Nữ Hộ

Chương 65: Mở đầu


Đọc truyện Nữ Hộ – Chương 65: Mở đầu

NHÀ HỌ CHU KIA MUỐN CẦU HÔN LỤC TỶ CHO CON TRAI HỌ.

Kinh kỳ đô hội phồn hoa khác với cái sầm uất của Giang Châu, Giang Châu tuy cũng là đất xung yếu, nhưng nếu so với kinh sư, vẫn không bằng. Đầu tiên đương nhiên là không đông người bằng kinh sư, nơi đây đừng nói là bến thuyền, dù có cách bến thuyền ba con phố thì vẫn huyên náo hệt vậy. Dân chúng nô nức tới lui trên phố, bảo chen vai thích cánh cũng không ngoa. Tô tiên sinh được người đón, tất có binh lính dẹp đường, đám Hồng Khiêm thì không được may mắn như vậy.

Chia tay nhà Thân thị, Hồng Khiêm đọc mẩu giấy nhắn đang cầm, trên đấy viết địa chỉ nhà thuê, đoạn lệnh người Thân thị để lại đi mướn vài chiếc kiệu và xe to thồ hàng. Vì nằm ở vị trí tốt, bến thuyền này hằng năm bao người đến đi, hàng kiệu và hàng xe đều được mở gần đây, chẳng mấy chốc đã thuê xong. Bốc vác đồ đạc đều giao cho người thạo việc, còn kẻ nhanh tay nhanh chân thì đi buộc hành lý.

Hồng Khiêm bảo Tú Anh: “Mọi người đều chưa từng vào kinh, nếu chúng ta đi trước thì chẳng ai ở lại canh chừng hành lý. Họ làm việc cũng nhanh, thôi cứ chờ một lúc, ổn thỏa tất thảy rồi cùng sang nhà bên kia luôn.”

Tú Anh lần đầu vào kinh, mọi thứ đều mới mẻ, dạ thoáng nôn nao, song lúc trông sang Hồng Khiêm đang đứng cạnh mình thì vững lòng trở lại. Xét lại những người mình mang theo, chẳng phải đều là tôi tớ đã lâu ở Giang Châu ư? Đồ đạc trên mấy chiếc thuyền này, đừng nói là mấy món hàng quý như Hồ tiêu, đến cả của hồi môn của Ngọc Tỷ, họ nào dám không cẩn thận trông coi? Nghĩ thế, nàng bèn bảo: “Mình là trụ cột trong nhà, nghe mình vậy. Chỗ bà và mẹ, để ta sang báo.”

Đám Tú Anh trùm khăn vào kiệu ngồi. Ngọc Tỷ lên kiệu rồi bèn cởi khăn trùm, len lén nhìn ra bên ngoài, bầu không khí chốn kinh kỳ đương nhiên không như vùng khác. Có lẽ dừng chân cập bờ ở bến thuyền này đều là những người có vai có vế, chẳng qua quýt lộn xộn như những bến thuyền dọc đường đi.

Đồ gia dụng được khiêng từ thuyền lên, lần lượt đóng kỹ, vải bố buộc góc, thừng tết chặt. Mở khoang một chiếc thuyền khác, bên trong đều là Hồ tiêu, món này đắt tiền nhưng lại dễ bốc vác. Khoang khác thì đựng toàn màn thêu. Chưa dỡ xong hàng đã khiến đám mối lái cò mồi quanh năm lăn lộn bến này chú ý tới. Đất kinh kỳ ba trăm sáu mươi nghề, ai nấy đều có mánh lới riêng.

Lái buôn được hời nên thích đi cùng quan, vừa giảm thuế má lại khỏi bị lục soát, chỉ cần bỏ ra vài món quà biếu, chẳng bõ bèn gì so với khó khăn phải nếm khi đi một mình. Thế nên đám mối lái mới cắm chốt ở bến này, dùng đôi mắt hiểm đã qua tôi luyện săm soi khách đến khách đi, lại dò xét đồ đạc trên thuyền người ta. Chỉ cần trông như hàng hóa đem đến bán, bèn sấn tới làm quen. Trên thuyền Hồng Khiêm bao nhiêu món như thế, lại theo thuyền quan, bèn có người xem chàng là lái buôn, bước tới định bắt chuyện.

Thấy Trình Thực đứng cạnh bèn đến gần trước, thân thiết hỏi: “Ông ở đâu đến?” Hắn vừa trả lời, mối lái đã nghe ra giọng Nam, vì mới vào kinh nên Trình Thực không muốn đắc tội ai, bèn đáp: “Giang Châu tới.” Mối lái mới tâng bốc Giang Châu một hồi, sau hỏi: “Quý phủ vào kinh buôn bán hay ở lâu dài?” Trình Thực hếch cằm: “Quan nhân nhà tôi tới thi tiến sĩ, vì sợ gia quyến lo lắng mà đưa tất cả đi cùng.”

Mối lái chẳng thể nào ngờ mình lại đoán nhầm, vội thay đổi sắc mặt, nụ cười càng thêm phần thành thật: “Tôi đây xin chúc quý chủ nhân đỗ cao ạ ~” Rồi mới ướm dò, “Quý chủ nhân có gia nghiệp lớn thật, những món này vào kinh đã được xem là khá rồi.”

Trình Thực đáp: “Ông đúng là lạ, chẳng việc gì lại tỏ xum xoe, còn dò hỏi chuyện gia đình người ta, nhà tôi không thân thiết gì với ông cả, ông muốn gì?” Mối lái nọ cuống quýt xua tay: “Xin đừng hiểu nhầm, xin đừng hiểu nhầm, tôi là mối lái khu này, thấy nhà ông có hàng tốt mới đến hỏi thử có bán không.” Trình Thực đưa mắt đánh giá gã một lượt, mối lái dốc sức khiến nụ cười ngây thơ hơn đôi chút, Trình Thực nói: “Tiểu thư nhà tôi sẽ thành hôn trong kinh, tất phải mang theo của hồi môn.”


Mối lái nọ trông vẻ cảnh giác của Trình Thực, đành phải dập tắt hy vọng có thể bàn xong trong hôm nay, đưa danh thiếp cho hắn: “Nếu quý phủ có ý bán hàng, cứ đến tìm tôi, bảo đảm bán được giá tốt.” Trình Thực cũng nhận lấy, nói: “Tôi phải thưa chuyện với chủ nhân đã.” Mối lái cảm ơn rối rít, lại lôi một mạch tiền ra biếu Trình Thực, nhưng hắn làm sao có thể coi trọng một mạch đó? Khước từ không nhận, xoay người rời đi.

Chẳng mấy chốc lại có kẻ khác đến, đều cùng một ý, tuy Trình Thực bị làm phiền mãi nhưng vẫn nhận tất cả danh thiếp, nộp cho Hồng Khiêm. Hồng Khiêm đang ngơ ngẩn, thấy có người đưa danh thiếp đến thì liếc sơ một cái. Tấm danh thiếp này khá cẩu thả, có lẽ là đám mối lái viết bừa, bèn nói: “Cứ cất tạm ở đâu đi, ta tính sau.” Trình Thực đáp vâng, cho tất cả danh thiếp vào một miếng da bọc.

Kiếm sống ở bến thuyền đều là những tay thành thục, chỉ nửa canh giờ đã thu xếp ổn thỏa, lập tức khởi hành.

Nhà thuê khá xa bến thuyền, nằm trên đường Thanh Thạch, gồm ba dãy, không khác nhà ở ngõ Hậu Đức là bao, chỉ nhỏ hơn đôi chút. Không có vườn hoa, dãy nhà ngang đông tây cũng hơi hẹp. Được cái trong nhà có hai cái giếng, tiện việc nước nôi. Đến nơi tất có nô bộc già trông nhà ra đón, lần lượt nói rõ thân phận, kiểm tra giấy tờ, nô bộc già giao chìa khóa, cầm danh thiếp Hồng Khiêm về báo với chủ nhân, trên dưới Hồng gia bắt đầu bận rộn.

Trên con đường này đều là các gia đình bình thường, có nhà riêng có nhà thuê. Thấy gia đình này đông kiệu nhiều xe, láng giềng tuy làm cao nhưng vẫn xúm lại ngó thử. Hồng Khiêm chẳng để bụng mấy, vái chào xung quanh, nói: “Tại hạ mới đến kinh, nhà cửa rối ren, để sắp xếp đâu ra đó rồi lại hẹn gặp các vị.”

Tiền thuê nhà trong kinh đắt hơn Giang Châu nhiều, hai nhà Trình, Hồng lại ở cùng nhau. Cụ Lâm và Tố Tỷ ở dãy cuối, thị nữ nhũ mẫu của họ đều ở chái nhà trong viện. Hồng Khiêm, Tú Anh ở nhà chính, chái đông là Kim Ca, chái tây là nhũ mẫu thị tỳ. Tiền viện là phòng khách. Bên mé tây cũng thành ba dãy, là nơi ở của bà bếp và những tôi tớ đã lập gia đình. Mé đông ba dãy, Ngọc Tỷ ở dãy giữa, phòng ở tiểu viện phía sau đặt của hồi môn, tiểu viện phía trước là hàng hóa cần bán. Hơi chật, nhưng cũng tưng bừng nhộn nhịp.

Sắp xếp xong xuôi, mợ Viên xuống bếp lại thấy không có gạo và thức ăn, không cả củi đốt, chỉ nước giếng là có sẵn. Vội đến thưa với Tú Anh, hỏi phải làm sao. Tú Anh đáp: “Nghe chị sui bảo, gần đây có chỗ bán thức ăn. Chỉ không biết củi phải mua ở đâu…” Nàng là phụ nữ, đã có chồng thì chẳng lý nào lại để đấy, bèn hỏi Hồng Khiêm.

Hồng Khiêm nói: “Cầm tiền xuống phố mua, tạm đối phó hôm nay đã, mai sáng dò hỏi kỹ hơn.” Chàng đã lên tiếng, tôi tớ bèn hành động. Có người không rành đường, Hồng Khiêm dứt khoát dắt ra phố mua cơm rượu trà quả, Bổng Nghiên theo sau chàng, nhìn đây đó hoa cả mắt, không thể ngờ kinh thành lại bán cả nước ấm rửa mặt.

Mua sắm xong xuôi, về nhà rửa mặt ăn cơm, chăn đệm đã vắt sào phơi từ sớm, giờ chỉ cần trải lên giường, ai nấy thay đồ nghỉ ngơi. Hồng Khiêm lại dắt tiểu tư ra phố dạo một vòng, chẳng mấy chốc đã bàn xong chuyện bán đồ. Hẹn lái buôn trả trước tiền cọc, dăm ba ngày sau sẽ lần lượt chuyển hàng đến. Hàng hóa cả thuyền lại kiếm được hơn năm ngàn lượng bạc, Tú Anh nhìn món hời kếch sù mà than thở mãi: “Ta và chị sui làm ăn với người Hồ, mỗi vụ chỉ được một hai ngàn, đống này lại đáng giá thế cơ à?”

Hồng Khiêm đáp: “Vật rời quê thì quý, mình nghĩ hàng hóa dễ bán như này à? Lái buôn bình thường muốn thồ hàng, một chuyến chẳng biết phải bỏ ra bao nhiêu là tiền thuế. Mà sông ngòi cũng chẳng an bình gì, cũng nhờ đi cùng với anh sui, thuyền anh ấy là thuyền quan, bên mình lại có ông thầy kia nên dọc đường mới có người lo liệu. Lái buôn đi riêng một chuyến, cũng có kẻ mượn danh thuyền quan, nhưng lại phải quà cáp nhiều người…”

Tú Anh nói: “Thôi thôi, có một khoản này chúng ta coi như không phí công vào kinh, ta để lại một ngàn lượng lo cưới gả cho Ngọc Tỷ, ba bốn ngàn còn lại đem đổi ngân phiếu, chỉ chừa ba bốn trăm lượng tiền vặt ở nhà, được không?” Lại bảo muốn mua nhà: “Không có nhà riêng thì không an tâm.”


Hồng Khiêm nói: “Nhà thì đừng mua vội, chờ xem đã, thi đỗ rồi tính sau.”

Tú Anh bảo: “Khi nãy mình ra ngoài, ta đã sai người đi quanh tìm chỗ bán củi gạo, mai sáng sẽ ra mua, gạo trong kinh đắt gớm.” Hồng Khiêm đáp: “Cũng phải ăn để sống chứ. Hồ tiêu ta đã để lại một thạch cho nhà mình dùng, màn thêu cũng không bán tất, để lại phòng khi cần gấp.” Tú Anh nói: “Mình tính cả là được.” Lại hỏi Hồng Khiêm có cần ra ngoài giao thiệp với thí sinh khác không, Hồng Khiêm lắc đầu đáp: “Không cần đâu.”

Hai người lại bàn chuyện ngày mai đưa thiếp sang chỗ ông sui Lệ Ngọc Đường, dẫu gì cũng phải gặp mặt một lần trong kinh. Tú Anh chợt nói: “Chẳng biết Tô tiên sinh thế nào rồi. Minh Trí đang ở nhà mình, không biết chỗ thầy có tiểu tư khôn khéo không?”

•••••

Thầy Tô đúng là đang chẳng ổn tý nào, “Trú ngôi cao trên triều, thì lo dân chúng; ngụ chốn xa giang hồ, lại sầu quốc quân“, lúc còn ở xa Tô tiên sinh lo lắng cho vua thật, nhưng về đến kinh thành, nỗi lòng lại chẳng nhẹ nhõm được một chút. Thực tế là do lúc thầy vừa đến kinh đã được hộ tống vào cung kiến giá, ngay trước cửa cung cấm vừa khéo lại gặp một đám thái học sinh cùng dâng thư, tấu rằng Triệu vương bị oan. Cung đã nhận.

Đáy lòng Tô Chính nặng trĩu, đám Lệ Ngọc Đường khuyên thầy vào cung gặp mặt Quan gia, tiện bề tâm sự. Tô Chính sửa sang áo xống, sải từng bước dài.

Quan gia đã ngồi đợi trong điện Văn Đức từ lâu, thấy Tô tiên sinh vào, không chờ thầy nước mắt ròng rã bái kiến tại chỗ đã chạy tới ôm vai khóc thầm: “Xem như đã trông được tiên sinh rồi, mấy ngày nay, ngũ tạng học trò như thiêu như đốt! Lòng nôn nóng đến độ khó tả bằng lời.” Tô Chính cũng xúc động vô ngần: “Thần chẳng ngày nào không nhung nhớ Quan gia!”

Hai người ôm nhau khóc một hồi, đám Lệ Ngọc Đường tiến lên an ủi, Quan gia bấy mới thu lại nước mắt, chờ hành lễ. Quan gia ban Tô Chính ngồi, thưởng trà rồi mới nhìn kỹ lại, thầy Tô chẳng già hơn khi trước là bao, Quan gia lại bàng bạc tóc mai rồi. Làm cha ấy à, chỉ cần còn chút tình người, không dưng lại mất một thằng con, ba thằng còn lại không có bằng cớ rõ ràng, hẳn sẽ sầu lo đến bạc tóc.

Quan gia nhìn sang Lệ Ngọc Đường, khen ông anh họ này “Giỏi giang”, vậy mà có thể tìm được Tô tiên sinh. Lệ Ngọc Đường không dám tranh công, thưa: “Chỉ vừa khéo gặp được.” Đây cũng do Hồng Khiêm nhờ, chàng sắp đi thi, không muốn mượn tên Tô tiên sinh, phải tự cố gắng để người khác lác mắt mới hay. Lệ Ngọc Đường và Tô Chính đồng ý với chàng, dù sao thầy Tô thường đi lạc, không biết mình đang ở đâu cũng là chuyện thường.

Quan gia lại tán dương anh họ một hồi, bấy mới thả Lệ Ngọc Đường về, còn bảo: “Ngày mai lại chuyện trò cùng tứ ca.” Lệ Ngọc Đường bèn đến phủ Ngô vương, tuy đã ra riêng nhưng đường xá xa xôi quay về, hôm đầu tiên phải ở lại vương phủ hầu hạ.


Bên kia Tô Trường Trinh nghiêm mặt hỏi học trò mình: “Thần lúc còn ở ngoại thành đã biết không ít lời đồn, nghe đâu có kẻ dùng lời tà yêu dèm pha các Hoàng tử!”

Quan gia bảo Tô Chính: “Ta biết, cũng đã cấm chúng nhắc lại rồi.”

Tô Trường Trinh nói: “Thần hãy còn nhớ năm ấy hầu Quan gia đọc sách, trong sách sử có kẻ mơ thấy mình nuốt nhật nguyệt vào bụng, kẻ mơ thấy rồng thêu trên áo rồi mang thai, kẻ sinh ra đã mắc tật lạ, nhưng chưa từng nghe kể chuyện khắc người!”

Quan gia thẹn bảo: “Tiên sinh nói phải.”

Tô Chính bèn hỏi: “Chẳng hay nội tình thế nào?”

Quan gia đáp: “Nhị Ca (Thái tử) sức khỏe không tốt, dùng cơm chỗ Hoàng hậu về đã ngã bệnh, Đại Ca (Tề vương) biếu thuốc, không lâu sau thì Nhị Ca mất.” Nói mà nghẹn ngào. Tô Chính hỏi: “Chỗ Hoàng Hậu ban thức ăn?” Quan gia thưa: “Ta hiểu ý của tiên sinh, hai người ấy đúng là hơi… Thường ngày Nhị Ca cũng khá thiệt thòi trước mặt Hoàng hậu, nhưng lần này lại không dám phán bừa. Lúc Nhị Ca còn sống, ngự y cũng từng bắt mạch, chỉ sức khỏe hơi kém chứ không trúng độc, cũng không cảm lạnh.” Tô Chính lại hỏi: “Chỗ Tề vương thì?” Quan gia cười khổ: “Thuốc nó tặng, Nhị Ca chưa từng uống. Nhưng… triệu chứng bệnh của Nhị Ca, ngự y bảo là cực giống nuốt nhầm hạt mã tiền, nhưng lúc điều tra lại thấy chả động đến mảy may.”

Tô Chính cau mày, Quan gia trông mong nhìn thầy, chỉ ngóng được trở về tuổi hoa niên, vị tiên sinh này sẽ giải đáp thắc mắc cho mình. Tô Chính cũng hiểu y lý, nhưng… Thực sự không biết còn loại thuốc nào có thể cho ra tác dụng kỳ lạ gì khác, chưa rõ thì thôi ngừng suy nghĩ lại, thi hài của Hoàng thái tử, lẽ nào phải đưa chử tác đến kiểm nghiệm? Thầy bèn chuyển sang chuyện chính: “Xin Thánh nhân trục xuất phường yêu gian ra khỏi cung!”

Quan gia nói: “À thì… Trong cung vốn sùng…”

Tô Chính ngắt lời: “Quan gia, bốn con trai Quan gia đã mất một, lẽ nào lại để mặc Triệu vương giẫm vào vết xe đổ?! Sĩ phu còn không dám chia rẽ máu mủ nhà Trời, huống hồ phường yêu gian?! Quan gia là chủ thiên hạ, thấy kẻ hãm hại con ruột lại chẳng đoái hoài, ấy là lẽ gì? Ngay cả dân đen, có kẻ mắng con trai họ họ cũng sẽ vặt lại người, Quan gia không đánh không mắng còn thưởng bổng lộc ban quan tước cho lão, công phu nín nhịn thực mãn cấp rồi!”

Tô Chính hiểu rõ đứa học trò này, khen một câu thì là “Hiền hậu nhân đức”, chê một câu lại là “Đàn ông yếu đuối”, bị Hoàng thái hậu ép uổng, chữ hiếu đội đầu, năm xưa Hoàng thái hậu có ơn lớn trong việc giành ngôi Đông cung cho Ngài, Ngài thực sự không cứng nổi.

Từ lúc xô vào dòng đời, miệng mồm lanh lợi và từ ngữ gian ngoan của thầy Tô như lại thăng một bậc, Quan gia làm sao đỡ nổi: “Đuổi, đuổi ngay!” Viết ý chỉ ngay trước mắt Tô tiên sinh. Sĩ phu cả triều đã chẳng vừa mắt tên yêu gian này từ lâu, chẳng ai can lại, chưa đến nửa buổi đã lột chức quan của Chân Nhất đạo nhân, tước môn tịch, cấm vào cung lần nữa.

Thầy Tô xả một bụng tức, lại dỗ dành Quan gia: “Quan gia, xuân năm nay tổ chức thi to đấy! Khi ấy anh tài khắp thiên hạ tụ hội về đây, chẳng nhẽ chỉ là để nghe dèm pha nhà Trời? Họ nào được phép tọc mạch? Nếu lại có vài kẻ tay thừa chân thải thất đức viết du ký, tạp ký gì gì đó lưu truyền ngàn đời, quân thần chẳng ai còn mặt mũi gì!”


Quan gia được thầy an ủi, sắc mặt mới khá hơn. Lại cùng Tô tiên sinh tỏ lòng nhớ nhung Thái tử, thầy Tô rời kinh mười năm có lẻ, khi ấy Thái tử mới bao lớn đâu? Không ấn tượng gì mấy, chỉ nghe Quan gia dốc bầu tâm sự, trong lòng lại đã quyết định: Gọi mình đến hẳn có việc nhờ, phải báo cho Lương Minh Sơn (Lương tướng, hiệu Minh Sơn) một tiếng mới được. Chuyện trong cung tuy là việc nước nhưng cũng là chuyện nhà, có vài thứ mình nhìn không thấu, Ngọc Tỷ có vẻ am hiểu chuyện nhà, cũng phải tham khảo ý con bé.

Bên kia Quan gia cũng ngại ngay lần đầu gặp lại đã sai phái Tô tiên sinh, tưởng niệm Thái tử xong bèn than tiên sinh vất vả, lại bảo đã thưởng một tòa nhà to bảy dãy và một số nô tỳ cho thầy, tạ ơn sư. Thầy Tô đoán Quan gia có chuyện cần nhờ nên thản nhiên nhận lấy, đoạn nghĩ, chuyện Đông cung ắt vẫn còn một màn tranh đấu đang chờ, bề tôi như mình sao dám trốn tránh? Thôi cứ nhận, Quan gia chắc cũng hiểu mình bằng lòng tham gia vào chuyện này, mình cũng tiện dốc lòng làm vài chuyện, không thể để đám các bà các cô nơi hậu cung làm xằng được!

Quan gia thấy Tô Chính nhận quà, bèn thở phào nhẹ nhõm, đoạn hỏi: “Tiên sinh thấy vị đường huynh kia của ta thế nào?” Tô Chính suy xét một hồi mới hiểu Ngài đang đề cập đến Lệ Ngọc Đường, chân thành đáp: “Bình bình thôi.” Quan gia thở dài: “Dầu gì cũng là người hiền hòa.” Lại hỏi thăm phong cảnh các vùng, đoạn lệnh chuẩn bị xe đưa Tô tiên sinh về nhà.

•••••

Thầy Tô về nhà gặp vợ con, chắp tay vái vợ trước: “Nương tử cực khổ rồi.” Hơn mười năm không gặp, con cái nên người cả, cháu chắt cũng đã lớn. Thầy có ba trai hai gái, đều đã lập gia đình. Trưởng tôn nhà con trai trưởng năm nay cũng đã mười sáu, bạn già Lương Minh Sơn của thầy đã hẹn trước với Tô phu nhân, gả cháu gái mình cho cháu trưởng của Tô Chính. Cháu thứ Tô Bình là con của thứ tử,năm nay mười lăm, đang chờ đính hôn, Tô Chính săm soi cậu mấy lượt, tuy không khôi ngô như cháu trưởng nhưng cũng là đứa đứng đắn, thầm nhủ, không đến nỗi chẳng cưới nổi vợ.

Vì hôn sự của thằng cháu này mà bạn bè thân thích đều sầu, giờ Tô tiên sinh về lo, mọi người đều an tâm.

Tiếng tăm thầy Tô nổi như cồn, Tô phu nhân cũng đi đứng ngồi nghỉ nghiêm chỉnh hệt thầy, nề nếp hiền hậu, ba đứa con trai vì cha mà con đường làm quan lúc đầu hơi trắc trở, giờ mới khá lên. Trong tám cháu trai đã có ba đứa đỗ tú tài, cực nhiều kẻ muốn cuỗm con cháu nhà họ Tô về làm dâu làm rể. Chọn ai bỏ ai, cũng phí hoài tâm sức.

Đang lúc chuyện trò, ngoài kia Minh Trí dẫn một xe quà quê đến biếu, chỗ Thân thị cũng sai người biếu đặc sản. Thầy Tô bấy mới có quà gặp mặt tặng con cháu, chủ mẫu hai nhà kỹ tính, đủ đầy mọi thức, lại có cả màn thêu châu Hồ các loại tặng riêng cho bà Tô.Thầy Tô cũng chỉ nói: “Bạn cũ đưa tặng.” Mọi người liền chẳng thắc mắc nữa, bà Tô hỏi: “Có vẻ tình cảm khá tốt? Cũng nên viết thiệp hồi âm, nào thể nhận lễ không?” Thầy Tô đáp: “Ta liệu cả rồi, hôm nay khỏi.”

Đưa mắt nhìn khắp lượt đám cháu trai, lại hỏi bài vở, đánh giá săm soi. Mấy cậu chàng này, lúc ông nội rời nhà đứa lớn nhất cũng chỉ mấy tuổi, bé hãy còn chưa ra đời, tiếng tăm ông nội lừng lẫy ngoài kia, bọn chúng không khỏi căng thẳng. Trò chuyện dăm ba câu, thấy ông nội không nghiêm khắc như trong lời đồn mới thả lỏng hơn.

Bà Tô thấy không còn sớm nữa, bèn khuyên thầy Tô tắm rửa thay đồ. Đoạn hỏi: “Nghe bảo phủ quân nhà Ngô vương đưa mình đến? Mai ta bảo Đại Ca đến đấy cảm tạ, được không?” Tô Chính đáp: “Bảo Nhị Ca đi.” Tô phu nhân vâng lời, chỉ dặn Tô Chính nhớ tự viết thiệp.

Lệ Ngọc Đường nhận được thiệp viết tay của thầy Tô, chỉ hận nỗi không thể treo lên tường thắp hương sáng tối ấy chứ! Nhưng lúc bấy giờ ông không có lòng dạ nào làm thế, vì sau khi thỉnh an rời vương phủ về nhà, gặp mấy đứa con trai con dâu mình để lại trong kinh, tối đến Thân thị lại báo một tin xấu cho ông hay: “Mẹ hỏi chuyện nhà chồng của Lục Tỷ, nếu không có ai để ý, nhà họ Chu kia muốn cầu hôn Lục Tỷ cho con trai họ. Mẹ đã rục rịch lắm rồi, đám Tam Nương cũng đỏ mắt cả. Khi ấy trên tiệc đông người, ta không tiện nói, bèn bảo phải về bàn với mình.”

Nhà họ Chu này ấy à, chính là gia đình đại lý tự khanh mà họ đã nhắc đến trên đường về, đứa con trai này là con của vợ kế Chu Chấn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.