Đọc truyện Nữ Hộ – Chương 31: Gian khó
NỮ HỘ KHÔNG DỄ DÀNG GÌ
Ngọc Tỷ thấy Hà thị vào phòng, bèn chạy tới chào: “Thím mạnh giỏi.” Hà thị cười xoa đầu Ngọc Tỷ: “Ngọc Tỷ lại lớn hơn một chút rồi.” Nhìn đồ tang bé đang mặc, mặt lộ vẻ thương xót.
Tú Anh cũng đứng dậy gọi: “Nhà em đang để tang, chị còn đến nữa.”
Hà thị đáp: “Chị với cô mà còn phải khách sáo vậy à?” Bước tới ngồi đối diện với Tú Anh, lại than thở: “Chị chỉ ngại chẳng còn mặt mũi nào gặp cô, lão chết dẫm kia có tý chuyện thôi còn làm chẳng xong, chẳng biết ra làm sao, còn ông lớn huyện lệnh nọ thì chả biết chạm phải cái nọc gì.”
Tú Anh cười khổ: “Cũng không trách họ được, chỉ sợ là ý trời, cuộc đời phải lắm gian truân.” Hà thị ngạc nhiên: “Cô nói chuyện có hơi hướm nhang đèn rồi đấy, Ngọc Tỷ, mẹ cháu dạo này tụng kinh rồi hả?” Ngọc Tỷ đáp: “Mẹ cháu không thích cái đấy.” Tú Anh trả lời: “Trước không thích, giờ thích được không? Tiểu Hỉ, còn không dâng trà bánh lên?”
Ngọc Tỷ chạy đến bên Tú Anh, nghe nàng than thở với Hà thị: “Gặp được chị, em mới dễ chịu hơn đôi chút, cũng chẳng biết huyện lệnh đại nhân nghĩ thế nào.”
Hà thị nói: “Mặc lão nghĩ thế nào, chuyện cũng đã rồi, có nghĩ nhiều cũng vậy, phải nghĩ xem sau này nên làm gì mới đúng. Cô đừng buồn bã quá, dù có chết vì buồn thì chuyện nó vẫn thế.”
Ngọc Tỷ càng nghe, lại càng cảm thấy lời Hà thị nói có vẻ giống mấy hôm trước thầy Tô từng bảo, không khỏi chăm chú hóng. Chẳng ngờ Hà thị không bàn tiếp nữa mà đổi sang đề tài phụ nữ, nói với Tú Anh: “Ngọc Tỷ cũng sắp lớn rồi, cô không dạy con bé thêu thùa à? Cô thể nào cũng phải có một thằng cu, Ngọc Tỷ thể nào cũng phải về nhà chồng, nhà chúng ta thế này, tuy không đặt quá nhiều kỳ vọng vào nữ công, nhưng ít nhiều gì cũng nên biết một chút, để người ta khỏi bắt chẹt.”
Tú Anh đáp: “Giờ trời đang lạnh, tay cứng, chớm xuân trời ấm thì dạy nó đôi phần, nó còn nhỏ mà, qua sinh nhật sáu tuổi thì dạy đan túi lưới trước, hai năm sau hẵng động tới thêu thùa, để khỏi bị kim châm.”
Ngọc Tỷ nghe bảo mình sắp được dạy thêu thùa may vá thì khá thích thú, cũng không biết có phải bản tính trời sinh không, con gái thường có cảm tình với mấy việc này. Nghe Tú Anh bảo trời lạnh, Ngọc Tỷ thầm nhủ, trời lạnh thật, viết chữ cũng nhọc hơn bình thường nhiều, đúng là phải chờ đến xuân. Bèn không góp lời, chỉ im lặng nghe hai người nói tiếp chuyện nhà.
Tú Anh chuyển chủ đề sang Nga Tỷ: “Cũng lớn rồi, nên chú ý người khác rồi, thể nào cũng phải theo dõi nửa năm một năm mới quyết định được. Trao đổi canh thiếp, trao lễ vật đính hôn, rồi đến ngày xuất giá, cũng cần nửa năm một năm. Ấy là gặp ngày đẹp, nếu phải ngày xấu thì còn phải kéo. Chị cũng phải chuẩn bị của hồi môn, lại tốn thêm mớ thời gian nữa, chỗ này một chốc chỗ kia một bận, không ba bốn năm không xong.”
Hà thị: “Của hồi môn thì dễ xử rồi, chị cũng lén mua một mớ gỗ tốt, chờ chắc chắn rồi thì tìm thợ mộc lành nghề gom lại làm đồ dùng. Từ lúc nó sáu, bảy tuổi chị đã để dành một ít vàng bạc châu báu cho nó, đến giờ vàng cũng một cân, bạc hai cân, lại có đá quý linh tinh, tìm thợ thủ công khéo tay rèn là được, kiểu dáng tân thời. Nhà cửa cũng bắt đầu mua rồi, vào xuân tới ngay hàng tơ lụa mua vài xấp vải mới loại tốt, lại tìm thợ may giỏi, may áo cưới cho nó. Mối của Ngọc Tỷ, cô cũng nên bắt đầu vun vén đi. Con nít quay đi ngoảnh lại trưởng thành ngay, giờ mới thu xếp sợ còn không kịp.”
Tú Anh đáp: “Em cũng nghĩ vậy, chỉ mong nó có thể gả đi.”
Hà thị nghe thế, nghĩ đến gia cảnh nhà nàng, vội bảo: “Sắp đến Tết rồi, còn nói xui gì đấy? Ngọc Tỷ chắc chắn sẽ gả được cho một người tốt, còn phải đỡ đần em trai nữa. Cô cứ lo ngồi hưởng lão là được.”
Ngọc Tỷ đã hiểu được vài sự đời, ngượng ngùng lắm thay, vùng chạy khỏi người Tú Anh, khiến nàng và Hà thị bật cười.
Ngọc Tỷ chạy ra ngoài nên chẳng hay trong nhà đã quyết định mua hai thị nữ mới cho bé, chỉ biết chạy thẳng đến chỗ Tô tiên sinh, nghe thầy cầm một quyển du ký, tiện tay giở một trang, giảng vài phong tục tập quán nơi ấy cho bé. Tối muộn Trình Khiêm về, cả nhà cùng ăn cơm, trừ ngày lễ Tết thì thầy Tô không ăn cùng với người nhà họ Trình, một mình một mâm trong phòng, cứ thế hết ngày.
•••••
Năm nay Trình Khiêm không mấy suôn sẻ, trong tay tuy có hơn ba ngàn lượng bạc nhưng không muốn động vào, nghĩ ra thì cũng là tiền có được do gài bẫy Dư gia, lòng không khỏi cảm thấy mình đã phạm tội, muốn cho đi thì lại nghĩ nửa năm nay mình đã bố thí quá nhiều cho miếu, không nên thêm. Nhưng bỏ hộp thì lại thấy bực mình. Muốn quẳng ra đường, lại thấy tức cười.
Sau khi ông Trình mất, phải qua lại thế nào với bạn già ngày xưa của ông cũng là một chuyện khó. Trình Khiêm đến xã giao, người ta nể mặt ông Trình mới không đến mức đuổi ra ngoài, nhưng tuổi tác khác nhau, tình cảnh một trời một vực, sao hợp ý nhau được? Trình Khiêm là người khiêm tốn hòa nhã, lúc vui vẻ cũng biết nịnh nọt người khác, nhưng thực sự không thích phải dỗ dành hết người này đến người khác. Dỗ dành nịnh nọt cũng không phải việc dễ dàng gì, phải đo lòng người, mệt lắm.
Mà Trình Khiêm lại là người có chủ kiến, mới đầu chịu ở rể là do ở không chán quá, không hợp với người nhà, nổi cáu bỏ đi. Rồi mới đến lý do ông Trình tốt bụng hiền lành, thành Giang Châu màu mỡ ấm êm, chàng đi mãi cũng mệt, muốn dừng chân nghỉ ngơi. Cuối cùng mới do Tú Anh cũng là một cô gái xinh xắn, tính tình thoải mái, không như đám đàn bà bụng dạ xoắn xuýt mười tám mối cong kia, nói một câu dễ đến ba tầng ý.
Trình Khiêm vốn muốn cứ qua quýt sống hết một đời như thế, đến khi lập gia đình rồi mới hiểu sự đời khó khăn, may mà mình không bán tiệt bản thân, mười mấy năm sau lại là hảo hán. Rồi trải qua một số chuyện, mới biết thói đời trước nay chẳng phải “mình không đụng người người cũng không chạm đến mình”, không muốn bị người khác khinh khi, mình phải vững vàng khiến người ta không dám khinh mới ổn. Lòng nghĩ thế, lại thêm chuyện ông Trình rước thầy Tô về, trải đường cho chàng, khuyên chàng học hành.
Cứ như vậy, chàng càng cảm kích ơn nghĩa của ông Trình, càng dốc lòng giữ gia nghiệp. Lòng đã định, mấy năm nay càng phải tĩnh tâm học hành, dù chỉ đạt cái mác tú tài, cũng đã bảo vệ được gia đình. Nhà họ Trình nheo nhóc nhưng lại không phải lo đường cơm áo, tất cả là nhờ công danh của Trình lão thái công chống đỡ.
Chỉ cần có công danh, tự lập môn hộ, đâu cần những mới quan hệ kia nữa? Chi bằng cắt giảm thời gian để đọc sách còn hay hơn. Thiếu thời Trình Khiêm ghét nhất lũ mọt sách, bây giờ đến con gái mình cũng bắt đầu học hành rồi, bản thân mới biết lũ trí thức trên đời này cũng không đáng ghét đến thế, ngay cả thầy Tô cũng có chỗ dễ thương. Huống chi làm mọt sách, không phải không có lợi.
Nghĩ thế, bèn gửi thiếp đề tên Lâm lão an nhân đến chỗ bạn cũ, đưa toàn quyền giao tiếp cho cánh má hồng. Dù gì chàng cũng ở rể, sao gửi thiếp đề tên mình được?
Cũng buồn bực trong lòng.
Năm nay ông Trình qua đời, tôi tớ trong nhà không đủ, may mà vừa qua vụ thu dưới quê, gọi đám tay chân sạch sẽ lanh lợi trong chỗ tá điền đến giúp việc. Nhà người ta, gọi giúp việc kiểu này chỉ thưởng chút rượu thịt, còn Trình gia lại khác, cho thêm vài đồng công cán.
Có lẽ cũng vì mấy đồng thêm này mà khiến cha Đóa Nhi khấp khởi ý nghĩ không nên có, nghĩ ông Trình mất rồi, muốn giành lại đứa con gái này, hoặc đổi tay bán đi, hoặc giữ lại sai khiến, một năm qua Đóa Nhi ở nhà họ Trình được vỗ béo cao hơn nhiều. Theo Trình Khiêm thì, đây là ngữ không biết điều, dù con gái lão có ngàn tốt vạn tốt thì nhà mình cũng chả thiếu đứa như vậy. Nhưng Đóa Nhi lại được Ngọc Tỷ ưu ái, con bé cũng là bề tôi trung thành, cho đi thì sợ Ngọc Tỷ buồn.
Trước giờ Trình Khiêm đâu đã gặp kiểu khốn khiếp khó chơi này? Thiếu thời chàng cũng bị cha gọi là “khốn khiếp”, thế mà giờ so với người trước mắt đây, không bằng một góc! Cái gì gọi là khốn khiếp?! Chính là khế ước viết rồi đóng dấu rồi vẫn còn đây, đã muốn tới tống tiền người khác! Trình Khiêm đã bực mình trong lòng, thấy vậy bèn sai người đuổi đánh ra ngoài.
Ai mà ngờ hôm sau thằng khốn này lại buộc khăn vàng vỏ đen đúa lên đầu, nằm ngay trước cửa nhà họ đòi tiền thuốc thang! May mà đám người lý chính biết tác phong của nhà họ Trình, biết Trình gia không nợ vài đồng con như thế, lại thêm Kỷ chủ bộ chống nạnh sai người đuổi đi, chuyện mới coi như xong.
Đến khi Trình Khiêm về nhà, Tú Anh không giận, Ngọc Tỷ lại sượng mặt ra! Hóa ra Đóa Nhi biết chuyện cha mình, khóc kể với mợ Lý: “Hôm ấy bán con, con tận mắt thấy đóng dấu, nhận tiền, chẳng nhìn con lấy một lần. Lúc ở nhà cũng có thấy nhớ thương con đến vậy đâu, sao còn muốn gọi về? Mợ ơi, mợ tốt bụng, con không muốn về, không nỡ rời tiểu thư. Tiểu thư với mợ đối xử tốt với con, cả gia đình này đối xử với con tốt hơn người khác.”
Nó khóc một trận đã mời được Ngọc Tỷ đến, bé hỏi kỹ là đã ra đầu ra đũa.
Trình Khiêm thấy vẻ buồn bã của Ngọc Tỷ, dịu giọng bảo bé: “Cha đã đuổi lão hồ đồ kia đi rồi, sau này không để lão ầm ĩ nữa, con động viên Đóa Nhi đi, đừng lo nữa.”
Ngọc Tỷ hỏi: “Nếu ông ta đến nữa thì sao?”
Trình Khiêm đáp: “Vậy thì đành làm người xấu thôi, ở lành quá bị khi dễ!”
Ngọc Tỷ thắc mắc: “Ai cũng bảo ông cố là người tốt, sao ông tốt mà không ai khinh khi?”
Trình Khiêm chua xót: “Là do cha hèn kém.”
Ngọc Tỷ nói: “Bậy bạ, cha con tài giỏi lắm! Vừa biết văn, vừa giỏi võ.”
Trình Khiêm khom người bế bé lên: “Cha không như ông cố, ông có công danh, cha cũng phải học hành đỗ đạt mới thành chỗ dựa cho Ngọc Tỷ được, không để Ngọc Tỷ gặp khó khăn, được không nào?”
Ngọc Tỷ đáp: “Cha thấy vui là được!” Thầm ghi nhớ công danh đúng là thứ tốt.
Trình Khiêm bế Ngọc Tỷ đến chỗ bà Lâm: “Học bà cố xử lý việc nhà đi, từ từ từng chút một, không vội, nhé. Mọi chuyện đã có cha rồi.”
Ngọc Tỷ thưa: “Con biết rồi ạ.”
Trình Khiêm đã có ý trong dạ, quả thực quỷ thần sợ người xấu, trong tay mình có vài đồng, thường ngày ra ngoài uống rượu, quen được vài tên du thủ du thược tự xưng có nghĩa khí. Trước tiên sai người xuống chỗ chủ thôn dưới quê đánh tiếng, chờ cha Đóa Nhi không nghe khuyên nhủ, dám mò lên thành trấn nữa thì bảo chúng nó đánh chết!
Trình Khiêm bên này nói trước với chủ thôn, chủ thôn lại đích thân đến thăm. Thấy chàng có vẻ hận thù sâu sắc thì lòng cũng nổi gai ốc, vội vã đồng ý: “Chắc nó thấy nhà cửa nghèo túng quá rồi, mới tòi ra ác ý kia…”
Trình Khiêm lạnh lùng đáp: “Nó có khó sống thì liên quan gì đến ta? Lão thái công xót con gái ruột nó bị mẹ kế bỏ đói sắp chết, lúc nó ngàn vạn lần cảm tạ, nhận tiền rồi đi đã nói thế nào? Bây giờ lại đang làm gì kia? Ta có lòng tốt, chỉ dành để đối đãi người tốt, còn cái ngữ lòng lang dạ sói kia, phải vứt xác cho chó ăn mới đúng! Ruộng nhà ta cũng không cho nó cày cấy nữa, khỏi để cái thứ ấy cắn ngược lại một phát!”
Chủ thôn vội đáp: “Nó cũng cày cấy được lắm, một thoáng hồ đồ, một thoáng hồ đồ thôi, tôi dẫn nó tới bồi tội với quan nhân.”
Trình Khiêm bảo: “Ông bảo nó lên ta lại giận hơn, đứa con gái này của nó ta cũng chẳng cần nữa! Bảo nó cầm tiền gốc ra mà chuộc! Gan chó cũng lớn lắm cơ, dám lừa tiền ta đấy!”
Chủ thôn đã hết lời hay, Trình Khiêm mới thôi cơn tức: “Thế này đi, ông cứ tạm ở lại đây, con gái nó ta không cần nữa. Miễn cho để lại tai họa sau này.”
Chủ thôn đáp: “Nhà nó thực sự không thể kiếm ra số tiền ấy, chẳng qua cũng chỉ lừa lọc một chuyến, ngài tốt đẹp thế này còn tính toán với con chó ấy làm gì?” Bụng dạ đã mắng cha Đóa Nhi đến độ chẳng ra người ngợm nữa, giận gã sinh sự. Lại nghĩ, tuy gia đình này là nữ hộ, nhưng cũng là nhà giàu sang, là kiểu mà chủ thôn không chọc vào được, nên nhịn thì hơn.
Trình Khiêm cũng không muốn đuổi Đóa Nhi đi thật, chủ thôn lại chêm thêm vô vàn lời hay, chàng mới bảo: “Không có lần sau nữa nhé, nếu còn, thì cứ đập gãy chân thằng què ấy, xem nó dám lấy con gái ra lừa tiền người ta nữa không!”
Chủ thôn về làng chửi cha Đóa nhi một trận, gã cự lại: “Nhà nó tuyệt hậu, tuyệt hậu bị người ta khinh, con gái tôi đi làm thị nữ cho cái ngữ chủ nhân ấy, chẳng phải càng bị người ta sỉ nhục à? Giành về, tốt xấu gì cũng là người nhà bình thường, chẳng ai khinh.”
Bị chủ thôn phun nước bọt vào mặt: “Mày còn miệng để nói cơ đấy, một đứa con gái, ăn không no mặc không ấm, ở chỗ mày chịu không ít tủi cực, bán đi mới ăn uống no đủ, mày lại muốn bắt nó về bán kiếm tiền! Tuyệt hậu là thế nào? Dù nhà họ Trình có ra sao cũng còn hơn cái ngữ ăn xin chân đất mắt toét nhà mày! Yên phận một chút thì còn đất cho mày trồng trọt, ồn ào nữa thì đến ruộng cũng chẳng có mà canh tác đâu, xem xem cả nhà mày làm thế nào để sống?!”
Cha Đóa Nhi còn chưa kịp nói gì, mẹ kế nó đã nghe, xông vội ra xì một bãi vào mặt chồng: “Cái thứ quỷ vắn số chả biết tính toán gì nhà ông! Con gái trong thành ăn ngon mặc đẹp, còn cần ông lo à?! Không có ruộng cày, cả nhà uống gió đông bắc sống hử?!” Lại dỗ ngọt chủ thôn, thế mới hết tấn trò này.
Thì ra mẹ kế Đóa Nhi là người thực tế, chủ thôn vừa đi đã nói với cha nó: “Giành về rồi sao? Bán sang tay thì cũng có được bao đồng kén vợ cho con trai đâu? Rách việc! Chẳng thà để nó ở Trình gia nhà giàu, vừa không cần ông nuôi, đợi nó lớn rồi thì giành lại gả ra ngoài, cũng được một phần sính lễ. Còn có thể tới chỗ nó ở báo nhà cửa khốn khó, nha đầu nhà tướng phủ là quan lục phẩm đấy, làm thị nữ nhà giàu, ăn mặc đẹp đẽ đeo trang sức, còn giàu hơn ông!”
Nói hồi cha Đóa Nhi không ầm ĩ nữa.
•••••
Sau chuyện Đóa Nhi, Trình Khiêm bận rộn đón Tết, vì có tang nên Tết năm nay không như những năm trước, không đốt pháo, không giăng đèn màu, cả nhà chỉ thay áo mới màu đậm thôi. Hết Tết, đến Tết nguyên tiêu Ngọc Tỷ cũng không ra ngoài chơi, chỉ có thầy Tô dắt Minh Trí dạo phố một hồi. Vì Nguyên tiêu không giới nghiêm, thầy Tô bất hạnh lại đi lạc, sáng hôm sau, Trình Khiêm dẫn Bình An và Lai An đi cả buổi mới tìm thấy thầy ở trong một quán trà, thầy Tô còn đang ngồi xơi trà nữa cơ.
Qua Nguyên tiêu, bà Lâm buộc sửa sang lại phòng ốc của Tố Tỷ, hai mẹ con ở cùng một nơi. Tú Anh và Trình Khiêm cản cụ không nổi, đành mặc. Nơi vốn có người ở, lúc sửa lại cũng không tốn kém gì nhiều, thấm thoát một tháng đã xong, chọn ngày lành, bà Lâm chuyển đến ở cùng con gái, tránh khỏi nhà chính, lại lệnh sửa nhà chính, để tiện cho vợ chồng Tú Anh dọn đến ở.
Chưa kịp khởi công, dưới quê lại xảy ra chuyện, có tá điền xin giảm tô.