Ông Cố Vấn

Chương 2: Người Bị Bắt


Bạn đang đọc Ông Cố Vấn – Chương 2: Người Bị Bắt

1.
Sài Gòn. Tháng 12-1958.
Một buổi sáng bình thường.
Sắp tới giờ làm việc ở những công sở. Trên đường phố còn ngái ngủ với nhiều tiệm hàng vẫn đóng kín, mới có dòng người cần mẫn, những viên chức, thợ thuyền đi bộ hoặc đi xe đạp, xe máy tới công sở. Họ đã tỉnh táo sau bữa điểm tâm một tô hủ tiếu bốc khói hoặc gói xôi rắc dừa kèm ly cà phê ở những quán bên vỉa hè.
Mặt trời chưa lên hẳn. Không khí trong trẻo, hơi lạnh. Thấp thoáng một vài bà đứng tuổi khoác áo len dài tay. Người Sài Gòn chỉ có một số buổi sáng hiếm hoi thế này để dùng đến chiếc áo len được cất giữ lâu ngày.
Hai chiếc mô-bi-lét, mỗi xe chở hai người, tiếng máy nổ giòn tan, phóng qua cầu Thị Nghè rồi dừng lại ở chân dốc. Hai người lực lưỡng khoác áo blu-dông đen, ngồi ở phía sau xe nhảy xuống bước lên hè. Họ chặn đường một người bé nhỏ, tuổi khoảng ba mươi, có dáng dấp một viên chức hay nhà giáo. Anh ngước cập mắt hiền lành nhìn người đang cản đường mình rồi né sang bên định tiếp tục đi.
Một người mặc blu-dông để râu mép, giơ tay trái ngăn lạ:
– Anh Hai Long, hỉ?
– Dạ…
Người được hỏi lộ vẻ ngạc nhiên. Phía sau anh, một tên mặc áo blu-dông khác cũng đã đứng áp sát. Vật cồm cộm ở nách áo hắn là một khẩu súng ngắn.
Cặp mắt lạnh lẽo của bọn chúng báo hiệu chẳng lành.
Tên đứng trước Hai Long chìa tay và gần như chộp lấy tay anh. Bàn tay hắn lạnh và cứng như chiếc còng sắt:
– Gặp nhau, hay quá! Mời anh vô đây trao đổi một chút.
Hắn choàng tay kia vào lưng Hai Long, tiếp tục cử chỉ thân mật. Nhưng Hai Long cảm thấy cánh tay hắn là một chiếc gông, và mình bị một sức mạnh đẩy vào chiếc tắc-xi đã đỗ xịch bên vỉa hè, máy vẫn nổ.
Phút chốc Hai Long đã bị ngồi kẹp giữa hai tên mặc áo blu-dông. Anh nhìn hai bên đường. Chỉ có một tên lạ mặt đeo chiếc kính râm, chắc là đồng bọn, đứng ở cột đèn bên kia đường, đang nhìn sang. Mọi người vẫn mải miết đi, không ai chú ý tới việc vừa xảy ra. Từ nhiều tháng nay, ở thành phố diễn ra nhiều cuộc lùng ráp, bắt bớ. Tâm lý chung, không ai muốn dây vào. Cũng có thể là chúng làm lẹ quá!…
Chiếc tắc-xi lao nhanh trên đường phố.
Màn kịch tình cờ gặp gỡ thân mật đã xong, bộ mặt chúng trở nên lạnh như tiền.
– Sao…? Các ông dưa tôi đi đâu?
Đáp lại câu hói của Hai Long là sự im lặng.
– Các ông là ai?
– Mời đi có chút việc. Lát nữa sẽ rõ. – Tên để râu mép trà lời khô khan.
Hai Long chỉ còn cách liếc mắt nhìn đường phố xem chúng dưa mình di đâu. Hy vọng có người quen nhận ra anh không còn. Xe phóng rất nhanh.
Đến phố Vân Đồn, xe chạy chậm lại. Tên lái xe nhấn hai tiếng còi nhỏ. Cánh cổng sắt một ngôi nhà bên trái bỗng mở ra. Chiếc xe ngoặt lên hè, lao qua. Hai cánh cổng sắt đã khép lại sau lưng như vừa nuốt chửng chiếc xe.
Bên trong là một ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp đã cũ. Những cánh cửa chớp quay ra mặt đường, sơn màu xanh lá cây, đều đóng kín.
Tên có râu dẫn Hai Long vào một căn buồng nhỏ ở ngay sát bậc thềm ra vào. Tên cùng đi bắt đầu lục soát khắp người anh. Hắn lần lượt thu tấm căn cước, chùm chìa khóa, chiếc khăn tay, rồi mở khóa dây lưng da của anh, kéo tuột ra một cách thô bạo. Cuối cùng, hắn rút nốt cây bút máy rẻ tiền cài ở nắp tủi ngực. Anh chỉ còn lại chiếc đồng hồ đeo tay. Những thủ tục này được hoàn tất một cách lặng lẽ trước cặp mắt giám sát của tên có râu.
– Mời sang buồng khách! – Tên có râu nói như ra lệnh.
Buồng khách ở liền căn phòng nhỏ.
Chiếc tủ chè và cỗ xa-lông bằng gỗ mun đen bóng, chạm trổ tinh vi. Một bức tranh thuỷ mặc lớn, lồng khung kính treo trên tường. Những chiếc đôn sứ… Tất cả nói lên đây là tư thất của một gia đình khá giả, chủ nhân phải là người đã lớn tuổi.
– Anh ngồi một lát chờ gặp ông Đoàn.
Tên có râu quay ra để Hai Long ở lại một mình trong căn buồng.
Cặp mắt Hai Long bị hút về những ô kính nhìn vào phía trong ngôi nhà. Trước mắt anh là một cái sân rộng dẫn đến dãy nhà ngang nằm giáp tường phía sau khu biệt thự. Tường khá cao, bên trên lại được gia cố thêm một tấm lưới thép cao không kém bức tường. Cửa ra vào những phòng ở dãy nhà ngang đều khép kín. Một tên mặc sơ-mi trắng ngồi trên chiếc ghế đẩu đặt ở hành lang. Anh nhận ngay ra dãy nhà này là nơi giam giữ những người bị bắt như anh và tên mặc áo sơ-mi trắng đang làm nhiệm vụ canh gác.
“Ông Đoàn là ai…?”, Hai Long tự hỏi.
2.
Một người bước vào, lẳng lặng kéo ghế ngồi.
Người hắn khá cao, nước da tối, cằm bạnh, đôi hàm răng nhỏ sin sít. Mái tóc cắt ngắn, cái nhìn lẩn tránh, cách ăn mặc giản dị của người đã quen với sinh hoạt kháng chiến, nói lên hắn là một tên đầu thú, một kẻ phản bội. Cùng một lúc, anh có hai cảm giác: sự lợm giọng và sự nguy hiểm. Trong cuộc chiến đấu này, đối phó với kẻ thù ở phía bên kia trận tuyến bao giờ cũng dễ hơn với kẻ đã từng đứng chung hàng ngũ.
Sau cái liếc mắt nhìn Hai Long rất nhanh, hắn thong thả rót nước, bóc bao thuốc đã để trên bàn. Trái với thái độ khi mới vào, hắn lịch sự đặt chén nước trước mặt Hai Long, mời anh hút thuốc lá.
Hai Long rút một điếu thuốc và nói:

– Cảm ơn ông.
Hắn không đáp lại, cũng rút thuốc đánh diêm hút trước rồi mới đẩy bao diêm về phía anh. Những cử chỉ xã giao tùy tiện khiến cho người đối thoại hiểu rằng, hắn tự cho mình quyền làm bất cứ điều gì hắn muốn, và cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra theo chiều hướng ấy.
– Tôi ở Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của ông cố vấn Ngô Đình Cẩn…
Một cái nhìn sắc lẹm phóng về phía Hai Long.
– Dạ…
Người bị bắt nào cũng cảm thấy sự hiểm nghèo khi rơi vào nanh vuốt của Ngô Đình Cẩn. Cẩn là “cậu Út” trong bảy anh chị em nhà họ Ngô. Y là người thất học nhất trong gia đình. Bù lại, y vượt các anh chị về tính tình tàn bạo. Cẩn được trao nhiệm vụ làm cố vấn chỉ đạo miền Trung, một chức vụ tưởng như vô danh vô thực. Nhưng trong thực tể, “cậu Út” thâu tóm mọi quyền hành. Cẩn không chỉ là ông vua ở miền Trung, mà còn với tay đến cả những tỉnh phía Nam, không trừ Sài Gòn là nơi hai anh của y, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đang chấp chính.
Mặt “ông Đoàn” sáng lên. Đối phương hắn đang lạnh buốt sống lưng.
Hai Long vẫn thu hai tay ngồi im, nhìn ông Đoàn bằng cặp mắt lo âu và chất phác. Hắn tránh đôi mắt của Hai Long, quay mặt về phía cửa kính chuyển sang giọng tâm tình:
– Chúng mình… đều là người kháng chiến cả, ta sẽ nói chuyện thẳng thắn với nhau. Tôi không cần giấu anh, tôi là Dương Văn Hiếu, trưởng ty công an Thừa Thiên, trước dây là Ủy viên Ban tư pháp của khu Ba.
– Dạ…
– Chắc anh đã hiểu vì sao tôi mời anh đến?
– Tôi đang đi ở Thị Nghè thì có người kêu lên xe đưa về đây.
Hai hàm răng sin sít của Hiếu hơi nghiến lại. Đôi bắp thịt quai hàm nổi lên. Hắn thích được đối phương đầu hàng ngay từ giây phút đầu tiên. Gần đây, hắn dã giành được một số thắng lợi khá dễ dàng. Nhưng hắn vẫn tỏ ra tự kiềm chế:
– Đúng vậy. Tôi đã cho người đi rước anh. Nếu anh chưa muốn hiểu thì tôi đi thẳng vào ngay vấn đề. Các anh đến đây (Hiếu nhấn vào tiếng “các anh”) không có lệnh truy nã. Chúng tôi không dùng luật pháp để bắt các anh… Không ai biết các anh đến với chúng tôi. Vì chúng tôi muốn khi các anh đến cũng như khi ra về, không ai biết ngoài chúng tôi. Chiều nay, ngày mai, anh vẫn đến nơi làm việc như thường. Anh sẽ nói anh bị đau nên vắng mặt ở sở một buổi, một ngày… Nhưng anh cũng có thể ở lại đây mãi mãi mà không ai biết. Sẽ không có luật pháp nào can thiệp. Đó là cách làm của chúng tôi.
Không phải là cách làm của hắn, mà của “ông Cậu”. Ông Cậu không xét xử theo luật pháp, dù là luật pháp của “Việt Nam cộng hòa”. Vì luật pháp là một điều quá khó hiểu đối với trình độ học vấn của ông Cậu, quá xa lạ với bản chất của y. Hiếu không chỉ đe dọa, mà còn muốn nói rõ cho mình biết tình thế hiện tại, Hai Long nghĩ.
Hiếu vẫn chậm rãi:
– Ông cố vấn chỉ đạo miền Trung đánh giá rất cao những người kháng chiến cũ. Ông cố vấn tin rằng, nếu có sự hợp tác giữa người kháng chiến với người Quốc gia, sẽ thống nhất được đất nước. Trong hàng ngũ Quốc gia không có sự kỳ thị. Tôi cũng là Việt Minh nòi nhưng Quốc gia vẫn trao cho trọng trách. Anh có ý kiến gì khác?
– Nhưng… thưa ông, tôi đâu phải là người phía bên kia!
Hiểu cười nhạt:
– Tôi muốn kêu gọi thiện chí của anh, nhưng ít nhất là lúc này, anh đã làm tôi thất vọng. Anh chỉ có hai sự lựa chọn: một là chân thành hợp tác với chúng tôi để trở về; hai là cứ trung thành với lý tưởng để vùi xác ở đây, không cần xét xử.
Vẻ mặt Hiếu trở nên ngạo mạn. Hai con chuột hai bên quai hàm nổi lên rất to. Tiếng nói của hắn bỗng rít lên:
– Tôi đã từng đập tan toàn bộ mạng lưới tình báo quân sự ở miền Trung, và đang làm tiếp ở Sài Gòn…! Anh chưa tin?
Hiếu quắc mắt nhìn Hai Long.
– Dạ… không phải như vậy, tôi tin chớ? Nhưng ở trường hợp của tôi, tôi e có sự lầm lẫn.
Cặp mắt người đối thoại mở to để lộ vẻ ngạc nhiên và chân thật đến mức làm cho Hiếu hơi sững lạt. Nhưng rất nhanh, mặt hắn lại lạnh đi.
– Anh đừng ngây thơ tưởng rằng chúng tôi biết về anh quá ít! Tôi đã có vài tháng theo dõi anh. Tôi dành cho anh một thời gian lấy lại bình tĩnh và suy nghĩ… Đừng để chúng tôi phải đợi lâu.
Hiếu vụt đứng dậy bỏ ra ngoài.
3.
Tên nhân viên mật vụ còn rất trẻ vừa dẫn Hai Long đi vừa huýt sáo. Hắn mặc anh lẽo đẽo theo sau. Chắc hắn nghĩ: đã vào đây chỉ có mọc cánh bay bên trời mới ra khỏi.
Hai người đi qua một khu vườn. Lá rụng đầy. Những chậu cây cảnh, hoa quý lâu ngày không được chăm bón. Giữa vườn nổi lên một cái chuồng sắt đồ sộ. Chủ nhân ngày trước nuôi thú. Bây giờ trong chuồng chứa đầy những phuy xăng. Nơi dự trữ nhiên liệu cho những chiếc tắc-xi trá hình ngày ngày phóng đi lùng bắt cán bộ kháng chiến. Nhìn cái chuồng thú, Hai Long chợt nhớ ra. Một lần đi ngang phố Vân Đồn, một người bạn đã kể với anh, nhà Bảy Viễn ở quãng này, trong nhà có vườn nuôi thú. Bảy Viễn là người cầm đầu lực lượng Bình Xuyên, đã được Bảo Đại phong cấp tướng. Sau khi truất phế Bảo Đại, Diệm quay ra đàn áp Bình Xuyên. Tướng Lê Văn Viễn phải bỏ chạy khỏi Sài Gòn.
Đúng như Hai Long đã đoán trước, anh được đưa tới dãy nhà ngang.
Tên gác rời chiếc ghế đẩu, dẫn Hai Long về một căn phòng ở gần cuối dãy. Hắn nói buông xõng:
– Vô!
Trong căn phòng trống huếch, hôi xì, tường vôi loang lổ, chỉ có độc một chiếc ghế bố.
Hai Long lấy tay đập bụi trên mặt vải, đẩy chiếc ghế vào sát tường, rồi nằm vắt tay lên trán.
Mấy ngày qua không có gì báo hiệu tai biến sắp tới. Chúng đã đột ngột chộp bắt anh. Trung tâm đã chuẩn bị cho anh rất chu đáo. Một lý lịch mới với đầy đủ những giấy tờ “gốc”. Một quá trình làm việc thực sự với kẻ địch. Anh đã đi xa nửa vòng trái đất trước khi trở về Sài Gòn. Ở đây, anh cũng đã có một “bình phong” khá tốt. Và nhất là, anh vẫn đang ở thời kỳ ẩn nhẫn đợi thời, chưa có hoạt động nghiệp vụ nào khiến kẻ địch phải chú ý. Anh đã cố gắng tránh mọi sự khinh suất, luôn luôn quan tâm đến mọi dấu hiệu, dù nhỏ, có thể đe dọa an toàn của mình. Mọi nguyên tắc hoạt động bí mật đều được giữ vững. Trừ đồng chí trực tiếp lãnh đạo lưới, không một ai biết nhiệm vụ của anh. Vậy mà mình đã sa
bẫy…?

Hai Long nằm nhớ lại từng lời của tên mật vụ. Anh bỏ qua những câu dụ dỗ, hăm dọa của hắn. Hắn vẫn úp lá bài, chưa hề hé ra hắn đã bắt anh vì chuyện gì. Vẫn chỉ có một câu nói đó thôi, câu nói đã làm anh suy nghĩ từ khi vừa buột khỏi miệng hắn: “Anh đừng tưởng rằng chúng tôi biết quá ít về anh, chúng tôi đã có vài tháng để theo dõi anh”. Mấy tháng qua anh không có một hoạt động nào đặc biệt. Hàng ngày, anh đi làm ở sở, ra thư viện, chở hàng đến chợ giúp vợ, thỉnh thoảng xuống nhà thờ Bình An… Hoàn toàn vẫn như trước đây. Bất chợt anh nhớ tới một ánh mắt… Cách đây hơn 3 tháng, anh đã bắt gặp ánh mắt đó ở gần cầu Thị Nghè, không xa nơi bọn địch vừa bắt anh. Bữa đó, anh cũng tới sở như sáng hôm nay. Anh linh cảm thấy có ai đang nhìn mình. Ngó sang dãy nhà bên hè, anh đã không lầm. Một người ngồi trước cửa một ngôi nhà, với tờ báo trong tay, đang chăm chú nhìn anh qua cặp kính mát Mặt anh ta lộ vẻ căng thẳng tột độ. Người đó tưởng là giấu được cái nhìn sỗ sàng và nham hiểm sau cặp kính mát sẫm màu, nên mắt y không rời anh. Y không biết Hai Long có một đôi mắt rất tốt. Trong giây phút, anh đã ghi nhớ được trọn vẹn cái nhìn, khuôn mặt dài và choắt với nước da đen xạm của anh ta. Hai Long nghĩ ngay tới một tên “hồi chánh”, và hắn vừa nhận ra mình. Nhưng sau khi lục tìm trong trí nhớ, trí nhớ của anh ít khi đánh lừa anh, anh nhận thấy mình không hề quen biết con người này. Tuy vậy, anh vẫn cẩn thận rẽ qua một con đường khác, vào quán uống một ly cà phê, quan sát thấy không có ai đi theo, bấy giờ anh mới tới sở.
Anh không gặp lại người này nữa. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thưởng. Mươi ngày sau, anh quên cái ánh mắt khó chịu đó đi. Nhưng sự trùng bợp về thời gian đã làm anh nhớ lại một lần nữa, con người mặt đen xạm và choắt với cái nhìn không lương thiện của y… Anh vẫn thấy mình chưa bao giờ có quan hệ với một người như vậy. Nhưng trong cuộc đời vẫn thường xảy ra trường hợp một người mình không hề quen biết, lại biết rất rõ về mình…
Hai Long bỗng nghe thấy những tiếng gõ cạch cạch nho nhỏ ở phía bên kia tường. Từng ba tiếng một đều đều. Một người nào dó muốn ra ám hiệu cho anh ư? Người đó là ai? Người quen? Một người cùng chung số phận? Hay một tên khiêu khích được cài sẵn ở phòng bên để dò xét..? Cuối cùng, anh đập bàn tay hai lần vào tường. Tùy người đó muốn hiểu đây là sự hưởng ứng tiếng gọi tìm bạn, hay một cách khước từ: hãy để cho tôi yên.
Một giọng Bắc vừa đủ nghe, từ buồng bên vọng sang:
– Mới tới phải không?
– Mới tới.
Mỗi căn phòng của dãy nhà ngang chỉ cách nhau một bức tường lửng, không có trần, nên những người ở gần nhau vẫn có thể chuyện trò trao đổi.
– Gặp ông Đoàn chưa?
– Rồi.
– Hai Long phải không.
Sao người này lại gọi đúng tên mình?
– Ai đó?
– Cũng bị bắt như anh thôi! Sáng nay nghe các ông nhắc tên anh. Một lát thì anh tới.
Giọng nói tự nhiên. Hai Long linh cảm đây là một người tốt. Lời thăm hỏi của người cùng cảnh ngộ? Hay một cách báo tin tên phản bội tố cáo anh hiện có mặt ở đây..? Không thể xét đoán vội vàng.
Câu chuyện dừng lại ở đó.
Hai Long cảm thấy được an ủi. Mình không biến mất tăm. Ít nhất ngoài bọn chúng, cũng còn một người nữa biết mình bị bắt cóc vào đây…
4.
Hàng ngày, Hai Long xin ra ngoài vài lần để rửa mặt hoặc đi cầu tiêu. Anh hy vọng bắt gặp một người quen. Biết đâu đó lại chính là kẻ đã tố giác anh. Chỉ có phát hiện ra hắn, anh mới có hướng chuẩn bị cụ thể để đối phó với tên Hiếu trong cuộc gặp tới. Nhưng anh chỉ toàn thấy những bộ mặt lạ lẫm, lạnh như liền. Một lần anh nhìn thấy Hiếu chắp tay sau lưng, lững thững đi quanh chuồng thú. Anh toan chào hắn để giữ đúng thái độ của một người bị oan, đang chờ hắn xem xét lại. Hiếu giả tảng không nhìn thấy anh.
Rất nhiều mối lo đến với Hai Long. Điều tốt nhất đối với những người hoạt dộng bí mật, là không để kẻ địch đánh hơi thấy. Khi chúng dã đánh hơi được, thì cơ may để tiếp tục công tác chỉ còn rất ít. Con đường đưa bọn chó săn lao lới đích rất gần. Vì mọi sự bố trí, che đậy, dù chu đáo đến mấy, vẫn có những kẽ hở. Chúng đã làm gì với gia đình anh sau khi anh bị bắt? Vợ con anh sẽ đối phó thế nào trước những câu hỏi thâm độc, trước sự tra khảo của chúng? Chúng có tổ chức rình rập ngay tại nhà anh không? Cấp trên đã biết anh bị bắt chưa..? Anh tự thấy có nhiều thiếu sót trong sự chuẩn bị cho gia đình đối với trường hợp này.
Anh đã rơi vào tình huống xấu nhất của những người hoạt động trong lòng địch. Một tình huống hiểm nghèo mà cấp trên cũng như bản thân người cán bộ, phải dự kiến kỹ càng để đối phó khi nó chẳng may xảy ra. Đây là cuộc chiến dấu sinh tử, đôi bên đều tận dụng mọi thủ đoạn. Nhưng với Hai Long lúc này chỉ có hai cách: một là, bảo vệ đến cùng tấm nguỵ trang của mình, giữ vững thế hợp pháp để tiếp tục chiến đấu; hai là, cam chịu tra tấn, tù đày, hy sinh mạng sống để bảo toàn khí tiết của một chiến sĩ cách mạng.
Tên nhà bếp vào thu bát ăn, thấy cả suất cơm với mấy miếng thịt mỡ còn nguyên. Hắn hỏi:
– Răng không mời?
– Tôi có đạo.
– Thứ sáu kiêng thịt hử? Chiều lấy rau thôi hè.
Tên gác xăm xăm từ phía đầu nhà đi lại:
– Chuẩn bị chiều nay lên gặp ông Đoàn.
Hắn đã chọn đúng lúc này, khi cái dạ dày của mình trống rỗng…
Dương Văn Hiếu ngồi chờ Hai Long trong một căn buồng xép. Cửa sổ đóng kín. Giữa ban ngày, ngọn đèn điện vẫn sáng. Trong phòng chỉ có một chiếc bàn và hai cái ghế tựa xoàng xĩnh. Rõ ràng là một nơi hỏi cung.
– Chắc anh đã có đủ thời giờ suy nghĩ về những điều tôi nói bữa trước? – Hiếu mở đầu với giọng ôn tồn.
– Dạ. Tôi nóng lòng dược gặp ông vì thấy bị giữ lâu quá. Hôm trước thấy ông ở ngoài vườn, tôi đã toan đề nghị…
Hai Long quyết làm cho hắn phải bật ra cái lý do vì sao đã bắt mình.
Hiếu rút từ trong ngăn kéo ra một xấp giấy, đặt trên bàn.
– Anh ngồi đây viết bản tường trình lý lịch và quá trình hoạt động theo những đề mục đã ghi. Từ chiều nay, mỗi ngày hai buổi, anh lên đây viết cho xong. Anh cần nhiều thời gian không?
– Chắc cũng không lâu.
– Tôi dành cho anh một cơ hội để biểu lộ thiện chí.

Hiếu nở một nụ cười thâm hiểm rồi quay ra.
Hai Long khai mình xuất thân từ một gia đình Công giáo có ít nhiều ruộng đất ở miền Bắc, quê nội ở Thái Bình, quê ngoại ở Phát Diệm. Thời thanh niên, học tại Hà Nội, kháng chiến chống Pháp, vào bộ đội Việt Minh; bị kỳ thị vì gia đình là địa chủ và công giáo, anh bỏ bộ đội về Phát Diệm sống với bên ngoại một thời gian, rồi quay vào Hà Nội tiếp tục đi học. Khi được tin gia đình ở vùng Việt Minh bị đấu tố trong Cải cách ruộng đất, anh bỏ học vào quân đội Pháp với ý định chiến đấu trả thù. Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ rút quân về nước, anh chán nản quyết định đi theo quân đội Pháp, hy vọng có thể tiếp tục học ở phương Tây. Nhưng tới khi sang Pháp, anh chỉ kiếm dược một công việc làm độ nhật tại một nông trang trồng nho. Vợ và ba con anh sống ở Sài Gòn gặp nhiều khó khăn, yêu cầu anh trở về. Từ đó tới nay gia đình anh sống cuộc đời của những người giáo dân di cư lương thiện, chăm lo làm ăn kiếm sống, không đóng góp được gì nhiều nhưng không hề làm điều gì phương hại cho Quốc gia. Anh không hiểu vì đâu mình bị bắt. Anh tin chắc đây là một sự lầm lẫn, yêu cầu phải trả tự do cho mình, và thông báo ngay cho gia đình biết anh đang bị cầm giữ ở đây.
Ba ngày sau khi Hai Long nộp bản tường trình, Hiếu gọi anh lên. Hắn ngồi đợi ở bàn với vẻ mặt lạnh lùng, chỉ hơi nhếch mép đáp lời chào của Hai Long.
– Tôi đã nói: không phải vì vô cớ mà tôi cho bắt anh!
– Dạ… Tôi không nói là như vậy.
– Nhưng với lời khai báo thế này, thì có nghĩa là anh bị bắt oan?
– Những điều tôi khai đều là sự thật, tôi sẽ xin nộp đủ giấy tờ đề các ông sưu tra.
– Chính là với tờ khai này, anh đã tự tố cáo anh là một tên Việt Cộng nằm vùng.
– Tôi chưa hiểu ý ông Đoàn?
Hiếu quay ra cửa nói to:
– Mời ông Tá sang!
Hắn đã buộc phải bộc lộ con bài, Hai Long nghĩ. Chắc đây là một nhân chứng. Hãy chờ xem.
Một người xuất hiện trước cửa. Hai Long nhận ngay ra chính là tên mặt đen và choắt anh đã gặp ở gần cầu Thi Nghè. Bữa nay, hắn không đeo kính mát. Hắn đứng ngay người, hai tay để xuôi đúng nẹp quần, nói rắn rỏi:
– Tôi có mặt!
Một thói quen nhà binh lâu năm.
Hắn bước vào phòng, đàng hoàng kéo ghế ngồi. Hai Long đã hiểu vì sao bữa nay căn phòng này lại có thêm một chiếc ghế thứ ba.
Hắn ngồi nhìn anh trân trân, sỗ sàng, gần như uy hiếp. Hai Long vẫn giữ nguyên vẻ bình thản, không né tránh cái nhìn của hắn. Với anh, hắn chỉ là một kẻ không quen biết.
Hiếu chăm chú theo dõi, có vẻ như hơi ngạc nhiên vì cuộc đối chứng đã không đen lại hiệu quả tức khắc. Chờ đợi một lát, hắn hỏi Hai Long:
– Anh có biết đây là ai không?
Hai Long nhìn thêm người ngồi trước mặt một chút, rồi đáp:
– Tôi chưa có hân hạnh được biết ông đây.
Tên mặt den cười nhạt:
– Nhưng tôi lại biết quý anh rất rõ. Biết cả tính danh và chức vụ Đảng của anh khi ở miền Bắc. Anh là Vũ Ngọc Nhạ?
– Dạ
– Tôi là Tá, Tá đen, quân báo của trung đoàn 6, đại đoàn Đồng Bằng. Tôi đã được cùng làm việc với anh không phải chỉ một lần, trong trận càn Mercure.
– Dạ…
Hai Long biết mình đã rơi vào trường hợp không may của những người hoạt động bí mật tình cờ gặp phải một tên hồi chánh hiểu rõ nguồn gốc của mình! Cần giành lại ngay chủ động, anh thản nhiên nói tiếp:
– Vậy mà tôi không nhận ra ông. Trí nhớ của tôi gần đây tệ quá! Hồi đó, tôi là thị ủy Thái Bình, tôi mang bí danh để hoạt động cho Việt Minh ở vùng Pháp chiếm đóng. Tôi vẫn thường đến làm việc với anh Sinh và anh Hằng ở ban Quân báo trung đoàn.
– Anh là cấp ủy Đảng cao thì chỉ chú ý đến thủ trưởng chứ nhìn ngó gì đến cánh lính tráng chúng tôi – Tá đen nói với giọng mỉa mai
– Hồi đó thường làm việc ban đêm, đèn dầu tù mù, đâu có điện sáng choang như bây giờ. Nhưng tôi nhận ra anh rồi, dạo ấy ta gặp nhau ở làng Cọi, Vũ Tiên phải không?
– Làng Cọi!
Tá đen cũng có vẻ khoái khi ôn lại một thời oanh liệt của mình. Hiếu lộ vẻ khó chịu, vì thấy cuộc đối chứng lại biến thành cuộc gặp gỡ ôn lại kỷ niệm của những người bạn chiến đấu cũ. Tá đen đã nhận ra vẻ không hài lòng của cấp trên, hắn chuyển giọng:
– Tôi gặp anh luôn mà anh không biết đấy thôi; tiếp quản thị xã Thái Bình, tôi còn gặp anh.
– Điều này thì chắc chắn anh lầm! Sau trận càn Mercure, tôi về Khu chỉnh huấn Cách mạng Việt Nam, biết mình không thể sống với Việt Minh, tôi trở về Phát Diệm luôn và sau đó vào thành. Từ 1953, tôi đã ở trong quân đội Pháp.
Tá đen sừng sộ:
– Anh đừng có nói tôi lầm! Không có cái gì qua mắt thằng quân báo. Tám, chín năm không gặp anh, chỉ thoáng nhìn thấy anh ở cầu Thị Nghè, tôi nhận ra ngay.
Hai Long điềm đạm:
– Xin lỗi anh nếu tôi lỡ lời. Anh có trí nhớ rất tốt về người. Tôi lại có trí nhớ tốt về thời gian. Trận càn Mercure diễn ra ngày 26-3-1952, tới nay chưa đầy 7 năm. Nếu anh nói anh không gặp tôi cách đây 8, 9 năm, thì chỉ có thể là từ trận càn Mercure trở về trước. Tôi còn khá nhiều ảnh chụp hồi đầu 1953 với Đức Giám mục và các sĩ quan Pháp.
Tá đen biết mình hớ, ngồi im tính cách cãi lại. Hiếu cảm thấy bất lợi, nói:
– Chừng ấy đủ rồi? Cảm ơn anh Tá. Anh trở về làm việc, để tôi nói chuyện tiếp với anh đây.
Tá đen đứng dậy di ra, không giấu được vẻ hậm hực.
Hiếu chậm rãi châm một điếu thuốc, nhả vài hơi khói rồi nghiêm mặt nhìn Hai Long:
– Anh đã để lỡ một cơ bội chứng tỏ thiện chí của mình.

– Dạ…
– Chúng tôi biết anh là người của phía bên kia, đã nói trước là chúng tôi không bao giờ bắt lầm, nhưng anh vẫn cố tình giấu cái gốc cộng sản.
– Thưa đó là chuyện quá khứ…
Hiếu phẩy tay kiên quyết ngắt lời anh:
– Để cho tôi nói. Nội vụ của anh rất phức tạp. Chúng tôi đã nắm được cả. Tôi dành cho anh một cơ hội cuối cùng. Nếu anh không thú nhận hết, thì chính anh tự làm hại mình. Anh làm lại bản tường trình.
Hiếu ra khỏi rồi, Hai Long vẫn cố nén một tiếng thở dài nhẹ nhõm.
5.
Hai Long đã viết xong bản tường trình lần thứ hai.
Anh nằm thêm suốt một tháng tại trại giam Vân Đồn, không ai hỏi han tới.
Ông bạn hay nói chuyện ở buồng bên đã biến mất. Nhiều người đã bị chúng chuyển đi nơi khác. Thay thế vào chỗ họ, là một loạt người mới tới. Hai Long nhận ra sự thay đồi đó qua lời dặn dò của tên gác, những câu hỏi và giọng nói của họ.
Hai Long lo ngại sắp đến lượt mình. Hình như những người đã bị bắt vào đây không ai được trở về nhà. Ngôi nhà Bảy Viễn ở phố Vân Đồn rõ ràng là một trại giam tạm thời. Chúng không có bộ máy xét hỏi. Mình Dương Văn Hiếu không làm xuể việc này. Hiếu chỉ làm công việc sơ thẩm. Số phận của những người bị bắt sẽ được quyết định ở một nơi khác. Nơi đó là đâu?
Tới tuần bị giam thứ sáu, Hiếu mới cho gọi Hai Long.
Hắn không có vẻ gay gắt, đối địch như những lần gặp trước, nói với anh bằng một giọng bình tĩnh:
– Tôi không thỏa mãn với những điều anh đã viết.
– Dạ…
– Tôi không có cách nào khác, đành phải gửi anh ra miền Trung để cứu xét thêm.
– Thưa ông, chẳng lẽ những vấn đề của tôi lại không thể giải quyết ngay ở đây?
– Không thể được. Vì toàn bộ hồ sơ về anh, những nhân chứng nằm cả ở ngoài đó.
Hai Long hiểu, đúng như anh dự đoán, mọi việc không kết thúc ở đây. Hiếu chỉ làm một số việc trình tự theo thủ tục, rồi đưa anh đi.
Hiếu chuyển sang giọng an ủi vỗ về:
– Anh đừng lo ngại. Anh sẽ tới dự một lớp cải huấn. Sau khi học tập, nếu anh chuyển hướng tốt, anh sẽ được trở về gia đình.
– Tôi muốn đề nghị…, – Hai Long ngập ngừng – ông cho phép tôi viết thư về gia đình. Tôi cần một số quần áo thay đổi, đặc biệt là áo rét, vì ở ngoài đó đang mùa lạnh.
– Thôi được. Anh viết thư rồi để ở đây. Anh biết nên viết thế nào thì thư sẽ được chuyển…
Anh không hy vọng nhiều lá thư nhỏ về tới tay gia đình. Vì chúng thừa biết, qua lá thư, vợ con anh và một số người nữa sẽ đoán được anh bị đoàn công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn bắt giữ và đưa ra miền Trung. Người anh gai lên khi nhìn thấy cái sắc vải màu xanh quen thuộc dặt ở giữa bàn.
Hai Long ngước mắt nhìn tên Hiếu đang đứng chắp tay sau lưng:
– Ông cho phép?
– Cứ tự nhiên.
Anh mở sắc ra, thấy mấy bộ quần áo thường dùng đã được giặt ủi sạch sẽ, một chiếc áo len dài tay mới nguyên, và cuốn Kinh thánh. Ở Sài Gòn nóng bức quanh năm, gia đình anh không ai có áo rét. Món chi tiêu mới này sẽ ảnh hưởng không ít ngày tới bữa cơm của vợ con anh. Nhưng vật cần nhất dối với anh trong hoàn cảnh hiện nay lại chính là cuốn Kinh thánh. Trong cuốn kinh này có tấm ảnh anh chụp cùng cha Lê và giám mục Pháp Jean Cassaigne.
Hai Long mở cuốn kinh ra, vừa nhìn thấy tấm ảnh, anh liền đóng lại như không muốn để mọi người chú ý tới nó. Anh thừa biết chúng đã kiểm tra kỹ lưỡng gói đồ trước khi gọi anh tới nhận.
– Anh em nói không thấy trong nhà anh treo ảnh Thánh? – Hiếu hỏi giọng thân mật.
– Nhà cửa quá chật chội và không sạch sẽ. Tôi là catholique de cocur[1] mà…
Hiếu gật gù rồi nói:
– Lớp cải huấn ngoài đó ở gần nhà thờ Phan-xi-cô[2].
– Tôi rất đội ơn ông nếu hàng tuần ông cho phép được tới làm bổn phận con chiên đối với Chúa.
Hiếu im lặng. Có khi việc này không thuộc thẩm quyền của hắn. Hoặc là hắn không vội vàng. Và anh thấy mình cũng không nên tỏ ra vội vâng.
– Anh ra đó sẽ có cơ hội hiểu rõ chính sách Quốc gia. Tôi trông đợi sự chuyển hướng thực sự của anh.
– Dạ…
Tấm hình và cuốn Kinh thánh dường như đã có tác động một chút tới thái độ của chúng đối với mình… Mình không bao giờ được có ảo tưởng. Nhưng cũng chớ bao giờ dập tắt đi mọi hy vọng. Những ngày vừa qua mình còn hay có ý nghĩ đây là một sự kết thúc. Mọi sự kết thúc đều kèm theo một mở đẩu. Mình có khả năng biến sự mở đầu không may mắn này thành một cái gì khác không?
Đó là những ý nghĩ trong đêm cuối cùng Hai Long ở trại giam Vân Đồn. —
[1] công giáo tại tâm
[2] Françisco.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.