Đọc truyện Pháo Đài Số – Chương 31
Susan quay trở lại Node 3. Cuộc trò chuyện với Strathmore làm cô cảm thấy mỗi lúc một lo lắng cho sự an toàn của David. Những suy nghĩ vu vơ làm cô cảm thấy rất bất an.
Ái chà, ông Strathmore muốn gì đấy? Chắc là một buổi tối lãng mạn với cô nhân viên xuất sắc nhất của mình rồi, đúng không nào?
Susan bỏ ngoài tai lời bình phẩm đó của Hale và ngồi xuống bên cạnh chiếc máy vi tính của mình. Cô nhập mật khấu và chiếc màn hình sáng trở lại. Chương trình tìm kiếm Tracer đã hiện ra, vẫn chưa có thông tin gì về North Dakota.
– Chán quá, Susan nghĩ, sao lại lâu thế nhỉ?
– Sao bực bội thế – Hale giả vờ ngây ngô – Chương trình chẩn đoán có trục trặc à?
Không có gì – Susan trả lời, nhưng cô hoàn toàn không chắc chắn một chút nào, rõ ràng là Tracer chạy quá chậm. Cô tự hỏi không biết mình có mắc lỗi nào khi viết chương trình này không.
Susan đưa mắt dọc theo những dòng lệnh của ngôn ngữ lập trình UMBO đang hiện trên màn hình, cố tìm xem có thấy gì bất ổn không Hale lén lút để ý xem cô đang làm gì.
– Này, tôi muốn hỏi… – anh ta thăm dò – Liệu cô có biết gì về thuật toán không có thuật giải mà Ensei Tankado nói rằng anh ấy đang viết không?
Giật mình, Susan ngước lên hỏi lại:
– Thuật toán không có thuật giải – Cô nói dối – À, tôi nghĩ là đã nghe thấy ở đâu đó rồi.
– Một điều không tưởng đúng không?
Susan tự hỏi tại sao tự nhiên Hale lại đề cập đến chuyện này.
– Ai cũng biết một thuật toán không có thuật giải là điều không thể có thật trên đời.
Hale cười:
– À ừ…Theo định lý Bergofsky chứ gì.
– Đó là điều hiển nhiên – cô đáp lời.
– Ai mà biết được… – Hale thở dài – Cả thiên đàng làm đều phức tạp hơn ta tưởng!
– Anh nói gì vậy?
– Trích Shakespeare – Hale đáp – Kịch Hamlet đấy!
– Lúc ngồi tù chắc anh đọc không ít nhỉ?
Hale cười khừng khục:
– Nghiêm tức nhé Susan, cô có bao giờ nghĩ chuyện đó là thật không? Có thể Tankado đúng là đã viết ra một thuật toán không có thuật giải lắm chứ.
Susan có vẻ cảm thấy hơi bí trước những lời này:
– À, chúng ta còn không thể làm được việc đó nữa là?
– Biết đâu Tankado giỏi hơn chúng ta thì sao?
– Ừ cũng không thể – Susan nhún vai giả bộ không quan tâm.
– Chúng tôi ngày trước hay viết thư cho nhau lắm – Hale nói có vẻ vu vơ – Takando và tôi, cô biết chứ?
Susan ngước lên, cô cố gắng che giấu sự kinh ngạc của mình.
– Thế hả?
– Ừ, sau khi tôi giải mã được thuật toán Skipjack, anh ta có viết thư cho tôi, anh ta nói thế này: “Chúng ta là những chiến hữu trong trận tuyến duy trì tính bảo mật trong thế giới kỹ thuật số“.
Suýt nữa Susan không giấu nổi vẻ ngờ vực của mình. Hale có quan hệ cá nhân với Tankado! Cô cố hết sức tỏ vẻ không quan tâm.
Hale nói tiếp:
– Anh ta chúc mừng tôi vì đã chứng minh được Skipjack có lỗ hổng – anh ta cho rằng đó là một chiến công phi thường củng cố quyền lợi bảo mật của người dân trên toàn thế giới. Cô cũng sẽ thừa nhận điều đó đúng không Susan? Kẽ hở của Skipjack thực ra là một trò ba que xỏ lá.
– Có kẻ nào đó muốn đọc thư điện tử của cả thế giới này ư?
– Nếu cô hỏi thì tôi sẽ nói thẳng, Strathmore đáng bị tống vào tù.
– Greg! – Susan bất chợt lên tiếng giận dữ – Anh nên biết kẽ hở đó tồn tại là vì nó giúp NSA có thể giải mã những bức thư điện tử có khả năng đe doạ an ninh của đất nước này.
– Vậy à? – Hale thở dài rồi ra vẻ ngây thơ hỏi lại – Vậy chuyện nhúng mũi vào những thông tin cá nhân của người khác chỉ là việc tình cờ thôi sao?
– Chúng ta không động chạm gì vào thông tin cá nhân của người khác, chắc anh biết rõ điều đó. Như bên FBI chẳng hạn, họ có thể nghe trộm điện thoại, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã nghe hết tất cả các cuộc gọi của người dân.
– Nếu họ có đủ người, tôi dám chắc họ sẽ không từ chối đâu.
Susan bỏ qua lời bình phẩm đó.
– Mọi chính phủ đều được quyền thu thập những thông tin có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của số đông công dân của mình.
– Lạy chúa! – Hale thở dài – Hình như cô bị Strathmore tẩy não thực sự rồi. Cô thừa biết ngay cả FBI cũng không thể thích nghe trộm cái gì thì nghe, họ cần phải có giấy phép. Nhưng một hệ thống mã hoá có lỗ hổng sẽ đồng nghĩa với việc NSA có thể nghe trộm bất cứ ai, bất cứ lúc nào và bất cứ chỗ nào mà họ muốn.
– Đúng, và nên như thế – Giọng nói của Susan trở nên gay gắt – Nếu như không phải anh tiết lộ lỗ hổng của Skipjack thì chúng ta đã có thể giải mã được mọi thứ rồi, đâu phải dựa vào TRANSLRT như bây giờ.
– Nếu như tôi không tìm được lỗ hổng – Hale biện minh – thì ai đó khác cũng sẽ tìm ra, việc tôi tiết lộ chuyện đó cũng chỉ vì không muốn mọi người tiếp tục sai lầm mà thôi. Cô đã bao giờ nghĩ xem hậu quả sẽ ra sao nếu tin tức đó lọt ra ngoài khi Skipjack đã được tung ra thị trường chưa?
– Đằng nào cũng thế thôi! – Susan đáp trả – Bây giờ chúng ta đang bị một lũ hoang tưởng EFF nào đó chỉ trích là cố tình tạo ra các kẽ hở trong tất cả các thuật toán mà chúng ta viết ra.
Hale hỏi lại một cách tự mãn:
– À, thế sự thực không phải vậy sao?
Susan nhìn anh ta lạnh lùng.
– Này! – anh ta thêm vào – cô đã chế tạo TRANSLTR, bây giờ chẳng phải cô đã có được một nguồn thông tin vô tận sao? Cô có thể đọc được bất cứ thứ gì tại bất cứ thời điểm nào cô muốn mà không sợ kẻ nào thọc mạch. Cô thắng rồi còn gì nữa.
– Anh phải nói là chúng ta đã thắng chứ. Tôi vừa nghe anh nói rằng anh cũng là người của NSA mà.
– Không lâu nữa đâu! – Hale nói nhỏ nhẹ.
– Ôi, nói trước bước không qua đâu! – Susan nói kháy.
– Tôi nói thật đấy. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ đi khỏi chỗ này.
– Thế cơ à.
Lúc này, Susan chỉ muốn nguyền rủa Hale về tất cả mọi chuyện không hay đã xảy ra, từ chuyện về Pháo Đài Số cho đến những vấn đề giữa cô và David rồi cả chuyện cô nhỡ chuyến đi đến Smokys, nhưng tất cả rõ ràng đâu phải lỗi của anh ta. Lỗi duy nhất của Hale là anh ta thực đáng ghét. Susan thấy mình cần phải bao dung độ lượng hơn. Là trưởng nhóm, cô cần duy trì được mối quan hệ và phải biết cách dẫn đạo người khác, đúng là Hale còn trẻ và quá ngây ngô.
Susan nhìn Hale, thật đáng tiếc, cô nghĩ. Rõ ràng Hale là một nhân tài tại Crypto, thế mà anh ta lại không thông suốt được những sứ mạng quan trọng mà NSA phải gánh vác.
– Greg này! – cô nói giọng đã nhẹ nhàng và điềm tĩnh trở lại. Hôm nay hình như tôi hơi căng thẳng một chút, vừa rồi tôi rất buồn khi nghe anh nói về NSA cứ như thể chúng ta là những kẻ chuyên sử dụng công nghệ cao để làm trò tồi tệ. Tổ chức của chúng ta được thành lập ra với một mục đích mà tôi nghĩ anh cũng biết đó là bảo vệ an ninh quốc gia. Công việc của chúng ta rõ ràng sẽ có lúc phải soi xét người này người kia, can thiệp vào những thông tin cá nhân của họ. Nhưng tôi nghĩ đa số người dân sẽ tán thành việc chấp nhận hy sinh một vài sự riêng tư nho nhỏ để tránh lọt lưới những thông tin nguy hiểm.
Hale im lặng.
– Sẽ có những lúc – Susan tiếp tục – những người dân của cái đất nước này cảm thấy họ cần phải đặt niềm tin của họ vào một nơi nào đó. Rõ ràng xã hội của chúng ta đa số là người tốt, nhưng anh cũng sẽ thấy không ít kẻ xấu lẩn khuất đâu đó. Phải có ai đó hiểu rõ được điều này và đứng ra gánh vác công việc tách bạch giữa cái xấu và cái tốt. Đó là nhiệm vụ của chúng ta, đó là trách nhiệm của chúng ta. Dù muốn hay không, chúng ta luôn phải thừa nhận một điều là chỉ có một ranh giới rất mong manh giữa tình trạng dân chủ và sự vô chính phủ, và chính NSA sẽ đóng vai trò như một giám sát viên đứng ở giữa ranh giới đó và đảm bảo sự tồn tại của ranh giới đó.
Hale gật đầu vẻ rất trầm tư.
– Quis custodiet ipsos custodies?
Susan bối rối.
– Tiếng La tinh đấy! – Hale tiếp lời – Có nghĩa là: Ai sẽ giám sát những giám sát viên đó?
– Tôi không hiểu? – Susan nói – Thế nghĩa là sao?
– Vâng, thế này nhé, chúng ta tự nhận mình là những người bảo vệ xã hội trước những kẻ nguy hiểm, vậy thì ai sẽ là người giám sát chúng ta và đảm bảo rằng chính chúng ta sẽ không trở thành những kẻ nguy hiểm?
Susan gật đầu, không biết nên trả lời ra sao.
Hale mỉm cười:
– Đó là câu nói mà Takando thường viết trong những bức thư anh ta gửi cho tôi. Đây là câu nói mà anh ta rất thích.