Đọc truyện Nữ Thần Báo Oán – Chương 1
Cô Marlhe đọc báo. –
Cô Jane Marple có thói quen đọc tờ báo thứ hai vào buổi chiều. Mỗi sáng, có hai tờ báo được đưa đến tận nhà. Cô vừa ăn điểm tâm vừa đọc lướt cả trang nhất, cùng một số bài khác rải rác trong tờ báo mà cô tạm mệnh danh là tờ Macédoine hàng ngày, ám chỉ một cách mỉa mai tờ Tin tức hàng ngày, gần đây do đổi chủ, chuyển sang đưa nhiều thông tin nhạt nhẽo về thời trang và những chuyện tâm tình vụn vặt của phụ nữ, khiến cô và nhiều bà bạn của cô rất bất bình. Thành ra, trừ trang nhất, nhiều tin đáng chú ý lại bị nhét xuống những chỗ rất khó tìm. Cô Marple, vốn thuộc lớp người của thế hệ cũ, vẫn muốn báo chí phải thật sự là những cơ quan thông tin đứng đắn.
Buổi chiều, sau khi đã ăn trưa và ngủ một giấc chừng hai mươi phút, cô mở tờ Thời Báo, tờ này dù sao cũng còn đứng đắn mặc dù đã bắt đầu chuyển biến theo thời đại. Một phóng sự về du lịch ở Capri kèm nhiều ảnh chiếm hết cả hai trang. Thể thao được thông tin nhiều hơn hẳn trước đây. Các tin tòa án, tai nạn được giữ như cũ. Các thông báo về sinh con, hôn nhân và cáo phó – mục này cô Marple rất quan tâm – nay được chuyển xuống trang cuối.
Trước hết cô Marple đọc những tin tức chính chạy dài trên trang nhất, nhưng không quá coi trọng, vì chúng gần giống những gì đã đọc ở tờ báo thứ nhất. Rồi cô lật sang trang cuối, liếc mắt qua mục sinh nở, hôn nhân và cáo phó.
Cô bỏ qua mục sinh nở. Ở tuổi cô, cô chẳng còn quen ai ở tuổi này. Cũng không quan tâm nhiều mục hôn nhân, phần lớn con trai, con gái các bà đều đã thành gia thất từ lâu. Ngược lại, mục cáo phó được cô chú ý hơn cả.
Alloway, Arden, Barton, Bedshaw, Carpentar, Clegg… Clegg? Cô có quen ai tên ấy không nhỉ? Không? McDonald, Nicholson, Ormerod, Quantril …. Trời! Đó là Elisabeth Quantril, tạ thế ở tuổi tám mươi lăm. Cô cứ tưởng bà ta chết từ lâu. Bà ấy vốn ốm yếu, không ai ngờ thọ đến thế. Race, Radley, Rafie …Rafiel? Tên này quen quen. Rafiel, cư trú tại Maidstone, Bedfond Park. Miễn hoa viếng …. Jason Rafiel, một cái tên ít có, cô có cảm giác đã nghe ở đâu, Ross, Ryland…Không, không quen ai là Ryland
Cô đặt tờ báo xưống, vừa lơ đãng nhìn sang mục ô chữ, vừa cố nghĩ xem tại sao cái tên Rafiel có vẻ quen quan.
– Rồi sẽ nghĩ ra. Nhất định sẽ nhớ ra – cô lẩn bẩm, vì đã kinh nghiệm về trí nhớ những người cao tuổi.
Cô quay đầu nhìn ra cửa sổ, mở ra ngoài vườn. Nhiều nam nay khu vườn này là niềm vui của cô, cô đã mất nhiều công chăm sóc. Song, ngày nay, do những ông bác sĩ cứ hay lắm chuyện, cô đã bị cấm không được làm vườn. Một lần cô đã thử phớt lờ lệnh cấm đó, song hiểu ngay rằng tốt nhất là nên tuân thủ lời khuyên của thầy thuốc.
Thôi không nhìn ngắm khu vườn nữa, cô thở dài, đưa tay với lấy cái túi đựng đồ đan, rút ra một chiếc áo trẻ con, mặt trước mặt sau đều đã xong, nay phải đan nốt hai tay. Len thuộc loại tốt. Màu hồng. Ồ, nó làm cô nhớ lại điều gì ? Phải rồi ! Cái tên cô vừa đọc trên báo ? Len hồng. Biển xanh : biển Caribê. Một bãi cát mịn. Mặt trời chói chang. Và ông Rafiel ! Cô nhớ lại chuyến du lịch đi đảo Saint Honoré. Chính đứa cháu trai Raymond của cô đã đặt và tặng cô chuyến du lịch này. Trước khi đi, cô còn nhớ con bé Joan – vợ của Raymond – dặn dò cẩn thận :
– Cô Jane ơi, cô không được dính dáng vào một vụ án nào nữa nhé.
Thực ra, nào cô có muốn cố tình dính vào vụ án nào, mà là như có sự run rủi, thế thôi. Đơn giản là tại cái ông thiếu tá già cứ nhất định kể cho cô nghe lắm thứ chuyện chán ngắt. Tội nghiệp, ông thiếu tá ! Tên là gì nhỉ ? Quên rồi. Nhưng còn ông Rafiel thì cô nhớ, ông Rafiel với cô thư ký tên là … là Walters – phải đúng rồi: Esther Walters, và anh hầu phòng nữa. Dần dà ký ức trở lại. Thế là ông Rafiel đã mất. Ông cũng đã nói với cô là ông không còn sống được bao lâu nữa – Vậy mà ông có vẻ trụ lại lâu hơn dự đoán của bác sĩ. Ông có một ý chí thép. Và một gia sản kếch sù.
Cô Marple tiếp tục đan như máy, nhưng đầu óc ở tận đâu đâu. Cô nghĩ đến ông Rafiel quá cố. Quả là một người không dể gì quên. Tính cách mạnh mẽ, cá tánh khó chịu, đôi khi thô lỗ ra mặt. Tuy nhiên, không ai để tâm, vì ông rất giàu. Tháp tùng ông bao giờ cũng có ba thư ký, ngoài ra còn một ông hầu, thực ra là chuyên gia xoa bóp có bằng cấp. Cô Marple nhớ anh hầu này là một nhân vật khá đáng nghi ngờ, bị ông Rafiel đối xử có khi rất gay gắt. Nhưng hắn chẳng tỏ vẻ quan tâm, cũng chỉ vì ông chủ là người giàu có. Một hôm, ông Rafiel nói:
– Không ai khác chịu trả cho hắn nửa số lương mà tôi vẫn trả, hắn thừa biết điều đó.
Cô Marple tự hỏi liệu Johnson – tên hắn như vậy, hay Jackson?- có ở lại phục vụ ông Rafiel đến ngày cuối cùng – có nghĩa là trong một năm và ba hoặc bốn tháng. Chưa chắc . Nhà tỷ phú Rafiel thích sự thay đổi. Ông chóng chán những kẻ thường quanh quẩn bên ông, chán những thói quen, bộ mặt và giọng nóicủa họ. Cô Marple hiểu khá rõ tâm lý này, vì chính nó từng cảm như thế với người giúp việc cũ của mình.
Trời! Mà cô cũng quên mất tên con bé ấy rồi. Bishop chăng? Không, không phải. Tại sao cô lại chợt nghĩ tên là Bishop? Ý nghĩ cô quay về với ông Rafiel và với … Không, không phải Johnson, mà là Jackson, Arthur Jackson.
– Trời, ta luôn luôn lẫn lộn các tên người. Tên con bé là Knight, đúng rồi, không phải Bishop. Tại sao mình lại tưởng thế nhỉ?
Cô tự giải đáp lý do: tại cái bàn cờ (1)
– Lần sau không khéo mình lại tưởng nó tên là Castle hoặc Rook! Mình không rõ Esther Walters, bà thư ký dễ thương của ông Rafiel, sau ra sao, bà có được thừa kế chút tài sản nào của chủ hay không?
Vì cô Marple nhớ, có lần ông Rafiel đã nói về khả năng ấy. Hoặc là chính Esther Walters nói ra. Khó mà nhớ lại mọi việc thật chính xác! Người phụ nữ trẻ này đã rất đau khổ về cái vụ ở Caribê ấy. Bà ta hoá ra góa bụa, và cô Marple thành tâm mong bà sẽ đi bước nữa với một chàng trai tử tế, đáng tin cậy. Tuy nhiên, điều đó hơi khó xảy ra, vì ba ta có cái rủi là luôn chọn phải người không thích hợp.
Miễn hoa viếng, ông Rafiel đã ghi chú vậy. Tất nhiên, cô Marple không nghĩ tới việc gửi hoa đến tang lễ. Ông ta có thể, nếu muốn, mua tất cả các vườn hoa trên khắp nước Anh. Vả lại, bà không phải là người quen thân với ông. Hai người chỉ là- nói thế nào nhỉ? – đồng minh với nhau. Phải, đồng minh trong một thời gian rất ngắn. Một thời gian cực kỳ lý thú. Và ông đã là một đồng minh quý giá. Cô đã nhận ngay ra điều ấy khi đến tìm ông trong cái đêm nhiệt đới đó. Tối ấy cô đã quân quanh cổ một chiếc khăn quàng bằng len màu hồng. Và ông cười khi trông thấy cô. Song đến cuối cuộc hội ý, ông không cười nữa, đã làm đúng như lời cô yêu cầu và …
Cô Marple lại thốt một tiếng thở dài nữa. Cô phải công nhận tất cả chuyện ấy rất lý thú, theo một ý công nhận tất cả chuyện ấy rất lý thú, theo một ý nghĩa nào đó. Nhưng cô không hề kể lại với cậu cháu, nhất là với vợ của nó là Joan, vì cô đã không làm đúng lời dặn dò của nó.
– Ông Rafie tội nghiệp! Mong là ông không phải chịu đau đớn nhiều – cô Marple gật gù, lẩm bẩm.
Hẳn là ông đã được nhiều thầy thuốc giỏi điều trị, họ làm giảm nỗi đau cho ông lúc lâm chung. Song trong mấy tuần lễ ấy ở Caribê, ông cực kỳ đau đớn. Một con người dũng cảm, và cô tiếc là người như thế mà phải chết. Tuy nhiên trong làm ăn, thì cô không rõ ông là người thế nào. Tàn nhẫn , không thương tiếc, chắc vậy. Hung hăng và áp đặt. Nhưng nếu là bạn của ai thì là một người bạn chắc chắn. Và cô tin là trong ông có một sự tốt bụng mà ông cố không để lộ ra. Và bây giờ, ông đã vĩnh viễn ra đi. Cô không biết đến cả là ông có vợ con gì chưa.
Cả buổi chiều hôm ấy, cô Marple cứ ngồi ngẫm nghĩ mãi về ông Rafie. Sau khi trở về Anh, cô không hy vọng gặp lại ông, và thực tế đã không gặp. Tuy nhiên, lạ thay, cô có cảm giác như vẫn có liên hệ với ông. Hình như giữa hai người có mối liên quan gì đó, nẩy sinh từ chỗ cả hai đã cùng nhau cứu sống một người.
Cô Marple bỗng thấy kinh hãi vì một ý nghĩ vừa thoáng qua đầu óc. Cô lẩm bẩm:
– Hay là, mình cũng tàn nhẫn? Phải chăng đó là mối dây liên hệ giữa hai người? Mình chưa bao giờ nghĩ điều đó, nhưng có lẽ mình có thể như thế lắm, trong những hoàn cảnh nào đó.
Cửa mở. Một cái đầu tóc xoăn màu nâu ló vào. Đó là Cherry, cô người ở thế chỗ cô Knight.
– Cô bảo gì ạ?
– Ta nói một mình. Ta tự hỏi có khi nào ta độc ác, tàn nhẫn hay không?
– Cô ấy ạ? Làm gì có. Cô là người tốt nhất đời.
– Ấy vậy mà ta nghĩ cũng có lúc ác độc đấy.
Cô gái cau mày, nghĩ một lát:
– Vâng, trông cô đang đan lát thế này, ai cũng nghĩ cô hiền như cừu. Nhưng khi cần, cô cũng dữ như sư tử, như cái hôm cô bắt gặp cậu Gaby Hopkins đang hành hạ con mèo.
Cũng chiều hôm ấy, trong lúc thong thả đi dạo trong vườn, cô Marple vẫn còn suy nghĩ. Nhìn thấy một cây hoa mõm sói, cô bỗng nhớ là đã nhiều lần nhắc George – anh làm vườn – rằng cô chỉ ưa trồng loại mõm sói màu diêm sinh, chứ không phải loại tím ngắt như thế này.
– Vàng diêm sinh, cô nói to.
Từ ngoài phố bên kia hàng rào, có người quay đầu lại:
– Xin lỗi, bà nói gì cơ ạ?
– À không, tôi nói một mình , cô Marple nhìn ra ngoài hàng rào đáp;
Cô biết hầu hết những người ở Sainte – Marie – Meal này, ít nhất là biết mặt. Nhưng bà khách này thì cô chưa hề gặp bao giờ, một phụ nữ thấp đậm, mặc vảy vải tuýt thô, áo thun màu lá mạ và quàng khăn len.
– Ở tuổi tôi, bây giờ hay lẩm cẩm thế – cô nói thêm:
– Cái vườn của bà đẹp quá – người khách lạ khen.
– Lúc này cũng không đẹp lắm đâu. A! Nếu tôi trực tiếp bắt tay vào thì sẽ khác.
– Tôi rất thông cảm. Tôi đoán bà phải thuê người làm, mà nhiều khi họ có hiểu quái gì về vườn tược.
Cô Marple hơi ngạc nhiên, hỏi:
– Bà mời về đây ở?
– Vâng, tôi ở nhà bà Hasting. Tôi đã nghe bà ấy nói về bà. Bà là người mà người ta gọi là cô Marple, phải không ạ?
– Phải.
– Còn tôi là Bartlett. Cô Bartlett. Tôi ở nhà bà Hasting và cũng chăm lo cái vườn cho bà ấy. nếu cô cần làm vài cây giống, tôi sẵn sàng giúp một , hai tiếng. và tôi tin tôi sẽ làm tốt hơn anh làm vườn của bà đấy.
Điều đó không khó. Tôi thích trồng hoa hơn, không nghĩ đến trồng rau – cô Marple nói:
– Vườn bà Hasting cũng có một ít hoa. Nhưng thôi, xin phép cô, tôi phải đi đây.
Mặt bà khách nhìn chằm chằm cô Marple như muốn ghi nhớ thật kỹ vào trí óc, bà ta ra hiệu chào thân mật rồi bước đi chậm rãi.
Bà Hasting? Cô Marple không thể nhớ bà là ai. Chắc là một trong số những người năm ngoái mới dọn đến ở mấy ngôi nhà mới phố Gibraltar. Cô liếc nhìn mấy cây mõm sói một cách buồn bã, thấy một số nhánh cỏ dại đang lan nhanh. Cô muốn chạy ra nhổ chúng đi, song lại thôi và đi trở vào nhà.
Tâm trí cô lại trở về ông Rafiel. Ông và cô đã từng cùng nhau… Tên cuốn sách người ta hay nói đến hồi cô còn trẻ là gì ấy nhỉ? Những con tầu lướt trong đêm .
…. Cũng trong đêm, cô đã đến yêu cầu ông giúp đỡ, nói rõ là thời gian rất gấp. Ông đã nhận lời và hành động ngay.
Ông Rafiel tội nghiệp! Người ta đã quen với cái thói cộc cằn của ông, nên ông không cần tỏ ra hiền hậu chăng? Cô Marple gật gù. Ôi dào! Có lẻ nên thôi không nghĩ đến nữa.
Cô chỉ xem lại trên tờ Thời báo có đăng thêm chút tiểu sử nào của người chết không, nhưng hình như không có. Ông không phải là nhân vật được nhiều người biết tiếng. Không nổi danh, chỉ giàu có. Ông không thuộc hạng công nghiệp lớn, không là nhà tài chính thiên tài, cũng không là chủ ngân hàng xuất sắc. Cả đời, ông chỉ lo tích cóp tiền bạc thành một gia sản lớn
Chủ thích.
1- Bishop, Knight, Castle, Rook đều là tên những quân cờ trong môn cờ vua.