Nỗi Bất Hạnh Tình Yêu

Chương 36


Bạn đang đọc Nỗi Bất Hạnh Tình Yêu: Chương 36

Phương và xong hai lưng bát cơm, buông đũa, nặng nề đứng dậy. Ông tự đi ra giếng múc nước, vò khăn lau miệng. Trở vào ông ngồi thừ bên bàn nước.
Cả nhà đứng dậy theo ông…
-Chị và các cháu ạ, tôi biết không nên kéo dài thêm những giây phút như thế này, khổ lắm… Nhưng tôi cứ không nỡ… Giọng ông chìm xuống, mệt mỏi, nặng nề. Anh ấy đã hy sinh rồi, chị ạ. Bố cháu đã ngã xuống trước cửa ngõ vào Sài Gòn ngày 27 tháng tư vừa rồi, ba ngày trước giải phóng Sài Gòn.
Không khí ắng lặng. Dường như không ai dám thở. Duy chỉ có tiếng con thạch sùng chắt lưỡi trên kèo nhà…
Mọi người đều cúi đầu, giống như cái phút mặc niệm, không ai dám nhìn vào mặt ai. Cái giây phút đổ vỡ mà mỗi người đều cố giữ đã không tránh được…
-Hòa bình rồi…Tôi… biết… khổ lắm… Người ta thì… Ông nói từng tiếng một rời rạc, đứt nối, nghẹn ngào. Sau cùng ông gục mặt xuống bàn, mớ tóc hoa râm mang bụi đường trường rũ rối, lòa xòa…
Bà mẹ chống tay lên má, đôi mắt tròn xoe, không một giọt lệ. Không ai hiểu bà đang nhìn cái gì. Mãi sau này Linh mới đoán bà đang nhìn con thạch sùng trên bức vách… Con vật có nghĩa, nó biết xót thương, người đã khuất…
Ly và Linh lặng lẽ săn sóc mẹ. Cả hai hiểu rằng, từ đây cứu cánh của mẹ, niềm hy vọng và mục đích sống của mẹ không còn nữa. Cũng từ đây cuộc đời xế chiều của bà mãi mãi đi vào cảnh góa bụa…
Còn bà, chưa bao giờ dám hình dung trọn vẹn cái cảnh mà bà đang chịu hôm nay. Đêm đêm bà vẫn vò võ ngồi tựa cột nhìn ra ngoài cánh cửa khép hờ chờ tiếng bước chân đường đột của ông như hơn 20 năm về trước đã đường đột bước vào nhà bố mẹ bà.
Sau cái tai biến này, không hiểu bà sẽ sống ra sao. Linh tin rằng, thời gian rồi cũng làm bà quên đi những cơn đau đớn nghiệt ngã này.
Nhưng còn anh. Gần như suốt đêm anh không ngủ…

Bác Phương tế nhị, xin phép Ky cho anh được ngủ với ông. Trăn trở bên ông, anh không hiểu cái gì đang chờ anh ở phía trước. Tuy ông chưa nói cho anh tất cả sự thật, nhưng anh cũng đã linh cảm một điều gì đấy còn đau đớn hơn cái chết của người bố kia!
Bác Phương cũng không ngủ. Thỉnh thoảng ông lại thở dài. Khi ông đặt hai tay lên ngực, khi ông ôm hai tây lên đầu – một cử chỉ bối rối và khó xử thỉnh thoảng vẫn gặp ở ông.
Gà đã gáy lần thứ ba. Tiếng gà đêm nay nghe sao cô đơn, sao lạc lõng. Cứ mươi lắm phút, con thạch sùng lại chắt lưỡi ba tiếng. Nó đang xót xa cho người đã mất hay xót xa cho chính số phận Linh.
Bên ngoài sương xuống, kết từng mảng. Sương gieo hơi lạnh vào từng góc nhà. Vào giờ này, tiếng nước con sông Kỳ Cùng nghe tưng tức như người khó thở. Linh biết nó đang phải uốn dòng qua cái dãy núi đá có hình con rắn lượn kia.
Ngồi dậy, anh quờ đôi nạng. Tiếng chân nạng khua nhè nhẹ nhưng vẫn làm con thạch sùng hốt hoảng chạy lên trần nhà. Ngọn đèn dầu vẫn leo lét như hạt đỗ đỏ đủ in hình anh trên vách, nặng nề.
-Linh à!
Tiếng bác Phương đuổi theo…
Ong đặt bàn tay lên vai anh.
-Ta ra ngoài tí cho dễ chịu…
Tiếng đôi nạng gỗ nghiến trên cát và tiếng đôi chân bác Phương nhẹ nhàng hơn… Suốt 30 năm cầm súng, ông đã đi khắp các chiến trường, chứng kiến biết bao cảnh chia ly và chịu không biết bao nhiêu nỗi đau mất mát của chính mình và của đồng đội, nhưng chưa một lần ông chịu cái cảnh đau đớn đến nghiệt ngã như cảnh mà ông đang chịu đựng hôm nay.

Tưởng mang đến cho vợ bạn một cái tang, thế là đã xót xa lắm rồi. Không ngờ bây giờ ông lại đưa thêm một cái tin còn khủng khiếp gấp ngàn lần hơn cái tang kia. Không tránh né được. Ông hiểu tội lỗi sẽ rơi vào ông, nếu ông im lặng, lẩn trốn… Dù sao, bắt đầu từ đêm nay ông đã đưa anh xa dần tội lỗi.
-Bác có tin gì về bố cháu? Linh hỏi. Và anh tin câu hỏi của mình thật vô nghĩa.
Im lặng. Linh chỉ nhìn thấy dáng ông nặng nề, đầu cúi xuống trong mớ tóc lòa xòa.
Một vệt sáng mờ đục ẩn hiện trước mắt. Cả hai đều nhận ra đấy là dòng sông Kỳ Cùng.
-Cháu vào chiến trường từ bao giờ?
-Dạ hơn hai năm.
-Bác có đến tim… Mẹ cháu chờ… Tội nghiệp bà vẫn khắc khoải chờ cháu.
-Cháu không thể về đấy được nữa… Cháu muốn mẹ cháu quên cháu…
-Bác hiểu… Nhưng chẳng bao giờ như thế được cả… Chẳng bao giờ mẹ quên được con… Làm sao cháu quen gia đình này?
-Tình cờ thôi, bác ạ… Chuyện bắt đầu là thế này…

Hai người vẫn đi, từng bước một như đếm thời gian. Cả hai mái đầu cúi xuống… Sương buông mỗi lúc một dày. Những ngọn cỏ hai bên đường đẫm sương, dưới ánh trăng muộn và những vì sao xa, lấp lánh như những chuỗi ngọc trai,
Con sông vẫn chảy. Nước thúc nhau qua khúc ngoặt, lúc trầm lặng, lúc sục sôi như giận dữ điều gì… Cái âm điệu quá quen thuộc, nhưng có nhẽ đây là lần đầu tiên Linh cảm thấy cái hoang dã của dòng sông.
Linh dừng câu chuyện lúc nào Phương cũng không rõ. Nhưng ông đã hiểu, đã nắm bắt được tất cả…
-Bác nghĩ rằng là một người nhạy cảm, chắc cháu cũng đã hiểu hoặc mang máng hiểu được câu chuyện bác sẽ nói với cháu. Bác tin cháu là một cậu con trai có bản lĩnh… Phải biết vượt qua cái mà mọi người tưởng không vượt qua được… Cháu không có lỗi gì cả… Bố cháu cũng không có lỗi gì cả. Chính bác đã giấu diếm đưa bố cháu lên đây. Và cũng chính bác tìm mọi cách, kể cả việc khai man lý lịch để đưa bố cháu trở lại quân đội với cái tên Vang Hồng Định. Ông đã hy sinh oanh liệt khi dẫn một tiểu đoàn từ Lò Gò Tây Ninh tiến về Sài Gòn. Mộ ông ở Trảng Bàng…
Phương dừng lại. Dường như ông vừa vượt qua một thử thách mà suốt từ đêm giờ ông thấy lúng túng… Và ông lại tiếp:
-Điều mà cho đến bây giờ, bác vẫn còn day dứt là chưa sao thanh minh được cho bố cháu. Quãng đời trước, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông là một người cộng sản kiên cường. Quãng đời tiếp theo, ông là một tên Việt gian bán nước. Và quãng đời vừa rồi, ông là một anh hùng…
Bác hy vọng ở thế hệ cháu, thế hệ thằng Châm của bác. (Nó vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ triết học…) Chỉ có thế hệ các cháu mới phơi bày ra ánh sáng công và tội mà thế hệ bác đã làm… Phần được cũng lớn, cũng đáng tự hào lắm. Nhưng sai lầm vì ấu trĩ, vì nóng vội, vì kém cỏi, vì máy móc và sai lầm vì tham lam quyền lực, vì cơ hội thật là không nhỏ. Bi thương lắm! Chua chát lắm! Cháu hiểu điều bác nói chứ.
-Vâng. Cháu hiểu.
-Cháu định tính sao bây giờ?
-Cháu sẽ đi, cháu sẽ đi thật xa và không bao giờ trở lại đây nữa.
-Cháu suy nghĩ cho kỹ… Nhà đang có tang. Cháu biết đấy. Nhưng bác nhắc lại, cháu không có tội lỗi gì cả.
-Vâng. Cháu hiểu.

-Phải thật khéo léo. Điều này rất tế nhị. Nhưng cháu lại thẳng và thật. Đôi lúc cũng phải biết đóng kịch cháu ạ, miễn là việc đóng kịch ấy đem lại cho gia đình, người thân của cháu một không khí nhẹ nhàng, dễ chịu… Có những sự thật khi lộ ra là tội ác đấy. Bác hết sức mong cháu kín đáo, đừng gây thêm một tội ác nào nữa, cháu nhé.
-Vâng. Cháu nghe lời bác.
-Cháu có tiền không? Đừng giấu bác… Đây, cháu cầm lấy 500 đồng này phòng thân. Nhớ thư cho bác nhé.
Phương dừng lại nhét mấy trăm bạc vào túi áo Linh và tiếp:
-Bác cũng chưa biết nói với mẹ cháu sao đây.
-Bác đã ghé mẹ cháu chưa ạ?
-Chưa. Nhưng mai kia bác sẽ ghé về đấy…
-Bác coi như không gặp cháu.
-Như thế lại hóa hay… Thêm một tin buồn, bác như chịu thêm một tội lỗi… Chắc mẹ cháu sẽ đi tìm mộ bố cháu. Bác sẽ ghi địa chỉ cụ thể ẹ cháu. Người chịu nhiều đau khổ nhất có nhẽ là mẹ cháu. Mỗi lần nhắc đến bố con cháu, mẹ cháu lại khóc…
Ông dừng lại, đưa bàn tay vuốt mớ tóc đẫm sương và giữ nguyên bàn tay ấy trên đỉnh đầu. Ông định nói điều gì đó, nhưng không nói được. Chưa bao giờ ông thấy nổi đau làm ông quằn quại như lúc này. Nỗi đau của oan khuất, nỗi đau của uất ức… Ông nhìn thấy nguyên nhân của tội ác, ông nhìn thấy kẻ thù của lương tâm ông, nhưng ông lại bất lực, ông lại phải khuất phục nó…
Từ hai khóe mắt ông, hai giọt lệ nóng rãy lăn nhanh qua hai bên sống mũi… Có nhẽ đây là lần đầu tiên từ khi đi vào với cách mạng, ông khóc… Ông không thể không nói ra… Nhưng cho Linh biết… Ông lại thấy mình tàn nhẫn… Suốt 30 năm cầm súng, cho đến hôm nay, hòa bình được lập lại, ông lại nhìn thấy một sự đổ vỡ mới, thật đắng cay, thật chua chát… Nhưng quĩ thời gian của ông lại không còn bao nhiêu nữa…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.