Nụ Hôn Bánh Mì

Chương 2: Có thích ăn Baguette không?


Bạn đang đọc Nụ Hôn Bánh Mì – Chương 2: Có thích ăn Baguette không?

Cái bụng trống rỗng kêu ọc ạch. Bữa sáng thì đã bị cướp mất. Tôi đành lôi lại gói bánh mì sandwich trong tủ bếp ra, lấy hai lát mới. Bánh vẫn còn tươi, mềm và thơm. Tôi cứ thế ăn luôn, vì đợi mà nướng xong nữa thì chắc lên cơn đau dạ dày mất. Vừa ngoạm một miếng, tôi vừa rủa thầm cho tên trộm đồ ăn sáng sẽ bị hóc một mẩu bánh mì, hoặc chí ít thì cũng sẽ bị sặc cà phê đến đỏ mặt tía tai thì thôi. Đợi xong việc sáng nay, tôi sẽ sang gõ cửa tận nhà hắn, để xem cái sinh vật kì dị ấy là ai và vì sao hắn lại có cái hành động điên khùng như vậy.
Tôi xem đồng hồ. Còn một tiếng nữa mới tới cuộc hẹn với giám đốc nhân sự của công ty Universal Trend. Đó là một công ty chuyên kinh doanh các dịch vụ nhà hàng, du lịch, khách sạn, hiện là công ty chủ quản của khách sạn năm sao Green World. Tôi về Việt Nam từ đầu tháng Tư, đến giờ cũng đã gần một tháng rồi. Một tháng qua, nghĩ lại thật là nhàn hạ sung sướng. Thì chừng đó thời gian, tôi chỉ làm đúng có bốn việc. Thứ nhất, tôi nghỉ xả hơi ở nhà dì Lan, lười biếng hưởng thụ sự chăm sóc của dì. Thứ hai, tôi dọn dẹp và sơn sửa lại căn nhà do ba mẹ tôi để lại ở quận 12. Căn nhà tuy rộng nhưng do được bảo quản tốt và có dì Lan tôi thường xuyên lui tới chăm nom, nên tôi chỉ cần dọn dẹp qua loa là đâu lại vào đấy. Thứ ba, tôi lượn lờ tới tất cả các tiệm bánh mì trong thành phố và nếm các loại bánh họ đang bày bán. Tất nhiên là không thể nếm hết toàn bộ, nhưng cũng đủ để có một cái nhìn tổng thể về công nghệ bánh trái hiện nay. Cuối cùng là kiếm căn hộ chung cư tôi đang ở đây. Tuy đã có một căn nhà đẹp, nơi có căn bếp tiện nghi tôi yêu thích nhất trên đời, nhưng vị trí của nó lại quá xa trung tâm. Mọi khách sạn, nhà hàng lớn – mà một trong số đó là nơi tôi nhắm sẽ tới làm việc đều tập trung ở các quận thuộc khu vực trọng tâm. Vì thế, tôi mới thuê cái căn hộ chung cư này với một cái giá khá hời. Đây là một khu chung cư cao cấp, từ đây chỉ mất năm phút để tới quận Nhất, nhưng không hiểu sao nó lại tòi ra một căn hộ bé bé xinh xinh thế này ột người độc thân như tôi thuê. Sau khi ký hợp đồng thuê sáu tháng và hý hửng khoe với Hoa – người bạn thân, cô nhỏ la toáng lên: “Cậu chỉ cần mất một nửa chi phí để thuê một căn rộng hơn gấp đôi cách đó có hai cây số. Tại sao cậu chưa nói gì với tớ đã đặt bút ký thế hả, con ngốc kia!” “Này, tớ không hối hận đâu! Hôm đó có bốn người cùng tới để giành đặt cọc tiền thuê căn nhà đấy! Và cuối cùng tớ thành chủ nhân của nó cũng là do may mắn.” “May mắn thế nào?” “Thì là may mắn, thế thôi. Chả hiểu sao, trong bốn khách thuê thì người chủ lại chọn tớ!” Ừ, mà sao tay chủ hôm đó lại chọn tôi để cho thuê chứ không phải là ba người còn lại nhỉ? Đôi khi có những việc cực kỳ hiển nhiên đơn giản xảy ra – như là việc tôi được chọn để cho thuê nhà, nhưng mà chịu, không ai giải thích được. Mà thôi, quan trọng là giờ tôi có một nơi ở tiện nghi gần trung tâm. Đó mới là điểm cần quan tâm của vấn đề.
Tôi để dành một mẩu bánh mì, xé vụn nó trong lòng bàn tay, gom chung với đám vụn bánh trên bàn ăn, mang đặt ngoài ban công. Một lát nữa, đàn chim sẻ lông xám sẽ sà xuống ăn.
Bây giờ thì phải chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Vì đây là khách sạn được đánh giá là tốt nhất và tôi rất thích, vì thế nhất định tôi sẽ phải tìm mọi cách để được nhận vào làm ở đây. Nghĩ tới viễn cảnh mình sẽ là thợ bánh chính, phụ trách các loại bánh mì và các món tráng miệng của Green World, tôi không khỏi mỉm cười đắc ý trong lúc lục tung tủ quần áo. Ấn tượng quan trọng nhất đối với một người đầu bếp nói chung và thợ làm bánh nói riêng là phải thật gọn gàng, sạch sẽ. Bạn không thể gây cảm tình với người đối diện bạn là một đầu bếp giỏi khi khoác một bộ cánh rườm rà luộm thuộm. Vì thế, tôi chọn một chiếc áo sơ mi trắng và một chiếc quần linen đen kiểu phồng lên ở chỗ hai túi, ống suôn. Bộ đồ cắt may khéo, nên mặc dù đơn giản nhưng nó vẫn khiến cho tôi trông trẻ trung, thoải mái. Tôi trải bộ quần áo được chọn lên giường rồi đi tắm. Tắm buổi sáng là một cách khiến tôi khởi động một ngày mới. Vì thế tôi không bao giờ bỏ qua cơ hội được đẫm mình trong dòng nước mát và hương thơm thanh tao của loại sữa tắm thảo mộc hương chanh. Tôi luôn mua hai chai sữa tắm một lúc: một loại hương chanh cho buổi sáng, một loại hương oải hương cho buổi tối. Lau khô mình và tròng bộ đồ vào người, tôi hài lòng hít hít bàn tay thoang thoảng hương chanh. Giờ thì tay tôi có vị giống như một chiếc bánh bông lan chanh. Ôi trời, Vi An, mày lại so sánh nhảm nữa rồi! Xách chiếc túi lớn màu xám, đi đôi giày đen bệt, tôi xoay người một vòng trước gương, rồi hài lòng xuất phát. Green World thân mến, tao đang đến với mày đây, chờ nhé!
Tôi định đi bộ tới đó. Nhưng trời Sài Gòn bây giờ khá nóng nực, có thể làm tôi đổ mồ hôi và quần áo trông xộc xệch. Nên tôi ngoắc một chiếc taxi.
– Chị đi đâu ạ? – Người tài xế trẻ lễ phép hỏi.
– Anh cho tới khách sạn Green World.
– Chị mới ở nước ngoài về?
– Sao anh biết hay vậy? Nhìn em giống người ở nước ngoài về lắm sao?
– Không, nhìn chị rất Việt Nam.
– Vậy tại sao anh nói em mới ở nước ngoài về? (Thậm chí anh ta còn không thèm dùng chữ “hình như”).
– Đó là một loại trực giác. Tôi luôn luôn có những trực giác đúng.
– Thế à? – Tôi đáp lơ đãng, không mấy khi tin vào những chuyện như thế này. Mà đặc biệt là khi nó được nói bởi một người lái taxi còn trẻ. – Vậy thì anh có khả năng ngoại cảm đấy. Anh có thể dùng nó để chở em tới Green World một cách nhanh nhất và chọn đường nào không bị tắc.
– Chắc chị chả tin đâu, nhưng trước đây tôi đã từng dùng. Khi mà chưa có chương trình thông tin các nút giao thông trực tiếp trên radio ấy.
– Có chương trình đó nữa à?
– Nó tiện lợi lắm. Người ta nói cho chị biết cung đường nào đang bị kẹt xe, giao lộ nào đang thông thoáng, khúc nào đang có tai nạn, mật độ tham gia giao thông, vân vân…
Tôi nhìn người tài xế một cách thích thú. Giọng anh ta không có nét bông đùa. Quả là một người lái xe kỳ khôi! Có vẻ như hôm nay tôi đều gặp những người kỳ khôi. Đầu tiên là kẻ cắp bữa sáng với khuôn mặt trét đầy bùn và mái tóc xoăn tổ quạ. Đến giờ lại là một anh tài xế taxi có năng lực thần bí. Nếu như hôm nay tôi không vướng buổi phỏng vấn quan trọng, chắc chắn tôi phải mời anh ta một ly cà phê! Chưa kịp nói ý nghĩ đó ra thì chiếc taxi đã dừng lại trước một khách sạn lộng lẫy có mặt tiền sơn màu vàng nhạt. Người lễ tân chạy ra mở cửa. Tôi đang loay hoay lấy ví tiền, thì người tài xế nói:
– Tôi nhìn thấy xung quanh chị những dòng khí động. Hôm nay, ý nguyện của chị sẽ luân chuyển!
Tôi trả tiền taxi rồi chui ra ngoài xe, hỏi với vào trong:
– Anh nói rõ hơn được không? Là em sẽ đạt ý nguyện hay không đạt?

– Nó sẽ luân chuyển.
Rồi cánh cửa xe sập lại. Chiếc taxi màu vàng chầm chậm lăn bánh. Tôi đứng nhìn theo cho đến khi chiếc xe mất hút vào một con phố, thầm nghĩ nó luân chuyển hay không thì tôi cũng cóc cần biết. Sẽ chỉ là hoặc tôi đạt được ý nguyện, tức là được nhận vào làm ở Green World; hoặc là tôi sẽ bị từ chối. Mà tôi thì lạc quan đến mức không hề nghĩ đến vế thứ hai.
Tôi được chỉ dẫn lên tầng năm, đi qua một hành lang vắng lặng đến âm u. Tấm thảm màu tím hoa cà dưới chân dày và êm tới mức tôi không nghe được cả tiếng bước chân của mình. Cụm văn phòng – điều hành chiếm một góc trên tầng năm của khách sạn. Nãy giờ tôi cứ phải ngửa hết cả cổ lên mà kiếm cái gọi là “Phòng họp” mà vẫn chưa thấy đâu. Còn mười phút nữa là tới giờ hẹn rồi mà cái phòng họp chết tiệt ấy nó ở đâu thế nhỉ? Cũng chả có nhân viên nào lảng vảng gần đây để mà hỏi. Lúc nãy khi tôi nói mình được hẹn tới để phỏng vấn, lễ tân chỉ bảo là lên phòng họp ở tầng năm, không có chỉ dẫn gì thêm mà cũng chẳng có ai dẫn lên. Cái khách sạn này đúng là đối xử lạnh nhạt với ứng viên. Tôi mà gặp vị giám đốc điều hành khách sạn thì phải phản ánh vụ việc này mới được.
Mất thêm vài phút loay hoay nữa vẫn không tài nào tìm ra phòng họp ở đâu, tôi bắt đầu sốt sắng lo. Đi phỏng vấn mà tới muộn thì coi như mất toi một điểm cảm tình. Tôi đành gõ một cánh cửa ngẫu nhiên đang ở trước mặt, rồi chưa đợi trả lời, đẩy nhanh cửa, thò đầu nhìn vào trong phòng, đồng thời hỏi thăm:
– Xin lỗi, xin cho tôi hỏi phòng họp… Á…
Tôi đưa tay bụm miệng. Cảnh tượng gì thế kia? Có hai người đang… hôn nhau! Nghe thấy tiếng tôi, họ vội buông nhau ra. Tôi hoảng hốt đóng sập cửa lại. Chưa kịp hoàn hồn, cánh cửa bật mở và một giọng nam giới lạnh lùng hỏi:
– Cô là ai? Sao lại tự tiện xông vào đây?
Mình gặp rắc rối rồi. Tôi giả vờ khép nép quay lại, chuẩn bị xin lỗi và nói một lời giải thích nhã nhặn nhất; nhưng nhìn thấy người đối diện, trong phút chốc lại đờ người ra. Anh ta thật đẹp trai trong bộ lê màu xám bạc, từ người tỏa ra một sức hút chết người của sự lịch lãm, hào hoa và sang trọng. Nhưng mọi người chớ có hiểu lầm. Tôi quả là có thích ngắm trai đẹp, nhưng đó chỉ là tinh thần yêu quý cái đẹp. Gặp cô gái nào xinh đẹp là tôi cũng hớt mỏ lên ngắm, hoàn toàn không phải là do “hám sắc” mà bị á khẩu. Cái người đối diện với tôi đây, người vừa bị tôi phá đám một nụ hôn say đắm đang nhìn tôi bằng đôi mắt đẹp lạnh lẽo màu xanh dương. Mắt xanh dương! Không phải là người Việt Nam! Đó mới là nguyên nhân khiến tôi như bị bất động mấy giây vừa rồi.
– Cô bị câm à?
A, đẹp trai nhưng lại ăn nói sao mà thô lỗ! Tôi tức lắm, nhưng vẫn phải cố tằng hắng, cất giọng nhỏ nhẹ:
– Tôi thành thật xin lỗi đã làm phiền! (Dù đã kiềm chế nhưng giọng tôi vẫn nghiến vào hai âm “làm phiền”) Tôi chỉ muốn hỏi phòng họp ở đâu nhưng vì không thấy ai nên mới tự tiện, à không, mạo muội…
– Mạo muội xông vào phòng người khác khi chưa được đồng ý chứ gì?
– Tôi đã gõ cửa còn gì. Tôi đang có chuyện gấp. Vậy mà cả cái khách sạn to đùng thế này không có một ai để chỉ cho tôi cái phòng họp nó ở chỗ nào.
– Phòng họp ngay bên cạnh. Mà cô tìm nó làm gì?
– Hôm nay tôi có hẹn phỏng vấn.
– Ra thế. Thôi được rồi, giờ thì cô biết tìm ở đâu rồi đấy!
Ánh mắt màu xanh dương lạnh lùng khẽ nhướn về phía căn phòng cạnh đó. Tôi chưa kịp cảm ơn thì chàng ngoại quốc sõi tiếng Việt đã đóng sập cửa lại. Thật đúng là cái kiểu không coi ai ra gì. Tuy nhiên tôi kịp nhận ra dù chứa đầy sự lạnh lùng, nhưng đôi mắt ấy, thực sự rất quyến rũ. Một đôi mắt màu xanh dương, sáng, trong và thăm thẳm như nước biển vùng Địa Trung Hải. Nước biển Địa Trung Hải! So sánh như thế này quả là rất đúng. Tôi thở dài, lò dò đi sang căn phòng bên cạnh nơi phía trước cánh cửa được treo sơ sài một miếng giấy bìa cứng hoa văn chìm màu hồng có vỏn vẹn hai chữ in mực đen: MR. Ai đó dùng bút dạ vẽ một cốc cà phê và một miếng pizza bên cạnh – cả cốc cà phê và miếng bánh đều có khói bốc lên. Khi bước vào bên trong, thấy một chiếc bàn hình bầu dục giản dị, cùng một hàng ghế bọc da đen đơn điệu kê xung quanh, tôi mới vỡ lẽ MR là viết tắt của Meeting Room (Phòng họp). Ôi trời, tôi đến ngất mất. Thế này thì có giời biết đất biết và mấy người của cái khách sạn này biết đây là phòng họp. Green World là một khách sạn năm sao, nổi tiếng bởi chất lượng dịch vụ, chăm lo tới từng cánh hoa cắm trong bình, mà lại có một căn phòng họp nội bộ dán biển bằng giấy. Thật không thể nào chấp nhận được.
* * *
Tôi cố nín cười, bước hẳn vào trong phòng, kéo một chiếc ghế ra để ngồi. Chưa nóng chỗ, cửa phòng họp đã mở. Một phụ nữ mặc vest màu cứt ngựa, đường may sắc sảo, ôm sát lấy từng đường cong cơ thể uyển chuyển bước vào. “Những phụ nữ thích mặc áo màu cứt ngựa đều là những người có cá tính, nhưng hơi bảo thủ và nguyên tắc”. – Sa Sa – đứa bạn học ngành thời trang từng nói với tôi. “Ha ha, có cả cái màu đấy nữa à? Ngành thời trang thanh tao của các cậu cũng có đôi lúc thô thiển quá. Nhưng nó là màu vàng nâu mà” – Tôi ôm bụng, ngoác miệng ra cười. “Hừm, màu cứt ngựa là một màu khá sang đấy. Vàng nâu, pha thêm chút đen.” Chả hiểu sao khi nhìn người phụ nữ này, tôi lại nhớ tới lời của Sa Sa: “Cá tính, bảo thủ, nguyên tắc”!

Tôi xô ghế đứng dậy, khẽ chào.
– Em chào chị ạ.
– Chào em, Vi An! Mời em ngồi! – Đôi mắt sắc sảo nhìn tôi dò xét. Nhưng tôi lập tức khoái chị này. Chị ấy đã gọi tên tôi một cách tự nhiên, giống như cũng đang mong chờ cuộc phỏng vấn này để gặp tôi vậy.
– Chị là Trang, giám đốc nhân sự của Universal Trend. Chị nhận được hồ sơ của em hồi tháng ba, gửi về từ Paris. – Chị vừa nói vừa giơ lên một tập hồ sơ. Tôi nhận ra ngay lập tức cái phong bì màu nâu.
– Vâng, trước khi về nước, em đã gửi hồ sơ xin việc.
– Chu đáo, rất tốt! Ngoài Khách Sạn Green World, em có gửi hồ sơ ở nơi nào khác không?
– Cũng một vài nơi ạ. Nhưng Green World là nơi em muốn tới làm nhất.
Chị Trang tự hào nhếch một bên miệng. Nó cong lên tạo thành một nụ cười.
– Green World là nhất, phải không? Một khách sạn tốt nhất, vì thế, chế độ đãi ngộ cũng rất tốt. Được làm việc ở đây là ước mơ của mọi đầu bếp giỏi.
– Em đồng ý với chị Green World là một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất ở Sài Gòn. Nhưng quả thực, bánh mì thì dở tệ.
Người phỏng vấn cau mày nhìn người bị phỏng vấn, như muốn hỏi con nhỏ hỗn láo này có biết nó đang nói gì không?
– Em đã ăn ở nhà hàng tại khách sạn này ba lần. Trong đó một lần là tiệc buffet. Người ta làm hẳn một khu vực bày bánh mì và các loại bánh tráng miệng. Em thử ăn gần như toàn bộ các loại. Nhưng chỉ có thế! Em có thể ăn chúng ở khắp các tiệm bánh lớn nhỏ ngoài đường kia. Chứ không cần phải vào Green World để ăn một món bánh khoái khẩu.
Chị giám đốc nhân sự sắc mặt đã trở lại bình thường, nhìn tôi gật gù.
– Vậy nếu như em vào làm ở đây?
– Em sẽ thay đổi điều đó! Mỗi loại bánh có một mùi vị khác nhau. Nên ta phải tạo cho chúng có cùng một dấu ấn. Để khi ăn, thực khách biết rằng, à, đó là dấu ấn của Green World, là bánh của Green World.
– Em có tài ăn nói đấy. Chị rất ấn tượng. Nhưng lời nói phải cần được kiểm chứng. Tài năng không chỉ dùng hai câu nói để thể hiện. Dù chị hoàn toàn tin tưởng là em đã thể hiện được nó.
Tôi ngồi im lặng, chờ đợi. Không khí trong phòng phỏng vấn tự nhiên im ắng lạ thường. Vị nữ giám đốc nhân sự của Green World danh tiếng, khuôn mặt bình thản, thậm chí hơi tươi cười nhìn tôi. Lời nói của chị ta thật nhã nhặn. Một câu là khen, hai câu cũng là khen. Nhưng nó có vẻ chỉ là thói quen trong giao tiếp với cấp dưới của các sếp nhân sự khôn khéo. Tôi mơ hồ thấy đằng sau cuộc phỏng vấn này sẽ là một tảng đá xù xì nặng nề đang đón đợi.
Đột ngột, chị Trang xếp các giấy tờ đang bày trên bàn lại, bỏ vào cái phong bì nâu, khoát tay nói:

– Xong! Buổi phỏng vấn hôm nay thế là đủ. Em có thể về!
Thế là xong ư? Sao tôi lại thấy dường như nó chưa bắt đầu nữa. Chị ta chưa chất vấn tôi về kinh nghiệm, ưu điểm nhược điểm, mục tiêu nghề nghiệp hay những thứ đại loại như thế. Thứ mà bất cứ buổi phỏng vấn nào cũng có.
– Chị, buổi phỏng vấn ngắn hơn em tưởng. Chị có thể cho em biết em có cơ hội nào không?
– Cơ hội là dành cho tất cả mọi người. – Chị ta nói vẻ mập mờ. – Em hãy kiên nhẫn! Chẳng phải làm bánh thì cần kiên nhẫn hay sao?
– Nhưng ít nhất khi nướng bánh, em cũng biết là bánh sẽ chín.
– Thì bánh sẽ chín, cô gái. Mà em có thích ăn bánh mì Baguette không?
– Ơ, dạ?
– Thôi, chào em! Người của khách sạn sẽ liên lạc với em sớm nhất.
Người phụ nữ vừa nói vừa thoăn thoắt đứng dậy, kéo cửa, bước ra ngoài.
– Khoan đã, chị ơi. – Tôi đứng dậy gọi với theo. Nhưng chị ta không thèm quay đầu. Không khí trong phòng đang đặc lại. Chúng đang luân chuyển quanh đầu tôi, những dòng khí động chạy qua chạy lại dữ dội. Mình phải làm gì đây? Giống như một thí sinh dự thi bị ngủ mê trong phòng thi, tôi bước ra khỏi phòng mà không biết mình đã làm được mấy bài và rốt cuộc có đậu hay là rớt?
Quái thật đấy. Tôi bắt đầu tin rằng việc chạm mặt tên sinh vật tóc xoăn buổi sáng đã ám cho cả ngày hôm nay của tôi đen sì. Tôi thất thểu đi về phía thang máy.
– Ấy ấy, chờ với! – Tôi phóng tới, vừa nhét một chân vào giữa hai cánh cửa bằng thép đang khép lại, vừa tung chưởng ngón tay ấn cái nút trên tường. Dưới “tác dụng kép”, cánh cửa ngoan ngoãn mở ra. Có thế chứ, tôi đắc thắng nhảy vào, giật mình vì đứng sẵn trong đó là cái chàng – đẹp trai – lai Tây – rành tiếng Việt. Đích thị là tên “Mắt Địa Trung Hải” lạnh lùng! Anh ta đang tựa cái thân hình lịch lãm của mình vào thanh vịn trong góc buồng thang máy, nhìn tôi ra chiều kinh hãi.
– Cô có võ à?
Ồ, anh ta bắt chuyện với mình kìa. Nhưng nhớ lại vẻ thô lỗ lạnh lùng của anh ta, tôi trầm giọng trả lời, tiện tay nhấn vào nút chữ G trên bảng điều khiển.
– Hừm, cũng đủ xài.
Tôi đứng quay lưng lại với anh chàng, cảm giác tóc gáy dựng lên rào rào. Hẳn anh ta không liếc xéo tôi đấy chứ? Chiếc thang máy lao xuống chầm chậm. Một lát sau, âm thanh đó mới lại vang lên:
– Này cô, chuyện ban nãy…
Nhưng anh ta chưa kịp nói hết câu thì “Bí bo!”, thang máy đã tới tầng trệt. Cánh cửa mở rộng, một tốp người đang đợi sẵn, lăm le chỉ chực bước vào. Tôi quay đầu lại, làm một bộ mặt rất kịch và bặm chặt môi, tay đưa lên kéo một đường từ mép trái qua mép phải, động tác giống như kéo một cái khóa. Sau đó tôi cười, giơ tay chào anh ta, rồi nhanh chóng bước ra ngoài. Người lễ tân đã gặp hồi sáng lại lịch sự kéo cửa kính cho tôi.
– Chúc quý khách một ngày tốt lành.
– Chúc anh một ngày tốt lành.
Hóa ra cả buổi sáng hôm nay, chỉ có người lễ tân này là dễ thương nhất. Tôi thoát nhanh ra ngoài đường, nơi lại có ánh nắng tràn lan khắp muôn nơi. Ngoái nhìn cái khách sạn cao vút ngạo nghễ chiếm cứ một góc đường sầm uất, tôi chỉ tay vào nó và nói:
– Green World à? Green World thì đã là cái quái gì nào!

Đâu đó bên trong khách sạn, có hai người cùng lúc đều bị hắt xì hơi.
* * *
Đi bộ dưới nắng, dù cho cái nắng của thành phố phương Nam này bao giờ cũng hơi gắt, làm cho tinh thần tôi thoải mái hẳn lên. Hồi ở Pháp tôi bị cớm nắng, da trắng bủng beo. Bên đó thời tiết lúc nào cũng thâm sì, mùa hè ngắn ngủi hiếm hoi. Mà tôi cũng toàn làm việc trong xưởng bánh, nên ít có thời gian ra ngoài. Vì vậy về lại Sài Gòn, tranh thủ được lúc nào là tôi phơi nắng lúc đó. Có hôm ăn trưa xong, mới một giờ, tôi đã tót ra ngoài sân đứng. Dì Lan sợ hãi kêu lên: “Con gái Việt Nam phúc đức lắm mới có được một làn da trắng. Con không giữ gìn thì thôi, nhưng giữa trưa mà ra ngoài trời là bệnh đó nghe chưa!”. Tôi ít bị ăn nắng. Từ hồi xửa hồi xưa đã quen phơi mặt ra ngoài đường rồi, trong khi bọn bạn đứa nào đứa nấy bít bùng khẩu trang, găng tay như Ninja. Ai quan tâm da trắng chứ tôi thì chỉ khoái một làn da rám nắng. Da nâu lại càng đẹp. Tại đó là màu giống màu của bánh mì nướng. Còn da trắng thì chỉ giống như màu của cục bột nhão mới nhào mà thôi!
Trên đường về, tôi thấy phía bên trái đường có một tiệm bánh mì nhỏ. Hai chiếc tủ kính ba tầng xếp đầy chặt các loại bánh kem, bánh mì, bánh mặn. Một chiếc giỏ mây lớn đặt ở phía trên, đựng những chiếc bánh mì gậy dài. Dù đứng ở bên này đường, nhưng mùi bánh mì vẫn lan ra thơm phức. Nhìn bánh mì gậy, tôi nhớ lại câu hỏi vào phút cuối của buổi phỏng vấn: “Em có thích ăn bánh mì Baguette không?”. Một câu hỏi lạ lùng, chẳng ăn nhập gì với hoàn cảnh. Vì sao chị ta lại hỏi tôi câu đó? Trong khi, chính bản thân chị ấy chả cần nghe câu trả lời? Những thắc mắc rơi tõm vào không khí, không có lời đáp.
Tôi mua hai ổ bánh Baguette từ cái giỏ bánh khổng lồ. Bánh nóng hổi, bóp nhẹ tay đã nghe giòn rụm. Bertrand từng bảo: “Tất cả bánh mì Baguette đều là bánh mì Pháp. Nhưng không phải loại bánh mì Pháp nào cũng gọi là Baguette.” Ở Pháp, Baguette là món thông dụng như cơm ăn hằng ngày. Người ta đi chợ buổi sáng mua vài ổ Baguette, vừa đủ để ăn trong ngày. Vì nếu để qua ngày hôm sau, thì bánh sẽ không còn tươi nữa. Phần thừa chỉ có thể nướng hoặc bóp vụn làm bột chiên xù. Tôi ôm hai cái bánh hít hà, tung tăng đi giữa phố phường. Về tới khu chung cư, người bảo vệ nhìn tôi trìu mến:
– Hôm nay lại ăn bánh mì thay cơm hả cháu?
– Hì hì! Cháu ăn bánh mì ngon hơn ăn cơm.
– Thế thì chưa lớn rồi. Chỉ con nít mới ghét cơm.
– Chú này! À, chú ăn giùm cháu một ổ nhé. Cháu mua những hai ổ lận.
Tôi chia cho chú bảo vệ tòa nhà một ổ bánh, rồi lững thững tìm cầu thang bộ leo lên. Vận động nhiều một chút càng tốt. Tôi vừa đi vừa cúi gằm nhìn xuống chân và lẩm nhẩm đếm từng bậc thang. “Cộp! Cộp! Cộp!” Ai đó cũng thích đi cầu thang bộ đang chạy lộp cộp phía trên tôi. Tiếng bước chân nhanh và mạnh. Rồi một cơn lốc đen ào tới. Một chàng trai chạy lướt qua tôi để đi xuống. Cầu thang hẹp, nhưng anh ta lách rất nhanh và khéo, vai chỉ hơi đụng khẽ ổ bánh mì dài thòng tôi đang cầm trên tay. Bất giác, tôi ngoái lại nhìn. Anh ta mặc một chiếc quần jeans đen, áo sơ mi đen, đi giầy đen, đeo kính đen che gần nửa khuôn mặt, mái tóc đen cắt sát đầu. Người đã chạy mất, mùi nước hoa còn vương lại trong không khí. Tôi hít dài một cái. Thơm! Mùi thơm rất dễ chịu! Một cơn gió sớm mùa hạ lướt qua mặt tôi, mang tới mùi của nắng, của mưa, của một loài hoa hồng dại tháng Năm. Một khắc, không gian như ngừng trôi, lắng lại dịu ngọt. Một cái gì đó quen thuộc lướt qua tôi. Mùi hương phảng phất loãng dần. Rồi cùng với cơn gió mùa hạ mỏng manh, chúng tan ra, tan ra… không để lại một chút dấu vết.
Về tới nhà tôi tót ngay lên ghế sofa ôm laptop viết email cho Bertrand.
Thầy Bertrand đẹp trai của con,
Hôm nay thầy có khỏe không? Thầy đã quên con chưa đấy? Paris tháng Năm đã nở đầy loại hoa hồng leo dại màu phấn chưa vậy? Ôi, con nhớ thầy vô cùng. Con vừa mới đi phỏng vấn ở khách sạn Green World về. Nó hoàn toàn khác với tưởng tượng của con. Con chắc là thầy cũng chẳng thể hình dung ra đâu. Người phỏng vấn đã hỏi con rằng con có thích ăn Baguette không? Thật là buồn cười phải không thầy. Thế còn thầy thì sao? Đã có ai hỏi thầy thích ăn Baguette bao giờ chưa?
Yêu thầy! Bánh mì tròn của thầy,
Vi An.
Năm phút sau, Bertrand đã gửi thư trả lời, vẫn những lời hoa mỹ và lãng mạn, một phong cách Bertrand không lẫn đi đâu được.
Vi An, con gái ta!
Hoa hồng tháng Năm vẫn nở, nhưng năm nay nó không còn đẹp nữa, khi con đã đi khỏi Paris. Ta luôn nhớ đến con, ngay cả khi ta đang chuyên tâm vào việc làm bánh mì tại xưởng. Con yêu, cái người phỏng vấn con chắc là chẳng hiểu gì về công việc của chúng ta. Chả một kẻ nào lại đi hỏi xem cha mẹ có thích con cái của họ hay không. Ta chưa từng bị hỏi như vậy bao giờ. Mà nếu có ai hỏi ta thì ta cũng chẳng thèm trả lời.
Ta đang chuẩn bị ăn sáng. Công việc ở xưởng ngày hôm nay sẽ rất bận rộn. Chúc con may mắn và tìm được chỗ làm tốt nhất.
Yêu con nhiều. Hôn con!
Bertrand.
– Con cũng hôn thầy! – Tôi nói to, chợt nhớ da diết cái tiệm bánh của thầy. Mùa hè đang tới. Hẳn những chiếc ô lớn màu xanh lục của tiệm đã được dọn ra vỉa hè, để những vị khách có thể vừa ăn bánh, vừa uống cà phê và ngắm phố phường trong nắng ấm. Ôi, mùa hè ở Paris!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.