Bạn đang đọc Ông Cố Vấn – Chương 26: Hồng Y Spellman
1.
O⬙Connor đi lại như một con thoi giữa Sài Gòn và Washington. Mỗi lần từ Mỹ sang, ông lại tới Bình An với những tin tức mới.
Kết quả đợt phản công lần thứ nhất trong chiến lược “lùng và diệt” của Westmoreland làm cho ông ta có vẻ lo âu. Những cuộc hành quân then chốt của quân Mỹ và quân ngụy với lực lượng hàng chục tiểu đoàn vào những vùng Củ Chi, Bến Cát quanh Sài Gòn và nhiều nơi khác như Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định đã không đạt được mục đích đánh bại quân chủ lực của ta, hỗ trợ cho công việc bình định, củng cố ngụy quyền.
Tháng Tám năm 1966, O⬙Connor từ Washington trở lại Sài Gòn với thái độ vui vẻ.
Hai Long hỏi:
– Washington lượng định thế nào về công việc của tướng Westmoreland trong nửa năm qua?
– Như Westmoreland đã tự nhận xét: hết thua rồi nhưng chưa bắt đầu thắng.
– Phải chăng đó là một nhận xét bi quan?
– Không bi quan đâu nếu so với nhận xét của một số người khác. Cabot Lodge còn báo cáo về Washington những điều bi đát hơn. Ông ta đánh giá hơn 400 cuộc hành quân của Mỹ và đồng minh nửa năm qua đã không diệt được đơn vị chính quy lớn nào của Việt Cộng, mà du kích vẫn phát triển. Chất lượng quân đội Sài Gòn giảm sút nhanh. Lực lựợng Mỹ tăng cường bổ sung không kịp.
– Còn nhận định của tổng thống Johnson?
O⬙Connor trầm ngâm rồi nói:
– Tổng thống cho rằng chưa bao giờ binh sĩ Mỹ gặp một cuộc chiến tranh kỳ lạ gay go như ở đây, đối thủ của họ rất thiện chiến, ngoan cường. Mỹ lại phải đối phó với nhiều khó khăn ở ngay chính quốc. Ba công dân Mỹ đã tự thiêu để phản đối nhà cầm quyền đưa quân sang Việt Nam. Trong lịch sử Mỹ chưa từng có chuyện đó. Những người ở chiến trường như Westmoreland, Sharp[1], Walt đều đòi tăng quân nhanh, đòi tăng cường sức ép quân sự đối với miền Bắc Việt Nam đề giành chiến thắng. Nhưng ở ngay bộ Quốc phòng và Hội đồng an ninh quốc gia cũng không ít những nhân vật quan trọng có ý kiến ngược lại.
– Họ là những ai mà lại có ý kiến kỳ lạ như vậy?
– Chẳng hạn như George Bundy[2] và McNamara.
– Cả bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara? – Hai Long làm ra vẻ ngạc nhiên.
– Và còn có thêm cả những người khác nữa!
– Như vậy tình hình sẽ dẫn tới đâu?
– Tổng thống vẫn lạc quan. Một số nhân vật quân sự lượng định, muốn thắng cuộc chiến tranh này, Mỹ phải đưa sang Việt Nam 60 vạn quân. McNamara muốn dừng lại ở con số tối đa là 45 vạn. Nhưng tổng thống được một người ủng hộ rất quan trọng, đó chính là đối thủ chủ yếu của tổng thống trong cuộc tranh cử sắp tới. Nixon đã nêu lên chính sách về Việt Nam của đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử tổng thống là: dùng sức mạnh quân sự tối đa để kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt! Tổng thống tin rằng mặc dù những sức ép ở quốc hội và trên quốc tế, ông vẫn có thể đưa tiếp quân sang Việt Nam, ông còn đủ thời gian để giành chiến thắng.
– Nhưng…, như điều cha vừa nói, tình hình quân sự ở Việt Nam cộng hòa vẫn tiếp tục xấu đi, ta sẽ làm gì khi ông Westmoreland không có được đủ số quân tăng viện mà ông yêu cầu.
– Giáo sư không phải lo lắng nhiều… – O⬙Connor nhìn anh mỉm cười – Lầu Năm Góc đã rút được kinh nghiệm về tính kém hữu hiệu của những cuộc hành quân vừa rồi, tướng Westmoreland sẽ tiến hành đợt phản công thứ hai một cách có hiệu quả hơn… Tôi cần cảm ơn cha Tổng và thầy về những cuộc nói chuyện rất bổ ích. Rất tiếc là người Mỹ đã làm hỏng cả chương trình “ấp chiến lược” mà cha Tổng và thầy đã giúp cho ông Nhu xây dựng. Cha Tổng là một nhà chiến lược quân sự tài năng và giáo sư, thầy có thể kế tục một cách xuất sắc sự nghiệp của cha. Tôi nhận thấy thầy cũng có nhiều năng khiếu về quân sự… Chúng ta không thể chỉ ngồi nuối tiếc những sai lầm trong quá khứ. Người Mỹ sẽ sửa chữa những sai lầm của mình nay mai.
– Cha muốn nói là sẽ tiếp tục xây dựng lại những ấp chiến lược? Tôi nghĩ rằng làm việc đó trong tình hình mới sẽ tốn rất nhiều thời gian, không phù hợp với chiến lược cần thắng nhanh của Mỹ cũng như ý nguyện của dân chúng Việt Nam cộng hòa.
– Người Mỹ sẽ sửa chữa sai lầm theo cách của mình, với những phương tiện quân sự hiện đại của mình. Maquis dans maquis![3]
Ông linh mục nói một câu tiếng Pháp rồi im lặng.
– Tôi chưa hiểu…
– Chúng ta sẽ có dịp trở lại chuyện này. Nói bây giờ e quá sớm!
O⬙Connor lảng nhanh sang chuyện khác:
– Vừa rồi về Hòa Kỳ, tôi được làm việc rất nhiều và rất bổ ích với Đức Hồng y Spellman. Đó là điều tôi định nói với thầy hôm nay. Tôi đã giới thiệu thầy với Đức cha. Đức cha hứa trong năm nay sẽ qua Việt Nam.
– Ngài sẽ qua Việt Nam ư?… – Hai Long hỏi lại với vẻ mặt mừng rỡ.
Đôi mắt xanh của O⬙Connor lấp lánh nở một nụ cười, như chia sẻ niềm vui của anh.
– Chắc chắn như vậy. Và ngài sẽ gặp thầy…
“Maquis dans maquis”, “Khu du kích trong khu du kích” là thế nào, một câu hỏi mới bắt đầu nhức nhối trong đầu anh. Anh thấy mình không thể gặng hỏi ngay O⬙Connor khi ông linh mục đã nói “chưa tới lúc”. Có nhiều khả năng là một chiến thuật mới của địch? Anh cần phải hiểu rõ trước khi nó xuất hiện trên chiến trường. Theo tinh thần câu chuyện vừa trao đổi với O⬙Connor, nó rất quan trọng. Nó sẽ là lá bài quyết định thắng lợi trong đợt phải công lần thứ hai của Westmoreland. Nhưng anh chưa thể biết nó ngay lúc này. Anh đã đánh giá O⬙Connor là một ông thầy tu, một học giả. Nhưng anh không được phép chỉ nghĩ như vậy. Và nếu chỉ là một thầy tu thì đây là một thầy tu rất thông minh.
Câu chuyện giữa hai người đã nhanh chóng chuyển sang những “băn khoăn” đã có từ lâu của Hai Long đối với giáo hội Mỹ. Anh cần có O⬙Connor giúp mình hiểu rõ hơn vì anh sắp được gặp Hồng y giáo chủ Mỹ Spellman.
2.
Khâm sứ Tòa thánh Vatican ở Sài Gòn tỏ thái độ chăm chú đặc biệt khi Hai Long báo tin Hồng y Spellman sắp sang Việt Nam.
Mối quan hệ mật thiết giữa Hai Long với linh mục O⬙Connor đặc phái viên của tổng thống Mỹ đã mang them nhiều tin tức quan trọng và nâng cao thêm giá trị của Hai Long tại Tòa khâm sứ, nhưng đồng thời cũng làm cho Khâm sứ e ngại. Hai Long nhận thấy điều này qua sự quan tâm nhiều hơn của Khâm sứ trong việc bồi dưỡng cho anh về giáo lý để củng cố đức tin và thông hiểu hơn về đường lối của Vatican để tránh khỏi bị lung lạc.
Nhưng vị giám mục áo đỏ tới Sài Gòn ít lâu sau đó chưa phải là Spellman mà lại là Hồng y Pignedoli của Vatican. Pignedoli thuộc thánh bộ truyền giáo La Mã, được Giáo hoàng Paul VI cử cầm đầu một phái đoàn sang thăm Việt Nam vào cuối tháng 9.
Pignedoli triệu tập các giám mục ở Nam Việt Nam họp suốt một tuần. Ông công khai kêu gọi giáo dân Việt Nam và tất cả mọi người cùng góp sức tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Việt Nam.
Cha Hoàng không những được dự những cuộc họp chung với các giám mục mà còn được dự vào cả những cuộc gặp riêng giữa Hồng y với Khâm sứ Palmas và Tổng giám mục địa phận Sài Gòn.
Pignedoli đã chuyển cho các giám mục lời khuyến cáo của Giáo hoàng Paul VI, là giáo hội Thiên chúa giáo ở miền Nam phải có gắng thích nghi với tình hình, phải tìm cách thoát khỏi con đường bế tắc của Mỹ và chế độ Sài Gòn, Pignedoli không tán thành những cuộc biểu tình có tính kỳ thị tôn giáo của một xứ đạo di cư quá gắn bó với chế độ Diệm. Giáo hội Việt Nam phải cổ vũ cho hòa bình, hòa giải theo đường lối của Cộng đồng Vatican II, nhất là ủng hộ cuộc vận động hòa bình của Giáo hoàng Paul VI, thay vì gây thêm hận thù trong lòng dân tộc và tuyên truyền cho chiến tranh.
Trong cuộc gặp riêng Khâm sứ Palmas, Tổng giám mục đia phận và cha Hoàng, Hồng y nói thêm:
– Giáo hoàng Paul VI nhìn nhận có hai bên ở Nam Việt Nam, và Mặt trận giải phóng miền Nam là một thực tế đang tham chiến ở Nam Việt Nam.
Rồi Pignedoli hỏi Khâm sứ Palmas:
– Giáo hội Việt Nam sẽ lãnh đạo giáo dân cách nào để thực hiện đường lối hòa bình của Giáo hoàng Paul VI?
Khâm sứ đáp:
– Tôi đề cử cha Bình và cha Hoàng là hai giáo sĩ sẽ nhận lãnh đạo giáo hội đứng phía sau ủng hộ cho một số giáo dân hoạt động chính trị công khai, tránh cho giáo hội khỏi bị kẹt như hồi Diệm vừa qua.
– Nhưng giáo dân đó là ai? Chỉ nên giao cho một người làm việc này.
Khâm sứ quay lại nhìn Đức cha Bình và cha Hoàng tỏ ý muốn nhường cho hai người nói trước.
Tổng giám mục địa phận nói:
– Tôi đề cử luật sư Nguyễn Văn Huyền.
Cha Hoàng nói:
– Tôi đề cử giáo sư Nhã.
Khâm sứ nói tiếp ngay:
– Tôi đồng ý chọn thầy Nhã. Luật sư Huyền hiền lành đức độ nhưng chậm chạp, để làm việc hành chính thì tốt hơn. Giáo sư Nhã khôn lanh, hoạt bát, nhiệt tình, đặc biệt là rất nghe lời đấng bề trên và nhiệt tâm làm theo đường lối của Cộng đồng Vatican II… Cha Hoàng thuật lại chuyện này một cách rất thích thú, vì đây là thắng lợi lớn nhất cha đạt được từ ngày phái đoàn của Vatican tới Sài Gòn. Rồi cha bảo Hai Long:
– Đức Hồng y muốn gặp thầy vào sớm mai để dặn dò thêm.
Sáng hôm sau, Hai Long dùng xe của cha Hoàng tới Tòa khâm sứ.
Khâm sứ đón anh rồi đưa anh vào gặp Hồng y Pignedoli. Hai Long tiến lại quỳ hôn nhẫn.
Khâm sứ giới thiệu:
– Như đã thưa với Đức cha, giáo sư Hoàng Đức Nhã là một người con hiếu thảo của giáo hội, đã trải qua nhiều thử thách. Thầy Nhã làm việc nhiều năm với ông Diệm, ông Nhu ma không bị quyền hành làm say mê, làm việc nhiều năm với người Mỹ mà không bị chủ nghĩa vật chất cám dỗ, đức tin Thiên chúa giáo không hề bị xói mòn, và trái lại, ngày càng trở thành con chiên ngoan của Giáo hoàng Paul VI. Nếu được đấng bề trên trao nhiệm vụ, tin rằng không bao lâu nữa, thầy Nhã sẽ xứng đáng với danh hiệu Vaticaniste[4].
Hồng y phủ dụ đôi lời, rồi nêu lên một loạt câu hỏi về thái độ của Phật giáo, của chính quyền quân sự đối với Thiên chúa giáo, về tình hình giáo hội với những tổ chức như Khối công dân Công giáo đại đoàn kết của cha Hoàng, Hội đồng tôn giáo của linh mục Hồ Văn Vui…
Rồi Hồng y nói:
– Thầy hiện nay giữ một vai trò quan trọng trong tình hình quốc trưởng là một tín đồ Thiên chúa giáo dựa vào giáo hội, lại có quan hệ tốt với cả quốc trưởng và Mỹ. Vai trò của thầy càng quan trọng đối với một giáo hội đang được sự thử thách của Chúa!
– Trình Đức cha, con xin được phép hỏi, Đức Thánh cha có truyền phán cho giáo hội Việt Nam phải làm gì và làm như thế nào cho hợp ý, đẹp lòng Ngài? Con vẫn hằng nguyện là đày tớ trung thành của Ngài, là một vệ sĩ của giáo hội.
Hồng y Pignedoli nhìn anh với cặp mắt trìu mến:
– Đức Thánh cha cũng đã được nghe Đức Khâm sứ tâu trình về thầy. Sang đây, tôi mới hiểu rõ thầy hơn. Vì thầy là người sẽ lãnh đạo giáo dân thực hiện ý nguyện của Đức Thánh cha, nên tôi cần nói riêng thầy rõ, Đức Thánh cha chủ trường đứng trên, đứng ngoài cuộc chiến tranh Việt Nam, để hòa giải đôi bên tham chiến với cơ sở tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Đức Thánh cha muốn rằng hòa bình sẽ phải đến với dân tộc Việt Nam, phải gắn liền cuộc tìm kiếm hòa bình này với cuộc vận động hòa bình mà Giáo hoàng đang tiến hành, và giáo hội Việt Nam cần phải tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam đau khổ và anh dũng này. Giáo hội đã trao cho thầy một gánh nặng là làm theo lời phán của Chúa: “Bình an cho trần thế!”. Đức Khâm sứ Palmas và cha Hoàng có sứ mạng dìu dắt thầy thực hiện ý của Giáo hoàng… Nhân danh Đức Giáo hoàng, chúc lành thầy…
Hai Long một lần nữa quỳ tới hôn nhẫn. Anh giữ nguyên tư thế “quỳ lạy và thần phục” để bày tỏ sự ngoan ngoãn vâng theo lời đấng bề trên.
Hồng y làm dấu thánh rồi đỡ Hai Long đứng dậy:
– Thầy ráng cứng lòng với quỷ dữ cám dỗ là “quyền lực và tiền bạc”
– Con xin hứa giữ lòng trong sạch không để tiền bạc của Mỹ cám dỗ và quyền hành của Thiệu lung lạc.
Pignedoli lại làm dấu thánh giá rồi trao cho anh một cuốn Kinh thánh bằng chữ Latin và một tấm ảnh của Giáo hoàng Paul VI.
Cha Hoàng khoe ngay với O⬙Connor cuộc gặp giữa Hồng y Pignedoli, trưởng phái đoàn Tòa thánh La Mã với Hai Long. Cha không đả động gì tới những khuyến cáo của Paul VI. Ông thừa biết vị linh mục Mỹ đang đi tìm chiến thắng quân sự cho Johnson không khoái gì cuộc vận động hòa bình của Vatican. Cha cũng báo tin ngay cho cha Nhuận và cha Lãm để kể lại với Thiệu. Hai cha nhân dịp này tranh thủ đề cao uy tín của người Phát Diệm, coi đây là một vinh dự lớn cho cả khối Công giáo di cư, và trong khối này, Hai Long được đánh giá cao hơn những người khác.
Trung tâm rất chú ý tới những ý kiến của Pignedoli. Những chỉ chị của Giáo hoàng Paul VI phù hợp với chủ trương của ta, tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hai Long.
Anh lại có thêm những tên mới: Vaticaniste, Pauliste[5].
3.
Ngày 24 tháng 10, Mỹ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh Mỹ, Úc, Philipin, Thái lan, New Zealand, Nam Triều Tiên và Nam Việt Nam ở Manila, bàn về “hòa bình và tiến bộ ở châu Á và Thái Bình Dương”. Ngày 26 tháng 10, tổng thống Mỹ Johnson tới Cam Ranh trên đường trở về Mỹ, hứa hẹn sẽ viện trợ đầy đủ cho Việt Nam cộng hòa để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Cộng.
O⬙Connor đã nói lại cho Hai Long biểt trước mục đích của Hội nghị Manila là nhằm thống nhất tư tưởng và huy động khả năng đóng góp của những nước đồng minh với Mỹ tại châu Á vào cuộc chiến tranh Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam.
Cuối tháng 10, O⬙Connor gặp Hai Long. Ông linh mục hỏi:
– Tướng Thiệu có ý kiến gì về Hội nghị Manila và cuộc gặp gỡ Johnson ở Cam Ranh?
– Quyết tâm chống Cộng của ông Thiệu được củng cố rất nhiều. Ông ta đánh giá đây là một tiến bộ dài so với Hội nghị Honolulu hồi tháng 2. Việt Nam cộng hòa không còn phải chiến đấu đơn độc.
O⬙Connor đột ngột hỏi tiếp:
– Ông Thiệu nghĩ gì về những ý kiến của Hồng y Pignedoli?
Hai Long hiểu là mặc dù cả cha Hoàng và anh đều không để lộ những điều Pignedoli đã nói, nhưng O⬙Connor vẫn nắm được một phần qua những con đường khác. Anh cần phải tỏ với O⬙Connor mình không có gì giấu giếm:
– Tôi không truyền đạt với ông Thiệu tất cả những điều Đức Hồng y Pignedoli chỉ nói với một vài người đứng đầu giáo hội Việt Nam. Giáo hội có những nhiệm vụ vì mục đích cao cả của mình, nhưng ông Thiệu cũng có nhiệm vụ riêng quan trọng của ông, ông ta đang phải tiến hành cuộc chiến tranh chống Cộng.
O⬙Connor gật gù tỏ vẻ đồng tình, rồi nói:
– Giáo hoàng Paul VI là người tôi rất sùng kính. Cuộc vận động hòa bình của ngài đã thu hút hàng ngàn triệu con tim trên trái đất. Nhưng đó là nhìn chung. Còn Việt Nam đang có những vấn đề riêng của nó. Mưu tìm hòa bình ở Việt Nam khó khăn hơn nhiều. Với lương tâm của một giáo sĩ, tôi có thể nói tổng thống Johnson không phải là con người hiếu chiến. Ông và Giáo chủ Spellman đều không ngừng mưu kiếm hòa bình cho Việt Nam. Nhưng mọi con đường ông tìm kiếm với Hà nội tới nay đều bế tắc. Nguồn gốc sâu xa của cuộc chiến tranh tàn khốc này là Cộng sản muốn thôn tính Việt Nam cộng hòa bằng vũ lực. Việt Nam cộng hòa không đủ sức để tự bảo vệ nên các quốc gia tự do, đứng đầu là Mỹ phải có trách nhiệm trước hiểm họa của một dân tộc tự do. Vấn đề hiện nay là phải đánh bại ý chí xâm lược của Bắc Việt Nam trước khi tìm kiếm hòa bình.
– Là một con chiên của Chúa, tôi không dám phán xét những lời truyền phán của Đức Thánh cha, nhưng tôi chia sẻ những lo lắng của cha Tuyên úy. Tôi cũng nhận thấy nếu sớm đánh bại được ý chí xâm lược của Cộng sản thì tìm kiếm hòa bình không khó khăn. Đức Thánh cha không muốn gì hơn người dân Việt Nam có được một nền hòa bình trong tự do. Nhưng Ngài rất lo ngại một cuộc chiến tranh kéo dài, làm tổn hại tới sinh linh của hàng triệu con người. Quả thực đó cũng là lo ngại của nhiều giáo dân hiện nay, sau gần một năm Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Sức mạnh quân sự ghê gớm của quân đội Mỹ chưa hề làm giảm sút ý chí của đối phương, mà trái lại, còn kích thích thêm tinh thần chiến đấu của họ. Cha tuyên úy biết Chính phủ Hà Nội đã ra lệnh động viên cục bộ hồi tháng 7 với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tôi chưa hiểu quân Mỹ có thể làm gì với cuộc phản công lần thứ hai? Cha tuyên úy nói người Mỹ đã rút được kinh nghiệm, nhưng hoạt động của Việt Cộng rộ lên ở đường số 9 và nhiều nơi gần đây, khiến cho nhiều người rất lo lắng.
Vẻ mặt “thực sự” lo âu của Hai Long khiến cho O⬙Connor thấy mình không thể không tìm cách đưa anh ra khỏi cơn dao động.
– Cuộc phản công lần thứ hai của quân Mỹ chưa bắt đầu. Chúng ta đã gặp một địch thủ rất ghê gớm. Nhưng nước Mỹ và cả thế giới tự do đã đặt danh dự vào cuộc chiến tranh này. Nước Mỹ không thể thua vì ta có thể tin vào sức mạnh của Mỹ, vào những bộ óc điện tử của Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài. Thất bại của quân Mỹ trong cuộc phản công lần thứ nhất là do tổng thống Mỹ còn quá tự kiềm chế và Westmoreland không đánh trúng những nơi cần phải đánh. Lần này, họ phải rút kinh nghiệm.
Hai Long nói:
– Hồi tháng 9 vừa qua, ông Thiệu đã có ý kiến muốn chiến tranh nhanh chóng chấm dứt thì phải có quân đổ bộ lên Bắc Việt Nam như kiểu người Mỹ đã làm ở Bắc Hàn.
– Ông Thiệu thiếu cái nhìn chung đối với tình hình thế giới những năm 1960. Không quân và hải quân Mỹ có thể làm thêm được một số chuyện đối với Bắc Việt Nam. Ta có thể hủy diệt nền công nghiệp nhỏ bé ở miền Bắc, cô lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bằng cách đánh vào vài sân bay của họ và thả mìn cảng Hải Phòng. Nhưng cuộc chiến tranh chủ yếu vấn phải kết thúc ở Nam phần Việt Nam. Chúng ta biến đường số 9 thành một phòng tuyến ngăn đôi Nam Bắc Việt Nam, chặn đứng sự xâm nhập của người và phương tiện chiến tranh của Cộng sản. Chúng ta đang dùng những chất hóa học làm trụi lá cây, hủy diệt tất cả những chỗ ẩn náu của Việt Cộng. Chúng ta sẽ đánh thẳng vào những vùng đất thánh của Việt Cộng ở Campuchia và Lào. Khi Cộng quân ở Nam Việt Nam bị cô lập rồi, thì điều quan trọng là phải có một đòn quyết định đánh trúng vào cơ quan đầu não của cuộc chiến tranh ở ngay tại đây. Tất cả những biện pháp này sẽ được đồng thời tiến hành.
– Và sẽ không còn gặp trở ngại?
– Những trở ngại lúc nào cũng vẫn còn, nhưng tổng thống đã quyết tâm và có thể vượt qua.
– Tôi vẫn chưa hiểu lời cha nói bữa trước: “Maquis dans maquis”? Có phải là chúng ta sẽ xây dựng những khu du kích ngay trong lòng những vùng căn cứ của đối phương không?
O⬙Connor mỉm cười:
– Gần đúng như vây.
– Nhưng kinh nghiệm cho biết làm việc này quá khó?
– Ta sẽ có cách làm…
Hai Long mở một nụ cười hoài nghi.
Ông linh mục không chịu được cái nhìn và nụ cười của Hai Long. Ông buộc phải giảng giải:
– Không phải là cách Việt Cộng thường làm… Ta sẽ dùng sức mạnh và những phương tiện quân sự hiện đại đột nhập thật sâu vào một vùng căn cứ của đối phương, thiết lập căn cứ của ta ở đây, rồi tiếp tục mở rộng ra chung quanh như kiểu vết dầu loang. Cái khác là vết dầu loang này sẽ bất thần xuất hiện và phát triển rất nhanh ở giữa vùng căn cứ quan trọng và rộng lớn của đối phương.
Hai Long gật gù:
– Đó mới là một cách làm mới.
– Rồi thầy sẽ thấy sự lợi hại của nó. Tôi sẽ nói thêm khi nó được tiến hành cụ thể… Còn bây giờ thì báo với thầy một tin: Hồng y giáo chủ Spellman sẽ thăm Việt Nam vào dịp lễ Giáng sinh năm nay.
– Chắc Ngài cũng biết là giáo dân Việt Nam mong đợi.
– Ngài là Tổng tuyên úy của quân đội Mỹ, nên hàng năm đều dự lễ Noel với quân đội theo truyền thống. Năm nay, Ngài dành vinh dự đó cho những chiến binh đang chiến đấu ở Việt Nam.
4.
Chương trình làm việc của Spellman ở Sài Gòn rất sít sao. O⬙Connor tới báo tin cho Hai Long, Hồng y sẽ gặp riêng cha Hoàng và anh vào bữa cocktail hẹp sau lễ Giáng sinh, và cũng sẽ dành thời gian viếng thăm xã giao chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia trước khi rời Sài Gòn.
Hai Long thấy cần khai thác tối đa mối quan hệ giữa anh với Spellman. Tòa thánh Vatican chỉ có quyền uy với Thiệu về mặt tinh thần. Giáo hội Mỹ mới là nơi quyết định bước đường công danh của Thiệu. Hai Long nhờ cha Nhuận chuyển lời của mình cho Thiệu, là Trung ương Khối công dân Công giáo đã xếp đặt vào chương trình Hồng y Spellman sẽ tới thăm Thiệu, vậy Thiệu nên chuẩn bị đón tiếp cho nồng hậu. Thiệu được tin rất mừng rỡ, nhờ cha Nhuận hết sức cảm ơn Hai Long. Sau lễ Giáng sinh, bữa tiệc rượu được tổ chức tại Nha Tuyên úy Hải quân Mỹ, chỉ có bốn người được dự là Spellman, O⬙Connor, cha Hoàng và Hai Long, rõ ràng mang một không khí thân tình.
Spellman cao lớn, đường bệ, rực rỡ với chiếc áo choàng đỏ và cây thánh giá vàng. Da mặt ông hồng hào. Chiếc mũ tròn nhỏ chụp lên đầu để lộ mái tóc bạc trắng. Sau những lời chúc phước ngắn gọn, không kiểu cách, ông vào chuyện ngay một cách vừa thân mật vừa đầy uy quyền. Những lời của ông chứng tỏ ông biết rõ mình đang nói chuyện với ai và ông hoàn toàn tin vào báo cáo của người đặc phái viên, không cần kiểm tra trực tiếp lại với đương sự. Spellman thú nhận là ông thực sự ân hận về cái chết của anh em Diệm mặc dù trước đó, ông đã chân thành và thẳng thắn cảnh cáo anh em Diệm không phải một lần.
Ông nói với cha Hoàng:
– Cha O⬙Connor hết lời ca ngợi tài dùng binh của cha Tổng, tôi rất mừng được thấy cha còn khỏe mạnh, mong cha sẽ không ngừng sự nghiệp chiến đấu của mình – Juif avec les Juifs[6]. Đó là ý Chúa. Những kinh nghiệm chiến đấu của cha đã được giới quân sự Hoa Kỳ rất coi trọng.
Rồi ông quay sang Hai Long, thân mật hỏi:
– Giáo sư là người đỡ đầu cho quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu?
– Trình Đức cha, con đang lãnh một trách nhiệm rất khó khăn do giáo hội trao, và cũng như con đã có lần bảy tỏ với cha O⬙Connor, con không ngừng lo lắng với trách nhiệm nặng nề của mình.
Spellman đặt bàn tay to lớn lên vai Hai Long, như để an ủi rồi nói:
– Trong quãng đời còn lại của mình, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để tránh một chuyện tương tự xảy ra lần thứ hai ở Việt Nam đối với một tổng thống là tín đồ Thiên chúa giáo. Giáo sư có thể yên tâm coi đây là một lời cam kết…
– Để tránh được những tai ương, điều quan trọng hơn cả theo con nghĩ, cha Hoàng và con cần phải biết kịp thời đường lối chủ trương của giáo hội Mỹ.
Spellman chìa tay về phía O⬙Connor:
– Giáo hội Mỹ đã có một sứ giả luôn ở bên các vị.
O⬙Connor chỉ hơi nghiêng đầu để hưởng ứng lời nói của bề trên, vẫn giữ im lặng như không muốn làm phí khoảng thời gian ngắn ngủi Hồng y đã dành cho những vị khách quý.
Kết thúc tiệc rượu, O⬙Connor đưa Hồng y mộtgói giấy, Spellman cầm lấy rồi nói:
– Để đánh dấu buổi gặp gỡ này, tôi có một chút kỷ niệm nhỏ tặng các cha và ông giáo sư.
Ông mở cái gói, trao cho O⬙Connor, cha Hoàng và Hai Long mỗi người một cái lập lắc bằng vàng, có chạm hình thánh Michel, thánh bổn mạng của giáo chủ và dòng chữ “Pray for us!”[7].
Spellman đưa thêm cho Hai Long một chuỗi tràng hạt bằng đá quý. Sau giây lát suy nghĩ, ông tháo chiếc đồng hồ ở cổ tay mình, đeo vào tay Hai Long rồi nói:
– Bây giờ chỉ có thời gian là đáng kể. Chúng ta phải chạy nước rút trên vận động trường, phải tính từng phút, từng giây!
Ông nói tiếp với tất cả mọi người:
– Hãy cùng nhau cầu nguyện cho chúng ta vượt thời gian tới đích trước Cộng sản!
Trước khi Hai Long lên xe đi về, O⬙Connor gặp riêng Hai Long, nhờ anh báo với Thiệu thời gian Spellman sẽ tới thăm. Rồi O⬙Connor nói:
– Đức Hồng y bảo tôi trao đổi với thầy, sớm muộn cũng phải tổ chức tổng tuyển cử ỏ Việt Nam cộng hòa trong năm tới, nếu đưa Thiệu ra tranh cử, liệu có thắng không?
– Nếu đây là sự lựa chọn và ý muốn của Đức Hồng y, thì giáo hội Việt Nam sẽ đảm bảo cho Thiệu đắc cử.
– Chờ tới sau cuộc gặp gỡ của Đức cha với Thiệu, sẽ trao đổi thêm với thầy.
Sáng hôm sau, Hai Long tới nhà thờ Phát Diệm, gặp cha Nhuận báo thời gian Hồng y Spellman sẽ tới thăm Thiệu, đồng thời đưa ông cái lập lắc vàng và chuỗi hạt đá quý:
– Những bảo vật này, Đức Hồng y mới tặng con đêm qua, con xin tặng lại cho ông Thiệu. Cha nói giùm hộ con với ông là: “Hãy yên lòng vững dạ, những lá bùa hộ mệnh này sẽ bảo vệ quốc trưởng bình an đi tới đích”.
Anh chỉ giữ lại chiếc đồng hồ Boulevard mạ vàng mà khi nhận, anh phải đeo lên tận bắp tay cho khỏi tuột.
Ra khỏi nhà thờ Phát Diệm, Hai Long phóng xe đi tìm Hòe. Anh thấy đây là cơ hội tốt nhất để đưa Hòe tới gặp Thiệu. Anh kể lại cho Hòe nghe những điều O⬙Connor đã trao đổi riêng với mình tối hôm trước. Anh bảo Hòe sẽ thuật lại với Thiệu và nhắc Thiệu gắng làm đẹp lòng Đức Hồng y tạo điều kiện tốt cho Trung ương khối công dân Công giáo tiến hành tốt những bước tiếp theo. Anh viết thư cho cha Nhuận, giới thiệu Hòe là người của Trung ương Công giáo đại đoàn kết, có việc gấp, đề nghị cha đưa vào gặp Thiệu ngay.
Hòe tới dinh Độc Lập, phải chờ mãi mới gặp được cha Nhuận. Đọc thư Hai Long xong, cha Nhuận vội vã cầm thư lên trình Thiệu. Nhưng giờ hẹn với Spellman đã tới. Thiệu cho một sĩ quan tùy viên ra gặp Hòe, chuyển lời xin lỗi, và mời Hòe về dinh quốc khánh tại đường Tú Xương chờ mình.
Một giờ sau, Thiệu đi trên chiếc xe số 1 cắm cờ quốc trưởng, có sáu xe mô tô và hai xe hộ tống đi kèm, từ dinh Độc Lập tới dinh quốc khánh. Thiệu vẫn mặc nguyên bộ lễ phục trung tướng khi tiếp Spellman, hấp tấp đi vào gặp Hòe.
Thiệu kéo Hòe lên phòng riêng, xin lỗi về việc tiếp Hòe chậm, tự tay pha trà mời Hòe.
Hòe thuật lại những lời dặn của Hai Long, tỏ ý tiếc là lúc này đã muộn. Nhưng Thiệu rất phấn chấn, vui vẻ nói rằng không hề chi, vì cuộc viếng thăm của Đức Hồng y đã diễn ra hết sức tốt đẹp. Hòe ngạc nhiên khi thấy Thiệu coi mình như một người quen biết từ lâu, ý hợp tâm đầu, kể lại toàn bộ cuộc trao đổi giữa mình với Spellman, và nhờ Hòe thuật lại với Hai Long kèm với lời tri ơn nồng nhiệt về những việc Hai Long đã giúp đỡ và sẽ còn tiếp tục giúp đỡ mình.
Hai Long biết Thiệu đang cực kỳ phấn khởi, thời gian qua, mọi quyền hành đều nằm trong tay Kỳ, vì Kỳ là chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, tức là thủ tướng chính phủ chiến tranh. Thiệu làm chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, ở cương vị một quốc trưởng, nhưng trong thực tế là “ngồi chơi xơi nước”. Thiệu rất mờ nhạt trong khi Kỳ nổi lên với những hành động ngổ ngáo như trực tiếp lái máy bay ngụy ra đánh phá Vĩnh Linh, Quảng Bình, trực tiếp ra Đà Nẵng giải quyết vụ Nguyễn Chánh Thi. Thiệu tưởng Mỹ đã loại mình ra ngoài cuộc tranh cử sắp tới. Những tin tức Hai Long vừa đem tới đã nhen lên trong lòng Thiệu nhiều hy vọng.
Hai Long thấy chưa nên dừng lại ở đây. Anh lại cử Hòe tới dinh Độc Lập một lần nữa. lần này, anh bảo Thiệu nên gửi thiếp và quà đáp lễ Spellman đã tới thăm mình. Anh nhận chuyển giúp Thiệu tới Spellman. Anh gợi ý luôn cả cách viết thiếp. Trên tờ thiếp sẽ có cả chữ Việt và chữ Anh. Bên trên, nên là dòng chữ bằng tiếng Anh “Lieutenant General Nguyễn Văn Thiệu, Chairman of the National Leadership Committee”[8]. Tiếp đến dòng chữ Việt: “Xin Đức cha cầu nguyện cho Việt Nam”. Thiệu ký tên bên dưới. Anh cũng gợi ý là tặng phẩm nên gói bằng giấy in con dấu Hội đồng quân lực và Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, kèm theo một tấm ảnh của Thiệu. Anh giải thích cách làm như vậy mang nhiều ý nghĩa, vừa chính trị, vừa tôn giáo, vừa ngoại giao, vừa tình cảm, nâng cao giá trị cả người gửi và người nhận.
Thiệu lập tức đồng tình và làm theo toàn bộ lời khuyên của anh.
Hai Long viết một lá thư ngắn, ký tên thánh bổn mạng, đặt kèm gói quà, rồi tới gặp O⬙Connor. Hai Long kể lại cho O⬙Connor nghe toàn bộ câu chuyện trao đổi giữa Spellman và Thiệu. Rồi đưa gói quà của Thiệu, nhờ O⬙Connor chuyển cho Spellman.
Cả Spellman và O⬙Connor đều đã có đầy đủ ấn tượng Hai Long và Thiệu chỉ là một.
Trước khi rời Sài Gòn, Spellman gặp lại Hai Long, Hồng y tươi tỉnh nói:
– Tôi muốn hỏi ý kiến giáo sư về những người đứng đầu nay mai của chính quyền Việt Nam cộng hòa.
Spellman lấy hai tờ giấy dày, có dòng kẻ, đưa Hai Long một tờ:
– Ta cùng viết xem ý nghĩ có gặp nhau không? Chỉ cần ghi hai tên.
Hai Long không ngờ mình lại rơi vào thử thách này. Anh mỉm cười đón tờ giấy. Sau giây lát cân nhắc, anh ghi rất nhanh:
N.V.T
N.C.K
Thái độ của Mỹ thời gian qua nói chung và thái độ của Spellman mấy ngày gần đây nói riêng cho anh thấy đây là hai nhân vật đang được đặc biệt chú ý. Nếu không trúng ý của Spellman, anh cũng không có gì phải ân hận, vì anh đã được “giáo hội trao nhiệm vụ đỡ đầu Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ”.
Hai Long cài bút lên nắp túi, bình tĩnh ngồi chờ. Spellman viết rất nhanh và viết khá lâu. Anh không hiểu Hồng y viết gì mà nhiều như vậy trong khi ông đã quy định chỉ ghi hai tên.
Spellman viết xong, ngửng đầu nhìn Hai Long, tỏ vẻ ngạc nhiên, dường như thấy anh chẳng cần cân nhắc trước câu đố hóc búa của mình. Hồng y đặt chiếc bút xuống bàn rồi giơ tờ giấy của mình cho Hai Long xem. Đó là một bản sơ đồ chằng chịt những mối quan hệ giữa ngụy quyền miền Nam với các tổ chức của Mỹ. Ngón tay to lớn của Hồng y đặt vào chỗ đỉnh chóp của bộ máy ngụy quyền, được ký hiệu bằng hai ngôi sao ở trên và ba ngôi sao ở dưới, cấp bậc của Kỳ và Thiệu. Spellman đặt Kỳ trên Thiệu[9].
Hai Long cũng giơ mảnh giấy của mình. Hồng y chăm chú nhìn rồi cười rất to:
– Những tư tưởng lớn gặp nhau!
– Xin lưu ý Đức Hồng y, người cầm đầu Việt Nam cộng hòa nên là một người Thiên chúa giáo.
Spellman gật đầu rồi lấy một tấm danh thiếp đưa anh.
– Trong ngày hôm nay, tôi phải rời Sài Gòn, có cần gì, giáo sư trực tiếp gửi thư cho tôi.
Hai Long hướng về tờ giấy có bút tích của Spellman:
– Xin Đức Hồng y cho con được giữ lại kỷ vật này. Đây là một thánh chỉ của bề trên mà con phải thực hiện.
Spellman đưa tờ giấy cho anh:
– Giữ lấy nếu thầy muốn. Đó cũng chính là ý của thầy.
Có tờ giấy này, anh đã nắm được linh hồn của cả Thiệu và Kỳ.
Nhân dịp Tết dương lịch 1967, Hai Long lại bảo Hòe vào gặp Thiệu, mang theo một danh sách những cha cố Mỹ mà mình cần củng cố mối quan hệ, đề nghị Thiệu nên viết thiếp chúc mừng để tranh thủ cảm tình của giáo hội Mỹ, theo cách đã làm với Spellman. Thiệu vui vẻ làm theo ngay, nhờ Hòe chuyển lời hết sức cảm ơn và tha thiết mời anh tới dinh Độc Lập để cùng trực tiếp đàm đạo. Hai Long trả lời đa tạ thịnh tình của Thiệu, hẹn khi nào có việc thật cần, anh sẽ tới dinh, còn hiện thời, Thiệu và anh chỉ nên giữ chặt liên lạc qua trung gian của cha Nhuận và Hòe, tránh sự chú ý của một số nhân vật đối lập với chính quyền quân sự mà theo chỉ thị của giáo hội anh đang còn phải giữ mối quan hệ.
—
[1] Oley Sharp, đô đốc, tổng tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương
[2] George Bundy, cố vấn an ninh quốc gia của Johnson.
[3] Khu du kích trong khu du kích
[4] người của Vatican
[5] người của Giáo hoàng Paul VI.
[6] Do Thái với những người Do Thái
[7] Hãy cầu nguyện cho chúng tôi
[8] Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia
[9] Kỳ là thiếu tướng (2 sao), Thiệu là trung tướng (3 sao)