Đọc truyện Nữ Hộ – Chương 3: Chàng rể
CÒN KHÔNG MAU ĐUỔI CHÚNG ĐI CHO TA!
Trình Tú Anh thấy chồng mình đến, rất vui. Ra chiều giận dữ liếc chàng một cái, song lại không kìm được mà hỏi: “Mệt chết đi được nhỉ?”
Trình Khiêm khẽ cười. Chàng vốn tuấn tú, nụ cười vừa hiện, cả căn phòng đã rạng rỡ hẳn lên, dỗ xuôi nỗi lo việc nhà của Trình Tú Anh, nàng nhìn chồng, bất giác thấy lòng ấm áp. Nếu bảo trong cái gia đình này có ai không khiến nàng phải lo lắng, ấy chính là vị lang quân như ý đây.
— Đường phân cách kể-thêm —
Sau khi Trình Tú Anh bước sang tuổi mười hai, Trình lão thái công bắt đầu ưu sầu vì hôn sự của cháu gái, trầy trật tuyển chọn đến tận năm nàng mười sáu, Trình Khiêm mới trúng tuyển.
Trình Khiêm vốn chẳng phải họ Trình, cũng chẳng phải người của phủ Giang Châu, chuyện là ba năm trước đấy, đất Bắc gặp thiên tai, chàng phải đi tha hương khất thực cùng nhóm du dân. Vừa đi vừa tìm hiểu, biết phủ Giang Châu đất đai màu mỡ, giao thông lại phát triển, thế là định cư. Vừa khéo Trình lão thái công muốn tuyển một người biết viết biết tính để trông coi kho hàng. Thế là Trình Khiêm đến nhà họ Trình làm việc.
Kể ra thì Trình gia cũng có của ăn của để ở đất Giang Châu, gạo tiền dư dã. Gộp cả số hồi môn của Lâm lão an nhân, tổng cộng gồm bốn mươi khoảnh ruộng nước, bốn mươi thửa ruộng cạn, hai cửa hàng mười gian, ba kho hàng hai lớn một nhỏ. Giang Châu gần sông, thương khách từ nam chí bắc trữ hàng nơi đây, có mặt hàng chênh lệch giá cả, có mặt hàng bình ổn thị trường, có người chuyển tơ lụa từ đất Nam đến chờ thương nhân phương Bắc đến mua, lại có dược liệu đổ từ miệt Tây về bán cho người phía Đông. Những nhà có gia sản ở phủ Giang Châu đều xây vài cái kho cận sông, cho khách thương thuê để trữ hàng.
Lúc Trình Khiêm lưu lạc đến Giang Châu cũng là khi ông Trình vừa mua được một cái kho nhỏ của một vị quan kinh thành, vì gặp biến nên không thể không bán. Kho vừa đến tay ông, Trình lão thái công không cho thuê ngay mà tuyển người giúp việc trước. Vừa khéo thời gian này du dân đến đây đông, ông chọn đi lựa lại thì tuyển được Trình Khiêm —– Lúc ấy, ông cũng đang buồn phiền vì việc kén rể cho cháu gái.
Xưa nay đàn ông ở rể thường bị khinh, không chỉ đơn giản là dọn đến nhà vợ mặc người sai bảo mà còn phải đổi họ theo vợ, như khi phụ nữ gả chồng thì phải đặt họ chồng lên trước, rất xấu hổ. Trừ phi gặp chuyện vô cùng khó khăn thì những người có cốt cách, chưa đến mức chết đói đều không muốn ở rể nhà người. Trình Khiêm lúc ấy họ Hồng, ông Trình thấy chàng khéo nói, tay có nốt chai như người đã từng luyện võ, lại biết viết biết tính thì dò hỏi lai lịch: “Ta thấy cậu không phải người có xuất thân tầm thường, sao lại bỏ nhà bỏ việc đến đây làm thuê cho ta?”
Sắc mặt Hồng Khiêm hơi bợt bạt: “Thiên tai nhân họa, làm gì được đây.”
Trình lão thái công thầm nghĩ, thằng bé này có vẻ không tầm thường, mình giúp nó một lần, dù không thành cháu rể thì sau này tiền đồ khá khẩm nó cũng sẽ không quên cái ơn này, nói không chừng có thể sẽ giúp đỡ ngược lại gia đình mình. Hơn nữa nó nói giọng chuẩn, lại có tri thức, hiện thời mình cũng rất cần. Thế là bèn khách sáo hơn với Hồng Khiêm, bảo mình thời niên thiếu cũng chẳng kém là bao, lại bồi thêm vài câu như “Có chí ắt làm nên.” Lâm lão an nhân lẩm cẩm, lại nghe thành “Ức hiếp thiếu niên nghèo.”.
Triều đình quản lý vấn đề hộ tịch rất nghiêm ngặt, nhưng đụng phải thiên tai, dân chúng lưu lạc tha phương, sổ vàng vốn có cũng chẳng giúp ích được gì —– Mò kim đáy biển, sao có thể thẩm tra đối chiếu từng người một? Thế thì cứ đại khái mà làm thôi, Hồng Khiêm đến phủ Giang Châu, cùng lưu dân đăng ký tên họ, xem như đã chuyển từ tạm trú thành có-hộ-khẩu. Hai tháng sau, triều đình ban lệnh, vì để trấn an dân chúng, những người dư dả có thể về quê sau khi thiên tai đã qua, còn nếu không muốn về, cứ ở lại những vùng ấm no giàu có.
Trình lão thái công nghĩ đến Hồng Khiêm, thằng nhóc này xử lý công việc đâu ra đó, thật chẳng muốn nó đi chút nào. Vừa muốn cất nhắc nó lên làm quản sự, vừa nung nấu ý định kén làm rể —– Muốn tìm một chàng rể không khiến cháu gái mất mặt, thực sự rất khó —– Thế là gọi Hồng Khiêm đến dò xét rõ ràng. Hồng Khiêm kiệm lời: “Cha mẹ anh em đều mất cả rồi ạ.” rồi im lặng, có vẻ rất đau lòng.
Ông Trình không tiện đào sâu thêm, bèn hỏi dự định sau này của chàng: “Là đàn ông thì phải biết suy tính lâu dài, đã qua mấy tháng, hôm nay triều đình hạ lệnh, cũng nên nghĩ đến việc về quê hay ở lại rồi. Nếu cậu muốn về, ta cho cậu lộ phí, nếu cậu muốn ở, thì làm quản sự cho ta.”
Hồng Khiêm đáp: “Quê nhà tang thương, gia đình không còn ai khác, tôi sẽ ở lại, dù gì cũng quen việc rồi. Không dám giấu cụ, trước kia tôi chưa từng phải lo miếng cơm manh áo, thế nên bây giờ lại thiếu kế sinh nhai. Năm ba năm nữa, tôi sẽ chuyển mộ của cha mẹ về đây, ấy mới là xong chuyện.”
Ông Trình cả mừng, thầm nghĩ thằng nhóc họ Hồng này khiêm tốn quá, bằng vào lời ăn tiếng nói thì biết ngay nó là một đứa được việc, có bản lĩnh. Trước đây ngậm vàng mà lớn, giờ lại chẳng có người thân giúp đỡ, có vẻ sẽ không tự lập nghiệp được. Nó còn nhớ đến mộ phần của cha mẹ, ắt là một đứa có hiếu. Thường ngày cũng thấy nó đi vài đường thương mũi giáo, sức dài vai rộng, không phải tạng người đoản mệnh. Lại nghĩ đến lương mình phát cho Hồng Khiêm, thằng nhóc này có tích góp mười năm cũng chưa chắc mua được một căn nhà. Không có nhà thì chẳng tài nào lấy được một cô vợ hiểu biết chữ nghĩa, tôn trọng lẫn nhau —– Với vẻ ngoài của Hồng Khiêm, có lẽ nó cũng chẳng để vào mắt những người phụ nữ tầm thường khác.
Trình lão thái công ngàn suy vạn tính, tiến một bước sẽ được thằng cháu rể, lùi một bước thì thêm tay quản sự, lập tức đáp: “Vậy cậu ở lại đi. Ta có quen biết với huyện lệnh, cậu cứ đăng ký hộ khẩu tại phủ Giang Châu nhé.”
Hồng Khiêm trụ được đất Giang Châu, dần vui tươi hơn, không nhắc lại chuyện quê nhà nữa. Mọi người sợ chàng phiền lòng vì gia nghiệp, cũng chẳng nhiều lời. Chàng chăm chỉ làm việc, nhưng hành vi cử chỉ lại không tầm thường như đám tôi tớ, ông Trình càng xem trọng hơn. Cuối cùng cũng đã đề cập đến chuyện kén rể, ý của Trình lão thái công là, cho Hồng Khiêm làm rể, gia nghiệp sau này đều để lại cho cháu gái và cháu rể cả.
Hồng Khiêm biết ở rể là như nào, nhất thời nhíu mày không đáp. Trình lão thái công sốt ruột, ông cũng biết tại sao Hồng Khiêm không đồng ý ngay: Có ai lại vui vẻ đi ở rể nhà người?
Hồng Khiêm chậm rãi đáp: “Cụ có ơn rất lớn với tôi, vốn không nên từ chối, nhưng… việc này quả thực hơi khó.”
Hai năm nay, Hồng Khiêm biết rõ thế khó xử của ông Trình, cũng biết cháu gái ngoại của ông là một người tài đức vẹn toàn, nhưng mọi chuyện lại hỏng ngay điểm tài đức vẹn toàn ấy, vì chẳng ai nỡ đưa một thằng rể cục mịch về, không xứng với nàng. Nếu Trình Tú Anh có anh em thì gả vào nhà quan cũng chẳng thành vấn đề. Hồng Khiêm ở lại nơi đây là đã nợ ân tình của Trình lão thái công, nhất định phải trả. Nhưng dù có ra sao, chàng vẫn không muốn cúi đầu ăn cơm nhà người.
Ông Trình chán nản: “Là ta đã cưỡng cầu.”
Hồng Khiêm chậm rãi đỡ lời: “Nhưng tôi đã nhận ơn của cụ thì nhất định phải trả, cụ không lo cơm áo, chỉ khổ tâm mỗi việc này, nếu xử lý qua loa, là tôi đã tắc trách. Chi bằng thế này, định ra thời hạn?”
Trình lão thái công mừng rỡ, trước giờ kén rể có hai cách, một là ở hẳn nhà bố mẹ vợ đến tận khi về già, lập kế đổi họ, con cái sau này đều theo họ vợ, phải dốc sức làm ăn vì gia đình vợ, chẳng liên quan gì đến cha mẹ đẻ nữa; cách thứ hai chính là định hạn năm, lập kế đổi họ, con cái có thể chia nhau, đại khái thế này, con trai trưởng theo họ mẹ thì con thứ theo họ cha, đến hạn thì rể có thể về họ cũ, vợ cũng theo chồng về nhà. Vì ở rể quá kham khổ, cũng vì cái ơn truyền lại tổ nghiệp kế thừa cho nhà vợ mà có thể chú thích rõ ràng sẽ để lại cho con rể bao nhiêu tiền trong khế ước. Cứ như làm thuê ngắn hạn ấy.
Hồng Khiêm đồng ý ở rể, lại có chí tự lập, có thể thấy không phải người tham giàu sang —– Là người có thể giao trọng trách!
Trình Tú Anh vừa giỏi giang lại mạnh mẽ, quả thực không muốn cưới phải một thằng đàn ông yếu đuối, nàng biết nhà mình có một tiểu quản sự họ Hồng cái gì cũng khá, cũng từng ngồi cách rèm nghe chuyện của chàng —– Vừa lòng đẹp ý. Việc tốt thế là thành.
Lập tức mời người trung gian bày tiệc rượu lập khế ước, đến nha môn phê chuẩn. Hồng Khiêm đổi họ Trình, nhập hộ mười lăm năm, sau mười lăm năm ấy, con cái chia đôi. Ông Trình cũng rất hào phóng, tất cả tài sản đều được chia đều cho đám chắt. Hồng Khiêm xử lý mọi việc ổn thỏa, sau khi kết hôn không lâu thì Trình Tú Anh đã có mang, khiến Trình lão thái công cười híp cả mắt. Chỉ tiếc là lại sinh ra một bé gái.
— Chuyển cảnh —
Trình Khiêm đối xử với Trình Tú Anh rất tốt, thấy nàng hỏi thì từ tốn cười: “Ta không mệt. Nàng ấy, vừa nãy ngoài cửa nghe Tiểu Hỉ đếm người từng đợt, lại muốn ra lệnh gì à? Mới sinh xong, nên nghỉ ngơi nhiều một chút.”
Trình Tú Anh nghe đến đấy lại bắt đầu mệt mỏi: “Em cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng việc nhà thì giao cho ai đây?! Em có thể trốn chuyện đối ngoại, nhưng đối nội ấy hử? Họa may có bổ chàng thành tám người mới xử lý hết được mọi chuyện!”
Trình Khiêm hơi rầu rĩ —– Chàng vốn có lòng để vợ nghỉ ngơi, Tú Anh lại chửi lại cho một chập. Cô vợ này cái gì cũng tốt, nếu có đem vào kinh thì cũng là vợ hiền, nhưng cái tật này thì bó tay —– Thích quản gia, rất dứt khoát, tính cách cũng mạnh mẽ. Song sau khi nghe Tú Anh quát cho một trận thì chàng lại im lặng, ông Trình và bà Lâm cũng đã bảy mươi, ở cái tuổi này, ai nấy đều nên an sinh hưởng phúc rồi —– Trừ mấy lão hồ ly càng già càng sung trong triều ra. Còn mẹ vợ… thôi khỏi bàn nữa, gia đình lớn thế này, còn có thể giao cho ai đây? Cũng chẳng thể mỗi khi hỏi đến việc nhà thì chủ nhân đều đẩy hết ra cho tôi tớ, đúng không?
Xét thấy vợ cũng chẳng nhẹ nhõm gì, Trình Khiêm không cáu nữa: “Dù bản lĩnh có to thế nào cũng không thể bổ ta làm tám được. Thôi cứ nằm đấy chơi với đại tỷ đi.”
Khi nãy quát xong một chập, Trình Tú Anh cũng hơi áy náy.
Nàng là gái cưng được nuông chiều, cũng được dạy cho vài kỹ năng và mánh lới, tính cách phải mạnh mẽ thì mới đảm đương nổi gia đình, vất vả nhiều rồi, đương nhiên có tư cách phàn nàn —– Tự khắc sẽ có tật xấu. Cũng chẳng trách nàng được, phải biết rằng từ nhỏ đến lớn, câu mà Trình Tú Anh nghe Lâm lão an nhân lặp đi lặp lại nhiều lần nhất chính là: “Đừng bắt chước bà mẹ vô dụng kia của cháu!” Lúc nhỏ còn bênh vực mẹ vài câu, càng lớn, biết quản gia rồi thì càng đau đầu bởi bà mẹ suốt ngày tiếc xuân thương thu này, cuối cùng mới thấu tỏ được nỗi lòng của bà ngoại —– Chỉ tiếc rèn sắt không thành thép!
Bình thường nổi nóng thì kệ, nhưng hôm nay chồng vất vả cả ngày bên ngoài còn phải đến vỗ về mình, cũng là quan tâm chân thành. Trình Tú Anh cũng biết, chỉ do số mệnh Trình Khiêm xui xẻo, gặp thiên tai nên đành tha hương, nếu không, chắc chắn chẳng ở rể làm gì. Chung sống cùng chàng, thấy chàng tuấn tú tốt tính lại giỏi giang, thường ngày lại rất dịu dàng với nàng, là một lang quân như ý hiếm gặp.
Trình Khiêm ở rể, vốn đã rất khó xử. Bây giờ mình lại lên cơn, oán trách chàng cả buổi, chàng cũng chẳng thể nổi cáu. Trình Tú Anh hơi lúng túng: “Em chỉ sốt ruột thôi, chàng biết tình cảnh nhà mình mà, phần nhiều giao cho chàng cả. Bảo mợ Lý bế đại tỷ đến đây thôi, con bé đáng thương, em vẫn chưa ngắm nó được mấy lần.” Hai người một thì thật lòng xin lỗi, một thì có ý thông cảm, cuối cùng lại thành ra vợ chồng son đùa nhau.
Mợ Lý bồng đại tỷ đến, đôi vợ chồng trẻ đã hòa hợp lại như xưa.
Ngoảnh qua ngoảnh lại đã lên chức cha mẹ, hai người đều lạ lẫm, dù là con gái, tự tận đáy lòng vẫn hơi thấy thiếu gì đó, nhưng vẫn yêu thương đại tỷ hơn những người khác. Người thì nựng cằm con bé, người thì vuốt đầu con, cảm giác ngọt ngào lan tỏa trong lòng. Trình Tú Anh than: “Đừng bao giờ giống mẹ nhé, phiền não đủ thứ chuyện.” Trình Khiêm nói: “Bảo con bé gọi em trai nó đến đây, thế thì nó chỉ cần ăn mặc điểm trang thật xinh đẹp, gả vào một gia đình lương thiện.”
Lại ngây ngô bàn xem sau khi trưởng thành con bé sẽ giống ai, đương lúc vui vẻ ấm áp, Tiểu Hỉ lại bước vào, vẻ mặt chẳng lấy gì làm sáng sủa: “Nương tử, lang quân, nhà họ Ngô mới đến, bảo muốn thăm đại tỷ, đã nhờ Trình Phúc chặn lại ngoài cửa.”
Trình Tú Anh giận dữ đến độ dựng ngược mày liễu: “Bọn họ còn đến làm gì?! Mà em nữa, về đây làm chi? Việc này mà vẫn phải báo lại hả? Còn không mau đuổi chúng đi cho ta!”