Bạn đang đọc Nữ Tướng Miền Sơn Cước – Chương 24: Cuộc Chạm Trán Nảy Lửa Trên Phản Tây Phàn
Đoàng, đoàng! Súng nổ triền núi khuya, đạn Thần Xạ khác hơn một khắc trông lại còn thoáng thấy hai cây súng lục quay tít bắn xuống sườn đá lộc cộc, hai bàn tay xương xẩu chới với không khí trên ghềnh đá miệng vực. Tướng Thần Xạ đứng như pho tượng thạch nhũ xanh xám, hai mũi súng cối còn chĩa vào lão Tinh. Trăng khuya gió lộng bay phần phật ống quần.
– Chó Tinh! Nghe đồn mi lắm ngoại tài, lấy đầu người nhanh như chém chuối, đầu óc cực xảo, sao lại chọn súng bắn ta? Tưởng xuất kỳ bất ý có thể hạ nổi Thần Xạ sao? Giờ nghe ta hỏi: về đây tạo ác, có liên hệ đến kho tàng Nam Bang không?
Nghe hỏi, lão Tinh bỗng cất tiếng cười ngất, hất hàm:
– Nhất thời thất cơ, sẵn súng đó cứ bắn đi, đừng có mở miệng hỏi khẩu cung, vô ích!
– À, chó Tinh xảo trí! Mi thừa biết Bắc Thần không giết kẻ tay không mà! Được! Ta có cách!
Dứt lời cắm luôn súng vào bao, tướng núi vừa toan bước lại gần, bỗng xế sau Sài Kíu Tinh có tiếng xé gió, ba bóng người từ trong núi vọt lên. Tướng lạc thảo Vân Nam quát:
– Chó Tinh! Cờ Đen muốn gặp!
Sài Kíu Tinh ngoảnh lại vùng lẩm bẩm:
– Vít hầm, nổ hơi ngạt… sao chúng thoát nổi! Hừ!
Tướng núi cười vang, xòe bàn tay đánh ra một nhát phản phong. Lão Tinh vung đỡ, bị phản chấn bật lại, ba cái bóng nghe động cùng thét:
– Nó kia rồi!
Ba bóng nối đuôi lao tới. Đông Quân, Thiên Kiều, Thái Dũng, mỗi người trấn một phía vây chặt lão Tinh.
Cờ Đen hét khàn:
– Chó đú! Chạy đâu thoát? Đêm nay tao quyết róc xương mày!
Từng bước, hai cha con Đông Quân tiến lại, Thái Dũng thấy thế có ý ngại cho Thiên Kiều, cũng bước tới gần nàng. Nghiến răng ken két, lão động chủ Tây Phàn bỗng hú một tràng vang triền núi, văng vẳng có tiếng cồng dâng lên, chưa ai hiểu chi, lão đã lia mắt một vùng, dừng nơi Đại Sơn Vương:
– Một lũ vây đánh một người! Giỏi lắm! Đại Sơn Vương cười lớn:
– Ba người đánh một chẳng chột cũng què! Phải đó! Để mình Cờ Đen đủ rồi!
Chó Tinh! Mỗ nhường chỗ tốt cho đây!
Miệng nói, chân khoan thai bước xuống, tránh khỏi ghềnh đá bờ vực. Mừng như vớ được vàng, lão động chủ vọt ngay tới, nhìn Đại Sơn Vương gật đầu lia:
– Cám ơn! Cám ơn!
Cả hai cha con Đông Quân lẫn Thái Dũng đều ngạc nhiên, không hiểu sao lão Tinh lại tỏ vẻ sung sướng cám ơn tướng Thập Vạn Đại Sơn Vương nhường ột vị trí mười phần bất lợi đến thế! Vì ghềnh đá chênh vênh, kề vực thẳm vô cùng nguy hiểm, sẩy chút ngã lộn xuống nát thây như chơi.
Nhưng hận cừu sôi sục, lão chúa Cờ Đen không cần nghĩ lâu, vừa thấy lão địch thù nhảy lên mỏm đá, lập tức sấn tới, cách ba bộ, quát lạnh như băng:
– Chó đú! Tối nay mày phải chết!
Lời buông, tay giáp đã vung mạnh theo một thế chân truyền, ngân quang lóa bạc dưới trăng, chém xả xuống đầu Sài Kíu Tinh.
Không nao núng, lão Tinh ngã rạp mình, giang rộng tay trái, tay phải đảo một cái, từ trong ống tay vụt thốc ra một cái đầu sài kíu đen sì đớp luôn kiếm Đông Quân.
Nghe “chát” tiếng chói tai, cả hai luồng bật tung lại, loáng đảo lia vờn không khí, nhanh như điện. Đông Quân phóng luôn tay trái, thêm một mũi kiếm trắng xóa vù xả tới. Lão Tinh bật kêu:
– À, Cờ Đen hai tay như một!
Vừa kêu vừa lắc mình phóng chếch sang một bên chừng ba bộ. Soạt! Tà áo thụng bị hớt một mảng bằng bàn tay. Nộ khí xung thiên, Đông Quân thét lên một tiếng vang âm, múa hai tay, đánh sang, một trên một dưới. Lão Tinh đảo tay, đầu sài kíu xẹt vòng quật đỡ cả hai, lão vọt lên mỏm đá.
Nhưng Đông Quân đã có chủ ý, kiếm còn lơ lửng, chân đã phóng ra một nhát cước độc. Vù. Lão Tinh giơ tay phát gió đỡ liền ngay khi chân vừa hạ. Bùng! Phản phong quật mạnh. Cờ Đen vừa thu chân, lão Tinh đã bắn lên cao gần hai bộ.
– Hảo cước phong! Đại Sơn Vương khoanh tay, bật tiếng khen. Lão Tinh lơ lửng giữa không khí cũng bật tiếng “chà” giật giọng, chẳng biết vô tình hay hữu ý cả thân hình bỗng sa vụt xuống, lộn nhào như trái cầu, đầu sài kíu lao theo.
Lập tức, Đông Quân thu kiếm, vọt lên ghềnh đá, dòm theo, chỉ thấy loáng ánh trăng, áo thụng đen phần phật, xâu chuỗi đeo lốc cốc, hút chìm mau dưới vực thẳm muôn trùng.
– Chó đú nát thây rồi!
Cả Thái Dũng, Thiên Kiều, Đại Sơn Vương cùng nhảy đến mép vực, vừa bật kêu, lão chúa soái Cờ Đen đã cất tiếng cười ngạo nghễ:
– Chó Tinh! Tao theo mày xuống đến tận âm cung!
Vút! Cả thân hình lão chúa Cờ Đen đã theo tiếng cười lao thốc xuống vực sâu, đầu chúc phóng hệt tay bơi lội “bông-dông”.
Võ Thiên Kiều thất kinh vươn tay níu áo tượng, nhưng chỉ kịp níu vào khoảng không, dòm xuống, hình giáp tượng đã lao vun vút thoắt đã chìm tun hút dưới muôn đợt đá ghềnh dựng đứng, đầy khí đá xương trắng… tít dưới đáy vực còn vẳng vọng lên mấy tiếng “âm cung” kéo dài.
– Thế là hết! Sài Kíu Tinh, Đông Quân… Lần thứ hai, lại có kẻ đuổi thù xuống tận âm ty!
Thái Dũng bất giác bâng khuâng lẩm bẩm, như vừa để rớt vật gì, nhưng Đại Sơn Vương đã vỗ mạnh vào vai, cười khó hiểu:
– Hết thế nào được! Cả hai còn phải sống để đánh nhau cho đến khi bức màn bí mật được vén lên! Tốt hơn hiền đệ mau đi lo việc riêng cho tròn, xác người thân bị ướp luyện đã lâu, chẳng nên để mãi trên đời!
Lời Đại Sơn Vương kéo Dũng về hiện cảnh. Chàng trai sực nhớ đến xác người thân được kễnh tha xuống núi, lật đật quay về phía Đại Sơn Vương, nhưng tướng lạc thảo Vân Nam đã lắc mình một cái, thân hình đã phóng vào bóng triền núi mất hút.
– Ân huynh!
– Phụ thân! Trời, sao lại thế?
– Kìa! Kiều em! Ta nên xuống dưới, ở đây làm chi nữa!
Thiên Kiều bàng hoàng rối ruột, mặc Dũng nắm tay dắt đi, vượt triền nhũ đá, kiếm lối trở xuống, lát sau mới ở đến triền độ cây số cao. Dòm lên, ngọn Tây Phàn vòi vọi, có trăng khuyết soi loang, cả hai còn đang chiếu tìm khu đáy vực, bỗng nghe có tiếng quát mắng vang dội từ đâu đưa tới. Vội lần theo qua mấy rặng ghềnh nhấp nhô, chợt nghe tiếng xé gió “bùng bùng” dữ dội rất gần. Hai người vọt lên một ghềnh cao, vụt phát giác một cảnh tượng lạ lùng.
Ngay giữa một lòng núi trũng khá rộng, có hai bóng người đang quần thảo loang loáng trên một tấm lưới lớn chăng giữa những mỏm đá rộng đến ba trăm thước vuông. Quyền cước, chưởng kiếm, loạn bậy, vừa đấu vừa la hét vang âm, ngổn ngang ngoài tấm lưới căng có đến bảy, tám cái xác nằm vắt trên mỏm đá cạnh những cái cồng sừng, súng, dao vương vãi, có cái nhe răng hộc máu, có cái chỉ còn thủ cấp nằm trợn mắt dưới trăng như nhát chúng nhân.
Dũng, Kiều nương bóng núi, lần lại gần, mới hay hai bóng quần nhau không ai khác hai lão soái Phản Tây Phàn, Phi Mã Ác Sơn.
Mãi lúc đó, Dũng, Kiều mới sực hiểu. Thì ra, khi bị vây trên ngọn núi, lão Tinh đã hú hỏi một bọn thủ hạ bên dưới, biết dưới vực lưới căng kín vẫn còn. Đại Sơn Vương biết rõ vì lẽ nào đó, muốn tha lão nên nhường miệng vực cho lão thoát. Đông Quân đoán biết, phóng theo, đánh nhau từ lúc rớt trên cao xuống đến lưới căng. Vừa đánh vừa xuất thủ giết hết bọn canh lưới, quyết bám sát địch thù!
Võ Thiên Kiều trông thấy, cả mừng, quay bảo Dũng:
– Lê chàng! Để em vào tiếp tay cha em nhé!
Dũng chưa kịp nói, nàng nữ tặc đã quát lảnh:
– Chó đú! Có ta đây, phen này đừng hòng trốn thoát!
Dáng liễu xòe áo rộng phất phới bay lên lưới căng, nàng nữ tặc tuốt soạt kiếm vừa định xông vào, thình lình nghe cọp rống rung động sơn lâm ập tới, ai nấy liếc ra đã thấy một con cọp xám cực lớn phóng lại sát lưới căng, đứng lù lù trên một ghềnh đá đối diện với Thiên Kiều, trên lưng mang một nữ lang xiêm y rực rỡ tựa tiên cô vẽ trong tranh Tàu, mặt che kín ở hai mắt long lanh, lưng dắt bảo kiếm, tay cầm cây tiên dài độ một thước bốn tấc.
Vừa nhác dạng nữ lang thanh tú, Thái Dũng nhận ngay được chính cô gái đã cứu mình trong phòng ướp vừa nãy, vùng reo lên:
– Kìa, ân nương!
Như không nghe lời Dũng, nữ lang thần bí vừa giục cọp tới đã trỏ ngọn roi vào Thiên Kiều, quát thánh thoát như tiếng chim oanh:
– Gái Cờ Đen! Giỏi lắm, hai cha con vây đánh một ông già! Để em vào tiếp tay. Ha ha… em tiếp tay…
Võ Thiên Kiều ngắm nữ lang mắng mỉa, không khỏi ngạc nhiên, vùng quắc mắt giận dữ hỏi lớn:
– À, kìa! Nàng là ai tới đây gây sự với ta? Phải con cháu lão Tinh?
– Giặc cái! Không được nói láo! Ta đây nữ chúa rừng xanh khắp biên thùy Tây Bắc, lại là người lão Tinh ư?
Bạch! Lời dứt, nữ lang vỗ đốp đầu cọp, cất mình vọt lên lưới căng, đứng sững trước Thiên Kiều, lạnh giọng:
– Lão sói! Cứ đánh với lão Cờ Đen, con này đã có ta nói chuyện!
Thiên Kiều cũng không chịu, chém véo lưỡi gươm, thét:
– Con điên rừng rú bịt mặt này! Bản soái cô há ngán mi sao? Ánh thép loang loáng vờn nhau, bùng nộ khí. Thái Dũng đứng ngoài vùng kêu:
– Ân nương! Kiều em! Dừng tay một chút!
Nào ngờ lời chàng như đổ dầu thêm, nữ lang quất vèo ngọn tiên, phát gió, vo vo kỳ dị. Thiên Kiều tung gươm đỡ liền.
Keng! Roi quật gươm, tưởng mẻ luôn miếng nhỏ, cả hai xoắn lấy nhau, xiêm y phất phới. Đông Quân vốn tay lão luyện, vừa nhác đường roi, vùng gọi con:
– Kiều coi chừng! Vỹ ngư Tiên đó!
Nàng nữ tặc hơi chột dạ, nhảy lùi. Lão Tinh cười the thé:
– Được lắm, được lắm! Tiên cô cỡi cọp đánh gái Cờ Đen bằng Vỹ ngư tiên!
Phải cô tiên tu chùa Linh Sơn?
Dũng đứng ngoài chỉ chực nhảy vào cứu, nghe hai lão nói, càng ngại cho Thiên Kiều vì chàng đã từng nghe miền Cao Bằng có một vị sư bà võ nghệ thượng thừa, từng truyền tuyệt nghệ cho cháu gái chúa Mèo Voòng Chí Sinh là Voòng Chí Lan, người yêu muôn thuở của Đại Sơn Vương, lại cho nàng nữ chúa Mèo cây roi quý gọi là Vỹ ngư tiên. Nguyên roi này luyện bằng thép cuộn như nòng đại bác, lại bằng bí thuật quất sắt, sắt bẹp, quất đá, đá tan. Trong roi lại rỗng, có đặt một chiếc đuôi cá đuối tẩm độc còn nguyên gai, lại thêm một chùm móc câu. Bình thường đánh, roi chỉ dài một thước bốn tấc, nhưng bất thần bấm chốt tay cầm, đuôi cá đuối vút ra, roi thành dài có hơn hai thước, kẻ địch giao đấu vẫn đinh ninh lượng roi một thước bốn tấc, chợt roi vươn, rất dễ ăn đòn móc. Gai cá đuối, móc câu đều độc, chỉ hơi sướt da, vô phương cứu chữa. Chẳng rõ cây tiên nữ lang là Vỹ ngư tiên đó hay cái khác phỏng theo.
Chỉ thấy nàng vũ lộng cây đón vù vù, Thiên Kiều múa gươm xé gió cạnh đấy, hai lão Đông Quân, Tinh quần thảo như điên. Thái Dũng nhăn nhó lượn theo vòng chiến, vò đầu bứt tai, bỗng nghe “bùng” tiếng, hai lão Đông Quân, Tinh cùng bắn ra ngoài lưới, có tiếng nữ lang thét:
– Giặc cái! Đỡ này!
Loáng đường roi, kiếm Thiên Kiều vừa chạm “keng”, chợt nghe vút cái, roi như vươn dài hẳn, thoáng có một vật đen khoang tua tủa chụp xuống nàng Cờ Đen như vòi tuộc.
Dũng cả kinh chưa kịp cử động, đã thấy Thiên Kiều bất thần xa vụt người xuống như ngã ngồi, nghe soạt một tiếng vai áo choàng đã bị móc rách một mảng bằng đồng xu. Nàng nữ tặc theo đà lăn vèo trên lưới phập phồng ra góc, nữ lang múa roi, phất phơ miếng lảnh bươm bướm móc đầu cười khanh khách:
– Gái rừng! Coi đây!
Véo! Thiên Kiều thả vụt tay gươm, cách hơn hai thước, nữ lang thu roi đỡ không kịp, vội lắc mình tránh, gươm xả chếch phạt bay mất mảng vạt áo nhỏ.
Thiên Kiều trả được đòn, quát:
– Nàng là ai? Sao chưa ló mặt?
Nữ lang giật phắt vải trùm. Dưới trăng hiện ra một khuôn mặt đẹp lạ thường, mắt phượng, mày ngài hơi xếch, phảng phất vẻ thần bí như kết tụ cả tinh hoa cỏ nội mây ngàn bí ẩn rừng thiêng.
Thái Dũng kêu sửng sốt:
– Trời! Nữ chúa Si Công Linh, Giáng Kiều!
– À ra ả! Tưởng ai!
Thì ra nữ lang bịt mặt chính là Giáng Kiều, nữ chúa tể rừng xanh, cô gái ngự trị trên các sắc dân Mán, Thổ Tây Bắc. Tại bản đồ thác ngầm Tây Côn Lĩnh, người đã cứu chàng năm ngoái khi bị đòn chó dại Độc Tinh Quân lạc động thác, và cũng chính nàng đã đưa chàng trai tới kỳ duyên gặp gỡ vị Thánh Y Lãn Ông tái thế miền Mai Hoa Thung truyền cho nghề thần y thánh dược!
Chạnh niềm nhớ lại họa xưa, Dũng lật đật chạy lại, vái chào.
– Công chúa… Ân nương! Thiên Kiều! Xin hãy dừng tay! Người quen cả.
Nào ngờ roi, kiếm múa tít, cả nhị Kiều đều cất tiếng cười khanh khách, lăn xả vào như hai con cọp cái.
– Kiều em! Ha ha! Ai quen?
– Công chúa… ân nương! Ha ha, Chúa ai nhỉ? Mà ai quen…
Giọng gái phẫn bốc theo ánh thép khiến chàng trai càng thất kinh bứt đầu nhăn nhó nghĩ thầm:
– Nguy to! Năm nào hai nàng đánh nhau dữ dội tại cánh rừng Si Công Linh, giờ gặp lại, còn can sao nổi! Quái sao tợn thế, chẳng kém lúc Hàn, Võ, Bạch quần nhau!
Nghĩ loanh quanh, chẳng biết can cách nào cho ổn, chàng họ Lê đành nhảy lại, nói lớn:
– Nhị Kiều hãy dừng tay, nghe mỗ… Nếu không, mỗ…
Mặc! Cả hai vẫn trổ thần oai túi bụi, bao nhiêu thế hiểm dốc ra. Dũng tặc lưỡi vừa gọi vừa thò tay giật luôn mép góc lưới, cuốn lại. Nhưng khi vừa túm được cả mấy gốc, bó gọn lại như kéo lưới, định cuốn luôn cả hai nàng thì nhị Kiều đã hét lớn, rủ nhau cất vọt mình lên như hai con cá nhảy tót ra ngoài ghềnh xa, cứ thế quần nhau tiếp.
Cặp Đông Quân, Tinh già cũng đã cuốn nhau dần xuống dưới, con cọp gầm gừ, Thái Dũng đành vất lưới, đi theo, cứ thế phút chốc trận đã chuyển hai phía rất xa.
Nhị Kiều càng đánh càng hăng, thoắt đã gần xuống chân núi Đông.
Thái Dũng lẽo đẽo chuyển theo, chợt nghe tiếng hổ gầm, dòm kỹ, mới hay có một bầy mấy kễnh đứng lù lù trên thạch bàn gần một con suối đổ róc rách, ngay bên có đặt mấy cái xác người họ Lê.
Ngay lúc đó, bỗng có nhiều tiếng súng nổ chát chúa từ rừng dưới vọng lên.
Rồi một đội binh kỵ khá đông mang cờ hiệu Tây Phàn rầm rập theo lối đá kéo tới, có tiếng Sài Kíu Tinh nói giọng xạ phang:
– À! Bọn bay về đó ư? Hay lắm! Bắt sống tất cả cho tao!
Nhị Kiều vẫn mê trận đánh nhau không rời, Thái Dũng thấy giặc thình lình đổ tới, vùng nhăn nhó gọi:
– Hai bà chúa rừng! Định để nó đến bắt hết sao? Không thấy giặc ư?
Lời vừa dứt, bỗng lại nghe tiếng tù và tít u tu vang động. Võ Thiên Kiều vội giật chiếc sừng trâu bên mình rúc một hồi, từ hai phía, hai cánh kỵ Cờ Đen giáp kẹp xông tới chận ngang bọn Si Pan, súng nổ chát chúa. Từ rừng dưới, Cẩm Lình nữ đầu lĩnh Cờ Đen cùng mấy nữ vệ quân xốc ngựa lên, rạp đầu líu lo:
– Soái cô mạnh giỏi! Bọn em đem quân gia đi đón soái gia cùng soái cô! Soái cô có cần bắt nàng này không? Đang cơn nóng giận, nàng nữ tặc Cờ Đen chém xả một đường gươm, thét lảnh:
– À, Cẩm Lình! Đến vừa đúng lúc. Hay lắm! Làm cỏ lũ giặc Tây Phàn cho ta!
Và nhớ đừng để lão Tinh cùng ả gái rừng này trốn thoát!
Nữ đầu lĩnh Cờ Đen dạ ran, lập tức ngoắt ngựa sang bên, nổi tù và tử chiến.
Từ mấy ngả sơn lâm, nữ binh đen giục cồng, quất ngựa, chia thành mấy mũi dùi đánh thốc vào bọn quân Tây Phàn vừa đổ tới. Súng nổ liên hồi, người nhào, ngựa đổ, cả cánh rừng dưới thoắt hóa chiến trường hầm sát khí, một đội nữ binh đen theo luồng đạn vãi, ngược lối đá, kéo lên chỗ bốn người đang giao đấu, thế tiến ào như vũ bão, định bắt sống lão Tinh và nàng công chúa Thủy Tiên Cung.
Lúc đó lão Tinh, Đông Quân quần nhau đã chuyển xa khu lưới căng, chợt thấy quân gia tới, lão Tinh đắc chí cười vang, thoắt Cờ Đen xuất hiện, Đông Quân thấy quân mình đổ lên, vùng hét lớn:
– Lui xuống hết, ngăn chặn lũ chó con đủ rồi, chó già này để mặc tao? Đứa nào trái lệnh mất đầu! Đội binh đen nghe lệnh, dáo dác thất kinh lật đật dạt cả về phía Võ Thiên Kiều. Lão động chủ Tây Phàn cười thé:
– Được lắm! Được lắm! Thế mới đáng mặt con rể Lưu Vĩnh Phúc. Đằng Bắc núi có chỗ hay lắm, đủ lương khô nước uống, mau đến đó! Đấu tay đôi khỏi lo lũ con nít phá thối!
Quyền cước vù vù, thép lia veo véo, hai cái bóng Đông Quân, Tinh vật vờ tựa bóng ma khuya vờn dưới ánh trăng sương vụt biến về triền Bắc mất. Đứng gần lưới căng, Thái Dũng thấy quân Tây Phàn, Phi Mã Ác Sơn bắn nhau gần chỗ đặt xác người thân, không khỏi lo ngại, sực thấy bọn Cẩm Lình kéo lên bắt Giáng Kiều, chàng trai vùng hô lớn:
– Lui mau! Lui mau! Nhị cô nương đang đua tài chưa phân cao thấp, khỏi cần các ả chen vào! Lui xuống đánh lũ chó sói mau.
Bọn Cẩm Lình nghe Dũng quát, lại thấy dạng cọp xám lù lù đứng ngoài, chẳng biết tính sao cùng dừng ngựa xa xa, hướng về phía Thiên Kiều.
Nàng nữ tặc hét lớn:
– Đánh nhau muốn chết, lại bảo đấu chơi! Lê lang! Chàng không thấy ả rừng làm nhục thiếp sao? Bay đâu!
– Khoan khoan!
Ngựa chồm súng múa, đạn vãi trốc đầu, thấy quân Cờ Đen kéo lên, nàng Công chúa Thủy Tiên Cung không chút nao núng, cất tiếng cười khanh khách:
– Công tử chàng! Cứ để chúng đến vây! Để chúng nếm mùi kỷ vật trấn sơn Si Công Linh!
Lời dứt, cả hai đã theo thế chiến, bắn xa. Vỹ ngư tiên quất véo vào Long Nữ, nàng nữ chúa rừng xanh vùng hú lên một tràng kỳ dị, nghe hệt giọng hú lần đầu tại vùng Tây Côn Lĩnh khi hai nàng ngộ chiến.
Lập tức có nhiều tiếng cọp gầm vang động sơn lâm, tiếp theo, từ phương Tây Bắc xế, bỗng nổi lên những tiếng ào ạt vo vo tựa tiếng gió lùa ống bương, hốc đá.
Cả Thái Dũng lẫn bọn nữ binh đen còn ngơ ngác dòm quanh, chưa rõ vật gì, vụt thấy mấy hàng cây nẻo đó, lá bay ngã rạp, lợn lòi, tê giác chồm lại như đợt sóng vờn, trên cao ngay trốc ngọn cây, vụt hiện ra một đám mây đen đen trắng trắng, sà xuống, ào ào như cơn lốc dữ phát ra trăm ngàn tiếng kỳ dị nghe muốn lạnh gáy.
Võ Thiên Kiều cùng đám thủ hạ dòm lên sực hiểu. Thì ra đám mây dị đó chính là bầy độc vật toàn ong độc, rết có cánh, dữ có tiếng miền thượng du, cắn cái chết tươi. “Đám mây tử thần” suýt giết hết bọn Cờ Đen hồi săn trên vùng Si Công Linh ngày nọ.
Chừng biết nguy cơ tánh mạng, ngựa nhất loạt hý lồng như điên, bọn nữ binh đen thất sắc kêu líu lo:
– Thú độc! Coi chừng! Soái cô…
Binh đen lúc đó còn cách hai nàng khoảng dăm bảy chục thước, bầy thú rừng phóng tới nhe nanh gầm gừ cản trước, vầng mây ong rết vo vo sà xuống trốc đầu người ngựa đen kịt, khiến cả lũ thất kinh, chỉ còn biết múa súng, giật lùi, hỗn loạn.
Nàng nào có võ cố phất tay gió xua đuổi, nhưng chưa dạt đám này, đám kia đã tới, ào ào phát rét.
– À, gái rừng ỷ thú sơn lâm! Tưởng ta đây lại sợ bầy muỗi nhặng đó ư?
– Gái Cờ Đen! Lần trước ta tha chết, lần này ả sẽ biết vật trấn sơn của Thủy Tiên Cung!
Hai nàng sắc giận bừng bừng, xoắn lấy nhau không rời. Thái Dũng thấy tình thế nguy hiểm vội kêu lớn:
– Nhị Kiều! Nhị Kiều! Vô thù vô oán, Lê này có lời cầu khẩn, nếu xuống tay, tính mạng còn gì!
Giáng Kiều cười khanh khách hú một tràng nữa, đám mây độc vật cào đậu khắp mặt mũi tay chân nữ binh áo đen, một đám sà xuống bay vo vo sau gáy Long Nữ, có một con táp cả vào tay kiếm. Long Nữ vừa đấu, vừa vận sức phẩy tay trái đuổi xua, nhưng bầy độc vật xem chừng đã được luyện kỹ, rất tinh quái, bay luồn rất giỏi, không sao đuổi kịp. May chưa có hiệu cắn, nên chúng chỉ bay đậu hờ.
Thái Dũng còn đang lo cuốn, ngay khi đó dưới chân núi, trận đang loạn diễn, thình lình từ phía Nam, cồng nổi vang âm, rồi dưới trăng, vọt ra một cánh quân gươm súng tua tủa, hiệu kỳ phấp phới cắm bên cổ ngựa, dưới cờ một bóng nữ tặc múa súng hét quân lao đi như gió, xông thẳng vào trận: Hàn Tố Liễu, Tuyệt Tình Nương Phi Mã Yên Sơn!
Rồi, lại có tiếng ốc vang, cồng nổi, đạn nổ đì đẹt, từ phía Bắc chếch lại vọt ra một cánh quân nữa, cờ hiệu Phi Mã Biệt Sơn, dưới cờ, Bạch Ma Nữ Tuyệt Dâm Nương múa tít nhuyễn đao, thúc quân đánh nhầu. Đạn bay vãi đậu, bỗng cả Hàn lẫn Bạch đều xé ngựa dẫn quân giáp vọt thẳng lên chỗ mấy người giao chiến, có đặt xác người thân Thái Dũng gần đấy.
Bất giác chàng trai vùng kêu lên, giọng bi thống lạ thường:
– Hai nàng mãi đánh nhau, Bạch, Hàn đổ tới, phen này xác chết cũng không yên!
Tiếng kêu than bi thống của Thái Dũng như gáo nước lã dội xuống đấu trường ngùn ngụt lửa hờn ghen. Cả hai nàng vùng đảo tay, thoái bộ vọt lên ghềnh đá, đưa mắt nhìn xuống.
Trận dưới rừng vẫn tiếp diễn đánh ác liệt, kỵ binh nữ Cờ Đen bị mấy mũi dùi địch xiên ngang đã bị đứt thành mấy khúc trước hỏa lực mạnh trội.
Hàn Tố Liễu, Bạch Ma Nữ dẫn binh thủ túc ào lên, gần tới, cả hai rõ ràng muốn nuốt đường tranh nhau tới chiếm đấu trường trước.
Tình thế hiểm nghèo, thạch bàn để xác người nhà Thái Dũng lại nằm đúng giữa đường tiến quân. Nàng công chúa Thủy Tiên Cung bất giác thở phào một hơi, rung giọng:
– Gái Cờ Đen! Không thể để bọn chúng lên đây! Nàng có thuận cùng ta hoãn đấu?
Nàng nữ tặc Phi Mã Ác Sơn liếc thấy quân gia sắp đuối thế, không khỏi lo ngại, thêm Thái Dũng cũng xác nhận thân nhân hiện lâm vòng lửa đạn, giận hờn vụt lắng, cô gái gật đầu lia lịa:
– Phải đó! Lẽ nào xuẩn đấu để cường địch hại người thân! Giờ hãy chặn chúng ngay cho kịp!
Giáng Kiều trỏ xuống rừng:
– Ta coi thế quân Cờ Đen đã nát, không có kỵ binh tiếp sức sẽ thua! Để ta giúp một tay!
Dứt lời nàng nữ chúa Tây Côn Lĩnh lập tức hú lên một tràng kỳ dị, tiếng hú vừa dứt, bao nhiêu ong rết độc vật liền rời khỏi bọn nữ binh Cờ Đen bay tủa xuống triền như những đám mây xám.
Còn bầy mãnh thú chừng có hiệu riêng, lập tức chồm tới phục trước nàng nữ chúa.
Thái Dũng thấy hai nàng ngừng đánh lộn, cả mừng nói lớn:
– Vạn cảm! Vạn cảm! Giờ xin nhị Kiều hãy vì Lê này hộ tống xác người thân ra khỏi vùng súng đạn!
Không chậm nửa khắc. Giáng Kiều, Thiên Kiều, Thái Dũng cùng bọn Cẩm Lình, mãnh thú lao thốc xuống chỗ đặt xác.
Lúc đó, Hàn, Bạch từ hai phía sấn lên, rót hỏa pháo sáng rực sườn núi, thấy bóng bọn Thái Dũng, cả hai mừng rỡ thúc quân tiến gấp, đinh ninh đắc thắng mười phần. Đường ghềnh khúc khuỷu quanh co, thoắt hai mũi dùi đã xiên tới, cách nhau độ năm mươi bộ chếch. Hàn Tố Liễu gọi lớn:
– Lê lang! Lê lang! Thiếp nghe xác phụ mẫu bị lão Tinh đào trộm về Tây Phàn, nên vội bỏ vòng vây, lên miền này tìm kiếm! Chàng mau đến, thiếp đưa chàng kiếm xác… Lê lang!
Bạch Ma Nữ trỏ roi, cười thé:
– Gái Tình! Dẫu xác ở đây, cô em tài sức gì đòi lại nổi? Chị đây mới đối chọi được với lão Tinh! Lê lang! Hãy đi cùng thiếp!
Dâm, Tình vừa phi vừa gọi, lại mắng nhau không ngớt, cùng nổ súng bắn nhầu. Trong lúc đó, các “đám mây đen” đang vo vo bay xuống, mấy đám xà tít dưới rừng, hai đám xé liệng trốc đầu quân Hàn, Bạch.
Thái Dũng hô lớn:
– Lui mau! Lui mau! Tử thần trốc đầu, chậm, toi mạng! Xác thân nhân mỗ đã lấy được rồi, cám ơn hai nàng!
Cả hai thúc quân tiến miết, Giáng Kiều đã đến thạch bàn, rút hiệu cho bầy kễnh thồ xác lên lưng, cõng chạy như gió.
Hàn, Bạch trông thấy, cả giận truyền quân ngoắt đuổi, nào ngờ ngựa vừa sải vó “mây đen” đã sà xuống, vo vo xè xè ong rết táp xuống liệng, bấu khắp người ngựa. Cả Hàn, Bạch đều bị bầy độc vật tấn công, nhác thấy rõ dưới trăng, thất kinh hét lớn:
– Coi chừng! Coi chừng! Nổi lửa mau!
Ngựa hoảng chồm, người hết vía, dừng cả lại, nhốn nháo ré lên, chưa kịp xua đuổi, đốt lửa, đã ngã nhào hàng loạt, có kẻ cả người ngựa bị nọc độc đau buốt quá ngã lộn từ triền cao xuống, chổng bốn vó coi tựa hình nhân mã giấy!
Hàn, Bạch vừa quát thủ hạ, vừa vận sức nổi gió xua đuổi, nhưng bầy độc vật này đã được luyện kỹ, khôn vô cùng, nhào trên xẹt dưới, táp vào bụng ngựa, luồn tận lưng áo… Hàn, Bạch vốn gái có bản lĩnh cũng phải nhảy xuống ngựa, vung tay dùng phản phong che đỡ chật vật, còn hơn đỡ ám khí. Còn lũ thủ hạ, có một số khá giỏi, kịp nổi lửa hồng đuốc đuổi, nhưng ong rết tinh quái đều bay tránh khỏi luồng lửa kia, chuồn ngang kích dọc nhanh như cắt.
Cả hai cánh quân không còn đầu óc tay chân nào bắn súng nữa, vốn toàn bọn trai ngang, gái ngược, giặc rừng, bị vật độc cắn đốt, kêu thét náo động triền núi, loáng đã toi hàng chục mạng.
Nàng nữ chúa Tây Côn Lĩnh cười khanh khách:
– Dâm, Tình gái thối bỗng nhiên đến gây sự, chuốc họa vào thân! Bọn ngươi chuyên giết người cướp của, tạo nhiều sát nghiệp, đêm nay táng mạng, chớ kêu oan!
Thái Dũng vốn người nhân hậu, thấy quân Hàn, Bạch chết vì nọc độc kêu ré thảm thê, động đức hiếu sinh vùng chạy lại gần Giáng Kiều, khẽ bảo:
– Bọn chúng chẳng qua ngu dốt, xin cô nương rộng lòng tha mạng. Thị oai đuổi chúng được rồi!
Giáng Kiều nhướng ày hỏi:
– Công tử không muốn trừ lũ giặc hung? Vâng! Nhưng còn hai con đầu đàn, bấy lâu gây nhiều tội ác, tiện đây không giết để chi?
Dũng lúng túng:
– Vâng vâng! Mỗ đây cũng bị hai ả làm khổ cũng nhiều, nghĩ đến còn giận lắm! Nhưng… dầu sao Hàn Tố Liễu cũng… có lòng… đi kiếm xác người thân họ Lê…
Giáng Kiều nhìn Dũng, dưới trăng, mặt Trại Phan An thoáng nét bất nhẫn.
Nàng nữ chúa Tây Côn Lĩnh lập tức hướng về phía “trận độc” rúc một tràng.
“Mây đen” rời nhân mã, đảo liệng trốc đầu.
Thấy trận ong rết độc đã giải, Thái Dũng vội hướng về phía quân Phi Mã Yên Sơn, Phi Mã Biệt Sơn hô lớn:
– Nguy hiểm đã qua, Hàn, Bạch mau đem quân về núi, ở đây thêm mang họa bất kỳ!
Dứt lời, chàng tuổi trẻ khoa tay trốc đầu, phóng mình theo nhị Kiều, đem xác thân nhân xuống chân núi.
Trên triền cao, Hàn, Bạch cùng ngoắt ngựa ngó theo bóng người trai họ Lê lao vút dưới trăng vời, tiếc ngẩn.
– Tức chết mất thôi! Ả rừng làm hại ta rồi! Biết bao giờ gặp lại Trại Phan An!
Cả hai cánh quân lao xuống núi, nơi trận chiến vẫn tiếp diễn hỗn loạn, quân Cờ Đen số ít đang lâm nguy vì hỏa lực địch thù tứ diện.
Nào ngờ, thình lình các đám mây đen sà xuống, bu quanh, táp quẩn, cả mấy đám quân hỗn loạn, ngựa hoảng hồn tứ tán, hú vang.
Bọn Giáng Kiều, Thiên Kiều, Thái Dũng hộ tống bầy thú cõng xác xuống đến cánh rừng bên trận, nàng Công chúa Thủy Tiên Cung khoa tít Vỹ ngư tiên hú từng tràng vang vọng. Lập tức bầy độc vật dàn mấy toán nhất tề tấn công bọn Tây Phàn, Mã Yên, Mã Biệt dồn về mấy phía. Nhờ đó, cánh Cờ Đen dần liên lạc được với nhau. Thấy thế trận đã đổi, Giáng Kiều quay bảo Thiên Kiều:
– Đường đã mở, mau vào dẫn quân ra khỏi trận ngay!
Võ Thiên Kiều chẳng nói chẳng rằng, vùng rúc mấy tiếng tù và gấp gấp. Từ sau lùm cây rậm, con ngựa vằn vọt lại, hý mình, nàng nữ tặc thót lên lưng ngựa, truyền bọn Cẩm Lình cùng sấn thốc vào vùng trận vỡ, hợp binh.
Bị độc vật tấn công, mấy cánh quân kia không còn ruột gan nào chiến đấu, chỉ còn nước lùi mau.
Tiếng súng thưa hẳn, Giáng Kiều nhìn theo bóng Thiên Kiều lao hút về nẻo trận loạn, chợt quay bảo Thái Dũng:
– Khuya lắm rồi! Giờ phải đưa xác ra khỏi vùng Phản Tây Phàn, hồn oan thác phải có nơi an nghỉ!
Dũng chưa đáp, cọp xám đã vọt kề, rất hồn nhiên nàng nữ chúa Thủy Tiên Cung đưa tay ngà nắm nhẹ tay áo Thái Dũng, kéo lên. Bâng khuâng, Trại Phan An vừa đặt mông lên lưng thú, con vật đã chồm đi. Một tràng hú vang động bầy mãnh thú đã rùng mình phò lũ cọp cõng xác, mở đường đi như gió cuốn, thoát lẩn vào bóng cây trăng ngàn…
Phía trận, Võ Thiên Kiều vừa liên lạc hợp binh xong, giữa lúc địch quân lui chạy tán loạn mấy ngả rừng, bỗng thấy bầy ong rết nhất loạt bỏ trận, bay vo vo trốc đầu quân Cờ Đen.
Nàng nữ tặc quay nhìn theo hướng ong rết bay về phía Tây Bắc xế xa xa còn vọng dư âm tiếng hú Si Công Linh.
Rất nhanh, nàng ngoắt súng ra hiệu, cả cánh Cờ Đen ào theo nữ soái như cơn lốc.
Nhưng… phóng đến mấy dặm, chỉ thấy trăng rừng chênh chếch, bóng cây nghiêng đổ, mấy dải Phản Tây Phàn trùng điệp nằm bặt dưới trăng khuya, suối khe róc rách, chim đêm xào xạc bốn bề hoang dã đìu hiu, chẳng thấy bóng chàng tuổi trẻ họ Lê đâu nữa.
Trên cỏ ẩm hơi sương, còn nát nhàu vết chân mãnh thú, không một dấu chân người!
– Lê chàng! Bỏ đi không một lời từ biệt… để thiếp một mình… cô quạnh rừng khuya… À! Gớm thật! Gái Si Công Linh tinh quái, nhân lúc ta vào trận, đã cuỗm chàng đi!
Nàng nữ tặc nghẹn lời lẩm bẩm, bỗng sục máu hờn ghen, hét quân gia đuổi miết. Nhưng bốn bề toàn là rừng thẳm khe sâu, không còn cả dấu thú, binh khí đen nản vó, bỗng dừng, rồi từng bước mỏi, rẽ vào núi khuất, trên lưng ngựa rũ bờm, nàng nữ tặc Cờ Đen, cháu ngoại Lưu Vĩnh Phúc cúi đầu nhìn bóng nhân mã đổ siêu siêu, như nỗi buồn ly cách không lời… về xa xôi…
Ngay từ lúc lên lưng cọp ngồi sau lưng Giáng Kiều, chàng trai họ Lê mấy lần ngoái lại phía trận loạn dõi bóng Cờ Đen nhưng rừng dương vụt che khuất. Cả mấy lần chàng lên tiếng hỏi Giáng Kiều như không nghe thấy cứ giục thú lướt đi, lát sau qua mấy dải núi chợt nhớ đến Huyết Phong Câu, chàng vội kêu giật giọng:
– Cô nương! Giờ ta đi đâu? Còn con ngựa…
Không ngoảnh lại, Giáng Kiều thỏ thẻ:
– Công tử yên tâm, thiếp biết nơi nó ẩn! Sắp tới rồi, gọi nó đến ngay.
Thái Dũng vội rúc tiếng hiệu riêng. Bầy thú vẫn đi, quả nhiên chỉ mấy phút sau đó thấy bóng con Huyết Phong Câu từ trong rừng sâu phi ra như gió, thoắt đã kế bên cọp xám hý vang.
Giáng Kiều ngoái bảo Dũng:
– Ngựa chàng quả giống linh mã, sức chạy không thua Xích Thố, Ô Truy ngày xưa! Thiếp cũng nghe Thánh Y Lãn Ông Mai Hoa Thung kể con ngựa này rất trung thành không chịu theo ai ngoài Hồng Diện Thần Quân, nay chịu hầu chàng cũng là lạ lắm!
Dũng nghe nàng nhắc, chạnh nhớ đến tôn sư. Từ ngày vĩnh biệt đem thân tàn trả nợ Thần Sầu. Chợt chàng thở dài buồn bã:
– Quả Huyết Phong Câu tính lạ. Nếu chẳng có lệnh Thần Quân tôn sư, chắc nó chết theo cố chủ rồi!
Dứt lời, chàng thấy ngồi mãi sau lưng nữ ân nhân mãi bất tiện, chàng bèn cất mình nhảy vọt lên lưng Huyết Phong Câu chạy xế bên.
Nào ngờ vừa đặt mông, thoảng gió phía sau, ngoảnh lại, Giáng Kiều đã ngồi chễm chệ, mặt tươi như hoa quỳnh nở đêm trăng:
– Thiếp vẫn ước được cỡi con linh mã này, giờ công tử cho nó chạy thi cùng cọp xám xem sao!
Dũng tần ngần:
– Nhưng… giờ ta đem xác về vùng này?
Giáng Kiều có dáng nghĩ ngợi, đành thỏ thẻ:
– Hiện nay kẻ thù mưu tác hại không để yên cả người đã khuất, có lẽ công tử nên để thiếp đưa xác về thẳng miền Thủy Tiên Cung là hơn! Vả lại, nay xác đã bị nó hô thần luyện xó, chẳng thể chôn không. Về đó, còn làm lễ giải tà, siêu độ, táng luôn miếng đất thiếp nhật dạ, có quân sơn cước canh gác cẩn mật, mới khỏi sợ là ác gian đào trộm.
Dũng thấy nàng chu đáo lo cho người thân mình, lòng cảm kích chẳng cùng, chợt nhớ đến Năm Lực, vội bảo:
– Cảm ơn cô nương giải cứu, nhưng mỗ đây còn người quản gia trung tín đợi tại trấn Cha Pa, xin cho gọi hắn cùng về lo liệu.
– Công tử cứ an tâm! Thiếp sẽ cho người đến dẫn về! Ta cứ đi cho sớm!
Huyết Phong Câu cuốn gió như giông, cọp xám lồng như gió. Cả hai con vật cùng chạy xuyên ruộng, sát nhau không con nào chịu kém, chỉ thấy bóng thú loang loáng ánh trăng vơi chiếu như tên, cả đến bầy kễnh cõng xác cũng không vừa, coi cảnh tượng nhiễm đầy vẻ sơn lâm huyền bí.
Rời xa vùng Phản Tây Phàn, Cha Pa rất xa mãi đến lúc trăng nhạt, khảm khắc rã rời sắp gặp nhau giữa thung lũng, Giáng Kiều mới truyền thủ hạ nước phóng, cứ theo lối tắt xuyên sơn đi lên mạn Bắc. Chếch hướng về miền Si Công Linh. Thú thuộc tính rừng lướt giữa vùng sơn dã như trên đất bằng. Thái Dũng chạy ngựa sau không khỏi thầm phục tài “cõng” xác của bầy hổ đi trước. Xác vắt trên lưng, mõm cắn hờ cổ chỗ cổ áo cứ chạy chừng xác hơi xộc xệch hổ lại vắt một chân hậu đỡ, lúc đó hổ chạy ba chân vẫn nhanh như gió êm say, tưởng chừng để bát nước đầy trên lưng cũng khó đổ. Mãi lúc đó chàng mới chịu nghệ thuật cõng mồi của giống Cọp. Xưa hồi nhỏ, nghe người kể chuyện hổ thọt ba chân, cõng cả một con bò mộng chạy như tên, chàng vẫn ngờ cho là chuyện tô điểm oai phong cho Chúa sơn lâm. Đến lúc rạng đông, đoàn người thú chợt bắt vào một con đường mòn vượt lên một bản Mán lưng chừng đồi vào nghỉ.
Cả bản náo động tuôn ra, cúi rạp đầu vái chào Giáng Kiều, cung kính như vái một nữ thần.
Lúc đó Giáng Kiều đã cỡi cọp xám. Thái Dũng ngồi Huyết Phong Câu sóng hàng đi trước. Bầy thú thồ xác đi sau, kéo vào, nàng gật đầu đáp lễ, nói một tràng tiếng bản địa, đoạn quay bảo Thái Dũng:
– Suốt Tây Bắc, các sắc dân Phàn Thổ đều thuộc Thủy Tiên Cung. Ta nghỉ một lát rồi lên đường!
Dân bản Phàn thỉnh nữ chúa cùng thượng khách lên nhà sàn viên trưởng ban.
Dâng thịt rừng, mật ong, các vị sơn hào, lại mổ heo cho thức ăn, xong Giáng Kiều lại truyền:
– Đây là xác quý nhân thồ về cung, hãy đem vải bọc kỹ, ta còn lên đường!
Thổ dân lấy thổ cẩm gói tròn xác thật kỹ, lại cột thêm vào hông cọp. Giáng Kiều ngỏ mấy lời, đoạn trao cho dân bản một nắm bạc “xòe” cùng Thái Dũng ra đi. Dân bản không kịp mở lời, đoàn người thú đã lao xuống đồi, như gió cuốn, đi về hướng Tây Côn Lĩnh.
Hai người mải miết bôn hành, không hề biết cả đoàn đã lọt vào những cặp mắt lạ ẩn trên đèo. Cho đến khi đoàn người thú đến vùng thâm sơn Si Công Linh, thì hoàng hôn bắt đầu đổ xuống núi rừng. Từng dãy trường thành đá biếc trùng trùng vắt chếch lâm tuyền ra tít miền biên giới Việt – Hoa, ngọn nào cũng ngửi trời mây, lấp lánh cánh chim chiều bạc xóa. Giáng Kiều dừng bên rặng núi thành, lấy ra một chiếc “khèn lau” thổi một tràng.
Từ rặng núi thành đầy thác, chợt nổi lên hàng loạt tiếng “khèn”, âm thanh nguyên thủy quyện lấy nhau chờn vờn u uẩn như từ cõi hồng hoang xa xôi nào “ám” về.
Nấp trên đồi, người lạ trùm mặt chiếu viễn kính theo dõi bọn Thái Dũng, bỗng lẩm bẩm:
– Lạ thật! Miền cùng cốc này không một mái sàn thổ dân, sao lại có nhiều tiếng “khèn” lan vọng tới?
Một gã tùy tùng kính cẩn:
– Bẩm Huyệt Chủ, cả vùng này thuộc giang sơn Mán Thổ, nghe đồn lãnh địa của một nàng Công chúa nào đó. Bà này ngự tại bản đó có tên Thủy Tiên Cung, ít người Kinh được biết!
Người lạ “à” một tiếng như sực nhớ ra:
– Thủy Tiên Cung! Ta có nghe giới đạo tặc buôn lậu nhắc tới vùng Si Công Linh này nhiều khu có cấm biển cấm săn bắn, cả quan cũng phải theo! Nếu vậy cô nàng cỡi thú kia là người quan trọng của Thủy Tiên Cung, biết đâu không là Nữ chúa? Nhưng…
Chợt người lạ ngừng bặt, ngơ ngác nhìn quanh, vụt bảo:
– Coi chừng! Hình như có loài độc vật. Xuống ngựa, ẩn náu!
Lời vừa buông, quả nhiên từ sau đồi tiếng vo vo ào ào nổi lên, ập tới như một cơn lốc, rồi giữa nắng vàng le lói, trên không hiện ra nhiều đám mây xám bay sà lại.
Tất cả vội nấp kín, ghé nhòm lên, thấy đám mây chính là những bầy ong rết ào tựa đàn châu chấu, nối tiếp bay vù sát ngọn cây, lấp lánh như ráng kim nhũ.
Thoáng bầy độc vật đã mất hút phía núi thành xế thung đồi.
– Chà! Sai khiến được loài ong rết, quả gái Si Công Linh sẵn thuật dị truyền!
Không hiểu sao Thái Dũng lại quen! Các người biết không? Loài ong rết đó cực độc, chỉ đốt một cái chết tươi, vô phương chạy chữa!
Cả bọn hú vía, chừng dòm xuống, chẳng thấy dạng đám người thú thồ xác đâu nữa. Đảo mắt tìm quanh, chỉ thấy rừng già, núi đá hoàng hôn eo óc tiếng gà hoang buồn tênh, bốn bề không một mái nhà sàn.
Người lạ vội cùng đám tùy tùng xuống hẳn chỗ bọn Thái Dũng vừa dừng.
Núi đá dựng đứng không quèn hẻm vết chân người, thú nhàu cỏ xanh, được ít quãng ngắn, mất hẳn. Ngay bờ suối gần đấy, một vùng chân núi, ào ào thác nước xô ghềnh. Đi dọc chân núi, vẫn không thấy chi khác. Người lạ chăm chú ngắm địa thế, chợt quay lại bảo thuộc hạ:
– Ta nghe các sắc dân Mán, Thổ, Nhắng Phuông thường ưa mật cư ở những vùng cô tịch xa hẳn dân Kinh, nên thường tìm đến những chỗ “đài sen” trú ngụ.
Coi địa thế này biết đâu bên kia núi chẳng phải “đài sen”? Nhặt cho ta mớ sỏi!
Thuộc hạ đưa một vốc đá vụn. Người lạ cầm từng viên, ném vào núi. Cứ thế ném dọc mãi đến một thác nước lớn, người lạ quăng liền mấy viên. Sỏi xuyên giòng đổ, tun hút, không vọng thanh.
– À! Đây rồi! Cửa thác ngầm dẫn vào “đài sen”, chưa chừng là bản đồ bí mật Thủy Tiên Cung mà thiên hạ từng nói đến.
Buông lời, người lạ giục ngựa đến chân thác liền. Gã cao tùy cận khẽ gọi giật:
– Huyệt Chủ! Người nên đề phòng vật trấn sơn! Nếu đúng cửa ngầm, tất có nguy hiểm đợi!
Người lạ gật đầu nghĩ ngợi, đoạn phất tay làm hiệu.
– Tất cả ẩn kín đợi ta đêm nay! Cần, cho kiếm nơi xa xa cắm trại! Một kẻ theo ta đủ rồi!
Hoàng hôn vừa đổ nhanh, nắng tắt sương dâng, nước đổ tung mưa bụi, người lạ cùng tên thủ hạ thân tín theo luồng đá liệng, quất ngựa lao thốc vào chân thác xóa như chiếc mành treo.
Rào! Nhân mã vút qua, thoắt nước đổ, rập dừng vó phóng, bên tai tiếng thác lùi mau, vụt như đến vùng mưa chợt tạnh.
Trông vào đã thấy một miền thung đồi kỳ ảo, đầy hoa thơm cỏ ngát, một thế giới như cách biệt hồng trần.
Vừa định thần nhìn kỹ, đã giật mình thấy rõ hai con cọp ngồi xệp xế cửa thác ngầm, gần đấy còn có mấy nàng sơn cước, dắt dao rừng lấp ló sau mấy khóm hoa mai từ sau mạch nước, còn mấy thước hang có nhiều thạch nhũ. Hai người lộn luôn ra, trao ngựa, rồi lại lao vào, chờ tối hẳn, mới vào động.