Phía Đông Mặt Trời

Chương 41


Đọc truyện Phía Đông Mặt Trời – Chương 41

Viva từng có lần nghe nói đến hiện tượng xuất hiện ở một số người – những kẻ nhu nhược, cô luôn quả quyết như thế – sẽ tự kết tội chính bản thân để có cảm giác mình là những kẻ phạm tội thực thụ. Ngày hôm sau, khi vừa bước chân qua ngưỡng cửa trung tâm nuôi dạy trẻ tình thương, Viva chợt hiểu được điều đấy: cô có cảm giác như thể đang mang trong mình một quả bom trĩu nặng.

Viva đẩy cánh cửa cổng được chạm trổ cầu kỳ, bước vào trong. Cảm giác nhẹ nhõm ùa về trong lòng cô khi mọi thứ vẫn nguyên vẹn như mấy ngày trước. Vẫn những căn phòng với những cánh cửa chớp đóng im ỉm, vẻ tăm tối gợi lên trong cô những hình ảnh tồi tàn quen thuộc của dãy nhà, vẫn những chú chim mỗi sáng lại kéo nhau về chí chóe trên cành me giữa sân. Băng ngang khoảng sân nhỏ, tiến đến trước hàng hiên rợp bóng, cô nghe thấy tiếng Bowden đang tập đọc cho đám trẻ tham gia vào lớp thêu thùa của bà những vần thơ trích trong cuốn sách yêu thích bằng giọng điệu mênh mông truyền cảm của xứ Yorkshire – Những vẫn thơ dành cho các cô gái xứ Ấn.

Giọt nước bé nhỏ, đám nữ sinh nhịp nhàng đọc theo, lên trầm xuống bổng như hát.

Những hạt cát bé nhỏ 

Thành đại dương bao la, 

Và những miền đất hứa. 

Những việc làm cao cả 

Cùng những lời yêu thương 

Biến tinh cầu bé nhỏ 

Thành địa đàng trần gian. 

Viva chậm rãi bước dọc hành lang im ắng, mờ tối dẫn đến trước văn phòng Daisy, cô cảm thấy căng thẳng tột độ, cảm giác chóng mặt ùa về. Điều gì sẽ xảy ra nếu Daisy không tin vào cô và Guy cùng những bức ảnh vương vãi trong căn phòng của cô tối hôm qua, về vụ tự tử giả mạo của Guy và tại sao Frank lại đột nhiên xuất hiện ở Ooty? Thậm chí Viva còn có cảm giác những gì vừa xảy ra với cô chỉ là những chuyện cường điệu.

Cuối cùng cô cũng tìm thấy Daisy trong văn phòng, cô đơn và nhỏ bé sau chiếc bàn, những lá thư xếp thành chồng truớc mặt. Daisy vẫn cặm cụi chúi đầu vào công việc, cần mẫn và tập trung như một chú ong. Khi nhìn thấy Viva, Daisy nhanh nhẹn đứng dậy niềm nở.

“Ôi, xin chào! Rất vui khi gặp lại em. Kỳ nghỉ thú vị chứ?”. Daisy vồn vã đến độ đãng trí gài cả cây bút chì trong tay lên búi tóc sau đầu.

“Rất thú vị, chị Daisy”. Viva quyết định sẽ dũng cảm đương đầu với những khó khăn trước mắt. “Nhưng em e là sẽ phải báo cho chị biết một vài tin rất tồi”.

Daisy chăm chú lắng nghe trong khi Viva kể lại câu chuyện của cô, thỉnh thoảng lại tròn mắt thốt lên vài từ “tuyệt vời” hay “thật thú vị”.

“Thật đáng tiếc khi Jamshed không cho phép Dolly và Kaniz tiếp tục đến trường” là phản ứng đầu tiên của Daisy sau khi nghe toàn bộ câu chuyện. “Chúng là hai cô bé thông minh và rất hiếu học. Nhưng còn vấn đề khác của Guy là gì?”. Viva nhìn thấy một nốt phát ban xuất hiện trên khuôn ngực của Daisy, nhưng khuôn mặt của Daisy vẫn bừng sáng rạng rỡ. “Em có nghĩ ông ấy sẽ tiếp tục thổi bùng những tin đồn về chúng ta không? Nếu quả thật như thế thì chuyện này khá nghiêm trọng đây”.

“Ôi Daisy”. Cả hai cùng cúi xuống nhặt chiếc bút chì vừa rơi trên búi tóc của Daisy xuống sàn nhà. “Em xin lỗi, rất xin lỗi”, Viva nói. “Nếu em không ở đây, chắc chắn trung tâm sẽ không rơi vào tình cảnh này”.

“Không, chị không chấp nhận như thế. Chỉ là những lời đồn đại vô căn cứ”, Daisy kịch liệt phản đối. “Ông Jamshed nói đúng – bọn gián điệp có mặt ở khắp nơi và không một người dân địa phương nào thực sự hiểu được những điều chúng ta đang làm: tại sao bọn họ nên như thế? Từ trước đến nay người ta chưa bao giờ nhìn thấy những nguời phụ nữ như chúng ta”.


“Còn nữa, đường lối của ngài Gandhi là không ủng hộ bạo lực, nhưng những gì ông ta đã làm được cho người nghèo và phụ nữ, những giai cấp bị áp bức bóc lột thậm tệ đến tận hôm nay, nhưng giờ thì họ có thể tạo ra sự khác biệt. Đã trút sự giận dữ lên người Anh, cơn giận dữ bởi nghèo đói, họ nổi giận vì chúng ta dám giáo dục dạy dỗ phụ nữ. Chúng ta đã mắc kẹt giữa hai cuộc cách mạng và sớm hay muộn, cơn giận dữ sẽ lên đến đỉnh điểm, tất cả sẽ nổ tung, và tất nhiên, những tin đồn đang lan rộng kiểu như tin đồn về Guy của em sẽ chẳng giúp được gì nhiều. Nhưng em cũng đừng có để trí tưởng tượng của mình đi quá xa khi cho rằng thằng bé chính là tác giả của những tin đồn ấy”.

“Thế thì chúng ta có thể làm gì với những tin đồn liên quan đến nó?”, Viva thắc mắc.

“Câu hỏi rất hay. Em không thể tóm cổ một kẻ vì đã quẳng áo khoác của mình vào lửa”. 

“Nhưng nó đã xới tung cả phòng em lên”.

“Thế em định làm gì?”.

“Em nghĩ nên báo cho cảnh sát biết”.

“Có lẽ thế”. Daisy lưỡng lự. “Nhưng nếu chúng ta làm như thế, nghĩa là chúng ta lại tiếp tục chuốc thêm những phiền toái mới. Đám cảnh sát, như em biết đấy, đều làm việc dưới áp lực từ những kẻ hấp tấp nóng vội trong Quốc hội mới, những kẻ đang nỗ lực tìm cách để đóng cửa những mái ấm tình thương như của chúng ta. Vả lại chúng ta cũng chỉ chịu đựng được đến một giới hạn nhất định nào đấy mà thôi”.

“Thế còn những đồng nghiệp của chúng ta thì sao? Họ nghĩ gì?”.

Daisy tung tẩy với mớ giấy tờ trong tay. “Lần cuối cùng một quan chức chính phủ đến đây, ông ấy đã công nhận là chúng ta đang làm những công việc có ích nhưng vẫn nghĩ chúng ta nên đóng cửa chỗ này. Ông ấy còn nói sẽ không đảm bảo cho sự an nguy của chúng ta nữa. Chuyện này diễn ra cũng khá lâu rồi, trước khi em làm việc tại đây. Có lẽ chị nên nói điều này cho em biết”.

Daisy và Viva cùng đưa mắt nhìn nhau.

“Khi chị nói với đám người làm công và bọn trẻ, tất cả đều nức nở cầu xin chúng ta đừng bỏ đi. Thật kinh khủng, đau đớn lắm. Bọn trẻ, Viva ạ, chúng chẳng có gì cả. Chị không nói tất cả bọn chúng đều muốn được ở trong mái ấm này, chúng không thể cứ mãi ở lại trong không gian chật chội và thiếu thốn, nhưng nếu chúng ta bỏ đi, chúng sẽ chết hoặc kết thúc đời mình ngoài đường phố. Ai đấy phải hiểu điều này”.

Daisy gỡ đôi tròng kính ra khỏi cặp mắt, trông cô già thêm vài tuổi khi không đeo kính, già dặn và đầy lo âu.

“Chị cần bọn trẻ nhiều như chúng cần chị”, giọng Daisy chan chứa tình cảm. “Đấy là sự thật. Nhưng cũng là điều chúng ta hướng tới”. Đôi tròng kính được Daisy đeo lên mắt trở lại. Hãy thử đi đến tận cùng của tình thế tiến thoái lưỡng nan đặc biệt này. Em có nghĩ cái cậu tên Guy Glover ấy sẽ lại tiếp tục giáng những đòn chí mạng vào mình, hay đấy chỉ là một trò đùa ngớ ngẩn của cậu ta?”.

“Em không biết”, Viva thiểu não. “Giá mà em có thể, điều duy nhất em biết chính xác lúc này là em ghét phải trở thành người khiến trung tâm này phải đóng cửa”.

Im lặng. Có tiếng chảo kêu loảng xoảng từ ngoài vọng vào, ngay sau đấy là tiếng bọn trẻ vỡ òa bên hiên nhà, chúng đang đánh vần một câu thơ vẫn thường được dạy trong các nhà trẻ, Mary, ơi Mary bướng bỉnh, mảnh vườn cô xanh tốt đến nhường nào?

Tám ngày sau cuộc trò chuyện với Daisy, Viva chuyển đến ở trong một căn phòng dưới tầng trệt của trung tâm cùng bọn trẻ, một căn phòng nghèo nàn đến xơ xác, hệt như buồng tu khổ hạnh khép kín dành cho các vị nữ tu: một chiếc giường sắt, một chiếc tủ quần áo cũ kỹ, và một chiếc bàn gỗ xiêu vẹo – được tạo thành từ hai tấm ván khá rộng ghép trên những chiếc va li hành lý – tất cả chỉ có thế. Nhưng Viva thích căn phòng hơn bao giờ hết. Trông giống như một phòng làm việc, thậm chí chỉ dành cho việc sám hối. Cô lại bắt đầu phác thảo cuộc đời mình thêm một lần nữa. Khi Viva rời khỏi chiếc bàn, đến bên cánh cửa mở tung những chớp cửa mòn vẹt, từ đây cô có thể nhìn thấy những tán me xanh mướt rủ bóng ngoài hàng hiên. Có lần Daisy bảo với cô, ở miền Bắc Ấn Độ, người dân quan niệm bóng râm của những cây me thuộc về thần Krishna, vị thần là hiện thân của tình yêu được lý tưởng hóa. Thần Krishna đã ra ngồi dưới bóng cây me sau khi xa rời tình nhân của mình, thần Radha, và chiêm nghiệm niềm khoái cảm mãnh liệt của linh hồn người yêu dấu đang xâm chiếm trong lòng người.

Nhưng Talika lại kể cho cô nghe một câu chuyện khác, ảm đạm hơn câu chuyện của Daisy nhiều. Con bé bảo những cây me đã bị ma ám, nó chỉ cho cô thấy những lá me đã tự thu mình cụp tán rủ bóng mỗi khi màn đêm buông xuống, và rằng đấy chính là chỗ trú ngụ của những hồn ma bóng quế. Mọi người đều biết rõ điều đấy. 

Sau cuộc nói chuyện với Daisy, cả hai đã thống nhất với nhau về giờ giấc làm việc của cô. Buổi sáng cô sẽ lên lớp bốn tiếng đồng hồ, sau đấy sẽ nghỉ ăn trưa, đến chiều cô sẽ bắt tay vào viết về những câu chuyện của bọn trẻ. Một công việc đau lòng, cô gần như đã nhận thấy được điều đấy. Hôm qua, cô dành hai tiếng đồng hồ để trò chuyện với Prem, một cô bé người Gujarati nhỏ nhắn với đôi mắt lúc nào cũng buồn rười rượi. Prem kể cho cô nghe về trận động đất ở thị trấn quê hương của nó, Surat. Cả gia đình cô bé đã bị quét sạch trong cơn động đất như thế nào, rồi chuyện Prem may mắn được một người phụ nữ tốt bụng cứu vớt, người đã bảo nó gọi bằng dì, cả việc nó được người dì tốt bụng ấy dắt lên Bombay trên một chuyến tàu chật chội, kiếm cho nó một công việc mà mọi người vẫn gọi là gái điếm – cái công việc được Prem thốt ra kèm theo một nụ cười nửa miệng đầy chua chát và gọi bằng hai tiếng “gái đĩ” – chuyện nó bị đánh đập, dày vò trong bàn tay của đủ loại đàn ông ở nhà thổ như thế nào trước khi Prem chạy trốn và lê thân đến với trung tâm này.


Sau hai tiếng lắng nghe, cuối câu chuyện, Viva đề nghị được đổi tên cô bé trong câu chuyện mà nó vừa kể.

“Không”, Prem dứt khoát. “Đây là lần đầu tiên cháu kể lại câu chuyện của mình với người khác. Hãy cứ giữ nguyên tên Prem trong đấy”.

Ngày hôm sau, có thêm hai cô bé lớn tuổi hơn Prem dắt díu nhau cuốc bộ từ Dhulia đến trung tâm để kể cho Viva nghe câu chuyện của họ. Hai cô bé đã bỏ trốn khi bị ép buộc làm vợ lẽ cho hai ông già độc ác trong làng mình. Khi cả hai từ chối, bọn họ đã bị những ông bố bà mẹ đánh đập tàn nhẫn không thương xót.

“Bọn cháu chỉ là những đứa con gái nhà quê, nhưng bọn cháu đang thay đổi”, cô bé lớn tuổi hơn, trông khá tự tin với chiếc mũi hếch, nói với Viva. “Bọn cháu không đáng bị đối xử như lũ bò cái hay như những con ngựa cái”.

Vài ngày sau, một hôm khi Viva đang ngồi bên bàn làm việc, nhanh nhẹn gõ như múa trên bàn phím của chiếc máy đánh chữ, cố gắng ghi lại câu chuyện của Prem trước khi bữa tối bắt đầu, bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ từ bên ngoài vọng vào.

“Có một quý cô đến thăm, thưa cô”, Seema, một cô bé mồ côi thò đầu vào thông báo. “Tên của cô ấy là Victoria”.

Dứt lời, đã thấy Tor ào vào như một cơn lốc, cuống cuồng ôm chặt lấy Viva.

“Viva”, Tor hấp tấp, “em phải nói chuyện này với chị ngay lập tức. Em nghĩ mình sắp phát điên đến nơi rồi”.

“Chúa ơi”, Viva dừng công việc, ngẩng đầu hỏi. “Có chuyện gì đang xảy ra với em vậy?”.

Tor lột phăng chiếc mũ trên đầu, ném mình ngồi phịch xuống ghế, thở phì phì. “Chị có gì để uống không?”, cô hỏi. “Em không biết phải bắt đầu từ đâu cả”.

Viva rời khỏi bàn viết rót cho Tor một ly nước lọc.

“Bắt đầu từ đầu”, cô nói.

“Ừm”, Tor bắt đầu, “chị còn nhớ cái bữa trưa kinh khủng ở nhà bà Mallinson hôm nào nữa không? Khi Geoffrey bảo với chúng ta có thể gia đình của ông ấy sẽ rời khỏi đất nước này ấy? Lúc ấy em cứ nghĩ ông ấy chỉ nói đùa cho vui, nhưng không phải như thế, chuyện ra đi là thật. Sau khi chị ra về, Ci Ci đã nốc cạn chai sâm banh mở dở, rồi tiếp tục thêm vài chai nữa, bà ta cứ nốc như thế đến mức không thể dừng lại được. Thật kinh khủng, Viva. Thực sự bà ta đã khiến em kinh hoàng suốt nhiều tháng qua, nhưng đúng là cái ngày hôm ấy mới là tận cùng của khủng khiếp đối với em”.

Tor nhanh chóng uống hết một nửa ly nước trong tay.

“Về chuyện gì kia?”.

“Ừm, buổi sáng Ci Ci đã đến câu lạc bộ, bà ta cùng bà bạn độc địa Percy Booth đã nổ ra một cuộc cãi vã om sòm về chiếc áo khoác mà Ci Ci đã cho Percy mượn từ đời tám hoánh nào đấy, và giờ đây bà ta muốn lấy lại nó – đúng kiểu của Ci Ci”.


“Nhưng tuần tới em đã đi rồi còn gì! Bà ta còn có ý nghĩa gì với em nữa đâu?”, Viva nói.

“Không! Nhưng mà đúng thế, đấy chính là vấn đề”. Khuôn mặt Tor đột nhiên rạng rỡ. “Bây giờ đến phần bất ngờ nhất đây, chị còn nhớ chàng trai tên là Toby Williamson? Chàng trai đã gọi điện cho em khi chúng ta đi nghỉ ở Ooty để hỏi thăm xem liệu em có ổn không ấy. Em gần như đã quên béng mọi thứ liên quan đến anh ấy, ngoài việc ăn mặc lôi thôi và tính cách có vẻ hơi lập dị – bởi trong buổi tối bọn em gặp nhau, anh ấy đã mặc chiếc áo khoác mượn của bố – thế nên trông anh ấy giống như một ông bố bận rộn ấy. Viva, đừng có cười như thế, chuyện này nghiêm túc đấy.

Sau ít ngày bị Ci Ci đẩy đến Coventry, em đã rất tuyệt vọng, một hôm em đã gọi cho anh ấy hẹn gặp ở câu lạc bộ Willoughby. Lúc bấy giờ em nghĩ mình chẳng còn gì để mất nữa, thêm bức thư của mẹ liệt kê một danh sách dài dằng dặc những món đồ mà em cần phải mua về nhà, em hiểu mình cần phải mang về cho bà ấy thật nhiều quà. Nhưng với sự ra đi của Pandit và Ci Ci luôn ém mình trong căn phòng ở ngay trên đầu, em phải cuốn gói khỏi đấy càng sớm càng tốt.

Anh ấy xuất hiện ngay lập tức. Cùng với chiếc xe xập xệ của mình – chất đầy quần áo và sách vở – và Ci Ci, kẻ luôn hy vọng sẽ có trò mới trong những ngày tẻ nhạt cuối cùng, đã nhìn anh ấy bằng ánh mắt kinh tởm.

Toby bối rối, im lặng trong thoáng chốc, còn em thì giận đến tím cả mặt. Chị biết em trông thế nào rồi đấy, Viva, như một con ngốc. Em đã thầm so sánh mình với những nhân vật mà chị vẫn gặp trên tạp chí Tatler ấy – thực sự là những kẻ ngốc, trong những bộ quần áo hào nhoáng, trong những chiếc xe cáu cạnh – những điều đấy hết sức bình thường.

Ban đầu anh ấy muốn đưa em đến một nơi gọi là Bangangla. Mới nghe qua đã thấy ngán đến tận cổ – một không gian hiu quạnh như nghĩa địa, có một cái hồ ở đấy. Rồi bọn em ăn trưa ở nhà hàng ven hồ, sau đấy lại kéo nhau ra ngồi trên những bậc thang viền quanh mép hồ, nói chuyện thâu trưa suốt chiều, bắt đầu từ công việc của anh ấy – Toby là một nhà sinh vật học, hình như là một nhà điểu học hay đại loại cái gì giống như thế, nhưng hiện tại anh ấy đang làm việc trong một trường nội trú dành cho nam sinh để kiếm sống – và rồi câu chuyện bắt đầu tiến xa hơn, trở về với thời thơ ấu của hai đứa, về bố mẹ, về những chuyện vụn vặt tưởng chừng rất bình thường mà trước đây em không bao giờ muốn tâm sự với những chàng trai kiểu như Frank hay Ollie, có lẽ bởi em thấy bọn họ mới đẹp đẽ và bóng bẩy làm sao, hơn nữa trong tâm trí em luôn lởn vởn những lời chỉ vẽ của Ci Ci hay của mẹ mình, rằng “phải thật nhanh nhạy”, khi em trở nên quá nhiệt tình và chân thành, hoặc những khi em không hề nghĩ mình lại thích hợp với những người như bọn họ. Chị có thuốc chống đau đầu không Viva? Em xin lỗi, nãy giờ em huyên thuyên nhiều quá, nhưng chờ chút, em sẽ đi thẳng vào vấn đề ngay đây”.

Gói thuốc bột chống đau đầu được hòa tan vào nước uống. Tor nằm ngửa mặt với một chiếc khăn ướt đắp hai bên thái dương, im lặng trong chốc lát, rồi lại ngồi dậy.

Đây mới là chuyện hay ho nhất”, cô nói. “Trong suốt cuộc trò chuyện, em chợt nhận ra nếu Toby cắt tóc gọn hơn một chút, chăm chút đến mình một chút thì anh ấy cũng đẹp trai không kém gì ai. Rồi anh ấy đọc cho em nghe mấy câu thơ, rồi em nói: “Nghe này! Em phải cảnh báo anh – em chỉ là một đứa con gái u tối, chỉ thuộc duy nhất một bài thơ có tên “Ithaka”, đúng là lúc đấy nom em thật tầm phào”.

Viva bật cười. “Rồi cậu ta nói gì?”.

“Anh ấy hỏi, “tại sao?” và em đã trả lời như sau: Bởi vì đấy chỉ là một lời nói dối. Nó chỉ nói về cuộc hành trình tìm kiếm kim cương ngọc ngà châu báu với hy vọng trở thành một kẻ giàu có, nhưng nếu không đặt chân đến Ấn Độ, em sẽ chỉ là một kẻ nghèo kiết xác; bởi vì nếu em không đến đây, em sẽ không thể biết được cuộc sống quanh mình thú vị đến nhường nào.

Rồi anh ấy im lặng, không nói một lời nào nữa. Bọn em cứ ngồi như thế bên nhau trong im lặng. Một đoàn người đưa tang chậm rãi xuất hiện ven hồ, bọn em im lặng nhìn người đàn ông cởi chiếc khố quấn quanh mình, cẩn thận kỳ cọ cơ thể của ông ta rồi vãi tro cốt của người cha đã quá cố xuống mắt hồ. Không khí lúc bấy giờ thật trầm buồn, Toby giải thích với em rằng người đàn ông đang thực hiện nghi lễ từ biệt người chết. Thật thú vị, đúng không nào? Rồi em kể cho anh ấy nghe toàn bộ câu chuyện về Pandit, nghe xong Toby thực sự lấy làm kinh tởm.

Trên đường lái xe trở về, anh ấy bảo không đồng ý với suy nghĩ của em về “Ithaka”, rằng bài thơ không chỉ đề cập đến niềm vui được khám phá những miền đất mà chúng ta chưa bao giờ được đặt chân đến, mà đấy còn là những vần thơ giúp chúng ta tìm lại chính con người mình, hay đại loại là những gì giống như thế.

Sau đấy Toby dừng xe ven bãi biển Chowpatty. Mặt trời đã bắt đầu nhạt nắng, rồi anh ấy hôn em. Ôi, Viva, có phải em đã điên không nhỉ?”. Đôi mắt xanh lơ to tròn của Tor vụt sáng long lanh. 

“Tiếp tục đi! Kể tiếp đi!”. Viva lúc này đã gần như nhổm người ra khỏi ghế ngồi, còn Tor trông như đang bị thôi miên.

“Anh ấy bảo: “Anh có một kế hoạch có lẽ hơi ngớ ngẩn đối với em. Em thì không muốn quay về nhà, còn anh lại muốn kết hôn, vậy tại sao chúng ta không kết hôn với nhau nhỉ? Đấy sẽ là một cuộc phiêu lưu”. Những gì anh ấy vừa nói khiến em cười lăn lộn”.

“Ôi, không, không, không!”, Viva đưa hai tay lên ôm đầu. “Không thể như thế được”.

“Có đấy”. Tor cuộn hai tay đặt lên vạt áo rồi cúi đầu nhìn xuống đất.

“Tor, em mới chỉ ở bên anh ta đúng một buổi chiều. Em không thể quyết định như thế. Em không thể”.

“Nhưng không phải như vậy”. Tor vắt tấm khăn ướt lên trán. “Chuyện này khá thú vị đấy chứ. Chị biết là đôi khi chúng ta vẫn tỏ ra thông thái đến thế nào kia mà”.

“Không, chị không biết”, Viva dứt khoát. “Chuyện này không đơn giản như thế đâu”.

“Toby bảo nó giống như một cuộc hôn nhân ở Ấn Độ, ngoại trừ chuyện bọn em tự dàn xếp với nhau”.


“Nhưng không có ai như thế cả, Tor”. Viva phản đối. “Em không biết gì về cậu ta cả, rồi bố mẹ, gia đình của cậu ta nữa, bọn họ cũng chẳng biết gì về em”.

“Em biết bố mẹ anh ấy đang sống ở Hampstead, mẹ của anh ấy là kiến trúc sư, ngoài ra bà ấy còn làm thơ, và mỗi sáng vẫn thường bơi trong một cái hồ nhỏ ở Hampstead với một chiếc ấm đun nước trong tay”.

“Ôi, tốt”. Viva nói, “giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng”.

“Để nước ấm hơn ấy mà”, Tor giải thích.

“Rất tuyệt”.

“Ôi Viva”, Tor vỗ mạnh hai tay vào nhau như một đứa trẻ. “Cố hiểu em đi. Em không muốn quay trở về miền trung Wallop trong tình cảnh này. Em sẽ có một mái ấm của riêng mình. Anh ấy bảo với em cuộc đời của hai đứa sẽ là một cuộc hành trình đầy rẫy những khám phá – giống như những tu sĩ đạo Phật vẫn thẳng hướng rừng sâu để tìm được hát-man của bọn họ hay đại loại cái gì như thế”.

“Atman”, Viva chỉnh sửa cho Tor. “Nó có nghĩa là bản ngã bên trong, và những gì thuộc về các vị tu hành ấy rất xa lạ với cuộc sống của chị”.

“Ôi, Viva”, Tor đột nhiên nhăn nhó. “Sao mỗi lúc em càng thấy đau đầu dữ dội. Chị có gói thuốc nào nữa không?”.

Viva hòa tan một ít muối Epsom vào ly nước rồi đưa cho Tor.

“Cậu ta bao nhiêu tuổi, Tor?”, cô nhẹ nhàng hỏi. Rồi bỗng thấy ngạc nhiên với giọng điệu cảnh giác của mình.

“Hai mươi bảy tuổi rưỡi, lương giáo viên của anh ấy ở trường nội trú nam sinh thánh Bart đóng tại Amritsar là một ngàn rưỡi bảng một năm. Bọn em cũng sẽ có một ngôi nhà của riêng mình ở đấy”.

“Chị nhớ em từng nói cậu ta trông già hơn em rất nhiều”.

“Đúng là em có nói như thế, là bởi hôm ấy Toby mặc chiếc áo khoác của bố anh ấy – chiếc áo khiến anh ấy trở nên to lớn, khuỳnh khoàng – nhưng thực ra trông anh ấy rất mảnh dẻ”.

“Và cậu ta đã thực sự cầu hôn em chưa?”.

Tor úp mở. “Ừm…”.

“Thôi nào, Tor, nói đi”.

Sau những phút im lặng, Tor trả lời: “Em đã đính hôn”. Rồi cô vén cổ tay áo, chìa cho Viva thấy chiếc vòng xuyến bằng bạc quanh cổ tay. “Anh ấy tặng em – theo tín ngưỡng Hindu, nó có nghĩa là “dành cho người yêu dấu”.

“Nhưng em đâu phải là người Hindu, Tor”.

“Em biết, nhưng em không thể cứ há miệng chờ sung mãi được. Hôm qua bọn em đã đến Văn phòng hộ tịch Bombay để đăng ký kết hôn, và em nhận được cái này”. Tor cho Viva thấy dải băng vàng được cô thắt trên một chiếc dây chuyền đeo trong lần váy. “Tối nay bọn em sẽ đi khỏi đây. Em đã để lại cho Ci Ci một bức thư, cả gửi điện cho mẹ mình nữa, và điều tuyệt vời nhất trong chuyện này, Viva”, đôi mắt Tor long lanh, “chính là đã quá muộn đối với bất kỳ kẻ nào có ý định ngăn cản em”.

_________________


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.