạp bên trong việc mình được nhận vào dạy Thu Thảo. Đối với anh, tìm được việc làm là một niềm vui vô hạn.
Phòng học của Thu Thảo nằm ở đằng trước, phía trái nhà, cửa sổ trông ra một khoảnh sân nhỏ trồng hoa. Góc sân là một cây ổi xum xuê, đầy trái. Đó là một căn phòng thanh nhã mà khi vừa bước chân vào, anh đã cảm thấy tất cả vẻ tươi mát, dễ chịu của nó.
Giống như Sơn, Thu Thảo là một cô gái thông minh và vui tính. Mẫn hài lòng khi thấy Thu Thảo tiếp thu bài khá nhanh và anh hiểu rằng việc giúp cô tốt nghiệp trong kỳ thi cuối cấp và sau đó, đỗ vào đại học không phải là một nhiệm vụ quá nặng nề.
Thu Thảo cũng rất mến Mẫn. Cô coi Mẫn như anh, một người anh tử tế và tận tụy. Dạy cô học, Mẫn không quát tháo om sòm như Sơn. Chỗ nào cô chưa hiểu, anh kiên trì giảng đi giảng lại nhiều lần kỳ cho đến khi cô hiểu rõ mới thôi.
Nếu có điều gì ở Mẫn làm Thu Thảo không vừa lòng thì đó là tính ít nói của anh. Khi đi vào bài học, đề cập đến hàm số, đến tích phân, đến phương pháp tọa độ, Mẫn nói năng lưu loát bao nhiêu thì khi gấp tập lại anh hóa thành con người khác hẳn. Anh trở về với sự thinh lặng cố hữu. Đường như ngoài “phương pháp tọa độ” ra, anh chẳng có một “phương pháp… trò chuyện” nào khác. Thu Thảo thường gọi đùa tính ít nói của anh là “tính đơn điệu của hàm số”.
Những lúc đó, Mẫn chỉ cười cười:
– Biết nói chuyện gì bây giờ?
Thu Thảo nheo mắt: – Thiếu gì chuyện!
– Như chuyện gì chẳng hạn?
– Thì anh nghĩ đi!
Mẫn nhíu mày nghĩ ngợi một hồi rồi bất lực thú nhận:
– Nói thật là… tôi nghĩ không ra.
Thu Thảo bĩu môi:
– Dở ơi là dở! Có mỗi câu chuyện cũng nghĩ không ra mà đòi làm thầy giáo!
Mẫn bối rối:
– Làm thầy giáo chỉ cần dạy học thôi.
– Hứ! Nói như anh!
– Nói như tôi là sao?
Thu Thảo quay mặt đi chỗ khác, đáp:
– Là không lịch sự với phụ nữ! Câu nói của Thu Thảo khiến Mẫn xấu hổ đến đỏ mặt. Nhưng anh không giận Thu Thảo. Anh hiểu rằng cô nói đúng. Người đàn ông không biết cách nói chuyện với phụ nữ là người đàn ông… bỏ đi. Anh biết vậy nhưng cảm thấy mình khó mà sửa đổi được tính nết. Giữa bạn trai với nhau thì không sao; như sống bên cạnh Chuyên và Nhiệm, Mẫn lúc nào cũng thoải mái, vui vẻ, hồn nhiên. Anh tham gia vào các trò đùa tếu của các bạn một cách tự nhiên, hăng hái.
Nhưng khi đối diện với phụ nữ, Mẫn tự dưng mất đi sự thư thái, tự tin. Anh trở nên khép kín, cô độc. Trạng thái tâm lý đó như một thứ vỏ bọc, lâu ngày đã hóa vôi, đôi khi Mẫn cũng muốn phá vỡ nó nhưng anh lại thiếu một sức mạnh cần thiết từ bên trong.
Dĩ nhiên, điều gì cũng có nguyên nhân của nó. Ngay từ nhỏ, Mẫn đã cảm thấy mặc cảm về sự không toàn vẹn của mình. Chung quanh Mẫn như lúc nào cũng có những đứa bạn tinh quái, chúng không ngớt tìm cách chế giễu, trêu chọc sự tật nguyền của anh. Bọn con gái không đứa nào chịu đánh bạn với anh. Những giờ ra chơi, Mẫn thường ngồi dưới một gốc cây trong sân trường nhìn bạn bè chạy nhảy, hò hét với nỗi thèm muốn và ghen tị lặng lẽ. Lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, Mẫn càng ngày càng sống co rút như thể con ốc thu mình trong lớp vỏ. Sự cô đơn trở thành bạn đồng hành thân thiết của anh. Chỉ đến khi lên lớp mười, bắt đầu ý thức về tương lai, Mẫn mới quyết tâm thoát khỏi trạng thái tâm lý nặng nề của mình. Sau khi xác định sự tật nguyền của mình là một run rủi bình thường mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải, anh tìm cách quên nó đi và cố thích nghi với hoàn cảnh. Dứt bỏ những nghĩ ngợi vẫn vơ và vô bổ, anh vùi đầu vào sách vở và coi học vấn là con đường tiến thân đúng đắn và hoàn toàn có thể bù đắp cho những khuyết tật khác của con người. Từ đó, Mẫn sống cởi mở hơn. Bạn bè lúc này cũng đã lớn, chẳng ai còn để ý và chọc ghẹo những bước đi khập khiễng của Mẫn.
Chẳng bao lâu, Mẫn trở lại là một con người lạc quan, vui vẻ. Anh sống hòa nhập với môi trường chung quanh một cách dễ dàng, thoải mái. Những năm cuối cấp ba, anh chơi thân với Chuyên và Nhiệm và bây giờ, cả ba trở thành “ba chàng ngự lâm pháo thủ” không rời nhau nửa bước.
Tuy nhiên, những thay đổi của Mẫn chỉ xảy ra trong mối quan hệ với các bạn trai. Trước mặt phụ nữ, anh luôn thu mình như một phản xạ có điều kiện. Mẫn không làm sao dứt bỏ được ý nghĩ rằng những sinh vật xinh xắn này không phải để dành cho anh. Họ ở trong một thế giới khác, thế giới đó có Chuyên, có Nhiệm, nhưng không có anh.
Ý nghĩ mang màu sắc u ám đó thật ra không làm Mẫn bận lòng. Từ lâu, anh đã quen với nó. Mẫn vẫn hào hứng tham gia vào các trò tán tỉnh nghịch ngợm của các bạn mình, vẫn hồn nhiên tán phét về tình yêu như trăm ngàn chàng trai yêu đời khác. Tuy nhiên, anh luôn luôn xác định mình đứng ngoài tất cả những trò chơi tình cảm đó. Anh chưa yêu ai và chưa ai yêu anh, hay ngược lại, vì chưa ai yêu anh nên anh chưa yêu ai!
Thu Thảo không thể hiểu tất cả những điều đó. Cô cứ bắt anh phải “cởi mở” với mình. Mẫn đối phó bằng cách cười cười.
– Nói không nói, cứ cười hoài! Y như đười ươi! – Thu Thảo nhăn mặt, trách.
– Đười ươi cũng được! – Mẫn trả lời xụi lơ.
Thu Thảo thở dài:
– Nói chuyện với anh chán ơi là chán!
Mẫn tặc lưỡi:
– Chán thì thôi! Mở tập ra học tiếp đi!
Thế là hai “thầy trò” vùi đầu vào môn giải tích để quên đi những “xung đột”.
Sơn có một người bạn thân cùng lớp là Phúc. Phúc thường hay đến nhà Sơn chơi và Mẫn nhanh chóng nhận ra anh ta “quan tâm đặc biệt” đến Thu Thảo.
Phúc đẹp trai, nói năng lưu loát. Chiếc Cub mà Phúc thường chở Sơn đi chơi chứng tỏ anh thuộc một gia đình khá giả. Trong xử sự đối với phụ nữ, Phúc là một con người tuyệt vời. Anh ta thường tặng Thu Thảo những món quà nho nhỏ, dễ thương. Thu Thảo xem ra rất thích các món quà đó, nhất là con gấu bông có nhạc. Cô thường vặn chốt cho nó reo luôn.
Thoạt đầu, Mẫn không biết con gấu bông đó. Có lần, vừa bước vào phòng, chợt nghe tiếng nhạc “tính tang”, Mẫn ngơ ngác nhìn quanh. Nhưng anh không thể xác định được tiếng nhạc phát ra từ đâu.
Thu Thảo theo dõi nét mặt của Mẫn với vẻ thích thú:
– Đố anh biết nhạc ở đâu đó!
Mẫn nhìn quanh một lượt nữa rồi lắc đầu:
– Chịu.
Thu Thảo giơ lên con gấu bông cô đang ôm trong lòng:
– Ở đây nè!
Rồi cô vặn chốt cho nhạc trỗi lên một lần nữa. Mẫn lắng tai nghe, đầu gật gù.
– Nhạc nghe hay không? – Thu Thảo hỏi.
– Hay!
– Em thích lắm! – Thu Thảo xuýt xoa.
Mẫn đồng tình:
– Tôi cũng thích! Con gấu ở đâu ra vậy?
– Anh Phúc tặng em.
– Quà sinh nhật hả?
Thu Thảo lắc đầu:
– Không! Thỉnh thoảng anh Phúc vẫn hay tặng quà cho em vậy thôi!
Rồi cô nheo mắt:
– Anh Phúc “ga – lăng” hơn anh nhiều!
Câu nói vô tình của Thu Thảo như một mũi tên bắn vào tim Mẫn, đau nhói. Anh hiểu, điều kiện của anh và Phúc hoàn toàn khác xa nhau. Vả lại, mỗi người đến đây đều với mục đích không giống nhau. Anh đến đây đơn giản chỉ là đi làm. Anh dạy học để kiếm sống. Thu Thảo là một cô gái dễ thương, nhưng điều đó đối với anh vô nghĩa. Cô và anh ở trên hai mặt phẳng không thể cắt nhau, dù kéo dài đến vô cực. Vì vậy, Mẫn không hề ghen tị với tình cảm của Phúc, thậm chí anh coi mối quan hệ của Phúc với Thu Thảo là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng sẽ không ổn chút nào nếu có ai đó công khai so sánh anh với Phúc, điều mà anh không bao giờ muốn nghĩ đến.
Vì vậy câu nói của Thu Thảo làm anh hơi nhăn mặt. Bắt gặp ánh mắt trách móc của anh, Thu Thảo giật mình hiểu ra mình nói hớ. Cô rất muốn xin lỗi anh nhưng lại không đủ can đảm mở miệng. Nhưng từ đó về sau, cô không bao giờ dại dột đi làm cái chuyện so sánh giữa hai người.
Chiều nay, Mẫn đến nhà Thu Thảo với một tâm trạng vui vẻ. Anh vẫn chưa hết buồn cười về chuyện mới sáng sớm, Thủy đã lên gác trọ của bọn anh để truy tìm “con bé” trong bản nhạc “Happy Song”. Và cả về anh chàng Nhiệm “đi hết thất bại này đến thất bại khác” trong công trình tán tỉnh em Sương nhưng vẫn luôn luôn cao giọng “lên lớp” về “phương pháp thành công trong tình yêu” y như ta đây là Don Juan thứ thiệt.
Khi anh bước vào phòng, Thu Thảo còn đang ngồi ngắm nghía một bức tranh gì đó trên bàn. Cô cứ hết nghiêng đầu sang bên này lại nghiêng sang bên khác, mắt nheo nheo.
– Tranh gì vậy? – Mẫn hỏi.
– Tranh của em! Anh xem thử giống em không?
Vừa nói, Thu Thảo vừa giơ bức tranh lên, xoay lại phía Mẫn.
Anh nhìn cô gái xinh xắn trong tranh, gật đầu khen:
– Giống lắm!
– Nhưng có đẹp không? – Thu Thảo tinh nghịch hỏi.
Anh đùa:
– Điều đó thì khỏi phải nói!
Sự “cởi mở” của anh làm Thu Thảo ngạc nhiên. Cô ngó anh:
– Hôm nay trông anh có vẻ khang khác.
– Khác gì đâu?
– Trông vui vẻ hơn mọi bữa.
Mẫn mỉm cười:
– Cũng vậy thôi chứ khác gì.
Rồi anh nhìn bức tranh, hỏi:
– Bức tranh này do anh Phúc vẽ phải không?
– Ừ. Sao anh đoán ra hay vậy?
– Gì mà không đoán ra! Sao Thu Thảo không treo lên?
Thu Thảo chép miệng:
– Thôi.
Mẫn ngạc nhiên:
– Sao vậy? Treo lên mới đẹp!
Thu Thảo rụi vai:
– Ba em thấy ba em la chết!
– À!
Mẫn hiểu ra. Anh tặc lưỡi:
– Tiếc quá hén!
– Ừ. Bức tranh này mà kẹp trong tập thì uổng quá! – Giọng Thu Thảo buồn buồn.
Chẳng nghĩ ra cách gì giúp Thu Thảo, Mẫn đành nhún vai:
– Biết sao giờ!
Anh đặt cuốn sách giáo khoa lên bàn, đang định lật tới chỗ bài học hôm nay thì Thu Thảo bỗng đề nghị:
– Hay là thế này!
Anh quay lại:
– Sao?
Thu Thảo chìa bức tranh ra:
– Anh cầm về đi!
Mẫn thắc mắc:
– Chi vậy?
Thu Thảo cười:
– Treo lên giùm em chớ chi!
Mẫn bất giác bước lui một bước. Anh ngơ ngác:
– Tôi treo hình Thu Thảo làm gì?
Buột miệng xong, Mẫn bỗng nhận ra mình vừa nói một câu cực kỳ thiếu tế nhị. Lẽ ra, anh có thể diễn đạt ý nghĩ vừa rồi bằng một câu nói khác, nhẹ nhàng và khéo léo hơn. Nhưng không hiểu sao anh lại phản ứng một cách sỗ sàng dù rằng ngay sau đó anh kịp nhận ra sai lầm của mình và ấp úng:
– Tôi… xin lỗi…
Thu Thảo dường như không nghe lời xin lỗi của Mẫn. Câu nói đầy xúc phạm của anh vừa rồi khiến cô tái mặt hẳn đi. Sau một thoáng sững sờ, cô lặng lẽ nhét bức tranh vào giữa chồng tập trên bàn và bỏ đi ra ngoài.
Còn lại một mình trong phòng, Mẫn cảm thấy vô cùng xấu hổ về phản ứng của mình. Anh thừa hiểu rằng Thu Thảo đề nghị anh đem bức tranh về nhà chỉ với ước muốn nó được treo lên thay vì nằm hẩm hiu giữa các trang sách. Một ước muốn hồn nhiên và trong sáng. Như ước muốn của một người em gái. Trong khi đó thì anh lại hùng hổ như một tên du côn “Tôi treo hình Thu Thảo làm gì?”. Càng ngẫm nghĩ, Mẫn càng thấy bứt rứt. Niềm vui buổi sáng bay vèo đâu mất.
Lát sau, Thu Thảo bước vào, cũng lặng lẽ như khi đi ra. Cô đứng lúi húi lục tìm trong chồng tập và hỏi anh bằng một giọng như không có gì xảy ra:
– Hôm nay học tới bài gì hén?
Mẫn nuốt nước bọt:
– Tới chương “tích phân bất định”.
Anh trả lời một cách khó khăn và nghe miệng mình khô đắng. Và anh loay hoay xem thử nên bắt đầu bài học như thế nào cho đỡ ngượng ngập nhất.