Nữ Hộ

Chương 28: Dạy dỗ


Đọc truyện Nữ Hộ – Chương 28: Dạy dỗ

KẺ CHIẾN THẮNG NGƯỜI KHÁC LÀ KẺ CÓ SỨC MẠNH, KẺ CHIẾN THẮNG CHÍNH MÌNH MỚI LÀ KẺ MẠNH.

Trình lão thái công ôm tiếc nuối qua đời, cả nhà họ Trình như trời sập, may mà ông Trình cao tuổi, áo quan đã chuẩn bị từ sớm, bây giờ chỉ cần đem ra dùng. Nhưng Trình gia không thiếu của cải vật chất, cái thiếu là người. Trên dưới cả nhà chỉ có Trình Khiêm là còn sức làm việc —– Những người qua lại thân thiết với nhà họ Trình đều biết mặt chàng, mọi sự vụ bên ngoài đương nhiên giao hết cho chàng.

Song việc nhà lại khó xử. Tố Tỷ không được việc thì khỏi bàn, Tú Anh lại sảy thai, Trình gia vốn không có họ hàng gì, càng chẳng có ai giúp đỡ. Hết cách, bà Lâm đành phải mạnh mẽ xốc lại tinh thần, vịn Nghênh Nhi ra mặt xử lý công việc. Bà vốn đã lo lắng bệnh tình của ông Trình, ngày đêm không nghỉ ngơi, lại thêm tang chồng, cộng với buồn bã cháu trai cố, gắng gượng chưa đến hai ngày đã ngã bệnh. Lần nữa phải thỉnh thầy xin thuốc, tất tả xoắn xuýt.

Một mình Trình Khiêm hận mình không hóa tám được, dù sao cũng là đàn ông, tuy ở rể nhưng vẫn không thể can dự vào việc hậu viện. Thầy Tô thân làm khách ở nhờ, lại khá thân với ông Trình, chẳng đành đoạn xen vào một câu: “Hãy còn Ngọc Tỷ mà.”

Trình Khiêm ngó thầy Tô, cứ như trên đầu thầy mọc ra ba cái sừng! Tô tiên sinh bị chàng nhìn mà buồn bực, hắng giọng bảo: “Nhòm ta làm gì? Cậu cứ thử tìm ra được người thứ hai xem! ‘Ắt phải chính danh’, hiện giờ ngoài Ngọc Tỷ, còn ai có thể danh chính ngôn thuận lo liệu chính sự? Mới cả trông cậy vào được ai?”

Quy tắc của thầy Tô: Mặc xác mi mấy tuổi, việc mi nên gánh vác, mi phải làm, ai đến hỏi, thầy đều bảo thế. Dạy Thái tử đã vậy, dạy Ngọc Tỷ ắt cũng cùng một kiểu. Nhớ lại thời trong cung, Quan gia băng hà, đừng bảo Thái tử mới năm tuổi, dù chỉ mới năm tháng tuổi, cậu ta nên đăng cơ thì nhất định phải đăng cơ, dù cho có phải nhờ Hoàng thái hậu bế, cũng bắt buộc phải ngồi vào long ỷ.

Với tình trạng bây giờ của nhà họ Trình, Tú Anh rời giường không nổi, bà Lâm thì bệnh, còn Tố Tỷ kia thì, tuy thầy Tô không mấy am hiểu, không quản việc đàn bà cũng biết cô ta là người chẳng làm nên việc, với cả bây giờ đang trực bên giường bà Lâm, chốc chốc lại phải đến thăm Tú Anh, người được việc bây giờ, chỉ còn Ngọc Tỷ mà thôi.

Trình Khiêm ngẩn ra một chốc, giẫm mạnh chân, gác suy nghĩ trên-đầu-thầy-Tô-mọc-ba-cái-sừng đi: “Vậy cứ theo lời tiên sinh! Bổng Nghiên gọi mợ Lý dẫn đại tỷ ra sảnh khách chào hỏi đi.” Lại vái thầy Tô một cái.

Tô tiên sinh nói: “Tuy con bé bận rộn, ngừng bài vở mấy ngày nhưng giờ gặp chính sự, cũng phải bảo nó dành thời gian đến đây, ta giảng thế nào là ngũ phục* cho nó. Nhà mẹ của lão an nhân còn những ai, phải đối đãi thế nào, con bé cũng cần phải biết.”

[*Ngũ phục: là tất cả những người có quan hệ huyết thống trong năm đời.]

Trình Khiêm vâng lời cả: “Làm phiền tiên sinh.”


Sau đó đi đón Ngọc Tỷ.

Ngọc Tỷ chỉ đoán được việc mẹ xảy ra chuyện, ngàn lần chẳng ngờ được ông cố ngoại lại ra đi trước. Lúc nhỏ con bé gần gũi với ông Trình hơn cả Tú Anh, hẳn nhiên phần nào quấn quýt, trong lòng bé, người thân thiết nhất trong nhà chính là ông Trình, Trình Khiêm thứ hai, còn lại là những người khác.

Biết em trai mình không còn nữa, Ngọc Tỷ buồn bã, ai nấy trong nhà đều bận rộn, chỉ có mỗi Đóa Nhi bầu bạn cùng bé, cũng chỉ chơi loanh quanh trong vài mảnh sân. Trình lão thái công mất, bé bèn bò trườn bên quan tài, nhìn ông Trình im lìm nằm đấy, không kìm nổi mà nhón chân, vươn người muốn với mặt ông.

Mợ Lý sơ sẩy không chăm, vừa ngoái đầu lại đã thấy cả nửa người Ngọc Tỷ vươn vào quan tài, mợ ta nín cả hơi thở, tóm Ngọc Tỷ lùi ra sau năm bước, đến lúc lưng đụng vào cột nhà mới thở phào một hơi, tái mét mặt: “Tiểu thư ngoan của tôi ơi, con muốn dọa chết mợ à. Không được chạm vào lão thái công, để ông còn an ổn mà đi nữa.” Càm ràm mãi.

Bốn chữ “sanh lão bệnh tử”, Ngọc Tỷ chỉ biết nghĩa chứ chưa cảm nhận được ý, bước một bước lại ngoái đầu ba lần, được mợ Lý dắt đến giường Tú Anh.

Tú Anh đang vật lộn muốn ngồi dậy thì bị Trình Khiêm ngăn lại: “Lão an nhân cũng đổ bệnh rồi, nàng dưỡng bệnh cho kỹ, đừng để bà lo lắng mới phải. Nàng thế này, đi chưa đến hai bước đã phải bảo người dìu về rồi.” Tú Anh đáp: “Ta cũng muốn nằm yên dưỡng bệnh lắm chứ, nhưng nếu lại nằm xuống, phải trông cậy vào ai đi xử lý công việc đây? Chàng dù sao cũng là đàn ông thân cao bảy thước, nữ quyến bên nhà ông cậu đến, làm gì có cái lý để chàng ra tiếp.”

Trình Khiêm đáp: “Khi nãy thầy Tô đã gọi ta đến nói chuyện rồi, bảo rằng có thể đưa Ngọc Tỷ ra. Cũng không ép con nói gì nhiều, sai mợ Lý đi theo, dù gì con cũng là chủ nhà, còn hơn để nàng nằm tiếp chuyện người ta.”

Tú Anh giận dữ nện xuống giường: “Chỉ tại ta không dậy nổi.” Thầm mắng mười tám đời tổ tông Mai Hương và nhà họ Dư một lượt, lại vì bà Lâm đã dặn, không nổi nóng với Trình Khiêm.

Chẳng bao lâu sau Ngọc Tỷ đến, thấy Tú Anh thế này thì nói ngay: “Mẹ, mẹ đừng ngồi dậy mà nghỉ ngơi đi, có việc gì cứ bảo con.”

Tuy Tú Anh kiên cường nhưng cũng không kìm được nước mắt: “Con nít như con, làm được việc gì chứ?” Rồi đưa mắt sang nhìn Trình Khiêm, Trình Khiêm cúi người xuống, nói với Ngọc Tỷ: “Ngọc Tỷ sắp thành thiếu nữ rồi, cha mẹ có việc giao cho con đây.” Ngọc Tỷ đáp: “Cha, cha nói đi.”

Trình Khiêm bảo: “Một chốc nữa, bảo mợ Lý và Đóa Nhi đi cùng con, ra gặp khách đến nhà, con chỉ cần đón tiếp, lễ chào họ thôi. Cha đưa con đến chỗ Tô tiên sinh, thầy tất sẽ dạy con.”


Ngọc Tỷ gật đầu đáp: “Con biết rồi.” Lại bước lên ấn Tú Anh nằm lại giường, khéo chăn đắp cho nàng. Bé còn nhỏ nên sức yếu, tấm chăn mà phụ nữ trưởng thành như Tú Anh đắp khá nặng, rơi mãi khó xê dịch, chỉ dời được vài tấc. Tú Anh cười bất đắc dĩ, xoa đầu Ngọc Tỷ, bảo: “Mẹ tự làm được rồi, con đi gặp thầy đi, phải nghe lời thầy.”

Ngọc Tỷ gật đầu, được Trình Khiêm bồng đến gặp Tô tiên sinh, thấy Trình Khiêm bước cực nhanh nên không giành tự đi.

•••••

Bên chỗ Tô tiên sinh, thầy đã liệt những bài về ngũ phục cần giảng ra từ sớm. Thấy Ngọc Tỷ đến, bèn nói với Trình Khiêm: “Chuyện như lửa xém lông mày, không thể dạy tuần tự được nữa, ta chọn những quyển  hữu dụng giảng cho con bé, mặc hiểu hay không, cứ học thuộc lòng trước đã.”

Trình Khiêm liếc thấy Bình An đang vịn cửa, chắp tay thi lễ với thầy Tô, đáp: “Tiên sinh làm chủ, ta ra trước nhà xem đã.”

Thầy Tô châm chước Ngọc Tỷ còn bé đã mất người thân, cố gắng hết sức dịu giọng, bảo: “Ta giảng cho trò lễ ngũ phục và tang nghi* trước, trò phải nhớ kỹ, dù hiểu hay không cũng phải nhớ lấy. Có gì thắc mắc, sau này hẵng hỏi.” Thấy Ngọc Tỷ hiểu chuyện, không cãi bướng, Tô tiên sinh cũng thấy an ủi phần nào, nhưng lại hơi ngờ vực: Một già một nít này thân thiết lắm, sao không thấy nó đau buồn?

[*Lễ nghi khi làm đám.]

Không kìm được hỏi: “Thái công trò mất, cả nhà khóc lóc, trò cũng phải buồn mới đúng chứ?”

Ngọc Tỷ hỏi lại: “Buồn?”

Thầy Tô hơi bực dọc: “Ông cố sinh thời thương yêu trò biết mấy, giờ ông ấy mất, sao trò chẳng chút đau lòng? Từ nay người trời cách biệt mãi mãi, sau này không thể gặp lại, trò không nhớ thương à?”

Ngọc Tỷ nghe đến đoạn “sau này không thể gặp lại”, thoáng cái đã mất hồn, ngơ ngẩn tại chỗ.


Mợ Lý không kìm nổi, vội vã đỡ lời: “Tiên sinh, tiểu thư hãy còn nhỏ, không hiểu những chuyện này. Con nít lòng dạ ngây thơ, không hiểu chuyện thì thôi, nói thẳng ra lại dọa con bé.”

Thầy Tô thấy Ngọc Tỷ ngẩn ngơ, cũng thầm lo lắng, sốt ruột nhìn mợ Lý bồng bé lên dỗ. Ngọc Tỷ mơ màng tỉnh táo lại: “Thầy cứ nói ạ, con đang nghe mà.” Mợ Lý sợ thầy Tô lại chêm thêm vài câu gì gì nữa, vội vã lên tiếng bao che: “Tiểu thư không hiểu chuyện, khi nãy còn thò tay vào quan tài với lấy thái công, dọa người ta hết hồn! Tiểu thư, lát nữa khách đến, tiểu thư khóc, họ sẽ biết con đau lòng thôi.”

Thầy Tô thấy bé không như ngày thường, không dám nhắc đến nữa, lại cảm thấy lời của mợ Lý có tầng nghĩa sâu hơn. Nhưng vì thời gian gấp gáp, không thể nghĩ thêm, thầy vội vàng giảng giải: “Phong tục các nơi khác nhau, nhưng cũng có những điều không thay đổi…”

Trình lão thái công là ông cố ngoại của Ngọc Tỷ, nếu Trình Khiêm không ở rể thì bé sẽ phải để tang theo thức khác, nhưng bây giờ bé lại mang họ Trình, thế nên phải làm như bên nội, để tang năm tháng. Những việc Ngọc Tỷ phải làm, chính là mỗi ngày phải đến ngồi chỉnh tề ở sảnh chính bên ngoài phòng ngủ của bà Lâm, chờ khách đến viếng. Để tiện làm đám, Tú Anh cũng chuyển đến ở cùng bà Lâm, trong phòng kê thêm chiếc giường.

Ngọc Tỷ ở sảnh trước đón khách, trả lễ, người thân thiết hơn thì đưa vào phòng trong thăm Lâm lão an nhân và Tú Anh. Hà thị là người chí tình chí nghĩa, chốc chốc lại đến nhà họ Trình giúp đỡ, hỏi Tú Anh: “Nhiều người thế này, chị thấy bếp nhà cô chắc rối tung lên rồi.” Tú Anh đáp: “Bọn em người thì già yếu kẻ lại bệnh tật, Ngọc Tỷ có thể ra mặt giải quyết đã khó rồi, hơi đâu mà lo nhà bếp nữa? Trước sau chẳng qua cũng chỉ rơi vài cái chén cái đĩa, tốn ít củi gạo, người làm công trộm chút rượu thịt, tốn tý tiền thôi.”

Hà thị nói: “Nếu cô tin tưởng thì chị dắt Ngọc Tỷ vào bếp giám sát vài phần, tuy con bé còn nhỏ nhưng việc đã đến chân rồi, không chăm chăm nhìn vào tuổi tác nữa.” Tú Anh hơi do dự, bà Lâm bèn đáp: “Đã thế, chịu ơn nương tử vậy.” Hà thị đáp: “Đều là hàng xóm, cần gì phải khách sáo?” Sau đó dắt Ngọc Tỷ đến bếp.

Trong phòng, Lâm lão an nhân nói với Tú Anh: “Chẳng nhẽ bà không đau lòng Ngọc Tỷ à? Nhưng việc đã tới trước mắt, có ai không đáng thương đâu? Nó hiểu chuyện sớm một chút cũng tốt. Cháu bớt lo lắng đi, cơ thể bị tổn thương, phải ở cữ đúng một tháng mới được! Mới đầu bảo cháu rể nghèo khó, bắt bớ vài câu, cháu muốn mạnh tay cỡ nào cũng được. Giờ cháu nhìn đi, lật tay một cái đã ôm mấy ngàn lượng bạc về nhà, trước đây nó chỉ không thèm ra tay thôi. Sau này cháu đừng bướng nữa, ông ngoại mất rồi, cháu mà bướng cạn tình hết nghĩa thì cả nhà này hỏng mất. Cháu cứ dịu dàng một chút, khỏe hẳn rồi chờ hai năm sau sinh một đứa con trai mới là chuyện đúng đắn! Chuyện bên ngoài cháu đừng lo nữa, chỉ cần tiền làm ăn đủ để nhà mình chi tiêu hằng ngày, đừng toan tính giành lấy bao nhiêu gia nghiệp nữa, có nó lo rồi. Nó không phải đứa tàn nhẫn, mà dù có tàn nhẫn thì Ngọc Tỷ cũng vẫn là con gái ruột của nó, cũng phải nể nang vài phần tình nghĩa.”

Nói đoạn khiến Tú Anh im lặng không đáp, chỉ nói: “Mấy ngày nay, cháu đã khóc cạn nước mắt cả đời rồi.”

Bà Lâm bảo: “Cũng vì mẹ cháu quá nhu nhược nên bà mới ép cháu phải cứng rắn, nhưng cháu lại cứng quá rồi! Đàn bà con gái mà, không thể một thân một mình được. Khóc cạn cũng tốt, sau này sẽ toàn ngày đẹp lòng vừa ý, không cần phải khóc nữa.”

Tú Anh đáp: “Bà ơi, cháu hiểu rồi.”

•••••

Ngọc Tỷ bận lên bận xuống mỗi ngày, mới tý tuổi đầu nên không tránh được luống cuống, lại thêm việc gia đình mời tăng nhân đến lập đàn đuề huề, do Trình Khiêm bố thí hào phóng nên chùa miếu thoải mái cử tăng nhân đến làm lễ, hết lòng tụng kinh. Các loại nhạc cụ vang lên, cùng xướng thành điệu. Khi ở chùa Từ Độ nghe kinh, Ngọc Tỷ an lòng, còn khi nghe ở nhà, lại tâm thần không yên.


Trời lại rét mướt, bé vào linh đường quỳ một lúc, hai chân tê cả, bước ra khỏi cửa đến bên gốc cây khô đá mạnh vài phát, mới thấy thoải mái hơn. Không dè bị thầy Tô nhìn thấy, chờ đến khi ông Trình được an táng xong, mới gọi bé đến, giao bài tập: “Thái công trò đã được chôn cất, trò nên chép kinh đi.” Bèn lệnh chép mười quyển tâm kinh.

Ngọc Tỷ cũng biết kính thầy, vâng dạ rồi đi làm bài. Việc chép kinh này không như đời sau tưởng tượng, chép thành sổ. Mà là cắt giấy thành từng sợi, chép như chép vải, đóng thành cuộn trục. Một sợi không đủ, lấy sợi khác dán tiếp vào. Tâm kinh ít chữ văn ngắn, một cuộn giấy là đủ.

Lúc mới chép, Ngọc Tỷ lòng dạ ngổn ngang, thường sai chữ. Muốn xé chữ hỏng, dán giấy trắng lên viết tiếp thì thầy Tô thờ ơ nhìn sang, chợt bảo: “Viết lại từ đầu.”

Ngọc Tỷ kinh ngạc, Tô tiên sinh đáp: “Đây là không đến nơi đến chốn! Tuy bỏ đi rồi nhưng trò đã viết sai là sự thực, bắt đầu lại từ đầu!”

Từ đó, cứ mỗi lúc chép kinh, dù chỉ sai một chữ, dù chữ đó là chữ cuối cùng, Ngọc Tỷ vẫn phải chép lại từ đầu. Ngọc Tỷ chép đến váng đầu hoa mắt, như muốn hóa rồ. Cuối cùng không chịu nổi nữa, vừa bực vừa khóc: “Dù con có chép không xong thì sao nào? Non nửa tháng mà một cuốn cũng không xong! Thái công mất rồi, thầy lại làm khó con! Chép thế nào chẳng phải là chép?” Bé vừa nổi giận, Đóa Nhi đã tiến lên trước đứng, cùng giận dữ nhìn thầy Tô.

Thầy Tô sao lại bị bé dọa được: “Chép thế nào chẳng phải là chép? Sống thế nào chẳng phải là người? Nếu nửa đời trước làm người tốt, nửa sau lại giết người đốt nhà chẳng việc ác nào không làm, lẽ nào cũng như nhau?”

Ngọc Tỷ không cãi lại được.

Thầy Tô cầm bút lên, viết bốn chữ “Trước sau vẹn toàn”. Đoạn nhón một quyển trục mà Ngọc Tỷ viết lên, là chữ “đề” trong câu “Bồ đề tát bà ha” cuối cùng bị nhầm thành “đê”. Thầy Tô bèn bảo: “Người đi trăm dặm, đến dặm thứ chín mươi mới chỉ là nửa đường, ý rằng không kiên trì được đến cuối. Trò về phòng, bình tĩnh lại mà viết, ngày kia giao đủ năm cuốn cho ta.”

Ngọc Tỷ vẫn còn cáu, lầm bầm: “Nhiều như vậy, con viết không kịp.”

Tô tiên sinh thở dài, đứng lên mở ngăn kéo tủ, lấy một quyển giấy ra: “Tự xem đi, bình thường con viết được thế này, chưa đến hai ba hôm đã nhiều chữ như thế. Tại sao khi ấy viết được, giờ lại không? Bình tĩnh lại. Lòng lắng rồi, không gì không làm nổi. Lòng trò không vui, thầy sao không hiểu chứ? Nhưng không được để phần không vui ấy làm rối lòng. Chỉ vì một thoáng không vui mà làm lỗi thì sẽ nảy ra thù mới, cứ thế sẽ chẳng lúc nào vừa lòng được, cả đời tiêu tan.”

Ngọc Tỷ vẫn không đáp, sau đó đưa mắt nhìn thẳng vào thầy Tô, ánh mắt tha thiết buồn đau ấy, Ngọc Tỷ vừa chạm vào đã cúi đầu xuống, xấu hổ trong lòng, cũng biết mình vô cớ nổi cáu là không đúng, không kính thầy là sai. Nhưng lại lúng túng, không dễ lên tiếng nhận lỗi.

Thầy Tô thở dài: “Ta đã nhận lời ông cố trò, sẽ dạy dỗ trò cho tốt. Sống đời an yên, sống đời ỷ lại, trò lựa chọn cách sống thế nào? Vùi đầu làm việc, không thiết chuyện khác, khắc thành công. Phải nhớ rằng, kẻ chiến thắng người khác là kẻ có sức mạnh, kẻ chiến thắng chính mình mới là kẻ mạnh. Nếu ngay cả chính mình cũng không quản nổi, sao có thể quản người khác?”

Ngọc Tỷ chùi nước mắt: “Thầy ơi, con sai rồi.”Tác giả có lời cần nói: Giá trị lớn nhất của thầy Tô không phải là ngón tay vàng, mà chính là dạy đạo làm người.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.