Phong Cảnh Giấu Trong Hồi Ức

Chương 28: Kinh hãi hơn tức giận


Đọc truyện Phong Cảnh Giấu Trong Hồi Ức – Chương 28: Kinh hãi hơn tức giận

Ngoài cửa, giọng của mẹ kế vô cùng chói tai: “Dạy con mà đổ hết cho mẹ nó à? Nó không phải con của anh sao?”

Cô ta nắm tay Từ Hoành, kéo con trai vào nhà, không màng tới nó khóc lóc la lối.

Từ Hoành vẫn đang khóc. Là một cậu bé chín tuổi, nó có thể la hét om sòm, khóc nức nở, miệng nói gì đó không nghe thấy được, giọng nói cũng thét lên từ cổ họng.

Người bố nghe thấy thì bực bội, hung dữ đánh vào lưng con trai: “Cả ngày không phải mắng chửi người ta thì là khóc, mày lớn lên làm được cái tích sự gì hả?”

Từ Hoành bị bố mắng, lòng tự trọng càng thêm sụp đổ. Cậu ta dứt khoát nằm vạ ra đất, vừa khóc vừa lăn lộn, nước mũi và nước mắt lấm lem trên mặt, càng lộ ra hình ảnh một đứa trẻ đáng thương – rốt cuộc cũng làm bà nội Từ Bạch thấy tội nghiệp.

Bà nội vịn bàn ăn rồi từ từ đứng dậy, lảo đảo vài bước, đi đến chỗ huyền quan.

“Được rồi được rồi, đừng có cãi nhau nữa.” Tạp dề bà nội đeo bên hông vẫn chưa cởi ra, bà vén một góc tạp dề, lau mặt cháu trai, “Đánh cũng đánh, mắng cũng mắng rồi, Hoành Hoành biết sai rồi.”

Trong giây phút này, bà nội là đấng cứu thế, là ngọn hải đăng trong đêm, là đường về nhà. Từ Hoành nhào vào lòng bà, khóc lóc đến nỗi nấc cụt.

Từ Bạch bàng quan, giống như một người qua đường lạnh nhạt.

Bố liếc mắt, nhìn thấy con gái.

Ông vốn đang tức sôi bụng, đột nhiên không thể phát ra ngoài.

Giận dữ làm con người mất lý trí, cũng khiến gương mặt trở nên dữ tợn. Nhưng trước mặt Từ Bạch, ông vẫn muốn làm một người bố hiền từ.

Bên tai là tiếng con trai khóc lóc, tiếng vợ mắng mỏ, tiếng dỗ dành của mẹ già, đủ thứ âm thanh không dứt bên tai, ồn ào đến đau hết cả đầu.

Bố đứng đó chốc lát, chậm rãi mở miệng nói: “Tiểu Bạch? Con về nhà rồi.”

Mẹ kế Từ Bạch ngẩng đầu, đi vòng qua sào quần áo đang che tầm mắt mình, nhìn thấy Từ Bạch đang ngồi ngay ngắn.

Hôm nay trời nhiều mây, nhiệt độ giảm mạnh, Từ Bạch vẫn chỉ mặc đầm, khoác thêm một chiếc áo khoác mỏng. Sườn mặt của cô bị mái tóc dài che một nửa, khuôn mặt xinh đẹp của cô giống hệt mẹ.

Như thể gặp lại kẻ thù lâu năm, bầu không khí trong nhà đột nhiên chùng xuống.

Mẹ kế cởi khăn lụa trên cổ xuống, một giây trước còn hùng hổ, giây phút này lại cười tươi rói: “Ấy, Tiểu Bạch nhà mấy người về ăn cơm kìa.”

Cô ta vừa nói xong, con trai cũng ngừng khóc.

Nó thút thít nức nở quay sang, nhìn thấy Từ Bạch ngồi ở bàn ăn. Trước mặt cô là sườn heo kho tàu, sữa chua vị dâu, còn có hai con cá chua ngọt —— lúc con người rơi vào tình trạng bị mất mặt, thường sẽ chịu không nổi khi nhìn thấy người mình ghét sống tốt hơn mình. Đây có lẽ là một loại bản năng tự nhiên.


Từ Hoành không phải ngoại lệ, ánh mắt càng thêm ganh ghét.

Bố cậu bỏ cặp xuống, đi thẳng đến phòng khách: “Tiểu Bạch, lần trước gặp con ở ngoài đường, bố vẫn chưa nói gì được với con.”

Bố kéo chiếc ghế dựa, ngồi đối diện Từ Bạch: “Con ở Anh mấy năm nay, sống quen chưa con? Bây giờ về đây đi làm, sống ở gần công ty hả, có muốn bố tìm nhà giùm con không?”

Ông mơ hồ đoán được Từ Bạch và Tạ Bình Xuyên đang yêu nhau, vào lần trước gặp nhau, Tạ Bình Xuyên nắm chặt tay Từ Bạch. Dù gì thì ông cũng ở bên Từ Bạch từ nhỏ, cũng không bất ngờ với chuyện này lắm, nhưng vẫn giữ lại nỗi tò mò.

Lý do ông vẫn luôn muốn có một đứa con trai cũng có chút liên quan đến Tạ Bình Xuyên. Con trai nhà hàng xóm rất xuất sắc, dù là học hành hay cuộc sống hàng ngày, hoàn toàn không cần bố mẹ phải nhọc lòng. Không chỉ thế, Tạ Bình Xuyên có mục tiêu rõ ràng, làm đâu chắc đấy, đạt được thành công dễ như trở bàn tay.

Ai không hy vọng có cuộc sống mỹ mãn, trai gái song toàn? Dù sao thì ông cũng chỉ là một người bình thường, không thể không phàm tục.

Nhưng Từ Bạch lại nói: “Con ở Anh rất quen, chỉ là muốn về nước hơn. Không cần tìm nhà, con không ăn ngủ ngoài đường.”

Giọng cô nhẹ nhàng, sắc mặt bình tĩnh, nhưng cái gai trong lời nói thì ai cũng nghe thấy được.

Bố cho hai tay vào túi tiền, tính cầm một điếu thuốc.

Nhưng nhớ đến Từ Bạch ghét mùi thuốc lá, bố dừng tay lại, cuối cùng không lấy ra gì cả.

Phòng khách lâm vào tẻ ngắt, gió ngoài cửa sổ thổi vào, tấm màn cửa màu be khẽ bay lên. Một hàng mây lửng lờ trôi ở chân trời phản chiếu trên nền gạch men trắng tinh, ở giữa bức tường và tấm màn có giấu một bức tranh lồng kính.

Từ Bạch nghiêng đầu nhìn, trong lòng thấy hơi buồn cười.

Bên trái cô còn ghế trống, mẹ kế thản nhiên đến ngồi.

“Tiểu Bạch à, nào, ăn cơm.” Mẹ kế cầm đôi đũa, gắp một miếng cá cho cô, “Sống ở Anh chắc khổ lắm nhỉ, đâu có sướng bằng trong nước đúng không? Dì cũng muốn cho Hoành Hoành đi du học, nếu đi thì đi Mỹ.”

Cô ta thuận miệng nói câu đó xong, lại ngẩng đầu quan sát Từ Bạch một lượt: “Lần trước thấy con, con mới mười lăm tuổi, bây giờ là phụ nữ rồi.”

Thật ra mẹ kế chỉ lớn hơn Từ Bạch mười tuổi. Cô ta có thể đến gần gũi bố Từ Bạch cũng là nhờ tuổi trẻ, đàn ông trung niên biết hiếu sắc thì mến gái tơ, không phải cô ta không hiểu đạo lý này.

Cô ta nhìn sang bố Từ Bạch, không khỏi thở dài, ý như muốn nói: Em đang nhiệt tình tiếp đãi con gái anh đấy, nhưng nó không cảm kích chút nào.

Bố Từ Bạch nói: “Tiểu Bạch, nào, cả nhà mình hiếm khi cùng ăn bữa cơm.”

Ông với tay xuống bàn, cầm lên một chai rượu, mở nắp rồi rót cho mình nửa ly: “Bố không nghĩ tới con sẽ về, chuyện quá khứ cứ để cho nó qua đi, dù sao đi nữa, bố vẫn là bố con.”

Hệt như bố lường trước, ông nói xong mấy câu này, Từ Bạch không đáp lại một chữ nào.


Không giống cô lúc còn bé.

Lúc đó Từ Bạch hoạt bát hơn, nếu bị bố mẹ phê bình, cô sẽ cẩn thận suy nghĩ một lúc, sau đó hoặc nhận sai ngay, hoặc cãi lại bố mẹ, rất hiếm khi không lên tiếng.

Nếu thật sự bị oan, Từ Bạch sẽ nhào vào lòng mẹ làm nũng, hoặc sang tìm Tạ Bình Xuyên nhà hàng xóm. Tạ Bình Xuyên sẽ ngồi cạnh cô trên bậc thềm, kiên nhẫn nghe hết tất cả những gì Từ Bạch nói.

Bố Từ Bạch thì đứng trong phòng làm việc, ngắm nhìn cảnh sắc mỗi mùa mỗi khác trong sân, nhìn cả cô con gái ngoan ngoãn đáng yêu của mình, và thằng nhóc nhà kế bên.

Ông nâng ly thuỷ tinh lên, uống một chút rượu.

Đúng lúc đó, Từ Bạch cất giọng: “Con đến để thăm bà nội, không có ý định gì khác. Chuyện quá khứ con cũng không muốn nhắc lại, có nhắc cũng không có lợi gì cho mọi người.”

Từ Bạch vốn không để ý lúc này không thấy Từ Hoành đâu. Cô đứng dậy khỏi ghế, đi đến góc sô pha, sau đó hơi ngồi xổm xuống, lượm khung ảnh dưới đất lên.

Còn bên bàn cơm, sự chú ý của mẹ kế rốt cuộc vẫn trên người con trai: “Lão Từ, anh đừng có lo cho mỗi con gái thôi nữa, chuyện của Hoành Hoành làm sao đây, anh nói cho rõ coi?”

Cô ta không muốn để Từ Bạch nghe thấy, cho nên nhỏ giọng lại: “Vốn dĩ cái lớp năng khiếu hè đó là do trường mở, cho lớp Một với lớp Ba học chung, con trai mình làm sai gì chứ, không phải chỉ tát con gái một cái thôi sao?”

Con trai mình làm sai gì chứ, không phải chỉ tát con gái một cái thôi sao.

Lời này lọt vào tai, lòng đau khôn xiết.

“Cô còn mặt mũi nói à.” Bố Từ Bạch nói, “Con gái nhà người ta mới bảy tuổi, còn là gia đình đơn thân, bình thường chỉ có bà ngoại….”

Lúc ông nói chuyện có mùi khói thuốc và mùi rượu, nếu đến gần sẽ bị sặc mũi.

Ước mơ và hiện thực cách nhau một con mương, lòng tham không được thoả mãn, cả những vọng tưởng cũng vậy. Đào Quyên ở tuổi hai mươi lăm chỉ muốn bay lên cành cao để biến thành phượng hoàng, kể từ khi ở bên cạnh bố Từ Bạch thì luôn toàn tâm toàn ý chăm sóc ông. Tuy vậy, ngay lúc này, mười năm trôi qua, cô ta tự nhận, tính tình có tốt đến đâu đi nữa cũng đã bị bào mòn.

Huống hồ, chồng không còn thoả mãn được những gì mà cô ta mong muốn hiện giờ.

Đào Quyên không nhịn nổi nữa, nói lớn hơn: “Anh sợ gì hả? Mẹ của con nhỏ đó không phải chỉ mở một tiệm bánh bao thôi sao, cô giáo còn không dám gọi cho mẹ nó, sợ cô ta chịu không nổi.”

Cô ta gắp một miếng thịt bò, thêm một muỗng cơm rồi cho vào miệng, vừa nhai vừa giảng đạo: “Với lại, trẻ con lớp một đang thay răng mà? Sao anh biết cái răng rớt ra của con bé đó là tại con trai mình làm gãy, hay vốn dĩ nó phải nhổ đi rồi.”

Những chuyện suy bụng ta ra bụng người thì khó lòng mà đồng cảm được. Ở phương diện này, trước giờ Đào Quyên chưa từng làm được, nói chuyện cũng không nể nang: “Anh không nghe cô giáo nói sao? Con nhỏ đó bị thiểu năng trí tuệ, lớp một rồi mà còn không nói được một câu hoàn chỉnh.”

Bố Từ Bạch thấy bực bội.


Ông rút một điếu thuốc, châm lửa rồi hút: “Con bé đó tên gì?”

“Nó tên Giản Chân, họ Giản.” Đào Quyên nhớ rất rõ, “Mẹ nó tên Giản Vân…. Cô giáo nói rồi mà? Mới chút mà anh đã quên?”

Chồng cô ta phả ra một ngụm khói, trả lời: “Tôi hơn 50 rồi, trí nhớ không tốt là chuyện bình thường.”

Tranh cãi trên bàn ăn làm ông mệt mỏi, không tiếp tục đề tài này nữa.

Ánh mắt chuyển đi, lại nhìn về phía con gái mình.

Từ Bạch đứng cạnh sô pha, trên tay cầm một bức tranh. Cô bóc lớp giấy nhựa ra, nhìn thấy những nét vẽ tinh tế và màu sắc hài hoà, vẽ ra cảnh núi sông đẹp đẽ.

Nói thật thì, đây không phải là một bức tranh đẹp. Mặc dù tổng thể bố cục xuất sắc, nhưng phía bên trái có vài đường lộn xộn, màu sắc sặc sỡ, phá huỷ vẻ đẹp hài hoà.

Lý do rất đơn giản – bức tranh này, là Từ Bạch hồi bé và mẹ cùng nhau hoàn thành.

Mẹ và Từ Bạch cùng đóng dấu ở góc dưới bên trái.

Từ Bạch khẽ cúi đầu, sờ tên hai người.

Bố cô đứng dậy, đi về phía sô pha: “Tiểu Bạch, con đừng đụng vào….”

Ông chưa nói xong, Từ Bạch đã ngắt lời: “Là sao? Con không được đụng vào tranh của mẹ?”

Cô ôm bức tranh đó, giống như một tên cướp, đi ngang qua bố: “Bố, lúc đó hai người ly hôn, tài sản trong nhà đều thuộc về bố, sau đó con đi du học, chưa tròn mười tám tuổi, bố cũng chưa từng cho tiền….”

Từ Bạch nói: “Con không cần bố bù đắp, chỉ cần đền cho con bằng bức tranh này.”

Những chữ “đền cho con” mà cô cố tình nhấn mạnh đọng lại bên tai người bố, tựa như đâm vào tim.

Kể từ khi hai người gặp lại cho đến giờ, đây là lần đầu bố cô thấy hoảng hốt: “Có gì thì từ từ nói, bố biết bố đã đối xử tệ với con.”

Ông hối hận vì đã đặt bức tranh bên cạnh ghế sô pha.

Chỉ vì bên cạnh sô pha là cửa sổ. Đứng ở đó, có thể nhìn thấy trời xanh mây trắng, nhìn thấy cây cối bên ngoài toả bóng râm.

Ông có thói quen vừa hút thuốc, vừa liếc nhìn bức tranh đó một lần, không hơn.

Nhưng Từ Bạch không chấp nhận thương lượng.

Cô ôm bức tranh đó, định xách túi chạy lấy người.

Thế nhưng, cô không thấy túi xách của mình.

Nhà mới của bố là nhà một sảnh ba phòng, phòng khách ở giữa. Từ Bạch đứng bên dưới đèn chùm, nhìn sang phòng ngủ phía bên kia, thấy ngay đồ đạc của cô.


Trong phòng bếp, bà nội đang lau nước mắt, không nhìn cháu trai mình, thậm chí cũng biết không biết lúc này Từ Hoành đang làm chuyện gì.

Từ Bạch đứng bất động, ánh mắt cũng thay đổi.

Cô thấy Từ Hoành đổ hết đồ trong túi xuống đất, dùng con dao nhỏ rạch lên bề mặt túi, toàn bộ ba cây son cô mua sau khi về nước đều bị gãy làm đôi, lấy vẽ lung tung trên sàn gỗ sạch sẽ.

Không dừng ở đó, cả kẹo dâu mà Tạ Bình Xuyên mua cho cô, đã bị ngâm hết vào trong hộp màu nước.

Còn điện thoại của cô thì đang rung.

Từ Hoành đang tập trung cào da túi, sau khi phát hiện di động đang rung, cậu lại nghĩ ra ý định mới.

Nhưng chưa kịp động tay, chị cậu đột nhiên xuất hiện.

“Mày đúng là giỏi thật.” Mặt Từ Bạch vô cảm, đưa ra lời khen, “Mới chín tuổi mà đã có thể tàn nhẫn thế này, tương lai không thể nào tươi sáng.”

Cô chưa dứt lời mà Từ Hoành đã cảm thấy sợ hãi.

Từ Hoành chìa con dao về phía trước, muốn doạ Từ Bạch đang giận dữ tột độ, nhưng vì Từ Bạch đứng rất gần, con dao nhỏ chỉ mới vươn ra trước một chút đã xước qua da cô.

Cô mặc một chiếc đầm rất đẹp, làn váy có đường viền ren trơn, mắt cá chân trắng nõn như được khắc từ ngọc bích, nhưng bây giờ, lại rỉ ra một chút máu tươi.

Vết thương rất nông, Từ Bạch không thấy đau. Cô ném bức tranh trong tay xuống, giữ hai tay của Từ Hoành, ấn mạnh cậu bé xuống sàn nhà. Vì đang tức giận cực điểm nên sức cô mạnh gấp hai lần bình thường, cô kéo bể cá bên cạnh đến, úp bể cá lên đầu Từ Hoành.

Trong bể cá chỉ có nước ố vàng, không có cá sống. Nghĩ lại cũng đúng, trong nhà nuôi một cậu ấm thế này, không có thứ gì còn sống nổi.

Đầu Từ Hoành ướt nhẹp, kinh hãi nhiều hơn tức giận, khóc cũng không khóc nổi.

May là mẹ cậu đến giải cứu.

Mẹ kế Từ Bạch đẩy Từ Bạch ra, kéo con trai đang kinh hãi dưới đất lên, vội vàng ôm con vào lòng.

Mẹ kế vừa dỗ con, vừa khóc ra thành tiếng.

Cô ta khóc nức nở: “Không sống nổi mà… Lão Từ ông quản đi! Còn phép tắc luật lệ gì không nữa hả, tới nhà ăn hiếp người khác….”

Từ Bạch không nói gì. Cô lượm di động dưới đất lên, thấy tám cuộc gọi nhỡ, tất cả đều từ Tạ Bình Xuyên.

Di động lại rung lên lần nữa, Từ Bạch bắt máy ngay, nghe thấy Tạ Bình Xuyên ở đầu bên kia điện thoại hỏi: “Em đang ở đâu?”

Từ Bạch khai thật: “Ở nhà bố với mẹ kế.”

“Sao vậy em?” Tạ Bình Xuyên nhận ra giọng cô là lạ. Anh đứng bên ngoài toà nhà Hằng Hạ, một mình đi xuống bãi xe dưới tầng hầm.

Từ Bạch thấy tủi thân, cô cũng bật khóc: “Mắt cá chân em bị dao cắt, chảy máu rồi.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.