Đọc truyện Những Tấm Lòng Cao Cả – Chương 52: Trường câm điếc
Chủ nhật, ngày 28.
Sáng nay có một người gọi cửa. Tôi nghe thấy cha tôi kêu tiếng ngạc nhiên:
– A! Bác Giục!
Bác Giục là người làm vườn cũ nhà tôi quê ở Công-đô.
Sang Hy-lạp làm cho sở hỏa xa ba năm, nay bác mới về, tay xách một gói lớn. Trông bác hơi già nhưng vẫn tươi tỉnh và vui vẻ như xưa.
Cha tôi mời bác vào, nhưng bác có ý vội vã từ chối và hỏi luôn:
– Nhà tôi bình yên chứ? Cháu Lưu-Gia độ này thế nào?
Mẹ tôi đáp:
– Bình yên cả. Còn Lưu-Gia thì tôi mới vào thăm được mấy hôm nay.
Bác Giục mừng quá, gửi gói đồ rồi vào trường câm điếc thăm con. Cha tôi cho tôi đi theo.
Đi đường, bác nói chuyện với tôi, có ý buồn:
– Tội nghiệp cho em Lưu-Gia! Mới lọt lòng ra đã phải chịu cái tật xấu xa. Nghĩ nỗi tôi không bao giờ được nghe thấy tiếng em gọi “cha” và em không bao giờ được nghe thấy tiếng tôi gọi “con ơi”!, những tiếng thân yêu phát ra tự tim, huyết thì tôi buồn không biết chừng nào! May mà có người mách và giúp cho em vào trường, tôi cũng đỡ phiền. Em vào đây từ năm lên 8, tính đến nay đã 11 tuổi rồi. Chắc em đã lớn lắm rồi, cậu nhỉ? Em đã nói chuyện được bằng dấu hiệu chưa? Em có vui không? Hở cậu?
Tôi đáp:
– Trường Câm Điếc đây rồi. Bác vào sẽ biết.
Chúng tôi tới cổng, người gác ra hỏi. Bác Giục nói:
– Tôi là cha em Lưu-Gia. Hôm nay xin phép vào thăm.
Người gác đáp:
– Các cô ấy đang chơi. Để tôi thưa với bà giáo. Mời ông vào tạm phòng khách.
Vài phút sau, cửa phòng mở. Một bà giáo dắt tay một cô gái nhỏ vào.
Hai cha con nhìn nhau một lúc rồi ôm lấy nhau vừa khóc vừa mừng.
Cô bé mặc áo chùng trắng, dọc đỏ, và đeo một cái yếm xanh.
Vuốt ve con xong, bác Giục lùi lại ngắm nhìn con gái rồi kêu to:
– Trời ơi! Con tôi chóng lớn và xinh đẹp quá!… Thưa bà, bà là bà giáo dạy cháu. Xin bà bảo cháu ra một vài dấu hiệu để nói chuyện với tôi xem thế nào?
Bà giáo mỉm cười sẽ bảo cô bé đứng cạnh đang nhìn bà:
– Ông này là ai?
Cô bé cười và phát ra một thứ tiếng như tiếng mọi nhưng rõ ràng:
– Thưa cô, cha… con… đấy!
Bác làm vườn sửng sốt và reo lên như một người điên:
– Con tôi biết nói à? Chết chửa! Thế mà tôi không biết. Con tôi biết nói rồi. Trời ơi! Con nói nữa cho cha nghe.
Bác Giục ôm và bế con lên hai, ba lần có vẻ sung sướng lắm.
– Thưa bà thế ra cháu không phải nói chuyện bằng hiệu, bằng ngón tay?
Bà giáo đáp:
– Thưa ông, học bằng hiệu là lối cổ, lối ấy đã bỏ rồi. Bây giờ chúng tôi dạy theo lối mới gọi là phép “khẩu truyền” ông vẫn chưa rõ à?
– Thưa bà, tôi không hiểu, vì đã ba năm nay tôi đi ngoại quốc. Nhà có viết thư nhưng tôi vẫn yên trí, “cháu biết nói” là “nói bằng hiệu”, chứ không ngỡ cháu nói ra tiếng… Con ơi! Con có biết cha nói gì không? Con trả lời đi!
Bà giáo đỡ lời:
– Ông ơi! Cháu không nghe thấy gì đâu vì cháu điếc. Nhưng nhìn môi ông cử động, cháu có thể nhận ra ông nói câu gì. Tuy miệng cháu nói được, nhưng tai cháu vẫn không nghe thấy tiếng mình phát ra. Sở dĩ cháu nói thành tiếng là vì chúng tôi dạy cháu vừa vận động môi, vừa do lồng ngực và cuống họng phát ra từng “chữ” từng “vần”…
Bác làm vườn ghé vào tai hỏi con:
– Cha vào thăm, con có thích không?
Cô bé ngẩn người đứng im.
Bà giáo cười bảo bác Giục:
– Lưu-Gia không trả lời vì không được nhìn miệng ông nói. Bây giờ ông quay lại trước mặt cháu và nhắc lại câu ông vừa nói thì cháu hiểu ngay.
Người cha nhìn mặt con, nói:
– Cha đã về, cha không đi nữa, con có sung sướng không?
– Cha về và không bỏ con đi nữa, con rất lấy làm sung sướng.
Bác làm vườn hỏi thử con mấy câu nữa:
– Tên mẹ con là gì?
– An-Tố-Nga.
– Tên chị con là gì?
– An-Đế-Liên
– Trường này gọi là trường gì?
– Trường Câm Điếc.
– Hai lần mười là bao nhiêu?
– Hai mươi.
Bác làm vườn rất hoan hỉ, quay lại nói với bà giáo:
– Thưa bà, chúng tôi cảm ơn bà một trăm lần, một nghìn lần. Và xin bà tha lỗi cho chúng tôi là kẻ quê kệch, không biết giãi bày thế nào để cảm ơn bà.
Bà giáo nói:
– Không những cháu đã biết nói, cháu còn biết viết và biết tính nữa. Cháu biết hết cả tên những đồ vật thường dùng, biết đôi chút về sử ký và địa dư. Hiện giờ cháu đang ở lớp Ba. Học hết hai năm nữa cháu sẽ có một nền học thức phổ thông và có thể đi làm việc. Hiện đã có nhiều em học ở đây ra bán hàng cho các hãng buôn rất đắc lực… Chúng cũng làm được đủ bổn phận như người thường.
Chợt có tiếng trẻ tập đọc ở trên trường đưa xuống. Bác làm vườn thấy lạ, lắng tai nghe. Bà giáo bảo:
– Ông để tôi gọi một em ở lớp Một xuống đọc ông nghe.
Nói xong, bà ra hiệu cho người gác gọi. Lát sau người gác đưa một cô bé 8, 9 tuổi xuống. Cô này mới vào đây được ít lâu.
Bà giáo há mồm như người đọc chữ Ơ ra hiệu cho cô học trò đọc theo.
Cô bé đọc:
– Ô.
– Không phải thế.
Nói xong, bà giáo liền cầm hai bàn tay học trò, một để vào cổ họng mình, một để vào ngực mình rồi tự đọc: Ơ.
Cô bé nhận kỹ luồng hơi ở ngực phát ra và đi qua cuống họng thế nào rồi bắt chước đọc lại rất đúng: Ơ.
Rồi vẫn dùng cách ấy, bà dạy cô bé đọc những chữ C và D.
Bác làm vườn nghĩ một lúc nói:
– Thưa bà, dạy như thế này mất nhiều công và phải kiên nhẫn lắm mới được. Thiết tưởng ở trên đời này không có thứ phần thưởng gì xứng đáng để đền công các bà… Thưa bà, tôi có thể chào và cảm ơn bà Đốc được không?
– Bà Đốc không có đây. Nhưng có một người khác mà ông đáng cảm ơn. Theo lệ ở đây thì những trò bé thường giao cho trò lớn trông nom như người chị, người mẹ trong nhà. Cháu Lưu-Gia ở đây giao cho một em 17 tuổi trông nom. Em này là con một người làm bánh, ở với Lưu-Gia rất tốt. Hai năm nay, chính em ấy đã giúp Lưu-Gia mặc áo, đội mũ, đã dạy Lưu-Gia khâu vá và lúc nào cũng ở cạnh Lưu-Gia.
– À! Này! Lưu-Gia ơi! Mẹ con ở đây tên là gì?
Lưu-Gia cười đáp:
– Cát-Tiên, tử tế lắm!
Người gác theo hiệu bà giáo chạy đi một lúc thì có một cô câm điếc khỏe mạnh, tươi tỉnh, tóc vàng, áo sọc đỏ và yếm xanh xuống. Trông thấy người lạ, đôi má ửng hồng, cô cúi đầu cười nụ.
Lưu-Gia chạy lại nắm tay Cát-Tiên và nói:
– Cát-Tiên.
Bác Giục bèn bắt tay Cát-Tiên và nói:
– Cảm ơn em. Ta chúc cho em và gia quyến em được hưởng phúc lành. Em hãy nhận lấy những lời chúc tụng thành thực của một người thợ, một người cha khốn nạn, em ạ!
Cô bé chỉ vuốt ve Lưu-Gia không trả lời.
Bà giáo nói:
– Ông có thể cho Lưu-Gia về ngay bây giờ.
– Xin phép bà cho cháu vè Công-đô, mai tôi sẽ đưa cháu lên.
Lưu-Gia chạy vào đội mũ, khoác măng tô rồi ra với cha.
Trước khi ra về, bác Giục đưa một đồng tiền vàng xin cúng vào nhà trường, nhưng bà giáo không nhận, bỏ vào túi gi-lê Lưu-Gia và nói:
– Ở đây, chúng tôi không lấy một vật gì của ai cho cả. Vả ông đã phí bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền… Chúng tôi rất cảm động về lòng chân thực của ông và xin cảm ơn ông.
Hai cha con chào bà giáo và dắt nhau ra.
Ra đến đường, cô bé nhảy nhót và kêu to:
– Hôm nay trời đẹp quá!