Phong Cảnh Giấu Trong Hồi Ức

Chương 1: Hai người là thanh mai trúc mã


Đọc truyện Phong Cảnh Giấu Trong Hồi Ức – Chương 1: Hai người là thanh mai trúc mã

Giữa mùa hè, mưa vô cùng to. Mây đen từng cụm trên trời kéo đến, gió mạnh thổi cây cối trong sân bay tán loạn. Nước mưa trút xuống tầm tã, tạo ra những vòng tròn nước lớn nhỏ.

Một mình Từ Bạch đứng trước cửa sổ, vén rèm cửa sổ ra một nửa.

Tiếng mưa bên ngoài rất to, cây cối được tưới nước trông tươi tốt. Một người cầm cây dù sọc ca rô, dàng người cao lớn đi qua những tán cây. Người đó mặc một chiếc áo sơ mi xám, tuy sườn mặt bị cành lá che khuất, nhưng vẫn khiến hai mắt của Từ Bạch sáng ngời.

Từ Bạch vui mừng nói: “Anh trai về rồi.”

Cô mang đôi dép nhựa, chạy nhanh ra cửa phòng khách, đứng ở bậc thang ướt đẫm nước mưa. Mưa rơi xuống mái hiên trên đỉnh đầu, rơi xuống thấm vào làn váy bằng vải thun. Cô lùi ra sau một nước, ánh mắt nhìn về phía trước.

Nhà của Từ Bạch nằm trong tứ hợp viện, hàng xóm là nhà họ Tạ. Nhà hàng xóm có một người con trai, tên là Tạ Bình Xuyên, lớn hơn Từ Bạch bốn tuổi, lớn lên với cô từ nhỏ, có thể gọi là thanh mai trúc mã.

Năm nay Tạ Bình Xuyên vừa tròn 18 tuổi. Lớp 12 vừa khai giảng cách đây không lâu, dạo này tan học khá muộn. Lúc Tạ Bình Xuyên trở về, nhà Từ Bạch đang chuẩn bị ăn cơm tối.

Trong viện, ngoài tiếng mưa rơi tí tách, còn có tiếng nồi chảo xào nấu kêu leng keng. Mùi hương thức ăn bay ra từ nhà bếp, hoà vào hơi nước bay trong gió, tạo thành một mùi vị ngon lành.

Từ Bạch ngửi được mùi, vui vẻ mời mọc: “À đúng rồi, tối nay chú dì có ở nhà không anh? Nếu họ không có ở nhà thì anh sang nhà em ăn cơm tối đi.”

Tạ Bình Xuyên nghe thấy lời cô nói, giơ tay thu dù, chậm rãi bước lên bậc thang.

Anh mặc quần tây rộng, nhưng vẫn nhìn ra hai chân thon dài. Giống như trong nháy mắt, anh thật sự đã trưởng thành, không còn là cậu bé leo cây chui vào bụi cỏ nữa, đã cao hơn Từ Bạch rất nhiều.

Trong mắt Từ Bạch, Tạ Bình Xuyên là người có mục tiêu rõ ràng, tuổi trẻ tài cao, đã bước vào thế giới của người trưởng thành.

Thế giới của người trưởng thành có hơi phiền phức, Tạ Bình Xuyên cũng không phải là ngoại lệ. Anh nói với Từ Bạch: “Bố anh hôm qua đi công tác, bây giờ chắc đang ở Thượng Hải. Mẹ anh được cử đến Nam Kinh, dạo này không có ở nhà.”

Từ Bạch gật đầu, tỏ ra mình đã biết. Cô biết bố mẹ Tạ Bình Xuyên bận bịu công việc, ít khi có thời gian làm bạn với con trai. Ít nhất là trong trí nhớ của Từ Bạch, chú và dì cạnh nhà đi sớm về trễ, hiếm khi rãnh rỗi.

Có lẽ là vì nguyên nhân này mà Tạ Bình Xuyên rất tự lập. Nói dễ nghe thì là tự lập, nói khó nghe một chút là quái gở.

Anh làm gì cũng làm một mình, bị sốt thì một mình đến bệnh viện, một mình ra chợ mua thức ăn, không thích có bạn bè đi cùng, cũng từ chối hormone tuổi dậy thì.

Từ Bạch đồng cảm một chút, rồi cô nói sang chuyện khác: “Hôm nay mẹ em làm hoành thánh đó, nhân tôm với bắp, ngon cực luôn.”

Tạ Bình Xuyên hỏi: “Không phải em thích ăn nhân hải sản dồn thịt à?”

Từ Bạch nghĩ ngợi, nghiêm túc nói: “Chỉ cần ngon là em thích.”

Cô phồng một bên má, gương mặt trắng nõn giống như bánh bao, rồi lại thở ra một hơn, nói một cách trang trọng: “Ngoài hoành thánh còn có sườn heo hấp với cánh gà kho tàu…. Để chúc mừng em làm xong bài tập hè nên mẹ làm nhiều món ngon lắm đó.”

Tạ Bình Xuyên cười nói: “Rốt cuộc em cũng làm xong bài tập hè.”


Đánh giá của anh với chuyện này là: “Đúng là khó khăn thật.””

Từ Bạch nhịn không được mà đánh anh một cái: “Anh tưởng ai cũng giống anh, làm bài nhanh y hệt cái máy in hả.” Nói xong câu đó, Từ Bạch lại được một tấc muốn tiến thêm một thước, nói: “Cơm tối hôm nay phong phú, nhờ em mà anh được hời đó, phải cảm ơn em đàng hoàng mới được nha.”

Nói xong, Từ Bạch ngẩng đầu nhìn anh, hai mắt sáng ngời, đáy mắt mờ mờ ánh nắng.

Ngoài hai người họ, trên hành lang không có một bóng người. Gió lạnh thổi qua góc nhà, tiếng chuông gió vang lên. Tạ Bình Xuyên đứng bên cạnh cột nhà, đèn tường chiếu vào người anh, chỉ thấy một bên mặt nhưng cũng rất đẹp trai.

Tạ Bình Xuyên trêu cô: “Vậy em nghĩ anh nên cảm ơn em thế nào?”

Từ Bạch nói: “Cái này còn phải hỏi sao, anh nên ân cần sờ đầu em.””

Tạ Bình Xuyên làm theo ý cô.

Anh nâng tay phải lên, đưa về phía Từ Bạch, nhẹ nhàng sờ đầu cô, không thể hiện bất kỳ sắc thái tình cảm nào, chỉ như vuốt ve một chú mèo hoặc chú chó bên đường, hơn nữa động tác còn cực kỳ ngắn, ngắn đến nỗi Từ Bạch gần như chưa phản ứng gì kịp.

Năm nay Từ Bạch cũng đã 14 tuổi, vóc dáng thiếu nữ vừa mới trưởng thành, đã chuẩn với mẫu eo thon chân dài. Có lẽ cô cũng hiểu lờ mờ, nhưng vì còn trẻ người non dạ, bản thân cũng không để trong lòng.

Mưa vẫn tiếp tục rơi, từng giọt từng giọt gõ lên cửa sổ. Hai người cùng đi đến cửa nhà bếp, nghe thấy bố của Từ Bạch đang nói chuyện: “Mấy ngày trước anh có hỏi Tiểu Bạch sau này muốn làm nghề gì, em đoán con gái trả lời anh thế nào.”

Cách một cánh cửa, bố Từ Bạch mặc đồ lao động, trên tay cầm nửa cái cánh gà. Mẹ Từ Bạch đứng bên cạnh, khom lưng lấy chén đũa trong tủ chén ra, đồng thời trả lời câu vừa rồi của chồng: “Cái này không cần đoán, hồi trước con gái nói với em rồi, sau này muốn làm phiên dịch viên.”

Mẹ đeo tạp dề quanh hông, cổ áo vẫn còn dính bột mì. Tóc búi gọn gàng, quấn bằng đồ cột tóc vải voan, gắn thêm một cây trâm màu đậm, màu quần áo tương tự như màu phụ kiện tóc, vô cùng phù hợp với khí chất của bà. Cho dù đã ở tuổi trung niên, phong thái vẫn không hề giảm.

Bố Từ Bạch không biết con gái đứng ngoài cửa, ông duỗi tay đặt lên vai vợ, cười nói: “Còn sao nữa, con bé nói muốn học tiếp Pháp, cái tính bữa đực bữa cái của con gái ấy, nghĩ cái gì thì nói cái đó thôi.””

Những lời này chuồn ra khỏi cửa phòng, lọt vào lỗ tai Từ Bạch.

Từ Bạch không nhịn được kêu lên: “Bố!”

Lúc này bố cô bé mới nhận ra, đảo mắt nhìn ra ngoài cửa, bắt gặp ánh mắt của con cái thì lập tức xoa dịu: “Bố chưa nói hết mà, ý bố là, Tiểu Bạch, suy nghĩ của con còn thay đổi, tuổi còn nhỏ…”

Mẹ Từ Bạch ở bên cạnh nói: “Nhưng sẽ có một ngày con gái hoàn thành được mục tiêu của mình.””

Mẹ vừa nói xong, Từ Bạch đã gật đầu như giã tỏi.

Cô vươn tay kéo Tạ Bình Xuyên đến, nói với bố mẹ một tiếng: “Hôm nay chú với dì không có ở nhà, anh trai đến nhà mình ăn cơm.”

Tạ Bình Xuyên không hay ăn cơm ở nhà họ, nhưng bố mẹ Từ Bạch cũng đã quen. Họ gần như biết Tạ Bình Xuyên từ khi còn bé, thêm một người trên bàn cơm cũng chỉ là thêm một đôi đũa thôi.


Nhưng Tạ Bình Xuyên cũng không phải đến thường xuyên. Tạ Bình Xuyên tự mua thức ăn về nấu, còn biết giặt quần áo, chăm sóc cây cối, dọn dẹp nhà cửa, có thể nói là vô cùng kỷ luật. So với người phàm lười biếng như Từ Bạch thì Tạ Bình Xuyên chính là con nhà người ta.

Bố Từ Bạch nhiệt tình nói: “Được chứ, mau vào đi. Tiểu Tạ lên lớp 12 rồi, việc học cũng nhiều hơn, không rảnh nấu cơm thì cứ tới nhà chú dì ăn. Chú dì với bố mẹ cháu là bạn bè cả, ăn bữa cơm không đáng bao nhiêu, đừng xem mình là người ngoài.”

Tạ Bình Xuyên cười nói: “Cảm ơn chú.”

“Thằng nhỏ này, khách sáo với chú gì chứ.” Bố Từ Bạch đi ra khỏi nhà bếp, lấy thêm một chiếc ghế đặt cạnh bàn ăn trong nhà, “Đúng lúc tối nay nhà chú làm nhiều món, chắc là đủ ăn đó.”

Từ Bạch vừa lấy chén đũa, vừa tiếp lời bố: “Bố ơi, con thấy rồi nha, đồ ăn còn chưa để ra dĩa mà bố đã ăn hai cái cánh gà rồi.”

Bố cô ngượng ngùng ho khan một tiếng, nói: “Mẹ con nấu ăn ngày càng ngon mà.”

Ngoài cửa sổ mưa rơi tí tách, trong nhà có tiếng người trò chuyện với nhau. Lúc này kim đồng hồ chỉ 6 giờ, trời tối dần, gió hơi lạnh, len qua cửa hiên thổi vào phòng. Tạ Bình Xuyên đứng dậy đi đóng cửa, thuận tay mở đèn trong nhà.

Phòng ăn chợt sáng trưng.

Bốn người lần lượt ngồi xuống, trên bàn đầy các món ăn. Mẹ Từ Bạch bưng chén lên, xuất phát từ sự quan tâm của người lớn, bà hỏi Tạ Bình Xuyên: “Mấy đứa vào học được hơn nửa tháng rồi, dạo này bận không cháu?””

“Cũng bình thường ạ, bài tập ở trường không nhiều, cuối tháng còn được nghỉ bảy ngày.” Tạ Bình Xuyên trả lời.

Lúc Tạ Bình Xuyên nói chuyện thì Từ Bạch đang cầm đũa gắp cánh gà, nhưng cánh gà trơn quá, cô cầm đũa không giỏi nên không lấy được. Từ Bạch ráng lấy vài lần, Tạ Bình Xuyên bèn gắp giúp cô.

Anh vừa gắp đồ ăn cho Từ Bạch, vừa nói tiếp: “Trường không có tự học buổi tối nên lên lớp 12 cũng không khác hồi trước lắm.”

Từ Bạch cầm chén của mình, nhận cánh gà anh gắp cho. Cô cúi đầu cắn một miếng, cảm thấy mình nên lễ phép, thế là gắp một cục sườn, chuẩn bị bỏ vào chén của Tạ Bình Xuyên.

Nhưng có lẽ là vì, đũa của cô trơn quá, giữ không chắc, miếng sườn rớt xuống sát mép bàn, rồi rớt lên quần của Tạ Bình Xuyên.

Tạ Bình Xuyên chợt im bặt.

Bố mẹ Từ Bạch ngồi đối diện, hai người không biết chuyện gì đang xảy ra. Bố Từ Bạch đang cười cười, sau đó nhìn về phía Tạ Bình Xuyên: “Sao vậy Tiểu Tạ?”

“Dạ không có gì không có gì.” Từ Bạch ngậm một chiếc đũa, sờ sờ quần của Tạ Bình Xuyên, “”Rớt một cục sườn á mà.”

Cô dùng tay cầm miếng sườn đó lên, ngón tay cọ lên quần của Tạ Bình Xuyên. Bởi vì ngón tay dính ít dầu, cô vô thức chùi chùi tay vào quần anh.

Hai tai Tạ Bình Xuyên ửng đỏ.


Từ Bạch nhanh mắt, lập tức chỉ: “Lỗ tai anh hơi đỏ đó.”

Tạ Bình Xuyên không thừa nhận: “Em nhìn nhầm rồi.” Anh rút một tờ khăn giấy, đưa đến tay phải của Từ Bạch, dáng người vẫn thẳng tắp nghiêm túc như cũ, nhìn cứ như biên tập viên tin tức đài truyền hình trung ương.

Từ Bạch cười tỉnh bơ: “Ha ha ha ha lỗ tai anh càng lúc càng đỏ kìa.”

“Tiểu Bạch, ” Mẹ Từ Bạch bỏ chén xuống, nhẹ giọng phê bình cô, “Con không phải con nít nữa, phải biết lễ phép, chú ý đúng mực.”

Từ Bạch rất nghe lời mẹ, cô lập tức ngồi thẳng người lại.

Lúc này, đến lượt Tạ Bình Xuyên bật cười.

Từ Bạch cũng không biết anh cười gì, nhưng cô đoán tâm trạng của anh đang khá tốt. Thế nên cô không chú ý đến anh nữa, cầm chén ráng ăn hết cơm. Tạ Bình Xuyên thì khác, thỉnh thoảng sẽ nói vài câu, nội dung đơn giản chỉ là về việc học, thể hiện kế hoạch lâu dài của học sinh xuất sắc.

Sau khi ăn xong cơm tối, Tạ Bình Xuyên nói cảm ơn với bố mẹ cô, còn giúp rửa chén và dọn bàn. Dáng vẻ nhiệt tình giúp đỡ này của anh, tất nhiên trở thành hình mẫu giáo dục của bố Từ Bạch.

“Con nhìn Tạ Bình Xuyên kìa,” bố Từ Bạch nói, “lớn hơn con có bốn tuổi thôi mà hiểu chuyện, yêu lao động yêu học tập, không cần bố mẹ nhọc lòng.”

Phòng khách sáng trưng, trong tivi đang chiếu phim truyền hình.

Từ Bạch ngồi nghiêng trên sô pha, tựa lưng vào một chiếc gối, trên đùi có một chú mèo. Chú mèo có lông mượt mà, cả người sạch đến nỗi sáng bóng. Cổ nó có đeo một miếng bìa, là số điện thoại nhà Từ Bạch.

Tay Từ Bạch sờ mèo làm chú mèo thoải mái vô cùng, mở to đôi mắt tròn xoe, cọ chân cô làm nũng.

“Hôm nay con quét nhà, còn lau nhà nữa đó.”” Từ Bạch lý lẽ hùng hồn, “Còn hốt phân của mèo nữa.”

Nhưng bố không công nhận cô. Bố đứng trước tivi, chặn lại tầm mắt của con gái: “Con không có gì làm thì đi học đi, đừng xem tivi nữa, khai giảng là vào lớp 9 rồi, việc học khó hơn nhiều.”

Từ Bạch bỏ mèo xuống rất không tình nguyện, xoay người đi về phòng ngủ của mình.

Chú mèo đi sau Từ Bạch, khẽ cọ vào gót chân cô, ý muốn giữ cô chủ của mình lại. Đúng lúc này, giọng nói của mẹ vang lên từ nhà bếp: “Nhà hết giấm rồi, nước tương cũng sắp hết rồi.”

Từ Bạch nghe thấy mẹ nói thế thì chạy nhanh đến nhà bếp, xung phong nhận việc: “Giao cho con đi, mẹ, bây giờ con đi siêu thị mua giấm nha.”

Không sai, so với ngồi lì trong phòng vùi đầu học hành thì cô sẵn lòng chạy ra ngoài mua đồ hơn.

Mẹ giống như biết tâm tư của cô, bỏ mấy đồng tiền vào tay con gái. Từ Bạch bỏ tiền vào túi, kéo Tạ Bình Xuyên đến siêu thị.

Lúc này đã gần 8 giờ tối, bên ngoài mưa đã tạnh dần. Hẻm nhỏ yên tĩnh không tiếng động, những vũng nước sâu cạn khác nhau, Từ Bạch và Tạ Bình Xuyên đi song song, không bao lâu, cô đột nhiên hắt hơi.

“Em mặc ít quá, hôm nay nhiệt độ giảm.”” Tạ Bình Xuyên nói, “Trước khi ra ngoài, ít nhất cũng phải mặc áo khoác.”

“Em hắt xì không phải vì lạnh đâu.” Từ Bạch sửa lại, “”Chắc chắn là vì có người nhớ em.”

Tạ Bình Xuyên không tỏ ý kiến, chỉ cười: “Lúc em bị cảm thì nhiều người nhớ em nhất.”

Từ Bạch không cãi lại. Cô đi dọc theo hẻm, cố ý giẫm lên gạch đá mấp mô, nếu có bị vấp thì Tạ Bình Xuyên sẽ đưa tay đỡ cô.


Bầu trời đêm bao la, gió đêm khẽ thổi, ánh trăng phía chân trời như móc câu, không còn thấy bóng dáng mây đen. Con hẻm âm u và chật chột nhưng Từ Bạch không hề sợ, cô gọi anh một tiếng: “Anh ơi.”

Tạ Bình Xuyên không trả lời.

Từ Bạch ngẩng đầu nhìn anh chằm chằm: “Anh ơi.”

Tạ Bình Xuyên đáp: “Gọi anh làm gì?”

Từ Bạch dừng tại chỗ, vào vấn đề chính: “Em muốn ăn hồ lô ngào đường ở góc đường, nhưng mua xong giấm với nước tương thì em hết tiền rồi.” Cô hơi mắc cỡ, mũi dép ở chà tới chà lui vào chân tường, nước mưa đọng trên tường rơi lên bàn chân trắng nõn của cô, sáng tựa ánh trăng.

Tạ Bình Xuyên nhìn ánh trăng phía xa, đáp ngay không cần nghĩ ngợi: “Anh mua cho em.” Nói xong, anh lại hỏi: “Ăn cơm tối chưa no hả? Anh thấy em ăn tận hai chén cơm, chất đầy sườn luôn mà.”

Từ Bạch cho rằng, trong lòng anh đang chê mình ăn nhiều, cô lập tức nói thật: “Em chỉ muốn ăn gì đó ngọt ngọt thôi.””

Người người ra vào hẻm, xe cộ tập nấp, tiếng nói chuyện ồn ào, đúng thời điểm nhộn nhịp nhất. Một khi thành phố lớn bắt đầu phát triển thì rất khó để ngăn điều đó. Là một trong những thành phố tốt nhất, mỗi năm Bắc Kinh thu hút rất nhiều dân từ nơi khác đến. Buổi tối, hai bên đường phố xá đầy các quầy hàng, đủ các loại khẩu âm trời nam đất bắc.

Tạ Bình Xuyên đứng trước xe bán hồ lô, tay trái thò vào túi quần lấy tiền, nhưng chỉ tìm có hai tệ bảy mươi xu – lúc năm đồng xu nằm ngay ngắn, lần lượt nằm gọt trong bàn tay, Tạ Bình Xuyên mới sực nhớ mình ra ngoài gấp, không mang theo tiền như dự định.

Ông cụ bán hồ lô ngào đường bước gần đến, cười ha hả nói: “Một xâu ba tệ, ông bán lâu năm rồi. Anh bạn trẻ, cháu muốn mua mấy xâu?”

Tạ Bình Xuyên im lặng một lát. Sau đó, anh bỏ hết lòng tự tôn, lần đầu trong đời cò kè mặc cả: “Cháu chỉ có hai tệ bảy mươi đồng, ông thấy thế này được không….””

Tạ Bình Xuyên còn chưa nói xong, ông cụ đã nhăn mày lại. Ông đeo túi màu xanh, tóc gần như bạc một nửa, nói chuyện như đang than vãn: “Chàng trai trẻ, cháu nghĩ thử coi, một xâu hồ lô ông kiếm được bao nhiên tiền đâu? Cháu bảo ông bớt bao nhiêu là ông lỗ bấy nhiêu đấy.””

Tạ Bình Xuyên thương lượng với ông: “Nhà cháu gần đây, lát nữa cháu về, rồi quay lại trả ba mươi xu được không?” Có vẻ như anh không phải đang mua hồ lô mà là đang bàn chuyện kinh doanh lời lãi: “Hai tệ bảy mươi xu này xem như tiền thế chấp ạ.”

Tạ Bình Xuyên nói một tràng tiếng phổ thông tiêu chuẩn, căn bản không giống người gốc Bắc Kinh, ông cụ kia không hề tin anh, vỗ vỗ tay mình nói: “Thôi thôi thôi, anh không mua thì cũng đừng làm mất thời gian của người khác.””

Cuộc đàm phán ven đường này không xoay chuyển được tình thế, Tạ Bình Xuyên chỉ có hai tệ bảy mươi đồng trong tay đành rút lui.

Màn đêm lúc tám chín giờ càng tối sầm lại, làm nền cho đèn neon sặc sỡ sắc màu. Lúc Từ Bạch ra khỏi siêu thị, nhìn thấy Tạ Bình Xuyên đứng ở cửa chờ cô. Dáng người anh cao gầy thẳng thớm, giống như đèn đường không sáng đèn.

Từ Bạch không nhìn thấy hồ lô ngào đường, nghĩ rằng Tạ Bình Xuyên quên mua. Cô thấy hơi mất mát trong lòng, nhưng vẫn chạy đến trước mặt anh: “Anh ơi, tụi mình về nhà thôi.”

Tạ Bình Xuyên lấy ra một túi nilon, bên trong là túi giấy đựng một củ khoai lang nướng. Anh đưa cho cô, giải thích: “Anh không đem đủ tiền, mấy món em thích ăn, anh chỉ mua nổi món này.”

Gió mùa hè thổi dọc theo con phố, mang theo mùi cây cỏ sau cơn mưa. Từ Bạch nhìn anh, cười nói: “Khoai nướng ngọt cực luôn, em thích nhất đó, cảm ơn anh nha.”

Giọng nói của cô rất nhẹ nhàng, khi cười lên cũng rất xinh, hai mắt cong cong như con cáo nhỏ.

_________________

Tác giả nói:

Hế lô mọi người! Tôi tới rồi đây, có dẫn theo sếp Tạ với Tiểu Bạch nữa!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.