Nữ Hộ

Chương 1: Bắt đầu


Đọc truyện Nữ Hộ – Chương 1: Bắt đầu

SINH MỘT BÉ GÁI CŨNG CHẲNG PHẢI CHUYỆN TO TÁT GÌ, NHƯNG NHÀ BỌN HỌ CÓ THÊM MỘT BÉ GÁI THÌ QUÁ-LÀ-KHÔNG-HAY RỒI.

“Triêm y dục thấp hạnh hoa vũ, xuy diện bất hàn dương liễu phong*“, mùa xuân phương nam ngập tràn tình thơ ý họa. Phủ Giang Châu tọa lạc ở phương nam, là đất gần sông, giao thông đường thủy tiện đà phát triển, trở thành mạch đường trọng yếu. Sông đào lượn quanh phía đông phủ theo hình cánh cung, từ nam chí bắc. Mé tây nam thành có vài hòn núi không cao nhưng khá dốc cùng vài cái miếu cái am rất thiêng, lại có cả chốn ở ẩn của hiền tài triều trước.

[*Hoa hạnh như mưa rơi ướt áo, gió dương liễu lạnh chẳng phiền ta. – Đây là bài Tuyệt cú của Chí An thiền sư. Bản dịch của Vũ Minh Tân.]

Nơi đây mưa thuận gió hòa, lại gần sông nên ít xảy ra hạn hán lụt lội. Ruộng nương bạt ngàn, khách thương ngang đây cũng vui lòng dừng chân nghỉ ngơi buôn bán, thế nên hiếm thấy cảnh lầm than. Đất thiêng thì chẳng thiếu “người tài”, dù nhất thời không có vị thông thái danh gia nào xuất hiện, nhưng chả ít những phần tử trí thức đạt thành công danh.

Theo đó, có thể bảo phủ Giang Châu đã được ông trời ưu ái, sống ở đất này hẳn sẽ đầm ấm an khang, nhàn bụng rỗi lòng mới đúng. Nhưng, thói đời trước nay luôn theo cái lý ‘có người vui ắt sẽ có kẻ buồn’, dù có giàu có đến đâu, vẫn chẳng thể vạn sự như ý.

Ngay lúc này đây, Trình gia ở thành Giang Châu đang phải nếm trải một việc khiến người người phiền não —– Trịnh Tú Anh, cô con gái độc nhất của Trình gia đang sinh con. Từ Trình lão thái công cho đến lão bộc gác cửa Trình gia đều vô cùng sốt ruột, đám má hồng thì lẩm bẩm mỗi câu: “Phải sinh ra một thằng cu đấy.” Còn các đấng mày râu tuy chẳng thốt nên lời, song lòng cũng cùng một suy nghĩ.

Đã sớm thuê bà đỡ lão luyện nhất thành, lại lệnh cả mợ nuôi cùng các bà hầu giàu kinh nghiệm nhà họ Trình theo sát, vì lần sinh con này, Trình gia thực sự đã cố gắng làm hết sức mình. Thai đầu thường rất khó sinh, từ giờ Mùi* cho đến tận lúc lên đèn, vẫn chưa có dấu hiệu gì. Chủ nhà tụ tập cả bên ngoài phòng của Trịnh Tú Anh, nơm nớp mong chờ.

[*Khoảng từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều.]

Mẹ Tú Anh chẳng tài nào chịu thấu cảm giác giày vò này, bèn vịn tay nha đầu Phần Hương về phòng, niệm kinh trước bàn thờ Phật.


Chẳng bao lâu sau, tiếng khóc của trẻ sơ sinh vọng ra từ trong phòng, ông Trình bất chấp lễ số mà chặn bà đỡ lại ngay trước cửa, hỏi: “Thế nào?”

Bà đỡ Vương khó xử lắm thay, song vẫn cố nặn ra một nụ cười: “Hạ sinh một tiểu thư xinh xắn, cả hai bình an.”

Lâm lão an nhân* lảo đảo cả người, may mà có mụ Ngô tinh mắt nhanh tay đứng bên cạnh đỡ lấy. Hoảng hồn một chặp, bà cũng đã tỉnh táo lại, cất tiếng: “Vất vả cho thím rồi.” Đoạn sai người phát thù lao.

[*Danh xưng chỉ vợ của viên ngoại.]

Bà đỡ Vương nhận bao đỏ, âm thầm miết thử, thấy cũng kha khá thì nụ cười trên mặt chân thật hơn vài phần, song vẫn chẳng dám nán lại lâu, chỉ dặn: “Thai đầu khó sinh, hẳn sẽ hơi mệt, nên điều dưỡng tốt một chút.” Nói xong vội vã chạy thẳng về nhà, cứ như có người đuổi theo sau lưng vậy.

•••••

Bà đỡ Vương nhanh chậm thế nào lại có thể về nhà trước lệnh giới nghiêm ban đêm, con dâu nhà bà ra đón, miệng mồm cô gái này rất lanh lợi: “Cũng đã về đến nhà rồi, mẹ chầm chậm thôi, khéo trà mới pha xong, âm ấm vừa miệng. Cơm còn trong bếp, con dọn lên cho mẹ nhé.”

Bà Vương lên sảnh chính, rót cho mình một chén trà, đúng là rất vừa miệng, uống liền ba chén thì con dâu đã dọn mâm gồm một cơm, một canh, một chén thịt kho tàu nho nhỏ lên. Đặt tươm tất xuống chiếc bàn bốn cạnh, bà Vương ngồi mặt nam, giơ đũa lên chỉ về mé tây của bàn: “Con cũng ngồi đi.”


Cô con dâu ngồi xuống, chờ bà Vương và xong nửa bát cơm, ăn hết thịt kho rồi chậm rãi dùng canh, chị mới hỏi: “Trịnh gia lần này đại hỉ chứ ạ?”

Mồm mép bà Vương nhanh nhảu hơn cả con dâu mình, vừa hạ đũa xuống bàn đã thở ngắn than dài: “Có nhà nào sinh con mà không phải là hỉ sự đâu? Ta sống đến năm mươi tuổi rồi, cũng đã nhìn qua biết bao nhiêu chuyện. Sinh trai sinh gái gì cũng là sinh, lại là dân nhà giàu, có thêm một cô con gái thì cũng thêm một chàng rể hiền. Ôi thôi, thế mà cái nhà họ Trình này, sinh trai sinh gái lại khác nhau! Bà an nhân bên ấy mạnh mẽ như vậy, chỉ sinh mỗi Tố Tỷ, Tố Tỷ cũng chỉ sinh ra mỗi một đứa con gái là Tú nương, bây giờ Tú nương lại sinh một cô con gái nữa.”

Cô con dâu lập tức che miệng thốt lên: “Thế mà vẫn là nữ à? Mẹ ở đấy vất vả rồi.” Lòng thầm nghĩ, con người đúng là may mắn có số cả, bên nhiều thì ắt sẽ có bên ít. Phụ nữ Trình gia đều sinh ra rồi trưởng thành trong hũ mật, song lại chẳng thể sinh nổi một mống con trai, dù có nhiều tài sản hơn nữa thì cũng có chỗ để dùng đâu? Chẳng phải vẫn phải kén rể đó thôi? Đã kén hai đời rể rồi, vậy mà thế hệ này vẫn chỉ cho ra mỗi một đứa con gái.

Bà Vương móc bao đỏ từ trong tay áo ra: “Lại còn không à? Đàn ông cả nhà đều xụ mặt cả, nếu lần này là con trai, cái bao này hẳn không chỉ dày hơn gấp đôi thôi đâu, giờ thì chỉ có nhiêu đây.” Vừa nói, bà vừa nhín một đồng bạc ra đưa con dâu lo liệu việc nhà, số còn lại bỏ ngược vào bao, nhét trở lại tay áo.

Cô con dâu nhận đồng bạc, vừa ước lượng đã biết nó nặng cỡ một lượng hơn, híp mắt cười: “Rốt cuộc vẫn là mẹ, người thường đỡ đẻ nào có giá này?”

Bà Vương được con dâu o bế một hồi, hơi hứng chí, lại nhắc đến Trình gia: “Mẹ vẫn mong nhà họ có thể sinh được một thằng cu bụ bẫm, thể nào cũng sẽ được thưởng thật hậu.”

•••••

Nếu sinh được con trai, vòi Trình lão thái công thưởng mười lượng bạc, khéo cũng cho thật ấy chứ! Quan trọng là, lần này lại là một cô con gái, không sai vào đâu được.


Tràng hạt bồ đề trong tay bà-ngoại-vừa-thăng-chức rơi xuống đất trong khi bà đang niệm Phật: “Là con gái?”

Phần Hương khẽ đáp: “Dạ.”

“Dìu ta dậy, đi thăm Tú Anh.”

“Vâng.”

Do sự ra đời của bé gái này, người phụ nữ được bà Vương gọi là “Tố Tỷ” đã chính thức bước lên hàng ông bà, dù vẫn chưa quá bốn mươi. Hai mươi sinh được cô con gái Trình Tú Anh, Trình Tú Anh năm nay mười bảy, Trình Tố Tỷ chỉ mới ba mươi bảy tuổi. Năm ấy bà vẫn mong mình sinh được một mống con trai, thế mà chỉ ra được mỗi một mụn con gái, giờ thì con gái nhà mình cũng sa vào lối mòn, bà hiểu rõ nỗi khó xử này.

Chẳng đề cập đến chuyện Trình Tố Tỷ đi thăm con gái mình nữa, quay sang chuyện ông Trình và bà Lâm muộn phiền thế nào vậy.

Gia cảnh nhà họ Trình không tồi, Trình lão thái công tên là Tổ Hưng, là một tú tài. Lâm lão an nhân là con gái út của nhà môn đăng hộ đối với Trình gia, từ nhỏ đã hướng ngoại, song việc quản gia vẫn rất chu toàn. Bà Lâm vò mãi chiếc khăn tay: “Tôi đã bảo A Khiêm viết thiệp chuẩn bị cỗ rượu cả rồi, giờ biết phải làm sao đây?”

Ông Trình đáp: “Đừng có sai khiến cháu rể như vậy, tuy nó ở rể nhà mình nhưng vẫn là con cháu dòng dõi trí thức, nếu không vướng thiên tai cũng sẽ chẳng thèm ở rể đâu. Đối xử tốt với nó một chút, nó sẽ chân thành với Tú Anh hơn.”

Bà Lâm càu nhàu: “Đấy là cháu rể, sai bảo một chút thì sao chứ? Nó dám lộn xộn với Tú Anh của tôi chắc!”

Ông Trình than thở: “Tôi không thèm cãi với bà chuyện này nữa, nói chuyện chính đi, Tú Anh vừa sinh xong, đừng khiến nó phiền lòng chuyện nhà, trước giờ Tố Tỷ vẫn chẳng mó tay vào việc gì, bà nên trông nom kỹ càng một chút. Để Tú Anh yên tâm điều dưỡng thân thể, sinh thêm thằng cu nữa mới tốt.”


“Cần ông nhắc chắc?” Bà Lâm nguýt chồng mình một câu.

Ông Trình chống gậy đứng dậy: “Thừa dịp bộ xương già này chưa gãy, phải mau mau sinh được một thằng con trai đấy…”

Bà Lâm nghe đến là sốt ruột, bà nhỏ hơn ông Trình ba, bốn tuổi, lúc sinh Tố Tỷ cũng đã ba mươi, giờ thì sáu mươi bảy tuổi rồi, thực sự lo lắng rằng mình không thể thấy được cảnh con cháu khỏe mạnh bình an. Buồn lòng thì giọng bà chẳng còn vui vẻ gì nữa: “Ông đang trách tôi không sinh cho ông một thằng con trai chứ gì?”

Trình Tổ Hưng nhắm mắt cau mày, không nói lời nào.

Bà Lâm bực mình xoay người: “Tôi đi thăm Tú Anh.”

Lúc được gả cho ông Trình thì bà Lâm hãy còn là một người phụ nữ mạnh mẽ, dứt khoát không chịu cho chồng mình nạp thiếp. Chỉ hận mỗi việc bản thân mười năm mà chẳng có nổi một mống con trai, thấy ông Trình đã quá tam tuần, sợ sau này chẳng ai kế thừa gia nghiệp, không thể không cho ông thu tỳ, sinh được một đứa con trai tên là Trình Chí, bà Lâm trở tay bán tỳ nữ nọ đi, xem con trai là con ruột của mình.

Năm Trình Chí lên ba, bà Lâm sinh được Tố Tỷ, sau đó không sinh thêm được một đứa nào. Trình Chí rất khôi ngô lại thông minh, được bà Lâm thật lòng thật dạ nuôi nấng, mười ba tuổi đậu tú tài, mười bảy trúng cử nhân, vừa muốn thừa thắng xông lên kiếm bằng tiến sĩ để ra làm quan cho vợ con nhờ cậy, tổ tông rạng rỡ thì lại chết bệnh trên đường đi thi.

Chồng con bà Lâm đều chẳng ai làm quan, được xưng một tiếng “bà an nhân”, ấy là vì người đời chả tìm được cái danh nào hay ho, bèn gọi thế.

Ông Trình dõi theo bóng lưng vợ mình, chỉ có thể thở dài một tiếng. Đời người bảy mươi đã hiếm, năm ngoái ông đã tổ chức đại thọ bảy mươi, cháu gái (thực ra là cháu ngoại) có thai, lúc ấy mừng đến nỗi uống cạn cả một bầu rượu lâu năm, còn giờ chỉ đành đi bước nào tính bước ấy thôi.

Sinh một đứa con gái cũng chẳng phải chuyện to tát gì, nhưng nhà bọn họ sinh thêm một đứa con gái thì quá-là-không-hay rồi, Trình lão thái công rất rầu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.