Đọc truyện Nữ Y Về Thời Loạn – Chương 111
Edit: Yunchan
Hai ngày sau, Tử Khôn bẩm rõ chuyện Trịnh Hỉ với mẫu thân, cũng nhân tiện mang tới đặc sản mà Trịnh Hỉ đem từ Liêu Đông về. Văn Đan Khê dặn Xuân Phương tặng cho Vương gia ít quà đáp lễ. Đồng thời chuyển lời với Trịnh Mỹ Vân khi nào rảnh hãy vào phủ nói chuyện.
Hôm sau mới vừa ăn điểm tâm xong, hạ nhân báo lại có vị Trịnh phu nhân muốn gặp cô. Văn Đan Khê vui vẻ xuất môn đích thân đi nghênh tiếp. Hai người ngắm nhau một phen, cảm khái một hồi, rồi ôn chuyện tới giờ Ngọ.
Buổi chiều, Văn Đan Khê và Trần Tín tán gẫu việc nhà thì nhân tiện nhắc tới chuyện này, cũng nói nhà Trịnh Mỹ Vân phát tài và cả chuyện con gái, Trần Tín nghe xong thì thổn thức cảm khái: “Không ngờ lão nhân Vương gia đã mất rồi, haizz…”
Văn Đan Khê biết hắn lại nhớ tới mẫu thân mình. Sau chuyện kia Đỗ thị bị giam trong quân doanh thành Bắc. Sau đó, Trần lão gia quay về dưỡng lão, hơn nữa nhờ Tần Nguyên khuyên can, Trần Tín mới đón bà về biệt viện trong thành, nhưng bên ngoài lại xưng là dì, cũng phái rất nhiều người hầu chăm sóc. Cách một khoảng thời gian cũng tới thăm một lát theo lệ, có lúc hắn cũng sẽ dẫn theo Tử Khôn tới. Chẳng qua, Tử Khôn lại cực không thích người tổ mẫu này, và dường như Đỗ thị cũng không thích đứa cháu gái như con trai này, hai người đều không ưa nhau. Vì thế, Tử Khôn đã bị Trần Quý Hùng quở mắng một trận.
Trần Quý Hùng luôn cảm thấy Đỗ thị trở thành dáng vẻ này, chủ yếu là do quá khứ long đong năm xưa, cho nên mới có chút thông cảm với bà. Đôi khi còn khuyên Trần Tín và Tử Khôn phải hết sức giữ hiếu. Thế nhưng về sau lại phát sinh một việc, khiến Trần Quý Hùng tức chết.
Tính Trần Quý Hùng xưa nay luôn trượng nghĩa và thương hại kẻ yếu, ông cảm thấy mình với Đỗ thị một bên là nghĩa phụ còn một bên là thân mẫu, hơn nữa tuổi tác cả hai đều đã cao, cho nên không chú ý tới chuyện nam nữ cấm kị, thỉnh thoảng cũng qua lại. Nhưng sau đó, vì Đỗ thị không thể tiếp xúc với người bên ngoài, lại thấy Trần Quý Hùng tuy tuổi đã cao, nhưng tính tình lại rất có khí phách trượng phu, vượt xa các nam nhân bà từng gặp về mọi mặt. Thế cho nên, trái tim già nua trống trải của Đỗ thị lại nhộn nhạo một lần nữa. Bà hết may áo lại tặng giày, còn thỉnh thoảng dọ lời. Sao Trần Quý hùng không nhìn ra tâm tư của bà kia chứ, thế là ông tức giận lập tức chấm dứt qua lại. Cứ như thế, đồng minh cuối cùng của Đỗ thị cũng bị chính tay bà chôn vùi.
Sau khi Trần Tín biết chuyện cũng tức tới nghiến răng nghiến lợi. Từ đó trở đi, số lần hắn thăm hỏi Đỗ thị cũng ít đi. Mọi người cũng dần dần quên đi Đỗ thị. Lúc này hắn nghe Văn Đan Khê nhắc tới nhà Trịnh Mỹ Vân, thì mới sực nhớ tới ít chuyện cũ trước đây.
Văn Đan Khê nắm lấy tay hắn trong chăn, an ủi bằng sự im lặng, Trần Tín cười thông suốt: “Nhiều năm như vậy, ta đã không sao lâu rồi. Chỉ tiếc cho nghĩa phụ, lần đó ông rất tức giận.”
Văn Đan Khê hỏi: “Phải rồi, nghĩa mẫu qua đời bao nhiêu năm nay, sao nghĩa phụ chưa từng muốn tái giá vậy? Ta nghe nói lúc ở Tần Châu có khá nhiều người muốn làm mai cho ông mà.”
Trần Tín than thở: “Năm xưa nghĩa phụ từng thề độc trước khi nghĩa mẫu ra đi, rằng suốt đời này tuyệt đối không tái giá. Bình sinh ông trọng nhất tín nghĩa, nói được thì làm được, há có thể nuốt lời hứa!”
Văn Đan Khê khen với giọng kính phục: “Nghĩa phụ thật là trượng phu vĩ đại đội trời đạp đất, thế gian hiếm có.”
Trần Tín phụ họa một tiếng, rồi nhìn cô mấy lần, thấy cô hoàn toàn không phát hiện, nghẹn một hồi, cuối cùng hết nhịn nổi bèn thốt ra lời: “Sau này nếu nàng là người đi trước, thì ta cũng không sống một mình. Ta tuyệt đối không kém ông.”
Văn Đan Khê nghệt ra một giây, sau đó bật cười, lấy tay chọc ngực hắn quát khẽ: “Đừng nói nhảm, nếu ta đi trước, chàng nhất định phải sống thật tốt.”
Trần Tín lầm bầm mấy câu mơ hồ, rồi đưa tay sờ loạn lên bàn tay đang đặt trên ngực mình, Văn Đan Khê bị hắn trêu tới nỗi hơi thở dần hỗn loạn. Đột nhiên, Trần Tín trở người ngồi dậy kêu lên: “Phải rồi nương tử, ta viết xong “Dưỡng hổ ký” rồi. Nàng có muốn đọc thử không?”
Văn Đan Khê cụt hứng, đành phải nói: “Ừ, cầm tới đọc một cái xem.”
Trần Tín đeo theo cái mặt đắc ý, đưa tay giật ngăn kéo đầu tủ ra, rồi lôi một quyển sách được đóng thành tập chỉnh tề. Hắn mở ra trang đầu tiên như đang dâng vật quý: “Nương tử, nàng không thấy chữ của ta đẹp hơn rất nhiều sao?”
“Ừ, đúng vậy.”
Văn Đan Khê mỉm cười bắt đầu đọc, quyển sách này được viết theo kiểu nhật ký hiện đại. Dòng đầu tiên viết rõ ngày tháng năm sinh và tuổi chính xác của Tử Khôn, còn ghi chú rõ cân nặng của cô bé nữa.
Ví như trang đầu tiên:
Lúc tiểu Hổ còn ở trong bụng mẹ, Nhị thúc đã đưa tới rất nhiều văn tập kinh điển, nương tử bảo ta dán vào bụng đọc, nói là: Dưỡng thai. Hổ nữ bắt đầu học hành chăm chỉ trong bụng mẹ, có thể không thông minh sao?
Phụ chú: Ta nhân lúc nương tử ngủ, đọc lại kiệt tác của mình. Hiệu quả cực tốt.
Đọc tới đây, Văn Đan Khê bỗng dưng nhíu mày, thảo nào sau này Bảo nhi nói năng trôi chảy thế, hóa ra là bị cái tên đần thối này đầu độc.
Cô đọc tiếp, bên trong có một trang viết thế này:
Mùa xuân năm Kiến Nguyên thứ mười ba, ngày năm tháng tư, Hổ được bốn tuổi, Hổ lớn cỡ sáu bàn tay, nặng ba mươi cân.
Lão Hổ (Ý chỉ bản thân Trần Tín) luyện binh về, gặp tiểu Hổ trong vườn hoa ngoài phủ, tiểu Hổ người đầy bùn.
Lão Hổ hỏi: “Vì sao Bảo nhi như vậy?”
Tiểu Hổ đáp: “Bảo nhi ở đây chờ cha.”
Lão Hổ lại hỏi: “Chờ cha sao lại để mình bẩn?”
Tiểu Hổ lại đáp: “Bảo nhi vừa chờ cha, vừa nhân tiện nghịch bùn. Vì để cha vui, còn cố ý nặn thật nhiều người bùn nhỏ.”
Lão Hổ cảm động hết sức, bế hiếu nữ tiểu Hổ đi khoe mọi người. Mọi người đều che mặt mà cười.
Mùa thu năm Kiến Nguyên thứ mười bốn, mùng mười tháng chín, Hổ năm tuổi, cao bằng sáu bàn tay rưỡi, nặng bốn mươi cân.
Buổi chiều, tiểu Hổ nghe chuyện xưa xong, nhưng không chịu ngủ, đòi hổ mẹ làm bánh ăn.
Hổ mẹ nói: “Bánh ngủ hết rồi. Ngày mai ăn tiếp.”
Tiểu Hổ lăn qua lăn lại không nghe theo: “Mẫu thân gạt người. Nhà bánh nhất định không ngủ, bánh cha nhất định đang đi vòng vòng trong phòng, bánh mẹ đang ở trên giường kể chuyện xưa cho bánh con nghe.”
Hỗ mẫu lại nói: “Đêm nay bánh cha với bánh mẹ cãi nhau, cho nên họ ngủ sớm.”
Tiểu Hổ tiếp tục lăn lộn, rồi liếc liếc: “Hừ hừ, hai người coi con là con nít bốn tuổi sao? Toàn nói gạt con!”
Lão Hổ hết cách, đành phải đích thân xuất mã, thanh ca một bài, thôi miên tiểu Hổ.
Sơ kết: Việc này lần nữa chứng minh lão Hổ văn võ song toàn, giỏi ca giỏi múa. Trên xoa vợ, dưới dỗ con.
Văn Đan Khê đọc tiếp một trang nữa, có một số việc cô đã quên bẵng mất, hôm nay lại sực nhớ lại. Cô cảm khái khôn xiết: “Thật là thời gian như thoi đưa, chỉ chớp mắt mà nữ nhi đã lớn như vậy rồi.”
Trần Tín tiếp lời: “Đúng vậy, thời gian trôi qua thật nhanh. Chúng ta cũng già hết rồi, trên chiến trường cũng không thể đánh đấm như trước, trên giường thì như con cóc, đạp hơn mười cái là gục.”
Văn Đan Khê nhất thời câm nín.~ HẾT ~
Câu chuyện về Đan Khê và Trần Tín xin khép lại ở đây, còn hành trình của cô bé Trần Tử Khôn thì sẽ tiếp diễn trong một câu chuyện khác.