Phán Quan - Mộc Tô Lí

Chương 107


Đọc truyện Phán Quan – Mộc Tô Lí FULL – Chương 107


Những tháng ngày sống trên núi Tùng Vân rất là tốt lành, anh mà muốn gặp Trần Bất Đáo thì luôn có thể trông thấy người nọ.
Đôi lúc, Văn Thời luyện công và xoay đầu khi cảm thấy mệt mỏi, Trần Bất Đáo kiểu gì cũng sẽ khoanh tay dựa cửa nhìn anh, sau đó hướng mặt vô nhà và nói: “Lão Mao đã sắc thuốc gân cốt tùng, tới ngâm rồi nghỉ một lát đi.”
“Ta không mệt.” Anh cứ luôn trả lời như vậy, nhưng chân lại bất giác bước về phía ngôi nhà.
Đợi đến lúc anh đi tới trước mặt, Trần Bất Đáo sẽ mở bàn tay ra và bảo rằng: “Tay đâu, đưa ta coi thử.”
Anh hơi chần chờ rồi vẫn đưa bàn tay sang.
Ngón cái của Trần Bất Đáo bóp lên huyệt vị, mãi sau anh mới nhận ra cảm giác đau nhức đang lan ra từ giữa xương cốt của mình.
“Đốt ngón tay thì đã cứng ngắc, miệng mồm hãy còn ngay đơ, mỏ chim của Kim sí Đại bàng cũng không sánh bằng con đâu.” Trần Bất Đáo ngước mắt nhìn anh một cái.
Văn Thời lặng lẽ nhúc nhích bờ môi.
“Lại lẩm bẩm nói xấu ta gì đấy?” Trần Bất Đáo cười lên.
Văn Thời nhìn nụ cười nọ mà sững sờ một hồi, mắt nhìn sang chỗ khác, đôi môi buông lời rằng: “Nói chim, không có nói ngươi.”
Kim sí Đại bàng thì sẽ vỗ cánh mổ về phía cánh cửa.

Có khi, mưa sẽ rơi trên núi một cách vô cớ.
Vận may của Văn Thời thì lại vô cùng hỏng bét.

Mỗi lần trời mưa, anh toàn đang đi trên đường núi giữa sườn dốc, ngặt nỗi lại là đoạn dài và hoang vu nhất, ngay cả một nơi để tạm lánh cũng chẳng có.
Tiếng mưa rơi trên núi Tùng Vân nghe xào xạc, rất lớn.

Giọng nói của Trần Bất Đáo bị át hơn phân nửa, mơ hồ không rõ.
Văn Thời bao giờ cũng nhìn chiếc ô giấy dầu trên đầu trước, rồi mới ngoái đầu nhìn Trần Bất Đáo.
“Ai đã phạt con mà con lại giả bộ làm quỷ nước hù dọa người khác thế?” Trần Bất Đáo nói.
Hắn vừa về núi, nhưng lại không có chút vẻ phong trần mỏi mệt nào, ngay cả ống tay áo cũng chẳng hề bị ướt.

Nếu so ra, Văn Thời trông khá là nhếch nhác.
Trần Bất Đáo đưa khăn cho anh, Văn Thời nhận lấy rồi đi theo lên đỉnh núi.
Đường núi chật hẹp, họ lại dùng chung một chiếc ô, bả vai và cánh tay luôn chạm vào nhau.
Văn Thời chùi mặt đi hai bước, mở miệng hỏi nhưng không ngẩng đầu lên: “Không phải hai ngày nữa mới về à?”
Trần Bất Đáo nhíu mày nhìn anh một cái: “Con nghe được điều đó từ đâu?”
Văn Thời không hé răng.
Trần Bất Đáo: “Lại là cu thầy bói gà mờ nào tính ra rồi nói con nghe đấy?”
Bản thân ‘cu thầy bói gà mờ’: “…”
“Con chỉ học được mỗi một điều này lúc tụm lại với Bốc Ninh thôi nhỉ.”
“Không có.”
“Thật vậy chăng? Để lát nữa ta hỏi nó thử coi sao.” Trần Bất Đáo nói nửa thật không giả: “Bây giờ con cản vẫn còn kịp đó.”
Văn Thời xụ mặt, lạnh lùng đáp rằng: “Ai muốn cản ngươi.”
Ít lâu sau, anh lại cứng rắn thốt ra một câu: “Cản bằng cách nào?”

Trần Bất Đáo cười suốt một hồi lâu.
Trong lúc hắn cười, Văn Thời thoáng nhìn lên đỉnh núi, trông thấy trăng khuyết tan vào trong mưa, treo lủng lẳng ở nơi chân trời xa vời khôn xiết.

Thời điểm rét nhất trên núi, các ngôi nhà tọa lạc ở đỉnh và sườn núi đều rất ấm áp.
Đại Tiểu Triệu thường chuẩn bị lò than trong nhà, hai cô càng thích hái hoa quả và lấy nhựa thông mang vào nhà Trần Bất Đáo rồi bỏ hết vào lò, có thể đốt tỏa ra một mùi thơm đặc biệt của núi rừng.
Lúc không cần phải luyện công hoặc vào lồng, hai cô cũng thích tóm cổ Văn Thời đưa vô nhà.
Văn Thời biết tất cả mọi thứ, hầu như luôn học từ Trần Bất Đáo —— chữ, vẽ với cả đánh cờ.
Anh học hai thứ đầu rất giỏi, dư sức xuống núi để dọa người.

Chỉ có cái cuối cùng, anh học kiểu nào thì cuối cùng luôn rơi vào nước cờ dở.
So ra, Bốc Ninh, Chung Tư và Trang Dã đều lợi hại hơn nhiều.

Nhất là Bốc Ninh và Chung Tư, chẳng những tài đánh cờ không tồi mà còn chơi cực hay nữa.
Trần Bất Đáo cứ rảnh thì sẽ tìm người đến đánh cờ, người biết thì không chọn, luôn chọn một đứa chơi dở là anh.
Văn Thời cam tâm tình nguyện nhưng lại không vui vẻ gì, vì anh mà chơi cờ thì sẽ dễ mệt đến chỉ muốn ngủ thôi.
Hôm đó, anh lại đánh cờ ở chỗ của Trần Bất Đáo.
Ngoài trời trút tuyết lớn, khắp nơi trắng xóa, làn khói khói vương hương tùng lượn lờ trong nhà.

Văn Thời cầm một quân cờ nhỏ trong tay, lúc đợi chiêu thì nửa cụp mắt, nhìn ngón tay nhặt quân cờ của Trần Bất Đáo, bỗng mơ màng chớp mắt một cái.
Anh đang buồn ngủ đến mất tập trung, thì nghe có người gọi mình bằng một giọng điệu mà người nọ chưa sử dụng bao giờ: “Văn Thời.”
Mà anh chỉ mới nghe thấy tiếng gọi này thôi mà đã khó chịu đến chẳng khác gì bị ai đó rút sạch linh tướng, chỉ còn dư lại một thân xác lẻ loi trơ trọi.
Con tim của Văn Thời trễ một nhịp, mở mắt ra trong tích tắc.
Cảm xúc khó chịu ấy cứ kề cà không chịu dịu xuống, rất lâu sau, anh mới giật mình hoàn hồn, nghe Trần Bất Đáo hỏi mình: “Con sao vậy?”
Văn Thời khẽ lắc đầu.
“Lúc ta không ở trong núi, con lại thức canh bao nhiêu đêm rồi? Buồn ngủ đến chảy cả nước mắt rồi kìa.” Trần Bất Đáo chỉ về phía giường: “Đến đó nằm một chút đi.”
“Ta không buồn ngủ.” Văn Thời nói.
Anh nhìn chằm chằm Trần Bất Đáo thật lâu, mới trầm giọng lặp lại: “Không muốn ngủ.”
Ta không muốn nhắm mắt ngủ.

Trạng thái này của Văn Thời cứ tiếp tục dài dai dẳng, mà thời gian trên núi lại trôi qua rất nhanh, đôi lúc như thể chỉ trong một khoảnh khắc xoay người thì đã đổi sang mùa khác.
Mãi đến một hôm nọ, Chung Tư hiếm khi đứng đắn hỏi anh một câu: “Này tiểu sư đệ, đệ bị làm sao vậy?”
Thực ra, y chẳng lớn hơn Văn Thời bao nhiêu, chắc vài tháng cũng không đủ, nhưng cứ thích gọi như thế.

Không chỉ là với Văn Thời, mà y cũng luôn mồm kêu Bốc Ninh lẫn lộn là ‘tiểu sư huynh’, ‘sư huynh mọt sách’ và ‘thần bói’.

Ngay cả Trang Dã, y cũng gọi trêu theo biệt danh là ‘sư huynh được được’.
Đó chắc hẳn là đêm trước năm mới, Đại Tiểu Triệu bắt chước cách ăn dưới núi, nấu canh đậm đặc, xào mấy thứ trên núi, đựng trong nồi đồng.

Các sư huynh đệ ngồi thành vòng tròn, vừa ăn vừa tán gẫu vô bờ bến.
Họ thường tới lui giữa thế gian, từng thấy quen biết bao điều.

Do đó, mỗi lần nói chuyện phiếm, một đề tài mà họ luôn tránh đó chính là ‘sống chết’, khi thì trò chuyện nghiêm túc, khi thì chỉ nói về vài điều từng trải của nhau mà thôi.
Hôm đó không biết vì lẽ gì mà lại nhắc đến luân hồi, đại sư huynh Trang Dã bèn kể về một chuyện mà hắn gặp phải ở một nơi nào đó tại Tây Nam.
Hắn nói nơi đó có một cái thôn, người trong thôn thờ một lời đồn đại, rằng lúc người ta sắp qua đời, nếu có gì mà họ thực sự không buông bỏ được, thì cứ để thứ họ đeo hoặc đồ họ mặc đi cùng với họ, quấn chặt chúng lại bằng bông vải và sợi gai rồi chôn ở nơi cách phần mộ ba trượng.

Cứ thế, đợi đến khi luân hồi rồi đầu thai kiếp khác, họ vẫn có thể sớm gặp lại nhau.
Các cặp vợ chồng cùng với những người thân thương nhất ấy thường sẽ làm như vậy.
“Ta lại cảm thấy nó có vẻ đã chịu sự ảnh hưởng của rối thuật.” Trang Dã bảo, “Truyền tai nhau riết rồi thì sẽ truyền bậy.”
Bốc Ninh lại nói rằng: “Cũng không hoàn toàn là vậy.”
“Sư đệ, đệ biết điều gì chăng?” Trang Dã đã quen với việc tỏ vẻ nghiêm túc, tán dóc mà cũng thường bày ra bộ dáng ‘rửa tai lắng nghe’.
“Đệ từng đọc được trong một quyển sách.” Bản thân Bốc Ninh chú trọng việc ăn không nói ngủ không bảo, thế nên đã sớm đặt bát đũa xuống, từ từ hơ khô tay bằng lửa lò, “Có phần không khớp với điều huynh nói, ừm…”
Hắn châm chước trong chốc lát rồi nói: “Hơi bất lành.

Không lấy vật luôn theo bên mình, mà phải là cốt nhục.”
“Cốt nhục?” Trang Dã ngẩn người, “Lấy lúc còn sống ư?”
“Lấy lúc còn sống.” Bốc Ninh gật đầu.
Trang Dã nhíu mày: “Vậy thì điều đó vượt qua sức chịu đựng của người rồi.”
“Đương nhiên, nếu không làm đến mức này, sao có thể nhớ kỹ sau khi tiến vào vòng luân hồi.” Bốc Ninh trả lời một câu, “Nhưng kiểu thuật khắc nghiệt này chỉ để đọc cho biết thôi, ít có ai sử dụng lắm.”
“Coi như hết, không biết thực giả còn phải chịu tội lớn, luân hồi cũng tốt, kiếp sau cũng được, chúng chỉ toàn là những câu từ phù phiếm mà thôi.” Chung Tư gác một tay lên cái chân đang cong lại, biếng nhác dựa ra sau để tiêu cơm: “Ai lại đặt cược vào những thứ mịt mờ này chứ.”
“Cách nhìn về vòng luân hồi của người dưới núi không giống chúng ta cho lắm.” Trang Dã lắc đầu, nói hơi bất đắc dĩ: “Huynh nghe họ lúc tranh chấp thì hở ra là không được siêu sinh, lúc tình cảm dạt dào thì lại luôn mồm bảo sẽ có kiếp sau.”
“Quả đúng là vậy.”
Đáy nồi đồng vẫn còn bám vào lò, lửa không lớn, vừa khéo có thể để cho canh ngon sôi nhẹ ùng ục.

Trên thực tế, đây là một đêm đông dễ chịu và rảnh rỗi, nhưng Văn Thời lại cảm thấy rất không thoải mái.
Anh cứ như có bệnh, bệnh nặng khó lành.

Thể xác thì trống không, trong tai như bị nhét bông gòn, nghe các sư huynh trò chuyện mà cũng không rõ lắm, chỉ có vài từ ngữ hết lần này đến lần khác cứ róc sống trái tim anh như có cuốn theo một đống gai rậm rạp.
Chung Tư kêu anh vài tiếng, rồi lại đưa tay đẩy anh một phát, nhờ đó anh mới chợt lấy lại tinh thần, ngước mắt nhìn sang.
“Huynh thấy mấy ngày nay đệ cứ im lìm không vui, còn hay mất tập trung nữa, có chuyện phiền toái gì hả?” Chung Tư hỏi.
Văn Thời lẳng lặng nhìn họ, chợt cũng không thấy rõ nét.
Sau ít lâu, anh khẽ chau mày, hàm hồ đáp rằng: “Không có gì.”
Chung Tư lại đưa bả vai ủi Văn Thời một cái: “Đệ đừng có câm như hến như thế mãi chứ, coi chừng huynh cũng cho đệ một biệt danh liền đấy.”
Trang Được Được bó tay lắc đầu.

Chung Tư cười há há, giơ ngón cái nói với Văn Thời: “Nè, biết đệ như vầy rồi, nhưng có phiền phức thì cũng đừng luôn giữ trong lòng, nói ra để sư huynh nghĩ kế cho đệ nhé.”
Bốc Ninh nghe vậy thì tỏ vẻ ‘huynh đủ rồi đó’, nói hơi đau đầu: “Huynh đừng gây họ thì đệ đã cám ơn trời đất rồi, tự nghĩ về vết sẹo của huynh đi.”
“Lần trước là ngoài ý muốn thôi.” Chung Tư sờ chỗ đó trên cần cổ một cách không hề nghiêm túc, sau đó buông lời vô tình: “Con người mà, thỉnh thoảng sơ xuất thôi, sao lại có thể quay ngược về khi đó được.”
Văn Thời mượn nhờ ánh lửa trên bàn để nhìn thử cần cổ của Chung Tư, chỗ đó đúng là có một vết sẹo dài, vừa kết vảy, vừa nhìn đã biết là mới bị cách đây không lâu.
Nhưng ấy thế mà anh lại không nhớ ra vết sẹo đó từ đâu ra.
Bốc Ninh và Trang Dã đều có vẻ tỏ tường, chỉ có mình anh là không nhớ nổi Chung Tư mà mình thấy hôm qua có vết sẹo này hay chăng.

Anh còn… chẳng nhớ được hôm qua trông ra sao.
Anh cũng nhớ không nổi vì sao Đại Tiểu Triệu nấu nguyên nồi thức ăn nóng hổi như thế này mà hai cô và Trần Bất Đáo nhưng lại chẳng thấy đâu.
Hệt như là… mọi cảnh tượng đều được dàn dựng xong xuôi, không có nguyên nhân và cũng không có hậu quả, hết thảy đều hợp tình hợp lý.

Mà anh lại chọc thấu trích đoạn phân mảnh và mơ màng sống qua ngày.
Keng ——
Bát bị đụng rơi xuống đất, nước canh nóng hầm hập giội hết lên tay.

Văn Thời nhìn chằm chằm ngón tay vẫn tái nhợt của mình thật lâu.

Trước khi Bốc Ninh bọn họ kịp phản ứng, anh bỗng dưng đứng dậy, bỏ lại một câu “Ta về phòng trước đây” rồi vội vàng ra ngoài.
Đường núi rất dài, anh gần như bay thẳng lên trên.
Đèn đuốc trong nhà của Trần Bất Đáo còn được thắp, tia sáng mờ nhạt in bóng người nọ trên cửa.
Hắn đang ở đây.
Văn Thời tự nhủ.
Hắn đang ngồi trong phòng, giống như mỗi đêm mọi ngày.

Chỉ cần muốn gặp, anh cứ đẩy cửa vào là có thể thấy ngay, thấy hắn tựa lên thành giường và lật sách, hoặc là tựa đầu len tay xếp bàn cờ.
Hắn sẽ giữ mãi dáng vẻ này, râu tóc không tổn hao gì cả.
Năm tháng trong núi kéo dài đằng đẵng, rõ ràng là họ vẫn còn vô số xuân hạ thu đông liên tục thay phiên.
Rõ ràng là họ vẫn còn rất nhiều năm nữa.
Văn Thời giơ tay lên, muốn đẩy cửa ra nhìn người trong nhà một chút…
Nhưng cuối cùng, anh vẫn khựng lại giữa đường.
Lộ trình từ sườn núi đến đỉnh núi chỉ tốn vỏn vẹn một nháy mắt đối với anh.

Nhưng giờ phút này, anh lại cảm thấy kiệt sức, như thể anh đã đi thật lâu trên một con đường xa tít, tốn hết không biết bao nhiêu sinh lực mới có thể đứng trước cánh cửa này.
Anh khoanh tay cúi đầu, mím môi thật chặt hít vào một hơi.

Song lúc khép lại đôi mắt, anh nghe tim mình đập mạnh một tiếng, chộp siết ngũ tạng lục phủ và mang đến một nỗi đau đột ngột.
“Văn Thời…” Anh lại nghe có người gọi mình.
Đó là giọng của Trần Bất Đáo.
Nhưng mà lạ lắm, Trần Bất rành rành đang yên vị trong nhà cách mình một cánh cửa, vậy thì vì sao giọng nói này lại văng vẳng.

Hơn nữa, vì sao lúc nghe thấy tiếng gọi ‘Văn Thời’ kia, anh lại khó chịu đến không nhịn được mà khom người.
“Văn Thời…”
Ừm.

“Văn Thời, đừng ngoảnh đầu lại.”
Ta không có ngoảnh đầu lại.
“Đừng khóc.”
Ta không có khóc.
Ta không có khóc…
Vì sao phải khóc?
Anh siết chặt tay, cắn khít hàm răng, trong lòng ngập tràn mùi máu.

Chỉ đứng thẳng người thôi mà cứ như tốn hết toàn bộ sức lực.

Trước mắt thì choáng váng, trái tim càng đập càng nặng.
Đến phút cuối, dường như cả ngọn núi Tùng Vân cũng chấn động theo.
Nhưng Văn Thời không cảm nhận được.
Anh cứ như một người sắp chết với hiệu quả thuốc mê đang dần lui đi, tất cả sự thống khổ đều đang thức tỉnh và khôi phục, ăn dần ăn mòn xuôi theo xương cốt và da thịt rồi nuốt chửng lấy anh.
Anh hầu như không cảm giác được điều gì, chỉ có thể nghe thấy người nọ gọi mình bằng tông giọng trầm ấm lần này rồi đến lần khác: “Văn Thời.”
Văn Thời…
Văn Thời.
Anh xoay đầu và nhìn xuyên thấu tầm mắt hoàn toàn lờ mờ ra ngoài ngọn núi.
Trước đó khi ở sườn núi, Bốc Ninh từng nói một câu, mười sáu tháng chạp, qua ít bữa nữa thì sẽ là ngày tết ông Táo, người dưới núi sẽ phải thả đèn cúng thần tiên.
Nhưng vầng trăng lưỡi liềm trông tựa móc câu màu bạc kia lại vẫn lơ lửng đằng chân trời.
Văn Thời nhìn trăng khuyết không chớp mắt, đứng thẳng tắp ở đó.
Mãi đến khi cánh cửa nhà kế bên mình bị đẩy ra một tiếng ‘kẹt’, bước chân sàn sạt dừng lại bên cạnh.
Phút chốc ấy rất là yên tĩnh, ngay cả ngọn gió cũng tạm ngừng, lặng thinh cứ như một đêm dài thường có nhất trên núi Tùng Vân.

Sau đó, Văn Thời nhắm mắt lại, nuốt mùi máu vơi đầy trong miệng xuống, khàn giọng nói: “Trần Bất Đáo…”
“Vì sao mặt trăng ở đây cứ không tròn gì hết vậy.”
Vì sao anh không biết xuân thu, không biết đông hạ.
Vì sao anh thường thoắt thì đang ở trên đỉnh núi, thoắt thì lại xuống tới chân núi.
Vì sao anh luôn không nhớ rõ có chuyện gì đã xảy ra vào hôm qua, cũng không biết mình phải làm gì vào ngày mai.
Vì sao anh lại không dám nhắm mắt và cứ ngồi trên ngọn cây suốt cả đêm…
Mà anh đã nhìn lâu đến vậy rồi, vì sao vầng trăng nọ lại chưa từng tròn.
Mọi thứ đều là…
Giả ư?
Mà khi suy nghĩ này rốt cuộc cũng trỗi dậy…
Trong lồng, sông núi vỡ bờ, núi đá sụp đổ, đất trời cùng nát tan.
Có người từng nói với anh, rằng khoảnh khắc chủ lồng tỉnh ngộ, đó chắc là quá trình đau đớn và xót xa nhất trên đời này.
Anh nghe thì hiểu đó, nhưng thể ngộ không sâu, cho tới giây phút cuối cùng này rồi thì mới ngộ ra.
Quá khứ ở núi Tùng Vân của anh là một quyển sách không hề dày cộm, lác đác chắc cũng tầm trăm trang, anh lật qua lật lại không biết bao nhiêu lần rồi gom thành một giấc mộng hoàng lương này.
(*) giấc mộng hoàng lương: ý chỉ một mộng tưởng đẹp, ngắn ngủi, thế nhưng lại là viển vông, không thể thực hiện được.
Mà anh rốt cuộc vẫn phải tự tay phá vỡ tất cả mọi thứ này.
HẾT CHƯƠNG 107 („• ֊ •„).


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.