Đọc truyện Những Vụ Án Trên Thế Giới – Chương 293: Vụ án người phụ nữ bảy gương mặt ở Nhật
Sát hại đối thủ và âm mưu phi tang thi thể:
Năm 1982, Fukuda Kazuko là bà mẹ 4 con khi mới 34 tuổi. Bà làm tiếp viên tại quán rượu ở thành phố Matsuyama, tỉnh Ehime. Ngày 19/8 năm đó, Fukuda đã siết cổ một đồng nghiệp kiêm đối thủ cạnh tranh của mình là Atsuko Yasuoka, 31 tuổi, tại nhà riêng của nạn nhân.
Sau khi gây án, Fukuda cướp đi tiền mặt và hơn 300 món đồ (bao gồm nội thất và sổ tiết kiệm) trị giá 9,5 triệu Yên. Cảnh sát cho biết, động cơ gây án là Fukuda túng quẫn, không thể trả nợ cho công ty tài chính.
Ban đầu, chồng Fukuda cũng khuyên vợ đầu thú, nhưng lại bị bà thuyết phục tham gia vào hành vi tội ác. Sau đó, người chồng mù quáng đưa thi thể nạn nhân lên núi phi tang. Cùng lúc, Fukuda tự mình chuyển hết đồ nội thất cướp được đến căn hộ của… tình nhân bí mật! Âm mưu của bà ta là ngụy tạo như nạn nhân Yasuoka đột nhiên trốn nợ, bán tống bán tháo đồ đạc rồi biến mất trong đêm.
Tuy nhiên kế hoạch của Fukada nhanh chóng bại lộ và chính bà ta mới là kẻ phải tẩu thoát. Khi cảnh sát ập tới, bà đã mang theo 600.000 Yên cao bay xa chạy, chỉ có người chồng bị tống giam do giúp phi tang thi thể.
Dĩ nhiên Fukada biết mình không thể mãi mãi che giấu tội ác tày trời, nhưng bà ta cũng không có ý định chạy trốn suốt đời. Lúc bấy giờ, Nhật Bản có luật án giết người sẽ phải đóng hồ sơ sau 15 năm (sau này đã thay đổi thành vô thời hạn). Nghĩa là, Fukuda có thể “lách luật” nếu ẩn thân trong vòng 5.475 ngày, xuyên qua vô số hòn đảo của đất nước mặt trời mọc.
Cuộc trốn chạy của sát thủ 7 khuôn mặt:
Với nhan sắc không còn trẻ trung, Fukuda ban đầu rất khó tìm việc ở quán rượu như trước. Nhưng cuối cùng bà vẫn xin được vào một hộp đêm thuộc thành phố Kanazawa, cách nơi gây án khoảng 620 km.
Hai ngày sau, bà đến Tokyo để thực hiện cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên, sửa mắt và mũi. Suốt cuộc đời, Fukuda còn có thêm nhiều lần nằm trên bàn mổ, về sau được truyền thông gọi bằng biệt danh “người phụ nữ 7 khuôn mặt”.
Cùng với ngoại hình, Fukuda phải liên tục thay đổi nơi ăn chốn ở. Trong thời gian làm việc ở hộp đêm, người phụ nữ đã gặp gỡ và dọn về sống chung với ông chủ hàng bánh kẹo. Điều bất ngờ là khi Fukada dọn về, tiệm bánh lại rất đắt khách.
Thời điểm đó là khoảng tháng 9/1985, sau ba năm tha phương, Fukada cảm thấy rất nhớ các con của mình. Một năm sau, bà ta liều lĩnh đưa cậu con trai 18 tuổi đến Kanazawa sống gần tiệm bánh.
Cũng trong thời gian này, huyền thoại bóng chày Hideki Matsui vẫn còn là cậu bé tiểu học, đã trở thành khách hàng quen thuộc của tiệm bánh. Danh thủ Matsui nhớ lại: “Bà ấy là một dì bán hàng rất dễ thương”.
Trong quyển sách có tựa “The Cry of the Loser-Dogs” (Tiếng khóc của những con chó hoang), tác giả Sakai Junko đã viết đầy ẩn ý: “Khi một ai đó suốt thời gian dài sống như những con chó hoang, ví dụ như một phụ nữ 40 tuổi đơn chiếc, bỗng dưng lại muốn kết hôn… Thì thay vì cảm giác nhẹ nhõm, cô ấy sẽ thấy bất an giống như Fukuda Kazudo, nghĩ rằng: Và rồi với điều này, cuộc đời trốn chạy của tôi đã dần khép lại”.
Quả thật, sau khi chấp nhận lời cầu hôn của ông chủ tiệm bánh, Fukuda đã trở nên bất cẩn hơn và suýt bị bắt nhiều lần. Hơn nữa, bà ta đang bị truy nã trên toàn Nhật Bản.
Ít lâu sau, một khách hàng của tiệm bánh kẹo đã báo cảnh sát vì nghi ngờ Fukuda. Thế nhưng ngày 12/2/1988 khi cảnh sát đột kích, người phụ nữ một lần nữa rời đi thành công, đạp xe suốt 235 km đến thành phố Nagoya. Tại đây, bà làm nhân viên tại khách sạn tình yêu.
Đến 14 năm sau ngày gây án, Fukuda đã khiến cho những cảnh sát năm xưa vô cùng nóng ruột khi vụ án sắp hết hiệu lực. Cuối cùng, lực lượng chức năng treo thưởng 1 triệu Yên cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp truy bắt kẻ sát nhân.
Lưới trời lồng lộng, Fukuda bị bắt vì bỏ qua một số chi tiết không ngờ
Ngày 24/7/1997, cảnh sát có được manh mối từ một người đàn ông ở thành phố Fukui, cho biết “khi nghe bản tin truyền hình, tôi nhận ra ngay giọng nói ấy là của Yukiko Nakamura”.
Nakamura là cái tên giả cuối cùng của nữ sát nhân 7 khuôn mặt. Sau khi được người dân cung cấp thông tin, cảnh sát đã mai phục và tìm thấy hung thủ ở một nhà hàng mà bà ta thường hay lui tới.
Trong cuộc thẩm vấn hỗ trợ điều tra vào chiều 29/7/1997, Fukuda liên tục ăn uống và từ chối cung cấp mẫu ADN. Tuy nhiên, cảnh sát dễ dàng lấy dấu vân tay trên chai bia, đem về kiểm tra thì thấy hoàn toàn trùng khớp với dấu vết để lại ở hiện trường năm 1982. Với bằng chứng không thể chối cãi, Fukuda bị bắt giữ. Bà ta không hề kháng cự sau 14 năm, 11 tháng và 10 ngày trốn chạy khắp Nhật Bản.
Tuy nhiên, khi bị áp giải về đồn cảnh sát ở quê nhà của mình, giữa vòng vây của vô vàn ống kính phóng viên, Fukuda bỗng nhiên gào lên rất lớn từ sau lớp áo khoác che kín khuôn mặt.
Hồi ký “Thung lũng nước mắt” hé lộ tuổi thơ bất hạnh:
Tháng 5/1999, tòa án tuyên án Fukuda Kazuko tù chung thân. Trong thời gian thi hành án, Fukuda đã chắp bút một quyển hồi ký có tựa “Thung lũng nước mắt”. Hóa ra, bà sinh ra trong gia đình túng quẫn, bố bỏ đi, còn mẹ mở nhà thổ ngay tại căn hộ. Năm 1966, khi mới 18 tuổi, Fukuda đã trở thành kẻ bất hảo và thực hiện vụ trộm cắp ở nhà Cục trưởng Cục thuế Nhật Bản, nhận về án tù thích đáng.
Điều đáng sợ là đằng sau chấn song của nhà tù Matsuyama, một số băng nhóm tội phạm đã hối lộ cho quản ngục để uống rượu, hút thuốc, đánh bạc và cả cưỡng hiếp phụ nữ. Trong đó, Fukuda cũng là một nạn nhân không thể kháng cự.
Các cuộc điều tra đã không tiến hành đến nơi đến chốn vào thập niên 60. Chỉ đến khi hồi ký của Fukuda được xuất bản, nhiều người mới bàng hoàng với những tội ác trong quá khứ, tuy nhiên lúc đó đã quá muộn khi các vụ án hết hiệu lực từ lâu rồi.
Sau quyển sách “Thung lũng nước mắt”, Fukuda vẫn tiếp tục trả giá cho những tội ác khó lòng dung thứ của mình. Đến năm 2005, bà đột ngột ngất xỉu trong lúc lao động, được đưa đến bệnh viện nhưng bị xuất huyết não và không bao giờ lấy lại nhận thức. “Người phụ nữ 7 khuôn mặt” đã qua đời ngày 10/3/2005 ở tuổi 57.