Đọc truyện Những Tháng Năm Hổ Phách – Chương 24Quyển 1 –
Khai giảng lớp mười một cũng chính là lúc phân ban theo ngành học, Tần Chiêu Chiêu học lớp Xã hội 3, gặp được kha khá bạn cùng lớp cũ như Cung Tâm Khiết, Diệp Thanh hay Lâm Sâm.
Ngày phân ban, mọi người đều hăng hái tìm kiếm những gương mặt quen thuộc trong lớp. Lúc Lâm Sâm thấy Diệp Thanh thì mừng rỡ không để đâu hết, nhanh chóng tiếp cận, lôi kéo làm thân. “Diệp thanh, cậu cũng học lớp này à? Chúng ta thật có duyên nhỉ?”
Diệp Thanh nhếch môi cười. “Xê ra xê ra, ai thèm có duyên với cậu!”
Chỉ riêng Tần Chiêu Chiêu là không mắt trước mắt sau ngó quanh phòng học. Cô không có quan tâm đặc biệt tới ai trong lớp, không còn Kiều Mục thì học lớp nào với cô cũng giống nhau. Lớp 10.2 ngày trước cô không có bạn bè thân thiết, với mọi người đều lãnh đạm, thản nhiên. Tuy vậy, trong lòng cũng cảm thấy chút mất mát khi không được học cùng Lăng Minh Mẫn nữa, từ giờ không còn được nghe tin tức của Kiều Mục nữa.
Các nam sinh trong lớp mới lại hò nhau bầu hoa khôi mới, không còn Lăng Minh Mẫn, vinh dự này giờ chuyển sang Diệp Thanh. Diệp Thanh trắng trẻo, duyên dáng, mặt mày thanh tú; khi cười hai má lộ hai lúm đồng tiền tròn xoe rất xinh nên con trai rất thích chọc cô cười. Lâm Sâm là tích cực nhất, cứ rảnh rỗi lại tìm tới kể chuyện cười cho cô nghe để đổi lại nụ cười duyên dáng của người đẹp. Ý của Lâm Sâm với Diệp Thanh từ lâu đã rõ ràng kiểu “lòng dạ Tư Mã Chiêu, người đi đường ai cũng biết”.
Lớp mười một, những rối loạn ngày một lớn của tuổi dậy thì kéo xu thế nam nữ sinh yêu sớm lên cao, bừng bừng như lửa đỏ cháy lan đồng cỏ. Dù nhà trường ngàn lần không muốn học sinh sa vào lửa yêu đương nhưng trăm kế vạn kế cũng không sao “dập lửa” được. Con gái làm gì có ai không nhung nhớ, tơ tưởng chuyện yêu đương? Con trai có ai không mong chung tình? Lớp nào cũng có học sinh yêu sớm, cơ hồ mỗi nam nữ sinh đều thầm thích một người nào đó, chỉ khác là có nói ra hay không mà thôi.
Mà thích ngày đó đa số chỉ gắn kèm với chữ “sắc” – “Sắc” này ý chỉ nhan sắc. Nói chung, nam nữ sinh càng xinh đẹp càng được nhiều người khác giới thích. Cũng chẳng trách được, lòng người có ai không “háo sắc”, những người có dung mạo xinh đẹp đương nhiên sẽ được hoan nghênh hơn. Đám con trai lại càng “háo sắc”, bọn họ chủ yếu theo đuổi những nữ sinh xinh đẹp, những cô gái nhan sắc tầm thường rất khó được họ ưu ái. Nữ sinh thì khác, ngoài những nam sinh có diện mạo đẹp đẽ, nữ sinh còn để ý những nam sinh có thành tích học tập tốt hoặc những người không đẹp trai lắm nhưng thành tích thể dục thể thao “khủng”.
Nam nữ sinh cùng lúc xuân tâm phơi phới khiến lớp học cũng được phen náo nhiệt. Người này đi cùng người kia đẹp đôi, người này nói chuyện với người khác… rất nhanh sau đó đã lại có thêm một cặp mới. Muốn xem hai người có phải một đôi không, chỉ cần lựa dịp chờ giờ ăn hay giờ tự học, liếc mắt tự hiểu. Cùng nhau ăn cơm, cùng nhau tự học đúng là một đôi đang yêu không chệch đi đâu được.
Con cái yêu sớm càng lúc càng nhiều, trở thành nỗi lo khôn nguôi của các bậc phụ huynh. Lúc Tần Chiêu Chiêu chuẩn bị chuyển vào ký túc xá của trường đã bị mẹ nghiêm túc giáo huấn cho một bài về tác hại của yêu sớm, còn dặn đi dặn lại: “Con bây giờ còn là học sinh, nhiệm vụ quan trọng nhất là học hành, tuyệt đối không được sa đà yêu đương nghe không? Sẽ ảnh hưởng tới chuyện học tập!”
Tần Chiêu Chiêu đỏ mặt vỗ về mẹ: “Mẹ an tâm, con sẽ không yêu đương gì đâu.”
Cô sẽ tuyệt đối không yêu đương ai, chỉ âm thầm thương nhớ Kiều Mục ở Thượng Hải mà thôi. Thứ tình yêu say đắm không thể để người khác biết này không những không làm ảnh hưởng tới kết quả học tập của cô mà ngược lại, đó luôn là động lực cổ vũ cô nỗ lực. Cô nhất định phải thi đại học, nhất định phải tới Thượng Hải, phải tới Thượng Hải để gặp được Kiều Mục mà cô vẫn âm thầm nhớ thương.
Nhà trường yêu cầu học sinh lớp mười một tham gia lớp tự học khuya nên không lâu sau ngày khai giảng, Tần Chiêu Chiêu xin vào trọ trong ký túc xá trường. Ban đầu, cô không muốn ở ký túc xá vì thêm việc ắt thêm tiền, sinh thêm một khoản chi phí ngoài ý muốn. Vốn định ngày ngày học xong sẽ đạp xe về nhà nhưng nhà cô ở tận khu ngoại thành phía đông, đường sá xa xôi hẻo lánh, đến đèn đường cũng không có, con gái một mình đạp xe đường xa giữa đêm tối như vậy thật nguy hiểm. Ban đầu, ba cô ngày ngày tới đón cô về, nhưng được một thời gian, xưởng ba làm có thêm ca đêm, ông không đi đón cô sau giờ học muộn được nữa. Nghĩ tới nghĩ lui, an toàn vẫn trên hết, tốt nhất là bỏ tiền mua lấy hai chữ bình an. Tần Chiêu Chiêu đi làm hè được sáu trăm tiền lương, mẹ cho thêm hai trăm nữa để đóng học phí và ăn ở.
Ký túc trường điều kiện rất bình thường, tám người một phòng, trái phải bốn chiếc giường tầng, trước sau hai chiếc quạt trần. Mỗi tầng dùng chung một nhà vệ sinh và một phòng chứa nước, tắm rửa thì tới nhà tắm của trường – một đồng một lần, cơm ba bữa trong nhà ăn trường. Tần mẹ đặt tiêu chuẩn một ngày mười đồng, một tuần cho cô năm chục đồng tiền sinh hoạt. Cô cảm thấy trọ ở trường tiêu pha đắt đỏ thật xót ruột nên ngày ngày ăn cơm thường chỉ chọn rau xanh, khống chế tiền ăn cả ngày năm đồng, tiết kiệm tối đa.
Bởi vì thường xuyên phải ăn cơm rau đạm bạc nên mỗi lần đi ăn, Tần Chiêu Chiêu luôn cố ý đi muộn một chút, mọi người bắt đầu ăn rồi cô mới đi. Khi đó bao nhiêu thức ăn ngon đều hết rồi, cô có phải mua rau không thì cũng không ngại ngùng lắm. Hơn nữa, mọi người ăn xong đều đi hết, tránh được việc bạn bè quen biết bỗng nhiên đi qua thấy cô ăn cơm với toàn rau rẻ tiền.
Kỳ thực trong lớp, những người toàn ăn rau không chỉ có mình cô. Diệp Thanh cũng thường xuyên ăn rau, cô thích những món rau dưa, đậu đỗ linh tinh; có những lần mua hoa lơ nướng thịt hay sườn hầm khoai tây cô đều nhặt sườn, thịt bỏ đi. “Mình không ăn thịt với sườn.”
Cùng ăn cơm rau nhưng Diệp Thanh có thể thản nhiên cùng ăn với các bạn còn Tần Chiêu Chiêu chỉ có thể trốn vào một góc. Phải biết rằng, một người có thể ăn cơm thịt nhưng lại thích ăn rau và một người không đủ tiền mua thịt chỉ có thể ăn rau là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Đã nếm qua biết bao sơn hào hải vị ở nhà hàng, tới giờ phải ăn những món nhạt nhẽo, vô vị trong nhà ăn trường thật khó chịu, thế mới có câu: “Nghèo được ăn ngon thì dễ, xa hoa quen rồi không chịu nổi nghèo túng”. Tần Chiêu Chiêu vất vả lắm mới điều chỉnh được dạ dày mình về trạng thái cái gì cũng có thể ăn, không soi xét xem phải ăn gì. Có những khi thật sự không thể chịu nổi cách nấu nướng nhạt nhẽo, cô phải cắn răng mua thêm thịt kho tàu là món rẻ nhất trong số đồ ăn mặn rồi đỏ mặt xin thêm một ít nước thịt để trộn vào cơm.
Tắm rửa Tần Chiêu Chiêu cũng không tới nhà tắm của trường, trời mới vào thu vẫn còn khá ấm, cô liền xách một phích nước nóng vào nhà vệ sinh tắm. Mỗi phòng vệ sinh đều có cửa che tới trên thắt lưng, miễn cưỡng che được tầm mắt bên ngoài.
Con gái trong ký túc xá không chỉ mình cô tắm trong nhà vệ sinh, một số nữ sinh muốn tiết kiệm tiền cũng không tới nhà tắm của trường mà chỉ vào nhà vệ sinh xoay xở liệu cơm gắp mắm tắm rửa qua một chút. Tới nhà tắm của trường mỗi lần chỉ mất một đồng, nhưng ngày nào cũng một đồng, lâu lâu tích tiểu thành đại cũng thật sự tốn kém.
Nữ sinh tắm rửa trong nhà vệ sinh còn nam sinh tùy tiện hơn, thường tắm luôn trong phòng chứa nước, cũng không phải vì tiết kiệm gì mà chỉ vì tiện, ngại chạy tới tận phòng tắm của trường. Họ chỉ xách theo một cái chậu rửa mặt tắm nước lạnh, cởi sạch trơn quần áo, xát xà phòng, cọ rửa qua loa rồi giội nước ào ào một lúc coi như xong. Có những lúc mấy nam sinh cùng tắm chung, đùa giỡn hắt nước tung tóe; một đám “trần trụi không vướng bận” nháo lên trong phòng chứa nước, đôi khi còn cứ thế chạy ra hành lang.
Ký túc xá của nam nữ sinh trong trường trung học thực nghiệm cấm học sinh khác giới, nữ sinh không được vào ký túc xá nam nên bọn con trai an tâm cởi sạch quần áo. Có lần, một đám bị giáo viên quản lý ký túc xá bắt gặp, bị kiểm điểm một trận, sau đó nhà trường đề thêm một quy định mới: Nam sinh tắm rửa trong phòng chứa nước nhất định phải mặc đồ lót.
Sau khi chuyển vào ký túc xá, mỗi tuần Tần Chiêu Chiêu về nhà một lần: chiều thứ Sáu về, chiều Chủ nhật lại lên trường tham gia tiết tự học. Thời gian gặp Đàm Hiểu Yến không có nhiều nên hai người bắt đầu thư từ qua lại, vẫn theo nếp cũ, thân mật đến mức không chuyện gì không kể cho nhau nghe.
Tần Chiêu Chiêu kể cho Hiểu Yến nghe những chuyện linh tinh vụn vặt khi ở ký túc xá còn thư của Hiểu Yến chứa rất nhiều điều thú vị. Cô kể gần đây có một nam sinh trường ngoài theo đuổi mình ác liệt như thế nào. Đó là một nam sinh rất cao, rất bạo, đánh lộn nổi tiếng ở mấy trường trung học nghề. Cô vẫn một mực xa cách nhưng nam sinh kia vẫn nhiệt tình đeo bám, còn nói không thành bạn gái thì làm em gái cũng được. Trong thư cô còn viết: “Mình sẽ nhận Cao Dương làm anh trai, Chiêu Chiêu, sau này nếu trong trường còn ai bắt nạt cậu, cứ bảo với mình, mình sẽ nhờ anh ta trút giận giúp cậu.”
Tần Chiêu Chiêu cô văn quả lậu, kiến thức eo hẹp chưa từng nghe qua cái tên Cao Dương này. Có điều, trường nào cũng có một nhóm học sinh tuổi trẻ khí thịnh, động chút là gây sự đánh nhau, có khi chỉ một câu: “Ông đây nhìn mày thật ngứa mắt” cũng thành một lý do để đánh nhau, khiến các giáo viên đau đầu. Về phương diện này, trường trung học thực nghiệm có khá hơn chút, các trường khác, nhất là trường trung học nghề, các nhóm học sinh hư gây sự, đánh hội đồng có khi còn mang theo dao, mã tấu, gậy gộc, hung hăng không thua kém gì series phim truyền hình Người trong giang hồ của Hồng Kông. Nếu Cao Dương có thể nổi danh trong giới “giang hồ trường học”, chắc chắn anh ta cũng không phải loại hiền lành gì.
Có được một chỗ dựa dữ dằn như vậy đúng là không lo bị ai bắt nạt. Nhưng hiện giờ cũng chẳng có ai bắt nạt cô, trong lớp phân ban cô vẫn là một nữ sinh không thu hút ai. Áo quần giản dị, tính tình trầm ổn, luôn một mình lặng lẽ, lãnh đạm với mọi chuyện nên không gây sự chú ý với ai, cũng không ai đi tìm cô gây chuyện.
Trong lớp có rất nhiều nữ sinh ríu ra ríu rít tự thấy bản thân mình xinh đẹp, Tần Chiêu Chiêu rất khó hòa đồng nói chuyện thoải mái với nhóm này. Chuyện của họ đều là quần áo mốt nọ mốt kia, kem dưỡng da nào tốt, minh tinh này đang nổi tiếng, bài hát kia đang thịnh hành… Những chủ đề này cô đều không chen miệng vào được, đành im lặng ngồi một bên. Vu Thiến ngồi cạnh cô lại là nữ sinh bắt kịp xu thế nhất, hiện tại đang điên cuồng hâm mộ Tạ Đình Phong. Cũng không biết cô thần thông quảng đại thế nào mà có thể xin được chữ ký thần tượng, trở thành báu vật đem khoe với cả lớp.
Vu Thiến có rất nhiều thứ đáng để khoe khoang. Ba cô trước kia là giám đốc bách hóa của thành phố, sau này chính ông nhận thầu hai quầy chuyên buôn bán quần áo, lãi không ít. Những thứ mới mẻ cô dùng đều đi trước các bạn trong lớp, Tần Chiêu Chiêu ở cạnh cô thật giống như đem thế giới thứ ba xếp cạnh thế giới thứ nhất, khác biệt lồ lộ.
Thế nhưng, Vu Thiến tuy thích khoe khoang nhưng không phải người xấu bụng, ngược lại còn rất hào phóng. Ngày đó các bạn trong lớp hầu hết đều mang theo máy nghe nhạc, chỉ khác nhau nhãn hiệu, giá cả; giờ tự học mọi người thường xuyên trao đổi băng hoặc đĩa CD. Dùng các nhãn hiệu mới đương nhiên là ưu việt hơn, tâm lý ganh đua của nữ sinh ngây thơ không hề thua kém gì người lớn. Vu Thiến thấy Tần Chiêu Chiêu không có máy nghe nhạc nên thường chủ động cho cô mượn dùng. Ban đầu cô không dám dùng, sợ không cẩn thận làm hỏng thì không biết lấy gì mà đền cho Vu Thiến không để tâm. “Không dễ hỏng thế đâu, mà có hỏng cũng không bắt cậu đền đâu, mình càng có cớ để mua cái mới.”
Nếu cô đã không để ý thì Tần Chiêu Chiêu cũng chẳng việc gì phải ngại. Đối với những bạn cùng lớp có gia cảnh tốt đẹp này, trong lòng cô luôn có một cảm giác rất phức tạp. Biết rõ ràng mình không thể so sánh với họ, cũng biết chẳng ai được quyền lựa chọn xuất thân, mỗi người đều có số cả nhưng vẫn không thế tránh được chút ghen tị hay hâm mộ. Máy nghe nhạc của Vu Thiến giá sáu trăm đồng, với cô ấy cái đó không đáng gì, không hiểu sao trong lòng Tần Chiêu Chiêu có chút bực bội, khi cầm nghe thường bất chấp cứ thế ấn bừa, dù sao có hỏng cũng không phải đền. Song thứ này thật tốt, cô có phá kiểu gì cũng vẫn chạy tốt.
Sau một hồi ấn loạn, chút bực bội trong lòng cũng tan hết, Tần Chiêu Chiêu cảm thấy hối hận, tự thấy mình làm vậy thật có lỗi với Vu Thiến. Cô ấy đối xử tốt với mình, mình lại lấy ác ý đáp lại. Cô thầm nhắc nhở bản thân: Tần Chiêu Chiêu, mày thật không ra gì