Nữ Thần Báo Tử (Tập 1: Đoạt Hồn)

Chương 13


Bạn đang đọc Nữ Thần Báo Tử (Tập 1: Đoạt Hồn) – Chương 13

CHƯƠNG 10
“ANH TOD ĐẤY LÀ AI HẢ ANH?” Tôi ngồi nhấm nháp nốt mấy ngụm soda cuối cùng, mắt không sao rời được khỏi anh Nash.
“Anh ấy đang làm ca hai ở bệnh viện” – anh Nash bật xi nhan xin rẽ trái.
“Làm gì cơ ạ?”
“Anh Tod là … bác sỹ thực tập nội trú.” Anh lại rẽ tiếp sang trái, và đập ngay vào mắt tôi là tấm biển Bệnh viện Arlington Memorial ở phía bên tay phải, với những ô cửa sổ bằng kính của khu ngoại khoa mới xây, đang sáng lấp lóa. Tôi thu dọn giấy ăn và giấy bọc bánh mỳ cho hết vào cái túi rác ở dưới chân. “Em không biết là bác sỹ thực tập nội trú cũng có lịch làm việc cụ thể cơ đấy.”
Anh Nash cho xe chạy vào trong bãi đỗ xe dưới tầng hầm, không ngừng nhìn vào hai bên gương để tìm chỗ đỗ. Nhưng cũng là để tránh không nhìn vào mắt tôi. “Thực ra anh ấy cũng không hẳn là bác sỹ.”
“Thế thì là cái gì?”
Có một chỗ trống ở cuối tầng đầu tiên và anh lập tức cho xe lùi vào đó, nắn nót và cẩn thận hơn rất nhiều so với khi lái xe của mẹ. Sau khi gạt cần số về chế độ Đỗ và tắt máy xong, anh Nash mới chịu quay sang nhìn tôi. “Kaylee, anh Tod cũng không phải là con người. Anh ấy cũng không hẳn là một người bạn, vì thế anh ấy có thể sẽ không tỏ ra hào hứng trả lời các câu hỏi của em đâu nhé.”
Tôi khoanh hai tay trước ngực, cố tỏ ra cho anh thấy là mình đang không vui. Nhưng chẳng hề dễ chút nào, bởi mỗi lần anh Nash nhìn tôi bằng ánh mắt ấy, như thể trên đời không còn điều gì quý giá hơn tôi, trái tim tôi lại đập mạnh và hơi thở trở nên gấp gáp hơn. “Không phải bạn bè cũng chẳng phải con người, làm việc tại bệnh viện nhưng lại không phải là bác sỹ thực tập. Vậy rút cuộc thì anh ý là cái gì?”
Anh Nash thở dài cái thượt và tôi hiểu rằng câu trả lời sắp tới đây không phải là điều tôi muốn nghe. “Anh ấy là một thần chết.”
“Anh ý là một gì cơ ạ?” – tôi không đang nghe nhầm đấy chứ??? – “Anh vừa nói anh Tod là Thần Chết á?”
Anh Nash khẽ lắc đầu và tôi thở phào nhẹ nhõm. Nữ thần báo tử hay Bean sidhe là một chuyện – bởi bọn tôi có thể giúp đỡ con người – nhưng tôi chưa sẵn sàng gặp mặt hiện thân của Thần Chết. Chứ đừng nói là đặt câu hỏi cho anh ta.
“Thần chết không phải chỉ có một.” – anh Nash vừa nói vừa quan sát tôi thật kỹ – “Anh Tod chỉ là một trong số hàng ngàn thần chết thôi. Đó chỉ là một nghề.”
“Một nghề? Anh bảo thần chết chỉ là một nghề á? Khoan đã…” – tôi hít một hơi thật sâu và nhắm chặt mắt lại rồi đếm đến mười. Khi thấy vẫn chưa đủ, tôi tiếp tục đếm đến ba mươi. Tôi mở mắt ra, đối mặt với anh Nash, hy vọng rằng anh không đọc thấy được cơn hoảng sợ từ những vòng xoáy trong mắt tôi – “Vậy là … khi anh nói anh không thể ngăn chặn được cái chết, ý anh muốn ám chỉ rằng anh không thể ngăn được anh Tod đúng không?”
“Không phải một người nào cụ thể, nhưng có thể hiểu đại khái là như vậy. Các thần chết cũng có việc phải làm, giống như bao người khác. Và nói tóm lại là họ không ưa gì các bean sidhe.”
“Em cũng có thể đoán được tại sao.”
Anh Nash mỉm cười đầy thông cảm và nắm lấy tay tôi. Không ngời trái tim tôi vẫn thổn thức trước sự đụng chạm dù là rất nhỏ ấy. Thôi xong. Tôi đã nhìn thấy trước tương lai mình sẽ khó mà nổi cáu hay giận dỗi với anh Nash được lâu. “Đa số các thần chết không ưa chúng ta bởi vì chúng ta có nguy cơ phá hỏng một ngày làm việc của họ. Kể cả khi chúng ta không hoàn trả lại linh hồn về với thể xác, thì thần chết vẫn không thể chạm vào được nếu chúng ta vẫn đang nắm giữ. Vì thế cứ mỗi giây em cất tiếng hát đồng nghĩa với một giây chậm trễ trong lịch trình của họ. Em cứ thử tưởng tượng với một khu vực đông đúc dân cư thì sự chậm trễ ấy sẽ kinh khủng đến thế nào. Và điều đó sẽ khiến họ nổi giận. Các thần chết xưa này luôn ghét bị người khác giật đồ của mình.”
Tuyệt. “Vậy là em không những không phải con người, mà còn là kẻ thù của Thần chết?” Ai chứ, mình á? Tôi đang tỉnh hay mơ vậy trời??? – “Còn điều gì em cần phải biết nữa không?”
“Thần chết không phải là kẻ thù của chúng ta, Kaylee ạ. Họ chỉ không thích sự có mặt của chúng ta thôi.”
Và tôi cũng có cảm giác tương tự.

Kế đó anh Nash mở cửa ra khỏi xe và tôi cũng nhanh chóng đi theo anh. Trong hầm để xe giờ chỉ có mình tôi và anh vì thế chúng tôi có thể thoải mái tiếp tục câu chuyện đang nói dở mà không sợ bị người khác nghe được.
“Thế cái anh Tod đấy trông như thế nào hả anh? Một bộ xương trắng tinh trong chiếc áo choàng đen gắn với mũ trùm đầu à? Tay có cầm lưỡi hái không ạ? Bởi vì nếu thế em e là bệnh viện sẽ náo loạn lớn mất.”
Anh nắm lấy tay tôi đi ra cửa, tiếng bước chân của chúng tôi vang vọng cả căn hầm. “Em có bám theo các đám tang trong chiếc váy dài bẩn thỉu, tóc tai xõa xượi lòa xòa trong gió không?”
Tôi cau mặt lại trêu anh. “Anh lại lén đi theo em đấy à?”
“Anh ấy trông cũng bình thường thôi – nhưng điều đó chẳng quan trọng. Em không thể nhìn thấy thần chết, trừ phi họ để cho em thấy.”
Một cơn gió cuối tháng Chín khẽ thổi qua cánh cổng gara, làm ấy tờ rơi kẹp trên kính chắn gió và vỏ hộp đồ ăn nhanh bay loạn xạ trên nền xi măng. “Thế anh Tod có chịu để cho chúng ta nhìn thấy không anh?”
“Cũng còn tùy vào tâm trạng bây giờ của anh ấy như thế nào” – anh Nash bước nhanh tới chỗ cánh cửa quay và chặn lại cho tôi qua trước. Chúng tôi bước vào một cái sảnh chờ khá nhỏ nhắn và yên tĩnh, không một bóng người, những cái ghế trông cực kỳ không thoải mái được xếp dọc hành lang. Toàn thân tôi ấm dần lên sau khi đã tránh xa khỏi cánh cửa ra vào kia.
Ngoài hai đứa bọn tôi, lúc này chỉ có duy nhất một nhân viên trực ở quầy lễ tân nhưng chị ta lại đang ngủ gật trên bàn, vì vậy anh Nash đã dắt tôi đi thẳng tới chỗ thang máy ở phía cuối hành lang.
Đi đến đâu tôi cũng ngửi thấy trong không khí nồng nặc mùi thuốc kháng sinh và chất khử mùi có mùi nhựa thông. Cũng may cái thang máy bên trái đang mở và không có ai.
Anh Nash ấn nút lên tầng 3. Ngay sau khi cánh cửa thang máy đóng lại cùng với tiếng “chào mừng quý khách”, cái mùi bệnh viện đặc trưng kia lập tức được thay thế bằng hỗn hợp của mùi bánh mỳ, thịt nguội, cà phê và thuốc tẩy.
“Anh Tod làm trên tầng 3 hả anh?” – tôi quay sang hỏi anh Nash. Thang máy bắt đầu đi lên.
“Anh ấy làm ở tất cả các khoa phòng trong bệnh viện, nhưng khoa Điều trị tích cực nằm trên tầng 3 và đó là nơi chúng ta dễ tìm được anh ấy nhất. Trong trường hợp anh ấy muốn bị tìm thấy.”
Phải mất vài giây tôi mới vỡ ra điều anh Nash vừa nói. Bọn tôi dễ tìm thấy anh Tod ở khoa Điều trị tích cực – nơi tập trung nhiều bệnh nhân nặng và dễ qua đời nhất.
Mồ hôi bắt đầu túa ra ướt đẫm hai lòng bàn tay tôi. Tim tôi đập mạnh đến nỗi tôi nghĩ anh Nash đứng bên cạnh cũng có thể nghe thấy. Cơ hội để tôi rời khỏi khoa Điều trị tích cực mà không phải cất tiếng hát ột linh hồn nào là bao nhiêu?
Gần như là bằng không, tôi dám cá như vậy. Hơn nữa, chúng tôi đã đang có mặt sẵn ở trong bệnh viện rồi, nếu lần này mà tôi lại lên cơn hoảng loạn nữa, chắc họ sẽ tống thẳng tôi lên cáng và chuyển vào khoa thần kinh mất.
Tôi thật không muốn quay lại đó một chút nào.
Tôi siết chặt lấy tay anh Nash và anh lấy ngón cái xoa nhẹ lên mấy ngón tay của tôi để trấn an. “Nếu em cảm thấy nó lại bắt đầu, hãy bóp chặt tay anh và anh sẽ đưa em ra khỏi đây.” – tôi lo lắng lắc đầu sợ hãi. Anh giơ bàn tay còn lại lên vuốt má tôi, âu yếm nhìn tôi và nói – “Anh hứa.”
Tôi thở dài. “OK.”
Anh Nash đã từng giúp tôi vượt qua hai cơn hoảng loạn và tôi tin là anh sẽ làm được điều đó lần nữa. Vả lại tôi cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Tôi không thể cứu nạn nhân tiếp theo khỏi bị chết yểu, nếu không tìm ra thần chết Tod và tôi không thể tìm ra anh ta nếu không đặt chân vào lãnh địa yêu thích của anh ta.
Thang máy đã dừng lại ở tầng 3 và cửa thang máy từ từ mở ra. Tôi liếc sang nhìn anh Nash rồi lấy hết can đảm, dựng thẳng lưng bước ra khỏi thang máy. “Hãy kết thúc cho xong chuyện này thôi anh.”

Phòng bệnh trên tầng ba rộng hơn rất nhiều so với tầng một, từ cái sảnh chờ cho tới hành lang sạch như lau như li. Có một nam, một nữ trong bộ đồng phục màu xanh đang ngồi đằng sau quầy. Chỉ có người đàn ông ngẩng mặt lên khi nghe thấy tiếng giày của tôi, còn người phụ nữ thì không.
Anh Nash hất đầu ra hiệu cho tôi đi về phía hành lang bên tay trái và hai đứa vừa đi vừa giả vờ tìm tên bệnh nhân trên tấm giấy cài ngoài cửa mỗi phòng. Bọn tôi giả vờ đóng giả làm hai đứa cháu ngoan đến nhìn mặt ông nội một lần cuối. Có điều hai đứa không “tìm thấy” ông đâu, mặc dù đã tìm hết mọi ngóc nghách trên cái tầng 3 này. Cũng may, Arlington là một thị trấn nhỏ nên chỉ có ba giường trong khoa Điều trị tích cực là có bệnh nhân. Và không một ai trong số đó đang trong tình trạng cần phải gặp gỡ với thần chết.
Anh Tod cũng không hề xuất hiện ở tầng 4, tầng 5 và tầng 6. Nơi duy nhất chúng tôi chưa tìm là khoa ngoại, khoa cấp cứu dưới tầng 1 và khoa sản ở tầng 2.
Tôi không hề muốn đi tìm thần chết – kể cả khi anh ta không cầm theo lưỡi hái – ở trong khoa sản một tẹo nào. Va bọn tôi chắc chắn sẽ bị chú ý nếu đặt chân sang bên khu ngoại khoa. Vì thế anh Nash quyết định kiểm tra khoa cấp cứu trước.
Trong lần nhập viện Arlington Memorial trước của tôi, hai bác nhà tôi đã gọi điện đến trước và họ lập tức chuyển thẳng tôi vào khoa tâm thần, chứ không phải ghé qua khoa cấp cứu. Vì thế tôi cũng không biết mặt mũi cái khoa đó như thế nào, cho tói khi anh Nash và tôi băng qua cái hành lang trước mặt, đẩy cửa đi vào khu vực chờ cấp cứu. Tôi đã có nhiều thời gian vật vờ trong khoa tâm thần và nó đã trở thành cơn ác mộng của cuộc đời tôi, với những ánh mắt đầy thương hại hoặc tỏ ý coi thường của bác sỹ và y tá, và bệnh nhân thì lúc nào cũng trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh do tác dụng của thuốc. Nhưng khoa cấp cứu này lại là một địa ngục trần gian khác.
Không tất bật và bận rộn như tôi vẫn thường thấy trong các bộ phim truyền hình về đề tài bác sỹ trên TV, phòng cấp cứu ngoài đời im ắng và ảm đạm hơn rất nhiều. Các bệnh nhân ngồi hàng dài trên ghế chờ đợi, mặt mày nhăn nhó vì đau đớn, sợ hãi hoặc sốt ruột.
Một bà cụ già ốm yếu trên chiếc xe lăn, chân đắp cái chăn cũ rích, mòn xơ cả chỉ. Các em bé bị sốt cao đang run rẩy trong lòng mẹ. Mấy người công nhân, trong bộ quần áo bảo hộ lao động, đang lấy gạc rịt vào vết thương để cầm máu, hoặc lấy đá chườm vào vết sưng tím bầm trên đầu. Ở phía cuối phòng, gần cái bàn tam giác, một cô bạn trạc tuổi tôi đang rên rỉ đưa tay lên ôm ngực, trong khi bà mẹ ngồi bên cạnh vẫn thản nhiên ngồi đọc báo.
Cứ vài phút lại thấy có vài nhân viên y tế đẩy cửa từ phòng nọ đi sang phòng kia, người mải đọc bệnh án, người lại bận rộn trao đổi với bác sỹ đi bên cạnh,… nói chung là họ tìm đủ mọi cách để tránh không phải nhìn về phía những người bệnh đang mòn mỏi chờ đợi kia. Chứng kiến cảnh ấy khiến tôi không khỏi phẫn nộ và khó chịu.
“Anh có thấy anh ấy không?” — tôi thì thào hỏi anh Nash, bỏ qua phụ nữ và trẻ con, chỉ chăm chăm quan sát các bệnh nhân nam.
“Không, mà chúng ta không thấy được đâu, nếu anh ấy không muốn.”
Tôi đút hai tay vào trong túi áo, cố gắng kiềm chế để không đưa tay nắm lấy tay anh. Nếu mới nhìn thấy bệnh nhân ở trong phòng cấp cứu thôi mà tôi đã sợ khiếp vía lên rồi, thử hỏi làm sao tôi hy vọng có thể đối mặt với thần chết? “Thế mình phải tìm anh ấy bằng cách nào bây giờ?”
“Đành phải đợi cho anh ấy tìm chứng ta thôi” – anh Nash thì thào trả lời – “Việc có hai bean sidhe đang lượn lờ ở nơi mình làm việc sớm muộn gì cùng thu hút được sự chú ý của anh ấy thôi.”
“Nhỡ anh ấy quyết định không lộ diện thì sao?”
“Nhìn đằng kia kìa” — anh Nash chỉ về phía tấm biển chỉ đường tới nhà ăn, cửa hàng bán đồ lưu niệm và phòng chụp X-quang – “Em có khát không?”
“Cũng không khát lắm” – lúc nãy ở trong xe tôi vừa uống hết một cốc soda cỡ lớn rồi, giờ chỗ tôi cần đi toa-lét chứ không phải quán nước.
“Thế thì đi ngồi cùng anh thôi vậy. Nếu chúng ta thể hiện rõ cho anh ấy thấy là mình sẵn sàng ngồi cả đêm để chờ, chắc chắn anh ấy sẽ xuất hiện để đuổi chúng ta đi.”
“Nhưng bọn mình làm sao có thể ngồi.. ”
“Suỵt” – anh vòng tay qua eo tôi và thì thầm vào tai tôi – “Đừng để lộ kế hoạch của bọn mình.”
Bọn tôi đi theo tấm biển chỉ dẫn phía cuối hành lang và đến nhà ăn. Bây giờ là 7 rưỡi tối và họ vẫn đang phục vụ bữa tối. Anh Nash mua một lát bánh sô-cô-la to và một bịch sữa giấy. Còn tôi chọn Coke. Sau đó chúng tôi ngồi xuống một cái bàn nhỏ ở góc phòng.

Anh Nash ngồi dựa lưng vào tường, ăn bánh ngon lành, như không có chuyện gì xảy ra. Như thể anh ấy đã quá quen với việc đi tìm thần chết hàng đêm rồi. Nhưng tôi thì không thể ngồi im, hết quay trái, quay phải, lại quay ra đằng sau để quan sát từng người có mặt trong phòng.
Anh Nash mới ăn được nửa cái bánh – tôi cũng ăn góp vui được độ một, hai miếng nhỏ – thì bỗng nhiên trên bàn xuất hiện một cái bóng. Tôi ngẩng đầu lên và nhìn thấy một anh chàng trẻ tuổi đang đứng cạnh cái ghế phía bên tay phải tôi. Anh ta mặc một cái quần bò bạc màu rộng thùng thình, áo phông ngắn tay màu trắng, ngoài ra không thấy có áo len hay áo khoác cầm tay gì hết, mặc dù bên ngoài trời đang lạnh như thế. Nét mặt anh ta trông không có vẻ gì là thân thiện cho lắm.
Anh Nash thậm chí còn chẳng buồn ngước lên nhìn.
Tôi liếc nhìn anh chàng tóc vàng có đôi mắt xanh biếc kia và thấy anh ta đang nhìn chằm chằm vào lọ muối và hạt tiêu trên bàn. Ngỡ rằng anh ta muốn mượn lọ muối, tôi định đưa cho anh ta thì đột nhiên anh ta kéo ghế ngồi phịch xuống, hai tay khoanh lại để trên mặt bàn.
“Hai người muốn gì?” – anh ta gầm gừ hỏi. Không thể tin nổi một gương mặt đẹp như thiên thần thế kia lại sở hữu một giọng trầm và đục đến vậy.
Anh Nash vẫn đủng đỉnh nhai cho nốt miếng bánh trong miệng, và đẩy cái đĩa sang một bên. “Câu trả lời.”
Tôi há hốc mồm nhìn anh chàng tóc vàng đang ngồi bên cạnh mình. “Anh chính là thần chết đấy à?”
Chàng thanh niên có tên là Tod kia nhíu mày quay nhìn tôi lần đầu tiên kể từ lúc xuất hiện. “Cô hy vọng một người trông già hơn? Cao hơn? Hay là hốc hác như một bộ xương?” – giọng anh ta cay nghiệt, đầy vẻ khinh bỉ. Sau đó anh ta lại quay sang khó chịu nhìn anh Nash – “Ông thấychưa? Đến khổ vì cái tên các cụ đặt cho ngày xưa. Chắc từ nay tôi phải tự đặt tên ình là “người vận chuyển” hoặc cái tên gì đó khác thôi.”
“Thế thì họ sẽ bắt anh mặc vest và thắt cà vạt cho coi” – tôi nói xen vào, tỏ ra khá thích thú với hình ảnh đó.
Một bên khóe miệng của anh Nash khẽ giật nhẹ.
“Cô bạn này là ai thế?” – anh Tod hất đầu chỉ về phía tôi, nhưng sự chú ý – và sự cáu kỉnh – vẫn chỉ tập trung vào anh Nash.
“Bọn này cần phải biết tỷ giá trao đổi trước đã” – anh Nash cắt ngang trước khi tôi kịp giới thiệu bản thân.
Anh Tod nhíu mày, mặt tối sầm lại. “Ông trông tôi có giống một cái quầy thông tin không?”
“Trông ông có vẻ… chán chường” – anh Nash nói, mặt đầy vẻ tinh quái, trái ngược hẳn với nét mặt quàu quạu của anh Tod – “Bệnh viện vẫn không đủ bận rộn cho ông à? Này, tôi nghe nói người ta đang tuyển người ở viện dưỡng lão Colonial Manor đấy. Ông vốn luôn thích ở đó mà, đúng không?”
“Viện dưỡng lão ý ạ?” — tôi hỏi, nhưng chẳng ai buồn để mắt tới tôi; cả hai còn đang bận gườm gườm nhìn nhau – “Tại sao viện dưỡng lão lại đi thuê người giết bệnh nhân của mình? Và kể cả bệnh viện nữa?”
Anh Nash tặc lưỡi không nói gì, đưa tay lên vuốt mái tóc rối bù của mình. Chỉ có anh Tod quay quay sang mỉm cười chặt môi nhìn tôi đầy tức tối. “Không có cách nào bắt cô ta im đi được à?”
“Anh ấy không làm việc cho bệnh viện” – anh Nash lờ đi như không nghe thấy yêu cầu vừa rồi của tên thần chết – “Anh ấy làm việc trong bệnh viện. Và với tốc độ này, chắc anh ấy sẽ còn bị mắc kẹt ở đây ít nhất một thế kỷ nữa. Phải không, Tod?”
Tên thần chết kia không nói gì, nhưng tôi có thể nghe thấy tiếng anh ta nghiến răng kèn kẹt.
“Anh Tod này, nếu anh cứ nóng giận như vậy, anh sẽ khó mà rời khỏi đây trong vòng một thế kỷ tới, kể cả nếu làm việc trọn ngày đi chăng nữa, chứ đừng nói là bán thời gian như bây giờ.” Khoan đã, có phải tôi đang chọc giận một thần chết không vậy? Đây chưa chắc đã là một ý hay đâu nha, Kaylee…
“Thần chết không bị già đi” – anh Tod cau có nạt lại tôi, mắt vẫn không rời khỏi anh Nash – “Đó là một trong những đặc quyền của bọn này. “
“Cũng giống bọn mình hả anh?” – mặt anh Nash nhăn lại và tôi hiểu rằng mình vừa lỡ mồm nói ra điều không nên nói. Tôi quay sang nhìn anh Tod và thấy khuôn mặt như thiên thần kia đang nhìn tôi ngỡ ngàng, khóe miệng hơi nhếch lên đầy tinh quái.
“Cậu tìm thấy cô ta ở đâu thế?”
“Chúng ta có già đi” – anh Nash kịp ngừng lại trước khi bật ra gọi tên tôi. Và tôi chợt hiểu rằng: Anh ấy không hề muốn anh Tod phát hiện ra thân phận thực sự của tôi.

Nhưng tôi chẳng ngại. Mặc dù cũng hơi nổi da gà khi nghĩ tới chuyện bị thần chết biết tên mình. Mặc dù tay thần chết này chỉ là một trong vô vàn các thần chết khác và có khuôn mặt đẹp như thiên thần.
“Chúng ta chỉ già đi rất chậm mà thôi” – anh Nash nói tiếp.
Mặt tôi đỏ bừng lên vì xấu hổ; tôi vừa vô tình tự biến mình thành một con ngốc trước mặt bọn họ. Ai đời đến cả tuổi thọ của giống loài mình mà còn không biết!
Phía dưới gầm bàn, anh Nash khều chân qua cọ cọ vào mắt cá chân tôi để trấn an và an ủi tôi. Tôi mỉm cười nhìn anh đầy biết ơn và quay sang vênh mặt nhìn anh Tod. Cách tốt nhất để cân bằng tỷ số với kẻ địch là liên tiếp tấn công vào điểm yếu của họ. “Tại sao anh lại bị mắc kẹt ở đây thế anh Tod?” Tôi hy vọng rằng mình đã đoán đúng vị trí cái điểm yếu ấy.
“Bởi vì anh ấy vẫn chỉ là một lính mới” – anh Nash cười khẩy – “Và cơ hội để thăng tiến là rất khó khi mà đồng nghiệp của em chẳng bao giờ chết.”
“Ô, thế ra anh là lính mới à?” – tôi hớn hở hỏi lại, quai hàm anh ta cứng lại vì tức – “Anh bao nhiêu tuổi rồi?” Tôi đoán chắc anh ta trông trẻ hơn nhiều so với tuổi thật của mình, bởi vì nãy anh ta chẳng vừa bảo thần chết không có tuổi còn gì.
“Anh ấy 17 tuổi” – anh Nash vẫn đang nhếch mép cười
“Tôi 17 tuổi khi bắt đầu công việc này nhá” – gã thần chết có khuôn mặt thiên thần cáu bẳn sửa lại – “Và đó là chuyện của 2 năm trước rồi.”
“Anh làm công việc này 2 năm rồi mà vẫn chỉ là lính mới à?”
Mặt anh ta nhăn lại như vừa nghe thấy một câu xúc phạm nặng nề, và tôi cũng chẳng biết nên cười hay nên xin lỗi nữa. “Ờ… người tuyển dụng của tụi này chỉ nhìn vào kết quả để đánh giá thôi. Và anh bạn trai của cô đã đúng về tốc độ quay vòng — nó không hề tồn tại. Các thần chết thuộc hàng tiền bối của khu vực này cũng phải 200 tuổi là ít. Nếu tụi này không để tuột mất một người vào năm ngoái thì giờ này tôi vẫn đang ung dung ngồi trong phòng TV của viện dưỡng lão Colonial Manor rồi, chỉ việc ngồi chờ mấy ông bà gỉà đấy gục mặt xuống bát cháo yến mạch là xong.”
“Khoannn… làm thế nào để thắng được thần chết?” – tôi tò mò hỏi – “Gặp tai nạn với cái lưỡi liềm chăng?” Nhưng chẳng ai hưởng ứng với câu đùa vừa rồi của tôi.
“Em càng biết ít về công việc của thần chết càng tốt” – anh Nash thì thào nói, và anh Tod gật đầu tán thành.
À, thì ra là vậy. Tôi giơ hai tay lên phân bua. “Xin lỗi, em hiểu sai ý anh. Vậy là… họ tự gục mặt xuống bát cháo yến mạch..?”
Anh Tod nhún vai. “Ờ. Nhưng thỉnh thoảng ở đây cũng có mấy ca bị súng bắn hoặc bệnh tái phát bất ngờ. Cuộc đời chứa đựng nhiều điều bất ngờ mà, đúng không?”
“Vâng” – tôi nghĩ từ nay sẽ chẳng còn có gì có thể khiến tôi ngạc nhiên được nữa, nhất là sau khi tôi phát hiện ra mình không phải con người.
“À, nhân thể nói về bất ngờ… – tôi xoay xoay cốc Coke trong tay, liếc mắt nhìn anh Nash hỏi ý kiến và thấy anh gật đầu ra hiệu cho tôi cứ tiếp tục nói. Anh ấy cũng nhận thấy rằng anh Tod rõ ràng đang tỏ ra hợp tác với tôi hơn hẳn với anh – “Bọn em đang rất cần sự giúp đỡ của anh để tránh một điều bất ngờ lớn có thể xảy ra.”
Anh Tod làm bộ nhìn vào cổ tay, mặc dù thừa biết rằng mình không hề đeo đồng hồ. “Hai người đã lãng phí cả giờ nghỉ của tôi rồi còn đâu. 10 phút nữa tôi có một ca phình mạch ở trên tầng 4. Không thể lên muộn được. Tôi rất ghét mấy trò nấn ná, chần chừ.”
“Không mất nhiều thời gian của anh đâu” – tôi có thể nhận thấy rõ sự ngần ngừ trong ánh mắt của anh ta. Được thể tôi làm tới luôn. – “Làm ơn đi mà.”
Gã thần chết điển trai kia thở dài, đưa tay lên gãi đầu. “Hai người có 5 phút.”
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Cho tới khi tôi ý thức được việc mình làm.
Có phải tôi vừa cầu xin với Thần chết?
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.