Đọc truyện Phế Hậu Xoay Người Ký – Chương 156
Mùa hạ năm Hiện Kháng thứ mười chín, Thôi Sóc đi thuyền vào thành Hạ Đinh ở phương nam.
Đã nhiều năm không trở lại, Giang Nam vẫn như cũ, cảnh đẹp như tranh, tiểu kiều lưu thuỷ* đứng lặng yên trời mưa phùn kéo dài, mang một vẻ lạnh lẽo nói không nên lời.
Chàng cầm chiếc dù giấy 48 nan, rảo bước qua những con phố dài đến thăm nhà bạn bè.
* Chú thích: Là “cầu nhỏ nước chảy”, nhưng viết thế vào câu không được vần lắm nên mình để nguyên.
Khi nào nghĩ ra một cụm từ thay thế hay hơn mình sẽ thay vào.
Bạn bè chàng là danh sĩ chốn Giang Nam.
Lúc chàng đến, họ còn đang ngồi uống rượu ở căn đình giữa hồ, vô tình ngẩng đầu liền nhìn thấy bóng người đang đứng mỉm cười cách đó không xa.
“Như Cảnh,” Họ cười khẽ, giọng quen thuộc như thể chỉ vừa mới gặp nhau hôm qua chứ không phải mười năm chưa gặp: “Rượu đã đun nóng, chỉ chờ huynh thôi đấy.”
Một bình hoàng tửu, hai con cá vược hấp thơm lừng, lại thêm người tri kỉ nhiều năm không gặp, quả là một việc vui sướng ở đời.
“Đầu xuân năm nay Bệ hạ ban lệnh Tân chính, miễn giảm thuế má, bá tánh Giang Nam đều vui mừng hân hoan, luôn miệng cảm tạ thánh đức!” Bạn bè nói: “Huynh dạy dỗ người học sinh này không tệ, cũng coi như làm một việc tốt cho thiên hạ.” Giọng nói tuỳ ý, dường như “học sinh” trong miệng y không phải là đế vương quân lâm thiên hạ mà chỉ là một tiểu bối bình thường.
Thấy y nói không lựa lời, Thôi Sóc cũng không nói gì, chỉ cười nói: “Bệ hạ nhân hậu, đương nhiên sẽ đối xử tử tế với con dân của mình.”
“Nhiều năm như vậy rồi, huynh không biết ta trông ngóng người mau lớn lên thế nào đâu, để còn giải thoát huynh khỏi lồng giam kia.” Bạn bè thở dài: “Huynh vất vả nhiều năm như vậy giữa chốn triều đình, đến tóc cũng bạc rồi, cuối cùng cũng được ra.
Lần trước Công Tôn quân còn nói với ta khi nào huynh từ quan tiến về phía Nam, chúng ta liền viết quyển sách năm đó từng hứa hẹn.
Một lời hứa lại dây dưa nhiều năm như vậy, cũng sắp thành tâm bệnh của ta rồi.”
Thôi Sóc chậm rãi uống hết chén rượu rồi mới đáp: “Đương nhiên, nếu không phải vì việc này, ta cũng không vội vàng chạy đến như vậy.”
Đang cười cười nói nói, một mỹ nhân dáng người yểu điệu đã đi tới.
Thôi Sóc thấy nàng mặt hoa da phấn, cùng lắm cũng chỉ hai mấy tuổi bèn nhướng mày nói: “Mạn nương nhà ngươi bây giờ xinh đẹp hơn lúc nhỏ nhiều.”
Bạn bè bật cười: “Mạn nương ở nhà phu quân nó, đây không phải là Mạn nương.” Y đứng lên cầm tay mỹ nhân: “Chào hỏi đi nào, đây là Lục thúc.”
Thôi Sóc lúc này mới hiểu ra, khả năng là bạn mình tục huyền, vội cười mắng: “Chỉ biết nói hươu nói vượn.” Nhìn qua mỹ nhân, chàng lại nói tiếp: “Chị dâu, vừa rồi Sóc không biết nên có phần đường đột, xin người chớ trách.”
Mỹ nhân mỉm cười: “Thϊếp hâm mộ Lục lang đã lâu cuối cùng cũng được thấy mặt, vui mừng còn không kịp, sao có thể trách móc?” Nàng như cười như không liếc phu quân nhà mình: “Mấy năm trước chàng đã nói sẽ sắp xếp cho ta gặp Lục lang, nhưng đến lúc này mới thực hiện lời hứa, có thể thấy năng lực hứa hẹn.
Xem ra ta phải xem xét lại những lời hứa của chàng xem có thể tin mấy phần đây.”
Thôi Sóc không ngờ bạn mình đã lớn tuổi lại còn cưới một tiểu nữ tử nhanh mồm nhanh miệng, giảo hoạt như hồ ly, đợi đến lúc nàng ấy rời đi mới cười lắc đầu: “Xem ra mấy năm nay ta đã lỡ không ít chuyện hay.”
Bạn bè đắc ý: “Chứ còn gì nữa.
Huynh cho rằng ai cũng sống như sư khổ hạnh giống mình à? Thế mới gọi là “Nhân sinh đắc ý tu tận hoan, Mạc sử kim tôn không đối nguyệt”*, người xưa mới không xem thường ta chứ!”
* Chú thích: Đây là hai câu trong “Thương tiến tửu” (Xin mời rượu) của Lý Bạch.
Dịch thơ: Đời người đắc ý hãy vui tràn, Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt! (BẢn dịch của Hoàng Tạo, Tương Như)
Đọc cả bài ở đây.
Những lời như vậy mấy năm nay Thôi Sóc đã nghe rồi nên ý cười không đổi, chỉ lo uống rượu.
Bạn bè nhìn chằm chằm chàng trong chốc lát rồi thở dài rất kịch: “Không biết nữ tử thế nào đã hút lấy linh hồn nhỏ bé của huynh, Thôi lang phong hoa tuyệt đại cuối cùng lại rơi vào kết cục thủ thân cả đời.
Buồn thay, đau thay!”
Thôi Sóc lại uống một chén mới mỉm cười nói: “Nàng ư? Không còn nữa rồi.”
Người bạn nhíu mày: “Đừng lấy phu nhân đã qua đời kia của huynh lừa ta.
Ta đã nghĩ kĩ rồi, vị giai nhân huynh canh cánh trong lòng tuyệt không phải nàng ấy, hẳn là một người nào khác.”
“Ta không phải nói Tiểu Từ.” Thôi Sóc cười bất đắc dĩ: “Giai nhân huynh vẫn luôn hiếu kì ấy, nàng ấy đã không còn nữa.”
Bạn chàng sửng sốt, sau khi hiểu được ý chàng, vẻ mặt trở nên phức tạp vô cùng, áy náy thương hại tiếc nuối thương tiếc đan xen, cuối cùng tất cả trở thành một tiếng thở dài: “Một khi đã vậy, huynh cũng nghĩ thoáng ra một chút.”
“Ta nghĩ thoáng cũng nhiều năm rồi, nếu không phải các huynh cứ bám lấy chuyện này không bỏ, ta cũng lười nói với huynh.” Thôi Sóc mặt bình tĩnh nói: “Được rồi, huynh nhanh phái người thông báo cho mấy người Công Tôn đi, cứ nói là Thôi Lục lang đến rồi, bảo họ đẩy hết mấy chuyện phức tạp đi, chúng ta cùng uống vài chén.”
Người bạn mỉm cười đứng dậy: “Vậy huynh cứ tuỳ ý, ta đi sắp xếp đây.” Rồi bước ra khỏi Thuỷ Các.
Trong mắt Thôi Sóc lấp lánh ý cười, ngắm nhìn liễu rủ sóng biếc, vẻ mặt bình thản.
Chàng nhớ cuối xuân năm nọ, chàng cùng bệ hạ đọc sách bên hồ Thái Dịch, hoa rơi lả tả như mưa, chàng nhìn thấy rất thú vị, nhất thời thất thần.
Bệ hạ đứng bên cạnh bỗng “Ấy” một tiếng, chàng quay đầu thấy Vân nương đang rẽ màn hoa bước tới.
Chàng biết nàng rất ít ra khỏi cung Trường Nhạc nên không ngờ hai người còn có thể ngẫu nhiên gặp mặt trong cung.
Sau khi tiên đế băng hà, nàng triệt để đặt mình vào vị trí quả phụ, chưa bao giờ mặc quần áo màu sắc tươi sáng, ngày đó cũng vậy.
Xiêm áo đậm màu, cổ tay cổ áo có một vòng hoa văn đen, thoạt nhìn nhã nhặn khiêm tốn, nhưng lại khiến nàng trông càng đứng tuổi, nặng nề.
Nhưng khi đó, nàng cũng chỉ mới hơn ba mươi tuổi.
“Mẫu hậu, sao người lại đến đây?” Bệ hạ hỏi.
Đợi trong chốc lát, chàng nghe được giọng nói dịu dàng mềm nhẹ của nàng như ước nguyện: “Ở mãi trong phòng cũng buồn, ta bị Liễu thượng cung kéo ra đi lại.” Nàng ngẩng đầu nhìn về phía chàng nói: “Không ngờ Thôi đại nhân cũng ở đây.
Mấy năm nay đại nhân dạy dỗ bệ hạ, vất vả rồi.”
Chàng vội nói không dám, sau đó không biết nên nói gì nữa.
Cũng may bệ hạ đang có hứng, quấn lấy Mẫu hậu hỏi tới hỏi lui, còn muốn cùng nàng dạo một vòng quanh vườn.
Nàng lo lắng cậu bỏ lỡ việc học nên có ý cự tuyệt, bệ hạ lập tức nhìn chàng với vẻ mặt tội nghiệp.
Cậu nói: “Thôi tiên sinh, trẫm có thể xin nghỉ một lát để đi dạo cùng mẫu hậu không?” Trong ánh mắt đầy khát vọng ước ao.
Chàng đã nghe nói mấy năm nay bệ hạ và Thái hậu chỉ gặp nhau một canh giờ mỗi đêm lúc Thái hậu kiểm tra bài vở của cậu.
Ngoài ra, Thái hậu đều luôn dốc lòng lễ Phật, không hỏi đến mọi việc trong cung.
Tính ra cậu bé đáng thương đã rất lâu chưa từng chơi đùa với mẫu thân.
Chàng khẽ mỉm cười, gật đầu nói: “Hôm qua bệ hạ làm bài tập rất tốt, thần lúc ấy đã nhận lời cho bệ hạ nghỉ một hôm.
Nếu hôm nay người muốn nghỉ ngơi thì đương nhiên là được.”
Hoàng đế như nghe thấy tiếng trời, mừng rơn giữ chặt tay Vân nương, cười nói: “Vậy mẫu hậu cùng nhi tử đi chơi thuyền đi!”
Cố Vân Tiện nhìn vẻ mặt khẩn thiết của Cơ Hoàn, lòng mềm nhũn.
Khi quay đầu lại, nàng nhìn thấy đôi mắt bình thản điềm tĩnh của Thôi Sóc.
Rõ ràng ánh mắt rất phẳng lặng lại như ẩn chứa rất nhiều cảm xúc không thể nói rõ.
Nàng lặng im một lát, nhỏ giọng nói: “Vậy cảm ơn đại nhân.” rồi sai cung nhân chuẩn bị thuyền nhỏ để nàng và bệ hạ du hồ.
Mẹ con hai người mang theo một đoàn cung nhân rời đi, để lại chàng quỳ gối tại chỗ cung tiễn, không mảy may ngẩng đầu lên nhìn bóng hình sớm đã khắc sâu trong lòng.
Khi đó, bạn bè ở Giang Nam đã gửi thư mời chàng sớm ngày Nam tiến, nhưng chàng biết chàng sẽ không đi, ít nhất trong mười năm sẽ không.
Chàng đã hứa hẹn sẽ phụ tá ấu đế đến khi cậu có thể một mình đảm đương.
Chàng muốn dạy dỗ cậu bé thành một vị quân vương anh minh có tiếng nói trong triều đình, hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất của mình.
Lý do quan trọng hơn là chỉ khi lưu lại cung vàng điện ngọc đó chàng mới có thể thường xuyên gặp nàng.
Giống như lần gặp ngẫu nhiên hôm nay vậy, tuy rằng từ đầu đến cuối hai người chẳng nói với nhau mấy câu nhưng cũng đủ để chàng khảm vào ký ức, cất giữ nâng niu.
Sau này, chàng cũng bắt đầu lễ Phật, cũng học Vương Duy lúc trung niên* đặt mình vào một thế giới huyền diệu khác, cả người, cả con tim cũng trầm lắng hơn.
* Chú thích: Vương Duy (Ma Cật cư sĩ) là một nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, một nhà thư pháp và chính khách nổi tiếng thời Thịnh Đường.
Ông tinh thông Phật học, được gọi là Thi Phật.
Tìm hiểu thêm tại đây.
Thực ra, nếu nghĩ kĩ thì bao nhiêu năm thầm ngưỡng mộ nàng, chàng vốn rất ít chờ mong điều gì.
Ban đầu chàng đã từng hy vọng có được nàng, biết đời này vô vọng rồi thì lại hy vọng nàng sống tốt.
Chàng chưa từng muốn ép buộc nàng, càng không muốn gây áp lực cho nàng.
Chàng chỉ cần được nhìn nàng từ xa, vậy là đủ rồi.
Nhưng đến một nguyện vọng nhỏ bé như vậy cũng có ngày dập tắt.
Nàng rời đi trong một đêm xuân.
Mấy ngày trước, chàng đã nhận được tin phượng thể Thái hậu nương nương không yên, e rằng… thời gian không còn nhiều.
Sáng hôm đó Hoàng đế không lên triều, một mực canh giữ ở cung Trường Nhạc.
Còn chàng, chàng đứng mãi, đứng mãi ở quảng trường trước điện Bác Chính rất lâu.
Đứng cho đến khi đồng liêu đã rời đi cả, đến khi hoạn quan đến nhắc nhở chàng nên rời cung rồi.
Chàng quay đầu, chỉ thấy nóc nhà cao cao trên cung Trường Nhạc thấp thoáng như ẩn như hiện sau lớp lớp tường cung, trông xa xôi chẳng thể với tới.
Chàng không có tư cách đưa nàng một đoạn đường cuối cùng, cũng không có tư cách đứng cạnh giường nàng, chỉ có thể ngồi một mình trong phủ.
Đồng Nghĩa biết tâm trạng chàng không tốt bèn mặc kệ việc làm ăn mà đến đây ở cạnh chàng.
Hai người ngồi đối diện nhau trong đình, không ngừng uống hết ly này đến ly khác.
Cuối cùng chàng lại nổi hứng, tự cầm cuốc đào đất cạnh cây mai, lấy vò rượu ở dưới lên rồi nói: “Đây là rượu ta chôn xuống từ mười năm trước, vốn định chọn một ngày đặc biệt để uống.
Hôm nay vừa lúc, lợi cho huynh rồi.”
Đồng Nghĩa không hỏi vì sao hôm nay lại đặc biệt, rất phối hợp xích lại gần, cùng chàng thưởng thức một vò rượu quý từ năm xưa.
Khi trăng lên giữa trời, Đồng Nghĩa đã nằm bẹp lên bàn không dậy nổi, chỉ còn mình chàng trầm lặng ngồi trên ghế đá.
Gia nhân quỳ bên cạnh bẩm: “Thưa chủ công, trong cung vừa đưa tin, nửa canh giờ trước, Thái hậu nương nương… đã mất.”
Mãi lâu sau, chàng mới nhẹ nhàng “Ừ” một tiếng.
Rồi chàng lại nói: “Ta biết rồi.
Tháng tới đây sẽ rất bận rộn, cần làm gì trong thời gian để tang các ngươi đều hiểu rõ, đừng phạm sai lầm.”
Gia nhân thưa vâng, cẩn thận lui ra, nhanh như đang chạy nạn.
Chàng ngồi lặng người, nhìn ánh trăng lạnh lẽo, chậm rãi nâng chén rượu.
Dưới ánh trăng sáng tỏ, gương mặt tuấn mỹ nở một nụ cười cực kì dịu dàng, đôi mắt đen chăm chú nhìn ánh trăng, cứ như đang ngắm nhìn người yêu thân thiết nhất.
Rốt cuộc chàng cũng mở miệng, giọng nói hơi run rẩy, lại mang theo một vẻ nhẹ nhóm khi tất thảy đều đã qua đi: “Vân nương, đi đường cẩn thận.”
Rốt cuộc nàng cũng tự do rồi.
Bây giờ nhất định nàng đã gặp tiên đế rồi nhỉ.
Hy vọng người sẽ không tổn thương, phụ bạc nàng nữa.
Hy vọng nàng có thể được như ước nguyện, trải qua cuộc sống an bình vui sướng bên người mình yêu.
***
Hai tháng sau khi Thôi Sóc đến Giang Nam, chàng cùng chúng bạn đi thuyền du sơn ngoạn thuỷ.
Bạn bè chàng đều là danh sĩ chốn Giang Nam, người người đều tiêu sái tài hoa, lần du ngoạn tập thể này đương nhiên cũng không giống bình thường.
Đến nơi nào họ cũng bị quần chúng vây xem, trong có còn có nhiều nữ tử đương tuổi hoa.
Khi lại xuất phát từ một toà thành khác, Thôi Sóc ngồi trên boong tàu nhớ lại cảnh “Ném quả lên thuyền”* rầm rộ vừa rồi, lắc đầu cười nói: “Các huynh cũng không nhìn lại xem mình đã bao nhiêu tuổi rồi, sao lại còn như thiếu niên lang quân vậy, kì cục.”
* Chú thích: Lấy từ câu “Ném quả lên xe”.
Phan An rất đẹp, có lần ngồi xe ra khỏi nhà, phụ nữ từ trẻ đến già đều mê mẩn.
Họ lấy trái cây ném đầy cả lên xe.
“Mọi người đều chơi rất vui, chỉ có huynh mới nói nhiều vậy thôi.” Công Tôn vỗ vai chàng rồi nói tiếp: “Nhưng huynh phải biết những người đó hơn nửa là hướng về phía huynh.
Thôi Lục lang ở Thanh Hà dù tuổi quá nửa trăm cũng vẫn rung động trái tim nữ tử thiên hạ như thường.
Phong hoa như thế, mấy người chúng ta đều khó có được, ôi chao.”
Chàng bất đắc dĩ, vừa định đáp lời thì đã nghe được tiếng cười ở một bên: “Cá! Xem này, ta câu được cá lớn!” Dưới ánh mặt trời rạng rỡ, bụng cá trắng như tuyết, lấp lánh ánh sáng, khiến lòng người rục rịch.
Ánh mắt mọi người đều dồn vào con cá, không tiếp tục đề tài này nữa.
Mãi cho đến khi con cá kia hoá thành bữa ăn ngon trong bụng họ mới có người nhớ đến hỏi: “Đúng rồi, lát nữa thuyền sẽ dừng ở Ninh thành, các huynh có muốn xuống dạo không?”
Công Tôn xua tay: “Ninh thành bé tẹo, có gì mà xem?”
“Dù sao đó cũng là cố hương của Chương Hiến Hoàng hậu mà.
Kim thượng hiếu thảo nên đã hạ lệnh tu sửa nơi ở cũ của Chương Hiến Hoàng hậu, còn miễn ba năm thuế má cho Ninh thành.” Có người cười nói: “Đi xem một lát cũng tốt.”
Chương Hiến Hoàng hậu.
Đó là thuỵ hào của Vân nương.
Công Tôn thấy mọi người đều có vẻ hứng thú bèn không kiên nhẫn.
Quay đầu thấy vẻ mặt Thôi Sóc vẫn điềm tĩnh, y lập tức mượn sức: “Như Cảnh, huynh cũng không muốn đi Ninh thành đúng không? Nào, dũng cảm nói ra suy nghĩ của mình đi, chúng tôi đều nghe huynh!”
Thôi Sóc giương mắt nhìn sóng nước mênh mang phía xa, lại nhớ tới người thiếu nữ trong sáng như trăng, thanh thuần như sen ấy.
Chàng nhẹ nhàng cười: “Ừ.
Ta không muốn đến Ninh thành.”
Công Tôn vui mừng vỗ tay: “Như Cảnh đã nói vậy rồi, các huynh còn nói gì được nữa không? Nhanh báo cho thuyền trường không cần ngừng ở Ninh thành, chúng ta trực tiếp đến Đinh Châu, vừa lúc lá phong chuyển màu đỏ.
Nhiều năm trước ta từng thấy cảnh cả đỉnh núi như đang bốc cháy, cảnh đẹp nhường ấy đến nay vẫn chưa thể quên.”
Mọi người hậm hực, nhao nhao lên án Công Tôn gian xảo, nhưng rồi cũng không muốn làm trái ý Thôi Sóc nên đành rơi nước mắt cáo biệt Ninh thành, hướng thẳng về Đinh Châu.
Thôi Sóc đứng ở mũi thuyền, trơ mắt nhìn toà thành nhỏ bé kia càng ngày càng xa, khoé môi vẫn vương nét cười.
Đây là nơi nàng lớn lên.
Chàng vẫn còn nhớ rõ dáng vẻ ủ rũ đáng thương của nàng năm đó vì nhớ quê hương.
Thế nhưng, sau này cho dù có trở thành nữ tử tôn quý nhất thiên hạ, nàng cũng chẳng thể về lại quê nhà dù chỉ một lần.
Nếu hồn phách có thể trở về nhân thế, nàng nhất định sẽ tìm cơ hội đến nơi này.
Đã vậy, chàng sẽ không quấy rầy nàng.
Đời này họ vô duyên, chỉ có thể làm người lạ.
Chàng chỉ biết cầu kiếp nhau, nhưng chàng biết dù cho có thật sự có kiếp sau, nàng cũng chỉ muốn tái tục tiền duyên với tiên đế.
Từ đầu đến cuối, nàng chưa từng có tình cảm vượt quá lễ nghĩa với chàng.
Tất cả đều là chàng đơn phương tình nguyện.
Vì nàng ôm một mảnh tình si suốt đời là chàng cam nguyện, đến bây giờ cũng chưa từng hối hận.
Nhưng kiếp sau chàng không muốn vậy nữa.
Đời này nàng đã khổ như vậy, kiếp sau nhất định sẽ hạnh phúc.
Chàng không nên quấy nhiễu cuộc sống yên ổn của nàng.
Hai người họ không nên gặp nhau, cũng không nên liên quan gì.
Chỉ cần làm một người xa lạ trong thế giới của đối phương là được rồi.
Chỉ cần hai người đều sống tốt, có bên nhau không đã không còn quan trọng nữa.
“Như Cảnh, huynh đang nghĩ gì vậy?” Công Tôn thấy chàng thất thần, không kìm được cất giọng hỏi.
Thôi Sóc nhìn ánh mắt tò mò của y, nhẹ nhàng cười.
Những gợn sóng lăn tăn trên sông dần bình lại, nước ánh lên ánh nắng chiều, khiến người thấy thật ấm áp.
Chàng đứng giữa ánh sáng dìu dịu, mỉm cười ngâm: “Dao nhớ mỹ nhân Tương Giang thuỷ.”
Hoàng hôn kéo dài bóng chàng, gió nhẹ phớt qua gò má, hơi lạnh cũng theo đó ùa về.
Thôi Sóc nhìn đường chân trời trắng xa xa, cảm thấy chính mình như đang về lại thời niên thiếu.
Khi đó chàng còn chưa trải qua nhiều năm hỗn loạn về sau.
Đúng là tâm như gương sáng, không dính bụi trần.
Cô thiếu nữ trêu đùa chim sẻ bên nền tuyết, nữ tử đứng bên hồ Lung Giang khẽ bật cười, vị Thái hậu cao cao tại thượng lại mang một trái tim bình lặng như giếng cổ, họ đều đã cách chàng rất xa.
Chỉ mong những ngày tháng sau này, trái tim nàng có chốn về bình yên, không còn lãng du vô định.
HẾT CHƯƠNG 156.