Nữ Hộ

Chương 67: Gặp nhau


Đọc truyện Nữ Hộ – Chương 67: Gặp nhau

“THẰNG TRỜI ĐÁNH NÀY! MÀY CŨNG CÒN BIẾT QUAY LẠI, TAO TƯỞNG MÀY CHẾT NGẤT ĐÂU NGOÀI ĐƯỜNG RỒI!”

Tô Chính không chịu nổi đám đạo sĩ “suốt ngày chỉ biết vẽ bùa đuổi yêu” nhưng cũng chỉ trục xuất mà thôi, chưa từng bức bách hạch Chân Nhất tội “phỉ báng hoàng tử, chia rẽ máu mủ nhà Trời”. Hoàng thái hậu Trần thị vì muốn triệu Chân Nhất về mà không tiếc nằm lì trên giường, sau khi Thanh Tịnh đạo nhân vào cung cũng chỉ đỡ ngực ngồi dậy, song vẫn không chịu sinh hoạt như thường ngày. Cả Lỗ vương và Tề vương đều mong sao Quan gia lập tức sắc phong mình làm Thái tử nhưng phải cố dằn xuống, trái lại năng đến phủ Triệu vương hơn, an ủi anh em. Triệu vương đương nhiên đóng cửa không ra ngoài, chỉ vùi đầu ngủ, hoặc ngẩn ngơ ngồi ngắm quà Thái tử tặng.

Quán trọ, chùa chiềng, đạo quán, tiệm trà hàng rượu khắp kinh đầy tràn đám trí thức chau chuốt chữ nghĩa, mặc áo dài cầm quạt giấy, dùng văn kết bạn. Phủ nhà của nhiều quan to danh sĩ nhận được đủ thứ danh thiếp văn thơ thư họa, đủ để làm mồi củi. Trong kinh, cứ hễ gia đình nào có con gái đều xắn tay áo lên, chọn trong đám gia đinh kẻ trung thành đáng tin, lực lưỡng mạnh mẽ rồi may áo mới cho chúng, lại điểm trang cho con gái, cháu gái mình lộng lẫy đường hoàng, thu vén của hồi môn.

Tình này cảnh này, phàm là người đã ngụ vài năm trong kinh đều biết, sắp đến kỳ thi rồi.

Vì kỳ thi này mà Quan gia có cơ hội nghỉ xả hơi, đến cung Hoàng thái hậu thăm hỏi xong bèn vin cớ chính vụ bận rộn không vào hậu cung nữa, rỗi rãi tự do vài ngày. Người thì thoải mái nhưng Hoàng thái hậu và Hoàng hậu, Thục phi đều không thư giãn nổi, là do dạo gần đây Quan gia chẳng gặp riêng thằng con nào, chỉ quấn quýt Tô tiên sinh. Hoàng thái hậu tức nỗi thầm mắng mình tính sai, không dưng lại vời Tô Chính về làm gì? Muốn đuổi thầy đi tiếp, đã lực bất tòng tâm. Lần này Quan gia đã quyết tâm giữ chặt lấy Tô Trường Trinh, không những ban tước mà còn bái làm đại học sĩ điện các, hầu giảng, vân vân. Lại có đám Lương Túc bênh vực không ngớt, sĩ tử cả thành đều kính ngưỡng thầy. Hoàng thái hậu đành ngậm bồ hòn làm ngọt, vả lại, đây cũng là vì tân Thái tử. Nhưng tân Thái tử là ai? Chẳng người hay biết.

Tô tiên sinh không quan tâm đến mấy chuyện này, từ lúc quay về, thầy không gặp Quan gia thì cũng tiếp cố nhân. Đầu tiên là bạn cũ. Lương Túc thuật lại những thay đổi trong triều mười mấy năm nay, phần lớn người quen đã thăng hoặc giáng chức, đã mất hoặc đang chịu đại tang. Trước kia Tô tiên sinh từng chấp chưởng Ngự Sử Đài, năm ấy dưới tay thầy có một tiểu ngự sử họ Chung tên Thận, hôm nay đã lên thay chỗ thầy, giờ đến thăm cấp trên cũ, kể thầy nghe chuyện gần đây Ngự Sử Đài muốn hạch tội Chân Nhất đạo nhân vân vân.

Lại có các học trò, tế tửu, bác sĩ từ Quốc Tử Giám, Thái Học kính ngưỡng tên tuổi thầy đã từng gặp trước kia. Thầy Tô từng làm tế tửu vài năm ở Thái Học, cũng có rất nhiều học trò, giờ đây không ít người đã làm quan trong kinh. Thầy về, đương nhiên phải đến thăm đôi lần.

Thầy còn bận hơn cả những người đang phải sao y bài thi. Để tránh sơ xuất “trông mặt mà bắt hình dong”, sau khi Thiên triều thực hiện phương pháp Hồ Danh, bèn thêm một thủ tục. Chờ bài thi được sao y xong mới giao cho khảo quan phòng ấy đánh giá, xếp xong thứ hạng mới ghép phách, đem bài thi gốc ra. Để quan chủ khảo điểm danh đọc bài, nếu gặp chữ đẹp hoặc bài hợp ý, thứ hạng người nọ sẽ được tăng thêm một bậc.

Ngoài ra, quan chủ khảo còn một việc phải làm, ấy là phúc thẩm lại một lần những bài thi bị tước quyền tham gia, xem thử có “người tài bị bỏ sót” nào không. Chủ khảo khóa này là ông sui nhà Lương tướng, đại học sĩ điện Văn Hoa, thượng thư bộ Lễ Vu Kế, đỗ muộn hơn Lương Túc ba khóa, cũng là trạng nguyên. Ông xem lại bài thi đánh loại, chẳng thấy bài nào đáng để nhặt về. Lại chọn vài bài trong mớ viết tốt ra, sửa thứ hạng. Đừng nghĩ rằng đỗ hay rớt mới quan trọng, thực ra thứ hạng khi đỗ cũng quan trọng không kém, trên dưới một hạng có khi không phải là tiến sĩnữa, mà đã trở thành đồng tiến sĩ* rồi.

[*Theo thời Minh Thanh thì đỗ nhất giáp hoặc nhị giáp sẽ được thưởng danh tiến sĩ, còn tam giáp sẽ là đồng tiến sĩ.]

Vu Kế đang kéo bài thi xếp thứ hai mươi ba của một người tên Hồng Khiêm lên thứ tư, một vị khảo quan nói: “Bài thi của người này mạch lạc rõ ràng, có điều chữ viết hơi kém.” Vu Kế đáp: “Cần là cần những người trong lời có ý như vậy.” Khảo quan thầm nhủ, tôi cũng chẳng có thằng con nào muốn đỗ truyền lư*, ông muốn chọn ai thì thôi tôi mặc, dù gì ba người bảng một đều văn thơ thanh nhã, cũng tạm ổn rồi.

[*Người đứng đầu nhị giáp.]

Định xong tên tuổi, bèn gom bài thi lại trình lên Quan gia, Người bảo Lương Túc: “Chữ của truyền lư không đẹp được bằng thám hoa.” Lương Túc ấy mới đáp: “Vậy nên thám hoa mới là thám hoa, truyền lư mới là truyền lư.” Đoạn xin được đọc bài thi, xem xong bèn cười tấu: “Chữ tuy không bằng, lý lẽ lại hơn.” Quan gia có thầy là Tô Chính nhưng bản thân không phải người cực kỳ giỏi, nghe hai vị trạng nguyên cùng khẳng định thì hẳn là đúng thế.

Lập tức quyết định thứ hạng, yết bảng công cáo. Quân thần hai người bàn chuyện “truyền lư”, “thám hoa” thì cũng chỉ là hạng trên giấy, trước giờ đứng đầu là trạng nguyên, nhì là bảng nhãn, thứ ba thám hoa, hạng bốn truyền lư. Thực ra phải vào thi đình xong mới xếp lại lần nữa, khi ấy cái danh thám hoa, truyền lư mới gắn chặt vào người. Thi đình từ bấy hiếm khi nhằm mục đích đánh rớt ai, tổ chức chỉ là để phòng có người được thi thay trước đó hoặc gian lận này nọ, bắt buộc phải đọ sức ngay trước mặt Quan gia.

Vậy nên bảng vừa công cáo, ai đỗ ai rớt đều rõ cả. Tô Chính đương nhiên đã biết Hồng Khiêm đỗ, Lệ Ngọc Đường bên kia cũng vô cùng quan tâm, đã sai người đi dò bảng từ sớm, vừa dò đã mừng vui quá đỗi, tiếc nỗi không thể hét lên cho bàn dân thiên hạ cùng hay —– Cậu sui nhà ông đỗ rồi! Kéo bừa một gã trường tùy* đến: “Gọi Cửu Ca tới đây cho ta, bảo nó áo xống chỉnh tề, đến nhà cha vợ chúc mừng!”


 [*Tôi tớ chuyên theo hầu quan.]

Trường tùy không vội sang gọi Cửu Ca mà báo trước với Thân thị, Thân thị mắng Lệ Ngọc Đường vớ vẩn mãi thôi, đích thân đến khuyên: “Còn chưa thi đình mà mình đã phô trương quá như thế, chỉ lộ vẻ huênh hoang thôi.” Lệ Ngọc Đường nghe đoạn bình tĩnh lại, xoa tay bảo: “Chờ Quan gia đích thân đề hạng thì lại đến chúc mừng cậu sui sau.” Thân thị cười cong cả mắt: “Ái chà, thế này thì ổn rồi, mẹ chồng còn muốn gặp Cửu Nương một bận đấy.” Lệ Ngọc Đường đáp: “Mẹ hẳn sẽ thích Cửu Nương mà.”

Thân thị hỏi: “Chẳng mấy chốc sẽ yết bảng, có cần phải kiếm con rể không nhỉ? Lục Tỷ nhà mình…” Lệ Ngọc Đường vừa ngượng vừa hăng, xoa tay đáp: “Vợ à, mấy hôm trước cháu trai nhà Tô tiên sinh đến, ta thấy thằng bé ấy ổn lắm…” Thân thị tin tưởng cái đức của thầy Tô, nhưng chưa từng gặp mặt Tô Bình, không tiện quyết định luôn, đành nói: “Phải gặp một lần mới biết, ta không rõ tính tình thằng bé, cũng chẳng hay nhà họ đã đính hôn chưa.” Lệ Ngọc Đường bảo: “Cũng là mình thu xếp gọn gàng, mình xem —–” Thân thị đáp: “Cậu Hồng cũng đã dặn rồi, chưa yết bảng thì không tiện đến thăm thầy Tô, tình hình này, chắc chẳng mấy ngày nữa hai nhà sẽ lại qua lại với nhau.”

Lệ Ngọc Đường mừng rỡ: “Đúng thế, đúng thế, có thể nhờ cậu Hồng làm mối.” Thân thị nói: “Hẵng đã từ từ, gác chuyện ấy lại trước, ta phải chuẩn bị quà mừng đâu đó cho cậu ấy đã. Còn nữa, đám Lục Ca và Hiếu Mẫn Thái tử quá cố là anh em cùng tộc, phải để tang vài tháng, giờ đã mãn kỳ, cũng nên thu vén cho tụi nó rồi, mình viết thư gửi về Giang Châu để các ông bà sui đưa dâu lên.” Lệ Ngọc Đường bèn giao hết mọi chuyện cho Thân thị.

Thân thị sai người gọi Cửu Ca đến gặp, biết y đã lại sang nhà họ Hồng thì cười mắng vài câu, dặn: “Cửu Ca về thì bảo nó tới chỗ ta.”

•••••

Từ lúc Hồng Khiêm vào trường thi, Cửu Ca ngày ngày đến nhà vợ, khi thì đem kinh Ngọc Tỷ chép vào chùa Tướng Quốc, khi thì tiếp chuyện mẹ vợ, kể: “Hôm nay là ngày thi thứ mấy, trường thi thứ mấy, nội dung thi là gì, mấy ngày nữa sẽ về.” này nọ. Đám Tú Anh vào kinh vốn để đưa người đi thi, mấy chuyện kiểu khi nào bắt đầu, mấy ngày mới xong đã vanh vách thuộc lòng từ lâu. Nhưng khi sốt ruột, có người kề bên nhắc đôi câu liên quan, cũng có thể giảm bớt lo lắng.

Trong lòng Ngọc Tỷ, cha nàng đi thi vững như kiềng ba chân —– mười phần chắc chín rồi, thế nên mặt mày bình tĩnh, còn ngon ngọt vỗ về mẹ một hồi. Vừa ngoảnh đầu về phòng thì bản thân lại không cầm nổi lo lắng, trước mặt Đóa Nhi cứ nhắc mãi: “Không biết trong ấy ăn uống ngủ nghỉ thế nào.”

Ngọc Tỷ an tâm cũng là có lý do. Được một danh sư như thầy Tô dạy dỗ thì khỏi bàn nữa, trước giờ Văn không xếp hạng, ông bảo xem Lý Thái Bạch và Đỗ Tử Mỹ* ai nhất ai nhì? Rớt là điều không thể rồi, cái cần so, chính là xếp bảng nào. Nét chữ là một, kế đến phải xem ông viết có đúng quy củ không, nếu câu từ quá hăng, kẻ có mắt nhìn người có khi sẽ cho ông làm trạng, nhưng nếu gặp phải kẻ không ưng món này, có khi còn nhấc tay loại bài. Cha nàng là người thấu tình đạt lý nhất, ắt sẽ không làm chim đầu đàn, trước nay chưa từng không chuẩn bị trước. Quan chủ khảo là ai, thích văn thế nào, hẳn đã biết từ khuya rồi. Thế này mà còn không đỗ thì chỉ còn nước trách ông trời bỏ mặc, ấy là chuyện người trần mắt thịt không thể thắng nổi, khỏi cần tiếc nuối.

[*Lý Bạch và Đỗ Phủ.]

Đến ngày rời trường thi, Trình Thực dẫn người đến đón chàng về. Trải qua mấy ngày thi, Hồng Khiêm hốc hác hơn đôi chút, về nhà tắm rửa thay đồ, hớp sạch hai bát cháo mới tạm hoàn hồn. Súc miệng xong thì nói chuyện với Cửu Ca trước: “Con có lòng rồi.” Sau lại thương Tú Anh vất vả, kế mới hỏi thăm cụ Lâm và Tố Tỷ, cuối cùng sang gặp Ngọc Tỷ, Kim Ca.

Xong hết mọi việc, mới chậm rãi ngủ bù.

Sáng sớm hôm sau, ngủ đã giấc dậy, đập vào mắt là gương mặt nghiêm túc của Tú Anh, Hồng Khiêm phì cười: “Mặt mũi thế là sao? Dậy rửa mặt chải đầu nào.” Tú Anh không dám nhiều lời, thay áo rửa mặt cho chàng. Trên bàn ăn Ngọc Tỷ thoải mái hơn Tú Anh nhiều, hỏi thẳng Hồng Khiêm: “Cha thi thế nào?” Hồng Khiêm cười đáp: “Trả lời được hết.”

Ngọc Tỷ bèn không hỏi nữa, chỉ nói: “Mấy hôm nay cha vất vả rồi, phải ngủ vài ngày cho đã, đến lúc yết bảng thì chẳng được rảnh rỗi như này nữa đâu.” Hồng Khiêm cười hỏi: “Dù có yết bảng thì cha vẫn sẽ đưa chị em hai đứa ra ngoài chơi như trước, được chưa?” Ngọc Tỷ chun mũi, Kim Ca trông mong nhìn Hồng Khiêm mà không nói năng gì, Hồng Khiêm đưa tay xoa đầu cậu.

Cụ Lâm thấy Hồng Khiêm hãy còn sáng sủa, cũng lấy làm an tâm, trong lòng cụ, chuyện đỗ rớt không đáng nói, chỉ cần người còn ở đây là được. Nếu ở kinh thành thực sự không hợp thì gia nghiệp Giang Châu vẫn còn, về đấy tuy không giàu có lắm nhưng không đến nỗi nghèo nàn, vẫn có thể sống như cũ. Lại hơi ngờ ngợ: Ngọc Tỷ bình tĩnh như thế, có lẽ đã biết chuyện gì đó mà không ai biết, dùng bữa xong sẽ hỏi thử.


Sau giờ cơm, Hồng Khiêm đọc vài quyển sách tiêu khiển, lại đánh một bài quyền, bế Kim Ca dạy chữ. Ngọc Tỷ vốn muốn đến chùa Đại Tướng Quốc, sau lại nghĩ trong kinh sĩ tử đang tề tụ, thi xong vẫn phải chờ yết bảng, có khi người ta lại bầu bạn dạo quanh, chùa Đại Tướng Quốc là điểm đến thu hút, chẳng ai đi cùng mình, nhỡ đâu động phải kẻ nào đó thì lại thêm phiền. Dạo trước hai nhà cùng đi thì thôi, lần này không tiện đi riêng, mà đến kinh bao ngày rồi vẫn chưa đến thăm phủ Ngô vương, giờ cứ năng ra ngoài như vậy, chẳng phải rước rắc rối cho mình và Thân thị hay sao? Bèn chỉ đứng trong sân luyện vài đường quyền.

Bên kia Hồng Khiêm cũng không tùy tiện ra ngoài, chàng đã tính trước, kỳ thi này đúng ngay dịp triều đình rộn chuyện, cái nên nói và không nên nói, chàng đã dự sẵn cả. Mà Vu Kế và ông sui Lương Túc có cùng chí hướng, không khó đoán họ thích hay ghét giọng văn nào. Hồng Khiêm cũng chẳng muốn tranh chức trạng nguyên thám hoa gì, cái danh tiến sĩ nắm chắc trong tay là được. Giờ đây cũng không cần phải giao thiệp nhiều với đám thư sinh, chờ yết bảng, đỗ thì ắt có bạn cùng đỗ, không đỗ thì vớt vát làm quen sau cũng chẳng muộn.

Cứ thế vài ngày, đến hôm yết bảng. Hôm ấy, Hồng Khiêm không đích thân đi mà sai Trình Thực. Lúc ở Giang Châu Trình Thực đã từng thực hiện nhiệm vụ này, đương nhiên chuẩn bị đầy đủ cả. Dắt đám tiểu tư Minh Trí đi cùng, là để giành đường. Ngờ đâu đến nơi thì người đã đông như nêm, mình có đi một đám hay đi riêng cũng vậy. Tới được trước bảng, vạt áo trước đã lỏng cả, mũ cũng lệch. Người xem bảng yết ấy mà, tạm không bàn đến chuyện bản thân thi có tốt không, chỉ thích rà từ trên xuống dưới một lượt, lúc thấy tên “Giang Châu Hồng Khiêm”, thì Trình Thực chỉ mới lướt qua tên ba người khác.

Trình Thực đã lạc mất bọn Minh Trí từ lâu, người đứng bên trái nom có vẻ là một cử nhân nghèo mặc áo dài bố xanh, vùng vẫy cực lực mới đến được chỗ dán bảng, tay giáng một cú vào má Trình Thực, người bên phải mặc đồ ngắn, xem chừng là gia đinh, thúc bả vai vạm vỡ đánh bốp, Trình Thực lệch cả nửa người đi. Sau lưng chả biết là ai xô ra trước, Trình Thực bị đè nghiến vào tường, suýt nữa đã bị cán phẳng.

Trình Thực chẳng dễ gì mà bò ra được, bên tai lại đì đùng tiếng pháo, rất nhiều kẻ ăn vận như gia đinh đang hô hào: “Tiểu thư nhà tôi vừa tròn mười tuổi, xinh đẹp tựa hoa, có của hồi môn ngàn quan, trăm khoảnh ruộng tốt…”, “Tiểu thư nhà tôi đương thì cập kê, của hồi môn năm ngàn…”, “Thái công nhà tôi ruộng tốt ngàn khoảnh, bò dê thành đàn, muốn gả con gái cưng cho…” Hãy còn chưa thi đình đã có người ra tay kén rể rồi.

Trình Thực khó khăn lắm mới hoàn hồn, thấy đôi giày mới cố ý đem ra mang hôm nay đầy những dấu chân, mũ trên đầu cũng bay mất, tóc tai bù xù, tấm áo đẹp chỉ còn hai ống đang xắn. Trình Thực chùi mồ hôi trên trán, chặc lưỡi hít hà: Không hỗ là kinh đô, ngay cả việc dò bảng cũng hung hiểm gấp trăm lần Giang Châu.

Lại đợi thêm một lúc, đám Minh Trí đã chen ra tới, chúng nó cũng nhếch nhác chẳng kém gì Trình Thực, song mặt mày ai nấy đều treo nụ cười, Trình Thực bảo: “Về đợi thưởng thôi!” Kế bên lại có kẻ kén rể cười giễu họ: “Ối giời sao lại gấp thế? Chen lấn làm gì? Cũng có giành được rể hiền đâu.” Đám Trình Thực chưa kịp trả lời đã có người từng trải đáp thay: “Mấy ông anh đây hẳn là đi xem kết quả hộ lang quân nhà mình nhỉ? Đỗ hạng mấy? Thái công nhà tôi có…”

Gã vừa lên tiếng đã có một đám bu đến, bọn Trình Thực cuống cuồng tháo chạy, về nhà báo tin, Tú Anh mừng rỡ: “Nghe nói chỉ cần đỗ đợt đầu thì sang thi đình không loại nữa, ổn rồi, dù xếp hạng có thay đổi cũng không mất nổi cái danh tiến sĩ.” Đoạn thưởng mỗi người một mạch tiền, đích thân đến báo tin mừng cho Hồng Khiêm, còn dặn cả nhà thay áo mới chung vui cùng.

Bận rộn một hồi, sai người đưa thư sang anh chị sui, đoạn lo liệu quà biếu, chỉ chờ thi đình công bố thứ hạng xong sẽ đến cảm ơn Tô tiên sinh. Lại thu xếp tiền nhang đèn, chuẩn bị đến chùa Đại Tướng Quốc lễ tạ. Đây đó xong xuôi mới nhớ mà hỏi: “Có biết bao nhiêu cử nhân cùng quê Giang Châu đỗ không?” Trình Thực thưa: “Tiểu nhân chỉ xem mỗi quan nhân thôi ạ, quan nhân xếp thứ tư, tiểu nhân xem xong về ngay, nào nhớ mấy người xếp sau?”

Tú Anh bèn bảo hắn quay lại dò thử, nếu có đồng hương thì cũng tiện dựa dẫm nhau. Trình Thực xem xong về bẩm, lần này cùng quê Giang Châu chỉ có một cử nhân trung niên đỗ tiến sĩ.

•••••

Người bên Hồng Khiêm chưa kịp đến nhà họ Lệ thì Lệ Ngọc Đường và Thân thị đã sai tôi tớ sang chúc mừng rồi. Lúc Hồng Khiêm chưa đỗ cử nhân, Lệ Ngọc Đường cũng đã ân cần với chàng, sau trở thành sui gia, lại nảy ra thêm một Tô Trường Trinh, sao có thể không quan tâm đến kỳ thi này? Sớm đã phái người đứng chầu dưới bảng, biết được thứ hạng thì quá đỗi vui mừng, xin tông chính cho nghỉ, đích thân về nhà báo với Thân thị.

Thân thị cũng mừng: “Đúng là chuyện tốt, sai người sang báo tin vui trước đã, mấy ngày sau thi đình xong mới đến chúc mừng đàng hoàng.” Lệ Ngọc Đường gật đầu nhưng không cầm nổi lòng vui, lúc nhìn Cửu Ca cũng vừa mắt hơn nhiều. Thân thị lại nghĩ, cậu sui đã đỗ, thi đình chẳng qua cũng chỉ là hình thức, mình hẳn nên đến vương phủ một chuyến, báo cho mẹ chồng, thu xếp cho Ngọc Tỷ gặp bà nội chồng sớm một chút, ấy mới chu toàn lễ số.

Sai người đến nhà họ Hồng chúc mừng, đoạn đích thân về phủ Ngô vương, gặp Ngô vương phi. Ngô vương phi vốn hơi khó chịu, cháu dâu vào kinh không sớm tới thăm, thực sự không lễ phép cho lắm. Nhưng tin vào ánh mắt của Thân thị, lại nghe bảo Hồng Khiêm phải chuẩn bị thi cử, cũng nhủ thầm trong lòng: “Kẻ trí thức ắt có tật xấu.” Thế mới dằn nổi mình. Đến khi Thân thị tới báo tin mừng, nói rõ đầu đuôi ngọn ngành, cậu sui đỗ hạng tư. Ngô vương phi bấy mới thực lòng yêu thích: “Chả trách lại đỗ cao như thế, thì ra là người giàu chí khí, âu cũng do Cửu Ca có hậu.”


Thân thị bèn bảo, chờ thi đình yết bảng sẽ hẹn thông gia, lựa dịp đưa Ngọc Tỷ đến cho Ngô vương phi gặp. Ngô vương phi cười nói: “Cứ thế.” Lòng nhủ phải đổi quà gặp mặt quý hơn mới được. Lại nhớ đến chuyện Lục Ca sắp cưới cháu gái của Tôn thượng thư, Tôn thượng thư hiện nắm Lại bộ trong tay, gặp những người đỗ đạt khoa cử thật sự như cha vợ Cửu Ca, lại thêm thân phận thông gia, hẳn chẳng có lý nào không nâng đỡ. Nhà Lệ Ngọc Đường có hai anh sui cậu sui này, cũng sẽ được lợi, lòng dễ chịu hẳn.

Tôn thượng thư hệt như Ngô vương phi nghĩ, ông sớm đã dò ra chuyện cha vợ của con trai út Lệ Ngọc Đường sẽ tham dự kỳ thi năm nay, bảng mới yết, lướt mắt đã thấy Hồng Khiêm, cân nhắc một hồi, nghĩ chàng Hồng Khiêm này cũng chẳng phải kẻ tầm thường, đã là cột chèo, nên giúp cứ giúp. Xoay đi bèn suy xét xem hiện có chức quan nào ngon ngon một tý, để dành cho Hồng Khiêm.

Thời này không có lệ sau khi thi đình phải làm thứ cát sĩ* ba năm, mà là thi đình xong sẽ lập tức nhậm chức. Mỗi khi đến dịp này, có rất nhiều người đến nhờ và Tôn thượng thư. Năm nay lại khác trước đây, Đông cung chưa lập, Tô Chính quay về chống đối Thái hậu, Triệu vương gặp vạ, vị Chân Nhất đạo nhân kia chỉ sợ cũng chẳng chịu để im… Tình hình này, người gian giảo như Tôn thượng thư đương nhiên sẽ chẳng buột miệng hứa hẹn gì. Cứ làm theo quy củ, không sai một bước, xíu xiu lợi lộc cũng chẳng thèm nhận.

[*Một chức quan ngắn hạn trong Hàn Lâm Viện.]

Thấm thoát kỳ thi đình đã đến, Tô Chính đã biết thứ hạng từ sớm nhưng vẫn chẳng ho lấy một tiếng, chỉ lẳng lặng chờ kết quả. Dù bà Tô nhà mình hỏi mấy năm nay sống thế nào, thầy cũng chỉ đáp: “Gặp một ông cụ tốt bụng, dạy cháu gái cụ ấy kiếm cơm thôi.”

Tú Anh bấy giờ không sốt ruột nữa, lại còn hơi kích động, mấy hôm trước Thân thị đến bàn với nàng, sau kỳ thi đình, chỉ chờ yết bảng xong, nhà họ Hồng đến thăm thầy Tô là nghĩa nên làm, sau đó cũng tiện dắt Ngọc Tỷ đến gặp Ngô vương phi. Tú Anh vừa bấm tay bói thứ hạng của Hồng Khiêm, vừa suy nghĩ xem đến khi ấy Ngọc Tỷ nên mặc đồ gì.

Thi đình rất ngắn, cũng chẳng cần phải qua trọn kinh, sử, tử, tập, ngâm thơ, làm văn. Đầu tiên là trình diện Quan gia, kế tiếp là ra đề, lúc mọi người đối đáp thì Người sẽ dạo xem thêm lượt nữa. Trước đã bảo Quan gia văn võ chẳng món nào là quá giỏi, chuyến này chỉ diễn vậy thôi, thứ hạng không thay đổi là bao.

Theo ý Quan gia, Hồng Khiêm quá tốt mã, nhìn thế nào cũng là đấng mày râu oai hùng, hẳn là người ý chí kiên định, khí chất đến cả trạng nguyên hay thám hoa cũng chẳng bì nổi. Muốn phê chàng làm trạng nguyên, chỉ tiếc chữ viết thực sự không đẹp bằng. Đừng bảo trạng nguyên, đến cả bảng nhãn, thám hoa cũng không tiện để chàng làm, truyền lư nhị giáp, đã không tồi. Quan gia không khỏi tiếc nuối trong lòng, ngại khen chàng tài hoa, bèn đổi thành: “Là người chăm chỉ thiết thực, hiền tài lương đống.”

Lại vì hạng hai nhất giáp đã chọn từ trước mày mắt thanh nhã, là một người tuấn tú, bèn khâm cho làm thám hoa. Vị đỗ đầu nhất giáp lại do răng hô mà bị đuổi xuống hạng hai nhị giáp, chuyển hạng ba nhất giáp lên làm trạng nguyên, hạng hai nhị giáp trở thành bảng nhãn.

Thứ hạng thi đình đã được quyết định như vậy.

Bảng vừa được yết, lại là một phen tranh đoạt, ấy mới thực sự là “dưới bảng cướp rể”. Thứ hạng vừa định, trong kinh ắt có người vui kẻ buồn. Nhà họ Hồng càng khỏi phải nói, Tú Anh chuẩn bị tiền thưởng cho người đến báo tin vui, lại muốn đốt pháo, thu xếp gia vụ, may áo mới, lo quà biếu thầy. Tuy bận nhưng lòng lại vui.

Ngọc Tỷ ngồi phòng thêu thùa, sắp gặp Ngô vương phi, đương nhiên phải chuẩn bị quà hiếu kính. Còn phải thăm thầy Tô, thầy thì không sao, nhưng vợ thầy thì cũng phải tặng quà. Áo xống của mình cũng phải chuẩn bị một phen. Nói chung là bận.

Lệ Ngọc Đường vui điên lên được, không kìm nổi nữa, gặp ai khoe nấy, Hồng Khiêm có nghĩa nửa thầy với Tô Chính, trước đây đóng cửa đọc sách, là phong phạm của người quân tử, không đi dựa dẫm. Hễ thuận miệng là nhắc, học trò thực sự của Tô tiên sinh là con gái cưng duy nhất của Hồng Khiêm, là vợ hứa hôn của con trai Cửu Ca nhà ông. Ngay cả trước mặt Ngô vương ông cũng nói thế, lại khen mối hôn sự này tuyệt lắm. Chẳng bao lâu sau, khắp kinh thành đều biết vị truyền lư này là bậc quân tử khiêm nhường.

Những người kiểu Lương Túc thì không tiện dòm ngó tiến sĩ tân khoa, nhưng đám quan thấp cổ bé họng thì ưa nhất chốn ồn ào, về rỉ tai nhau, bàn người này người kia trông thế nào. Giờ nghe chàng có quan hệ với Tô Chính thì hối hận lắm —– Nên đi xem mặt từ sớm mới phải. Song sự đã thế cũng không tiện góp vui, dù gì sau khi thứ hạng được ban, tiến sĩ tân khoa được rỗi rãi vài ngày thôi đã phải đến bộ Lễ học lễ nghĩa đặng dự Quỳnh Lâm yến, khi ấy muốn gặp ai mà không được? Bèn dằn lòng xuống.

Hồng Khiêm đã chuẩn bị xong quà, dắt con gái đến gặp thầy Tô. Tô tiên sinh vốn không vừa mắt Hồng Khiêm, giờ thấy chàng làm vậy, bụng bảo dạ thôi thì cũng là người tốt, sai tôi tớ mở cổng lớn đón vào. Lại phái người đưa Ngọc Tỷ đến gặp vợ, đám Ngọc Tỷ Tú Anh gặp Tô phu nhân, trước tiên là biếu đặc sản, sau đó Ngọc Tỷ mới tặng quà thêu.

Bà Tô tóc đã hoa râm, người mảnh mai, mặt mũi hiền từ, thấy Ngọc Tỷ xinh xắn, thêu thùa lại giỏi, nói sõi tiếng quan thoại, quỳ trên đệm cũng ngay ngắn thẳng thóm, thì trong lòng đã thích. Tuy bà không cứng đầu ưa tốt như Tô Chính, nhưng cũng là người đoan chính, vì trước khi thi Hồng Khiêm không đến nhà danh sư để lấy thanh thế, lúc đỗ đạt mới về bái ơn, bèn cảm thấy chàng là người không tệ.

Nghe lời đồn Lệ Ngọc Đường tung ra, bà đã từng hỏi thầy Tô đầu đuôi sự việc. Tô tiên sinh bèn thuật lại chuyện Trình gia là nữ hộ này kia, Hồng Khiêm trước đây ở rể, đến hạn vẫn giao Kim Ca lại cho nhà họ Trình, bản thân thì cố gắng học hành, vân vân. Tô phu nhân bèn cho rằng Hồng Khiêm là người có lương tâm, cũng thương xót thay cảnh ngộ nhà họ Trình. Càng thân thiết hơn với Tú Anh, Ngọc Tỷ.


Gặp nhau một buổi, chẳng bao lâu sau trong kinh lại có tin mới, từ đó, Hồng Khiêm ngày càng bận rộn, gặp đồng niên, gặp khảo quan, gặp thông gia, gặp đồng hương… Chàng chẳng kỵ xuất thân của mình, chấp nhận mọi điều như quê hương gặp nạn, lưu lạc ở rể, gắng công học hành, vẻ mặt điềm nhiên, ai nấy đều tán tụng chàng là quân tử.

Đến cả những người lăn lộn lâu giữa chốn quan trường như Lương Túc nghe cũng khen một tiếng: “Quân tử thẳng thắn vô tư.” Tuy có một vài kẻ không phục, cũng chẳng đấu nổi với Hồng Khiêm có hậu thuẫn vững chắc nhường kia. Càng ngạc nhiên hơn, tới cả Quan gia, chẳng hay vì sao cũng liên tiếp tán thưởng Hồng Khiêm, cứ nhắc đến là khen “Bậc trượng phu là thế”.

•••••

Cũng trong dịp này, Ngọc Tỷ diện kiến Ngô vương phi.

Hôm ấy trăm hoa đua nở, Ngô vương phi bày cỗ tại nhà, không mời bạn bè thân thích, chỉ người trong gia đình thôi đã chật cả sân. Đã gửi thiệp đến từ sớm, mời mẹ con Tú Anh đến chơi, Thân thị chọn đúng lúc, bảo “tình cờ gặp” hai mẹ con trên đường, cùng vào vương phủ. Hồng Khiêm thì tự cầm thiếp đến bái kiến Ngô vương.

Ngọc Tỷ lần đầu tiên đến đây, thấy mặt tiền vương phủ trang hoàng đẹp đẽ, thầm cảnh giác trong lòng. Mở cổng chính, nâng kiệu vào rồi đổi sang kiệu nhỏ, ra vườn sau. Tú Anh là sui, Hồng Khiêm lại là truyền lư khóa này, lần đầu đến nhà được đón tiếp rất long trọng.

Đến phòng chính của vương phi, Ngô vương phi ngồi trên cao, phía dưới đầy những má hồng, đều đeo vàng giắt bạc, áo gấm thêu hoa. Vừa đến cửa, hương son phấn đã xộc thẳng vào mũi. Ngô vương thông thạo ngón vơ vét, phòng vương phi được trang trí rất xa hoa, Ngọc Tỷ nhận ra có vài bình hoa ấm lò là cổ vật triều trước, không phải thứ có thể mua bằng tiền.

Thế tử phi ra cửa đón đám Tú Anh thay mẹ chồng, nắm tay nàng bảo: “Rốt cũng đợi được rồi.” Lại trông sang Ngọc Tỷ: “Đúng là một cô bé xinh đẹp, chẳng trách Tứ Nương đính hôn ngay, ta vừa nhìn đã thích.” Chỉ nói hai câu rồi đưa người vào. Tim Tú Anh đập nhanh lắm, xoắn khăn tay tập trung tinh thần, có Thân thị bầu bạn mới cảm thấy ổn hơn đôi chút, tiến lên chào hỏi vương phi.

Vương phi sao dám để nàng dập đầu bái lạy? Thế tử phi và Thân thị vội đỡ Tú Anh, Tú Anh bèn thuận thế cúi chào. Đến phiên Ngọc Tỷ, là cháu dâu gặp bà nội chồng, thoải mái quỳ xuống đệm cói. Ngô vương phi khen giỏi mãi, lại gọi Ngọc Tỷ bước đến, nắm tay nàng, cảm nhận được mu bàn tay nhẵn mịn, còn lòng bàn tay có vài nốt chai, hẳn là do cầm bút gảy đàn. Đóa Nhi lại dâng quà thêu của Ngọc Tỷ lên, Ngô vương phi xem qua một lượt mới bảo: “Đều biết con gái đất nam thanh tú tháo vát, thạo thêu thùa, dáng hình xinh xắn, hôm nay mới biết lời đồn là thật.”

Lại tặng quà gặp mặt, là một bộ trang sức bằng vàng khảm đá quý cài đầu, trâm thoa kẹp tóc có cả, xem như đã nhận đứa cháu dâu này. Sau đó là đi ngắm hoa, Ngô vương phi len lén trông theo, Ngọc Tỷ bầu bạn cùng bà, đối đáp trôi chảy, nói sõi tiếng quan thoại. Cử chỉ không thô lỗ, chốc chốc lại kín đáo lách người cho bà nhìn người khác, cũng biết cách dẫn dắt chủ đề câu chuyện đặng đám Thế tử phi và Thân thị có thể góp lời cùng, thực sự là người chu đáo.

Ngô vương phi theo dõi đến đây đã yên tâm, nếu Cửu Ca không phải cháu ruột của bà, Thân thị không là dâu thảo thì bà đã chẳng phải phí sức đến vậy với một đám cháu chắt như nêm. Mọi người thấy bà hài lòng, cũng vun vào lời hay. Thân thị mới giới thiệu: “Đây là vợ abc, đây là chị họ Cửu Ca.” Ngọc Tỷ áng theo tờ ghi chú mà Cửu Ca viết, thầm đối chiếu tên họ của những người thân này.

Ngoài kia Hồng Khiêm càng như cá gặp nước, Lệ Ngọc Đường là người văn nhã, nhưng Ngô vương thì nhậu nhẹt bài bạc toàn tài, lại thích ngựa tốt. Hồng Khiêm ăn uống chơi bời ngón nào cũng tinh thông, hớp rượu đầu tiên đã có thể phẩm ra là Giai Nhưỡng ba mươi năm, Ngô vương khen liền ba tiếng. Rượu đến hồi ngất ngưỡng, Ngô vương suýt nữa đã kéo tay chàng xưng một tiếng “người anh em”, bắt chàng phải đi cùng đến tàu ngựa ngắm ngựa, lại tặng Hồng Khiêm một thớt ngựa quý.

Đến khi họ Hồng về nhà, mặt trời đã ngả về tây. Tuy mệt nhưng cũng tạm gọi là giải quyết xong một chuyện. Hôm sau Hồng Khiêm phải tham gia diễn tập lễ tham bái, để đủ điều kiện dự cỗ Quỳnh Lâm.

Ngờ đâu vào bộ Lễ kiếm phòng, lại gặp phải một chuyện.

•••••

Lại nói Hồng Khiêm áo vải, đến tập điệu vũ tham bái, một hồi nửa buổi đã đầu váng mắt hoa. Không phải chàng kém mà là ở đây có trên trăm người, muốn chỉnh tề ngay ngắn, lúc diện Thánh được vẻ vang, không phải chỉ một hai người giỏi là che đậy nổi. Vì buổi chiều còn phải tập tiếp, Hồng Khiêm bèn không về nhà mà đi chung với những người đỗ cùng khóa, ra quán rượu bên ngoài xơi bữa cơm.

Đi chẳng bao xa đã gặp một người, lúc hai người chạm mắt nhau, người kia bèn nổi giận: “Thằng trời đánh này! Mày cũng còn biết quay lại, tao tưởng mày chết ngất đâu ngoài đường rồi!”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.