Phép Biện Chứng Phong Thủy

Chương 15: Anh trai nhỏ vắng mặt


Đọc truyện Phép Biện Chứng Phong Thủy – Chương 15: Anh trai nhỏ vắng mặt

Lý Dung nhăn mày: “Tôi phản đối cách nói con người có vận mệnh định sẵn, bát tự xác định vận mệnh, rõ là nói nhăng nói cuội.”

Giáo sư Trình nghiêm mặt: “Lý Dung, thầy cảm thấy em cần bình tĩnh lại.”

Trịnh Thu Kiến vội mở chai đưa cô ta “Uống ngụm nước đã, hôm nay thời tiết khô nóng, tâm trạng cũng dễ phiền muộn.”

Diệp Kỳ cầm đồ ăn vặt ra: “Mọi người ăn một chút nhé.”

Cảm nhận được địch ý của Lý Dung, Đường Cửu hơi khó hiểu, chẳng lẽ nhà cô ta từng bị lừa? Có điều nhìn ánh mắt cô ta dõi theo Diệp Kỳ, cô bỗng hiểu ra đó chỉ là tâm tư con gái: “Thực tế, về cách nói ‘vận mệnh do trời’ tôi cũng là không đồng ý, tôi càng tin ‘nhân định thắng thiên*’.”

(*) Thành ngữ chỉ ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm của con người có thể chiến thắng số phận, thay đổi vận mệnh.

Dứt lời, bầu không khí trong khoang dịu đi nhiều, giáo sư Trình liếc Lý Dung: “Nếu em còn như thế, thầy đành phải cho em về trước thôi.”

Cô ta phát hiện giáo sư rất nghiêm túc, bối rối gọi: “Chú Trình.”

Đường Cửu nhướng mày, chẳng trách Lý Dung dám nói vậy trước mặt giáo sư, hóa ra là quen biết ông, quan hệ có vẻ không tồi.

Giáo sư Trình nói: “Nếu cháu không tự kiểm điểm, chú sẽ gọi cha cháu, bảo ông ấy đón cháu đi.”

Lý Dung không dám hé răng nữa.

Ông nhìn về phía Đường Cửu, nói: “Xin lỗi Tiểu Đường, do chú dạy học trò không nghiêm.”

Đường Cửu mỉm cười: “Phong thuỷ chính là tin ắt có, không tin ắt không có.”

Giáo sư Trình nghiêm mặt: “Thế giới bao la không gì không thể, chú cảm thấy nếu đã lưu truyền hàng ngàn năm, chắc hẳn phải có đạo lý riêng.”

Đường Cửu cũng không chấp nhặt việc này: “Cháu kể chuyện xưa cho mọi người nhé. Sau khi lên ngôi, Chu Nguyên Chương cảm thấy mình là ‘mệnh Hoàng đế’, vậy há chẳng phải người sinh cùng thời điểm với mình cũng có ‘mệnh Hoàng đế’? Nếu không giết hết bọn họ, tương lai họ sẽ tranh đoạt ngôi vị Hoàng đế với ông ta.”


“Chu Nguyên Chương lo lắng ngôi Hoàng đế bị lung lay bèn lệnh cho binh lính bắt hết những người sinh cùng thời điểm với mình rồi xử tử.” Đường Cửu chẳng phải người giỏi kể chuyện, không tạo nổi bầu không khí, “Lúc đang chém giết, Chu Nguyên Chương bỗng đổi ý muốn gặp người sinh ra cùng mình nên sai quân dẫn họ đến tra hỏi.”

Lý Dung vô thức bị thu hút, bởi vì con người luôn tò mò với những chuyện mình không biết.

Đường Cửu tiếp tục: “Chu Nguyên Chương hỏi người bị dẫn đến, ‘Ngươi đang làm gì?’ Người nọ trả lời, ‘Nuôi ong.’ ‘Nuôi bao nhiêu?’ ‘Nuôi chín tổ, hàng vạn con.’ “

“Chu Nguyên Chương nghe xong lại hỏi người khác, có người nuôi tằm, có người nuôi cá. Ông nghĩ cho dù sinh cùng thời điểm, người làm Hoàng đế cũng chỉ có mình ông nên không giết người nữa.” Đường Cửu cầm chai nước nhưng không uống, chỉ thưởng thức trên tay: “Người sinh lục đồng, vận mệnh khác nhau bởi vì liên quan đến rất nhiều thứ.”

Trịnh Thu Kiến hỏi: “Người sinh lục đồng có ý gì?”

Cô giải thích: “Lục đồng tức cùng giây, cùng phút, cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Rõ ràng cùng sinh ra nhưng vận mệnh lại bất đồng. Đơn giản vì nơi sinh khác nhau; tuổi của cha mẹ, anh chị em và phối ngẫu khác nhau; tuổi con cái và số người con khác nhau; giới tính khác nhau; mặt mũi vân tay khác nhau; cấu trúc xương khác nhau; mộ tổ, nhà cửa khác nhau; định hướng khác nhau; gen di truyền khác nhau; hoàn cảnh gia đình khác nhau.”

Giáo sư Trình thở dài: “Đúng thế, gia cảnh chênh lệch ảnh hưởng rất nhiều.”

Đường Cửu gật đầu: “Thành thật mà nói, hai bé trai cùng sinh ra, một người ở nhà giàu sang, nhà kia cơm ăn không đủ no, mọi người có cảm thấy vận mệnh sau này của hai đứa trẻ giống nhau không?”

Đây là một vấn đề thực tế nhưng cũng rất đau xót.

Lý Dung phản bác: “Cũng có người phấn đấu vì bản thân, chưa kể không phải nhà ai cũng khá giả.”

Đường Cửu nói: “Dù người đó nỗ lực hay không, cô cho rằng họ sẽ có vận mệnh giống nhau ư? Hoàn cảnh sinh trưởng đã quyết định họ trở thành hai người khác nhau.”

Cô ta không nói nữa.

Cô uống một ngụm nước: “Thực tế, ngay cả cặp sinh đôi có cũng có vận mệnh bất đồng, tuy sinh cùng giờ nhưng vẫn phân chia trước sau. Nhỏ không giống, lớn lên càng khác biệt.”

Giáo sư Trình gật đầu: “Đây cũng là nguyên nhân rất nhiều cặp sinh đôi có tính cách trái ngược.”

Diệp Kỳ cảm thấy kỳ diệu, việc này ai cũng biết nhưng chưa bao giờ tổng kết lại một cách hệ thống.


Trịnh Thu Kiến cất tiếng: “Hàng xóm nhà tôi có một cặp song sinh, anh trai thích đọc sách còn em trai ghét đọc sách, hồi nhỏ trông rất giống nhau, nhưng lớn lên thay đổi hoàn toàn khiến người ta rất dễ nhận biết.”

Đường Cửu đóng chặt chai nước: “Dĩ nhiên không có gì là tuyệt đối cả, nỗ lực của chính bản thân cũng quan trọng không kém, Trước đây tôi xem qua bát tự một người, rõ ràng anh ta có thể học đại học nhưng anh ta không thích đọc sách cũng chẳng chịu phấn đấu nên không thể tốt nghiệp. Bởi vậy yếu tố bẩm sinh phải kết hợp với nỗ lực mới đạt được mục tiêu mong muốn.”

Giáo sư Trình mượn cơ hội răn dạy ba học trò: “Chim vụng bay trước* cũng là vì thế, thiên phú không bằng người ta thì càng phải nỗ lực nhiều hơn người khác.”

(*) chim vụng bay trước (Hán Việt: bát điểu tiên phi) là thành ngữ chỉ người biết mình sức yếu, sợ mình thua kém nên phải hành động trước.

Diệp Kỳ hỏi: “Vậy cố vấn Đường biết đoán mệnh không?”

Đường Cửu cười: “Không coi là tinh thông, phong thuỷ chia ra rất nhiều trường phái.”

Lý Dung truy hỏi: “Tức là cố vấn Đường biết đoán mệnh sao? Có thể xem giúp chúng tôi không?”

Giáo sư Trình tuy cũng hiếu kỳ nhưng thấy học trò của mình được nước lấn tới không ổn chút nào, bèn nói: “Mệnh có thể đoán tùy tiện à? Hơn nữa các em định trả tiền không?”

Cô ta nhõng nhẽo: “Chỉ sẵn tiện thôi, vừa rồi là em không đúng. Cố vấn Đường giúp tôi tính xem… tôi có thể gả cho người trong lòng không?” Dứt lời còn nhìn trộm Diệp Kỳ.

Đường Cửu không ngại giao tiếp với sinh viên, nhưng so ra cô càng thích giao thiệp với người đã lăn lộn xã hội dẫu họ nhiều mưu mô hơn: “Tôi cảm thấy không tiện cho lắm, không muốn dùng nghề nghiệp của mình giúp cô miễn phí, Với tôi, đây là một sự thường thức, cũng là phép lịch sự tối thiểu.”

Lý Dung vẫn luôn cảm thấy Đường Cửu rất tốt tính, nói như người khác chính là dễ bắt nạt. Trước kia bị cô ta khó dễ, cô đều không phản kích. Lần này bị từ chối và dạy dỗ không nể nang khiến cô ta không chịu nổi.

Đường Cửu nhìn Lý Dung: “Cô không còn nhỏ, đừng nói năng không suy nghĩ nữa.”

Lý Dung nhìn giáo sư Trình, phát hiện ông không tỏ thái độ, nhìn sang Trịnh Thu Kiến và Diệp Kỳ, hai người cũng im lặng, rõ ràng ba người họ chung một phe mà.


Đường Cửu nói: “Cháu đi trước nhé giáo sư.”

Ông đáp: “Ừ, lát nữa chúng ta sẽ thảo luận về phong thủy Tô Châu.”

Đường Cửu đồng ý, nhét chai nước dở vào balo rồi đi.

Lý Dung ấm ức: “Vốn dĩ là chuyện nhỏ, cô ấy…”

Diệp Kỳ cần nhờ vả Đường Cửu nhưng Lý Dung đắc tội cô, chưa biết chừng Đường Cửu sẽ giận chó đánh mèo sang mình, anh ta không kìm được mà nói: “Nhỏ gì mà nhỏ, cậu có biết mời nhà phong thủy đoán mệnh tốn bao nhiêu tiền không?”

Lý Dung nghiến răng: “Cô ấy đòi tiền cứ việc nói thẳng, tôi có thể đưa.”

Giáo sư Trình thở dài, ông cảm thấy bạn già của mình quá chiều con gái: “Theo thầy biết, một lần đoán mệnh của nhà phong thủy kém hơn Tiểu Đường cũng rơi vào sáu con số.”

Lý Dung trợn mắt há miệng: “Đắt vậy ạ?”

Sáu con số tức hơn một trăm ngàn, cô ta không thể đào ra, cũng tuyệt đối không tiêu chừng ấy tiền chỉ để đoán mệnh.

Trịnh Thu Kiến cũng nuốt nước bọt: “Đúng là…”

Thực sự không biết nên nói sao.

Diệp Kỳ trầm giọng: “Sáu con số còn chưa chắc mời được.”

Lý Dung không dám tin nhưng thấy giáo sư Trình gật đầu, cô ta không còn gì để nói.

Giáo sư nói: “Lý Dung, nếu em còn nói lung tung một lần nữa, thầy sẽ mời em về, thầy nói được làm được. Em nên biết rằng lần này Tiểu Đường đến là do chúng ta xin cô ấy giúp đỡ, không phải cô ấy cầu cạnh chúng ta.”

Vì giáo sư Trình có tiếng tăm nhất định trong giới học thuật nên khi dẫn theo Lý Dung ra ngoài, cô ta luôn được nịnh ngọt, lần này cô ta còn chưa ý thức được quan hệ chính xác giữa họ và Đường Cửu.

Lý Dung cắn môi: “Em biết rồi ạ.”

Diệp Kỳ chợt hỏi: “Thưa giáo sư, nếu em có việc phải nhờ cố vấn Đường, thầy nói xem…”


Ông nhíu mày, nghiêm mặt nhìn anh ta: “Thẳng thắn sẽ tốt hơn.”

Diệp Kỳ khẽ gật đầu.

Lý Dung ngơ ngác hỏi: “Cậu sao vậy Diệp Kỳ? Có việc cần cố vấn Đường giúp? Nhà cậu đã xảy ra chuyện gì ư?”

Diệp Kỳ không nhiều lời: “Không có gì.”

Trịnh Thu Kiến vỗ vai anh ta: “Anh cũng nghĩ nói thật thì hơn.”

Diệp Kỳ gật đầu, qua những lời vừa rồi của Đường Cửu, anh ta phát hiện rất nhiều thứ dù không nói ra song cô đều biết, sợ rằng chút tâm tư của mình đã sớm bị nhìn thấu. Nếu không thẳng thắn ngay bây giờ thì đến lúc muốn nói cũng không còn cơ hội: “Em sang tìm cố vấn Đường.”

Giáo sư Trình dặn: “Được, nếu Tiểu Đường không tiện, để thầy thử liên lạc với mấy nhà phong thủy khác xem sao.”

Diệp Kỳ gật đầu, đáp: “Cảm ơn giáo sư.”

Chẳng qua trong lòng anh ta hiểu, ngoại trừ Đường Cửu, các nhà phong thủy mà giáo sư Trình quen biết đều thuộc giới học thuật, nhà họ cũng đã mời, đáng tiếc không có tác dụng.

Lý Dung: “Tôi đi cùng cậu nhé?”

Diệp Kỳ nhìn cô ta: “Không cần, tôi tự đi.”

Lý Dung định lên tiếng, giáo sư Trình đã cắt ngang: “Em ngồi im đọc sách đi.”

Diệp Kỳ chào một tiếng rồi ra ngoài, Đường Cửu ở ngay cách vách, cửa không đóng chặt. Tuy nhiên anh ta vẫn gõ cửa, chờ cô đồng ý mới vào trong.

Đường Cửu trông thấy anh ta bèn chau mày: “Ngồi đi.”

Diệp Kỳ ngồi trên chiếc giường đối diện cô: “Hai ngày nay thành thật xin lỗi cố vấn Đường, thái độ của tôi không đủ nghiêm chỉnh.”

Đường Cửu: “…”

Diệp Kỳ tiếp: “Tòa nhà thương mại mới xây của gia đình tôi gặp vấn đề, muốn mời cố vấn Đường xem giúp. Mọi chi phí đều dựa theo tiêu chuẩn cố vấn của cô, cô thấy được không?”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.