Đọc truyện Nơi Nào Củi Gạo Không Vương Khói Bếp – Chương 25: Hoàn toàn tin tưởng
Tối hôm đó giữa chúng tôi không mãnh liệt như tôi vẫn tưởng
tượng, ngược lại có chút vụn vặt thậm chí bình thản : ăn mì gói xong,
anh đi tắm, tôi ủi quần áo, khi anh tắm ra thì tôi bảo anh nằm xuống đùi mình, lấy bông dọn dẹp hai cái lỗ tai hơn ba tháng không ai quản.
Đây là thói quen của chúng tôi từ lúc kết hôn đến giờ, là lạc thú của cuộc sống vợ chồng riêng tư, tôi không biết Trần Dũng nghĩ thế nào chứ
mỗi khi tôi đưa bông vào vệ sinh tai cho anh, lòng tôi rất vui, giống
như mở một cái gối hơi, nhìn nó từ xẹp lép dần dần phồng lên, rất có cảm giác thành tựu. Thật sự, này so với việc quan hệ chăn gối còn gắn bó
với nhau hơi, một người giao lỗ tai cho người kia không giống như giao
cơ thể mình cho bác sĩ mổ xẻ nó, để người kia vệ sinh những thứ bẩn bên
trong tai thì phải tin tưởng giao cho họ lấy ra một phần cơ thể mình.
Lòng tin hoàn toàn cũng đến thế mà thôi.
Tôi đương nhiên thấy vui, người đời nói quả không sai : bình an là
phúc, bình thản là thật, nghi kỵ phòng bị, lòng dạ tâm cơ để làm gì khi
cuối cùng bản thân cũng bị tổn thương, bao nhiêu năm qua đi, cuối đời
cũng chỉ còn lại hai ông bà già ngoáy tai cho nhau, cam tâm tình nguyện
để người kia thấy mặt yếu đuối không đề phòng của mình.
Tôi và Trần Dũng, dù là tai hay là tim, xét cho cùng cũng đã hợp làm một khối.
Ngoáy tai xong, tắm rửa sạch sẽ xong, chúng tôi lên giường, tâm sự
thay cho ái ân, cái loại “đơn thuần trò chuyện” này nếu xảy ra với một
đôi nam nữ thanh niên thì quả là kỳ tích, tay nắm tay, đầu áp bên dầu,
chúng tôi chỉ thủ thỉ tâm tình với nhau. Nói về chuyện tòa án, về bệnh
tình của Lượng Lượng, thương thế của nạn nhân, tương lai sẽ xuất hiện
tình huống gì, dù tất cả không hề lạc quan, nhưng cả hai đều vui, trời
có sập xuống cũng không thể khiến niềm vui đó mất đi, giống như người bộ hành đã đi rất lâu rất lâu mới tìm được chỗ nghỉ, còn ai cân nhắc đến
việc chỗ nghỉ đó có bẩn hay không, phong cảnh xung quanh có đẹp hay
không, đặt mông ngồi xuống mới là quan trọng nhất. Ý nghĩ này bắt đầu
quái dị rồi, lúc nên khổ sở thở dài than khóc chúng ta còn cười thế nào
được đây? Khi tôi hỏi Trần Dũng, đáp án của anh còn trừu tượng hơn tôi.
“Hồng quân công nông Trung Quốc vất vả lắm mới đến được Thiểm Bắc, trời
đầy mây đen bị gió thổi tan, đương nhiên hớn hở rồi. Nói thật với em,
nếu không sợ ồn ào quấy nhiễu nhân dân thì anh còn muốn ra ban công rống đoạn hoa loa kèn cùng hoa đan đỏ đấy”.
Cách nói có khác, nhưng ý thì tương tự, tôi nghĩ bụng : quả nhiên
không phải người một nhà thì không vào cùng một nhà. Mặc kệ sau này phải trường kỳ kháng chiến ra sao, giờ phút này cứ vui vẻ là được!
Kết quả, trò chuyện mãi tôi mơ màng chìm vào giấc ngủ, cựa mình tỉnh
giấc, cảm giác có gì đó đang chạm vào mặt mình, nhẹ nhàng như lông tơ,
cùng với tiếng nói trầm thấp. “Chúa à, cảm ơn người rất nhiều…”.
Ai nói gì đấy? Từ nhỏ đến lớn người luôn miệng gọi Chúa ơi Chúa à chỉ có bà nội tôi thôi, bà nội, bà nội… Tôi đang ngủ say, trở mình, gọi
mớ trong vô thức. “Bà nội, bà nội, ôm cháu”. Rồi lại chìm vào giấc mộng.
Sáng hôm sau chúng tôi có “hoạt động” một chút, quá trình rất đơn
giản, tôi tỉnh dậy trước, duỗi chân đụng phải cơ quan đang “chào cờ” của anh chồng, anh tỉnh dậy, ban đầu hơi lộn xộn một tí, ánh mắt anh mơ
màng nhìn tôi, rồi dần dần tỉnh táo lại, anh nhếch môi cười. Chậm rãi bò lên người tôi, thật nhẹ nhàng hành động, thật cẩn thận tiến vào, chẳng
nói gì cả, giống như chúng tôi không cần phải nói, mọi thứ là quy luật
từ nguyên thủy đến nay, đâu lại vào đấy.
… Đáng tiếc đâu còn chưa thể vào đấy được, chưa được một nửa thời
gian, điện thoại bên cạnh đã reng lên phá rối, không còn cách nào khác,
Trần Dũng thở hổn hển cam chịu đứng dậy, mới alo nói vài tiếng, vẻ mặt
đã biến giận dữ rồi lạnh lùng, đốt thuốc hít hai hơi, trả lời ngắn gọn.
“Được, tôi đến ngay”.
Ngắt điện thoại, anh xoay người nói với tôi. “Ân Sinh, em nằm thêm một lát đi, anh phải ra ngoài”.
Tôi không hé răng, ngồi xuống giường, lẳng lặng nhìn anh, mở to hai mắt nhìn anh chằm chằm.
“… Là vợ anh Chu gọi tới, phải rồi, Chu Phú Xương là người anh đâm
phải. Vừa rồi vợ anh ta gọi nói không có tiền, bệnh viện báo sẽ cắt
thuốc, bảo anh mau mang tiền qua”.
Hô! Tôi thở phào, còn tưởng bổn cũ hôm qua soạn lại, tưởng anh lại muốn…
“Ân Sinh em yên tâm, em đối với anh như vậy sao anh có thể gạt em lần nữa, sau này mặc kệ là ai, chuyện gì, Trần Dũng anh sẽ nói hết cho Niếp Ân Sinh nghe, có một nói một, có hai nói hai, nếu không làm được ra
đường bị xe…”.
“Nè!”. Ngắt lời anh, anh nói thế là tôi vui rồi nhưng không thể tỏ
thái độ ra ngoài được, tôi hắng giọng. “Em nói anh có phiền không, chúng ta không thịnh hành ba cái trò mê tín, thím Trần, mặc quần áo đi!”.
Tra tấn người ta lâu như vậy, giờ đến lượt em trị anh đây. Không thừa nhận, không khen ngợi, đáng đời nhé!
Xuống giường, tôi mặc quần áo với tốc độ nhanh nhất có thể, sửa soạn
sẵn sàng đứng ở cửa cười với anh. “Đi thôi anh Dũng, em và anh cùng đi”.
Nửa giờ sau.
Ra khỏi ngân hàng, tôi mở sổ tiết kiệm nhìn vào mà phát sầu, ngước
mặt nhìn Trần Dũng đi bên cạnh, đấu tranh tư tưởng mãi, ấp a ấp úng mở
miệng. “Anh Dũng, chúng ta có thể chờ bên cảnh sát có kết quả rồi mới bỏ tiền ra được không?”.
Tôi không vừa lòng với cách nói của mình nhưng sổ tiết kiệm đã tụt
xuống con số nguy hiểm, tôi không nói không được, lương tâm và tư tâm
giằng co, một vòng luẩn quẩn, thật là buồn rầu quá đi.
“Không được, cứu người quan trọng hơn”.
“Nhưng mà…”. Trách nhiệm còn chưa xác định, cả hai xe đều có lỗi, vì sao chỉ có chúng tôi phải bỏ tiền ra?
Câu phản bác bị tôi nuốt ngược vào bụng, không phải tôi muốn giấu
Trần Dũng, mà chính tôi còn cảm thấy không nên nói như thế, thà im lặng
còn hơn.
“Nhưng mà ngoan ngoãn giao tiền có điểm ngu ngốc phải không?”. Anh
cúi đầu, con ngươi nhìn thẳng vào mắt tôi. “Ân Sinh, nghĩ lại chuyện mẹ
anh đi”.
Tim tôi vỡ vụn, ngẩn người một lúc lâu, chuyện kiêng kị lâu lắm chưa
đề cập tới, tôi đã quên mất việc mẹ anh bị tai nạn mà mất. Bao nhiêu lý
do tan thành tro bụi, quả thật không dễ dàng gì cho anh, vở bi kịch tái
diễn, còn vai diễn thì đảo ngược, ác mộng năm đó hiện lên trước mắt, anh hẳn phải chịu áp lực lớn lắm, trên vai anh là cả một cây thập tự nặng
nề phải không anh? Anh chẳng nói gì đâu, bao nhiêu đáng thương, bao
nhiêu hảo tâm, Trần Dũng từng đau khổ vì tai nạn giao thông một lần rồi, làm vợ anh, tôi không hiểu thì còn ai hiểu?
Tôi hít sâu, chớp mắt mấy cái, cất sổ tiết kiệm vào túi, nắm góc áo của anh. “Đứng đây làm gì, đi thôi!”.
Thật ra hôm qua tôi đã nhìn thấy Chu Phú Xương qua khung cửa kính
phòng bệnh, là một người đàn ông trung niên gầy yếu tái nhợt, đầu cạo
trọc, trên người cắm đầy ống lớn ống nhỏ, nằm bẹp trên giường, miệng mở
hé, nước mắt chảy xuống gò má như những dòng sông nhỏ. Bên cạnh anh ta
là một người phụ nữ lẳng lặng chờ đợi, kỳ lạ là chị ta không nói lời
nào, mắt không nhỏ nửa giọt lệ, giống như một cây dương chết héo, hồn
phiêu bạt tự nơi nào, chỉ có thân thể còn ở đó, đờ đẫn, coi thường bão
táp mưa sa.
Ngoại trừ người phụ nữ có vẻ như là vợ của Chu Phú Xương ra, chung
quanh còn có vài người khác, bộ dạng càng bi thương hơn, người cúi đầu,
thỉnh thoảng gạt lệ, thỉnh thoảng nắm tay, căm giận rì rầm nói gì đó,
đọc khẩu hình miệng tôi tin chắc họ đang mắng chửi chồng tôi, nghiến
răng nghiến lợi thăm hỏi tám đời tổ tông già trẻ trai gái nhà anh. Trước tình huống đó, tôi không dám vào, đầu tiên là rón rén tránh ra chỗ
khác, ngẩn người một mình rất lâu mới xoay người ôm túi xách chạy trối
chết. Không phải tôi nhát gan, mà là cảm giác áy náy quá mạnh mẽ, mạnh
đến độ làm người ta sợ.
Vì thế, buổi thăm hỏi hôm nay thật sự là thử thách lớn với tôi, càng
đến gần bệnh viện, bước chân tôi càng nhỏ, thật muốn làm theo nỗi sợ của mình, đi mãi, đi thật xa, kiên quyết không nhìn vào mặt người phụ nữ
đó, nhưng đứng ở hành lang Trần Dũng nắm tay kéo tôi đi, cua quanh những tòa nhà, lấy thân thể cao lớn đó che chắn từng cơn gió Tây Bắc lạnh lẽo cho tôi, anh cởi khăn quàng cổ quàng lên cho tôi, đầu ngón tay đông
cứng đỏ bừng mơn trớn khuôn mặt tôi, hơi thở anh thành khói lượn lờ, nhẹ nhàng hỏi. “Ân Sinh, có lạnh không?”.
Phút giây đó tôi không cưỡng lại được sức hút, người đàn ông của tôi
dịu dàng đến không thể hiểu nổi, chẳng biết có phải tình nhân trong mắt
hóa Tây Thi không nhưng trong đầu tôi chỉ có một ý niệm duy nhất : chỉ
cần anh còn ở, đời này tôi không rời đi được! Khí phách ngút trời thì
chắc không nổi đâu, nhưng thùy mị đủ kiểu hẳn là có thể bắt chước, cũng
không phải lên trời xuống đất, trèo núi lội biển, một cái bệnh viện thôi mà, không đáng nói, anh Dũng, em sẽ ở bên anh!