Nữ Tướng Miền Sơn Cước

Chương 33: Con Cháu Ngọa Triều


Bạn đang đọc Nữ Tướng Miền Sơn Cước – Chương 33: Con Cháu Ngọa Triều


Giật nảy mình, Thái Dũng ngoái phắt cổ lại, vừa kịp thấy cuốn sách nhỏ bay vút như cánh bướm táp gió, trên ngọn cây um tùm có một cánh tay đen thui dài lêu nghêu co vụt lên loằng ngoằn như có con trăn gió đớp sách.
– À, con quái ăn trộm!
Vừa kịp nhận ra đó là cánh tay vượn nấp trên cây ném thòng lòng giật đồ, chàng trai họ Lê vùng quát lớn, tay chụp vào đầu gậy song, rút kiếm. Bất ngờ lại nghe “vút” đàng trước, chàng trai giật mình ngoảnh nhìn lại, vừa thấy một sợi thòng lòng khác quăng xuống thắt nghiến cuốn gia phả giật vù lên ngọn cây đối diện.
Trước sau đều bị giật trộm, nhất thời chẳng biết đuổi phía nào. Chàng trai họ Lê nổi giận, thét lên một tiếng, xuất toàn lực đánh vụt tay ra theo đường câu móc ngược từ dưới vòng lên. Nghe “véo” tiếng như xé lụa, ánh tiểu kiếm nháng cầu vòng xanh biếc, tựa chớp giăng, “rào” cành lá mấy tàn cổ thụ bị tiện nghiến, đúng lúc từ trên tay liền hai, ba lưỡi dao lá lan phóng vèo xuống mình chàng trai. Dũng lăn người tránh, tay kiếm thịnh nộ đảo vụt một đường nữa. Ngọt đến độ ánh thép đã đảo về tay, cành lá nhất thì từ từ đổ xuống. Trong tiếng cành đổ, có tiếng “chóe” nhọn hoắt, liền mấy khúc dây thừng rớt xuống cây trước mặt, một bàn tay vượn đen thui rụng theo, mấy ngón co quắp còn giữ chặt cuốn gia phả.
Nhanh như con cắt, Thái Dũng bắn mình sang chụp dính luôn bàn tay ma quái còn nóng hổi, mắt đảo dòm lên cây bên kia, thoáng thấy có vật đen đen đu sau cành ngọn. Chàng phóng luôn kiếm chém xả liền mấy nhát, nào cành gẫy lá rơi tơi tả, rồi rừng cây im lặng như cũ, chỉ còn tiếng gió lùa nhẹ buồn tênh.
Thái Dũng vọt đi tìm mãi cũng chẳng thấy tăm tích “kẻ trộm” đâu… đành giở cuốn gia phả, ném bàn tay vượn đi, tiếc ngẩn tiếc ngơ cuốn sách của Thần Quân.
Mãi lúc đó mới sực vỡ lẽ lũ vượn khi nãy cũng như hai con vừa quăng dây trộm không phải lũ vượn rừng hoang tinh nghịch mà chính là mấy con vật có người nuôi. Và người bí mật này đã theo dấu chân chàng, nhè lúc bất ngờ hãm hại giật trộm bảo vật.
– Phóng dao độc hạ Người Rừng, con vượn đeo súng bị giết bên đất Tàu, hai con quái theo bước núi Mang Bành, lũ vừa trộm báu thư… Phải chăng chỉ là một bọn quái vật của một người chủ bí mật vẫn bám sát ta từ lúc rời núi Quạ?
Thái Dũng càng nghĩ càng kinh chợn, không khỏi lấy làm lạ về hành tung của “người bí mật” theo gót chàng suốt mấy ngày dài biên thùy không lạc, qua tài nghệ đã đến mức phi thường. Vì chàng đã có ý xuyên ngang đảo ngược suốt muôn dặm hành trình, toàn rừng thẳm khe sâu, đèo cao dốc vút xuyên sơn rất khó theo dấu chân.
Thêm nữa, Huyết Phong Câu vốn nòi sơn mã, thiên lý long câu đi như gió cuốn không nghỉ, dầu chạy giỏi như lão Ma Hình cũng không thể nào theo kịp suốt từ đất Cao Bằng đến đây. Khỉ vượn càng khó theo hơn nữa, họa may chỉ có thứ ngựa như Hắc Phong Câu, Bạch Phong Câu của vợ chồng Đại Sơn Vương thì cả lũ vượn theo. Nhưng Thái Dũng đâu phải người thiếu kinh nghiệm, bản lãnh để địch nhân theo hút dễ dàng? Vào sao chưa ra mặt?
Càng nghĩ càng khó hiểu, lại thêm mất tập sách quý, Thái Dũng đành thót lên ngựa, lập tức rời vùng nghỉ phóng như tên bắn. Đã đề phòng kỹ, chàng luôn đổi hướng, có lúc đi qua một hẻm núi lại kiếm lối đảo vòng lại hàng mấy dặm quan sát, hoặc bất thần lại vọt lên ngọn núi cao, chiếu kính kiểm soát từng lùm cây bụi cỏ suối khe, không thấy chi khả nghi, mới yên chí đi thẳng mãi tới khi mặt trời lên hơn con sào, mới bắt vào một con đường mòn kiếm chỗ vào nghỉ ngơi ăn uống, nhân thế nghiên cứu gia phả.
Vừa qua một ngọn đồi, chợt gặp một bọn gái núi cỡ mười nàng cỡi ngựa thồ lóc cóc từ trong rừng đi ra. Thái Dũng bèn dừng cương đón đường dùng tiếng miền núi hỏi thăm:
– Chào các “pí noọng”! “Pí noọng” đi đâu… ỗ hỏi thăm chút!
Bọn gái Mèo dừng ngựa, mở to mắt nhìn chàng khách Kinh mặc quần áo Thổ, và quay ngó nhau cười nói líu lo như chim hót. Sực nhớ mình vừa nói tiếng Thổ, lại ngó rõ y phục Mèo quấn xà cạp, Dũng còn đang lúng túng vì không biết tiếng Mèo thì một cô nàng lớn tuổi nhất đã cười nói một tràng lơ lớ:
– Ông tiên! Ông tiên hỏi chúng em?
Nghe cô nàng nói tiếng Kinh, lại gọi mình là “ông tiên”, Dũng phì cười, mừng rỡ:
– À, cô em biết tiếng ta? Hay lắm! Cho mỗ biết gần đây có bản nào không?

Cô Mèo trỏ về phía trước, líu lo:
– Có cái quán mà! Ông tiên đi chỉ… giập bã trầu thôi mà!
– À! Cám ơn cô em! Mà đường này đi đâu nhỉ? Các cô em thồ nhiều thứ thế?
– Xuống chợ mà! Cái quan không biết à? Lối này lên Su Phì mà!
– Su Phì! À, cám ơn cô em!
Dũng giục ngựa đi, sau lưng còn nghe bọn gái Mèo cười nói líu lo “ông tiên”
“cái quan” trầm trồ không ngớt. Miền thượng du thịnh âm, đàn bà đẹp, đàn ông “thường” xấu, nên trai Kinh được gọi là “hoa khôi”, gái sơn cước vẫn gọi “ông tiên”. Chàng tuổi trẻ họ Lê mỉm cười, thả kiệu băm, đi chừng hai dặm nữa, quả nhiên đã tới một vùng cảnh thổ rất đẹp, rải rác có nhiều bóng sàn lưng đồi, suối khe róc rách, nương bắp, sắn xanh tươi, có một con đường chạy ngang qua, bên đường có mấy cái quán nữa, khách buôn, thổ dân qua lại khá đông.
Thái Dũng bèn tiến ngựa lên, dừng trước cái quán lớn nhất, dựa ghềnh đá, bên suối buộc ngựa, vào nghỉ chân, kiếm lương thực cho người, vật.
Quán khá sầm uất, ngoài kẹo bánh nước sôi, vài món tạp dụng, lại bán cả phở thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu trắng, chừng của dân Kinh lên đây lập nghiệp.
Khách ngồi chật, đang ăn uống trò chuyện ồn ào.
Thấy Dũng bước vào, mọi người cùng trông ra, vừa nhác dạng chàng, tự nhiên phần đông giật nảy mình như chạm phải điện, im thin thít, và cứ trợn tròn mắt nhìn nhau rồi lại lấm lét ngó trộm có vẻ sợ sệt khác thường.
Ngạc nhiên, chàng cứ lững thững tiến vào, thấy trong góc có bàn trống ngồi luôn, nghĩ thầm chắc bọn khách sợ vì mình đeo súng chăng. Nào ngờ vừa đặt mông xuống, người đàn ông Kinh ngồi bàn bên đang ăn, bật nhỏm dậy như dây lò xo, len lén quơ luôn gánh bồ hàng hóa, rón rén chực lui. Thấy lạ, Dũng nắm vội lấy vai, kéo lại hỏi.
Người này quăng ngay bồ, chắp tay vái lia vái lịa, run bắn lên, miệng lắp bắp như đánh đàn:
– Trăm lạy ngài ngàn lạy ngài… Con… mẹ già, vợ dại, con thơ… Xin ngài sói tinh sinh phúc… Mấy đời con không dám ăn thịt chó…
Tròn xoe mắt, Dũng lắc vai người nọ, hỏi dồn.
– Sao? Bác này loạn óc à? Mỗ làm gì mà sợ hãi như điên vậy?
Như đã ù tai, người khách buôn cứ vừa lễ, vừa nhìn mọi người cầu cứu:

– Bẩm ngài… con ngu si đần độn ngài đừng móc mắt moi ruột con… thịt da con hôi lắm! Con… cả họ mồ hôi đầu. Giời ơi! Các ông các bà cứu tôi với… xin giùm tôi với…
– Bác này phát điên rồi.
Bực mình Dũng buông vai người nọ, anh ta mừng như bố sống lại, vớ luôn gánh bồ ù té chạy. Không nén nổi ngạc nhiên, Dũng quay hỏi mọi người:
– Sao lạ thế? Kìa! Mà sao tất cả lại dòm quái vật? Chủ quán đâu? Đám khách nhe răng cười rồi dạ dạ len lén quay đi. Hai, ba kẻ ngồi ngoài lấm lét lủi vội như con cuốc. Chủ quán chạy ra, tay còn cầm con dao thái thịt, sực thấy Dũng, sợ hãi giật lùi mãi mới lên tiếng:
– Bẩm… Ngài giáng lâm! Quán con không khi nào dám bán thịt chó… bẩm toàn thịt lợn thịt gà…
Lại một phen ngạc nhiên, chàng trai cố hỏi gặng, nhưng cả chủ quán, khách ăn chỉ cười ruồi, dạ gật. Bực mình chàng bỏ đi luôn, lấy ngựa, đến quán khác cách đây hơn trăm bộ.
Quán này cũng tựa quán trước, thấy dạng chàng, ai nấy đều len lén sợ sệt như thấy hung thần quái vật. Hỏi mài, mới có một ông già Kinh thì thầm nói chi với chủ quán, rồi lễ phép hỏi lại chàng:
– Chẳng may ông khách từ đâu đến? Ông khách đã tới đây bao giờ chưa?
Dũng lắc đầu, từ tốn:
– Kẻ này mới Cao Bằng tới! Có chuyện chi, xin cụ cho biết! Ông già ngắm chàng khá lâu, vùng tặc lưỡi:
– Lạ thật! Lạ thật! Sao lại giống nhau như hai giọt nước! À, không phải ông khách này đâu! Lại còn nhớ hai con mắt hung thần coi dữ nhiều… Đoạn lão kể qua Dũng nghe. Cách đây ít ngày, có một người trẻ giống hệt chàng bất thần xuất hiện trong miền, theo sau có một bầy chó sói. Vào một quán trên phố đồn bán thịt chó, người lạ móc mắt cả chủ lẫn thực khách ném cho chó sói ăn rồi vào rừng mất. Đêm lại hiện ra, vào các nhà có con gái đẹp hiếp, gái nào bị thân thể đều nham nhở như chó gặm. Tây đồn được tin dẫn lính đến vây bắt chưa kịp bắn chúng đã bị hung thần sói cắn đứt họng, chết tươi. Có lúc hung thần đi qua phố dân đều trông thấy nên vừa gặp Dũng ai nấy tưởng “thần sói” tới nên mới kinh sợ đến thế!
Thái Dũng nghe dứt, bỗng nhói tận tim, lòng đau như cắt nghĩ thầm:
– Giống ta như đúc trên đời còn ai ngoài Thái Kiệt! Trời! Lão Tinh hiểm độc dùng bùa ngải khiến anh tai làm toàn chuyện hung dữ vô đạo, phải chăng còn có ác ý gieo tiếng ghê gớm cho dòng máu họ Lê. Phải giải thoát khỏi tay lão yêu tinh mới được! Chẳng biết anh ấy qua đây rồi mới đến núi Quạ.
Bèn nén đau, hỏi thêm, nhưng chẳng ai biết tung tích hung thần, ông già lại khuyên Dũng nên cẩn thận, vì đây cách phố đồn chỉ có hai, ba dặm. Tây đồn mới đang truy nã gắt, lỡ nhận lầm như chơi.
Thái Dũng cám ơn, đoạn gọi chủ quán cho ngựa ăn thóc, và dọn món ăn ra.
Xôi nếp gà luộc thịt nướng v.v… Đang gặp bụng đói, chàng uống luôn hai bình rượu cẩm. Vừa nhấm vừa lấy cuốn gia phả ra coi. Mới hay dòng họ chàng thuộc chi thứ, tằng tổ chính là Lê Long Đĩnh, con Lê Hoàn.

Long Đĩnh giết anh là Long Việt làm vua. Sử Việt chép Ngọa Triều, Lê Long Đĩnh hoang dâm vô đạo, bày lắm trò chơi tai ác như sai đứng nhái các quan tân sứ, róc mía trên đầu sư, thỉnh thoảng lại vờ sẩy tay “phập” một nhát v.v… Còn trong gia phả, lại có chép nhiều điều đặc biệt thuộc loại bí sử về Long Đĩnh liên quan ghê gớm đến huyết thống và tình hình nước Đại Cồ Việt lúc đó.
Nguyên từ đời Ngũ Quỷ bên Tàu (907) dân ta thấy nhà Đường mất ngôi, Bắc Phương rối loạn, bèn nổi lên phất cờ tự chủ. Khắp mấy cõi Giao Châu lúc đó anh hùng hào kiệt tù trưởng, thổ hào, võ tướng, lục lâm nổi như ong, tôn Khúc Thái Du lên làm Tiết Độ sứ bên Tàu, nhà Hậu Lương, phong cho Lưu Ẩn làm Bình Vương kiêm Tiết Độ sứ Quảng Châu Tinh Hải, ý muốn chiếm lại Giao Châu. Lưu Ẩn đóng tại Phiên Ngưng được bốn năm thì mất, em là Lưu Cung (tới Lưu Nhanh) lên thay quyền. Nhân có việc bất bình với Hậu Lương, Cung bèn xưng đế, đặt hiệu là Đại Việt, rồi Nam Hán bên Giao Châu Khúc Hạo (907-917) con thừa tự mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Nhân Tiết độ sứ của Hậu Lương không phục Khúc Hạo, bị Nam Hán sai bọn Lý Khắc Chính sang đánh bắt được (923) rồi sai Lý Tiến cùng Khắc Chính cai trị Giao Châu, nghe tướng Dương Diên Nghệ của Khúc Hạo nổi lên, đánh đuổi bọn Lý Tiến, làm Tiết Độ sứ được bốn năm lại bị nhà tướng Kiều Công Tiễn làm phản giết đi, cướp quyền.
Con rể Diên Nghệ là Ngô Quyền lúc đó làm tướng Ai Châu, là người có tài trí bèn đem binh Thanh Nghệ ra đánh Tiễn, đi tới đâu hào kiệt theo giúp rất nhiều.
Tiễn cả sợ vội cho cầu quân Nam Hán.
Vua Hán sai thái tử Hoàng Thao tiến binh sang trước, còn mình sẽ đi tiếp ứng, định nhân dịp chiếm Giao Châu. Nhưng Hoàng Thao sang đến nơi thì Ngô Quyền đã giết được Tiễn rồi (938) kéo binh lên chận Hán, dùng mưu cắm cọc sông Bạch Đằng, rồi dụ Hoàng Thao vào đánh một trận tan tành, bắt sống được Thao đem về giết. Vua Nam Hán đang tiến quân hậu tập, được tin khóc òa lên rồi đem quân về Phiên Ngưng. Từ đó bên Tàu không dám sang quấy nhiễu nữa.
Ngô Quyền trở nên tự chủ, định kế lâu dài, nhưng được bốn năm thì mất, ủy thác con là Xương Ngập cho em mình là Dương Tam Kha. Kha đoạt quyền. Ngập thấy biến, chạy trốn sang Nam cách Hải Dương. Kha bắt được em Ngập là Xương Văn đem về làm con nuôi.
Lúc đó các anh hùng hào kiệt trong nước biết phục cùng các thổ dân tù trưởng, tướng trấn thủ các địa phương nổi loạn như ong vỡ tổ, bất phục triều đình, xưng hùng một cõi gây nên loạn sứ quân, đánh nhau ròng rã hơn hai mươi năm, dân gian rất khổ. Sau Xương Văn nhận được Tam Kha cử đi dẹp loạn, bèn mưu với bọn tướng Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc kéo về trừ được Kha, đón Ngập về cùng làm vua, gọi là Hậu Ngô Vương.
Rồi kẻ ốm chết, người bị tên chết, suốt nhiều năm không dẹp nổi. Con Ngập là Xương Xí kế nghiệp, thế yếu, lại hóa sứ quân.
Sau có ông Đinh Bộ Lĩnh người đất Hoa Lư phất cờ khởi nghĩa, lần lượt bình được cả mười mấy sứ quân. Kẻ thua trận, người quy hàng đầu phục. Bộ Lĩnh thống nhất được sơn hà, được tôn Vạn Thắng Vương, lên ngôi Hoàng Đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư (968). Xây dựng cung điện chia triều nghi, định phẩm hàm, phong cho họ Nguyễn làm Định Quốc Công, Hoàn họ Lê làm Thập Đạo, con là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương.
Khi đó trong nước vẫn quen thói sống đời nhiễu loạn phóng túng. Đinh Tiên Hoàng phải đặt ra nhiều cực hình trừng trị, như nuôi hổ báo trong vườn, để vạc dầu trong điện. Lúc đó uy thế Đinh Tiên Hoàng rất lớn, ai cũng phải kinh sợ. Nhà vua bách thắng nhưng vạc dầu lại hâm sôi ầm ĩ thêm rối loạn ngấm ngầm. Nhiều sứ quân trước hàng Đinh Bộ Lĩnh, nay còn được làm quan, giữ việc binh, nhưng không thật lòng. Thắng quá hóa kiêu, oai quyền nhiều hóa mê tâm, ngạo thế, trợ chuyên không học đến chữ ngờ.
Lúc đó, binh lực nhà Đinh rất mạnh, vì phải đánh Đông dẹp Bắc, bình định các sứ quân, Vạn Thắng Vương trực tiếp nắm binh quyền khi khởi nghiệp, nhưng lúc đã thống nhất thiên hạ rồi, Vương lên ngôi Đế, phải trông bao trùm các ngành khác, nên quyền trực tiếp phải để cho các tướng toàn người đã dày công bản mã giúp Đinh Tiên Hoàng nên nghiệp như Lê Hoàn, Nguyễn Bặc, Đinh Liễn (con trưởng) v.v… Quân có mười đạo, dưới quyền Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn, nhưng Nguyễn Bặc, Đinh Liễn cùng các tướng biên trấn khác ai cũng có quân dưới trướng.
Nhờ uy thế lên ngôi, trị nước bằng uy pháp, không ai dám vi lệnh nhưng Tiên Hoàng đã quên một điểm quan trọng là: không còn trực tiếp cầm binh, và những tướng soái công thần cùng Tiên Hoàng dấy nghiệp, tự nhiên đều có uy thế quyền hành. Mầm loạn phát sinh nếu nhà vua vụng tính.
Và… “ông vua bách thắng” đã đi vào vết xe đổ ngàn đời: một lúc lập năm ngôi Hoàng hậu, chưa kể phi tần.
Dương Hậu đẹp đẽ, sắc sảo khôn ngoan được nhà vua sủng ái nhất.
Nhà vua lại lập người con út mới có mấy tuổi là Hạng Long làm Thái tử.
Mầm loạn bắt đầu từ trong nhà ra đến ngoài. Văn võ quần thần, hoàng tử, hoàng thân ngầm kết đảng, tranh quyền.
Con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn, vốn theo cha từ thuở hàn vi, xông pha trăm trận dầy công, nay mất ngôi Thái tử, nổi giận sai kẻ thủ túc ám sát luôn Hạng Long. Vô bằng cớ, vả Liễn là con lớn nhiều uy thế, hiện lại có binh quyền, Tiên Hoàng cũng chịu. Huynh đệ tương tàn, phụ tử chia rẽ. Lê Hoàn Thập Đạo tướng cận càng được tin cẩn, thường tháp tùng Hoàng đế, Hoàng hậu phi tần.
Dương Nga Hoàng hậu vẫn không được mãn nguyện tuổi xuân, mắt xanh Hoàng hậu đã để lọt bóng dáng quan Thập Đạo đẹp trai, thao lược. Ngày kia, Dương Hậu có việc đến thăm miền Đỗ Đông Giang của Đỗ Cảnh Thạc, cựu tướng nhà Ngô, có quan Thập Đạo họ Lê theo phò. Đỗ Cảnh Thạc biết ngay tình ý, muốn trả thù Bộ Lĩnh, tính kế làm sao cho loạn đạo vua tôi, nên tiếp rước rất long trọng, bầy các cuộc vui chơi yến ẩm và kiểu cách rước Dương Hậu và Thập Đạo tướng quân vào ngủ cùng một nhà. Trai tài gái sắc, rượu ngà ngà, lại gặp đêm mưa thình lình, nhà vắng… phát động xuân tình, Dương Hậu đã ngã vào tay Lê Hoàn và đêm đó đạo quân thần, nghĩa phu thê đã chìm nghỉm trong khát vọng, hai người đã dắt nhau lên tận đỉnh Vu Sơn. Ít ngày sau, bỗng Tiên Hoàng, Đinh Liễn Nam Việt Vương cùng bị Đỗ Thích ám sát. Sử chép là: Đỗ Thích nằm mộng thấy mình nuốt mặt trăng, cho là triệu chứng mình được làm vua nên mò vào giết cả hai cha con Tiên Hoàng. Đoạn sử vô lý ngô nghê này, thái sử đã chép dưới uy lực triều sau. Sự thực trong việc thí chúa này đã vào bí sử. Đỗ Thích là viên quan thái giám thân cận của Hoàng Đế, Hoàng Hậu… và không phải kẻ mắc bệnh thần kinh. Một mình với một con dao, dẫu giết được vua làm thế nào lên ngôi tôn, khi chỉ là một viên thái giám, và binh quyền nằm trong tay kẻ khác, mạnh nhất là Thập Đạo, Nguyễn Bặc, Đinh Liễn. Bặc trấn ngoài kinh đô, còn Liễn chết theo Tiên Hoàng, quyền binh sẽ vào tay Lê Hoàn. Và tại sao Đỗ Thích không giết luôn cả Đinh Tuệ sáu tuổi? Còn Tuệ tất còn kẻ nối ngôi, có mưu riêng, Thích phải giết hết, nhưng lại không giết chỉ vì Tuệ là con Dương Hậu. Tuệ sẽ lên ngôi ấu chúa, và quyền sẽ vào tay Lê Hoàn.
Theo gia phả tiết lộ, Đỗ Thích thí chúa, có dính dấp tới một âm mưu rộng lớn.
Thích không hành động một mình, chính là do phe đảng của Lê Hoàn chỉ huy.

Hoàn bí mật ra tay, hoặc làm lơ cho tay chân mưu thế, cuốn gia phả không nói rõ, chỉ ghi Thích giết cha con Tiên Hoàng để quyền hành về một mối, sau khi Lê Hoàn, Dương Nga tư thông.
Giết xong thì bị lộ, Đỗ Thích phải leo lên ống máng ẩn ba ngày đêm, khát xuống kiếm nước uống bị quân lính tóm được và bị tội chết ngay, đúng theo thông lệ “thí vua bị bắt giết cho xong chuyện”. Lê Hoàn cùng đình thần tôn Vệ Vương Đinh Tuệ lên làm vua, quyền hành về cả tay Lê Hoàn Thập Đạo tướng quân làm Nhiếp Chính đại thần.
Vua nhỏ, Dương Thái Hậu lại là người tình, Lê Hoàn nắm trọn quyền chúa tể, bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc lúc đó trấn miền ngoài, thấy Hoàn lộng quyền, nhà Đinh suy yếu, bèn đem binh về Hoa Lư trừ loạn. Nhưng Hoàn thế mạnh đánh tan, giết được bọn Điền, Bặc, nhổ hết gai.
Trong lúc Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn sứ quân lên ngôi tại nước ta thì bên Tàu cũng có loạn sứ quân Ngũ Quý Ngũ Đại, các cõi dấy lên như ong. Triệu Khuông Dẫn, Trịnh Ân xuất thân tay trắng giang hồ lưu lạc, gặp người bán muối là Sài Vinh kết nghĩa anh em. Sau Sài Vinh tình cờ gặp người cậu là Quách Ngạn Uy tướng trấn biên cương, nương nhờ. Nhân loạn, Quách nghe chư tướng kéo binh về kinh đô, đánh thắng lên ngôi vua, lập nên nhà Hậu Chu, oai thế lẫy lừng. Quách Ngạn Uy không con, lập Sài Vinh làm Thái tử. Vinh bèn triệu bọn Triệu Khuông Dẫn, Trịnh Ân về, tâu với cha nuôi cho làm đại tướng. Quách chết, Vinh lên ngôi Hoàng Đế, lại hiệu Sài Thế Tôn, phong bọn Dẫn, Ân làm nguyên soái, cho đi đánh dẹp khắp thiên hạ. Sài Thế Tôn rất hiền lành, hết dạ thương nghĩa đệ, làm vua được bảy năm thì chết, lúc con còn nhỏ trước khi chết, triệu bọn Triệu Khuông Dẫn vào, cầm tay bảo:
– Con anh nhỏ dại không thể lên ngôi báu! Vậy em hãy làm vua, trị vì thiên hạ, bao dung ẹ con nó là được rồi!
Triệu Khuông Dẫn dập đầu khóc xin một dạ phò chúa. Đó rồi cùng quần thần tôn con Sài Vinh lên ngôi. Xảy có quân Khiết Đan sang đánh, Thái Hậu sai Triệu Khuông Dẫn mang đại binh đi tiễu trừ. Nhưng ra khỏi kinh thành vài mươi dặm, đám tướng sĩ nhà Hậu Chu đình binh lại, nghị bàn, rồi đồng thanh tôn Dẫn lên ngôi, lấy người để thưởng phạt rồi mới chịu đánh giặc.
Dẫn không nghe nhưng tướng sĩ quyết tôn, phò luôn Dẫn kéo quân về kinh thành hò reo dậy đất. Dân gian náo động, Thái Hậu vội lâm triều, Triệu Khuông Dẫn vào khóc kể tự sự, tỏ lòng trung, Thái Hậu lập tức lấy long bào khoác lên người Triệu Khuông Dẫn.
Dẫn lên ngôi, lập nên nhà Tống, lấy hiệu Tống Thái Tổ, đem binh đánh dẹp bốn phương, lại sai tướng Chỉnh Nam, đánh lấy Nam Hán miền Lưỡng Quảng (970) và phong chức cho hai cha con Tiên Hoàng.
Mười năm sau, nghe tin cha con Tiên Hoàng chết, nhà Tống định sang lấy Đại Cồ Việt, Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng làm đại tướng đem quân ngăn địch mới rục rịch sang. Trước khi xuất quân, Cự Lượng họp ba quân trong điện tôn Lê Hoàn lên ngôi. Ba quân hò reo vang động, rầm rập kéo vào triều môn hô “vạn tuế Lê Hoàn Thập Đạo” ầm ầm và rước Thập Đạo lên ngôi. Dương Thái Hậu lấy luôn áo long cổn của Đinh Tiên Hoàng khoác lên vai Lê Hoàn. Nhà Đinh dứt, nhà Lê lên, bề ngoài giống hệt nhà Tống thay Hậu Chu, nhưng bên trong lại khác, vì Lê Hoàn, Dương Hậu đã tư thông. Phạm Cự Lượng là tướng thân tín của Lê Hoàn, cuộc phế lập có dự mưu, giống chuyện Lý Khuê lập nhà Đường, cũng có bà vợ quyền thế của vua Tùy tư thông, khoác áo long cổn lên vai!
Năm sau Lê Đại Hành phá được quân Tống. Từ đó ngồi yên trên ngôi báu, thỉnh thoảng lại phải đi dẹp giặc trong nước, đánh Chiêm. Và vẫn tiếp tục tư thông với Dương Hậu. Hậu lại đem người công chúa gả cho con thứ tư của Đại Hành là Long Đĩnh.
Làm vua được hai mươi bốn năm, Đại Hành có bốn con trai: Long Du, Ngân Tích, Long Việt, Long Đĩnh.
Gần thác, nhà vua lại đi vào vết xe đổ, phế trưởng lập thứ, định cho Long Việt làm vua. Long Việt hiền lành, Long Đĩnh thông minh sắc sảo. Đại Hành vừa mất, bốn con mang quân đánh lẫn nhau tranh ngôi, Long Đĩnh hợp cùng Long Việt làm vua. Được ba ngày, Việt bị Đĩnh sai thủ hạ vào giết chết, Long Đĩnh lên làm vua.
Sử chép Đĩnh là người người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ, như tẩm dầu đốt tội phạm, bắt treo trên cây, rồi sai chặt gốc, bỏ vào sọt thả sông, còn lấy mía róc đầu sư, cho hề nhại các quan trước điện v.v… Lại hoang dâm vô độ, mắc bệnh ra triều phải nằm nên gọi Ngọa Triều.
Một bạo chúa như thế có thể nào làm vua được bốn năm nếu không có gì khác lạ?
Gia phả có ghi: Long Đĩnh là người rất khôn, rất giỏi dùng người, giỏi tổ chức cơ quan do thám, óc thực tế, không tin chuyện mơ hồ, thích uy pháp, say quyền hành cùng cự, thích cảm giác mạnh, mắc bệnh tê, ưa tình nghịch lý, khác người. Đặc biệt nhiều cái về huyết thống giống cha nhất, kể cả tài cầm binh quyền. Đương thời dân chúng vẫn quen tính loạn, trong triều ngoài dân, có nhiều phe nhóm đặc biệt là lúc đó Phật giáo rất có uy thế, các nhà sư rất được dân, quân trọng. Từ đời Lê Đại Hành đã có nhiều nhà sư tham dự quyền chính. Lúc Long Đĩnh làm vua, có nhà sư làm đến chức tựa quốc sư, nhiều người giỏi về cai trị việc binh như Vạn Hạnh thiền sư. Lý Thánh Vân chùa Cổ Pháp có tài đào tạo được người như Lý Công Uẩn làm đến điện tiền chỉ huy sứ. Long Đĩnh và các nhà sư lại nghịch nhau về nhiều thứ. Trước đó vua quan vẫn nghe các vị sư trong việc cai trị. Đĩnh lên, không thích sư, muốn loại trừ ảnh hưởng sư, không tôn trọng ý sư cốt nắm hết quyền hành nhưng không dễ, vì thời đó, dân quân đã nhiều lòng tín ngưỡng, trọng Phật nên kính tặng, nếp cũ đã thành ăn rễ, ảnh hưởng nhà sư rất mạnh ngay trong triều. Vạn Hạnh được nhiều người tin phục, đại tướng uy quyền bậc nhất như Lý Công Uẩn cũng là người sùng đạo “con nuôi nhà chúa”. Đĩnh tổ chức chặt chẽ bộ máy binh quyền do thám, dùng uy pháp. Do đó nhà chùa chống lại, Đĩnh róc mía tai ác có ý chế giễu làm mất ảnh hưởng giới vẫn được mọi người kính trọng. Vạn Hạnh còn đó, Lý Công Uẩn nắm quyền binh mà đành nhất thời chưa dám ra mặt trừ Ngọa Triều, đủ biết bộ máy cai trị, trảo nha của Ngọa Triều cũng mạnh lắm.
Ngọa Triều làm vua được bốn năm bỗng một hôm ngọa bịnh chết lúc hai mươi bốn tuổi, để lại một giọt máu còn nhỏ tên Long Xạ. Ngọa Triều nằm xuống oai thế nằm theo, trảo nha như rắn mất đầu. Đào Cam Mộc tướng quân Lý Công Uẩn lập tức kéo quân vào Hoa Lư, mưu cùng Sư Vạn Hạnh, dùng ảnh hưởng nhà chùa, uy thế quân sĩ, phế nhà Đinh, tôn Công Uẩn lên ngôi, dựng nên nhà Lý.
Nhà Đinh dứt, ngôi vua mất, giọt máu thừa nhà Đinh rơi vào quên lãng. Long Xạ được cận thần dẫn trốn khỏi Hoa Lư, lớn lên bỏ chữ Long, sống đời dân dã, nhưng huyết thống lưu truyền. Chi tộc Long Đĩnh này cứ hai đời lại có kẻ làm nên, nhưng gia phả có ghi chú một điều kỳ dị về huyết thống là: Cứ hết hai đời, lại đến hai đời liên tiếp trong ngành thứ nảy sinh người thông minh xuất sắc tính khác thường, nuôi mộng làm vua dễ chết bất đắc kỳ tử rất thảm, và lạ lùng nữa liền hai đời đều có chuyện loạn dâm tranh đoạt gây đổ vỡ gớm ghê!
Tính chiếu ra thì đến đời cha con Thái Dũng! Đến đây, gia phả đã hết hai phần ba, chàng trai họ Lê lấy tay lau mồ hôi trán, chăm chú coi đoạn phụ chú sau phả hệ có kể rõ chuyện thê thảm về đời cụ kỵ.
Sang đời ông nội chàng, chợt chuyển sang mực son, nét chữ khác hẳn, chắc của ông nội chàng, nhiều chỗ nhòa mờ khó xem như bị nước vào.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.