Bạn đang đọc Oxford thương yêu – Chương 13: Lễ đính hôn sũng nước
13 – Oxford thương yêu – Lễ đính hôn sũng nước :
Oxford đã lại vào thu, những làn lá vàng rơi xuống các mái vòm cổ kính và những tháp chuông nhà thờ, những cơn gió lạnh cắt da đến cùng những trận mưa dông bất chợt.
Giáo sư Portlock gọi Kim vào phòng riêng của mình, ông cởi mở hỏi cô có muốn làm luận án Tiến sĩ, đi theo nghiệp giảng dạy hay muốn gắn bó với doanh nghiệp, hướng về những kiến thức thực tiễn.
Kim không phải suy nghĩ lâu, cô thú nhận mình không thích giảng dạy, cũng không đủ sức làm nghiên cứu sinh bốn năm năm nữa. Giáo sư Portlock gật đầu cười: “Tôi vẫn biết em là người “biết mình biết ta”, đôi khi em hơi thiếu tự tin, nhưng tôi biết em có người đứng phía sau hậu thuẫn!”. Kim đỏ mặt không biết trả lời thế nào, giáo sư tiếp: “Tôi vẫn luôn ao ước em thân tình với tôi hơn, nhưng em chỉ xem tôi là một người thầy không hơn không kém. Hè vừa rồi em về Việt Nam làm lễ đính hôn với Fernando Carvalho phải không? Em không báo với tôi một tiếng để tôi có dịp chúc mừng em sao?”. Kim thật sự lúng túng, cô không ngờ giáo sư Portlock lại quan tâm đến mình như vậy: “Em… em ngại làm phiền giáo sư! Mà chuyện này cũng… cũng không chắc lắm. May mà cuối cùng cũng suôn sẻ!”. Giáo sư Portlock nhìn vẻ bối rối của Kim, bật cười: “Em có nguyện vọng ở lại văn phòng tôi bao lâu nữa? Em có chán công việc này chưa? Nếu không làm luận án Tiến sĩ, em sẽ khó có động lực ở lại trường để làm những việc hành chánh của một trợ lý như hiện nay. Tôi sẽ chuyển em sang phụ trách vài dự án kinh tế với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho năng động hơn. Chừng hai năm nữa, khi chồng chưa cưới của em xong công việc ở Mỹ, em cũng sẽ cứng cáp hơn nhiều. Lúc đó các em muốn đi đến nước nào làm việc cũng được, về lại quê hương mình càng hay”. Kim mỉm cười, xúc động trước vẻ chân thành của Portlock: “Em cảm ơn giáo sư đã cho em nhiều cơ hội. Em sẽ cố gắng không làm giáo sư thất vọng!”. Lúc gần bước ra khỏi phòng giáo sư, Kim chợt nghe ông nói với theo: “Khi nào làm đám cưới phải mời tôi đó!”. Cô nghĩ mình cũng nên báo qua với David Wilson, kẻo anh biết tin sẽ trách giống giáo sư Portlock. Không tìm ra dịp nào để thổ lộ, cuối cùng Kim chỉ đủ can đảm viết email chung cho tất cả đồng nghiệp trong văn phòng giáo sư Portlock. David dù ngồi cách cô vài bước chân, rốt cuộc cũng chỉ có thể gởi lời chúc mừng đơn sơ trong một email ngắn ngủi: “Mong em luôn hạnh phúc với người em đã chọn!”
Fernando đang ở Oxford, anh về để bảo vệ luận án Tiến sĩ. Chắc hẳn Fernando “khoe khoang” gì đó với giáo sư Baddley nên giáo sư đã nói lại chuyện đính hôn của hai người cho Portlock biết. Buổi tối Kim về nhà kể với Fernando giáo sư Portlock đã chuyển cô sang làm dự án. Kim cười vui vẻ thú nhận: “Chắc em “tu” không biết bao nhiêu kiếp nên mới gặp được nhiều người tử tế”. Fernando không bất ngờ trước thông báo của Kim, anh nhún vai “Nếu lý giải theo kiểu luật nhân quả của em, thì chắc anh làm tội lỗi không biết bao nhiêu kiếp nên giờ mới phải gặp em!”. Kim không nổi quạu trước cái vẻ giễu cợt của Fernando. Cô phì cười chuyển đề tài hỏi tại sao anh kể với giáo sư Baddley về cái lễ đính hôn kinh khủng đó làm gì. Fernando nằm lăn ra giường mệt mỏi. Anh nói bảo vệ luận án Tiến sĩ tuy bị stress nhưng còn nhẹ nhàng hơn gấp trăm ngàn lần cái trò đính hôn kỳ cục của họ. “Tại giáo sư Baddley thấy anh “te tua” quá nên hỏi thăm – Fernando chui vô chăn ngáp – Anh mới đành phải kể ra nổi đau khổ của mình. Sướng ích gì mà nhắc lại!”. Kim bật cười, cô vuốt má Fernando an ủi, anh quay mặt qua chỗ khác tỏ vẻ không thèm. Hẳn anh đang nhớ lại những ngày ở Việt Nam mà rùng mình.
Mẹ cô khóc sướt mướt khi nghe Kim báo tin sẽ lập gia đình với Fernando. Bà nói đã đoán trước sự tình nhưng vẫn hy vọng mọi chuyện sẽ thay đổi. Kim hơi bực vì nếu “thay đổi” thì cô sẽ không được thành đôi với Fernando. Cô nghĩ mẹ mình cả đời không đi đâu ra ngoài nước Việt Nam, thương con một cách ích kỷ kể cũng dễ hiểu. Nhưng ba cô mang tiếng trí thức, đi đây đi đó nhiều, vẫn thấy ngại chuyện có một chàng rể không cùng nòi giống với mình. Kim phải cầu cứu đến Thụy Vũ, nhờ chị đến nói tốt về Fernando cho gia đình cô yên tâm. Thụy Vũ quả là một người bạn nhiệt tình, chị hết lời ca ngợi Fernando, khen anh cái gì cũng giỏi, Kim phải “có phước” lắm mới gặp được người như vậy. Ba Kim nghe xong mặt giãn ra, tuy vẫn còn im lặng nhưng không căng thẳng nữa. Tưởng đã “êm”, nhưng khi cha mẹ Fernando đến lúng túng nói muốn cho Fernando và Kim đính hôn rồi hai năm nữa làm đám cưới, ba Kim ngồi yên trầm ngâm không trả lời còn mẹ cô khóc òa lên đau khổ. Bà khóc kinh khủng đến mức Fernando nóng máu, kéo Kim ra hỏi: “Bộ mẹ em tưởng gả em cho quái vật hả?”. Kim vừa lúng túng vừa buồn cười vì sự so sánh quá đáng của anh. Fernando căng thẳng nói tiếp: “Em có biết anh phải năn nỉ đến mức nào cha mẹ anh mới chịu hủy chuyến đi nghỉ ở Ai Cập đã mua vé để đột ngột về Việt Nam theo lời yêu cầu của em không?”. Cha Fernando tuy không nói tiếng nào nhưng ông giữ bình tĩnh rất tốt, mẹ anh thì nhấp nhổm. Cuối cùng chị gái Kim phải lên tiếng gia đình đồng ý.
Một lễ đính hôn làm theo kiểu Tây, nhanh chóng, gọn nhẹ, chỉ có hai gia đình và Thụy Vũ. Mẹ Kim chốc chốc lại rút khăn tay ra sụt sịt, ba cô thì thở dài não nuột. Mẹ Fernando đanh mặt lại, Fernando cũng hình sự không kém. Chỉ có cha Fernando là vẫn bình tĩnh nhìn mọi người bằng cặp mắt hơi buồn bã. Lúc trao nhẫn, Kim còn có cảm giác Fernando ấn mạnh vào tay cô “dằn mặt” làm Kim cũng tranh thủ bấu vào tay anh một cái rõ đau trả miếng. Hai người chợt nhìn nhau mỉm cười kín đáo. Họ đã vội vã tìm mua nhẫn vào buổi sáng Kim từ New York bay về Oxford.
Xong lễ chẳng ai buồn ăn uống gì. Thụy Vũ và chị Kim phải thay mặt “đàng gái” mời cha mẹ Fernando cầm chén lên. Mẹ Kim đột ngột nói một câu làm rụng rời mọi người: “Sanh con ra, nuôi nó nên người, chưa bao giờ tôi tưởng tượng nổi con gái yêu của mình phải làm lễ đính hôn trong không khí kỳ cục với một người nước ngoài như vầy!”. Mẹ Fernando tái mét, run giọng độp lại: “Tôi cũng chưa bao giờ ngờ thằng con mạnh mẽ của mình lại có lúc quì lụy để có thể cưới vợ theo cái kiểu quái lạ này!”. Thụy Vũ nhìn Fernando gần vượt khỏi sự tự chủ của mình, chị đột ngột thốt lên một câu cứu vãn tình hình: “Chồng Việt Nam làm được cái gì thì Fernando cũng làm được cái đó!”. Câu nói ngô nghê của Thụy Vũ làm mọi người dù đang căng thẳng phải phì cười. Nhưng Fernando thấy khó chịu ra mặt.
Fernando kéo Kim ra ngoài, lộ rõ vẻ bực bội: “Nếu biết nhà em kiêu hãnh đến thế này, anh không thèm lấy em đâu! Anh cũng có lòng tự trọng chứ! Lễ đính hôn gì mà ngột ngạt như đưa đám! Không có ý nghĩa gì hết, không có nhà thờ cũng chẳng có một lời chúc tụng. Vậy em bắt anh về làm chi?”. Kim bực bội quát lại: “Bộ anh tưởng em thèm lấy anh lắm hả? Em cũng đâu ngờ nhà em cổ hủ dữ vậy!”. Đột nhiên họ thấy cha Fernando đi đến nhìn mình nghiêm khắc, rồi lần đầu tiên, ông phát biểu bằng thứ tiếng Anh chuẩn xác: “Mới trải qua có chút thử thách mà đã vội sờn lòng, sao dám hứa sẽ sống bên nhau trọn đời chứ?”. Fernando có vẻ sợ cha, anh giật mình vội kéo Kim vào sát người rồi quay vô phòng tiệc. Đến cuối buổi tiệc im ắng nghe cả tiếng máy lạnh chạy, đột nhiên ba Kim mở lời mời cha mẹ Fernando và anh về nhà mình ở “Cho chúng tôi tiện chăm sóc ông bà những ngày ở Việt Nam. Mọi người không cần ở khách sạn nữa! Chúng ta cùng một gia đình rồi mà!”. Mẹ Fernando ngớ ra, không thốt nổi nên lời. Cha anh phải đứng dậy cảm ơn và nói đồng ý.
Buổi tối, lúc Fernando đang quạu quọ nằm chèo queo trên giường, Kim luồn vô phòng anh khóa cửa lại. Fernando giật mình xua tay đuổi: “Em đi ra đi! Mẹ em mà thấy chắc giết anh đó!”. Lần đầu tiên từ lúc Fernando qua Việt Nam, giờ họ mới được ở một mình bên nhau. Kim càng bạo dạn nhảy vào lòng Fernando, anh càng sợ hãi đẩy cô ra: “Em làm ơn đừng có hại anh được không? Anh không dám đụng vô người em đâu! Coi chừng mẹ em đi tìm mà không thấy biết em vô phòng anh dám cầm dao nhào vô lắm!”. Kim nghĩ Fernando trêu đùa nhưng mãi một lúc sau anh vẫn xua Kim như hủi làm cô bực bội quát: “Anh làm cái gì vậy? Em còn gì để mất đâu?”. Có lẽ cô nói hơi cao giọng nên đột nhiên hai người nghe mẹ Kim gọi: “Nhi! Con đâu rồi? Xuống dẫn cha mẹ Fernando đi dạo nè!”. Mặt Fernando xanh mét, anh không hiểu mẹ Kim nói gì mà nhắc đến tên mình. Chưa bao giờ Kim thấy anh kinh sợ đến như vậy. Cô nén cười, thì thầm: “Anh ở yên chờ em nhe, em quay lại liền!”.
Kim ra hành lang, ngoắc tay gọi chị gái lại: “Em trốn đây, chị đưa mọi người đi dùm em đi! Nói em và Fernando bị mệt. Đi càng lâu càng tốt nghe!”. Hẳn vẫn còn nhớ ơn những lần đi chơi về khuya được Kim ra mở cổng và làm bồ câu đưa thư hẹn hò với cùng lúc nhiều đối tượng, chị Kim gật đầu trấn an: “Thôi được rồi! Khổ ghê vậy đó!”. Kim quay lại phòng Fernando nhưng anh đã “trấn thủ”, khóa chặt cửa lại nhất định không cho Kim vào. Cô điên tiết hết dỗ ngọt đến dọa nạt, anh vẫn cương quyết nói một câu gọn lỏn: “Không!”. Cuối cùng Kim tự thấy mình vẫn còn lòng tự trọng, cô quyết định rút lui, giọng sũng nước “Anh đối xử với em vậy đó hả?” rồi bỏ chạy về phòng. Kim không khóa cửa lại vì biết thế nào Fernando cũng sang tìm. Quả thật, anh xộc vào như một cơn lốc rồi bế cô sang phòng mình. Kim hạnh phúc nghe Fernando thì thầm “Anh nhớ em kinh khủng!” rồi vội vã hôn lên môi cô với tất cả tình yêu dồn nén bị mẹ Kim “chia cắt” mấy ngày qua.
Gia đình Fernando ở lại Sài Gòn chơi một tuần. Không khí hai bên dần bớt ngột ngạt, đôi khi hai bà mẹ còn nắm tay nhau thân tình đi mua sắm. Trong những buổi cơm tối thong thả, hai người cha trao đổi với nhau về lịch sữ và xã hội của hai dân tộc. Thì ra Bồ Đào Nha tuy có một quá khứ lẫy lừng nhưng đã tự đóng cửa cô lập mình với thế giới trong nhiều thế kỷ đến nỗi năm 1986 khi gia nhập liên minh châu Âu, đất nước này là thành viên nghèo nhất. Dân Bồ Đào Nha cũng di cư khắp nơi trên thế giới tìm kế sinh nhai từ những thế kỷ trước sang Braxin và các thuộc địa cho đến sau các thế chiến ở những nước phát triển như Mỹ, Úc, Anh, Pháp. Đột nhiên mẹ Fernando thêm vào lời chồng: “Người Bồ Đào Nha cũng như Việt Nam, không thích kết hôn với người nước ngoài. Mấy người sống xa tổ quốc nhưng vẫn cố gắng lập gia đình giữa người Bồ Đào Nha với nhau”. Rồi bà nhìn mẹ Kim, cố cười thân thiện: “Nên việc Fernando và Kim muốn đính hôn với nhau, gia đình chúng tôi cũng phải thoáng lắm”. Sợ mẹ Kim phản ứng, ba cô nhanh miệng nói sang đề tài khác, ông khen người Bồ Đào Nha đi đâu cũng nổi tiếng khéo tay trong các nghề xây dựng, giống người Ý được biết đến với nghề nhà hàng, người Hoa với nghề buôn bán. Trong thế chiến thứ nhất, người Bồ Đào Nha giữ thế trung lập nhưng luôn tỏ thái độ lên án bọn Đức quốc xã. Khi nước Anh thiếu tàu chiến đã nhờ nước này trợ giúp và khi các chiến hạm của Đức vào đậu trong cảng Bồ Đào Nha, chính phủ đã cho bắt giữ. Đến thế chiến thứ hai, Bồ Đào Nha cũng cho Anh xây dựng căn cứ quân sự trên quần đảo Azore để tấn công tàu ngầm Đức. Cho đến này mối quan hệ giữa hai nước Anh và Bồ Đào Nha vẫn còn rất khắn khít. Người Bồ Đào Nha còn được dân châu Âu thương mến vì luôn mở rộng cửa đón những nạn nhân chiến tranh. Thời Đức quốc xã, ông lãnh sự Sousa Mendes ở Bordeaux đã thức ba ngày đêm để cấp hàng ngàn hộ chiếu cho người Do Thái dù sau đó bản thân ông không tránh khỏi sự trừng phạt. “Chúa ơi! – Cha Fernando kêu lên kinh ngạc – Sao ông biết những điều này chứ?”. Ba Kim tủm tỉm: “Tôi cũng có nghiên cứu chút ít lịch sử châu Âu”. Kim thấy tự hào về ba mình quá đỗi, xem ra những người cha dễ hòa hợp với nhau hơn. Trong khi hai bà mẹ vẫn tìm dịp “chơi trội”, người khoe con trai mình ưu việt, người kể con gái mình thuộc loại quí hiếm. “Hiếm ở Việt Nam thôi – mẹ Fernando chỉnh – Chứ ở Oxford, Fernando có biết bao các cô gái vừa đẹp vừa giỏi vây quanh”
Buối tối cuối cùng bên nhau, đột nhiên cha mẹ Fernando đem ra hàng tá quà lưu niệm đem từ Bồ Đào Nha sang, họ nói đáng lý phải tặng từ lúc đầu nhưng thời điểm đó tình hình căng thẳng quá. “Đây là tượng con gà trống Barcelos của người Bồ Đào Nha, không giống con gà Gaulois của Pháp đâu nhé – Cha Fernando nhấn mạnh – Mọi người hãy nhìn kỹ, con gà có họa tiết hình những trái tim và cái mào thật to màu đỏ thẫm”. Mẹ anh tự hào lấy những cái túi xách phụ nữ trao cho mẹ và chị Kim “Những cái túi này được làm bằng vỏ cây sồi bần, đây là chất liệu nhẹ nhất mà đặc biệt nhất. Bồ Đào Nha là nhà cung cấp lớn nhất thế giới về chất liệu này. Vỏ cây sồi bần làm nút chai rượu, những tấm lợp cách âm, cách nhiệt, những dụng cụ thể thao và các loại hàng gia dụng khác”. Bà lấy tiếp những tấm khăn trải bàn thêu chỉ xanh trên nền đăng-ten trông như những bức tranh trên sứ, khoe cũng là một sản phẩm độc đáo của Bồ Đào Nha. Bà hãnh diện đưa thêm mấy hủ ô-liu đủ màu từ vàng ruộm, xanh mướt đến đen bóng. Cuối cùng cha anh trân trọng tặng một bức tranh khổ nhỏ bằng gạch men, in hình một cô gái trong trang phục truyền thống đội bình sữa, đi trên những bậc thang của một con hẻm nhỏ đặc trưng Lisbon. “Ủa, bên đó cũng treo quần áo đầy ngoài đường hả? – Mẹ Kim kêu lên kinh ngạc – Giống Việt Nam trong những khu ổ chuột!”. Ba Kim phải cười thật lớn tạo không khí vui nhộn cứu nguy: “Những con hẻm nhỏ có quần áo treo trên ban-công là đặc trưng của những nước miền Nam châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp. Quần áo treo phất phơ như thế là một nét văn hóa của những nước được mặt trời ưu ái. Điều này đã được UNESCO công nhận là vật thể phi vật chất của thế giới”. Kim không biết ba cô có nói thật nhưng nhìn mặt cha mẹ Fernando giãn ra, cô thở phào nhẹ nhõm. Không hổ thẹn là chủ nhà, gia đình Kim cũng tặng lại những món quà quốc hồn quốc túy “lòe” lại họ nhà trai, nào là tranh sơn mài, áo lụa tơ tằm thêu, gốm Bát Tràng và cả một lô một lốc kẹo dừa, mít sấy, hột điều. Tặng tới đâu ba mẹ và chị Kim thay phiên nhau “gáy” tới đó. Fernando và Kim ra hiệu kéo nhau ra sân lắc đầu cười không thèm bình phẩm. Hai người thấy dân Việt cũng giống Bồ Đào Nha, khá tự ti nên thích “nổ”. Nếu được sang Anh hẳn họ xấu hổ mà “ngọng” hết. Người Anh cũng kiêu hãnh nhưng khôn ngoan, làm gì cũng có chiến thuật lâu dài, biết tập trung làm việc một cách hiệu quả để đạt được mục đích tối ưu. Nước Anh phát triển mạnh nhất châu Âu với đầy đủ các ngành nông – ngư nghiệp, công nghiệp nặng, thương mại, tài chính, đặc biệt họ còn sở hữu ngành cung cấp nhiên liệu độc đáo. Người Anh biết chọn lựa lợi thế của mình để tăng cường và can đảm bỏ qua những lĩnh vực không sở trường. Đây là một dân tộc biết hoạch định đường dài, không ăn xổi ở thì như dân Ý, không dành nhiều thời giờ để hưởng thụ như Tây Ban Nha, không khoe khoang như người Pháp, không quá nguyên tắc như người Đức. Dù “phớt tỉnh Ăng-Lê” nhưng dân Anh không bị coi là ích kỷ như Thụy Sĩ tuy họ cũng không thèm gia nhập liên minh châu Âu và nhất quyết xài đồng tiền riêng.
Lúc tiễn gia đình Fernando về lại Bồ Đào Nha, phút cuối ở phi trường, sau màn chào nhau thân thiện, mẹ Kim còn “vớt vát danh dự” nói với theo một câu: “Fernando có phước lắm mới được Kim đồng ý, con gái tôi thiên kim tiểu thư lá ngọc cành vàng…”. Kim không chắc mọi người hiểu hết ý nghĩa nhưng rõ ràng mẹ cô đã chuẩn bị tra tự điển kỳ công cho một câu tiếng Anh rất khó dịch này. Và Kim biết Fernando hiểu, anh mệt mỏi vẫy tay chào cô với nụ cười giễu cợt trên môi và cái nhún vai “không thèm chấp” dễ gây mích lòng. Ánh mắt khinh khỉnh của Fernando không làm ba mẹ Kim lưu ý nhưng nó làm cô khổ tâm khóc suốt mấy ngày sau đó. Kim ước gì có thể quay lại Oxford thật nhanh để làm một người bình thường nhưng tự do và đừng bao giờ phải xấu hổ vì xuất thân tiểu thư trong một gia đình Việt Nam đầy kiêu hãnh đến mức kệch cỡm này.
Sau lần nói chuyện với giáo sư Portlock, Kim được chuyển sang làm dự án và càng có nhiều dịp “đụng độ” với Vi Vi. Nghĩ Fernando nói đúng, Kim không thèm tự ti nữa. Những gì chưa rõ, cô hỏi David hay trực tiếp vào gặp giáo sư Portlock. Đôi khi thái độ này còn làm Vi Vi nổi điên hơn, chị hay bóng gió Kim hết mồi chài Fernando Carvalho thì tiếp tục quyến rũ David Wilson. Kim mặc kệ, tập “lì” ra, lấy lý trí kìm nén cảm xúc, miễn công việc vẫn trôi chảy. Nhiều lúc Kim nhìn Vi Vi, tự hỏi sao một người như chị lại có thể thích Fernando. Vi Vi cao lớn, đẹp lạnh lùng và có phần nhạt. Sau một thời gian dài làm chung, Vi Vi vẫn tỏ thái độ coi thường Kim dù đã cố gắng lịch sự hơn. Có lần bắt buộc phải mượn một cuốn sách của Kim, Vi Vi nhìn dòng chữ đề tặng âu yếm của Fernando rồi đột ngột hỏi thẳng: “Có phải cái vẻ yếu đuối của cô làm Fernando bị hút không?”. Kim thành thực trả lời “Em không yếu đuối đâu!” rồi đánh bạo hỏi thẳng lại “Vậy có phải cái vẻ lạnh lùng của Fernando làm chị bị hút không?”. Vi Vi vẫn giữ bình tĩnh, nhún vai: “Anh ta không lạnh lùng đâu! Cô không nhận ra đàng sau cái vẻ ngoài nghiêm nghị là một người nồng nhiệt sao? Tiếc là anh ta không thích bị tấn công trước, mà tôi thì không muốn giấu lòng mình. Tôi mạnh mẽ quá!”. Kim không ngờ Vi Vi có lúc lại tiết lộ nhiều đến như vậy. Cô gượng cười, gật đầu công nhận “Chị mạnh mẽ thật!” rồi cắm cúi xuống máy tính trốn ánh mắt sắc sảo của Vi Vi đang nhìn mình soi mói.
– Sao cô có khả năng thu hút đàn ông quá vậy? – Vi Vi tấn công – Hết Fernando rồi đến David, người nào cũng hết lòng vì cô!
– Xin chị đừng động đến David! – Kim giật mình – Anh ta biết em có bạn trai, à không, có chồng sắp cưới rồi. David chỉ xem em như đứa em gái.
– Sao cô không về Việt Nam đi? – Vi Vi tiếp tục tấn công
– Em sẽ về! – Kim ngẩng lên khẳng định.
Vi Vi nhất quyết không tha:
– Nước Anh đâu muốn cho những người như cô học bổng để ở lại không về Việt Nam phục vụ chứ! Về Việt Nam không phải là cô có tương lai hơn sao? Ở đó nền kinh tế còn trẻ, người ta cần những người như cô. Ở Anh cô đâu là ai!
Kim đổi đề tài:
– Chị đã về lại Việt Nam bao giờ chưa? Gia đình chị có nhớ Việt Nam không?
Vi Vi thở dài:
– Sau này cha mẹ tôi lớn tuổi sẽ về Việt Nam định cư. Nhưng tôi không phải là người Việt Nam dù vẫn nói được tiếng Việt. Tôi ghét người Việt. Người Việt có nhiều tật xấu, nên có biết bao người giỏi mà vẫn không ngoi lên được. Người Việt kỳ thị ngay chính những đồng hương của mình, kỳ thị giữa các vùng miền, rồi người Việt kỳ thị tiếp người nước ngoài. Người Việt kiêu hãnh nhưng lại mang trong lòng nỗi buồn nhược tiểu. Cô là một người Việt đặc trưng như vậy đó! Nên tôi ghét cô! Tôi cũng ghét cha mẹ tôi và những ông bà Việt kiều bạn bè của họ. Tóm lại những gì thuộc về Việt Nam tôi ghét hết!
Vi Vi nói một hơi rồi quay ngoắc người bỏ đi. Kim lặng người nghe Vi Vi trút nỗi lòng chối bỏ cội nguồn của mình, nghĩ chị nói thật có lý. Bản thân cô càng tiếp xúc với nhiều người nước ngoài càng nhận ra dân mình quá tự tôn khi nhận là “Con rồng cháu tiên”, nhưng trong lòng mỗi người Việt đều biết rằng nước mình tụt hậu quá. Hôm sau gặp lại Vi Vi, Kim thành thật thú nhận: “Em thích sự thẳng thắn của chị. Nhưng cũng đừng cực đoan quá. Ai mà không có những góc khuyết của riêng mình. Dân tộc nào mà không có những hạn chế…”. Kim chưa kịp kết thúc câu nói, đột nhiên Vi Vi nhìn cô ngụ ý: “Fernando Carvalho cũng không phải là một người hoàn hảo phải không?”. Kim bất ngờ, lặng im không nói gì. Vi Vi thở hắt ra, nói mình từng thích vẻ đàn ông mạnh mẽ của Fernando, từ ngày biết anh bỏ công chăm sóc một cô nàng yếu đuối như Kim tự nhiên thấy thất vọng quá. “Hẳn Fernando tưởng tôi vẫn còn mê anh ta lắm – Vi Vi nhún vai cười – Cho tôi nhắn lại, hết từ lâu rồi! Nên cô cũng đừng tưỏng tôi ác cảm với cô vì ghen”. Kim nghĩ không cần thiết phải khai báo với Vi Vi mình từng bị Fernando “đàn áp dã man” mà không dám nhõng nhẽo gì cả. Cô cũng thấy không nên phải nói thẳng với Vi Vi làm phụ nữ đừng “cứng” quá làm chi, thôi thì mỗi người một tính, rồi ai cũng sẽ tìm được một nửa của mình.
Sau cuộc trao đổi quá sức thẳng thắn với Vi Vi ngày hôm đó, Kim không còn thấy căng thẳng trước chị. Vi Vi cũng có vẻ thoải mái với cô hơn. Dạo này hình như chị đang yêu, thấy nhẹ nhàng và nữ tính hơn. Kim hay bắt gặp Vi Vi nói chuyện trong điện thoại, giọng nũng nịu rất lạ. Đôi khi cô đỏ mặt nghe Vi Vi hứa hẹn với người yêu sẽ có một đêm cuồng nhiệt bằng những từ ngữ tả thực rất “rợn người”. Kim nghĩ Vi Vi bạo miệng đã đành, hẳn anh chàng người yêu cũng “du côn” không kém. Fernando không bao giờ nói đến đề tài này với Kim một cách trắng trợn như vậy, anh luôn biết tế nhị mỗi khi nhắc đến những phút giây riêng tư của hai người. Hẳn vì Vi Vi quá nồng nhiệt trong khoản này nên Fernando thấy “dị ứng” dạo bị chị “quấy rối”. Kim không thích hỏi Fernando về Vi Vi, anh cũng chẳng bao giờ đề cập đến. Duy có lần Vi Vi mời Kim về nhà cha mẹ mình ở Guildford, một thành phố nhỏ gần Luân Đôn, cô mới kể cho Fernando nghe trong điện thoại. Anh giễu cợt “Chắc chắn “phụ huynh” của Vi Vi khác hẳn của em!” rồi không bình luận gì thêm. Kim kể cha mẹ Vi Vi tha hồ nói tiếng Việt với mình rồi rên rỉ đủ chuyện về Việt Nam. Họ rất bất ngờ biết chị quen với Kim đã lâu mà không chịu dẫn về giới thiệu. Hai người đều là dân trí thức, vì sang Anh đã lâu nên tính tình cũng rất thoải mái, không bó hẹp suy nghĩ trong phạm vi một nền văn hóa của riêng nước nào. Hẳn điều này góp phần không nhỏ tạo nên tính cách đặc biệt như Vi Vi. Tuy có vẻ đã hội nhập rất tốt, cha mẹ Vi Vi vẫn có ý nghĩ một ngày nào đó được trở về quê hương sống nốt quãng đời còn lại.
Dù tâm sự chân tình như thế, hai người có những ưu tư làm Kim “á khẩu” không biết phải trả lời làm sao: “Việt Nam còn gián, chuột, kiến không? Mấy con này là sứ giả của vi trùng, hai bác sợ lắm. Nghe nói dân Việt Nam ăn uống cẩu thả, hàn the, màu thực phẩm, thạch cao, phọc-môn… toàn những thứ làm ung thư. Đến rau củ còn bị tưới đồ hóa chất, thuốc trừ sâu, xăng nhớt tùm lum. Chắc hai bác phải ăn thực phẩm nhập từ châu Âu quá. Rồi đi lại cũng kinh hoàng lắm phải không cháu, xe đò lật xuống đèo, tài xế đua với nhau, họ ngủ gục trong lúc lái, xe lửa chạy nhanh trật đường ray, thuyền bè chở quá tải chìm bao nhiêu vụ, máy bay thì bị dọa có khủng bố, trong thành phố giao thông hỗn độn, tai nạn liên miên, đến đi bộ mà cũng trầy xước hết vì không có vỉa hè. À, nghe đồn đạo đức dân mình suy đồi, thích sống hưởng thụ, không cưu mang người nghèo, đến tiền cứu trợ bão lụt mà còn bị đem làm của riêng. Mấy tổ chức phi chính phủ còn phải chán ngán không muốn làm từ thiện nữa. Bởi vậy, hai bác cứ suy nghĩ hoài, con người ta lá rụng về cội, nhưng cội này sao mà…”. Vi Vi kéo Kim đứng lên kéo lên lầu lầm bầm cáu bẳn: “Đó, cô có thấy mấy người Việt kiều già mâu thuẫn không. Cho nên tôi không ưa người Việt, cái gì cũng muốn, ích kỷ số một, vừa muốn quay về Việt Nam nhưng lại từ chối sống như mọi người xung quanh. Nếu về phải có nhà cửa, trong khi bên đây ở nhà thuê cả đời. Đòi có tinh thần Việt nhưng muốn hưởng vật chất của hải ngoại. Muốn trốn cái rét phương Tây nhưng kinh sợ sức nóng và bụi bậm phương Đông, mê thức ăn Việt Nam nhưng ngán không an toàn thực phẩm. Cái gì cũng có giá của nó!”. Kim thở dài biết Vi Vi nói đúng, nhưng cô ái ngại khi ba mẹ Vi Vi rầu rĩ tiễn hai đứa quay lại Oxford, mắt nhìn xa xăm: “Gặp cháu rồi hai bác càng nhớ Việt Nam quá. Rảnh ghé Guildford thăm hai bác, kể chuyện bên nhà cho hai bác nghe nhé…”