Đọc truyện Những Tháng Năm Hổ Phách – Chương 84Quyển 2 –
Trước Tết 2008, Tần Chiêu Chiêu tính toán đặt vé tàu để cuối tháng Một cùng về quê ăn Tết với vợ chồng Đàm Hiểu Yến và Thành Kiệt. Chuyện quan trọng trước mắt là kiếm cho được ba vé tàu về quê, tàu Tết xưa nay vẫn khó kiếm vé, chuẩn bị sớm chút nào hay chút đó. Vất vả rắc rối một hồi, cuối cùng cô cũng mua được ba vé giường nằm ngày Ba mươi tháng Một, vui mừng gọi điện báo cho Đàm Hiểu Yến: “Mình mua được vé tàu rồi, năm nay chúng ta có thể về nhà ăn Tết.”
Lúc ấy Tần Chiêu Chiêu không biết, cô vui mừng quá sớm.
Những năm trước, vé tàu Tết vẫn vô cùng khó kiếm, phải mua được vé thì mới an tâm. Nhưng mùa xuân 2008, mua được vé cũng không thể đi được. Một trận mưa tuyết nghiêm trọng khiến tàu Tết năm nay gần như tê liệt.
Giữa tháng Một năm nay, phía đông và tây nam, nhất là các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, Giang Tây, An Huy… gánh chịu trận mưa tuyết tệ hại nhất suốt năm mươi năm qua. Các tuyến đường sắt Kinh Quảng (Bắc Kinh – Quảng Châu), Kinh Cửu (Bắc Kinh – Cửu Long), Tương Cống (Hồ Nam – Giang Tây), Tương Kiềm (Hồ Nam – Quế Châu) buộc phải chậm lại hoặc dừng hẳn. Từ ngày Hai mươi lăm tháng Một, thiên tai khiến tuyến đường sắt Kinh Quảng không thể hoạt động bình thường, mấy tuyến tàu bị hoãn không thể rời khỏi ga Quảng Châu khiến hành khách bị tắc lại nhà ga. Ngày Hai mươi sáu, Hai mươi bảy tháng Một, hành khách từ các vùng ngoại thành, tam giác Từ Châu và nội địa Quảng Châu không ngừng ùn ùn kéo về ga Quảng Châu. Sân ga rộng cỡ sân bóng đá đầy ắp người, báo chí đưa tin số người bị nghẽn lại tại đây ngày Hai mươi bảy lên tới mười bảy vạn.
Đọc tin tức trên báo và trên mạng, lòng Tần Chiêu Chiêu bắt đầu bồn chồn. Không chỉ ùn tắc ở nhà ga Quảng Châu, mưa tuyết còn gây đình trệ và hủy nhiều chuyến bay tại sân bay quốc tế Bạch Vân ở Quảng Châu. Tất cả các nhà ga, sân bay, các tuyến đường cao tốc ở Quảng Đông đều đầy ắp người hồi hương bị nghẽn đường. Cô biết, nếu tình hình này kéo dài, chỉ sợ đến Ba mươi họ cũng không thể bắt tàu về nhà được. Dẫu vẫn ôm hy vọng đến hôm đó đường sắt sẽ hoạt động lại bình thường, nhưng băng tuyết đóng chặt đường ray sao có thể tan nhanh như vậy? Ngày Hai mươi chín, báo chí đưa tin số người kẹt ở ga Quảng Châu đã lên đến con số năm mươi vạn.
Hôm sau đã là ngày Ba mươi, rốt cuộc có nên tới ga Quảng Châu hay không? Tần Chiêu Chiêu cảm thấy khó xử, khó khăn lắm mới có thể đặt được vé giường nằm, cô không cam tâm hủy bỏ như vậy. Hơn nữa, cô rất muốn về nhà ăn Tết, có lẽ nên tới ga xem xét tình hình rồi tính tiếp.
Kiều Mục gửi email khuyên cô không nên đi, cậu nói nhà ga chật hẹp, mấy chục vạn người chen chúc, mật độ quả thật quá kinh khủng. Nhiều người bon chen ở một nơi như vậy rất dễ xảy ra sự cố, tuy chính quyền Quảng Châu đã huy động mấy ngàn cảnh sát tới duy trì trật tự và khơi thông bế tắc nhưng cơ bản chẳng có tác dụng gì.
“Chiêu Chiêu, tốt nhất đừng đi. Không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất[1], lỡ như có chuyện xảy ra cũng khó xử trí.”
[1] Câu thành ngữ nhắc nhở người ta làm việc cẩn trọng, đề phòng những việc không may, khó lường xảy ra.
Đồng nghiệp trong công ty cũng nhất loạt khuyên cô không nên đi.
“Em xem tin tức đi, năm chục vạn người châu đầu vào đó rồi, thêm em chạy tới đó nữa chỉ thêm loạn thôi!”
“Phải đấy, không biết tình hình thế nào mà chạy tới còn dễ hiểu, đã rõ rành rành như vậy còn tìm tới thì chỉ chuốc mệt vào thân thôi. Đến lúc ấy, muốn đi không được, còn bị kẹt lại ở nhà ga thì khổ.”
“Cứ cho là lên được tàu đi, ai dám chắc là tàu có thể xuất phát đúng giờ. Bao nhiêu tàu xe đã bị kẹt lại giữa trời mưa to tuyết lớn, bị vây giữa trời tuyết còn thảm hại hơn.”
“Phải đấy, lên được tàu rồi lại bị kẹt giữa đường là khổ nhất. Thời tiết thế này tốt nhất đừng về nhà, cứ cố đi chỉ khiến người nhà thêm lo lắng thôi, về muộn vài ngày còn khiến người nhà lo lắng hơn. Giờ trên mạng đã có không biết bao nhiêu người đăng tin tìm thân nhân rồi.”
“Cậu xem đây này, hai ngày nay khắp các diễn đàn đăng mấy trăm tin tìm kiếm thân nhân đang mắc kẹt trên tàu hoặc giữa đường, chỉ xem cũng thấy khó chịu rồi. Mắc kẹt mấy ngày liền không ăn không uống giữa trời đông lạnh lẽo thế này thật sự rất thảm! Người lớn còn đỡ, người già, trẻ con chịu sao nổi?”
Một số đồng nghiệp tính toán về quê ăn Tết đều lục tục trả lại vé hoặc bỏ luôn ý định. Hôm trước, một đồng nghiệp tên Tiểu Lưu quê gốc An Huy có một đồng hương bắt xe về Hợp Phì, kết quả đường quốc lộ gần An Huy bị tuyết phủ kín, vô số xe cộ muốn tiến không được, muốn lùi không xong, bị tắc lại trên đường. Đường quốc lộ thăm thẳm giờ thành bãi đỗ xe. Hết xe này đến xe khác, hành khách đói khổ, lạnh rét chửi bới cũng vô dụng, có trời mới biết đến khi nào xe mới có thể đi tiếp. Tệ nhất là thời tiết xấu đến sóng di động cũng chập chờn, gia đình không liên lạc được, vô cùng lo lắng.
Có vết xe đổ này, tất cả mọi người đều chùn chân. An toàn là số một, không về ăn Tết cũng tạm bỏ qua được.
Ba mẹ Tần Chiêu Chiêu cũng gọi điện dặn cô trả vé tàu, dứt khoát không được chen chúc lên tàu giờ này. Ba mẹ còn nói năm nay thời tiết ở quê vô cùng tệ hại, đầu tháng Một còn tưởng không có chuyện gì, ai ngờ cuối tháng ngày nào cũng có mưa tuyết, vừa ẩm ướt vừa lạnh lẽo.
“Mẹ sống chừng này tuổi, lần đầu tiên thấy cảnh mùa đông lạnh giá thế này. Trường Cơ mất nước, mất điện ba ngày nay, chẳng biết bao giờ mới có lại. Thế nên Chiêu Chiêu không về thì tốt hơn, về rồi có muốn tắm một cái cũng không có nước ấm, ban đêm không có đèn đuốc tối om om, con cứ ở lại Thâm Quyến ăn Tết đi.”
Tần Chiêu Chiêu tìm vợ chồng Đàm Hiểu Yến và Thành Kiệt để thương lượng, hai người cũng được người nhà dặn dò không nên về. Mẹ Đàm Hiểu Yến còn dặn dò: “Giờ con đang có thai, đừng có chen chúc ở ga làm gì. Mẹ xem tin tức, giờ mấy chục vạn người đang kẹt ở ga Quảng Chân. Con tuyệt đối không được mạo hiểm, cứ chờ vài ngày nữa cho an ổn rồi hẵng về, không nhất thiết phải về nhà trước Tết đâu.”
Vốn Đàm Hiểu Yến cũng tiếc rẻ như Tần Chiêu Chiêu, tiếc chiếc vé giường nằm lại nóng lòng muốn được về quê, vốn định thử tới ga Quảng Châu xem sao rồi tính tiếp nhưng Thành Kiệt cương quyết phản đối, bạn bè thân hữu cũng trăm miệng một lời khuyên bảo. Cuối cùng, cô đành từ bỏ ý định, ba người đồng ý trả vé.
Lên mạng chuyện phiếm, Tạ Á cũng nói không về quê ăn Tết được như Tần Chiêu Chiêu. Nhà Tạ Á ở Hồ Nam, là nơi chịu hậu quả nghiêm trọng nhất trong đợt thiên tai này. Từ Thượng Hải về Hồ Nam không mua được cả vé tàu xe lẫn vé máy bay. Cô vô cùng lo lắng cho ba mẹ ở Trường Sa, ngày nào cũng gọi điện về.
Nhà Tạ Á đã mất điện ba hôm, ba mẹ cô không có cả máy sưởi ấm để dùng, chỉ biết ôm túi chườm sưởi ấm. Mưa tuyết nghiêm trọng khiến giá cả hàng hóa tăng vọt, cây nến hai hào bị đội thành năm đồng; bình nước sáu đồng đẩy lên hai mươi lăm đồng; người đến siêu thị mua đồ ăn thức uống cũng đông hơn. Mọi người tranh nhau mua đồ không màng giá cả. Trận bão tuyết lớn nhất năm mươi năm nay ảnh hưởng vô cùng lớn tới sinh hoạt thường ngày, mọi người bắt đầu tích trữ đồ ăn.
Ba mẹ Tạ Á cũng tới siêu thị mua đồ… hoặc phải nói là “giành giật” đồ. “Giành giật” được hai bình dầu ăn, ba túi gạo, chục cân mì… giờ không cố mua chỉ e sau này không có mà mua. Khu rau cỏ ở siêu thị tăng giá đột biến, cải thìa hai đồng chin một cân đã là rẻ lắm rồi. Cải thảo hai đồng rưỡi, củ cải trắng sáu đồng, ớt xanh bảy đồng, hành mười đồng, tỏi mười lăm đồng một cân. Ba mẹ cô bực bội: “Tức quá, lợi dụng quốc nạn để kiếm tiền sao!?”
Chuyện khiến họ thực sự nổi nóng vẫn còn ở sau. Mất nước khiến người ta không thể tắm rửa tại nhà, chỉ có thể tới nhà tắm công cộng gần đó. Nhà tắm sơ sài cũng đòi năm mươi đồng một lượt, đúng là giá trên trời!
Tình hình trong nhà Tạ Á đều biết cô không thể về nhà, ba mẹ cũng không tới được chỗ cô, chỉ có thể liên lạc qua di động. Nếu chỉ có mưa tuyết cũng không đáng gì, có điều băng tuyết phủ kín đường, không điện không nước. Cô xem báo thấy đưa tin băng phủ ngập đường khiến người già ngã gãy xương rất nhiều, vì thế dặn đi dặn lại ba mẹ không có việc gì thì không nên ra ngoài, cẩn thận trơn ngã.
Có điều, sợ cái gì cái đó tới, ngày Ba mươi mốt mẹ Tạ Á ngã một cái ngay trước cửa nhà. Đường trơn trượt, bà đi chưa được mươi thước đã bị trượt chân, ngã ngồi xuống đất, theo bản năng chống tay trái xuống, gãy tay trái.
Vốn ba mẹ không muốn kể chuyện gãy tay cho con gái, nhưng cô gọi điện về đúng lúc hai người đang chờ khám ở bệnh viện. Điện thoại của ba là hàng hiệu cô mua, truyền âm rất tốt, cô nghe trong điện thoại thấy y tá lớn tiếng gọi: “XXX, mời chị vào phòng khám.”
Tạ Á nghe là biết ba mẹ đang ở bệnh viện. Truy vấn rõ ràng, ba cô không giấu được đành kể thật, mẹ cô ở nhà không cẩn thận trượt chân ngã gãy tay. Cô lo lắng hỏi: “Ngã gãy tay trái sao? Có nghiêm trọng không? Có bị thương ở đâu không? Ba không được nói dối con đâu đấy.”
Mẹ ngã gãy tay, Tạ Á chỉ hận không thể mọc cánh bay về nhà ngay, cũng không cách nào về nhà được, tàu hỏa, ô tô, máy bay không cách nào về được Hồ Nam. Năm nay Hồ Nam tuyết lớn quá, đúng là “ngàn dặm băng ngưng, vạn dặm tuyết rơi.”
Lúc kể chuyện này cho Tần Chiêu Chiêu, Tạ Á vẫn không an lòng: “Mẹ mình năm nay hơn năm mươi rồi, người già xương cốt giòn yếu, sẽ lâu khỏi hơn người trẻ. Mình lo sau này mỗi bận mưa gió mẹ lại đau mỏi.”
Tần Chiêu Chiêu an ủi: “Giờ trình độ chữa trị tiên tiến hơn trước nhiều rồi, gãy xương không phải chuyện quá nghiêm trọng, dùng thêm ít thuốc bổ sẽ giúp xương cốt mau liền. Cậu an tâm, dì nhất định sẽ hồi phục khỏe mạnh.”
Tán gẫu với Tạ Á xong, Tần Chiêu Chiêu gọi điện về nhà, cẩn thận dặn dò ba mẹ càng ít ra ngoài lúc trời băng tuyết càng tốt, có đi lại trong nhà cũng phải thật cẩn thận.
Mùng Một tháng Hai năm 2008, Tết âm lịch chỉ còn năm ngày nghỉ, người chen chúc ở ga Quảng Châu cuối cùng cũng dẫn tới bi kịch chết người. Một công nhân Hồ Bắc bị đám đông chen chúc, giẫm đạp, chịu không nổi nên qua đời, chấm dứt cuộc đời mười bảy năm ngắn ngủi.
Tin chết người ở ga Quảng Châu nhanh chóng lên báo, một đồng nghiệp tên Tiểu Trâu đọc được lập tức tung tin cho đồng nghiệp, mọi người bàn tán sôi nổi.
“Một cô gái trẻ chết như vậy, thật đáng tiếc!”
“Mới mười bảy tuổi, tuổi đẹp như hoa, thật buồn quá!”
“Tội nghiệp ghê, chưa kịp trưởng thành đã phải rời nhà đi làm thuê, cuối cùng không về được nữa.”
“Mong cô bé lên đường bình an, trên thiên đường không phải chen chúc tàu Tết.”
“Hy vọng sẽ không phải thấy thêm những bi kịch thế này nữa.”
Xem hết tin tức, Tần Chiêu Chiêu rơm rớm nước mắt, lòng nặng trĩu u buồn.
Thiếu nữ mười bảy xuân xanh, bỏ nhà bỏ quê, xa cha xa mẹ tha hương kiếm ăn đã là chuyện đáng buồn. Cô vốn đang tuổi ăn học, lại phải đi làm thuê, hẳn vì gia đình khó khăn. Một năm làm công vất vả, cô bé ôm theo chút tiền công ít ỏi, nóng lòng về đoàn tụ với gia đình. Lúc chen chân vào ga Quảng Châu, phải chăng cô còn cho rằng một chuyến hành trình hạnh phúc đang chờ đón mình? Thật không ngời, đây lại là chuyến đi vong mạng, đám đông đua chen vội vã giữa ga Quảng Châu đặt dấu chấm hết cho một sinh mệnh trẻ trung. Đối với cô bé, với cả thân nhân của cô, đây là nỗi bi ai cùng bất hạnh to lớn.
Vừa đau buồn, Tần Chiêu Chiêu vừa thấy may mắn cho mình và cho cả Đàm Hiểu Yến. Nếu lúc trước hai người vẫn khăng khăng tới ga Quảng Châu, chẳng có gì đảm bảo không gặp chuyện như vậy. Bởi vì dưới làn sóng người mãnh liệt, chỉ cần không cẩn thận ngã xuống thì sẽ vĩnh viễn không thể đứng lên.