Những Quận Chúa Nổi Loạn

Chương 9


Đọc truyện Những Quận Chúa Nổi Loạn – Chương 9

Sét có đánh ngay chân của Nanon cũng không làm cho nàng ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ đó, và chắc chắn cũng không làm cho nàng thốt lên một tiếng kêu bực tức một cách ngoài ý muốn đó.

– Anh đó à?

– Đúng rồi, em gái à! – Một giọng nói ngọt ngào đáp lại – Ồ, xin lỗi! – Chủ nhân của giọng nói đó tiếp tục khi trông thấy ngài D Epernon – Xin lỗi ngài, có lẽ tôi làm phiền ngài?

Và người đó cúi sát đất chào viên thống đốc của tỉnh Guyenne, đang đón tiếp chàng với một cử chỉ ân cần.

– Cauvignac! – Nanon lẩm bẩm, nhưng thật nhỏ đến nỗi nghe như phát ra từ tim hơn là từ miệng.

– Xin chào anh, nam tước De Canolles! – Ngài công tước với bộ mặt vui vẻ nhất – Em gái của anh và tôi chỉ nói về anh từ tối hôm qua đến giờ, chúng tôi đang mong anh vô cùng.

– À, các vị đang mong tôi? Thật ư? – Cauvignac nói và quay về phía Nanon một ánh mắt đầy châm biếm và ngờ vực đến khó tả.

– Thưa đức ông, chỉ vì sợ làm phiền mọi người mà tôi không dám đòi hỏi vinh dự đó sớm hơn. – Cauvignac nói và cúi chào trước công tước.

– Sự tế nhị của anh rất đáng khâm phục, nam tước ạ, đáng lẽ phải trách anh đấy.

– Trách tôi, thưa đức ông, trách tôi vì tính tế nhị của tôi. Ôi! Ôi!…

– Phải, bởi vì nếu em gái của anh không lo đến quyền lợi của anh…

– Thế à? – Cauvignac nói và ném một ánh mắt đầy hàm ý trách móc về phía Nanon, em gái tôi đã lo nghĩ đến quyền lợi của… người…

– Của anh mình, của anh mình! – Nanon vội tiếp – còn gì là tự nhiên hơn nữa chứ?

– Và cả hôm nay nữa, vì đâu mà ta có hân hạnh được gặp anh, anh có biết không?

– Thưa đức ông, vì sao vậy?

– Chỉ là do tình cờ, giản dị là tình cờ đã khiến cho anh quay trở lại.

– À! – Cauvignac nói như với chính mình – Hình như tôi đã ra đi.

– Vâng, anh đã bỏ đi, ông anh đáng ghét và chẳng bảo gì với em ngoài hai tiếng làm cho em thêm lo âu.

– Nanon yêu quý, biết làm sao được bây giờ, phải tha thứ cho kẻ yêu đương thôi. – Ngài công tước mỉm cười nói.

– Cha! Cha! Rắc rối đây! – Cauvignac nhủ thầm – Hình như ta đang si tình thì phải.

– Nào! – Nanon bảo – Anh hãy thú nhận đi.

– Tôi sẽ không chối đâu. – Cauvignac đáp lại với một nụ cười chiến thắng và cố tìm cách rút ra từ những ánh mắt một tí sự thật để nhờ đó mà thêu dệt lên những câu dối trá.

– Phải rồi – Ngài công tước nói – nhưng chúng ta ngồi vào bàn đi thôi. Vừa ăn anh hãy vừa kể chuyện tình của anh cho chúng tôi nghe nhé! Nào Francinette, hãy dọn thêm một bộ đồ ăn cho ngài nam tước Đại úy. À, chắc anh chưa ăn sáng phải không?

– Thưa đức ông chưa, và tôi xin thú nhận rằng bầu không khí mát mẻ của buổi sáng đã làm cho tôi rất đói.

– Hãy nói: Không khí của buổi tối, con người hoang đàng à! – Ngài công tước nói – Bởi vì từ hôm qua đến giờ, anh chạy ngoài đường suốt thời gian mà.

– “Chà!” – Cauvignac nói trong bụng – “ông em rể đoán đúng quá.” Vâng, tôi xin thú nhận, không khí của ban đêm…

– Đấy! – Ngài công tước nói và khoác tay Nanon cùng qua phòng ăn theo sau là Cauvignac hy vọng rằng bữa ăn này có thể đương cự với cái đói của anh.

Quả vậy, Biscarros thật là tài tình: Các món ăn không chỉ nhiều mà còn tuyệt vời. Rượu màu vàng của vùng Guyenne, rượu đỏ Bourgogne chảy ra từ chai như những viên ngọc vàng và đỏ.

Cauvignac ăn ngon lành.

– Cậu thanh niên này thật là dễ mến. – Ngài công tước nói – Còn nàng, tại sao nàng không ăn?

– Thưa đức ông, em đủ rồi ạ.

– Cô em yêu quý! – Cauvignac kêu lên – Chắc là cô ấy quá vui khi gặp tôi nên không còn thấy đói nữa. Phải nói là tôi rất giận cô ấy vì đã quá thương tôi đến như vậy.

– Chiếc cánh gà rừng này nhé, Nanon? – Ngài công tước nói.

– Để cho anh của em, thưa đức ông, để cho anh ấy. – Người thiếu phụ trẻ nói khi thấy đĩa của Cauvignac mau hết một cách dễ sợ.

Cauvignac đưa đĩa ra với một nụ cười biết ơn. Ngài công tước thả chiếc cánh gà xuống và Cauvignac đặt đĩa xuống trước mặt mình.

– Canolles, anh đã làm gì vậy? – Ngài công tước nói với một thái độ thân mật. Cauvignac cho là điềm tốt – Dĩ nhiên là ta không nói đến chuyện tình yêu.

– Trái lại, thưa đức ông, xin cứ nói đến, đừng ngại gì cả. – Chàng thanh niên nói, rượu đã bắt đầu làm cho mềm môi.

– Thưa đức ông, anh ấy thích đùa lắm. – Nanon nói.

– Thế chúng ta hãy nói về cậu công tử nhỏ bé nhé! – Ngài công tước nói.

– Đúng rồi, về cậu công tử mà anh vừa gặp đêm hôm qua. – Nanon bảo.

– À đúng rồi, trên đường đi. – Cauvignac nói.

– Và sau đó ở quán của mét Biscarros. – Ngài công tước thêm vào.

– Và sau đó ở quán của mét Biscarros. – Cauvignac lập lại – Đúng đấy!

– Anh thật sự gặp người đó à? – Nanon hỏi.

– Cậu công tử nọ?

– Ừ.

– Đây là một thiếu niên thật dễ thương: Tóc vàng, người cân đối lịch sự, đi cùng với một gã tùy tùng.

– Đúng vậy! – Nanon kêu lên, môi mím lại.

– Thế anh đã si người đó à?


– Si ai?

– Thì cậu thiếu niên tóc vàng, người cân đối lịch sự.

– Ồ, thưa đức ông! – Cauvignac nói – Ngài muốn nói gì vậy?

– Anh vẫn giữ chiếc găng tay màu xám bạc đấy chứ? – Ngài công tước nói tiếp với một nụ cười đồng lõa.

– Chiếc găng tay màu xám bạc?

– Ừ, chiếc găng tay mà anh đã ngửi và hôn một cách âu yếm đêm hôm qua đó.

Cauvignac chẳng hiểu gì cả.

– Người mà anh ngờ đã cải trang đó! – Ngài công tước lại nói, vừa nhấn mạnh những tiếng sau cùng.

Thế là Cauvignac hiểu ra.

– À! – Chàng ta kêu lên – Đúng rồi, cậu công tử là một thiếu nữ phải vậy không? – Thật đấy, tôi cũng đã nghi ngờ điều đó!

– Không còn nghi ngờ gì nữa. – Nanon lẩm bẩm.

– Em ơi, hãy rót rượu cho anh đi – Cauvignac bảo – Không biết ai đã làm cạn cái chai đặt bên cạnh anh, nó hết nhẵn rồi.

– Thôi nào! – Ngài công tước nói – cũng còn có thuốc chữa được, bởi vì tình yêu đó đâu ngăn cản ông anh ăn với uống. Công việc đối với đức vua không bị ảnh hưởng đâu.

– Công việc của vua bị ảnh hưởng à? – Cauvignac kêu lên – Không bao giờ! Công việc của đức vua là trước hết. Công việc của ngài là thần thánh! Thưa đức ông, chúng ta hãy uống mừng sức khỏe của đức vua.

– Nam tước à, có thể tin vào lòng trung thành của anh được không?

– Lòng trung thành của tôi đối với nhà vua?

– Vâng.

– Tôi nghĩ rằng có thể được. Tôi sẽ xả thân vì ngài! Tùy lúc.

– Giản dị thôi… – Nanon nói, ngại rằng trong cơn phấn khích do hai chai Mécdoc và Chamberlin gây ra, Cauvignac quên mất vai trò đang đóng và trở lại con người thật của mình – Anh là đại úy trong quân đội của đức vua, nhờ lòng rộng rãi của ngài công tước, có đúng thế không nào?

– Và anh sẽ không bao giờ quên đâu! – Cauvignac nói với giọng run run, vừa đặt một bàn tay lên ngực.

– Chúng ta sẽ còn làm hơn thế nữa, nam tước ạ, trong tương lai chúng ta sẽ còn làm hơn thế! – Ngài công tước nói.

– Xin cám ơn đức ông, xin cám ơn.

– Và chúng ta đã khởi sự rồi.

– Thật thế sao?

– Phải, anh rụt rè quá, ông anh à! – Ngài công tước lại nói – Khi nào cần đến sự giúp đỡ thì hãy tìm đến ta, bây giờ thì không cần thiết phải quanh co nữa, bây giờ anh không cần phải giấu diếm nữa, bây giờ thì ta biết anh là anh của Nanon rồi…

– Thưa đức ông, từ hôm nay trở đi, tôi tự sẽ tìm đến với đức ông!

– Hứa với ta điều đó nhé?

– Tôi xin hứa.

– Thôi được rồi. Trong khi chờ đợi, em gái của anh sẽ giải thích vấn đề với anh. Cô ấy sẽ thay ta giao cho anh một lá thư. Có thể là tương lai của anh tùy thuộc vào nhiệm vụ mà ta giao cho anh đó. Hãy nghe theo lời khuyên của em gái anh, chàng trai à, hãy nghe theo cô ấy, một cái đầu rất thông minh, lịch lãm, một tâm hồn rộng rãi. Hãy thương yêu cô ấy, nam tước à, rồi anh sẽ được ta chiếu cố đến.

– Thưa đức ông – Cauvignac kêu lên – Em gái tôi biết rõ tôi thương cô đến mức nào, và tôi chẳng còn mong muốn nào khác hơn là thấy cô ấy hạnh phúc, uy quyền và giàu có…

– Tôi rất quý sự nồng nhiệt của anh – Ngài công tước nói – Hãy ở lại với Nanon, còn tôi thì phải lo đi tính chuyện một tên khốn kiếp. Nhưng mà này, nam tước à, biết đâu anh có thể giúp ta biết được chút ít về tên bất lương đó chăng?

– Rất sẵn lòng. Cauvignac trả lời – Có điều ngài phải nói rõ cho tôi về tên bất lương nào, vào thời chúng ta đây thì bọn đó rất đông.

– Anh nói rất đúng, nhưng tên này là một tên xấc xược nhất trong đám ta biết.

– Thế à?

– Anh thử tưởng tượng xem, tên khốn kiếp đó để đổi lấy một lá thư hôm qua em gái anh đã viết cho anh mà hắn đã dùng vũ lực cướp được, hắn đã moi được của ta một tờ khống chỉ.

– Một tờ khống chỉ? Thật thế à? Mà tại sao ngài lại quan tâm muốn có cho bằng được một lá thư của người em gái viết cho anh mình chứ? – Cauvignac hỏi với một giọng ngây thơ.

– Anh quên rằng ta chưa biết mối liên hệ gia đình giữa hai người à?

– Ờ nhỉ.

– Và đã ngu ngốc, anh tha thứ cho ta nhé, đúng không Nanon? – Ngài công tước vừa nói vừa đưa tay ra cho người thiếu phụ trẻ – Và ta đã ngu ngốc mà đi ghen với anh.

– Thật sao? Ghen với tôi à? À! Thưa đức ông, ngài thật là lầm lẫn.

– Bởi vậy ta mới hỏi anh xem có chút nghi ngờ gì về tông tích của gã đã lừa bịp ta đó không.

– Nói cho đúng, tôi chẳng biết… Nhưng thưa đức ông, ngài cũng hiểu những hành động như vậy không thể nào không bị trừng trị, và một ngày kia, rồi ngài sẽ biết tên nào đã dám phạm cái tội đó.

– Đúng vậy, một ngày kia rồi sẽ biết, và ta đã thu xếp việc đó, nhưng ta muốn biết ngay bây giờ.

– Ồ! – Cauvignac nói – Nhưng mà làm sao ngài nhận ra tờ khống chỉ đó giữa bao nhiêu tờ công lệnh mà ngài đã ra thưa ngài?

– Tờ này ta làm dấu riêng.

– Dấu riêng?

– Phải, không ai thấy được, nhưng ta sẽ nhận ra, chỉ mình ta thôi, nhờ một phương pháp khoa học.

– Chà! Chà! Chà! Ngài thật là cơ mưu, thưa đức ông, nhưng cần phải làm sao để hắn không nhận ra cái bẫy.

– Ồ, không lo điều đó, ai sẽ nói cho hắn ta biết được?


– Ừ nhỉ, sẽ không phải là Nanon, cũng sẽ không phải là tôi…

– Cả ta cũng vậy – Ngài công tước thêm vào.

– Cũng không phải là ngài! Như vậy ngài rất có lý thưa đức ông, một ngày kia thế nào rồi ngài cũng sẽ biết được hắn ta là ai, và khi đó…

– Và khi đó, ta sẽ thực hiện lời hứa của ta đối với hắn, ta sẽ cho treo cổ hắn.

– Amen!

– Còn bây giờ, bởi vì anh không thể cho ta biết gì thêm về tên đó…

– Không, thật tình là như vậy, thưa đức ông.

– Thôi anh ở lại với cô ấy nhé! Nanon ạ, hãy nói rõ cho anh nàng mọi chi tiết, và đừng để cho anh nàng mất nhiều thời giờ nhé!

– Thưa đức ông, xin ngài hãy an tâm.

– Thôi, hai anh em ở lại với nhau nhé!

Và ngài công tước vẫy tay chào Nanon, phác một cử chỉ thân mật về hướng ông anh, xuống cầu thang sau khi hứa rằng rất có thể sẽ trở về trong ngày.

Nanon tiễn ngài công tước ra cửa.

– Chà! – Cauvignac nói – Lão ta thật tốt bụng mà báo cho ta biết trước, lão ta đâu có ngu ngốc như trông bề ngoài đâu. Nhưng mà, ta sẽ làm gì với tờ khống chỉ bây giờ? Chỉ có cách chiết khấu thôi!

– Bây giờ, thưa ông anh. – Nanon quay trở vào và đóng cửa lại – Bây giờ thì chỉ còn lại hai chúng ta thôi.

– Phải đấy, em gái yêu quý ạ, ta hãy nói chuyện với nhau nhé, bởi vì anh đến đây là để trò chuyện với em nhưng để trò chuyện cho đàng hoàng, cần phải ngồi thôi. Em hãy ngồi xuống đi!

Và Cauvignac kéo một chiếc ghế đấn gần bên mình, và ra hiệu mời Nanon ngồi xuống.

Nanon ngồi xuống với một cái nhíu mày chẳng báo điềm gì tốt lành.

– Trước hết – Nàng nói – tại sao anh không ở yên tại nơi của anh?

– À! Em yêu quý ạ, nói như vậy là không đẹp chút nào. Nếu anh ở yên tại nơi của mình thì anh đã không có mặt ở đây, và điều đó em đã không có niềm vui được trông thấy anh.

– Chẳng phải là anh đã ước muốn được vào dòng tu đó hay sao?

– Không, anh không có ý định này, chính những người khác đã quan tâm đến anh, đặc biệt là em. Em cứ muốn anh phải vào đó, nhưng cá nhân anh chưa bao giờ có một khuynh hướng đặc biệt đối với giáo hội cả.

– Thế nhưng anh đã có được một nền giáo dục thiên về đạo lý.

– Phải, em ạ, nhờ đó anh đã lợi dụng được rất nhiều.

– Thôi, thưa ngài, chúng ta đừng đùa cợt với thần thánh.

– Anh không đùa cợt, cô em gái yêu quý, anh chỉ kể lại có vậy thôi. Nghe này, em đã gởi anh đến nơi các tu sĩ dòng thánh Francois ở Angoleme để học tập.

– Thì sao?

– Đấy, thì anh đã học xong. Anh biết tiếng Hy Lạp rành rẽ không thua kém gì Hamere, tiếng Latinh không thua Ciceron, và thần học giỏi hơn cả Jean Hus. Bởi vậy, không còn gì để học nơi các vị thầy đức hạnh đó, nên từ đấy anh chuyển qua các giáo sĩ dòng Mont-Carmel ở Rouen để theo học nghề.

– Anh quên nói thêm là tôi đã hứa với anh một món trợ cấp thường niên là một trăm Pistoles và tôi đã giữ lời hứa. Một trăm Pistoles, đối với một ông thầy dòng, thật khá dư giả.

– Anh có chối điều đó đâu em gái, nhưng lấy lý do là anh chưa trở thành thầy dòng, nên chính nhà dòng đã lãnh món tiền đó.

– Không phải là khi hiến mình cho giáo hội, anh đã thề nguyện theo đức khó nghèo hay sao?

– Em à, anh đã thề sống khó nghèo, anh thề với em là anh đã nghiêm ngặt tuân theo lời nguyện đó: Chưa ai nghèo hơn anh.

– Nhưng tại sao anh lại ra khỏi dòng?

– À! Như Adam ra khỏi vườn địa đàng vậy. Chính khoa học đã làm cho anh mất linh hồn em ạ: Anh quá thông thái!

– Sao? Anh quá thông thái à?

– Phải. Em thử tưởng tương xem, giữa các thầy dòng, không có chút tiếng tăm nào, anh nổi tiếng là một kẻ lỗi lạc, dĩ nhiên là về khoa học vì thế ngài công tước De Longueville đến Rouen để khuyên dụ dân chúng thành phố theo về phe nghị viện, người ta đưa anh ra để diễn thuyết trước mặt ông ấy. Anh đã nói hay đến nỗi ngài De Longueville không những tỏ ra hài lòng vì tài bẻm mép của anh mà còn mời anh về làm thư ký riêng của ông ta. Đó là khoảng thời gian anh sắp sửa khấn nguyện.

– Vâng, em có nhớ và cũng còn nhớ rằng, với lý do sẽ từ giã thế gian anh đã hỏi em một trăm Pistoles mà em đã vội gởi ngay.

– Và đó chính là những đồng duy nhất mà anh nhận được, thề trên danh dự của người quý tộc!

– Nhưng anh phải từ bỏ cuộc sống ngoài đời.

– Phải, đó cũng chính là ý muốn của anh, nhưng lại không phải là ý muốn của Thượng đế, người có lẽ đã định cho anh một hướng khác. Người đã xử dụng anh qua tay của ngài Longueville và không muốn anh trở thành thầy dòng. Vì thế anh đã tuân theo ý muốn của đấng bề trên đó, và cũng cần nói thêm là anh không hối tiếc một chút nào.

– Nếu vậy, anh không theo tôn giáo nữa à?

– Không, ít ra là cũng tạm thời, em gái ạ. Nếu nói với em rằng anh sẽ không bao giờ trở về nơi đó nữa, thì anh không dám, bởi vì ai là kẻ dám tuyên bố từ hôm trước những gì mình sẽ làm vào ngày hôm sau? Ngài De Rancé đã không thành lập dòng De Trappe đó hay sao? Biết đâu rồi anh cũng sẽ làm như ngài De Rancé và sẽ dựng lên một dòng khác nữa. Nhưng tạm thời, anh đã tham gia vào chiến tranh và trong một thời gian dài, anh coi như là một kẻ trần tục nhơ nhuốc, hễ có dịp là anh sẽ tự tẩy uế.

– Anh mà cũng tham chiến à? – Nanon nhún vai nói.

– Tại sao không? Anh sẽ không nói với em rằng anh là một Dunois, một Dugueslin, một Bayard (chú thích: Dunois, Dugueselin, Bayard: tên của các danh tướng), một chàng hiệp sĩ không biết sợ và không một chỗ nào chê được. Không, anh đâu có đủ kiêu hãnh mà nói rằng mình không có vài thói hư đáng chê trách và sẽ không như ngài chiến hữu Sforza nổi danh mà thắc mắc không biết cái sợ là cái gì. Anh là một con người, và nói như Plaute: Hemosum: Humani nihil ameatienum puto, câu đó có nghĩa là: Tôi là một con người mà không có gì liên quan đến con người mà không liên quan đến tôi. Vì thế anh cũng biết sợ, như một con người được phép biết sợ, nhưng điều này không ngăn cản anh tỏ ra dũng cảm khi có dịp. Anh xử dụng, ngay cả khi bị bắt buộc, gươm và súng cũng khá thoải mái. Nhưng khuynh hướng thật sự của anh, cái năng khiếu đúng nhất, đó là ngoại giao. Nanon thân yêu ạ, hoặc là anh lầm hoặc là anh sẽ trở thành một nhà chính trị gia nổi tiếng. Em cứ nhìn ngài Mazarin mà xem, nếu ông ta không bị treo cổ thì ông ta sẽ còn tiến xa hơn. Đấy! Anh cũng như ngài Mazarin, cũng vì vậy, một trong những nỗi sợ của anh, mà cũng là cái sợ lớn nhất, là sẽ bị treo cổ. Rất may là đã có em, Nanon, và điều này khiến anh vô cùng tin tưởng.

– Như vậy là anh cũng tham chiến à?

– Và cũng là người của triều đình khi cần thiết. Những ngày làm việc bên ngài Longueville đã giúp ích cho anh rất nhiều.

– Và anh đã học được những gì với ông ta?


– Những gì người ta học được bên cạnh những ông hoàng nghĩa là chiến đấu, âm mưu và bội phản.

– Và điều đó đã dẫn anh đi đến đâu?

– Đến một địa vị cao nhất.

– Mà anh đã để mất rồi à?

– Chà, ngài De Condé cũng đã để mất địa vị của mình đó mà. Có ai làm chủ được cái biến cố đâu. Cô em thân yêu ạ, cứ nhìn anh đây, anh đã từng trị vì Paris.

– Anh?

– Ừ, anh.

– Trong bao lâu?

– Một giờ ba khắc, đúng theo đồng hồ.

– Anh đã trị vì Paris?

– Như là một hoàng đế vậy.

– Làm sao lại có chuyện đó?

– Một cách thật giản dị. Chắc em cũng biết là ngài trợ giám mục, ngài De Gondy ấy, nói đúng hơn, linh mục De Gondy?

– Biết chứ!

– Đã từng là một ông chủ tuyệt đối của thành phố. Vào thời gian đó, anh thuộc về ngài hầu tước D Elboeuf. Đây là một ông hoàng tử xứ Lorraine và không có gì phải xấu hổ khi làm việc cho ngài D Elboeuf. Thế nhưng, khi đó ngài D Elboeuf lại là kẻ thù của ngài trợ giám mục. Vì thế anh đã xúi giục một cuộc nổi loạn nghiêng về phía ngài D Elboeuf, trong đó anh đã bắt được…

– Ai? Ngài trợ giám mục à?

– Không đâu, bắt ông ta để làm gì, lại sẽ cản trở công việc của anh rất nhiều. Anh đã bắt người tình của lão, cô De Chevreuse.

– Thật là tàn nhẫn! – Nanon kêu lên.

– Anh cũng có ý định là sẽ bắt cóc cô ta và sẽ mang cô đi thật xa để lão kia không bao giờ còn trông thấy cô ta nữa. Anh đã bảo cho người báo với lão ta ý định của anh, nhưng cái lão quỷ ấy, lão có những ý kiến mà người ta không thể nào cưỡng lại được, lão hứa với anh một ngàn Pistoles.

– Tội nghiệp cô gái, bị trả giá như vậy!

– Sao kia chứ? Trái lại cô ta còn lấy làm sung sướng là khác, điều đó chứng tỏ rằng ngài Gondy yêu cô ta đến bực nào! Chỉ có những người của giáo hội mới hết lòng với người tình như thế. Anh cho rằng đó là do luật cấm của họ.

– Như vậy là anh giàu rồi?

– Anh đây? – Cauvignac kêu lên.

– Chứ còn gì nữa, nhờ những trò cướp đường như vậy.

– Không đâu Nanon, em biết không xui xẻo cho anh! Đứa con gái người hầu của cô De Chevreuse mà không ai nghĩ đến việc chống lại, do đó đã ở lại bên anh và đã lấy hết món tiền ấy.

– Ít ra thì cũng còn lại cho anh tình bằng hữu của những người mà anh theo phò trước cử chỉ xấc xược của anh đối với ngài trợ giám mục.

– Ôi, Nanon, anh thấy rõ là em không hiểu biết gì về các ông hoàng, ngài D Elboeuf đã làm hòa với ngài trợ giám mục. Trong bản thỏa ước giữa họ, anh bị đem ra làm con vật hy sinh. Bởi vậy anh buộc phải ăn lương của ngài Mazarin, nhưng ngài Mazarin là một tên xảo trá. Và vì lão trả tiền công không tương xứng với công việc, nên anh chấp nhận lời đề nghị của ngài cố vấn Broussel, kêu gọi một cuộc nổi dậy khác, với mục đích là buộc ngài tướng Seguier phải đầu hàng. Nhưng đám lính của anh, một bọn vụng về, đã không đánh cho lão ta gục hoàn toàn. Và chính trong trận ẩu đả đó mà anh đã gặp một hiểm nguy ghê gớm nhất từ trước đến giờ. Ngài De La Meilleraye đã nhắm bắn ngay vào anh. May là anh kịp thời cúi xuống, viên đạn bay ngang qua trên đầu anh và ngài tướng lừng danh chỉ giết được một bà già.

– Thật là ghê gớm! – Nanon kêu lên.

– Ồ không, cô em yêu quý, đây chỉ là những điều không tránh khỏi trong một cuộc nội chiến.

– Bây giờ thì tôi hiểu rằng một người có khả năng làm những chuyện đó đã dám làm cái điều mà hôm qua anh đã làm với tôi.

– Anh đã làm gì chứ? – Cauvignac hỏi với một giọng ngây thơ nhất – Anh đã dám làm gì?

– Anh đã dám qua mặt một người cao trọng như ngài công tước! Nhưng điều đó mà tôi không thể nào hiểu được, mà cũng không hề nghĩ đến, rằng một người như anh luôn luôn đã được tôi đối đãi rộng rãi lại có ý định hãm hại em gái mình như vậy.

– Hãm hại em gái mình?… Anh ấy à?

– Phải, anh chứ còn ai! – Nanon đáp lại – Tôi gật đầu chờ nghe những gì anh vừa kể, chứng tỏ rằng anh là một kẻ dám làm tất cả, để nhận ra chữ viết của anh trên mảnh giấy này. Đây! Anh có dám chối lá thư nặc danh này không phải là của anh không?

Và Nanon bực tức đặt ngay dưới mặt anh mình lá thư tố giác hôm qua ngài công tước đã đưa cho nàng.

Cauvignac cầm lên đọc, chẳng tỏ vẻ gì bối rối.

– Sao chứ? – Anh ta nói – Em có điều gì bực bội vì lá thư này? Phải chăng em cho là nó viết không được văn hoa lắm? Anh sẽ buồn giùm cho em đấy, điều đó chứng tỏ rằng em chẳng hiểu gì về văn chương.

– Thưa ông, tôi không nói về cách hành văn, mà là về nội dung. Có phải ông hay không phải là ông, đã viết lá thư này?

– Chính anh đấy. Nếu anh có ý định chối bỏ thì anh đã sửa lại nét chữ rồi, nhưng để làm gì chứ? Anh chẳng bao giờ có ý định trốn tránh dưới con mắt của em, anh còn muốn em biết lá thư đó là của anh.

– Hừ! Anh đã thú nhận rồi đấy nhé!

– Đấy chỉ là một chút khiêm tốn còn sót lại thôi, em gái à! Phải anh cần nói rõ với em, anh đã bị thúc đẩy bởi một thứ thù hận.

– Thù hận?

– Phải, dễ hiểu thôi…

– Thù hận đối với tôi à, kẻ khốn nạn? Nhưng anh có nghĩ đến những gì anh đang nói không?… Tôi đã làm gì thiệt hại cho anh mà lại có ý định trả thù tôi chứ?

– Em đã làm gì anh à? Nanon, em hãy thử đặt em vào chỗ anh coi… Anh rời Paris bởi vì ở đó anh có quá nhiều kẻ thù. Đó là tai họa của tất cả những người làm chính trị… Nhưng hãy trở lại câu chuyện em đi… Anh đã năn nỉ em… Em có nhớ không? Em đã nhận được ba lá thư… Đừng nói là em không nhận ra chữ viết của anh… Vẫn y hệt như chữ viết trong lá thư nặc danh, mà hơn nữa, anh lại có ký tên… Anh đã gởi cho em ba lá thư để xin có một trăm đồng Pistoles… Đấy! Em gái tôi xua đuổi tôi… Tôi tìm đến nhà, em gái tôi không thèm tiếp!… Dĩ nhiên là tôi phải hiểu lý do… Tôi tự nhủ: Có thể cô ấy đang ở trong một cảnh tuyệt vọng, đấy chính là lúc để chứng minh với cô ấy rằng lòng tốt của cô ấy không phải rơi vào một mảnh đất khô cằn… Cũng có thể là cô ấy không còn được tự do nữa… Nếu vậy thì cô ấy đáng được tha thứ… Em thấy đó, lòng anh luôn luôn rộng rãi tha thứ với em, mà trong khi đó, tôi lại được biết rằng cô ấy tự do, hạnh phúc, giàu có, rất giàu! Và rằng có một gã De Canolles, một kẻ lạ mặt đã giành hết mọi quyền lợi của tôi và được bảo hộ thay tôi… Bởi vậy tôi đã điên lên vì ghen tức…

– Phải nói là vì tham lam… Anh đã bán tôi cho ngài D Epernon, cũng như đã bán cô De Chevreuse cho ngài trợ giám mục… Tôi hỏi anh chứ, những liên hệ giữa tôi với ông De Canolles thì có gì liên quan đến anh?

– Liên quan gì đến anh à? Không, và anh cũng chẳng nghĩ đến việc quan tâm tới nếu như em vẫn còn liên hệ tới anh.

– Anh có biết rằng chỉ cần em nói một tiếng với ngài D Epernon, chỉ cần thú nhận tất cả, là coi như anh mất mạng không?

– Chắc chắn rồi.

– Anh cũng vừa nghe chính miệng ông ta nói đó, số phận dành cho kẻ đã giựt được của ông ta tờ khống chỉ.

– Thôi em đừng nói nữa, anh đã sợ lạnh cả người đây này, và đã phải thu hết nghị lực để không bị lộ.

– Anh đã thú nhận là anh cũng biết sợ, mà anh có run gì đâu?

– Bởi vì lời thú nhận kia sẽ chứng tỏ rằng ông De Canolles không phải là anh của em, bởi vì khi đó những hàng chữ trong lá thư của em viết cho một người xa lạ lắm, hắn mang một ý nghĩ đáng chê trách. Hãy tin anh đi, chẳng thà thú nhận tất cả như anh, cô em bạc bẽo ạ, anh biết rõ em quá mà, nhưng hãy nghĩ đến bao nhiêu điều lợi mà anh đã tiên đoán được phát sinh từ cái cảnh mà anh đã tỉ mỉ sắp đặt. Trước hết em khá hoang mang và cứ ngại sẽ thấy ngài Canolles ló mặt ra và sẽ lính quýnh trong hoạt cảnh gia đình này. Trái lại sự có mặt là một điều bí mật. Ngài D Epernon đã thừa nhận anh ta một cách hết sức là rộng rãi, phải công nhận như vậy. Bây giờ thì ông anh không cần phải giấu mặt nữa: Anh ta đã trở thành người nhà rồi. Đấy bây giờ thì tha hồ thư trong, thư ngoài miễn là ông anh mắt đen, tóc đen đừng dại dột đến độ nhìn tận mặt ngài công tước, chiếc áo choàng này thì có khác gì chiếc áo choàng kia? Và khi ngài D Epernon thấy một chiếc áo choàng ra khỏi nhà mình, thì ai sẽ đến nói với ông ta rằng đây chính là áo choàng của ông anh hoặc là của một người nào khác? Bây giờ thì em tự do rồi nhé! Có điều, vì em mà anh phải mang một cái tên khác, nam tước De Canolles, bực bội thật! Em phải biết ơn hy sinh của anh chứ!

Đứng trước bài diễn văn rườm rà hoa lá vô liêm sỉ đến như vậy, Nanon kinh hoảng, không còn biết phải trả lời sao nữa. Bởi vậy Cauvignac lợi dụng chiến thắng đó và tiếp tục:

– Em quý yêu của anh, như vậy chúng ta đã gặp lại nhau sau thời gian dài xa cách, sau bao nhiêu là trở ngại em đã gặp được một người anh trai thực thụ. Bây giờ thì em phải thú nhận rằng em sẽ có thể được ăn ngủ yên thân, nhờ tấm lá chắn của tình yêu che phủ cho em, em sẽ sống thật dễ chịu cứ như toàn thể vùng Guyenne tôn thờ em, điều mà em cũng biết là không bao giờ có. Đấy, anh sẽ đến ngụ trước cửa nhà em, ngài D Epernon sẽ thăng anh lên chức đại tá, và thay cho sáu tên đàn em, anh sẽ có hai ngàn. Với hai ngàn đó, anh sẽ thực hiện lại mười hai kỳ công của Hercule, rồi anh sẽ được làm quận công và khanh hầu phu nhân D Epernon sẽ chết, ngài D Epernon sẽ cưới em làm vợ…

– Trước hết phải có hai việc. – Nanon nói cộc lốc.

– Việc gì hả em gái nói cho anh nghe đây.


– Trước hết anh hãy trả lời tờ khống chỉ cho ngài công tước, nếu không anh sẽ bị treo cổ, anh nghe câu tuyên án từ cửa miệng của ông ta rồi đấy. Sau đó, anh sẽ ra khỏi đây ngay bây giờ, nếu không tôi coi như mất mạng mà điều này đâu có làm anh lo lắng gì, nhưng anh cũng sẽ mất mạng cùng với tôi, một lý do mà tôi hy vọng rằng khiến anh quan tâm hơn đến việc tôi phải mất mạng.

– Hai câu trả lời, thưa bà, tờ khống chỉ đó là thuộc về tôi, và bà không thể nào cản trở việc tôi bị treo cổ nếu đó là ý thích của tôi.

– Hy vọng là như vậy.

– Cám ơn! Em cứ an tâm, không làm gì có chuyện đó đâu. Hồi nãy anh đã có nói với em rằng anh không ưa cách chết đó. Bởi vậy anh sẽ giữ lại tờ khống chỉ, nếu như em không có manh tâm muốn mua lại của anh. Trong trường hợp này thì chúng ta có thể ngã giá với nhau.

– Tôi không cần. Chính tôi là người cung cấp những tờ khống chỉ.

– Em thật là may mắn!

– Vậy là anh cứ định giữ à? Mà không sợ những gì có thể đến hay sao?

– Đừng sợ, anh đã có cách đầu tư nó rồi. Còn về việc rút lui khỏi đây thì anh sẽ không ngu dại đâu, ngài công tước đã mời anh kia mà. Hơn nữa em cứ muốn thoát khỏi anh nên lại quên đi một việc.

– Việc gì?

– Cái sứ mạng quan trọng mà ngài công tước đã nói với anh và sẽ làm tương lai anh.

Nanon tái mặt.

– Nhưng anh cũng phải biết rằng nhiệm vụ đó không phải là dành cho anh. Anh cũng biết rằng lợi dụng tình thế đó sẽ là một tội lớn mà sớm hay muộn cũng sẽ bị trừng trị.

– Bởi vậy anh không có ý lợi dụng, anh chỉ xử dụng thôi.

– Nhưng ông De Canolles đã được chỉ định kia mà.

– Anh đây không phải là nam tước De Canolles đó hay sao?

– Phải. Nhưng ở đấy người ta không những chỉ biết tên mà có biết mặt ông De Canolles. Ông De Canolles đã có nhiều lần đến triều đình rồi.

– Rất hay, đây là một lý do rất tốt, anh sẽ đi.

– Hơn nữa, anh sẽ gặp lại ở đấy những kẻ thù chính trị của anh và rất có thể gương mặt của anh dù dưới một cái tên khác cũng không phải là không ai biết đến.

– Ờ! Chuyện đó sẽ không hề gì. Nếu như, như ngài công tước nói, sứ mạng này sẽ giúp ích cho nước Pháp rất nhiều. Lá thư sẽ giúp cho người đưa thư trót lọt. Một sứ mạng như thế sẽ mang đến ân huệ và ân xá trong quá khứ luôn là điều kiện thiết yếu trong mọi biến chuyển về mặt chính trị. Bởi vậy, em gái à, không phải em là người đưa ra điều kiện mà sẽ là anh, sẽ đề nghị với em những điều kiện của mình.

– Điều kiện đó như thế nào?

– Trước hết, như anh vừa mới nói với em, điều kiện đầu tiên của mọi thỏa ước là ân xá và toàn diện.

– Vậy thôi à?

– Sau đó giá cả của bản thỏa hiệp.

– Tôi còn phải trả tiền cho anh nữa à?

– Em còn thiếu anh một trăm Pistoles anh từng hỏi xin mà em đã tàn nhẫn từ chối.

– Đây là hai trăm đây.

– Hay lắm, vậy mới đúng là em, Nanon à!

– Nhưng với một điều kiện.

– Điều kiện nào?

– Là anh sẽ sửa lại lỗi lầm của anh.

– Được lắm. Anh phải làm sao đây?

– Anh sẽ lên ngựa và đi trên đường đến Paris cho đến khi nào gặp ông De Canolles.

– Thế là phải mất cái tên đó à?

– Trả lại tiền cho ông ấy.

– Anh phải nói sao đây?

– Anh phải trao lại cho anh ấy mệnh lệnh trong thư này và nhìn thấy chắc chắn rằng anh ấy sẽ lên đường thi hành ngay sứ mệnh.

– Có thế thôi à?

– Đúng như vậy.

– Anh ta có cần biết anh là ai không?

– Trái lại, anh ta không được biết. Điều này rất quan trọng.

– Ôi! Nanon! Em xấu hổ vì anh trai mình à?

Nanon không trả lời, nàng bận suy nghĩ.

– Nhưng… – Một lát sau nàng nói – Làm sao em biết chắc được anh làm đúng theo như lời em dặn chứ? Em xin anh thề trên những gì quý nhất với anh.

– Em cần phải làm hơn thế nữa.

– Làm sao?

– Hứa với một trăm Pistoles sau khi công việc đã hoàn thành.

Nanon nhún vai:

– Em hứa.

– Đấy, thấy không! Anh không đòi hỏi em phải thề, em hứa là đủ rồi. Vậy, em hãy đưa một trăm Pistoles cho người nào mang về tờ biên nhận của ngài De Canolles.

– Được, nhưng tại sao lại nói đến một người thứ ba, anh định rằng sẽ không quay về à?

– Làm sao mà biết được? Có một việc khác đang chờ anh ở vùng Paris.

Nanon để lộ một cử chỉ vui mừng ngoài ý muốn.

– À, như vậy là không hay đâu, Nanon. – Cauvignac cười nói – Nhưng không sao, anh không giận gì em cả.

– Thôi anh đi nhanh lên.

– Đi ngay bây giờ đây, sau khi uống một ly cuối cùng.

Cauvignac rót ra ly tất cả chỗ rượu chamberlin còn lại, lịch sự chào em gái, sau đó nhảy lên ngựa, rồi biến mất trong đám bụi mù.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.