Đọc truyện Pháo Hoa – Chương 8
Buổi tối hôm đó, Nhiếp Sơ Ngữ đờ đẫn trở về chỗ ở của mình. Phía cảnh sát
gọi điện tới, nói với cô bằng chất giọng bất mãn: “Chu Cẩn Phong đã mua
vé về quê, đúng vào ngày cô nói anh ta mất tích.” Họ đưa ra kết luận và
hy vọng lần sau khi báo cảnh sát, cô thận trọng một chút, giọng điệu
mang theo một sự bực bội rất lớn. Sau khi phía cảnh sát gọi xong, di
động của cô một lần nữa vang lên. Có người cảnh cáo cô đừng làm những
chuyện khiến người ta bực bội, nếu không sẽ chẳng ai vui vẻ cả. Lúc ấy
cô mới hiểu ra mình đích thực đã bị theo dõi. Cô không hiểu đối phương
làm cách nào để tung ra tin Chu Cẩn Phong về quê nhưng cô biết, đối
phương có chuẩn bị từ trước.
Cô chẳng thể làm gì cả, chỉ biết nằm trên giường, trong lòng có chút phẫn nộ cùng khó chịu. Khi cô muốn có
một cuộc sống mới, mỗi lần những tưởng mình đã thành công thì đều kết
thúc trong thảm bại, lần nào cũng như lần nào. Cô hận, cảm xúc ấy không
ngừng lan ra khắp cơ thể.
Lần đầu tiên cô thất vọng là khi nào
nhỉ? Hình như cô đã quên rồi. Lần nào cô cũng chọn cách cam chịu số
phận, luôn nói với bản thân rồi sẽ tốt đẹp thôi. Cô đối mặt với cuộc đời một cách tích cực nhưng chỉ nhận lại toàn là thất vọng, luôn như vậy.
Lần này, cô chỉ có thể thỏa hiệp, cam chịu số phận.
Cô rút di động ra, ấn số điện thoại ấy…
Nhiếp Sơ Ngữ rất ít khi nhớ lại cuộc sống trước kia của mình. Những kí ức vụn vặt ấy hỗn loạn trong đầu, thật thật giả giả, mơ mơ hồ hồ, khiến cô rất muốn nhìn rõ điều gì đó nhưng dường như lại chẳng rõ gì cả. Mà điều cô
muốn biết nhất là cuộc đời mình bắt đầu chuyển hướng từ đâu, tiếc là
trong câu chuyện không có đáp án.
Nhiếp Sơ Ngữ học cấp hai trên
thị trấn, từ nhà tới đó phải đi hơn một tiếng đồng hồ. Ngày nào cô cũng
phải dậy sớm nấu cơm, ăn xong thì lấy hộp mang theo đồ ăn buổi trưa của
mình rồi lên đường tới trường. Mấy chuyện như tiền quà vặt hay ăn trưa ở trường cô chưa bao giờ nghĩ tới. Đối với cô mà nói, được tiếp tục đi
học đã là một may mắn rồi. Đó là thời điểm phổ cập giáo dục cấp hai, bố
cô vốn dĩ không muốn cho cô tiếp tục đi học, cuối cùng trưởng thôn phải
tới làm công tác tư tưởng, giảng giải rằng cho con cái học hết cấp hai
là nghĩa vụ, lúc ấy bố cô mới chịu, nhưng kiên quyết không cho cô ở lại
trường, tỏ thái độ rằng việc cho cô đi học đã là bước nhượng bộ lớn nhất rồi. Đối với chuyện này, Nhiếp Sơ Ngữ không phản ứng quá gay gắt. Cô
biết bố không yêu quý mình, thế nên tiếp nhận tất cả một cách rất đỗi
bình thản, nhất là khi cô gặp được một giáo viên tốt.
Nhiếp Sơ
Ngữ học hành rất chăm chỉ, cũng rất nỗ lực, khiến giáo viên chủ nhiệm,
cô Hà Gia Lệ, rất yêu quý cô, thường xuyên quan tâm tới cô. Bữa trưa
trước đây của Nhiếp Sơ Ngữ chỉ là cơm nguội từ bữa sáng mang theo.Sau
khi cô Hà biết, ngày nào cũng chủ động hâm nóng lại hộp cơm cho cô, đồng thời còn kể cho cô nghe câu chuyện của cô ấy.
Ban đầu thành tích học tập của Hà Gia Lệ vốn không tốt, cũng chưa từng nghĩ tới chuyện sẽ
dựa vào học hành để làm gì đó. Sau khi học cấp hai xong, cô bắt đầu ra
ngoài làm việc, mỗi năm tới ngày mùa lại quay về nhà phụ bố mẹ thu hoạch ngô và tuốt lúa. Có một năm vào mùa hạ rất oi bức, Hà Gia Lệ tuốt lúa
ngoài ruộng như mọi khi. Cô cầm lưỡi liềm, đứng thẳng dậy lau mồ hôi. Cô nhìn cả cánh đồng rồi bỗng dưng tự hỏi, cả cuộc đời mình cứ thế này
sao? Chỉ có thể làm việc không quản ngày đêm, sau đó làm vợ một người
đàn ông bình thường, rồi lại tiếp tục làm nông? Suy nghĩ đó khiến bản
thân cô cũng giật nảy mình, vì cô tự nói với mình rằng, mình không muốn
sống cuộc sống như thế này, không thể cứ mãi như vậy cả đời.
Kể
từ ngày ấy, Hà Gia Lệ yêu cầu được tiếp tục học hành một cách rất kiên
quyết. Chồng của chị họ cô là giáo viên tại một trường cấp ba giỏi nhất
huyện. Gia đình thấy cô quyết tâm học tập đến vậy, bèn nhờ vả người anh
rể. Trường cấp ba đó chiêu sinh rất nghiêm ngặt mà anh rể còn dạy ở lớp
trọng điểm, hơn nữa muốn đưa Hà Gia Lệ vào lớp đó, phía nhà trường không đồng ý. Nhưng anh rể tỏ ra rất kiên quyết, nếu nhà trường không chấp
nhận, anh ấy cũng không tiếp tục dạy lớp kia nữa, lúc ấy nhà trường mới
miễn cưỡng đồng ý. Sau khi biết chuyện ấy, Hà Gia Lệ càng thêm nỗ lực.
Cô biết nếu bản thân không phấn đấu, không những có lỗi với chính mình
mà còn có lỗi với cả những người đã cố gắng vì cô. Hà Gia Lệ bắt đầu học từ năm lớp Mười một, học ngày học đêm, lần chăm chỉ nhất đã đọc sách
tới ba, bốn giờ sáng, cô biết đây là cơ hội duy nhất để thay đổi số
phận. Lần thi đầu cô là người xếp bét lớp nhưng không hề bỏ cuộc, thành
tích lần sau tiến bộ hơn lần trước. Tận tới khi thi đại học, cô đỗ với
số điểm cao thứ hai của lớp, thừa mười điểm để được vào trường đại học
hàng đầu. Tất cả mọi người đều không dám tin một người xếp bét lớp như
cô lại có thể thi đỗ, nhưng đó chính là sự thật.
Từ khi biết
chuyện mà cô giáo Hà đã làm được, Nhiếp Sơ Ngữ càng thêm khẳng định tri
thức có thể thay đổi số phận. Cô càng thêm nỗ lực giống như cô giáo Hà
đã làm. Tất cả những gì trái qua bây giờ chỉ là để có một tương lai tốt
đẹp, có công mài sắt có ngày nên kim, chỉ cần có thể gắng gượng vượt
qua, tất cả rồi sẽ ổn. Thế nên cô luôn cảm ơn những gì mình có được, cố
gắng cân bằng bản thân đồng thời kì vọng vào tương lai.
Lần đầu
tiên Nhiếp Sơ Ngữ cảm thấy oán trách là vào năm cô học lớp Tám. Cô ra
ngoài cắt cả một gùi rau về nấu cám cho lợn. Trên đường về nhà, từ xa cô đã nhìn thấy có mấy người đi từ trong nhà mình ra. Sau khi về đến nhà,
bố cô không nói năng gì, cả mẹ cũng im lặng nên cô không hỏi han gì.
Cho tới ngày hôm sau cô mới biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Mấy người
đàn ông lạ mặt đó chính là hiệu trưởng và chủ nhiệm tuyển sinh của
Trường Trung học Số 1, họ muốn tới kí hợp đồng với bố mẹ cô. Mấy năm gần đây, ba trường trung học nổi tiếng nhất trong thành phố không ngừng
tranh giành nhân tài. Để có được những mầm non ưu tú, trước kì thi vào
cấp ba, họ đã tới một số trường cấp hai ở huyện dưới ngầm khảo sát, cảm
thấy một vài học sinh có tiền đồ, sẽ cử người tới kí hợp đồng với bố mẹ
những học sinh ấy, bất luận về sau thành tích thi cấp ba ra sao cũng sẽ
vào trường đó học, miễn toàn bộ tiền học ba năm, hơn nữa còn được vào
thẳng lớp xuất sắc nhất. Những đứa trẻ được nhìn trúng này đều được coi
là người có tiền đô thênh thang. Nhưng bố cô từ chối, lí do là ông hoàn
toàn không định để cô tiếp tục đi học. Tiền học cấp ba được miễn phí thì sao chứ? Ba năm ấy hoàn toàn có thể bắt cô ra ngoài làm việc kiếm tiền. Huống hồ học xong cấp ba, nhất định sẽ vào đại học, bố cô không muốn
chu cấp cho cô học đại học, rõ ràng là lãng phí.
Ngày hôm sau,
Nhiếp Sơ Ngữ đã thấy những người trong thôn nhìn mình bằng ánh mắt
thương hại. Cô thừa nhận mình có chút oán trách, không phải vì ánh mắt
của bao người mà vì cơ hội tại Trường Trung học Số 1 kia. Mọi người đều
biết, thủ khoa cấp ba chỉ xuất hiện ở những Trường Số 1, Số 2, Số 3, mà
chất lượng dạy học ở Trường Số 1 cũng được công nhận là hàng đầu. Đối
với người dân thành phố này mà nói, Trường Số 1 tồn tại như một vị thần. Trong lòng Nhiếp Sơ Ngữ, nó cũng rất thần thánh. Với cô, Trường Số 1 ở
huyện là khá rồi, chính là ngôi trường cô giáo Hà theo học, nhưng cô
giáo Hà từng nói, Trường Số 1 trên tỉnh không biết còn tốt hơn dưới
huyện bao nhiêu lần.
Cô đã bỏ lỡ lời chào mời từ Trường Số 1 của
tỉnh mà bản thân không hề hay biết. Tâm trạng cô không vui nhưng chẳng
ai quan tâm. Mẹ ngày nào cũng chỉ bận rộn trồng trọt, nhổ cỏ, gieo mầm,
đào đất, mãi mãi làm nghề nông. Bố cũng không khác mẹ là mấy, ánh mắt họ chỉ tập trung vào em trai, dường như chỉ cần cô ổn là mọi việc đều ổn.
Tốt nghiệp cấp hai, Nhiếp Thụ Toàn bắt đầu nhờ người tìm việc cho Nhiếp Sơ
Ngữ, mong cô sớm ngày ra ngoài xã hội, kiếm tiền trợ giúp gia đình.
Chính cô giáo Hà đã đích thân tìm tới nhà, bắt đầu thương lượng với
Nhiếp Thụ Toàn. Cô giáo Hà không chỉ tình nguyện gánh vác mọi khoản phí
để Nhiếp Sơ Ngữ học cấp ba mà còn chấp nhận hằng tháng gửi cho Nhiếp Thụ Toàn năm trăm đồng chi tiêu, lúc ấy Nhiếp Thụ Toàn mới miễn cưỡng đồng
ý.
Hôm đó, Nhiếp Sơ Ngữ ngồi trong phòng mình, nghe họ bàn chuyện bên ngoài. Cuối cùng sau khi bố cô chấp nhận, cô giáo Hà mới gõ cửa
phòng cô.
“Sơ Ngữ, em có thể tiếp tục đi học rồi.” Một nụ cười
hiền từ ánh lên trên gương mặt cô giáo Hà. Cô ấy đi tới vuốt mái tóc
Nhiếp Sơ Ngữ, đồng tác dịu dàng tới khó tin.
“Cô giáo Hà, em cảm
ơn cô, thực sự cảm ơn cô…” Cô ôm chặt lấy cô giáo Hà. Ngoài câu này
ra, dường như cô chẳng nói được gì. Đối với cô giáo Hà, cô không chỉ cảm kích đơn thuần. Lúc ấy lương của cô giáo Hà vốn không cao, con trai cô
ấy mới chỉ một tuổi. Hơn nữa cô giáo Hà còn mua một căn nhà trong thị
trấn, tháng nào cũng phải thanh toán tiền trả góp. Cô biết năm trăm đồng mà cô Hà bỏ ra có ý nghĩa thế nào.
Giây phút ấy Nhiếp Sơ Ngữ
phấn khích không sao tả xiết. Cô không chỉ khích lệ bản thân sau này
phải nỗ lực học hành mà còn tự nhủ sẽ kiếm rất nhiều, rất nhiều tiền để
báo đáp tất cả những gì cô giáo Hà đã làm vì mình.
Chẳng mấy
chốc, Nhiếp Sơ Ngữ đã vào cấp ba. Cô học tại ngôi trường trước đây cô
giáo Hà đã học, Trường Số 1 của huyện. Cứ cuối tuần, cô giáo Hà lại bảo
cô đến nhà, cùng cô ấy ra ngoài tản bộ, hai người giống như hai mẹ con
vậy.
Hơn hai năm cấp ba là quãng thời gian hạnh phúc nhất của
Nhiếp Sơ Ngữ. Cho tới một ngày, giáo viên bắt đầu đăng kí cho học sinh
thi đại học, khoảnh khắc đó Nhiếp Sơ Ngữ mới tuyệt vọng thật sự.
Đăng kí thi đại học cần đến chứng minh thư hoặc số hộ khẩu nhưng Nhiếp Sơ
Ngữ không có. Năm ấy sau khi Ngô Thục Lan sinh Nhiếp Sơ Ngữ, Nhiếp Thụ
Toàn cực kì không vui, định thẳng thừng tống cổ đi nhưng Ngô Thục Lan
khóc lóc không chịu, cuối cùng đành giữ Nhiếp Sơ Ngữ lại. Chỉ có điều,
Nhiếp Thụ Toàn quyết không cho Nhiếp Sơ Ngữ vào sổ hộ khẩu. Vì nếu làm
vậy, đến khi có thêm một đứa con nữa sẽ bị phạt. Vì thế tới tận bây giờ
Nhiếp Sơ Ngữ vẫn chưa có tên trong sổ hộ khẩu, thế mà Nhiếp Sơ Nhân vừa
mới sinh ra đã có.
Đăng kí thi đại học mà không có hộ khẩu thì
tuyệt đối không được. Lần đầu tiên Nhiếp Sơ Ngữ cảm thấy tuyệt vọng với
cuộc đời mình. Cô chủ động nghỉ học, mặc thầy cô có khuyên nhủ kiểu gì
cũng không thay đổi ý định. Thậm chí cô chẳng còn mặt mũi nào đi gặp cô
giáo Hà nữa vì đã nỗ lực tới tận bây giờ mà cô vẫn lựa chọn từ bỏ, không kiên trì như cô giáo Hà năm ấy. Cô biết, chồng cô giáo Hà đã rất khó
chịu với việc tháng nào cũng phải đưa cho gia đình cô năm trăm đồng. Nếu cô nói cho cô ấy biết chuyện của mình, chưa biết chừng cô ấy lại tình
nguyện bỏ ra thêm ít tiền nữa để cô được có hộ khẩu, vậy thì sẽ càng
khiến vợ chồng họ mâu thuẫn hơn.Vì cô, họ đã cãi vã rất nhiều lần rồi,
đây cũng là nguyên do sau này cô không tới nhà cô giáo Hà nữa, cô không
muốn cô ấy khó xử.
Nhiếp Sơ Ngữ trở về nhà, bố cô nhìn thấy bèn
lạnh nhạt hừ một tiếng: “Chẳng phải mày muốn đi học sao? Cuối cùng vẫn
quay về, tốn thời gian vô ích. Mày nhìn xem, bạn tiểu học của mày bắt
đầu kiếm tiền rồi, mỗi tháng được mấy ngàn đấy… Tao biết ngay là nuôi
mày như nuôi ong tay áo, mày nói đi, hai năm nay mày lãng phí bao nhiêu
tiền? Học hành thì được gì, đằng nào mày chả lấy chồng, ích cái con
khỉ!”
Nhiếp Sơ Ngữ trầm mặc ngồi một bên, mẹ cô cũng ngồi một
bên, hết nhìn cô rồi lại nhìn chồng, chẳng nói năng gì. Nhiếp Sơ Ngữ
nhìn qua phía kia, thấy em trai đang nghịch di động, hình như chơi rất
vui vẻ. Bố trong ấn tượng của cô lúc nào cũng chỉ cho em trai được gắp
thịt, nó cũng được thoải mái hưởng thụ mọi thứ, chưa bao giờ ông thèm
liếc mắt nhìn cô lấy một cái. Trước đây đã vậy, bây giờ vẫn vậy. Cô bỗng dưng bật cười, chẳng hiểu vì sao.