Đọc truyện Nữ Hộ – Chương 71: Ngự tỷ
HỒNG THỊ NÀO CHỈ DÙNG HAI CHỮ GIAN GIẢO LÀ CÓ THỂ HÌNH DUNG NỔI, ẤY RÕ RÀNG LÀ CÁO CHÍN ĐUÔI ĐÃ THÀNH TINH!
Non sông ngàn dặm nước, Chín tầng cửa đế đô. Không xem cung điện lớn, Đâu biết đất nhà vua.
Một bài “Đế kinh thiên” của Lạc Tân vương thời Đường đã tỏ rõ sự huyền bí của cung cấm. Tuy vương triều này chỉ vừa mới lập không lâu, vài vị Đế vương kế tục đều chưa dám xa hoa phung phí quá, cung cấm vẫn như triều trước chứ chưa cơi nới thêm, hơi chật chội bí bách, bày biện cũng chưa đến nỗi mênh mang lộng lẫy, dù vậy, ấy vẫn là nơi ở của Đế vương. Ngọc Tỷ cũng tạm gọi là có hiểu biết, đến phủ Ngô vương làm khách vài lần, tòa nhà mà Tô tiên sinh được ban cho cũng khá rộng, nhưng khi chiêm ngưỡng cảnh tượng trước mắt đây, tầm mắt nàng đã mở mang thêm nhiều.
Ngọc Tỷ được Thân thị dắt vào, Tú Anh thì chưa nhận được lệnh, không thể đến. Trên đường đi, Thân thị đã gọi Ngọc Tỷ, Lục Tỷ và Thất Tỷ cùng vào xe mình, dặn tới dặn lui phải hành lễ ở đâu, thưa chuyện thế nào, lại săm soi Ngọc Tỷ hai ba lượt, hôm nay nàng mặc áo vàng nhạt, váy màu lựu, tóc vấn gọn gàng cài hai ba cây trâm, mười ngón tay thon dài đang vò khăn tơ.
Thân thị càng nhìn càng hài lòng, nói: “Cái uy của nương nương vốn đã vậy, con đừng quá e ngại, Người hẳn có chừng mực. Người không thích ai quá gò bó, dù trong lòng chênh vênh cũng đừng gắng gượng nghiêm mặt, cứ cười, mình cũng sẽ thấy thoải mái hơn.”
Ngọc Tỷ bèn cúi đầu cười một cái, Lục Tỷ ôm ngực bảo: “Cười thế này thì không ổn đâu, hồn ta bay mất rồi.” Thân thị miết trán cô, lại dặn: “Nếu có câu nào mà con không tiện đáp thì cứ làm thinh, ta sẽ đỡ lời, bảo con còn nhỏ, thẹn thùng.” Ngọc Tỷ cười thưa: “Xin thím an lòng, con hiểu mà.” Lại hỏi Lục Tỷ có đi thăm Tô phu nhân chưa.
Tô tiên sinh mười mấy năm không về nhà, lúc rời kinh còn mang tiếng bị trục xuất, tuy Tô phu nhân ở trong kinh vẫn được bạn bè cũ của thầy chăm sóc, nhưng vẫn tất tả mãi thôi. Khi trước còn chống đỡ nổi, nay thầy Tô đã về, bà nhất thời mừng vui, mệt mỏi nhiều năm tích tụ đã tràn cả ra, bệnh liệt giường. Vì Kim Ca và cháu nhà họ Tô là bạn học nên cậu nhóc hay tin, về nhà mách ngay với chị, Ngọc Tỷ mới thử hỏi xem Thân thị, Lục Tỷ biết chuyện chưa.
Lục Tỷ đáp: “Thăm rồi, đại phu bảo là tuổi tác đã cao, phải tĩnh dưỡng.” Ngọc Tỷ nói: “Cụ lang đợt trước cũng bảo thế, chắc là vậy thật.”
Thân thị nghe ngoài kia đã không còn tiếng người ồn ã, bèn đưa tay ra hiệu bảo hai đứa đừng nói chuyện nữa —– Đến gần cấm cung rồi.
Đám Thân thị có môn tịch nhưng Ngọc Tỷ thì chưa, thủ tục vào cung lâu hơn người khác một chút. Lướt qua tiền triều, đến thẳng hậu cung. Hoàng thái hậu không sống tại điện Chính Trung mà ở điện Từ Thọ phía Tây. Đến điện Từ Thọ, bên trong sớm đã nói cười rôm rả, rất nhiều nữ quyến được mời đến.
Thân thị vội dắt con gái và con dâu tiến lên trước lễ chào, Hoàng thái hậu cất giọng ôn hòa, không rõ vui giận: “Đều là người một nhà, nào có lắm nghi thức xã giao như vậy? Ban ngồi.” Thân thị được ngồi, ba cô gái sau lưng đành phải đứng, Hoàng thái hậu quét mắt đánh giá, Lục Tỷ, Thất Tỷ thì bà gặp qua rồi —– Vì thường nghe Ngô vương phi khen Thân thị hiền lương, từ lúc về kinh, Hoàng thái hậu đã triệu mẹ con Thân thị vào cung vài lần —– Cô bé lạ mắt kia hẳn là con gái Hồng Khiêm.
Hoàng thái hậu nhìn sang, cô bé này mười bốn mười lăm tuổi, mặt trái xoan, mắt phượng mày ngài, dáng hình thướt tha, duyên dáng yêu kiều. Ngay cả đứng giữa cung cấm đầy những mỹ nhân cũng đã rất xuất sắc, nếu không phải là con gái Hồng Khiêm thì hẳn Hoàng thái hậu sẽ cưng chìu nàng lắm. Cơ mà, ai bảo cha nàng là một ổ tai vạ chứ?
Mấy hôm trước, Hồng Khiêm tự dưng lại tố một bản khiến Hoàng thái hậu trầy da tróc vảy, đích thực là sau hôm Tô Chính bị trục xuất khỏi kinh xưa kia, đây là lần đầu tiên sau mười mấy năm Hoàng thái hậu được người ta “can gián” thẳng, xấu hổ cứ phải gọi là chẳng ai thấu nổi. Thôi thì cũng mặc, dù sao cả thành ai cũng rõ mối quan hệ giữa Hồng Khiêm và Tô Chính, thầy về mà không làm khó dễ thì bà mới thấy lạ ấy chứ, ai bảo bà cần đến Tô Chính, muốn mượn danh thầy? Bằng không, chỉ riêng việc Hoàng hậu và Tề vương dính đến cái chết của Thái tử thôi là đã phải trầy trật một phen.
Nhưng cần dùng không có nghĩa là cứ chịu đòn oan mãi, bà đã cam chịu việc Thanh Tịnh thế chỗ Chân Nhất, song không rớ nổi Tô Chính, chẳng có nhẽ cũng không thể rớ vào tay sai của Tô Chính nốt? Vừa khéo dấy lên lời đồn Hồng Khiêm trông giống Chu Bái, mấy năm nay Hoàng thái hậu và Hoàng hậu cũng lờ mờ có ý xem trọng Đoàn thị, tuy không tán dương quá rõ ràng, nhưng ngầm trao kỳ vọng. Không phải vì Chu Chấn mà chỉ do Đoàn thị là vợ kế, con trai vợ trước hỏng, con trai thị lại cầu tiến vân vân. Thực có vài tiếng lòng khó tỏ.
Ai ngờ Hồng Khiêm lại khốn khiếp như vậy? Trương ngự sử nọ có thể tạm gọi là thuộc phe cánh Hoàng thái hậu, cũng đã mượn miệng gã hạch tội người khác được một hai lần, mấy trận khẩu chiến trước đây không dùng hết lời mạt sát, ai nấy vẫn luôn chừa cho nhau vài phần mặt mũi. Nào biết Hồng Khiêm lại lột luôn cái vỏ văn nhã ra, triều đường ngập tràn gạch đá!
Quan văn cả triều như đã chết rồi, người nào người nấy mắt mù tai điếc, không điếc không mù thì câm. Bình thường mũ quan đội lệch cũng đã bảo ngự sử tóm lấy chấn chỉnh nhau, miệng mồm nanh nọc của Hồng Khiêm lại chẳng ai dám ý kiến!
Tức nhất là Hồng Khiêm ngang ngược đến thế, song lại được nhiều người ưu ái, lũ lượt dâng tấu hoặc hạch tội Trương ngự sử hoặc minh ona cho những người trước đây đã bị Trương ngự sử hạch tội. Lại có một số người chỉ trích gay gắt chuyện ngoại thích phạm pháp hơn. Đến cả họ Vương, nhà mẹ đẻ của Hoàng hậu quá cố cũng có động thái khác thường, thêm Thái tử phi, cháu gái Vương thị cũng dọa tự sát, khi thì muốn thủ lăng, khi thì đòi xuất gia, cả ngày cứ ôm chặt con gái, cứ như đang canh chừng kẻ nào đấy sẽ hại con bé.
Hoàng thái hậu, thực sự trắc trở trăm bề. Sau đó Đoàn thị lại bị Tú Anh lột da, dù có gây chuyện ủ mưu thật hay không thì danh tiếng đã rụi sạch, khéo thay lại y như Chu Bái thuở trước, có muốn phân trần cũng không được. Hoàng thái hậu là người sáng suốt, nếu mi không phải Chu Bái, cứ cắn chặt Đoàn thị không buông làm gì? Nào ngờ gia đình Tế Nam hầu và Nghĩa An hầu thân nhau đến độ thống nhất phủ nhận thân phận Hồng Khiêm, trở giáo đòi kết tình thông gia với chàng. Hoàng thái hậu thực sự nuốt không trôi cơn giận này.
Họ Trần thường ngầm tán tụng Đoàn thị, dùng chuyện Chu gia bóng gió Đông cung, giờ Đoàn thị rớt đài, Đông cung lại hoăng, họ Trần có miệng lại chẳng thể phân trần. Nếu tuyên Đoàn thị vào cung thì lại quá gây chú ý, Hoàng thái hậu chưa mặt dày đến độ “mắng cười mặc ai” như thế. Đành ra oai phủ đầu với người nhà Hồng Khiêm, hòng để chàng biết điều một chút, bớt tự cho mình là đúng. Thực ra thì Hoàng thái hậu không ngán loại chính nhân quân tử như thầy Tô nhưng dạng khốn nạn như Hồng Khiêm thì bà lại sợ thật, lúc cắn ai thì còn dữ hơn chó dại, tay hay đít gì cũng nhứ mãi chả buông.
Nghĩ tới đây, cơn giận trong lòng Hoàng thái hậu lại bùng lên, ngoài mặt lại chẳng tỏ rõ, chỉ ngoắc tay bảo: “Đây hẳn là vợ chưa cưới của Cửu Ca nhỉ, đến đây ta xem nào.” Thân thị ngoái đầu bảo Ngọc Tỷ: “Nương nương gọi con, đi đi.” Giọng yêu thương ưu ái.
Ngọc Tỷ nhẹ nhàng cất bước, Hoàng thái hậu để ý, nàng bước chậm giữ váy không kêu, lại chẳng có vẻ gì là e dè sợ hãi. Nếu là người khác, có khi Hoàng thái hậu đã khen thưởng thật hậu rồi, nhưng giờ chỉ biết cười nhạt. Hỏi tên tuổi Ngọc Tỷ, nàng trả lời lần lượt, tiếng quan thoại cực chuẩn. Vừa đáp vừa nghĩ, vị Hoàng thái hậu này nghiêm thật. Nàng lại hiểu rõ trong lòng, nhà mình với vị Hoàng thái hậu này là kẻ thù không đội trời chung. Tạm không bàn đến chuyện thầy Tô quyết phải tra bằng được nguyên nhân cái chết của Thái tử, chỉ một bản tấu của Hồng Khiêm thôi đã đắc tội Hoàng thái hậu rồi, mình lại là học trò thầy, có muốn né cũng không né được.
Hoàng thái hậu chỉ cánh má đào ngồi dưới, trẻ già có đủ: “Đây là Tề vương phi, đây là Lỗ vương phi, đây là Tam Nương…” Nụ cười mỉm bên môi Ngọc Tỷ thoáng vẻ ngượng ngùng, hơi nghiêng đầu nhìn sang. Trong số này có cả vài tiểu thư họ Trần, mấy cô nàng gặp ở Chung phủ cũng có mặt, ngoài ra còn vài quý bà cao tuổi thuộc tông thất hoặc ngoại thích. Trong đấy có một cô có thân phận gần tương đương Ngọc Tỷ, là vợ chưa cưới của đích tôn nhà Yến vương em út Ngô vương, vẫn chưa đính hôn nhưng hai gia đình đã chịu nhau rồi, chỉ vì hôm đính hôn rơi vào khoảng thời gian để tang Thái tử, đành phải thu xếp lại từ đầu, chưa đến ngày lành mới chọn.
Tiểu thư này họ Phương, là con gái thái thường thiếu khanh, hiền hậu đoan trang, cư xử hợp lễ. Hoàng thái hậu gọi cô đến cũng là muốn so sánh với con gái Hồng Khiêm, khen Phương thị thật nhiều đặng tỏ cái chưa tốt của Hồng thị. Tuy có nghe đồn Tô Chính là thầy của con gái Hồng Khiêm nhưng Hoàng thái hậu hãy còn đinh ninh ấy chỉ là cái cớ che mắt mà Tô-nào-đó cấu kết với Hồng Khiêm dựng nên. Một Hồng Khiêm vô lại cùng một ả vợ chua ngoa thì có thể sinh được đứa con gái tốt giỏi ngoan hiền đến mức nào chứ? Với cả thiếu nữ xuân thì hẳn sẽ có tật ngượng ngùng ưa nghĩ, so bì vài lần nó sẽ ấm ức cãi thay cha, khi ấy cũng tiện mỉa mai vài câu.
Nào ngờ Ngọc Tỷ lại chẳng để lộ một tý lỗi nào cho bà có dịp soi mói, từ hành động đến ngôn từ, chẳng vượt một ly. Khuôn phép như này, trái lại chẳng có vẻ gì là ruột rà máu mủ của cặp vợ chồng kia cả. Chẳng có nhẽ… là học trò Tô Chính đích thân dạy dỗ thật? Tô Chính già khằn thế kia, nom cũng chả phải phong cách này. Lại nhìn Ngọc Tỷ, rõ là một cô gái ê lệ dịu dàng, mặt không hất cao, đến cả nụ cười mỉm cũng vương nét thẹn thùng.
Đúng là một cô bé đáng yêu ngoan ngoãn, tiếc rằng lại có một người cha thế nọ một người thầy thế kia. Nghĩ đến gốc gác của Ngọc Tỷ, Hoàng thái hậu lại cảm thấy cái điệu chẳng sai sót mảy may này càng thể hiện rằng nàng là một người đầy gian trá. Dẹp tiếng than lòng, cất giọng: “Sau này đã là người một nhà, nên gần gũi hơn.”
•••••
Tam Nương là con ruột của Thục phi, đã có chồng, tuy công chúa triều này vốn mềm mỏng dịu dàng, nhưng cô ta lại bạo dạn bước đến kéo Ngọc Tỷ: “Mau sang đây nào.” Ngọc Tỷ vẫn thẹn thùng dõi theo Hoàng thái hậu, đôi mắt tựa làn nước thu êm dịu lướt qua, sóng nước mênh mang khiến người ta chìm đắm. Hoàng thái hậu gật đầu, nàng lại nhìn sang Thân thị, Thân thị cũng gật đầu, đoạn đẩy Lục Tỷ Thất Tỷ ra: “Mấy đứa trẻ các con ra trò chuyện cùng nhau đi, cố mà học phong thái thục nữ của Tam Nương đấy.” Rồi chê Thất Tỷ khờ.
Trần thị, cháu gái của Hoàng hậu vẫn thích váy vàng hạnh như trước, cô chừng mười lăm mười sáu, đứng hàng thứ hai trong nhà, hỏi Ngọc Tỷ: “Nghe nói Tô tiên sinh hồi còn ở phủ đã từng là thầy của Cửu Nương? Tô tiên sinh là chuyên gia thư pháp đương thời, Ngọc Tỷ có thể viết vài chữ không, để bọn ta được mở rộng tầm mắt?” Trần thị có một người em họ thích váy đỏ, cũng tầm tầm tuổi này, khéo cái cũng đứng hàng thứ hai, bèn đưa mắt liếc cô ta, cười bảo: “Tỷ bắt nạt người ta mới đến lần đầu, ngượng ngùng thế này sao mà tiện? Hay là mỗi người viết một bức, đỡ phải mang ý ức hiếp người mới.”
Chuyện là các cô đều đã đọc kha khá sách, lại thêm bút pháp của Phương thị là đẹp nhất, ấy mới nghĩ ra trò này.
Hoàng thái hậu hỏi: “Mấy đứa đang nói gì thế?” Tề vương phi thưa ngay: “Bọn nó đang muốn viết chữ với nhau.” Hoàng thái hậu bèn bảo muốn xem, sai người trải giấy mài mực.
Ngọc Tỷ vẫn cầm khăn tay mỉm cười, giọng vừa trong vừa nhẹ, song mọi người đều có thể nghe rõ: “Nào dám bêu xấu?” Lục Tỷ nghe mà muốn cười luôn, tuy thường ngày Ngọc Tỷ cũng lễ phép đoan trang, nhưng không e thẹn kiểu này. Với cả bản lãnh của Ngọc Tỷ, Lục Tỷ còn chưa rõ chắc? Nếu nàng cố ý nhái nét chữ của Tô tiên sinh thì đến cả Lục Tỷ và Lệ Ngọc Đường cũng không thể nhận ra, trong nhà chỉ có Cửu Ca phân biệt nổi.
Các cô gái nhường nhau một hồi, lại để Phương thị viết trước, đẩy Ngọc Tỷ ra viết thứ hai. Tuy Phương thị không có thầy là danh gia, nhưng đã từng mô phỏng thiệp của danh gia, nét chữ cũng không đến nỗi nào. Ngọc Tỷ thấy cô ta hạ bút vững vàng, cổ tay chắc chắn, xem ra cũng đã từng khổ luyện, rồi nhìn chữ viết, không tệ, thực cũng thuộc loại ưu trong số các tiểu thư khuê các. Nói một câu bất hiếu thì, viết còn đẹp hơn Hồng Khiêm vài phần. Nhưng Ngọc Tỷ ngắm chữ của thầy Tô nhiều rồi, không cảm thấy kinh ngạc nữa, sau đó đến phiên nàng.
Ngọc Tỷ áng chừng thế cục trước mắt đã biết nếu đây không phải Hồng Môn yến thì cũng là trận ra roi phủ đầu. Ví như Hoàng thái hậu tỏ rõ ý muốn kiểm tra thì còn quang minh chính đại được một chút, chứ đằng này lại có vẻ gian trá. Không phải Ngọc Tỷ khinh thường cách này, nếu là người khác, hẳn sẽ bại dưới tay Phương thị. Đến cả nàng, nếu bình luận viên có lòng thiên vị thì với tôn chỉ “văn không hạng nhất” xưa nay, cứ khăng khăng bảo nàng không bằng Phương thị, thì biết cãi làm sao? Nàng biết hôm nay không thể giả nai rồi, nếu tỏ ra yếu thế, chưa kể sẽ khiến cha và thầy mất mặt mà sau này gả cho Cửu Ca mình cũng chả thể ngóc đầu giữa đám thân thích ấy chứ?
Từ lúc biết Hồng Khiêm tấu cấm ăn lộc thai, Ngọc Tỷ đã rõ mình sẽ phải trải qua một màn này, đã chuẩn bị sẵn tâm lý, kế đã định, lòng đã vững thì chẳng còn gì đáng sợ. Cổ tay trắng nõn khe khẽ nhấc lên, hạ bút như thần, lời rằng “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn.*“
[*Không đạm bạc thì không thể có trí tuệ sáng suốt, không yên tĩnh thì không có chí vươn xa. – Lời dạy con của Khổng Minh.]
Trước giờ, chuyện nhận xét bình phẩm thường không có tiêu chuẩn nhất định, chỉ cần có một ví dụ để so sánh thì cứ thế phân cao thấp thôi. Mọi người chưa kịp nói gì, ngoài kia lại có hoạn quan vào truyền bẩm, rằng thái phu nhân Tế Nam và Nghĩa An hầu cùng cầu kiến. Hai nhà đều là huân quý buổi đầu lập quốc, dẫu có là Hoàng thái hậu cũng chẳng thể không tiếp. Dù biết lý do họ đến, bà cũng chỉ đành sai người tuyên vào.
Hàn thị, Vu thị theo hầu mẹ chồng, quét mắt nhìn sang, thấy Ngọc Tỷ vẫn xinh đẹp đứng đấy, có lẽ chưa thiệt thòi gì mới an tâm hơn. Bốn người họ vừa đến, Hoàng thái hậu không tiện thiên vị quá nhiều. Với cả chữ của Ngọc Tỷ rõ ràng đẹp hơn Phương thị, thái phu nhân Tế Nam hầu khen: “Viết đẹp như thế, tôi đây hẳn phải xin nương nương một bức đem về cho đám con cháu trong nhà học hỏi tiểu thư thiếu nữ người ta, ôi sao lại giỏi giang như thế.” Thái phu nhân Nghĩa An hầu lại đòi thêm bức nữa. Hoàng thái hậu đành phán Ngọc Tỷ về nhất, thưởng đôi vòng ngọc.
Ngọc Tỷ hãy còn khiêm tốn: “Tiên sinh trung thành chính trực, cương nghị một lòng, ấy là thứ mà phận gái thì thiếp đây không tài nào sánh nổi, nương nương tán chữ, thiếp thực không dám nhận. Nếu nói trong chữ có cốt cách, thì ngay đến cha, thiếp cũng không bằng.” Đoạn đưa mắt nhìn Hoàng thái hậu. Ánh mắt thế mà lại vương nét giễu nhại!
Vốn lòng che chở của hai vị thái phu nhân đã khiến Hoàng thái hậu khó chịu, càng muốn khiến Ngọc Tỷ lộ ra chỗ chưa tốt. Lại thấy nàng đã ngón nào cũng giỏi mà còn vờ ngượng, đúng là ngoài thì thật thà trong thì gian ngoan! Giờ lại còn dám cợt nhả! Hoàng thái hậu càng muốn dạy dỗ Ngọc Tỷ, phải bới cho ra khuyết điểm của nàng. Trần Nhị Tỷ áo vàng đòi thi vẽ, lại cũng thua kém.
Qua chuyện này mới xác nhận được tài văn của Ngọc Tỷ xứng thực với cái danh học trò Tô Trường Trinh, đến cả võ nghệ, đám con gái thường không chú trọng món này. Còn phần may vá, Giang Châu là nơi nào chứ? Thêu thùa cứ phải gọi là nức tiếng thiên hạ. Ca múa đàn thì không tiện thẳng thừng, Hoàng thái hậu đảo mắt, cười bảo: “Ngắm các cô bé này, ta như thấy lòng mình trẻ lại.” Đoạn hỏi Ngọc Tỷ: “Trước chưa từng gặp con, có biết chơi bài không?”
Thất Tỷ ngây thơ đáp hộ: “Hồi còn ở Giang Châu đã được mẹ con dạy, đặng về còn tiện bốc bài hầu bà nội, giải sầu cùng các bà.”
Hoàng thái hậu bèn lệnh bày bàn đánh bài, Ngọc Tỷ cứ nhún nhường mãi: “Thiếp chỉ biết sơ thôi.” Rồi đưa mắt e dè nhìn Thân thị, đoạn trông sang hai vị thái phu nhân. Nàng càng chắc mẩm đây là đòn ra oai phủ đầu, tuy không thẳng mặt, song vẫn muốn thừa cơ mỉa mai cha và thầy mình. Tề vương phi cười luôn: “Ở đây ai dám khoe mình gì giỏi món này chứ? Chơi cùng cho vui thôi mà.”
Hàn thị lấy làm bực tức, ai chả biết hễ cứ rỗi rãi là đám các bà các mợ trong cung sẽ chơi mấy trò này, cung sâu quạnh quẽ, năm dài tháng rộng, ai khác thì chưa rõ, nhưng Thục phi là nhà nghề trong số. Nghe con dâu mình kể lại, cô Tề vương phi này được chân truyền từ mẹ chồng, Ngọc Tỷ bao tuổi chứ? Chưa kể còn đang ngại. Con bé mới bây lớn, nào có chuyện trăm món rành rẽ? Chắc phần nhiều là lấy bên này đắp bên kia thôi.
Lỗ vương phi nói: “Đã thế, chi bằng chơi song lục?”
Ngọc Tỷ có một người cha ruột ngũ độc tinh thông như Hồng Khiêm, hồi bé lại hay dạo phố thị cùng Hồng Khiêm, thành ra điêu luyện vài trò. Thắng liên tiếp hai cô Trần thị, lại đấu cờ tướng với Phương thị, cũng thắng. Tam Nương thấy thú vị, muốn đọ xem ai giải cửu liên hoàn nhanh hơn, vẫn thua Ngọc Tỷ.
Ngọc Tỷ vẫn cười thẹn, đoạn cười nhìn Hoàng thái hậu. Hoàng thái hậu đón ánh mắt ấy lại càng nóng hơn. Dẫu sao trong lòng vẫn e dè, không dám gọi thẳng người lôi nàng ra ngoài đập một trận. Hai vị thái phu nhân và Thân thị cũng lờ mờ nhận ra điều không ổn, lý do à, liên tưởng đến Hồng Khiêm và Tô Chính, thì còn không hiểu nữa mới lạ?
Cuối cùng bày bàn đánh bài thật, lần này Ngọc Tỷ lại thấy khó xử, khẽ duỗi tay. Hoàng thái hậu cười bảo: “Cứ chơi bừa thôi.” Ngọc Tỷ thưa: “Chơi bời cả nửa ngày, hãy còn chưa hầu bề trên, vô lễ quá.” Ngọc Tỷ mới đánh bại tất cả mà mặt mày vẫn thoáng vẻ thẹn thùng, lại như cười như không đưa mắt nhìn sang Hoàng thái hậu, ý giễu nhại đáy mắt, bà thấy rành rành!
Hoàng thái hậu bèn bảo: “Thế cháu cứ chơi cùng ta đi.” Đoạn gọi Hoàng hậu, Thục phi và cả Ngọc Tỷ, đánh mạt chược. Bà ta không tự chơi mà sai cung nữ xếp bài cho mình, Hoàng hậu lệnh Lỗ vương phi, Thục phi gọi Tề vương phi. Ba mặt, Hoàng thái hậu ngồi hướng đông, cung nữ ngồi cùng bà, Hoàng hậu ngồi hướng nam cùng Lỗ vương phi, Thục phi ngồi hướng tây, Tề vương phi bầu bạn, chỉ mỗi mình Ngọc Tỷ ngồi mặt bắc. Hai vị thái phu nhân và Thân thị muốn tiến đến, Ngọc Tỷ ngoái đầu lắc nhẹ tay, khẽ hé môi mọng, cất giọng dịu dàng: “Không cần đâu ạ.” Hoàng thái hậu càng được dịp gai mắt.
Trần Nhị Tỷ áo đỏ nói ngay: “Cửu Nương phải cược món quý đấy nhé. Không thể cứ khơi khơi nhận quà của điện Từ Thọ đâu.”
Ngọc Tỷ đáp: “Những món nương nương ban tặng, ta không dám đem ra cược, ấy là bất kính, với cả, cần gì phải hơn thua nhau như thế? Cược nhỏ làm vui, cược to hại mình. Thôi thì chọn vài món nhẹ nhàng. Nếu ta thua thì trước đó xem như không công. Còn mà thắng thì cũng phải có quà gì đấy để đem về khoe cha mẹ, thiết nghĩ nương nương sẽ không hẹp hòi. Đồ đã vào tay ta thì không rời-đi-đâu-được-nữa-hết.”
Hoàng thái hậu ngồi bên tay phải nàng, lại bị cái nhìn ấy khiến sởn cả da gà. Bèn sai mang vàng bạc đến, vàng bạc trong cung được đúc thành thỏi để tặng thưởng, đôi khi cũng dùng để đặt cược. Nhác thấy tám hoạn quan lực lưỡng bước đến, mỗi hai người cầm một chiếc khay gỗ chắc cực nặng, mỗi khay hai thước vuông, bên trên đầy những thỏi vàng đúc nhỏ, vàng vừa ít tạp chất vừa nặng, một thỏi vàng hai lượng chỉ dùng hai ngón tay đã có thể nhón lên, nhưng khi cầm lại phải tốn sức.
Ngọc Tỷ cười bảo: “Thiếp lại không mang thứ này.” Tháo đôi xuyến vàng trên tay ra, nhẹ nhàng đặt cạnh tay mình. Ngạo nghễ như thế, đến cả Thân thị cũng cảm thấy ngạc nhiên.
Nào ngờ bấy giờ Quan gia lại đến, Ngài bị Tô tiên sinh ép phải sang cứu sư muội mình.
•••••
Các bà các cô cuống quýt náu mình, Ngọc Tỷ cũng nhón đôi xuyến vàng, tránh đi. Quan gia hỏi đang làm gì, Hoàng thái hậu đáp: “Ngồi chuyện phiếm cùng nhau ấy mà, Quan gia đến đây làm gì? Tiền triều rỗi rãi?” Quan gia cười gượng: “Nhớ nương nương nên đến thăm.”
Hoàng thái hậu bảo: “Bọn ta đang chơi cả nhau, con lại đến thăm à.” Quan gia trông thấy đống vàng thỏi, buông lời: “Nương nương đem cả nửa kho quỹ ra đây rồi.” Hoàng thái hậu lạnh mặt, trách Ngài đến quấy quả. Quan gia gia vẫn sợ bà, quýnh quáng tránh đi: “Nương nương chơi đi ạ, ta muốn xem, thường ngày không sờ vào, hơi nhớ rồi.”
Hoàng thái hậu nói: “Đàn bà con gái cả, con xía vào làm gì?” Quan gia bèn kê ghế ngồi đàng xa, mồm đáp: “Ta chỉ xem thôi mà, đều là thân thích, kiêng cử làm gì?” Hoàng thái hậu lại bắt đầu gom bài.
Ván đầu Hoàng thái hậu làm cái, chờ ai nấy xào bài xong, bà sai cung nữ ném súc sắc thay. Cung nữ này quen tay thạo việc, lúc xào bài bấm vào quân mình cần, nhớ rõ vị trí đặt, ném súc sắc thì có đến sáu bảy phần sẽ ra số mà ả muốn, khi ấy khui bài thắng ngay là được. Đảo tay khi nhanh khi chậm, xếp bài xong, có đến tám quân cần khi ù. Ngọc Tỷ tay trái cầm khăn chống má, mắt nhìn viên súc sắc, ra vẻ trông đợi. Tay trái lại bất cẩn va vào mép dưới bàn, khéo thay lại khiến súc sắc không ngừng ở con số mà ả nọ muốn. —– Ngọc Tỷ sao có thể không nhận ra mánh lới của ả?
Sau đó là chia bài, ba người trước mỗi người đánh một quân thí, đến phiên Ngọc Tỷ, nàng bốc rồi khui bài ù luôn, là nước địa hòa. Ba nhà thua. Sau đó đến phiên Hoàng hậu làm cái, lần này không phải địa hòa nữa, qua hai lượt bốc bài, nàng lại thắng bằng nước hoa hòa. Đến lượt Thục phi, nàng hòa một ván. Phiên mình, bốc bài không đánh, nhìn này nhìn nọ rồi khui luôn, nước thiên hòa.
Thiên hòa là nước nhà cái vừa bốc hết bài là khui luôn, tiền cược ba nhà còn lại đều cống cho nhà cái. Tính ra thì dù có thông thạo bài bạc đến đâu đi nữa, nếu bàn ngón nghề mánh lới, ả cung nữ và hai vị vương phi nọ sao đọ nổi với gã con ông cháu cha món nào cũng toàn vẹn? Ả cung nữ biết xếp bài, tay Ngọc Tỷ lại nhanh hơn ả, lúc Ngọc Tỷ làm cái, mánh lới cung nữ không đủ tinh, phá đám không nổi.
Sau đó đếm thử, cả khay vàng thỏi kia hơn năm ngàn lượng, Ngọc Tỷ che miệng trợn mắt nhìn Hoàng thái hậu: “Vậy sao được ạ? Nhiều như thế, sao có thể nhận cả? Nếu dọn sạch một nửa gia tài của nương nương, chỉ e khiến nương nương đau lòng. Thiếp chỉ xin một thỏi làm quà đặng về nhà khoe với gia đình, mở mang tầm mắt là được.” Đoạn nhón lấy một thỏi, cho vào tay áo. Nàng vừa nói vừa cười khanh khách, tựa như con cháu thân thiết làm nũng với bề trên, nhưng hai người nào có gần gũi như vậy?
Hoàng thái hậu giận dữ: “Tý vàng này ta vẫn thua được, chẳng đến nước nợ nần cháu đâu.” Quan gia đàng xa hùa vào: “Đúng đấy đúng đấy!” Hoàng thái hậu sắp bộc phát, trừng mắt lườm Quan gia, nhác thấy người đứng cạnh Ngài mới dằn cơn giận xuống, mọi người biết tại sao không? Xưa nay bên người Đế vương, trái là sử quan ghi lời, phải là sử quan chép việc, Quan gia đến thỉnh an Hoàng thái hậu tỏ lòng hiếu thảo là chuyện lớn, sao có thể không đùm đám kéo theo chép lại sự mẹ hiền con thảo này? Hôm nay vừa khéo có thể chép cả việc Hoàng thái hậu chơi bài thua nợ.
Ngọc Tỷ dịu dàng cười nhận năm ngàn lượng vàng hơn, lại không quên ghi sổ trước khi xuất cung, đỡ sau này lại không giải thích rõ được!
Đến lúc cáo từ xuất cung, lại vô tình bỏ sư huynh Quan gia lại chỗ Hoàng thái hậu, tới trước cửa cung thấy nữ quyến hai họ hầu gia đều lộ vẻ lo lắng, mới sửa áo xống vái một cái: “Xin yên lòng, mọi sự bình an.” Thân thị sai xe đến chở con dâu, con gái và vàng về, nhìn vàng lại sầu muộn: “Con từ bấy là một đứa trẻ biết chừng mực, hôm nay sao lại đắc tội với nương nương thế này?”
Ngọc Tỷ thở dài: “Thím biết mà, gia đình con sớm đã đắc tội với hai cung rồi. Hôm nay đến đây, hung hiểm nhường nào? Không làm thế này, nhỡ bị họ bắt chẹt, con sẽ thành trò cười mất. Đến cả thím, cũng sẽ không thể chẳng bị miệng đời dèm pha rằng có một đứa con dâu hèn kém, mặt mũi Cửu Ca biết giấu vào đâu? Song liên lụy đến gia đình thím, con thật rất áy náy, đến lúc nước sôi lửa bỏng, thím cứ giũ sạch quan hệ đi ạ, đặng con đỡ băn khoăn trong dạ…”
Thân thị vội bịt miệng nàng lại, đáp: “Nhà ta không vô lương tâm như vậy. Dù có chuyện gì xảy ra, cũng sẽ không đổ lên đầu con.” Với cái nết ngay thẳng của Tô tiên sinh, Thái tử buổi sinh thời bị coi nhẹ lại chết không minh bạch, sao thầy có thể bỏ qua không tra hỏi? Mà đã hỏi, thì chẳng không đẻ thêm chuyện ra? Đã cậy nhờ cái danh Tô Chính, thì phải nhận lấy hệ lụy phía sau nó. Thật đúng là nhân quả tuần hoàn. Thân thị suy xét, dù Hồng Khiêm không ra mặt thì Lệ Ngọc Đường cũng không thoát nổi rầy rà, đằng nào chẳng dây vào?
Ngọc Tỷ nói khẽ: “Quan gia mới là chủ của thiên hạ, dạo gần đây tố ngoại thích, có bao kẻ gặp rắc rối?” Dứt lời ngồi thẳng dậy. Thân thị ngẫm một hồi, đoạn đáp: “Những chuyện to tát ấy, một chốc một lát ta không hiểu cặn kẽ nổi, con rõ là được.” Bà nghĩ Ngọc Tỷ là con Hồng Khiêm, Hồng Khiêm vốn nhìn xa trông rộng, có khi đã dự trước chuyện ngày hôm nay.
Lại chẳng hay Ngọc Tỷ tự có chính kiến, muốn bảo vệ cha và thầy Tô. Hiểu rõ, Quan gia chỉ còn ba đứa con trai, Triệu vương tàn tật, Thái tử đã định sẵn sẽ là con Hoàng hậu hoặc Thục phi, tân quân hẳn phải chọn một trong hai vương Tề, Lỗ, ấy cũng là lý do Hoàng thái hậu dám rêu rao rằng mạng Triệu vương không tốt. Nàng biết tính thầy chính trực, dẫu không thể tra sâu tra tận, cũng phải tìm cho ra đúng sai phải trái, ít nhất cũng phải… biết được ai có tội ai không, phế truất tội đồ, kẻ vô tội mới có thể đường hoàng trở thành Đông cung chánh vị.
Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, Hoàng thái hậu cũng sẽ không ngã ngựa, Quan gia chẳng có cái chí ấy, nào dám tuyên rằng “Chưa xuống suối vàng, chẳng gặp mặt”*, cho nên sau này dù ai trong hai vị Tề Lỗ thượng tọa Đông cung, Hoàng thái hậu cũng sẽ đổ cơn giận hủy hoại thanh danh nhà họ Trần lên đầu thầy Tô cả. Tân quân đăng cơ hẳn sẽ hàm ơn bọn thầy Tô, nhưng trong khoảng thời gian Hoàng thái hậu còn sống, mọi người vẫn sẽ phải trắc trở.
[*Điển cố trong Tả truyện, nôm na chỉ mẹ con vua hận thề không nhìn mặt nhau đến cuối đời.]
Bèn muốn đứng ra đối đầu với Hoàng thái hậu để Tô tiên sinh tránh được kiếp bị cưỡng chế rời kinh, tốt nhất là mình có thể cho thầy một chốn an thân, tỉ như biếu thầy một tòa thư viện. Ngọc Tỷ vốn muốn thuyết phục Hồng Khiêm gom khoản tiền này, dù có phải bán của bán nả, cũng phải xây một tòa thư viện để thầy dạy học ở ngoại ô, đặng tiện việc gom sĩ tử trong thiên hạ về làm học trò, đến lúc đó, nếu Hoàng thái hậu không muốn bản thân để lại tiếng xấu muôn đời thì sẽ không dám đụng vào một cọng lông của thầy Tô. Bằng không sẽ trở thành căn nguyên củahọa đảng cố* —– Ấy không phải cái tiếng mà ai cũng dám gánh.
[*Thời Đông Hán, quan lại chuyên quyền, các thế gia đại tộc liên kết với thái học sinh công kích chuyện triều chính.]
Hôm nay Hoàng thái hậu khéo lại tự đưa mình tới cửa tranh thầu, nàng đương nhiên vui vẻ nhận. Ngọc Tỷ cầm tiền thắng về xây thư viện, nhỡ có tin đồn thì cũng chỉ đồn nàng rộng rãi hào hiệp, như Thái Bạch đã viết “Nghìn vàng tiêu hết rồi có thôi”*, còn Hoàng thái hậu chỉ còn nước làm đá kê chân cho nàng và thầy.
[*Trích Tương tiến tửu của Lý Bạch (tự Thái Bạch).]
Thân thị đưa nàng về nhà họ Hồng, mấy khay vàng cũng về đến. Tú Anh nhìn mà hoa mắt: “Mẹ sống cả đời rồi mà chưa bao giờ trông thấy nhiều vàng đến vậy, ở đâu ra thế?”
Ngọc Tỷ cười thưa: “Hoàng thái hậu thích con, cố tình thua để thưởng đấy.” Thân thị dở khóc dở cười, vỗ nàng một cái: “Con thì gan rồi, bọn ta suýt nữa thõng cả tim.” Tú Anh vội hỏi đầu đuôi câu chuyện, Thân thị kể xong, Tú Anh nghe bảo Hoàng thái hậu muốn làm khó con gái mình thì giận lắm, đến đoạn cuối lại bật cười: “Nó hệt cha mình, không thích chịu thiệt đâu.” Thân thị hỏi: “Không sao thật à?” Ngọc Tỷ chen vào đáp: “Con đã tính hết thật rồi, chỉ chờ bàn xong với cha sẽ nói rõ.” Thân thị không hỏi nữa.
Ngọc Tỷ lại bảo: “Mấy năm nay thường lễ Phật cầu nguyện, lại có duyên với Phật, hôm nay được vàng, vừa khéo có thể đắp vàng Bồ Tát. Thím… giúp con một tay không ạ? Có làm thì cả hai nhà cùng làm…” Đắp vàng không phải nung lỏng vàng rồi đúc, mà là đem vàng dát lớp ngoài tượng Phật, nghiền vàng thành lá dát kỹ, đỡ tốn tiền hơn, Ngọc Tỷ bỏ ra năm mươi lượng, Thân thị hiểu ý cũng hứa sẽ góp năm mươi lượng thay Cửu Ca.
Ngọc Tỷ lại để riêng một trăm lượng vàng biếu Tô phu nhân: “Tần tảo bao nhiêu năm nay, tiên sinh lại thanh liêm, phu nhân bệnh, vừa khéo biếu chút của mọn an lòng.” Đòi đích thân đến nhà thăm. Thân thị thấy nàng đã tính sẵn đâu ra đấy, cho rằng Hồng Khiêm có dự trước thật, cũng yên tâm. Trước giờ dù thông minh thì phụ nữ vẫn phải dựa dẫm vào đàn ông, suy nghĩ của Thân thị cũng chẳng ngoại lệ, an lòng về nhà: “Ta cũng chuẩn bị vàng đây, mai sáng chúng ta cùng đến chùa Đại Tướng Quốc.” Ngọc Tỷ tiễn bà ra cửa.
Hồng Khiêm sang, Ngọc Tỷ thuật lại đầu đuôi, ngỏ ý xây thư viện. Hồng Khiêm chắp tay trước trán: “Rõ!” Ngọc Tỷ mời Hồng Khiêm cùng sang phủ thầy Tô. Thế mà lại gặp Thanh Tịnh đạo nhân ở đấy, chuyện là vị đạo nhân này theo dòng Đan Đỉnh song không dám luyện thuốc trong cung, tay nghề giỏi không có chỗ xài, nghe tin Tô phu nhân bệnh mà ngự y chữa không khỏi, bèn mạnh dạn đứng ra xin được đến khám.
Thầy Tô tuy gia trưởng nhưng cũng cảm thấy có lỗi với vợ mình, dù lão là đạo nhân hay lui tới điện Từ Thọ, thầy cũng cho vào nhà. Phán rằng Tô phu nhân mệt nhọc là thật, nhưng thực chất còn có tâm bệnh. Tô tiên sinh quấn vợ hỏi, bà lại không nói. Đến tận khi cha con họ Hồng tới, Thanh Tịnh đạo nhân thấy cả hai vợ chồng thầy có khách, bèn xin lui ra, tránh quấy rầy. Vừa khéo chạm mặt Ngọc Tỷ.
Hồng Khiêm nói chuyện với Tô tiên sinh, Ngọc Tỷ thì sang thưa với Tô phu nhân, thuật lại đầu đuôi xong, bà Tô chợt thấy nhẹ nhõm hẳn —– Đúng là bà đang lo cho cái tính của thầy Tô, sợ thầy đối đầu với Hoàng thái hậu, rồi chịu giày vò. Nhưng biết tính tình của thầy, cản không nổi, chỉ đành lo suông. Giờ đây Ngọc Tỷ chuẩn bị sẵn đường lui cho thầy, bà Tô bay biến tâm sự, nhẹ lòng hơn hẳn.
Tô tiên sinh nghe Hồng Khiêm thuật lại tất cả, rầy Ngọc Tỷ: “Làm liều! Thủ đoạn của Hoàng thái hậu, nó nhẽ nào không biết? Lần này chỉ do nó may mắn, lần sau, chưa chắc đã được thế đâu.” Hồng Khiêm cười bảo: “Bà ta dám thì cứ để bà ta chịu thiệt thêm thôi. Bà ta cũng chỉ dựa vào cái gọi là danh phận, tôi thì nắm ‘nghĩa lớn’, xem thử mèo nào cắn mỉu nào. Thầy có bằng lòng bảo vệ Ngọc Tỷ không? Truyền cái tiếng tôn sư trọng đạo hàm ơn tất báo của con bé ra?”
Tô tiên sinh bảo: “Rốt thì ai bảo vệ ai chứ?” Song cũng động lòng, không phải vì bản thân mà là do cái nghĩa giảng dạy, nhận thêm vài học trò, vừa khéo có thể khiến thế gian nhiều hơn vài phần chính trực liêm khiết. Hồng Khiêm cười nói: “Vậy tôi đi lo mua đất, mua gạch ngói gỗ đá đây. Về phần học trò, nên sơm sớm đồn người đồn ta, ấy mới dễ kiếm.” Thầy Tô đồng ý.
Mấy hôm sau, đầu đuôi câu chuyện bắt đầu lan truyền trong kinh. Tiếng tăm của cha con Hồng Khiêm càng tốt đẹp hơn, danh tài thầy Tô càng nổi hơn. Hồng Khiêm suông sẻ mua đất và vật liệu, thư viện chưa xây xong đã có rất nhiều học trò và cha học trò đưa thiệp đến nhà, xin được vào học.
Tú Anh bèn bảo nhà mình: “Vậy Kim Ca chẳng cũng có thể —–“
•••••
Hoàng thái hậu nghe tin, đúng là quê quá hóa khùng. Chuyến này bà giở ngón đàn bà ra, không phải do tầm nhìn hạn hẹp, tuy bị giam trong thâm cung nhưng có thể đưa một đứa con trai không phải ruột thịt của mình lên ngôi, rồi cho hai đứa cháu gái vào cung thành một hậu một phi, lại còn khiến cháu Quan gia không dám nói “không” trước mặt mình, Hoàng thái hậu chả phải dạng dễ ăn. Ấy chẳng qua chỉ do mấy chục năm nay bà quá thuận lợi suông sẻ, không khỏi lười nhác, bực mình chuyện mấy hôm trước thôi. Trong số chuyện bực mình, Hồng Khiêm là người khiến bà chướng mắt nhất.
Thái hậu triệu Ngọc Tỷ, chỉ muốn dạy một bài nho nhỏ, chưa phạt quỳ phạt đứng, cũng chẳng đánh mắng gì. Chỉ ngồi chơi cùng nhau, muốn khiến nàng bức rức khó chịu, để nàng dù khổ cũng khó thốt thành lời thôi. Hồng Khiêm thương đứa con gái này cực, bà ta muốn mượn cơ hội này nhắc nhở Hồng Khiêm, răn chàng bớt gây chuyện. Nào ngờ cả ngày bắt nhạn lại bị nhạn mổ cho mù mắt!
Giờ bà không tiếc mớ vàng nữa, lúc ấy chỉ thấy Hồng thị gian giảo, bịp tiền mình. Hôm nay bắt đầu nghĩ Hồng thị nào chỉ dùng hai chữ gian giảo là có thể hình dung nổi, ấy rõ ràng là cáo chín đuôi đã thành tinh! Tiếng tốt lại được hai hầu phủ bảo vệ, sao động được vào nó? Tô Trường Trinh phá núi lập phe, nó tuy phận gái nhưng đám trí thức vẫn phải công nhận nó là mạnh thường quân, càng đâu dám động nó nữa? Ngay cả Hồng Khiêm cũng không tiện rớ vào luôn.
Chưa rõ đám Tô Trường Trinh tính chuyện lập trữ thế nào, Hoàng thái hậu lúng túng cực. Qua vụ anh em tranh nhau thời Tiên đế, bà không tin hai đứa Tề, Lỗ sẽ hòa thuận với nhau được. Lúc Thái tử còn sống, chúng có thể hợp tác với nhau, còn như bây giờ, không đập lộn trước mặt đã là quá giỏi rồi.
Hoàng thái hậu vốn cho rằng còn phải rầy rà khá lâu, nào ngờ Hồng Khiêm lại dâng tấu, tố rằng hơn mười năm trước, Đoàn Hựu “giết sạch trăm họ, đổ tiếng giặc cỏ, hòng giành quân công”, cấp trên bấy giờ của Đoàn Hựu là em trai Trần Kỳ của Hoàng hậu, nên tố luôn cả Trần Kỳ.
Ấy là chuyện cũ đã ngót nghét hai mươi năm, thiên tai phủ Bắc Định, trong đám nạn dân có một số người giở ngón phạm pháp, triều đình thi hành chính sách vừa đánh diệt vừa an ủi, nhiệm vụ này đối với quan văn thì khó, nhưng với quan võ thì nó nhẹ nhàng hơn đánh giết giặc ngoài nhiều. Chẳng ai muốn vươn lên mà không nhân cơ hội này tranh công. Anh trai Hoàng hậu thì còn có tước hầu là do triều đình ban cho ngoại thích, về phần em trai, đành phải tự giành công giành cán. Lại gặp Đoàn Hựu khi ấy đang rèn luyện bên ngoài, vừa khéo trời kết duyên oan.