Bạn đang đọc Nữ sinh – Chương 3
Chương 3
Mặc dù Xuyến đã “ra lệnh” cho anh như vậy nhưng anh cũng chỉ đến quán vài ba ngày rồi lại bỗng nhiên biến mất. Xuyến tức điên lên:
– Anh chàng này vô kỷ luật quá! Vắng mặt không có phép tắc gì hết!
Thục tỏ vẻ lo lắng:
– Biết đâu anh ta gặp chuyện gì!
Xuyến “hừ” một tiếng:
– Chuyện gì thì chuyện chứ! Ta đã dặn rồi. Muốn đi đâu phải xin phép, không có tự ý như vậy được!Thục nhăn mặt:
– Mày làm như anh ta là học trò của mày không bằng!
Cúc Hương lên tiếng:
– Con Thục nói vậy không được. Hôm trước anh ta đã đồng ý như vậy rồi. Bây giờ anh ta phạm “nội qui”, phải phạt!
Xuyến reo lên:
– Đúng rồi, phải phạt! – Rồi Xuyến ngó Cúc Hương – Nhưng phạt gì bây giờ?
Cúc Hương cắn môi:
– Để tao nghĩ coi!
Cúc Hương nghĩ lâu thật lâu. Nhưng nó vẫn chưa tìm ra hình phạt thích hợp đối với anh chàng “vô kỷ luật” này.
Xuyến giục:
– Nghĩ ra chưa?
– Chưa.- Sao lâu quá vậy?
– Khó quá! Chờ tao chút xíu nữa đi!
Thêm chút xíu nữa, Cúc Hương vẫn tắc tị. Thấy vậy, Xuyến nói:
– Thôi đi ăn chè đi! Vừa ăn chè vừa nghĩ.
Cả bọn kéo qua quán cây Sứ.
Nhưng mỗi người ăn hết hai ly chè mà hình phạt dành cho anh vẫn chưa nghĩ ra.
Thục chép miệng:
– Hay là… tha cho anh ta đi!
Xuyến quắc mắt:- Tha sao được mà tha! Mày thì lúc nào cũng bênh anh chàng chằm chặp!
Thục phản ứng:
– Bênh đâu mà bênh! Tại tụi mày nghĩ hoài không ra thì tao nói vậy thôi.
Xuyến khoát tay:
– Không tha gì hết! Trước khi vô lớp phải nghĩ cho ra! – Đang nói, đột ngột Xuyến cười toe, mặt nó tươi hơn hớn – A, có cách rồi!
Thục tò mò:
– Cách gì?
Xuyến làm bộ quan trọng:
– Bây giờ tụi mình vào lớp.
Thục ngơ ngác:
– Thì ăn chè xong phải vào lớp chứ sao!
– Thì vậy.
– Vậy thì nói làm gì!
– Nhưng tụi mình khỏi trả tiền chè.
– Mình không trả thì ai trả?
– Anh chàng Gia.
– Anh ta ở đâu đây mà trả?
Xuyến nhún vai:
– Lo gì! Khi nào anh ta tới anh ta trả. Đó là hình phạt thích hợp nhất.
Cúc Hương phân vân:
– Chắc gì bà chủ quán chịu?
– Chịu chứ sao không! Để tao nói!
Nói xong, Xuyến bước lại chỗ quầy thu tiền, thì thầm gì đó với bà chủ quán. Thục thấy bà ta gật đầu lia lịa, miệng cười cười. Một lát, Xuyến đi ra, mặt mày tươi tỉnh, tuyên bố:
– Xong rồi!
Hôm nay, anh lại xuất hiện ở quán cây Sứ, cũng đột ngột như khi anh biến mất. Nhưng lần này, anh đến hơi trễ so với thường lệ. Lúc đó, khoảng mười giờ, các lớp đang vào học, cổng trường đóng im ỉm. Trong quán lác đác các học sinh nghỉ hai tiết sau. Khi anh ngồi vào ghế, mặt trời đã lên khá cao, không khí bắt đầu nóng bức và trước hiên cây sứ đang thu bóng lại. Theo thói quen, anh kêu một ly cà phê mặc dù sáng nay anh đã uống cà phê với mấy người bạn quen trước đây cùng học chung một lớp. Bà chủ quán đích thân mang cà phê ra cho anh. Đặt ly cà phê xuống bàn, bà chìa ra trước mặt anh một mảnh giấy nhỏ. Anh cầm lấy và đọc thấy trong đó dãy số tiền, bên cạnh là một hàng chữ trong ngoặc đơn chừng để chú thích. Hàng chữ ghi: “Tiền sáu ly chè”. Anh lật tới lật lui tấm giấy rồi đưa mắt nhìn bà chủ quán:
– Giấy gì đây bác?
– Tiền chè của mấy cô đó! – Bà chủ quán giải thích.
– Mấy cô nào?
– Ba cô hay ngồi chung với cậu đó. Họ nói họ là bạn của cậu.
Anh đoán ra ngay Xuyến, Thục và Cúc Hương. Nhưng anh cũng chưa hiểu họ định giở trò gì với anh. Anh lại hỏi:
– Nhưng bác đưa tấm giấy này cho tôi làm gì?
– Đây là tiền sáu ly chè mấy cô ăn hôm qua. Họ bảo để anh tới trả tiền.
Tình huống bất ngờ khiến anh dở cười dở khóc. Anh móc túi trả tiền, bụng không biết cái “vinh dự” này còn đeo đuổi anh đến bao giờ.
Buổi trưa, trường tan học. Trong đám học sinh đang chen chúc nhau ra cổng, anh nhìn thấy ba cô gái. Bọn họ đang cười nói ríu rít, hình như không ai thấy anh. Khi đi ngang qua quán, bất giác Thục quay đầu nhìn vào. Phát hiện ra anh, nó vội vã quay đi và lấy tay khều Xuyến và Cúc Hương. Trong thoáng mắt, cả ba ập vào quán. Như thường lệ, Xuyến đi đầu, hùng hùng hổ hổ. Lần này chưa kịp ngồi xuống ghế, Xuyến đã bô bô:- Chào ông anh! Mạnh khoẻ chứ?
Anh mỉm cười:
– Cũng bình thường.
Xuyến hừ mũi:
– Vậy hả? Vậy mà tụi này tưởng ông anh chẳng bình thường chút nào!
Giọng lưỡi khiêu khích của Xuyến khiến anh ngạc nhiên. Nhưng anh chưa kịp nghĩ ngợi, nó đã “đốp” luôn:
– Ông anh biết khuyết điểm của mình rồi chứ?
Anh ngẩn người ra:
– Khuyết điểm gì?
Xuyến không trả lời. Nó quay qua Cúc Hương, chép miệng:
– Hóa ra ông anh của mình quên sạch mọi thứ rồi!Cúc Hương nhún vai:
– Một trí nhớ khủng khiếp!
Xuyến bồi thêm:
– Một tinh thần vô kỷ luật…
-… Trong một bộ quần áo láng coóng! – Cúc Hương tiếp.
Xuyến và Cúc Hương cứ kẻ tung người hứng khiến anh chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Trong ba cô gái, anh thấy Thục có vẻ dịu dàng, khác hẳn Xuyến và Cúc Hương. Thục không bao giờ nghịch phá anh, nó chỉ im lặng theo dõi trò đùa của hai bạn. Vì vậy, anh nhìn Thục, hỏi:
– Chuyện gì vậy, Thục?
Thục cười:
– Chuyện anh không tới quán đó. Anh không tới quán mà không xin phép.
Anh vẫn không hiểu:
– Xin phép ai?
Xuyến hắng giọng:
– Xin phép tụi này chứ xin phép ai! Hôm trước tôi nói chuyện đó, anh đã gật đầu đồng ý rồi. Bây giờ anh lại giả bộ quên.
Bây giờ anh mới chợt nhớ ra và anh cảm thấy mình đang rơi vào một tình thế khó khăn, hệt như con chim mắc bẫy. Tuy vậy anh vẫn gật gù thừa nhận:
– Đúng rồi! Tôi nhớ rồi!
Cúc Hương ngó anh chăm chăm:
– Chứ không phải anh cố tình quên hả?
– Đâu có! Tôi quên thật.
Xuyến khoát tay:
– Nếu quên thật thì thôi! Nhưng như vậy là anh thừa nhận mình có khuyết điểm rồi chứ?
Anh tặc lưỡi:
– Ừ, thừa nhận.
Xuyến “cật vấn” tiếp:
– Có khuyết điểm thì phải làm sao?
– Phải sửa chữa! Anh đáp như cái máy.
Xuyến gục gặc đầu:
– Đúng rồi! Phải sửa chữa! – Nó ngừng một chút rồi nói tiếp, giọng chậm rãi – Nhưng trước khi sửa chữa thì phải kỷ luật.
Anh giật thót:
– Kỷ luật?
Xuyến nhướng mắt:
– Chứ gì nữa! Có khuyết điểm thì phải kỷ luật. Ai mà chẳng vậy. Anh đồng ý không?
– Nhưng kỷ luật gì mới được chứ?
Cúc Hương lên tiếng, giọng bí mật:
– Gặp bà chủ quán anh sẽ biết.
Nghe vậy, anh thở phào:
– Nếu vậy thì tôi biết rồi!
Vừa nói anh vừa cầm tờ giấy ghi tiền chè trên bàn và đưa cho Cúc Hương. Xuyến và Thục cùng chụm đầu vào xem. Đọc xong nội dung ghi trong tấm giấy, Thục cười khúc khích. Còn Cúc Hương thì xuýt xoa:
– Tờ “quyết định kỷ luật” này cần được lưu giữ cho đời sau học tập!
Xuyến thực tế hơn. Nó nhìn anh bằng ánh mắt ranh mãnh:
– Nhưng mà anh đã thi hành kỷ luật chưa?
Anh cười:
– Rồi! Ngay từ khi nhận được “quyết định”!
Nói xong, anh giật mình nhận ra anh đã nhiễm phải lối ăn nói tếu tếu của Cúc Hương.
Xuyến khen anh:
– Nhanh nhẹn như vậy là tốt! Nhưng đó mới chỉ là phần một. Còn phần hai…
Câu nói lấp lửng của Xuyến làm anh toát mồ hôi. Tưởng đâu thoát nạn, ai dè mới hết tập một. Không biết cái trò kỷ luật trời ơi này còn kéo dài bao nhiêu tập nữa. Thật ra, ngay cả Thục và Cúc Hương cũng ngơ ngác không biết Xuyến định dẫn dắt trò chơi này đến đâu. Cái vụ tập một, tập hai này là do Xuyến bịa ra chứ không có trong kế hoạch chung của cả bọn.
– Gì nữa đây? Anh nhăn nhó hỏi.
Xuyến tỉnh bơ:
– Sắp tới tụi này than gia biểu diễn văn nghệ trong trường.
– Chuyện đó liên quan gì đến tôi?
– Có chứ sao không! Tụi này biễu diễn tiết mục múa “Bài ca trên sóng”.
– Thì sao? – Anh vẫn chưa hiểu Xuyến định giở trò gì. Nhưng Xuyến vẫn không trả lời thẳng câu hỏi của anh. Nó cứ nói vòng vo:
– Trong tiết mục đó, con Cúc Hương và con Thục đóng vai người cá, còn tôi là anh chàng lính thủy.
Anh sốt ruột:
– Chắc Xuyến định nhờ tôi đóng vai lính thủy thế cho Xuyến phải không?
– Xuyến lườm anh:
– Tướng anh là tướng học trò, đóng vai lính thủy sao nổi.
– Vậy thì chuyện lính thủy dính dáng gì ở đây?
– Dính dáng chứ sao không! Bởi vì tôi đóng vai lính thủy nhưng không thể nào tìm ra một bộ đồ lính thủy.
Anh nhìn nó:
– Xuyến định nhờ tôi kiếm giùm chứ gì?
Xuyến gật đầu, miệng nó cười toe.- Vậy thì nói ngay từ đầu cho rồi. Xuyến cứ nói vòng vòng, nghe phát mệt!
Cúc Hương nói:
– Anh thông cảm cho nó đi! Tật của nó trước nay là vậy. Tụi này can hoài mà nó hổng chịu bỏ, cứ giữ làm của.Xuyến cười hì hì:
– Ngu sao bỏ!
Rồi nó quay sang anh:
– Như vậy là anh chịu rồi hén?
Anh ấp úng:
– Tôi không thể hứa chắc. Nhưng tôi sẽ cố gắng.
Nghe anh trả lời vậy, Xuyến nghinh mặt:
– Tôi không cần anh cố gắng. Tôi chỉ cần anh hứa chắc thôi.
Thục liếc Xuyến:
– Ai lại nói như mày!
Xuyến nhướng mắt:
– Kệ tao!
Anh vuốt tóc:
– Chuyện đó khó đấy!
Tự nhiên Cúc Hương thấy tội nghiệp anh. Nó nói:
– Đúng là khó thật! Trong chuyện này con Xuyến hơi xử ép.
Xuyến nguýt Cúc Hương:
– Ồ, mày hùa theo con Thục hén! Nếu ngon, sao mày không nhờ Hùng quăn kiếm giùm đi!
Cúc Hương nhăn mặt:
– Dẹp chuyện Hùng quăn đi! Mày lãng xẹt!
Anh can:
– Thôi các cô đừng cãi nhau nữa! Để tôi nghĩ coi!
– Ừ, anh nghĩ đi! – Xuyến nói, vẻ khoái chí.
Trầm ngâm một hồi, anh nói, giọng không được tự tin cho lắm:
– Chỉ có cách đến Bộ Tư lệnh Hải quân hỏi mượn.
Xuyến reo lên:
– Vậy anh đến đó đi!
Anh tặc lưỡi:
– Dễ gì mà đến đó! Phải có giấy giới thiệu!
– Thì anh làm giấy giới thiệu.
– Giấy giới thiệu ở đâu mà làm.
Xuyến lo lắng:
– Phải tìm ra cách gì chứ? Chẳng lẽ anh chịu thua?
Anh cúi đầu suy nghĩ:
– Để tôi tính cách khác! – Chợt anh ngẩng lên, mắt long lanh – Ồ, được rồi! Tôi sẽ đến đoàn ca nhạc Hương Miền Nam.
– Đoàn Hương Miền Nam? – Xuyến trố mắt.
– Ừ. Cách đây mấy năm, đoàn này có một tiết mục múa về biển. Tôi nhớ họ có mặc đồ lính thủy.
– Anh quen họ hả? – Cúc Hương hỏi.
Anh lắc đầu:
– Không quen. Nhưng tôi cứ đến hỏi đại. Biết đâu họ ượn.
Xuyến gật đầu:
– Ừ, sáng kiến hay đấy! Chiều nay anh đến đó đi!
– Tối nay mới gặp họ được. Chiều tôi còn phải đi tìm tờ báo đọc xem tối nay họ diễn ở rạp nào. Có vậy mới biết đường mà tìm.
– Vậy chừng nào anh đem đồ lính thủy đến cho tụi này?
Anh nhíu mày:
– Gấp không?
– Rất gấp.
– Khoảng ba ngày nữa được không?
– Ba ngày thì được! Nhưng anh nhớ đúng hẹn nghen!
– Ừ, đúng hẹn!
Tuy nói như vậy, thật bụng anh không tin vào kết quả công việc bao nhiêu.