Nỗi Bất Hạnh Tình Yêu

Chương 18


Bạn đang đọc Nỗi Bất Hạnh Tình Yêu: Chương 18

Sau bốn ngày lội bộ trong bùn đất và một ngày đứng trên tàu hoả, Linh trở về đến Hà Nội trong một buổi chiều cuối Đông heo hắt. Nhìn đồng hồ nhà ga mới hơn năm giờ chiều, nhưng sao cái cảm giác bơ vơ trong đêm cứ ám ảnh tâm trí nó. Từ đây về nhà, chỉ hơn năm mươi cây số. Đối với nó, 50 cây số không là gì cả, nó chỉ cuốc bộ một đêm thôi. Ở đấy, nó hiểu mẹ vẫn còn thương nó, thắc thỏm mong nó về từng ngày, từng giờ. Hai đứa em, thấy anh về, thế nào cũng loăn xoăn như hai con chó con chạy ra mừng rỡ, ríu rít. Nó sẽ ôm chúng vào lòng và nhận ở chúng những cử chỉ ngượng ngùng, bẽn lẽn…
Nhưng nó đã quyết không bao giờ trở lại ngôi nhà đó nữa. Nó sợ một cái bẫy. Cái bẫy vô hình nhưng nó cảm nhận rõ rệt như một sức mạnh thần bí. Đôi khi hiện về trước nó một bộ răng quỉ nhai rau ráu một cái sọ người. Nó run bắn lên và thét thật to. Nhưng con quỉ vẫn không tha nó. Nó vùng chạy. Nhưng hai chân bủn rủn, người đẫm mồ hôi. Con quỉ vừa ngoạm cái đầu lâu, vừa đuổi theo nó, Và khi vồ được nó, con quỉ nhe răng cười. Nó cười đầy thịt người. Khiếp đảm quá. Nó đứng lịm đi, nhìn thẳng vào mắt quỉ, chờ đời… “Đừng sợ, bố có làm gì đâu?”. Ôi con quỉ xưng bố và gọi nó bằng con. Giọng con quỉ nhẹ nhàng, từ tốn, thậm chí đầy tình thương.
Và cũng không hiểu từ lúc nào, quỉ ném cái đầu lâu, chùi máu trên mặt. Gương mặt trở nên sạch sẽ, nhẵn nhụi, hiền hoà. Dần dần, nó nhận ra đấy không phải quỉ nữa, mà là người, đúng hơn, đấy là bố Thuật….
Cơn mơ đã làm nó vã mồ hôi hột. Từ đấy, nó sợ cái ngôi biệt thự mà nó sống nhưng năm thiếu thời, thậm chí nó sợ cả mẹ, cả em. Nó nhận ra rằng, hơn ai hết, con người là giống quỉ, bởi chỉ có quỉ mới biết biến hoá, khi là ông Bụt, khi là tên đồ tể. Đối với nó bây giờ, con đường trở về nhà đầy dẫy nhựng vực thẳm – rơi xuống vực thẳm là rơi xuống tận cùng của cuộc đời.
Năm ấy Hà Nội đang có chiến tranh. Thỉnh thoảng dội nên giữa khung trời thanh bình tiếng cò báo động, nghe đến man dại. Bao nhiêu người hoảng hốt chạy đi tìm hầm. Nhưng riêng nó lại không thấy sợ. Bình tĩnh, nó đi qua đi lại trong một cái ga vắng vẻ, lưa thưa một vài người xuống tàu muộn, cùng với mấy nhân viên mang băng đỏ. So với cái trại giam nó vừa rời khỏi, nhà ga là một thiên đường đối với nó. Nó ao ước được đặt lưng ở một góc nào đó, đánh một giấc.
Bây giờ nó thấy nỗi mệt mỏi thấm vào xương cốt nó. Và đói nữa. Suốt từ sáng đến giờ nó chưa được ăn gì, cái dạ dày lép kẹp, cồn cào đến không chịu được. Thấy gì ăn được, nước giãi nó cứ tứa ra. Đi thẳng lại quầy mậu dịch, nó định mua một ổ bánh mì. Nhưng bà mậu dịch lại đuổi đi như xua một con chó ghẻ. Miệng thét, tay bà vung lên, đẩy ra…
– Không có gì đâu! Đi đi! Không có gì đâu! Bọn này từ trại nào ra mà nhiều thế không biết nữa. Rõ khốn nạn. Sống sao nổi với bọn chúng! Hở gì đớp nấy!
Nó không hiểu bà nói ai. Bởi lúc ấy cửa hàng bà chỉ có hai người, nó và một bà cụ ở quê ra.
– Bà nói ai thế? Nó thật thà hỏi lại.
Người đàn bà chạc tuổi mẹ nó, nhưng trông như một mụ phù thuỷ, hai súc thịt nơi má rung rung, mắt trợn tròn:
– Mày ngớ ngẩn không biết bà nói ai hả?
– Bà cho tôi mua một ổ bánh mì!
– Bà không “phục vụ” cho ngữ mày. Mày là một thứ quỉ!
– Bà nhầm rồi. Bây giờ thì nó đã bình tĩnh lại và nỗi tự ái làm nó quên cả cơn đói.
– Tao mà nhầm hả thằng quỉ sa tăng. Mày cút đi ngay! Mày nhìn gì tao? Mày định đớp gì đây? Quân khốn nạn, quân lưu manh, trộm cướp! Đồ ma vương, đồ quỉ dữ…
– Tôi đã bảo bà nhầm rồi.

– Nhầm! nhầm! Mày nói tao là quỉ hả? Ôi giời ơi! Bắt lấy nó. Nó ăn cắp! Quân ăn cướp! Mấy chú công an ơi! Cứu tôi với!
Tiếng bà kêu oang oang như sấm rền còn dễ sợ hơn cả tiếng còi báo động. Nó cũng muốn chạy, nhưng hai chân nó cứ chôn chặt một chỗ. Nó nhìn bà và cảm thấy buồn nôn. Giá bây giờ bà có bán cho nó một ổ nó cũng không buồn nhá nữa – nó kinh tởm lắm rồi.
Hai trật tự mang băng đỏ và một công an giắt khẩu K54 đã bước lại bao chặt lấy nó.
– Đi! Một mệnh lệnh, lạnh.
– Tôi mua bánh mì…
– Về đồn!
– Tôi không ăn cắp!
– Trói nó lại.
– Để tôi đi, không phải trói…Tôi không ăn cắp.
Nó bị tống vào một gian nhà kín như bưng, tường cao, mái bằng, không giường chiếu, không một mảnh chăn rách. Biết trong nhà có người, nhưng nó không nhận ra ai vì tối quá. Nó ngồi thu lu, xo mình trong một góc tường. Bức tường ẩm ướt, lạnh buốt. Nhưng mỏi quá nó phải dựa lưng vào đấy, chịu cái giá lạnh, cố hy vọng chờ nhà chức trách đến, nó sẽ khai rõ đầu đuôi.
Sao ở giữa Hà Nội, một trung tâm của Thủ đô như thế này mà người ta bắt người dễ hơn ở nhà quê bắt một con chó. Rùng minh, nó nghĩ đến cái trại giam nó vừa thoát khỏi, nghĩ đến con đường dài thăm thẳm, đất đỏ nhầy nhụa, dài tít tắp suốt mấy chục cây số, hai bên toàn những dãy núi đá hoa cương mà nó đã bì bõm suốt bốn ngày liền. Chưa một đứa nào thoát khỏi cái trại mà bố Thuật đã nói với mẹ nó đây là cái trường vừa học vừa làm. Mẹ nó vân tin đấy. Mai mỉa thế là cùng. Những người phụ nữ bao giờ cũng nhẹ dạ.
Có tiếng chân người bước lại gần. Một lúc sau nó mới nhận ra đấy là một người con gái, cũng chạc tuổi nó.
– Vừa “chôm” gì đấy?
Ngồi bệt xuống cạnh nó, cô gái nói một cách tự nhiên như hỏi một người bạn.
– Không! Nó đáp uể oải, bắt buộc.
– Đừng dối tớ nữa.

Linh mệt mỏi, định không trả lời. Nó hiểu đây là dân đầu đường xó chợ, đầu trộm đuôi cướp. Không hơi đâu mà dây vào lũ chúng nó. Nhưng một ý nghĩ khác lại loé lên, khuyên nó lên tìm hiểu đây là nơi nào, và những ai bị bắt vào đây? Biết đâu lại không có những người bị oan như nó. Đắn đo một lúc, nó hỏi:
– Đằng ấy vì sao phải vào đây?
– Làm đĩ.
Linh ớn lạnh. Câu trả lời gọn lỏn, không một chút ngượng ngùng. Lần đầu tiên nó nghe qua âm thanh một người con gái hai tiếng kinh tởm ấy một cách tự nhiên như hít thở khí trời vậy.
– Đằng ấy đùa với tớ đấy chứ?
– Vui sướng gì ở đây mà đùa.
– Mới bây nhớn đã đi làm cái việc nhục nhã ấy ư?
– Có gì là nhục nhã.
– Đằng ấy trơ trẽn quá…Thiếu gì việc lương thiện sao nỡ bán đi cái trinh trắng nhất của người con gái.
– Gì mà trơ trẽn…Đừng giả đạo đức, “ông nội”. Tớ chúa ghét mấy cha đạo đức giả. Mồm của ông Bụt nhưng cái ấy là của cụ Dê. Đằng ấy cán bộ gì?
– Không là cán bộ gì cả….Mới ở trại Phong Hoá ra.
– Phong Hoá, tớ hiểu rồi.
Phong Hoá rừng sâu rau má mọc
Đường đi chênh vênh vách đá dọc
– Đằng ấy có qua Phong Hoá rồi à?

– Không. Tội gì tớ phải vào đấy!
– Làm đĩ…mà còn….gì nữa.
– Làm đĩ là một cách mua bán sòng phẳng. Mình cần tiền, và người ta cần cái của mình. Thế thôi. Chẳng phải chôm chỉa của ai….Cái anh chôm chỉa như cậu mới là không sòng phẳng.
– Tớ mua bánh mì…Tớ có ăn cắp đâu.
– Đằng ấy có tiền?
– Không tiền sao gọi là mua.
– Thế mới gọi là chôm chỉa…Tớ không tin.
– Tớ không nói dối. Thằng Linh thật thà móc tiền ra trước cô gái.
– Đằng ấy chưa được ăn gì à?
– Suốt từ sáng đến giờ.
– Tớ còn bánh mì.
– Tớ không ăn của đằng ấy đâu.
– Đã bụi đời mà còn đẳng cấp. Đằng ấy quý tộc chắc?… Đã biết mùi mè chị em chưa? Tớ cho. Thôi ăn đi đã.
Cô gái dúi vào tay Linh ổ bánh mì như cục đá, rắn đanh và lạnh buốt. Nó phân vân, nhưng rồi bụng nó cồn lên những đợt sóng như cuốn nó vào giữa dòng thác của cơn đói thèm ăn.
– Đừng khách khí, được ăn, không mất tiền, không bị bắt, còn muốn gì nữa.
– Tớ trả tiền đằng ấy.
– Cậu muốn sòng phẳng, được thôi, tớ cũng muốn thế
Răng tốt, Linh gặm ổ bánh mì rồm rột nghe đến ngon miệng.

Đêm ấy, lần đầu tiên Linh ngủ bên một cô gái. Đúng ra cô bé đã ghì chặt lấy nó như một người mẹ che chở cho đứa con giữa cơn buốt giá của mùa đông Hà Nội. Nó tỉnh dậy khi có tiếng còi báo động. Cô gái vẫn riết lấy nó, giọng ngái ngủ.
– Đừng dậy, lạnh quá. Thằng Mỹ nó chẳng dại đem bom dội xuống chúng mình lần nữa đâu.
Bên ngoài đã nghe tiếng nhốn nháo, sôi động: tiếng réo gọi con của bà mẹ, tiếng còi rúc, tiếng la thét của cánh bảo vệ, tiếng chân chạy…
Linh hiểu người ta đang chạy tránh một cái chết bất ngờ, còn ở đây, chỉ cách nhau có bốn bức tường, cái chết như một thách thức đối với những con người đầy oan khiên., bất hạnh…
Sau này, không ngờ, cô gái lại trở thành người bạn thân nhất đời nó. Cô có cái tên rất bình dị: Sen – Nguyễn Thị Sen, vốn là một cháu ngoan Bác Hồ. Bố Sen, một kỹ sư, tốt nghiệp từ thời Pháp. Ông làm việc ở Viện khoa học. Suốt ngày ông lầm lũi với công trình khoa học của mình. Mẹ Sen là một nhà giáo. Sau Sen là ba đứa em giai, đứa nhỏ nhất lên sáu. Một quả bom đã dội đúng ngôi nhà của Sen. Hôm đó Sen vừa đưa đứa em đi sơ tán. Cái tin đau đớn không còn nước mắt để khóc nữa. Cuộc đời hai chị em lang thang. Cuối cùng, Sen đành phải gởi em về ột bà dì ở quê – với điều kiện hàng tháng cô phải gửi tiền đầy đủ về cho bà.
Linh chợt nhận ra đời đầy những đau thương, và mỗi con người vào trại giam, đều chứa đựng những hoàn cảnh thật éo le. Nó ân hận về những ý nghĩ nặng nề đối với cô gái. Giá hoàn cảnh rơi vào nó, chắc nó cũng không biết chon con đường nào khác…
Cảm tình của cậu con trai bắt đầu bằng sự thông cảm và thương hại. Ngược lại người con gái có bản lĩnh không bao giờ chấp nhận sự thương hại của bất kỳ ai – kể cả người yêu. Tính tình cương trực, thậm chí ngang ngược, cô gái không bao giờ dung nạp sự dối trá.
Sau cái đêm hai đứa ôm nhau ngủ ấy, Linh phát hiện ra gói tiền mình dành dụm bao lâu nay bị mất. Tất nhiên, người đánh cắp không thể là ai khác ngoài Sen.
– Đằng ấy mất bao nhiêu?
– Một trăm năm mươi bảy đồng.
– Đằng ấy nghi tôi là đồ chôm chỉa.
– Tôi không dám nghĩ thế…Nhưng Sen thông cảm, còn ai vào đây nữa. Trước khi ngủ tôi còn sờ thấy.
– Tôi khốn nạn thế ư? Sen tự đấm vào ngực mình. Rồi, đứng phắt dậy, cô tụt hết quần áo ném vào mặt Linh, dang chân, dang tay nhìn chằm chặp vào mắt người con trai.
– Nắn bóp cho kỹ đi! Giọng cô phát ra, lạnh lùng, cay độc.
Thằng Linh hốt hoảng. Nó không hiểu sao cả. Thậm chí nó còn không dám đưa tay cầm bộ quần áo nữa huống là nắn bóp. Sợ đến phát sốt, phát rét, nó van vỉ:
– Thôi Sen ạ. Tôi xin lỗi….Mà tôi có dám nói, dám nghi ngờ gì bạn đâu.
– Được. Tớ sẽ tìm bằng ra cho đằng ấy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.