Oxford thương yêu

Chương 3: Mùa đông cô đơn


Bạn đang đọc Oxford thương yêu – Chương 3: Mùa đông cô đơn

Sau sự kiện “đau lòng” đó, Kim luôn tự hỏi “Tại sao và tại sao?”. Vì cớ gì Fernando lại hết lòng vì cô đến thế? Chẳng phải anh yêu đương hay muốn tán tỉnh gì. Kim cũng từng được nhiều đối tượng đeo đuổi nhưng chưa có nhân vật nào quái chiêu như vậy. 
Ở Việt Nam, người ta ca ngợi, khen tặng, ngưỡng mộ Kim bao nhiêu, ở đây Fernando không tiếc lời la lối, xỉ vả, mạt sát, lăng nhục cô bấy nhiêu. Chẳng bao giờ Kim thấy Fernando nhìn mình dịu dàng, lúc nào anh cũng chằm chặp chiếu tướng cô bằng “cặp mắt mang hình viên đạn”. Trong đời chưa bao giờ Kim sợ ai đến như vậy dù gia đình cô cũng rất nghiêm khắc. 
Đau nhất là có hôm Fernando còn đem cả dân tộc Kim ra trêu cợt: “À thì ra, sinh viên Việt Nam là vậy đó! Học thì tệ, ngủ thì nhiều mà lúc nào cũng xin được học bổng của chính phủ nước giàu!”. Kim giận run, nín khóc: “Anh không được phép nói động đến người Việt Nam!”. Fernando nhún vai khinh bạc: “Ai cấm được tôi, tôi thấy sao thì nói vậy. Mà em có cấm tôi thì cũng còn những sinh viên khác trong lớp nhận thấy điều này, rồi các giáo sư nữa. Vậy mà thầy Baddley nói “Cô Kim đó đến từ một nước anh hùng, dân tộc đó tuy nhỏ nhưng chiến thắng được bao nhiêu là kẻ thù xâm lược”. Vậy mà… – Fernando lắc đầu ngao ngán – có mỗi “giặc buồn ngủ” thôi mà cũng chịu thua!”. Hận người, giận mình, Kim mất hết lý trí cầm dao trên bàn học lăm lăm chĩa về phía Fernando: “Anh có nghĩ tôi dám giết anh không?”. Fernando mặt lạnh như tiền vừa mở cửa phòng bỏ đi vừa nói: “Ruồi còn không đủ sức đập nữa là giết người!”. Bọn sinh viên đứng đầy ngoài hành lang há hốc miệng thấy Fernando khinh khỉnh bước ra, theo sau là Kim mắt mũi tèm lem, lăm lăm cây dao nhựa rọc giấy. Anh chàng Mauricio người Chilê ở phòng đối diện chép miệng: “Trời! Hai người này sao cho xem tấu hài hoài vậy không biết!”. Thúy Hà cười lớn nhất: “Yêu nhau lắm giết nhau thôi!”. 
Tưởng rằng đến nước này thì chẳng mặt mũi nào nhìn nhau, vậy mà sáng sớm hôm đó, khi Kim mặt bừng bừng vừa chạy vừa thở phì phò quanh khu học xá, cô chợt nghe tiếng “nâng cao đùi” quen thuộc sau lưng. Xong phần tập thể dục, Fernando còn đòi hộ tống Kim trực tiếp đến thư viện thay vì để cô tự đi như thường lệ. Kim không thèm đáp. Cô bỏ vào nhà tắm, đứng dưới vòi sen suy nghĩ không biết anh muốn gì. Chẳng dám nhìn cái giường, Kim đeo túi, xách dù, chạy ra bến xe bus. Fernando vẫn đứng chờ trước khu học xá, anh đưa tay chặn Kim lại, mời lên chiếc xe hơi đang mở rộng cửa. Không thèm nhìn Fernando, Kim hung hăng gạt tay anh ra, dợm bước về phía trước. Fernando kêu lên: 
– Sao? Có cần thiết phải cực đoan một cách xuẩn ngốc như vậy không? Sao lại phải chờ mất thời giờ ở trạm xe bus khi có xe hơi chở đi? Thời giờ quí báu đó để dành đọc thêm một chương sách phải ích lợi hơn không? 
Kim không đáp, mắt ánh lên tia hằn học. 
– Người khôn ngoan – Fernando đều giọng – hơn người dại ở chỗ biết tận dụng những cơ hội đến với mình hơn là chỉ lo chìu lòng những cơn tự ái hão vô bổ! 
Kim khựng người, đấu tranh tư tưởng vài giây rồi “nuốt nhục” chui vào xe, người nóng hừng hực như lên cơn sốt chỉ với một ý nghĩ trong đầu “Sẽ trả mối thù này!”. Bên cạnh cô, Fernando đang khởi động xe, miệng nở một nụ cười “bề trên” biết tỏng cô nàng hận mình ngút trời mây nhưng chẳng thể làm được gì. 
Đến giữa mùa đông, gần Giáng Sinh trường cho nghỉ, Kim tranh thủ sang miền bắc nước Pháp thăm gia đình người dì. Lần đầu tiên trong đời cô nhìn thấy tuyết. Những bông tuyết xốp rơi rất dày, phủ trắng xóa đường phố và những mái nhà bạc đầu. Nhiệt độ ban đêm có khi xuống dưới mười độ. Nằm trên chiếc giường nệm, đắp tấm mền dày sụ và lò sưởi bật đến mức tối đa nhưng Kim vẫn không ngừng rên rỉ. Cô mặc mấy chiếc áo len, hai cái quần thun và mang những ba đôi vớ mà chưa thấy ấm. Kim phải đắp mền kín mặt vì không khí lạnh tràn vào mũi không thở được, làm cóng tai và đôi gò má như mất cảm giác. Sáng tám giờ trời vẫn còn tối mịt, những bồn hoa trước nhà bị đóng băng trông thật tội nghiệp. Kim nhìn những ngọn cỏ héo úa bị băng cầm tù, thấy mùa Đông thật kinh khủng. Một con vật nhỏ nào đó chạy ngang hiên nhà để lại vết chân ngộ nghĩnh bị lún sâu hun hút. Lũ trẻ con thấy tuyết rơi dày đến gần hai mươi centimét bèn rủ Kim cùng làm ông già tuyết. Kim mang đôi giày không đủ ấm nhưng mê tuyết nên chạy nhảy và lăn lộn trên đó cùng đám em họ. Mọi người hồ hởi nhìn thành quả cao gần hai mét, có mũi bằng cà rốt, mắt nạm khoai tây, miệng đỏ rực của cà chua và trên đầu đội cái nồi kim loại bóng loáng. Chừng mười hai giờ mặt trời lên làm tuyết tan chảy ra thành băng, Kim dù đã cố cẩn thận cũng trượt té vài lần làm lũ trẻ bật cười ra khói. Dân bên đây mang giày đinh hoặc đeo một dạng “bàn chông” vào giày mới mong không trượt ngã. 

Càng gần đến Giáng Sinh tuyết càng rơi rất dày, đến nỗi sáng nào đi làm dượng của Kim cũng phải nhờ mọi người lấy xẻng xúc bớt tuyết dọn đường cho xe hơi ra. Đến tối đi làm về dượng lại phải quấn dây xích vào bánh xe phòng tuyết tan thành băng làm đường trơn trợt sẽ dễ lạc tay lái. Kim nhìn người dượng tóc bạc trắng dù mới trên năm mươi, mỗi ngày đi làm đều là cực hình vì dượng phải lái xe đến hơn năm mươi cây số đến sở làm. Buổi tối nếu dượng về trễ một chút mọi người đều nhấp nhổm. Kim rên với dì sao cuộc sống bên đây cơ cực quá, dì cô cười buồn vẻ chịu đựng: “Có việc làm là may, thất nghiệp còn chết nữa! Sống ở đây yên tĩnh quá, chỉ là một ngôi làng tỉnh lẻ trên đồi cao. Hồi mới qua nhiều lúc nhìn tuyết trắng xóa chán muốn…tự tử. Gởi hình về Việt Nam ai cũng khen “Tuyết đẹp quá!” mà dì muốn khóc thét lên”. Kim chép miệng như một bà cụ non, an ủi: “Thôi thì sống ở đây cho tương lai tụi nhỏ”. Dì lắc đầu mệt mỏi: “Bên đây bây giờ không an ninh, tụi nhỏ dễ bị bắt cóc, bạo hành, làm nhục. Tụi nó tự lấy xe bus đi học, làm gì có thời gian đưa rước. Đường sá thì hoang vắng, đi lẻ loi một mình dễ bị tấn công. Thôi, sống đâu thì quen đó, chỉ mong bên nhà đừng “trông chờ” nhiều vào Việt kiều nữa!”. 
Dì Kim muốn cô ở lại đón Giáng Sinh nhưng cô thấy sốt ruột. Có một sợi dây vô hình nào đó kéo cô phải quay lại Oxford. Dì thở dài nhờ dượng lái xe đưa cô ra ga trước khi đi làm. Kim đành phải đi chuyến sớm lúc mới sáu giờ ba mươi. Lên tàu rồi cô lại tiếp tục ngủ vì trời vẫn đang tối mịt như đêm ba mươi. Đến gần chín giờ trời dần sáng để lộ khung cảnh bên ngoài đang phủ tuyết trắng xóa. Kim ngỡ ngàng nhận ra tàu đang đi qua những ngôi làng nằm dưới thung lũng, những cây thông chóp nhọn và các mái nhà nhỏ xinh đều phủ một màu tuyết trắng rất dày. Những làn khói xám nhẹ nhàng tỏa ra khỏi những căn nhà be bé. Hẳn người ta vừa thức dậy khơi lò sưởi cho một ngày mới, nhiều ấm áp và thanh thản. Thung lũng nối thung lũng, làng tiếp làng, những mái nhà phủ tuyết trắng nhấp nhô, vài ngôi giáo đường vương cao tháp chuông cũng đắm mình trong màu trắng mùa đông. Kim ngỡ mình đang lạc vào xứ thần tiên của một thời thơ ấu, đọc truyện cổ Andersen với “Bà chúa tuyết” hay “Cô bé bán diêm”. Thật lãng mạn cho những gì đang trải ra trước mắt, đẹp lặng người và cảm thấy thật bình an như khi cầm một tấm thiệp Giáng Sinh vẽ những ngôi làng nhỏ xinh đắm chìm trong tuyết. Nhưng Kim biết, cuộc sống không như những chuyến tàu chỉ chạy vút qua và mùa Đông không bao giờ được chờ đón. 
Khi Kim quay lại Anh, tuyết vẫn chưa rơi dù trời rét đậm hơn. Anh là một hòn đảo nên thường tuyết rơi trễ hơn rất nhiều so với những nước châu Âu khác. Sự trở về gấp gáp của Kim trở nên vô ích khi cô biết rằng Fernando đã về Bồ Đào Nha. Bọn sinh viên trong khu học xá phần đông đã quay về nước đón Noel với gia đình, còn lại một nhúm quê bên Châu Mỹ hay Châu Á quá xa không về được cũng bị cảm cúm sụt sịt hết. Nỗi thất vọng và không khí “bệnh hoạn” làm Kim gục ngã, cô lên cơn sốt, nằm li bì chẳng thiết ăn uống. Mùa đông quả thật khắc nghiệt, Kim nghĩ nếu mình vẫn ăn uống theo kiểu cũ và không tập thể dục chắc đã “ngủm” thật rồi. Cả đám bệnh hoạn phải thay phiên nấu súp rồi cùng động viên nhau ăn. Thúy Hà trở nên dịu dàng, tình cảm với Kim hơn khi cô ốm, thậm chí chị còn nấu cháo hành nóng cho Kim nữa. Dạo này Thúy Hà đã chính thức cặp bồ với Jean Louis người Pháp, cả hai nói tiếng Anh ẹ như nhau nên có lẽ vì thế hút nhau ở chỗ khác. Giáng Sinh Jean Louis cũng về thăm gia đình bên Pháp nên Thúy Hà có vẻ rất cô đơn. Sang đây với mục đích chính là tu nghiệp nhưng do kém ngôn ngữ, Thúy Hà tối ngày chỉ lên trường viết email và “chat” thêm một chặp rồi bỏ về đi shopping. 
Kim vốn không ưa cô bạn đồng hương nhưng trong lúc bệnh hoạn có người chăm sóc cũng thấy ấm lòng, cô cố nuốt chén cháo hành mà cổ họng bỏng rát như có gai cào. Kim bị viêm họng khá nặng. Thúy Hà thân tình hỏi: “Fernando đâu? Sao không đến chăm sóc em? Bình thường mê nhau lắm mà!”. Kim thở khó nhọc nhún vai không biết trả lời thế nào. Cô nghĩ có giải thích kiểu gì Thúy Hà cũng không chịu hiểu giữa cô và Fernando chỉ là chuyện học hành. Trong khi bọn Tây nhìn sơ đã biết Fernando chẳng “xơ múi” được gì. Kim nghĩ anh mà biết cô bệnh chắc còn la lối thêm vì cái tội mang đôi giày mỏng dính đi trên tuyết. Nhiều lần Kim định đến phòng khám bác sĩ nhưng cô chưa có thẻ bảo hiểm y tế, khám bệnh bên Anh rất đắt, tiền mua thuốc cũng không tưởng tượng nổi. Cô biết bị viêm họng phải uống kháng sinh mà kháng sinh không có toa bác sĩ không nhà thuốc nào chịu bán. Cuối cùng suy tính thiệt hơn, Kim đành “nuôi bệnh” hy vọng tự khỏi. 
Khi Fernando từ Bồ Đào Nha quay lại, anh bất ngờ đến khu học xá tìm Kim mà không báo trước. Nhìn Fernando khỏe mạnh, ánh mắt sáng rỡ, tràn đầy sinh lực, Kim càng cám cảnh cho thân mình. Anh nhíu mày nhìn cô ho khúc khắc, ốm quặt quẹo, mặt mày bơ phờ: 
– Sao đến nông nổi này? Mà phòng em có mùi gì ngộp thở quá? 
– Bệnh! – Kim đáp cụt ngủn, lòng tủi thân vô hạn – Mùi dầu gió châu Á đó! 
– Tại sao bệnh? – Fernando hất mặt hỏi – Đi bác sĩ chưa? 

– Tại vọc tuyết! – Kim lào khào trả lời thành thật – Chưa được tổ chức cấp học bổng phát thẻ bảo hiểm nên không dám đi bác sĩ, sợ không có tiền trả! 
Fernando quát: 
– Phải biết thân biết phận chứ, đã yếu mà còn không tự chăm sóc! Sức khỏe là trên hết, sao bệnh lâu như vậy mà không đi bác sĩ khám? Em đừng có nói thiếu tiền nghe, tiền em đầy nhóc trong tài khoản, tại em keo thì có! Nếu đã lỡ keo kiệt thì làm ơn thông minh hơn một chút đi, sao không gọi cho tôi? 
Kim bắt đầu nổi điên: 
– Ai biết anh ở đâu mà gọi? Anh về Bồ Đào Nha vui vẻ với gia đình có để lại cho tôi số điện thoại đâu? Lúc anh đang ăn uống sung sướng với cha mẹ thì tôi nằm rên hừ hừ cô đơn ở đây. Tôi đang bệnh mà anh còn la lối vậy đó hả? 
– Điện thoại di động của tôi nhận được ở khắp Châu Âu. Và tôi cũng check email mỗi ngày, sao không viết cho tôi? – Fernando cố dịu giọng lại nhưng không thể không than vãn – Trời ơi, sao mà có người khờ khạo dữ vậy nè! 
– Tôi không “khờ” sao để bị anh “đàn áp” chứ! – Kim nén cảm giác tủi thân quắc mắt “trả miếng” – Tôi mà “khôn” thì anh chết với tôi lâu rồi! Đồ tàn ác! 
Fernando bật cười: 

– Không biết ai ác hơn ai. Đang bệnh mà còn bày đặt hăm he tôi nữa! 
Kim ấm ức: 
– Đáng lý anh về Bồ Đào Nha cũng nên gọi cho tôi chúc một câu “Giáng sinh vui vẻ” hay “Năm mới hạnh phúc”. Trong lúc anh hưởng không khí sum họp với gia đình cũng nên tội nghiệp cho cảnh cô đơn của tôi ở đây chứ! Anh có biết là lần đầu tôi xa nhà không? 
– Đêm Giáng sinh và giao thừa tôi có nhớ đến em – Fernando có vẻ lúng túng trước lời trách móc nhưng cố pha trò – Nhưng tôi ngại em nghe giọng tôi rồi nhớ tôi quá, học hành không vô thì chết. 
– Phải! Tôi nhớ cái giọng la lối quạu quọ của anh đó – Kim vừa ho vừa lào khào nói – Có người la lối còn hơn chả có ai ngó ngàng đến! 
Fernando cười lớn rồi lôi Kim đi khám bệnh. Cô dùng dằng không chịu đi, tỏ ý không thèm làm phiền anh nữa. Đợi Fernando quát to đến mức những con bồ câu ngoài cửa sổ giật mình bay vụt lên “Ngoài viêm họng em còn thêm bệnh cứng đầu nữa phải không?”, Kim mới giật nẩy mình chịu líu ríu đi xuống xe cho anh chở đi bác sĩ. Cô tru tréo “Nãy giờ anh cho tôi uống thuốc bổ đủ hết bệnh rồi, còn đi bác sĩ làm chi nữa! Người gì mà không nói được một câu an ủi dịu dàng!” rồi gập người ho một trận tím tái mặt mày. Fernando mỉm cười trêu “Trời phạt!” rồi vội vàng rút khăn tay ra đưa cho Kim hỉ mũi. Anh còn tháo khăn choàng cổ của mình quấn thêm cho cô mấy vòng và cởi áo khoác đang mặc ra choàng lên người Kim. Fernando nhìn cái thân hình bé nhỏ của cô ngập trong mớ quần áo phì cười “Trông em tròn quay giống thằng bù nhìn tuyết!”. Cô không còn hơi sức nào đấu khẩu nữa, nằm ngoẹo đầu lên ghế xe. Fernado phải vươn người qua cài dây an toàn cho Kim, miệng lảm nhảm “Sao số tôi xui quá không biết!” làm cô muốn ngồi bật dậy đập cho anh một phát. Khốn nỗi lực bất tòng tâm nên cuối cùng Kim chỉ có thể nằm im như một con mèo ướt giương cặp mắt lờ đờ bệnh hoạn nhìn “kẻ thù” mặt hồng hào, khỏe mạnh, vừa huýt gió vừa lái xe chở mình đi bác sĩ. 
Ở phòng khám, Fernando khai mình là “người đỡ đầu” của Kim. Trước mặt bác sĩ, anh trở nên cực kỳ dịu dàng với cô. Thậm chí Fernando còn dám tỉnh bơ vuốt tóc Kim: “Cô bé này vốn thể chất yếu mà lại có tâm hồn nghệ sĩ, thích lang thang trong tuyết thật lãng mạng nên mới bị cảm nặng như vậy”. Bác sĩ kê toa cho cô dùng nhiều loại thuốc, Kim nhìn cái danh sách dài ngoằng mà hồi hộp lo cho số tiền phải trả. Thật bất ngờ, Fernando trả tiền khám bệnh cho Kim rồi dìu cô đi ra như thể cô sắp quị đến nơi. Ra khỏi cửa, Kim vùng khỏi vòng tay của Fernando rồi liếc anh sắc lẻm dù giọng vẫn còn lào khào: “Tôi sẽ trả tiền khám bệnh lại cho anh”. Fernando cười khinh khỉnh đẩy Kim lên xe: “Thôi khỏi! Keo kiệt như em nên mới chịu đựng bệnh hoạn cả mười ngày nay, giờ em phải trả tiền khám chắc tiếc đứt ruột còn bệnh nặng thêm!”. Kim nhún vai: “Biết vậy hả? Vậy thì cảm ơn, không ngại ngùng gì hết!”. Fernando lắc đầu cười như mếu: “Tôi vẫn luôn ao ước em hiền dịu hơn một chút! Hy vọng em chỉ là trường hợp cá biệt của phụ nữ Việt Nam”. Kim nhìn Fernando lạnh lùng: “Tôi cũng luôn mong anh chỉ là trường hợp “đột biến gen” của đàn ông Bồ Đào Nha”. Fernando bật cười lớn: “Thôi đừng nói nữa để yên tôi lái xe! Càng bệnh càng dữ! Không lẽ bệnh viêm họng có liên quan gì đến bệnh “dại” mà y học chưa phát hiện ra?”. 
Về đến khu học xá, Kim mở dây an toàn rồi quay sang Fernando lạnh lùng: “Dù sao cũng cảm ơn đã chở tôi đi bác sĩ và hào phóng trả tiền cho tôi. Tôi tự đi lên phòng được rồi, không cần đưa đâu. Anh về đi!”. Fernando giữ tay Kim lại: “Khoan! Trả khăn choàng và áo khoác lại cho tôi! Nếu không tôi mà bệnh thì cả hai ta đều chết vì em thì làm sao có thể chở tôi đi bác sĩ và lại càng không có thiện chí trả tiền khám bệnh cho tôi!”. Kim hơi ngượng, cô tháo đồ ra trả cho Fernando, miệng lầm bầm: “Chính anh quàng vào người tôi mấy cái thứ bốc mùi này!”. Fernando quắc mắt: “Nè! Vừa phải thôi! Mẹ tôi vừa giặt đó! Chính em mới đang có cái mùi dầu gió châu Á kỳ lạ, làm bám hết lên đồ của tôi rồi!”. Kim ngượng quá định nói gì đó cãi lại nhưng một cơn ho vô duyên ập đến làm cô gập người sù sụ. Fernando nhìn Kim vừa tội nghiệp vừa cười kẻ cả “Tôi đã nói là đừng có dữ mà!” rồi chồm người ra băng ghế phía sau lấy cho Kim một gói quà. Kim ngơ ngác: “Gì đây?”. Fernando nháy mắt: “Quà năm mới, một loại bánh ngọt của Bồ Đào Nha. Ho như vậy chắc ăn không được đâu. Nhưng thôi cứ đưa cho em, nếu không em lại trách không nghĩ gì đến em!”. Kim bất ngờ và xúc động không thốt nên lời, cô giả bộ tiếp tục ho. Fernando nhìn Kim đóng kịch với những cơn ho, cười cố nén rồi vòng qua mở cửa xe cho cô: “Thôi lên phòng nghỉ đi! Tôi đi ra pharmacy mua thuốc cho em xong sẽ mang lại cho”. 
Rồi Fernando nhìn vào mắt Kim: 

– Mẹ tôi làm ổ bánh này đó. Còn tôi thì có công bê lên máy bay đến tận đây. Ngon lắm nhưng để lâu không được. Em đừng mời tụi bạn trong khu học xá nghe, ngày mai tôi đến dạy em tôi ăn dùm cho. Rồi năm sau tôi nói mẹ tôi làm cho em cái khác! 
Fernando nói xong ôm bụng cười khi thấy Kim cầm gói quà mà mặt mày bí xị: “Em ráng dễ thương một chút đi! Rồi kỳ nghỉ Giáng sinh năm sau tôi hứa sẽ ở bên em!”. Kim vừa đi lên lầu vừa làu bàu: “Năm sau tôi về Việt Nam rồi! Ai cần anh nữa!” 
Dù nói thế, Kim biết cô cần Fernando kinh khủng, nhất là trong mùa Đông giá lạnh này. Mùa Đông ở đất nước sương mù thật thê lương. Trời lúc nào cũng âm u, tuyết bắt đầu rơi khi ở những nước Châu Âu khác trong đất liền đã trở nên ấm áp. Oxford phủ một màu trắng u buồn với những mái vòm cao vút đầy tuyết đứng chênh vênh. Những ngôi trường cổ kính càng thêm giá lạnh với những bức tường đá xám lại và các cánh cửa gỗ trầm mặc cô đơn. Mọi người hạn chế tối đa việc đi ra đường. Kim viện cớ mới hết ốm để khỏi lên thư viện học, cô trốn biệt trong phòng, đến mức không đi siêu thị phải nhờ mấy đứa chung nhà mua đồ ăn dùm. Không biết đứa nào “mách lẻo”, Fernando đến la lối um xùm “Phải đi ra ngoài cho quen với thời tiết, em định làm con gấu ngủ Đông suốt ba tháng sao?”. Anh lôi cô ra ngoài dù chẳng biết sẽ đi đâu, nhiệt độ đang ở mức không độ lúc ba giờ chiều. “Chúng ta không đi xe hơi – Fernando cảnh báo – Đi bộ thế này vào trung tâm”. Kim đội nón len như mấy ni cô ở Việt Nam để che hai tai lại mà vẫn có cảm giác tai đông cứng đến gần rụng. Cô nghĩ mình trông “kỳ cục” với cái nón len che sùm sụp nhưng ngoài đường ai cũng trùm đầu lại bằng đủ thứ nón mũ và khăn choàng che kín mũi. Fernando trông cũng kém đẹp trai với cái nón len dày cui như thầy chùa nhưng Kim không còn hơi sức đâu mà cười cợt, cô xuýt xoa với đôi tay lạnh cóng dù đã mang đôi găng bằng da cực dày. Mọi người cúi đầu tránh những con gió rét mướt tạt vào mặt, ai cũng đi lom khom bằng những bước ngắn nhưng lại có vẻ vội vã như đang chạy. 
Ở bến xe bus không ai đứng yên được một giây, cứ phải chạy tại chỗ cho cơ thể vận động liên tục. Kim thấy mấy bà già lụm cụm tám chín chục tuổi tội nghiệp chống gậy dấn từng bước khó nhọc trong làn gió tê tái. Đột nhiên có bà đánh rơi túi đựng cam. Bà già mặc đồ lùm xùm, đi đứng đã khó khăn nên nhìn mấy trái cam lăn lông lốc ra vỉa hè lúng túng không biết xử lý ra sao. Fernando và Kim cúi xuống giúp, lúc Kim đưa vào tay bà túi cam, cô cám cảnh hỏi: “Sao mấy bà ra đường làm chi vào thời tiết này? Cần mua gì thì nhờ hàng xóm giúp cho!”. Mấy bà lão bật cười, họ đồng thanh nói cô bé này đúng dân châu Á mới sang Oxford học. Bên đây không ai giúp ai cái gì, vả lại mấy người già càng cần phải ra đường mỗi ngày. “Chúng tôi mà sợ rét trốn biệt trong nhà thì chân tay cứng đờ cả lại. Đến mùa Xuân trời có ấm hơn nhưng do suốt mấy tháng mùa Đông không vận động, chúng tôi sẽ bị liệt hết. Chúng tôi phải cố gắng, mỗi ngày đều phải cố gắng với những khớp xương đau nhức này. Càng già càng phải chiến đấu với mùa Đông, phải tự cứu mình trước khi trời cứu, cháu ạ!”. Xe bus đến, mấy bà khó nhọc lục tục leo lên. Kim chạy đến đỡ nhưng họ cười đẩy cô ra: “Để chúng tôi tự lực, cô bé!”. Những hành khách khác kiên nhẫn đứng chờ dù ai cũng nóng lòng được sớm chui vào xe bus ấm áp. Kim cũng định bụng leo lên nhưng Fernando giữ tay cô lại “Tôi đã nói là chúng ta đi bộ mà!” 
Kim gục đầu cắm cúi bước. Những viên đá lót đường trơn trợt làm cô loạng choạng chợt ngã mấy lần. Fernando không đưa tay ra đỡ, nếu anh có đưa tay hẳn Kim cũng không thèm vịn lấy. Cô xấu hổ thấy mình không bằng mấy bà già mỗi ngày phải chiến đấu với những khớp xương rệu rã trong cái lạnh khắc nghiệt mùa Đông. Càng đi Kim càng thấy ấm hơn, vào đến trung tâm rồi cô cũng không biết Fernando sẽ đưa mình đi đâu. Cô cố gắng kiên nhẫn không chịu hỏi, đến khi thấy hai người cứ đi vòng vòng ngang qua chỗ cũ đến ba lần, cô đứng lại, thở một hơi dài làm khói bốc lên tận đỉnh một ngôi giáo đường: “Fernando, anh giỡn mặt với tôi hả?”. Fernando cả cười: “Mệt rồi sao? Thôi thì vào đây uống trà! Tôi chỉ muốn luyện cho em đi bộ trong mùa Đông thôi”. 
Hai người vào một tiệm trà ấm cúng, Kim đuối sức vì “hành trình” hai cây số dưới trời giá rét nên giận dỗi dán mặt vào cửa sổ nhìn ra ngoài để mặc Fernando gọi trà nóng và mấy loại bánh ngọt. Trong tấm kính cửa sổ, cô thấy hình ảnh phản chiếu Fernando đang khoan khoái pha sữa vào trà rồi ung dung ăn hết cái bánh chocolat này sang cái bánh nhân táo khác. Cuối cùng không chịu nổi mùi trà nóng ấm áp pha sữa thơm lừng và hương bánh ngọt ngào ngạt, Kim quay lại nhìn Fernando trách móc: “Không mời tôi ăn hả?”. Fernando tỉnh bơ nhìn dĩa bánh đã hết veo và bình trà cũng kịp cạn, liếm môi thòm thèm nói: “Tưởng em thích nhìn đường phố hơn. Chắc mình gọi thêm bánh, em có cần tôi đút tận miệng không?”. Lần này trà vừa kịp đem lên Kim đã hối hả pha cho mình một cốc đầy rồi đổ sữa vào đục ngầu cả lên. Cô vừa thổi vừa uống, lắng nghe thứ chất lỏng ấm áp đang lan tỏa vào từng tế bào lạnh cóng của mình. Dân Anh có lối uống trà sữa vào mỗi buổi chiều thật đặc trưng chắc cũng do trời rét quá cần nạp nhiều năng lượng. Họ ghiền trà sữa và không bỏ được thói quen uống trà vào mỗi chiều, như dân Việt Nam không bỏ được giấc ngủ trưa dù cuộc sống có trở nên bận rộn bao nhiêu. Sinh viên nước ngoài đến Anh cũng dần bị trà sữa mê hoặc và thấy mỗi buổi chiều lạnh cóng bên ly trà pha sữa ấm sực là thời điểm thật “thiêng liêng” trong ngày. 
Kim đang đói bụng nên chộp lấy cái bánh kem chocolat người phục vụ vừa đem đến rồi đưa lên miệng nhai ngấu nghiến, không thèm bỏ ra đĩa lấy muỗng xúc dịu dàng như mọi người xung quanh. Đến lúc thấy Fernando nhìn cô chằm chằm rồi chép miệng than “Đi với em tôi xấu hổ quá!”, Kim mới chợt giật mình. Cô vội vã liếm mép và mút những ngón tay dính đầy chocolat như một con mèo nhỏ lem luốc. Fernando nhăn mặt rút khăn tay ra đưa, Kim từ chối “Tôi có khăn giấy, anh thọt tay vô túi áo tôi lấy ra dùm”, nhưng anh đã cầm tay cô lên lau chăm chú và tiện thể chùi cả miệng vẫn còn sót một miếng bánh to tướng trong đó. Kim nhìn chiếc khăn trắng tinh bị dây bẩn bằng những vệt chocolat, xấu hổ và tức giận: “Hình như lúc nào anh cũng làm tôi trở nên… không ra thể thống gì?”. Fernando lạnh lùng: “Thôi ăn nhanh đi rồi về. Tôi không có thời gian ở đây với em suốt buổi chiều đâu!”. Kim thở hắt ra: “Nếu bận anh đi trước đi, không lẽ tôi không biết đường tự về nhà mình”. Fernando đứng dậy, anh nói mình sẽ trả tiền nên cô cứ ngồi lại ăn thong thả, nhớ lúc về cũng cố gắng đi bộ chứ đừng leo lên bất kỳ chiếc xe bus nào. 
Fernando đi rồi Kim mới thấy có một người ngồi kế bên dù “khắc khẩu” nhưng ấm cúng hơn rất nhiều, ngoài trời tuyết lại rơi đợt mới. Cô nuốt tiếp cái bánh còn lại một cách khó nhọc, uống tách trà sữa đã nguội lạnh rồi nặng nề khoác áo, thở dài nghĩ tới đoạn đường quay về trong thời tiết khắc nghiệt. Cô nghĩ mình không việc gì sợ Fernando đến mức phải lê gót dưới tuyết khi xe bus cứ hai phút lại tấp vào, nhưng rồi nhớ đến mấy bà già cố gắng vận động, Kim đành cắm cúi bước đi cho nhanh. Trời càng lúc càng rét, tuyết rời dày hơn, gió thốc mạnh hơn. Kim ghì tấm khăn choàng quấn kín trên đầu, một tay đút sâu vào túi áo khoác, dấn bước khó khăn. Một viên đá lót đường trơn như mỡ làm cô trượt một cú hai chân giơ bổng lên suýt ngã bật ngữa ra sau, đột nhiên có ai đó bất ngờ chụp Kim lại vào phút cuối. Vừa kịp hoàn hồn, Kim giật nẩy mình nhận ra đó là Fernando: “Anh theo dõi tôi hả?”. Anh không trả lời, đều giọng đề nghị: “Có muốn dựa sát vào người tôi không? Như thế sẽ ấm áp hơn, không bị trợt ngã nữa và quãng đường đi sẽ ngắn lại!” 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.