Những Tấm Lòng Cao Cả

Chương 13: Học trò nghèo


Đọc truyện Những Tấm Lòng Cao Cả – Chương 13: Học trò nghèo

Chủ nhật, ngày 13

Cha tôi đã thứ lỗi cho tôi rồi, nhưng lòng tôi vẫn buồn nên chiều nay mẹ tôi cho tôi đi chơi với người gác cổng.

Khi chúng tôi đi qua một cái xe bò đỗ trước một cửa hàng kia, tôi thấy có tiếng người gọi tôi. Quay lại thì ra anh Côretti bạn học tôi. Anh mặc cái áo dài da rái cá và đội cái mũ nồi da mèo. Mồ hôi ướt đầm nhưng nét vui tươi vẫn lộ trên khuôn mặt, anh đang vác trên vai một bó củi nặng. Một người đàn ông đứng trên xe chuyển củi cho anh mang vào hàng. Anh xếp đống rồi lại ra xe. Tôi hỏi:

_ Anh làm gì thế?

Anh vỗ vào bó củi trên vai, đáp:

_ Anh coi đây thì rõ. Tôi vừa làm vừa học bài anh ạ.

Rồi anh vai vừa vác củi, miệng vừa lẩm bẩm:

_ Người ta gọi sự biến hoá của tiếng động từ là những sự thay đổi của tiếng ấy về số, và về các ngôi…

Anh vừa ném cùi vào đống vừa đọc:

_ Tuỳ theo thì của việc làm…

Rồi lộn ra xe lấy củi, anh đọc tiếp:

_ Và tuỳ theo cách của việc làm…

Đó, anh học bài văn phạm để đọc hôm sau.


Anh hỏi tôi:

_ Anh xem tôi lợi dụng thời giờ như thế có được không? Cha tôi và người ở thì đi giao hàng, mẹ tôi thì ốm, tất đến việc tôi phải dở xe củi. Tuy nhiên, việc làm vẫn không ngăn trở việc học bài. Hôm nay chúng ta phải bài khó quá! Tôi nhai mãi không thuộc.

Anh quay lại nói với người kéo xe bò:

_ 7 giờ cha tôi về bác sẽ đến lấy tiền.

Người đánh xe đi. Anh rủ tôi:

_ Anh vào chơi với tôi một tí.

Tôi vào trong một gian rộng xếp đầy củi thanh và củi bó, cạnh cửa có một cái cân.

Anh nói tiếp:

_ Hôm nay nhà tôi bận rộn quá. Tôi phải làm bài từng câu vụn, từng đoạn con. Lúc nãy, đang viết thì có người gọi mua hàng… Bán xong, vào vừa cầm bút thì người xe củi đến. Từ sáng đến giờ tôi đã ra chợ củi ở bãi Vênêzya hai lần rồi. Chân mỏi quá mà tay thì phồng lên. Bây giờ mà phải vẽ thì đến chịu.

Anh vừa nói vừa quét những lá khô rải rác trên thềm.

Tôi hỏi:

_ Anh làm bài ở chỗ nào?

_ Ở trong này. Anh vào coi.

Anh đưa tôi vào gian sau cửa hàng là chỗ vừa làm buồng ăn vừa làm bếp. Trong một góc có cái bàn trên bày mấy quyển sách và vở bài đang làm dở. Anh nói:

_ Câu hỏi thứ hai hiện còn bỏ trống: Người ta dùng da thuộc để làm giày dép, cương ngựa…

Bây giờ tôi viết thêm: làm vali.

Rồi anh cầm bút viết chữ rất tốt.

Chợt có tiếng hỏi ở ngoài hàng:

_ Có ai bán hàng không?

Đó là một người đàn bà đến mua củi.

_ Có! Tôi đây.

Anh vội thưa, chạy ra cân củi, nhận tiền, biên sổ rồi vừa trở vào vừa nói một mình:


_ Không biết họ có để yên cho mình làm hết bài không?

Xong anh ngồi viết nối: làm hòm, làm túi đạn.

Viết đến đây anh hốt hoảng kêu:

_ Chết! Hỏng cả ấm cà phê!

Rồi anh chạy lại lò, nhắc ấm ra, nói:

_ Đây là cà phê của mẹ tôi, anh ạ. Hai ta cùng mang vào đi! Thấy anh chắc mẹ tôi sẽ vui lòng… A! Tôi còn phải biên thêm gì nữa ở dưới chữ: túi đạn không? Kể thì còn nhiều thứ nữa, nhưng tôi chưa kịp nghĩ ra… Mời anh vào đây…

Bạn tôi mở cửa, chúng tôi vào chỗ mẹ anh nằm. Bà nằm trên một cái giường rộng đầu bịt khăn vuông trắng.

_ Thưa mẹ, cà phê đây ạ.

Nói xong, anh đưa mắt chỉ tôi và nói:

_ Đây là bạn học của con.

Bà nói:

_ Quí hoá quá! Đến thăm kẻ ốm là một điều hay cậu ạ.

Anh Côretti nắn lại gối, kéo lại chăn cho mẹ, thêm lửa trong lò và đuổi con mèo ngồi chồm hổm trên mặt tủ. Mẹ uống xong, anh đỡ chén và hỏi:

_ Mẹ không cần gì nữa chứ? Mẹ đã uống hai thìa thuốc ho chưa? Dùng hết, con sẽ ra hiệu lấy. Củi đã xếp đầu vào đấy cả rồi. Đến bốn giờ con sẽ nướng thịt như lời mẹ dặn và khi nào người hàng mỡ đi qua, con sẽ trả 8 xu. Thưa mẹ, mẹ cứ yên tâm. Mọi việc con sẽ làm chu đáo cả.

Bà hàng than nói:


_ Ngoan lắm! Con tôi chẳng sót việc gì. Tội nghiệp!…

Nhân tiện anh Côretti lại chỉ cho tôi xem bức ảnh cha anh treo ở tường, ông vận nhung phục, ngực dính Quận công bội tinh, khuôn mặt giống anh như đúc, mắt sáng, miệng tươi.

Chúng tôi lộn ra phòng ăn. Côretti bỗng reo to:

_ Tôi tìm thấy rồi!

Rồi anh chạy lại biên thêm vào vở bài: người ta cũng làm yên ngựa bằng da nữa.

Anh nói tiếp:

_ Thôi, còn mấy câu hỏi nữa để đến khuya sẽ làm… Anh Enricô ơi! Anh sung sướng quá, anh có đủ thời giờ học, viết và thời giờ đi chơi.

Luôn luôn vui vẻ và lanh lẹ, anh đưa tôi ra ngoài hàng. Anh lấy những thanh củi đặt lên bàn, cưa mỗi thanh hai nhát đứt đôi. Rồi anh bảo tôi:

_ Đây là ngón võ khoẻ gấp vạn món thể thao “co và duỗi cánh tay”! Tôi muốn cắt hết đống củi này trước khi cha tôi về, tất cha tôi sẽ hài lòng lắm ; nhưng khốn thay sau buổi kéo cưa như thế những chữ t và l tôi sẽ viết ra hình rắn cả, đúng như lời thầy giáo thường kêu. Nhưng tôi biết làm thế nào? Tôi sẽ thú thực với thầy: “Con vận động cánh tay nhiều quá, ngón tay thành ra tê cả!” Điều đó không ngại. Bây giờ tôi chỉ mong sao cho mẹ tôi chóng khỏi. Nhờ giời! Hôm nay mẹ tôi đã khá nhiều! Còn bài văn phạm, đến mai tôi sẽ dậy sớm học cũng kịp. A! Kìa xe than đã về, tôi phải ra.

Một xe bò chất đầy bao đen đỗ trước cửa hàng. Anh chạy ra nói chuyện với người đánh xe xong, lộn vào bảo tôi:

_ Bây giờ tôi không thể giữ anh được nữa. Đến mai nhá! Cảm ơn anh đã tạt vào thăm tôi. Tôi chúc anh đi chơi được vui vẻ, anh Enricô sung sướng của tôi!

Bắt tay tôi xong, anh chạy ra cõng từng bì than một, từ xe vào hàng, rồi lại từ hàng đi ra, nét mặt tươi tỉnh dưới chiếc mũ da mèo, ai trông thấy cũng phải chú ý.

” Enricô sung sướng”! – Lời bạn đã tặng tôi. – Nhưng không, anh Côretti bạn quí của tôi ơi! Không! Chính anh mới là người sung sướng vì anh vừa làm vừa hoc, và anh có ích cho cha mẹ hơn tôi, vì anh đảm đang và giỏi gấp trăm tôi!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.