Bạn đang đọc Ô Cửa Nhỏ Màu Trắng – Chương 23
Nhã Ca nhìn đồng hồ. Nam Giao cúi ghi và lẩm nhẩm đọc theo máy. Mười lăm phút nữa điện thoại sẽ reo. Là người đàn ông đó. Chị thấy lo ngại.
Trong vài trường hợp chỉ cần lướt qua chi tiết đã biết được tổng thể nhưng chỉ giọng nói mà kết luận về cả con người thì không thể chính xác. Biết thế nhưng Nhã Ca vẫn tin vào nhận định của chính mình. Giọng nói trầm ấm, quyến rũ tỏa ra phong cách lịch thiệp, khôn ngoan, từng trải. Chị hình dung người này thích sự khiêm tốn, kín đáo để làm mờ nét sang trọng, lịch lãm, thông thái, thành đạt nhưng đầu mày cuối mắt lại là người xem mình nhất thiên hạ. Vì thế khiêm tốn hay kín đáo chỉ là một thứ giả hiệu, như cái phông làm nền cho những thứ mà anh ta muốn trình diễn.
Có thể nét là lạ của Nam Giao khiến người đàn ông hiếu kỳ, thích thú và muốn khám phá – như một thú tiêu khiển. Cũng có thể đây là một khởi đầu nhưng chị không lạc quan. Đàn ông khởi đầu sốt sắng, nóng nảy, thậm chí điên cuồng nếu không lịm đi trong hèn nhát cũng chóng chán, mau tan như một thứ lửa rơm, chỉ đàn bà nhốt mình trong kỷ niệm, luyến tiếc, ngu dại đến xót xa. Một cách vô lý, Nhã Ca ác cảm với người đàn ông chưa gặp mặt này − dù không tỏ ra.
Muộn 15 phút, Nam Giao kiên nhẫn chờ. Nửa giờ trôi qua, cô nhìn điện thoại và lo sợ. Cảm giác chờ đợi, âu lo rất quen thuộc. Tiếp theo tâm trạng chờ đợi, âu lo này chưa bao giờ là điều tốt đẹp cả. Một giờ… rồi nhiều giờ trôi qua… Giọng khẽ khàng của Nhã Ca khiến Nam Giao sực tỉnh:
− Ngủ đi em. Muộn lắm rồi, chị nghĩ anh ấy không gọi đâu.
Cô nặng nhọc đứng lên, chậm chạp dọn dẹp sách vở và tắt đèn. Nhã Ca tránh cái nhìn khắc khoải và không nén nổi tiếng thở dài khi nghe bước chân ngập ngừng, nấn ná của Nam Giao.
Trời chuyển dần về sáng. Tiếng kĩu kịt của những gánh hàng rong, tiếng lọc cọc của những xe bán điểm tâm đẩy ra từ cuối hẻm báo hiệu một ngày mới vọng vào nhà, Nam Giao vẫn chưa vỗ được giấc. Nhìn trân trân vào nóc màn khiến đôi mắt cô bỏng rát. Giọng trầm ấm, dịu dàng đầy ắp những quan tâm, âu yếm thổn thức trong nỗi nhớ rồi cồn lên như những ngọn sóng khiến Nam Giao quay quắt. Không còn sức bào chữa cho sự quan tâm của mình cũng không giải tỏa nổi cơn ùn tắc nơi lồng ngực, cô mặc cho tình cảm vắt kiệt cả sức lực.
Buổi sáng, nhìn đôi mắt thâm quầng và gương mặt phờ phạc của Nam Giao, Nhã Ca vừa thương vừa bực. Hắn ta không xứng với Nam Giao. Nhưng dù sao biểu hiện biết cần người khác vẫn là dấu hiệu tích cực ở Nam Giao. Còn hơn kiểu sống thờ ơ, lặng lẽ tự tách mình ra khỏi thế giới.
Đọc được suy nghĩ của chị nhưng Nam Giao không thể giải thích để Nhã Ca hiểu rằng lúc này vượt lên nỗi buồn đến hụt hẫng chính là lo lắng và linh cảm. Linh cảm không có điều tốt lành nào cho những người mà cô quan tâm đang hoàn thành những nét vẽ cuối để bức tranh định mệnh hiện ra nặng nề, xám xịt. Lòng âm ỉ nóng như bị ran trên ngọn lửa than, Nam Giao nói bằng giọng bình thường nhưng Nhã Ca đọc được những vết rạn trong đó. Dường như tình cảm giữ kín không bộc lộ khiến người ta luyện được khả năng chịu đựng phi thường:
− Em không sao. Chị đừng lo lắng − Ngập ngừng một chút, cô tiếp – em xin lỗi chị.
Cái vỗ vỗ an ủi của Nhã Ca khiến Nam Giao muốn khóc. Và đêm đó khi điện thọai reo thì xung động giữa xúc cảm và sự kiềm chế chuyển thành tiếng nấc. Âm thanh Phong Châu nghe được lại là tiếng thở nặng nề, gấp gáp tưởng như Nam Giao luôn luôn chạy trốn anh và lần nào cũng thua.
− Tôi đây. Em còn đó không?
− ………….
− Sao vậy em?
− Vì hôm qua anh không điện thoại nên tôi lo lắng. Tôi sợ hãi khi nghĩ có việc không may nào xảy đến với anh. Anh không sao chứ?
Giọng Nam Giao giống hôm trước nhưng lần này Phong Châu cảm động. Anh im lặng, chờ cho cảm giác lạ lùng đi qua:
− Tôi xin lỗi. Em chờ có lâu không?
− Dạ lâu. Lần sau anh nhớ… Anh vẫn chưa về nhà à?
− Ừ, tôi đang ở bên ngoài.
− Vậy anh tắt điện thoại đi.
− Sao vậy?
− Để tôi điện lại cho anh. Gọi thế này tốn nhiều tiền lắm.
Không phải lần đầu tiên có người quan tâm đến ví tiền của anh nhưng cách Nam Giao vừa ngây ngô vừa thành thật lại buồn cười. Khi soi vào tâm hồn trong trẻo, trẻ thơ dường như phần tình cảm thánh thiện hiếm hoi bị lãng quên bởi muôn mặt của cuộc sống trong anh được đánh thức. Phong Châu cố dập tắt cảm giác nôn nao đến lạ kỳ:
− Đừng lo. Tôi không có nhiều tiền nhưng chắc nhiều hơn em. – Anh cười nhẹ – Hôm nay em làm gi? Công việc có tốt không?
Nam Giao ứa nước mắt. Vẻ không có gì, vô tâm của anh khiến cô thấy mình vô duyên chẳng chút giá trị. Là người quyết định cảm xúc của chính mình lại tự dẫn xác vào tình huống này – như bệnh nhân chưa hồi phục đã không biết lượng sức. Nam Giao thấy tội nghiệp cho cái phập phồng ở lồng ngực bên trái. Chỉ bài học giản dị thế mà học mãi vẫn không thuộc mình.
− Giờ tôi yên tâm rồi. Cám ơn anh đã gọi cho tôi.
− Em sao vậy? Giận tôi à?
Những dồn nén nức nở òa thành nước. Phong Châu cuống quýt:
− Sao vậy em? Cho tôi xin lỗi. Đừng khóc nữa, tôi sẽ giải thích… Để tôi giải thích – Nuốt nước bọt, anh đọc những giao động mạnh mẽ trong chính lời nói của mình – Tôi bị một tai nạn nhỏ, nhỏ thôi nhưng bác sĩ bảo phải phẫu thuật để… ừm, để mau bình phục. Tôi muốn gọi cho em ngay sau ca mổ nhưng đến sáng nay thuốc mê mới chịu buông tha tôi.
− …………
− Em còn đó không? Nếu em giận thì tôi…
Phụ nữ thường nhạy cảm với nghịch cảnh hay nỗi đau nhưng thật lạ, giọng cô không ngậm ngùi, không thương cảm mà bặt đi vì sợ hãi:
− Tai nạn à?
Bằng giọng trầm ấm dịu dàng, Phong Châu cố gắng giúp Nam Giao bình tĩnh trở lại:
− Tai nạn nhỏ thôi và tôi khỏe rồi. Em đừng lo.
− Giờ anh đang ở đâu?
− Tôi đang ở bệnh viện nhưng không phải vì sức khỏe mà là vì thủ tục gì đó. Em vẫn còn khóc à? Thôi nín đi. Tôi có làm sao đâu.
− ………….
− Đừng khóc nữa nhé.
− Tôi muốn nhìn thấy anh. Tôi đến đó được không?
Phong Châu trở mình, anh không nghĩ đến tình huống này. Chà, đau thật. Dù cố nén nhưng tiếng rên nhỏ vẫn bật ra khỏi cổ. Nam Giao hốt hoảng:
− Sao vậy? Anh sao vậy?
− À, không. Vì nằm một chỗ không quen nên người tôi tê cứng.
− Có ai đó giúp anh không?
− Không ai cả.
Phong Châu khoát tay ra hiệu khi cô y tá bước vào phòng. hiểu ý, cô gật đầu, quay ra và khép nhẹ cửa. Bệnh nhân không khó tính, vết thương không nặng nhưng bác sĩ trưởng khoa lưu ý cô chăm sóc cẩn thận. Nghe nói anh ta là người nhà của giám đốc bệnh viện.
− Không có ai giúp anh à?
Như bị ngạt thở, Phong Châu muốn thoát khỏi tình trạng kỳ cục này. Có cái gì ứ nơi lồng ngực thôi thúc anh giải phóng nó:
− Tôi đau quá.
− Gọi bác sĩ đi. Anh đang ở đâu vậy? Tôi sẽ đến. Chờ một chút, tôi đến ngay.
− Tôi khát nước.
Cô gấp gáp:
− Vết thương mất nhiều máu thường làm khát nước nhưng chỉ uống ít thôi. Anh gọi y tá đi hay là… không có ai ở đó giúp anh thật sao?
− ………….
Không có tiếng trả lời giống như anh biến mất ở đầu dây bên kia, Nam Giao hốt hoảng gọi dồn:
− Alô, anh còn đó không?
Giọng nồng nàn, quyến rũ gõ nhẹ vào tim cô:
− Tôi khát quá. Tôi muốn chạm môi vào những giọt nước trên mắt em.
− ……………
− Được không em?