Nữ Hộ

Chương 40: Hội hè


Đọc truyện Nữ Hộ – Chương 40: Hội hè

HỢP ĐỨA NÀO QUYẾT ĐỨA ẤY.

Tuy Hồng Khiêm bảo không cần ăn vận quá chăm chút, nhưng Tú Anh vẫn cân nhắc đắn đo, dù gì đây cũng là lần đầu tiên nàng tham dự yến tiệc to cỡ này, khó tránh khỏi trịnh trọng hơn đôi phần. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, vẫn làm theo lời Hồng Khiêm. Chỉ mặc đồ hè mới may năm nay, không cài trang sức quá rực rỡ lên đầu —– Sợ mất vẻ nhã nhặn trang trọng. Để không lạc loài với người ta, còn đặc biệt xin Hà thị chỉ bảo.

Hà thị nói: “May mà cô hỏi chị, không thì có khi xấu mặt rồi, lần đầu ta và chúng nương tử gặp vợ phủ quân, nương tử nhà Diệp chủ bộ ở châu phủ lanh mồm lẹ miệng, cứ khen nàng ta trẻ miết!”

Tú Anh lấy làm lạ: “Bà ấy dễ cũng phải ngoài bốn mươi rồi? Sao khen trẻ lại không hay?”

Hà thị méo mặt: “Thì người ta chưa đến tứ tuần chứ sao! Vị này là vợ kế, nhỏ hơn phủ quân tận mười mấy tuổi. Nương tử nhà họ Diệp cứ mở mồm là ‘người nom như chỉ vừa ba mươi’, may mà nương tử phủ quân không so đo. Sau này bọn họ quyết chí dò hỏi mới biết đấy là vợ kế, cũng chỉ ba mươi có lẻ, cô bảo có khó coi không?”

Tú Anh đưa khăn che miệng cười: “Vỗ mông ngựa lại vỗ nhầm chân, đúng là khó xử. Chính chủ không so đo, người ngoài cũng cười cho thối mặt.”

Hà thị: “Chứ gì nữa!”

Tú Anh lại hỏi chuyện quần áo trang sức này kia, Hà thị đáp: “Quan nhân nhà cô nói đúng đấy, cô còn trẻ người tươi tắn, mặc như nào cũng xinh. Yến tiệc kiểu này, nương tử phủ quân là chủ nhà, nên để người ta nổi bật, cô làm màu làm gì? Đã tươi trẻ rồi còn tranh ăn mặc, chả phải tự rước lấy phiền phức à? Với cả lúc họ gửi thiệp mời cũng gộp lại thành một nhóm, đều là gia đình trí thức kiểu cô, thanh nhã một chút vẫn ổn hơn.”

Tú Anh vốn bụng bảo dạ rằng nên giành mặt mũi cho Hồng Khiêm, nghe chồng và Hà thị đều bảo thế, bèn dập tắt ý định.

Lại chần chừ nói với Hà thị: “Chị cũng biết đấy, Đại Tỷ nhà em năm nay đã tròn chín tuổi. Mấy năm trước nhà cửa không êm nên làm lỡ nó, em cũng chẳng lòng dạ nào mà để ý đám tốt cho nó, chỉ sợ vừa ý lại không gả nổi, lòng thêm buồn. Những gia đình môn đăng hậu đối, có cả chuyện vừa mới lọt lòng đã cắt tà làm sui*. Giờ đây cha nó dù gì cũng đã có công danh, muốn tìm nhà chồng tốt cho con. Nhưng trước đây gia đình em như kia, tụi em không dám đánh tiếng cũng chẳng dám mơ gia đình bậc nhất, nên chẳng rõ chuyện xưa tích cũ nhà người, chẳng khác gì người mù kẻ điếc. Cơ mà lâu ngày mới thấu lòng người, vội vàng thăm hỏi e rằng điều nghe được cũng không chính xác, bị người ta bưng bít chuyện xấu đi. Năm sáu năm nữa con bé phải đính hôn rồi…”

[*Đính hôn từ trong bụng mẹ, tà áo được cắt rồi trao đổi làm tín vật.]

Hà thị tiếp lời: “Cô định nhân cơ hội này dò la thêm, đưa Đại Tỷ đi dạo một vòng, ai vừa ý thì đến dạm hỏi cô ấy hả? Kiểu một nhà có con gái trăm kẻ cầu?”

Tú Anh hỏi lại: “Thế có ổn không?”


Hà thị đáp: “Cũng được, lúc mối mai cho Nga Tỷ nhà này, chị cũng tiếc việc quá gấp, không thể tìm hiểu rõ chuyện cũ, chỉ e con bé bị ức hiếp. Ngọc Tỷ cái gì cũng tốt, lại là con cưng của cô, đương nhiên phải lo từ sớm. Chờ đến lúc sắp gả mới tìm hiểu đã muộn rồi! Lốt ngoài rạng rỡ thì e bên trong không tốt, phải xem gia cảnh vài năm, dò xét thật kỹ mới được, để khỏi sơ suất. Con gái gả đi là con nhà người, đau khổ vui sướng gì đều do người, cần có người chống lưng ở nhà mẹ đẻ hơn cả. Trước nay không muốn con gái gả xa, chẳng phải đều vì điều này ư?”

Tú Anh cực kỳ có cảm giác như gặp tri âm, càng nói càng thấy hợp với Hà thị, lại hỏi chuyện nhà chồng Nga Tỷ. Hà thị đáp: “Mới nói không muốn gả nó xa nhà, con rể lại trở thành thái học sinh, phải chuyển vào kinh ở, sui gia đã thuê nhà trong kinh cho thằng bé. Cô nghĩ mà xem, tách hai bọn nó ra, nó thì ở cạnh chị nhưng vợ chồng lại không gặp mặt, sống sao cho nổi? Còn mà bảo nó vào kinh á, chị chịu sao thấu!” Đấm ngực mà nói.

Tú Anh lại lựa lời an ủi, hai người tán không biết bao nhiêu là chuyện.

Tú Anh lượm lặt được bí quyết chỗ Hà thị, cũng chăm chút điểm trang, vận áo xanh lơ váy vàng phớt đỏ, eo thắt đôi ngọc bội, tai đeo khuyên tua ngọc. Mái tóc đen vấn búi, cài vài cây trâm. Cụ Lâm biết nàng sắp phải dự tiệc, bèn nhờ vợ Lâm tú tài đi cùng chăm sóc. Tú Anh dắt hai tiểu nha đầu là Tiểu Hỉ Tiểu Lạc theo, cũng bảo chúng mặc đồ vải phin mới may hè này, chờ đến giờ, đến gặp mợ là nương tử nhà họ Lâm trước rồi mới cùng vào châu phủ.

Nương tử phủ quân lần đầu gặp mặt mọi người, chỉ mời nương tử chứ con cái chưa bắt buộc phải có mặt, Ngọc Tỷ ở nhà học.

•••••

Lúc về nhà, Tú Anh má đỏ hây hây, đã uống ít rượu, tâm trạng khá tốt. Hôm nay cụ Lâm và Tố Tỷ cùng đến nhà họ Hồng thăm Kim Ca, Kim Ca cứ “bi ba bi bô” gọi mãi, ai nấy đều không hiểu ý, làm nhóc gấp gáp đến độ khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ cả lên, lớn tiếng quát.

Tú Anh rửa mặt rồi chơi với Kim Ca một lúc, nhóc mới im lặng. Cụ Lâm cười bảo: “Ấy là mẫu tử liên tâm,” lại hỏi, “hôm nay thế nào?”

Ngọc Tỷ vểnh tai lên nghe, Tú Anh đáp: “Nương tử phủ quân nhã nhặn cực, cũng không cậy thế hiếp người. Nhìn quần áo và trang sức trên người trên đầu nàng ta, cũng thuộc diện giàu có.”

Tố Tỷ hỏi: “Người nhà Thiên gia, sao có thể nghèo khổ?”

Tú Anh cũng chẳng giải thích rõ ràng cho bà nghe làm gì, nàng đã chuếnh choáng, thấy nóng bèn đưa tay quạt gió. Ngọc Tỷ đưa bát nước ô mai gần bên tay cho nàng, Tú Anh một hớp uống cạn, lau miệng rồi bảo: “Nghe nói tú tài cử nhân thành này không ít, nhưng hôm nay chẳng gặp được mấy người.”

Cụ Lâm nói: “Chắc vị ấy chu đáo, chia làm mấy tốp. Chuyện này cũng thường thôi, người tinh tế thì chu đáo hơn, còn nếu không quan tâm thì gọi cả đám đến ngồi chơi. Đám má hồng các cháu gặp nhau cũng chả phải chuyện gì lớn lao, phủ quân gặp bọn cháu rể mới là việc chính.”


Tú Anh đáp: “Vâng cháu hiểu rồi. Ôi ~ Hôm nay có vợ tú tài già họ Vương, đã bốn năm chục tuổi rồi còn vấn một cái búi khổng lồ trên đầu, không sợ đè gãy cổ hay sao ấy.” Cụ Lâm nói: “Chắc hồi trẻ không nhiều tóc như giờ.” Tú Anh nghe mà cười khùng khục, lại bảo: “Nương tử phủ quân đúng là một người tài, không chỉ ngồi im nói lời khách sáo, mà với ai cũng có thể trò chuyện được.”

Cụ Lâm nói: “Thế thì tốt, cháu bây giờ cũng chẳng gặp mặt người ta được bao lần, xã giao vậy là ổn. Còn với người khác thì sao? Đám vợ tú tài kia thế nào?”

“Cũng có người xêm xêm tuổi cháu, nhưng phần nhiều là lớn hơn cháu đôi tuổi. Có mợ dắt cháu đi, họ cũng dễ mào đầu. Cũng có hai kẻ khinh khi người khác, cháu cũng chẳng để ý chúng làm gì.” Nói mà mặt mày méo xệch, chắc đã phật lòng vài ba bận.

Cụ Lâm nói: “Cháu không phải ngân lượng, làm gì có chuyện ai nhìn cũng thích! Không khiến mọi người cùng ghét là được.” Ngọc Tỷ không kìm nổi bật cười ra tiếng, bị Tú Anh lườm một cái bèn bụm miệng dựa dẫm Tố Tỷ.

Tú Anh bảo: “Chưa hẳn không qua lại nhiều, hôm nay lúc cháu định lên kiệu về, trong nhà sai người ra bẩm, vài ngày nữa nương tử phủ quân sắp xếp ổn thỏa, muốn cháu dắt Ngọc Tỷ đi.”

Ngọc Tỷ trợn tròn mắt, buột miệng: “Con? Nhà mình kém phủ quân hơi nhiều ý? Sao lại muốn con đi?”

Tú Anh mắng: “Con thì hơn người chắc, người ta không được mời đi à? Nhà phủ quân cũng có vài tiểu nương tử, gia đình bọn họ chín trai bảy gái, lớn đã cưới gả, nhỏ thì cỡ tuổi con, người ta vừa tới đây, con không cho tìm bạn chơi cùng chắc?”

Ngọc Tỷ bụng bảo dạ, dù nhà phủ quân muốn chơi cũng chẳng cần phải chơi cùng gia đình tú tài con độc, gần thì có huyện lệnh chủ bộ, xa còn có cử nhân. Cũng không phải con nhát đòn, mà là vị nương tử này kỳ lạ quá thôi. Đoạn bĩu môi, không cãi lại nữa. Cụ Lâm nói: “Chắc là muốn có bạn.”

Tú Anh hơi do dự, lúc thì nghĩ để con gái chơi chung với tiểu nương tử phủ quân, cũng tiện mở mang tầm mắt, lúc lại đắn đo, thế này khác nào đi làm nha hoàn? Không quyết định nổi, đành chờ Hồng Khiêm về bàn.

Tối đấy Hồng Khiêm nghe xong, bảo: “Cần gì phải thế, nhà họ cũng chẳng có gì đáng để mưu toan đâu, nếu chúng ta không muốn thì từ chối là xong.”

Tú Anh nói: “Chàng thì biết gì? Ngọc Tỷ ngày càng lớn, chàng xem Nga Tỷ kìa, mười một mười hai tuổi chị Kỷ đã để ý cho con bé, phải hai ba năm mới an tâm mà tìm nhà, đính hôn rồi lại phải thành hôn, còn các thứ lặt vặt khác nữa. Không thể làm lỡ con gái được, phải nhân lúc còn sớm. Ngọc Tỷ hoàn hảo thế nào chỉ có nhà mình biết, mấy gia đình môn đăng hộ đối ngoài kia chẳng ai hay, chuyện sao thành? Hay đến nhà ấy chơi, cũng thể hiện được tý thân phận.”

Hồng Khiêm nhướng mày: “Nàng càng phải kiên nhẫn, đừng làm lỡ khiến con gái phải cúi đầu mà gả cho người. Ta vẫn chưa thi xong mà.” Tú Anh bảo: “Con gái anh mà anh không lo!” Dông dài một trận, Hồng Khiêm không tiếp lời, Tú Anh bèn nghĩ đến chuyện Ngọc Tỷ nên mặc gì dự tiệc.


•••••

Sau Đoan Ngọ, nương tử phủ quân quả đã sai người tới mời vợ Hồng tú tài và Đại Tỷ nhà họ Hồng đến phủ. Tú Anh cho Ngọc Tỷ mặc áo lụa vàng nhạt, váy xanh nhạt, đeo vòng cổ rồi dắt đến hậu nha châu phủ. Bên này Tú Anh cầm quần áo ướm tới thay lui cho Ngọc Tỷ, bên kia Ngọc Tỷ hỏi Tú Anh: “Lần trước mẹ đến đấy, nhà họ to không? Gia đình họ gồm những ai, có phải tránh né ai không? Thích gì? Kiêng gì?”

Tú Anh đáp: “Con gái con đứa, sao nhiều chuyện vậy? Con cứ theo mẹ là được.”

Ngọc Tỷ bảo: “Con phải tìm hiểu trước mới an tâm. Mẹ ra ngoài xã giao với người ta, cũng phải nhớ lấy những điều này, mới dễ gây dựng quan hệ.”

Tú Anh dí bé một cái, cân nhắc kỹ càng thì thấy cũng có lý, nói: “Hậu nha châu phủ không to cũng không nhỏ, gia đình người ta đông, nên mới chật chội đôi chỗ…”

Đến hậu nha, mới biết không chỉ có mẹ con hai người được mời. Chúng nương tử tú tài quen mặt đều dắt theo hai đứa con gái, có vợ Hộ tú tài đưa cả cháu gái mình đến, vợ Tăng tú tài dẫn con gái mười ba tuổi theo, nhiều ghê nơi, dễ cũng phải hai ba chục người.

Một chốc vợ phủ quân đến gặp gỡ mọi người, chúng nương tử hành lễ, nương tử phủ quân trả nửa lễ. Ngọc Tỷ thừa dịp nghiêng mình lùi lại để quan sát vị nương tử phủ quân này, không cao không thấp, không béo không gầy, da dẻ trắng nõn, mày liễu mắt hạnh, mặc áo bào đỏ thẫm váy tím, đầu cài trang sức lóng lánh ánh vàng, tay đeo vòng ngọc Dương Chi.

Đương lúc bé quan sát, chúng nương tử lại bảo con gái ra dập đầu với vợ phủ quân, lần này nàng ta lại nhận lạy của đám trẻ, đoạn bảo: “Vùng này có tiếng đất thiêng người tài, đàn bà phụ nữ như ta không tiện gặp gỡ đàn ông bên ngoài, nhưng chỉ riêng việc trông thấy các cô gái xinh xắn này đây, đã biết nơi đây là đất phúc.” Rồi gọi đám con gái nhà mình đến gặp.

Vì lần trước từng đến dự tiệc, Tú Anh biết gia đình phủ quân có chín trai bảy gái, con trai cả, con trai thứ, con trai thứ tư, con trai thứ sáu, con gái cả đều do vợ đầu sinh, con trai út, con gái thứ sáu và con gái út thì do vợ kế sinh, còn lại là con của thiếp. Bốn trai ba gái đầu đã thành lập gia đình, con gái ở nhà chồng, con trai ở lại kinh thành dựa hơi tông thất làm quan nhỏ, những đứa còn lại thì theo bên mình. Đến Giang Châu có năm trai bốn gái, khiến cả phủ nha chật hẹp biết bao.

Người ra gặp mặt là Tứ Tỷ, Ngũ Tỷ, Lục Tỷ, Thất Tỷ nhà phủ quân, đứng xếp hàng từ cao đến thấp, chào mọi người theo lễ vạn phúc. Chúng nương tử vội tránh lễ, vợ phủ quân nói: “Mấy đứa đồng trang lứa cả, ngồi chung với nhau đi,” lại bảo con gái nhà mình, “các con là chủ, nhớ tiếp khách quý cho tốt.”

Tứ Tỷ lớn tuổi nhất, bèn mời đám chị em hơn mười cô bé ngồi cùng với mình. Các cô bé này lớn thì mười ba mười bốn tuổi, bé thì sáu bảy tuổi, chẳng bao lâu sau, đã mơ hồ tách thành ba bốn tốp. Lớn thì trò chuyện với Lệ Tứ Tỷ, còn nhỏ không chen vào nổi, bèn vây quanh Lệ Thất Tỷ. Ngọc Tỷ ở giữa, thầm tính toán, Tứ Tỷ Ngũ Tỷ người mười ba kẻ mười hai, Lục Tỷ mười một, Thất Tỷ mới bảy tuổi, cân nhắc một lúc, bèn đến ngồi chỗ không xa không gần với Lục Tỷ.

Đám con gái ngồi cùng nhau, cũng mới gặp mặt, lúc đầu không ai nói gì. Nhưng vì còn là trẻ con, chị em nhà họ Lệ vừa lên tiếng chào hỏi, các bé đã cậu một câu tớ một lời rôm rả ngay. Ngọc Tỷ ngồi nghe, thỉnh thoảng nói một hai câu, còn lại đều nghe mọi người nói. Thế mà Lệ Lục Tỷ lại thích nói chuyện với bé, thường hỏi: “Phải không?”

Thì ra trong đám các cô bé này, có bảy tám đứa xinh xắn, hai ba đứa bình thường, một hai đứa trông không xinh cho lắm. Ngọc Tỷ thuộc nhóm xinh xắn, lại xinh nhất trong nhóm này, ngồi im không táy máy, nhếch mép mỉm cười cũng đã khiến người ta cảm thấy dễ chịu.

Mọi người tán chuyện hoa cỏ áo quần cảnh đẹp, bé cũng đáp hai câu, bảo đã từng đến chùa Từ Độ: “Nếu thực sự muốn đến, tự đi bộ lên là linh nghiệm nhất.” Bàn đến đặc sản, bé cũng tiếp lời: “Bánh sen của cửa hàng phố Đông là thơm nhất, ăn nóng tuyệt lắm.” Nói đến sở thích của con gái, lại biết bé đã học cách trộn son phấn từ bà ngoại.

Chị em nhà họ Lệ đều thích bé. Thất Tỷ nhỏ nhất còn chạy đến hỏi: “Vùng này một năm có đến một hai tháng mưa dầm không ngớt thật ư?”


•••••

Lệ phủ quân tên là Ngọc Đường, mặt trắng râu ba chùm, khá nho nhã. Rời nha môn lui về hậu nha nghỉ ngơi, thấy các vú già đang dọn dẹp đồ đạc, nhíu mày, về phòng hỏi vợ Thân thị: “Nàng ấy là làm gì? Tới đây chưa ngoài hai tháng, đã lại sốt ruột rồi?”

Thân thị đứng lên đón hắn, thấy hắn nới áo khoác, bèn sai nha hoàn phẩy quạt bưng trà, đoạn nói: “Nhà này mười mấy đứa con, sao có thể không sốt ruột? Mình hay bảo thiếp gấp gáp, nếu thiếp không nhanh tay, Tam Tỷ trước đó suýt đã bị gả bậy rồi!”

Thì ra vì muốn lấp đầy kho nhà mình, Ngô vương trong kinh đã nhắm phải một gia đình kinh doanh lớn thạo bán buôn, suýt nữa đã gả con gái thứ ba do thiếp sinh của Lệ Ngọc Đường cho nhà ấy. Ngô vương có hai mươi ba người con trai, cháu chắt càng nhiều vô kể, đồ hiếm mới quý, người cũng vậy, càng dồi dào càng không tiếc, thích thì nhích thôi. May mà Thân thị ra tay sớm, gả Tam Tỷ đi trước. Cưới xin là lệnh cha mẹ, lời mối mai, Lệ Ngọc Đường và Thân thị cùng đồng ý, viết một bức thư về kinh, bảo đã gả Tam Tỷ cho một gia đình cử nhân giàu có, thành chuyện đã rồi. May mà Ngô vương đông cháu gái, cũng không phật lòng, lại chọn đại một đứa là được. Bình thường ông ta cũng chẳng hơi đâu mà lo, ngoài một nhà đích trưởng trong kinh, những người còn lại e ông cũng chẳng nhớ hết nổi tên.

Lệ Ngọc Đường than vãn: “Rành rành là tông thất, vậy mà phải đến nước này.”

Thân thị bĩu môi: “Không rầy thiếp sốt ruột nữa à?”

Lệ Ngọc Đường hỏi: “Nàng thấy thế nào?”

Thân thị đáp: “Còn sớm, gặp nương tử mấy nhà này, thiếp để ý vài người hiểu chuyện thông suốt rồi bảo họ dắt con gái đến gặp…”

Lệ Ngọc Đường khá thắc mắc: “Gả Tam Tỷ, sao lại phải gặp con gái nhà người ta?”

Thân thị đáp: “Mình không xem nhà ta có bao nhiêu con cái, cần hai ba năm mới hiểu thấu được một đứa trẻ, nếu cứ lo lần lượt thì phải đến ngày tháng năm nào thiếp mới hết việc đây! Mấy đứa nhỏ còn lại khỏi cưới gả nữa phỏng?”

Lệ Ngọc Đường hỏi: “Ý nàng là?”

“Được đứa nào hay đứa ấy, thiếp gom cả đám con gái trên sáu dưới mười lăm đạt chuẩn này lại xét một lượt, hợp đứa nào quyết đứa ấy. Đầu tiên là gia đình quan lại giàu có, kế đến là gia đình trí thức giàu có, mình thấy sao?”

Lệ Ngọc Đường vui vẻ đáp: “Tốt lắm.”

Thân thị thở dài, nếu không phải vì muốn giữ đồ cưới, bảo bọc mấy đứa con của chị gái đã mất, giữ cái tiếng sui gia với vương phủ cho nhà mình, thì nàng ta sao bằng lòng nhảy xô vào, tất tả ngược xuôi như thế?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.