Phòng Trọ Ba Người

Chương 13


Bạn đang đọc Phòng Trọ Ba Người – Chương 13


 
Thu Thảo hỏi Mẫn: 
– Chuyện của anh tới đâu rồi? 
– Chuyện gì? 
– Chuyện anh với chị Thủy đó! 
– À, nói chung là tốt. 
– Chỉ có đọc thấy mấy lá thư em viết cho anh không? 
– Có. 
– Chỉ có nói gì không? – Nói. 
– Nói sao? 
– Nói “đồ cà chớn”. 
Thu Thảo giật mình: 
– Nói em hả? 
Mẫn cười: 
– Không. Nói tôi. 
Thu Thảo cũng cười: 
– Rồi anh trả lời sao? 
Mẫn hấp háy mắt: 
– Tôi bảo: “Cà chớn gì đâu! Con bé Thanh Hương này nó yêu anh chứ anh… đâu có thèm yêu nó”. 
Thu Thảo “xì” một tiếng: 
– Anh nói vậy, sức mấy chị Thủy tin. 
Mẫn gật gù: 
– Lúc đầu thì không tin. Nhưng sau thì tin. 
– Thật không? 
– Thật. Bởi vì mấy lần thấy Thanh Hương hẹn đi chơi, cô ta “canh me” tôi sát nút. Tới giờ hẹn, thấy tôi nằm lì trên giường nghe nhạc, không buồn nhúc nhích, cô ta tin liền. 
Thu Thảo cười: 
– Vậy bây giờ em có phải viết thư cho anh nữa không? 
Mẫn trợn mắt: 
– Tiếp tục chứ! Thu Thảo mà ngưng “cung cấp” thư cho tôi một cái, tình hình xấu đi liền. 
Thu Thảo rụt cổ: 
– Dữ vậy hả? 
– Chứ sao! Tình hình an ninh hiện nay vẫn đang còn bị đe dọa. Khi nào mọi việc đã suôn sẻ, tôi sẽ báo cho Thu Thảo biết. Lúc đó, Thu Thảo khỏi cần viết thư nữa. 
Thu Thảo mỉm cười dễ dãi: 
– Ừ, nếu vậy thì em sẽ tiếp tục “nhiệm vụ” của mình. 
Mẫn sực nhớ ra một chuyện tối quan trọng. Anh dặn: – Nhưng từ nay trở đi, Thu Thảo đừng bao giờ nhắc đến tên Thủy trong thư nữa nghen! 
– Sao vậy? Bộ chị Thủy giận hả? – Ừ. Cô ta cảm thấy bị xúc phạm. Cô ta bảo là mình bị bêu riếu. 
Thu Thảo tròn mắt: 
– Em có bêu riếu gì đâu! 
Mẫn gãi đầu: 
– Thì Thu Thảo không bêu riếu, nhưng cô ta lại cảm thấy như vậy. Thế mới kẹt! 
Thấy “ông thầy” có vẻ khổ sở ghê quá, Thu Thảo động lòng từ bi: 
– Thôi thì em sẽ không đụng đến chị Thủy của anh nữa. 
Nói xong cô ngoan ngoãn lấy tập ra học, không chờ Mẫn giục tới giục lui như mọi hôm. 
Tới giờ giải lao, Mẫn ngả người vào lưng ghế và lơ đãng nhìn quanh. Không thấy con gấu bông đâu, anh ngạc nhiên hỏi: 
– Thu Thảo cất con gấu bông đâu rồi? 
Bị hỏi thình lình, Thu Thảo lộ vẻ bối rối: 
– Con gấu bông… hả…? 
– Ừ, con gấu bông. Mọi khi tôi vẫn thấy nó trên kệ sách kia mà! Đâu rồi? 
Thu Thảo thở dài: 
– Em trả rồi! 
Suýt chút nữa, Mẫn đã nhảy dựng lên. Anh trố mắt: 
– Cái gì? Thu Thảo trả rồi à? Trả cho ai? ,br> Thu Thảo nhìn xuống đất: 
– Thì trả cho anh Phúc. 
Mẫn lại hỏi, sau một thoáng ngập ngừng: 

– Sao Thu Thảo lại làm vậy? 
Thu Thảo nhún vai: 
– Không thích nữa thì trả chứ sao! 
Giọng cô có vẻ bực bội pha lẫn chút giận dỗi khiến Mẫn đâm ra ngại ngần. Anh ngồi im một lúc lâu. Nhưng rồi không nén được tò mò, anh rụt rè hỏi: 
– Có chuyện gì giữa hai người phải không? 
Thu Thảo không đáp, nhưng cô khẽ gật đầu. 
– Chuyện gì vậy? – Mẫn hắng giọng – Thu Thảo có thể nói cho tôi biết được không? 
Thu Thảo dường như muốn tránh ánh mắt dò hỏi của Mẫn. Cô nhìn ra sân. Những bông hồng, những bông thược dược như thẫm lại dưới ánh nắng chiều gay gắt. Cây ổi già như chưa ra khỏi giấc ngủ trưa, những chiếc lá bám vào cành hững hờ và lười biếng, thỉnh thoảng lại uể oải đong đưa theo từng cơn gió hiếm hoi. Hết trưa nhưng chưa tới chiều, mọi vật có vẻ bất động, không thèm xê dịch và không khí thì đặc quánh lại thành khối hệt như câu trả lời đang đông cứng trong lòng Thu Thảo. Cô phân vân nửa muốn nói nửa muốn không. 
Thái độ của Thu Thảo khiến Mẫn băn khoăn: 
– Chuyện khó nói lắm hả? 
– Cũng chẳng đến nỗi khó nói lắm! – Thu Thảo cảm thấy hơi tự ái trước câu hỏi của Mẫn, cô quyết định chẳng thèm giấu giếm – Anh Phúc tình cờ thấy em đang viết thư cho anh. 
– Rồi sao? – Mẫn giật thót. 
– Ảnh gặng hỏi! – Thu Thảo chớp mắt. 
Mẫn rất muốn hỏi “anh ta hỏi sao?” nhưng anh cảm thấy rất khó mở miệng. Anh ngồi im nhìn Thu Thảo, hy vọng cô sẽ kể tiếp. 
Quả vậy, sau một tiếng thở dài cố nén, Thu Thảo nói tiếp, giọng chậm rãi nhưng không giấu được nỗi xúc động: 
– Em nói sự thật. Em kể cho ảnh nghe về chuyện của anh. Nhưng ảnh không tin. Thế là… ảnh làm ầm ĩ lên. 
Thu Thảo ngừng lời. Mặt cô đỏ lên. Có lẽ cô cảm thấy xấu hổ khi nói về chuyện đó. 
Còn Mẫn thì nhấp nhổm như ngồi phải lửa. Anh không hề ngờ cái trò chơi nghịch ngợm của mình lại là nguyên nhân dẫn đến sự hiểu lầm tai hại giữa Phúc và Thu Thảo. Vì vậy lòng anh vô cùng áy náy. 
Anh nhìn Thu Thảo bằng ánh mắt xốn xang và nín thở hỏi: 
– Thế là cãi nhau? 
Thu Thảo nhún vai: 
– Cãi làm gì ệt! Em trả lại con gấu bông. Và tất cả những thứ khác. 
Mẫn tặc lưỡi: 
– Thu Thảo làm vậy e rằng quá đáng! 
– Chẳng có gì là quá đáng! – Giọng Thu Thảo quyết liệt – Một khi ảnh đã tỏ ra là một con người thiếu tế nhị, và nhất là thiếu lòng tin vào người khác. Hơn nữa, giữa em và ảnh chưa có gì rõ ràng để ảnh tự ình cái quyền la lối om sòm với em. 
Mẫn hỏi, giọng phiền muộn: 
– Anh Sơn biết chuyện này không? 
– Biết! – Thu Thảo gật đầu – Ngay sau đó, anh Phúc đi nói với anh Sơn. 
Mẫn lo lắng: 
– Anh Sơn nói gì không? 
Thu Thảo chớp mắt: 
– Không! Anh Sơn hoàn toàn tin lời em. 
Thu Thảo nói bằng giọng tỉnh bợ Trong khi đó, Mẫn toát mồ hôi hột. Anh không ngờ có một ngày câu chuyện bí mật tưởng chỉ có anh và Thu Thảo biết lại lộ ra tùm lum như vậy. Cứ nghĩ đến chuyện mai mốt giáp mặt với Sơn, anh cảm thấy lúng túng và xấu hổ đến chín người. Nhưng mặt khác, việc Sơn hiểu rõ và thông cảm “nhiệm vụ đặc biệt” của Thu Thảo lại khiến anh nhẹ nhõm. Anh nói với Thu Thảo: 
– Như vậy, chuyện Thu Thảo và anh Phúc cũng chưa đến nỗi nào! Anh Sơn hoàn toàn có thể giải thích và thuyết phục anh Phúc về việc hiểu lầm vừa qua. 
– Tất cả đã muộn rồi! – Thu Thảo cắn môi – Sau khi chuyện đó xảy ra, chiều nào anh Phúc cũng chở một cô gái lượn qua lượn lại trước nhà em, ý chừng muốn trêu tức em… 
Mẫn chép miệng: 
– Nhưng chắc gì giữa anh Phúc và cô gái kia đã có gì với nhau? 
Thu Thảo hừ mũi: 
– Có gì hay không, điều đó không quan trọng! Cái chính là anh Phúc đã xử sự không như một người đàn ông. 
Mẫn vô cùng ray rứt khi thấy mình không thuyết phục được cô học trò bướng bỉnh. Anh thở dài: 
– Tất cả là do lỗi ở tôi! 
– Anh chẳng có lỗi gì trong chuyện này! – Thu Thảo phản đối – Thậm chí nhờ vậy, em mới có cơ hội nhận diện con người chính xác hơn. Điều đó chẳng tốt cho em hơn sao? 
Mẫn ngồi im, anh chẳng biết phải nói gì. Thu Thảo đã nói vậy, có nghĩa là cô chẳng cần anh trả lời. Nhưng mặc dù cô cho là đã rút ra những kết luận bổ ích từ sự rạn nứt tình cảm giữa cô và Phúc và cô đón nhận điều đó một cách bình thản, anh vẫn không thoát khỏi tâm trạng dằn vặt, bứt rứt. Cái ý nghĩ vì anh, chính tại vì anh, vì câu chuyện bịa đặt về một cô Thủy hình sương bóng khói kia, sự rắc rối dẫn đến chia tay của Thu Thảo và Phúc mới xảy ra cứ dày vò anh suốt buổi dạy hôm đó. 
Nó cứ lẵng nhẵng bám lấy đầu óc anh làm anh không thể tập trung vô bài giảng được đến nỗi đã mấy lần Thu Thảo phải lên tiếng chỉnh anh về những con tính cộng sai. 
Mẫn rầu thúi ruột. 
Đã vậy, về đến nhà, thấy Nhiệm ngồi ủ rũ như con gà mắc mưa nơi góc bàn, anh lại càng rầu hơn. 
Nghe tiếng động, Nhiệm ngẩng đầu lên. 
Thấy Mẫn, anh thều thào như người sắp chết: 
– Cứu tao, mày ơi! 
Mẫn ngán ngẩm: 
– Làm gì mà kêu cứu hoài vậy? Bộ sắp chia tay tụi tao để ra đi hả? 
– Đi đâu? 
– Thì đi về… bên kia thế giới chứ đi đâu! 
Nhiệm thản nhiên gật đầu: 
– Ừ, có khi phen này tao “đi” thật! 

Mẫn hoảng hồn. Anh sực nhớ Nhiệm là cái đứa nói gì làm nấy. Nó nói kiểu này không khéo nó định “đi” thật. Nghĩ vậy, Mẫn không dám cà rỡn nữa. Anh ngó Nhiệm, lo lắng hỏi: 
– Có chuyện gì vậy? 
Nhiệm ảo não: 
– Em Thủy bỏ tao đi lấy chồng! 
Mẫn giật mình: – Đừng có tung tin vịt, mày! Em lấy chồng sao tụi tao không biết? Hễ đám cưới là pháo nổ đì đùng… 
Nhiệm tiếp tục thở dài: 
– Đám cưới thì chưa! Nhưng mà sắp! 
– Hừm! Sắp thì nói làm gì! 
Nhiệm quắc mắt: – Sao lại không nói! Chuyện tày trời như vậy mà mày kêu tao tỉnh bơ hả? 
Mẫn lại hỏi: 
– Đám hỏi chưa? 
Nhiệm ngẩn người: 
– Đám hỏi hả? Đám hỏi cũng… chưa luôn! 
Mẫn nhăn mặt: 
– Vậy sao mày dám cả quyết em sắp lấy chồng? 
Nhiệm chép miệng: 
– Thì em bảo với tao vậy. 
– Em bảo hồi nào? 
– Hồi chiều. 
Mẫn nhíu mày: 
– Em có bảo em định lấy ai không? 
– Không. 
– Nhưng mày phải biết chứ? 
Nhiệm lắc đầu: 
– Tao cũng… không biết nốt! Em chỉ nói vậy thôi! 
Mẫn cảm thấy mình đang lạc vào một trận đồ bát quái, tám cửa đều tối mò. Anh ngồi xuống ghế, đối diện với Nhiệm:
– Mày kể đầu đuôi câu chuyện nghe coi! Tại sao em lại tuyên bố xanh dờn như vậy? 
Nhiệm hắng giọng: 
– Chả là hôm trước đi chơi với nhau, tao ngứa tay lục lọi túi xách em. Tình cờ thấy tờ chứng minh nhân dân của em, tao cầm lên coi và thế là tao biết được hôm nay là ngày sinh nhật của em. Hôm qua tao lùng sục khắp nơi trong thành phố và cuối cùng mua được cho em một món quà đẹp hết biết. Đó là một cái hộp kim chỉ nhỏ bằng bàn tay, có dạng cuốn sách, trông xinh xắn đáo để, bên trong không thiếu thứ gì: kim, chỉ, dao, kéo… món nào cũng nhỏ xíu như thể đồ chơi… 
Nghe Nhiệm cà kê dê ngỗng lâu lắc, Mẫn sốt ruột: 
– Kể lẹ vô chuyện chính đi! Mày cứ vòng vo tam quốc hoài! 
– Yên chí! Sắp tới chỗ quan trọng rồi! – Nhiệm sửa lại thế ngồi và kể tiếp, giọng căng thẳng – Hồi chiều tao rủ em đi chơi và nhân lúc thuận tiện, tao rút hộp kim chỉ ra tặng em. Em cầm lấy món quà tao đưa với vẻ ngạc nhiên: “Quà gì vậy?”. Tao nói: “Quà sinh nhật cho em đó”. Em lộ vẻ xúc động thấy rõ. Hình như mắt em rưng rưng. Và em âu yếm nhìn tao, nói: “Trên đời này chỉ có anh là nhớ ngày sinh nhật của em. Ngay cả bố mẹ em cũng chẳng nhớ ngày hôm nay là ngày gì!” Lúc đó tao thấy thương em ghê, và không biết ma xui quỉ khiến thế nào, tao lại hào hứng bốc phét: “Không những anh nhớ như đinh đóng cột ngày sinh của em mà ngay cả ngày chết…”. Đang thao thao bất tuyệt, bỗng phát hiện ra mình nói hớ, tao liền thắng rét một cái, miệng câm như hến. Nhưng tai em thính như tai mèo. Em nhìn tao bằng ánh mắt kinh hãi: “Anh vừa nói gì ngày sống ngày chết đó?”. Nhanh trí còn hơn Trạng Quỳnh, tao trớ liền: “À, anh định nói là không những ngày sinh của em mà ngay cả ngày chết của… ông nội em anh cũng nhớ không sai một mảy”. Tưởng nói vậy cho qua truông, ai dè ông nội già cốc đế của em vẫn còn sống nhăn, thế mới khổ! Em liền lồng lên: “A, anh trù cho ông nội em mau chết phải không?”. Tao nghe lạnh toát sống lưng, mặt mày méo xẹo, còn miệng thì ú ớ như thằng ngọng xem chuông. Ai mà biết được ông nội em ham sống dai đến như vậy! Nếu biết, tao ngu gì mà đụng đến cái ông Bành Tổ thời nguyên tử đó, tao dẫn ông cố hoặc ông tằng của em ra là ngon ăn rồi! 
Câu chuyện “thương tâm” của Nhiệm khiến Mẫn cười chảy nước mắt. Anh vừa cười vừa hỏi: 
– Sau đó thì sao? 
Nhiệm buồn xo: 
– Còn sao nữa! Em tuyên bố sẽ bỏ tao, cái thứ miệng mồm độc địa, và em đi lấy chồng! 
Mẫn lại cười bò. Nhiệm gắt: 
– Cứu giùm tao không cứu! Cứ cười hoài! 
Mẫn lắc đầu: 
– Tao chịu! Chuyện tày trời như thế này phải nhờ tới thằng Chuyên! 
Nhiệm nguýt Mẫn một cái dài cả chục cây số: 
– Đồ… ba trợn! Rồi anh lại bó gối ngồi thu lu trên ghế, vừa gặm nhấm nỗi buồn vừa ngóng cổ chờ Chuyên. 
Mẫn bỏ đi tắm. Lẫn trong tiếng nước chảy ào ào, anh nghe giọng ngâm ồ ề của Nhiệm từ ngoài vọng vào: 
– Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc 
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay! 
“Có chồng đâu mà có chồng! Em Thủy mới hù một phát, tên Nhiệm này đã quýnh lên như gà mắc đẻ rồi!”, Mẫn bật cười khiến nước chảy vào miệng làm anh ho sặc sụa. 
Khi Mẫn thay đồ bước ra thì vị cứu tinh của Nhiệm cũng vừa về tới. 
Thấy Chuyên cầm cái hộp giấy nhỏ nhỏ, dài dài nơi tay, Mẫn hỏi: 
– Gì vậy mày? 
Chuyên giơ cái hộp lên trước mặt, lắc lắc: 
– Cây viết. 
– Mới mua hả? 

– Ừ. 
– Chi vậy? 
Chuyên nháy mắt: 
– Tặng người đẹp chứ chi! 
– Em Sương hả? 
– Chứ còn ai! Chẳng lẽ tao tặng… em Thủy! 
Nhiệm đang rầu rĩ, lại có chuyện đang định nhờ vả Chuyên nên anh không buồn phải kích lại lời châm chọc của Chuyên như mọi khi. Anh chỉ ngồi nhếch mép cười ruồi. 
Nhớ đến chuyện của Nhiệm khi nãy, Mẫn buột miệng hỏi Chuyên: 
– Quà sinh nhật phải không? 
– Sinh nhật đâu mà sinh nhật! Buổi học vừa rồi, em đánh mất viết, phải mượn viết tao. Thế là tao tự thấy có “nghĩa vụ” phải mua cho em một cây viết mới. 
Đột nhiên, Nhiệm vọt miệng: 
– Tặng viết khơi khơi như vậy chẳng có ý nghĩa gì! 
Chuyên giật mình ngó Nhiệm: 
– Mày nói vậy là sao? 
– Ý tao muốn nói là cây viết mày tặng hay cây viết mua ngoài chợ, đối với em cũng chẳng khác gì nhau. 
Chuyên tím mặt: 
– Sao lại không khác? 
Nhiệm vẫn bình thản: 
– Khác gì đâu! Cây viết nào cũng là cây viết! – Rồi anh nghiêm mặt, “chỉ đạo” – Muốn khác, mày phải ra ngoài đường Lê Lợi, thuê người ta khắc một cái gì đó lên cây viết. Như vậy, nó vừa khác với cây viết mua ngoài chợ, lại vừa có ý nghĩa, mỗi lần nhìn thấy cây viết, em sẽ có cảm tưởng như nhìn thấy… bản mặt xấu trai của mày. 
Không thèm chấp nhất đòn “đá hậu” của Nhiệm, Chuyên gật gù tán thưởng: 
– Ý kiến mày hay đấy! Tao sẽ khắc tên em lên cây viết. 
Nhiệm bĩu môi: 
– Khắc tên thì xoàng quá! Tên người yêu thì mình phải khắc vào… tim. Còn trên cây viết phải khắc thứ khác! 
Chuyên dao động: 
– Ví dụ thứ gì? 
Nhiệm gục gặc đầu: 
– Những câu thơ chẳng hạn. 
Chuyên khịt mũi: 
– Mày lúc nào cũng thơ với thẩn! Muốn tặng thơ, chẳng thà ra hiệu sách mua đại một tập thơ tặng em quách cho rồi. Chứ còn khắc trên viết thì được bao lăm! Lèo tèo chừng một, hai câu là cùng! 
Nhiệm “hứ” một tiếng: 
– Nói như mày đâu có được! Mình khắc một, hai câu nhưng là một, hai câu thâm thúy, hàm súc, ý nghĩa lênh láng, còn hơn tặng cả một tập thơ luễnh loãng, hời hợt, chẳng đâu vào đâu. 
Trước sự hùng biện của Nhiệm, Chuyên bị thuyết phục ngay. Anh phấn chấn hỏi: 
– Theo mày, tao nên khắc câu gì? 
Nhiệm xốc cổ áo, trịnh trọng: 
– Mày nên khắc câu thơ chữ hán: “Nhất nhật… ” 
Nhiệm chưa đọc dứt câu, Chuyên đã nhăn nhó cắt ngang: 
– Lúc nào mày cũng cà rỡn được! Mày định bảo tao khắc câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” chứ gì? Một ngày “ủ tờ” bằng ngàn năm… 
Nhiệm vội vàng xua tay: 
– Bậy! Người đứng đắn như tao đời nào lại xui mày khắc cái câu xúi quẩy đó. Ý tao muốn nói đến câu thơ của Giả Đảo đời Đường: “Nhất nhật bất kiến sương, tâm nguyên như phế tỉnh”, dịch thơ là “Một ngày chẳng thấy sương rơi, khác chi giếng cũ lâu đời bỏ hoang”. Cái hay của câu thơ nằm ở chỗ “sương” vừa có nghĩa là giọt sương vừa có nghĩa là em Sương của mày. Một ngày không thấy em, lòng mày như giếng khô, hệt như chung cư bị cúp nước vậy. Khắc cái lâm li, thống thiết đó lên cây viết, tao bảo đảm khi nhìn thấy, em sẽ xúc động ngất xỉu tại chỗ liền. 
Chuyên khoái quá: 
– Hay lắm! Tao sẽ đi khắc câu đó ngay bây giờ! 
Rồi đang lúc hứng khởi, Chuyên không tiếc lời “bốc” Nhiệm lên mây xanh: 
– Tao không ngờ mày “đầu cơ tích trữ” nhiều câu thơ độc đáo như vậy. Đúng là một thiên tài chứ không phải chơi! – Rồi Chuyên tặc lưỡi hít hà – Tao phải kiếm cách đền ơn mày vụ này mới được. 
Nhiệm “chớp” liền: 
– Mày khỏi kiếm chi ất công. Tao có sẵn một cách đây rồi. 
Thấy Nhiệm “bố trí” sẵn, Chuyên hơi hoảng. Anh hỏi, giọng cảnh giác: 
– Cách đâu sẵn vậy mày? Bộ mày tính “gài thế” tao hả? 
– Tao “gài” mày làm gì! Cách này dễ thôi! 
– Mày tính bắt tao làm gì đó? – Chuyên hỏi lại, giọng vẫn còn đề phòng. 
Nhiệm cười buồn: 
– Dễ thôi! Gỡ giùm tao cái này chút! 
Chuyên đoán ra ngay: 
– Tơ lòng hả? 
– Ừ. 
Chuyên chọc: 
– Tơ lòng mày sao rối hoài vậy? Chắc là tơ “dỏm” rồi! 
– Thôi đi mày! – Nhiệm cau mặt – Tao đang “tang gia bối rối” đây mà mày còn “đía”! 
Chuyên làm mặt nghiêm: 
– Đầu đuôi sao kể nghe coi! 
Chỉ đợi có vậy, Nhiệm sụt sùi dốc bầu tâm sự. 
Nghe xong câu chuyện “bi thương” của Nhiệm, Chuyên thở dài: 
– Đời khổ thật! Chuyện tao cũng giống y như mày! 
Nhiệm trố mắt: – Nghĩa là sao? 

– Nghĩa là em Sương cũng tuyên bố sắp đi lấy chồng. 
– Giỡn hoài! 
– Tao giỡn mày làm gì! 
– Sao kỳ vậy? Bộ mày cũng trù ẻo ông nội của em hả? 
Chuyên lắc đầu: 
– Ông nội em chết lâu rồi! – Thế thì tại sao? Hay là mày với em hục hặc nhau? 
Chuyên lại lắc đầu: 
– Không! Quan hệ giữa tụi tao vẫn vô cùng êm thắm! 
Nhiệm vò đầu: 
– Thế thì tại sao em lại đòi đi lấy chồng? 
Chuyên nhún vai: 
– Ai biết! 
Nhiệm lại hỏi: 
– Mày có biết em định lấy ai không? 
Chuyên gật đầu: 
– Cái đó thì biết! 
Nhiệm mở to mắt: 
– Ai? 
Chuyên cười toe: 
– Tao chứ ai! 
Nhiệm đá cái ghế kêu “rầm” một tiếng: 
– Dẹp mày đi! Giỡn chẳng đúng lúc chút nào! 
Chuyên cười hề hề: 
– Thì thấy mày buồn buồn, tao giỡn chút xíu ày… giải khuây. 
– Giải khuây cái con khỉ! Tao đang cần mày “gỡ rối tơ lòng” giùm tao chứ cóc cần mày làm trò hề. Muốn thọc lét, tao đi xem Bảo Quốc được rồi. 
Chuyên thôi cười. Anh ngó Nhiệm, phán: 
– Nói chung, chuyện trục trặc của mày cũng dễ giải quyết thôi. Nhưng bây giờ tao phải đi khắc cây viết. Tối về, tao sẽ “tham mưu” ày, bảo đảm “dứt điểm” cái một! 
Nhiệm nhìn ra ngoài trời: 
– Giờ này tối rồi mà đi đâu! 
Chuyên đứng dậy. Anh bỏ hộp viết vào túi áo, nói: 
– Mới tối thì ăn nhằm gì! Tao đi một lát về ngay. 
Nói một lát nhưng Chuyên đi lâu thật lâu. Không biết Chuyên còn la cà ở những đâu nữa nhưng khi anh về đến nhà, Mẫn đã ngủ mất. Chỉ có Nhiệm vẫn kiên trì thức đợi. 
Vì vậy, Mẫn không biết Chuyên đã trao cho Nhiệm “bửu bối” gì để cột chân em Thủy. Nhưng sáng ra, thấy Nhiệm mặt mày tươi tỉnh, Mẫn đoán thứ “bùa phép” của Chuyên hẳn phải thiêng lắm. 
Quả vậy, chiều hôm sau, mặt Nhiệm càng tươi, y như cây héo đã ngấm nước. Qua ngày hôm sau nữa thì mặt Nhiệm đã hơn hớn như hoa mùa xuân. 
Chỉ có Chuyên là cau có. 
Buổi tối, vừa tặng quà cho Sương xong, Chuyên về nhà hỏi Nhiệm: 
– Hai câu thơ “Một ngày chẳng thấy sương rơi…” ai dịch mà hay quá vậy mày? 
Nhiệm khoe: 
– Tản Đà dịch đó! Ông này là vua dịch thơ. 
Chuyên nghiến răng: 
– Tảng đá chứ Tản Đà quái gì! 
Nhiệm “teo”: 
– Làm gì mày sửng cồ với tao vậy? 
Chuyên sừng sộ: 
– Tao chưa bóp cổ mày là còn may, chứ sửng cồ thì ăn thua gì! Hừm, mày làm tao quê mặt với em Sương! 
Nhiệm vờ vịt: 
– Làm gì mà quê mặt? 
Chuyên gầm lên: 
– Mày đừng có làm bộ ngờ nghệch! Thơ Giả Đảo làm gì có “kiến sương kiến khói”! Tao nghe lời mày, cứ tương đại vô, hóa ra ông già em là dân Hán học, em cũng rành ít nhiều thơ Đường. Thế là em cười vào mũi tao: “Hai câu của Giả Đảo là “Nhất nhật bất tác thi, tâm nguyên như phế tỉnh”, một ngày không làm thơ, lòng như giếng hoang, chứ làm gì có “kiến sương”?”. Tao chống chế: “Cái đó là do anh cố ý sửa lại cho nó phù hợp với… thời đại”. Em cười ruồi: “Vậy tại sao anh còn để tên Giả Đảo ở dưới?” – “Chứ chẳng lẽ anh để ở trên?”, tao pha trò một câu cho qua truông rồi vội vã đánh bài chuồn, tóc gáy cứ dựng đứng cả lên. 
Nghe Chuyên hung hăng kể lể, Nhiệm cười khì: 
– Tưởng gì! Thấy mày sửa thơ người xưa để nịnh em, em càng khoái chứ sao! 
Mặt Chuyên hầm hầm, giọng bốc lửa: 
– Khoái cái con khỉ! Lát nữa, tao sẽ nộp cho em Thủy cuộn băng “tấu hài” của mày! 
Cú phản đòn của Chuyên khiến Nhiệm thất sắc: 
– Thôi mà Chuyên! Chỗ anh em với nhau… 
Chuyên quay mặt đi, gọn lỏn: 
– Tao không thèm anh em với mày! 
Nhiệm nuốt nướt bọt: 
– Nhưng mà tao thèm! 
Cái kiểu pha trò tửng tửng của Nhiệm khiến Chuyên không thể giận lâu hơn được. Anh đành phải phì cười: 
– Đồ… ba trợn!
 
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.