Bạn đang đọc Những quân bài trên mặt bàn: Chương 17 + 18
Chương 17: CHỨNG CỨ CỦA RHODA DAWES
Rhoda Dawes đứng ở hè phố. Mặt cô đầy vẻ phân vân, một khuôn mặt biểu cảm và dễ gây ấn tượng.
Cô gái tự hỏi đi hỏi lại: “Có nên không nên… Ta muốn lắm, song có lẽ tốt hơn ta không nên…”
Cô cứ đứng như thế rất lâu. Những ý nghĩ cứ vùn vụt chạy trong đầu cô.
“Tại sao lại không nên chứ? Nó bảo mình đi, nhưng có lẽ chỉ là nói vậy thôi. Dù sao, Anne cũng chỉ muốn tới chỗ luật sư với thiếu tá mà không có mình. Mình nghĩ: ba người đâm ra đông quá, vả lại cũng không phải việc của mình. Vậy mà mình cứ… mình muốn thấy thiếu tá quá! Anh ta hay thật. Chắc anh chàng mê Anne rồi, nếu họ không có ý… Làm gì có lòng tốt đơn thuần. Trời ạ, mình không thể đứng mãi ở đây cả ngày được. Sao mình ngốc thế. Cái áo kia đẹp quá nhỉ? Màu nâu rất nhã. Có nên đi không? Ba rưỡi rồi, giờ này tốt đây! Nào!
Cô chạy sang đường, rẽ phải, rẽ trái và tới trước của nhà bà Oliver. “Bà ấy không ăn thịt mình đâu mà sợ”. Cô ấn chuông. Một bà già ra mở cửa.
– Bà Oliver… liệu cháu… Bà Oliver có nhà không ạ?
– Tên cô là gì nhỉ?
– Rhoda Dawes ạ….
Một lát sau.
– Mời cô đi lối này.
Hành lang dài hun hút như đi trong rừng châu Phi vậy. Giữa phòng một cái bàn làm bếp với chiếc máy chữ, giấy tờ bừa bộn trên bàn và trên sàn nhà. bà Oliver, tóc rối tung, đứng dậy rời cái ghế trông rất lạ mắt.
– Cô bé thân yêu của tôi! – bà chìa tay ra. Mời cô ngồi, chúng ta nói chuyện với nhau đi.
Rhoda nói như bị ngạt thở, mắt dán vào bà chủ nhà:
– Rất mong bà thứ lỗi cho. Tôi có làm phiền bà quá không ạ?
– Không sao đâu. Tôi đang cố viết cho xong cuốn này.
– Thật là tuyệt khi được viết như thế bà nhỉ?
– Không tuyệt lắm đâu, cô bé ạ… Ta uống cà phê và ăn bánh mỳ nướng đi.
Bà Oliver ra cửa, hét lên điều gì đó với người hầu rồi quay lại.
– Cô đi phố mua hàng à?
– Vâng ạ.
– Cô Meredith cùng đi chứ?
– Vâng, nó đi với ông thiếu tá tới ông luật sư rồi.
– Luật sư à?
– Vâng, thưa bà, thiếu tá Despard bảo nó là nên có một luật sự giúp đỡ. Anh ta tốt bụng kinh khủng. Thật đấy ạ.
– Tôi cũng tử tế đấy chứ, vậy mà cô bạn tôi lại khó chịu vì tôi tới thăm các cô.
– Ôi, không phải đâu, thưa bà… đó chính là lý do vì sao hôm nay tôi tới đây, để giải thích… Hôm ấy bà có nói gì đó về tai nạn và thuốc độc…
– Tôi ấy à?
– Vâng, có khi bà không nhớ đâu. Nhưng bà phải biết Anne đã có lần trải qua một vụ kinh khủng. Nó ở trong một ngôi nhà mà một phụ nữ đã uống thuốc độc vì lầm lẫn hay gì đó. Và bà ta lăn ra chết. Đấy là một cú choáng váng đối với Anne. Nó không thể chịu nỗi khi nghĩ hoặc nói về chuyện ấy. Lời nói của bà là nhắc tới chuyện đó và nó nổi cáu như mọi khi. Tôi biết bà nhận thấy thái độ đó. Nhưng tôi muốn bà hiểu cho, không phải nó như vậy đâu.
– Tôi hiểu rồi.
– Anne nhạy cảm lắm cơ. Nếu cáu gì thì nó liền không nói một câu nào về cái đó… Nhưng mà, tôi rất mong bà đừng kể lại với Anne điều tôi kể nhé. Nó không thích đâu.
– Chắc chắn là như vậy rồi. Chuyện này xảy ra lâu chưa?
– Bốn năm năm trước đây. Quả là vậy, sự việc tương tự cứ diễn ra đối với hết người này đến người khác. Tôi có bà cô bị chìm tàu. Còn ở đây, Anne lại dây dưa đến hai cái chết bất ngờ, có điều là, dĩ nhiên, vụ này còn ghê sợ hơn nhiều. Giết người thật là một việc kinh khủng phải không bà?
– Phải đấy.
Đúng lúc ấy, cà phê và bánh mỳ nướng nóng giòn phết bơ được đem ra. Rhoda ăn uống với sự khoái trá của trẻ thơ. Cô lấy làm thích thú vì được ăn một bữa cùng với một người nổi tiếng.
Ăn xong, cô đứng dậy nói:
– Tôi thật lòng mong mình không làm phiền bà quá. Mong bà… tôi muốn nói là bà có thấy chán ngán nếu tôi gửi một cuốn sách bà viết tới đây để xin bà một chữ ký không?
Bà Oliver cười:
– Tôi có thể làm cho cô một việc tốt hơn thế kia – Bà mở chiếc tủ kê cuối phòng. Cô thích cuốn nào? Tôi thì thích “Câu chuyện thứ hai về con cá vàng” hơn cả. Nó ít rùng rợn nhất so với các chuyện khác.
Hơi ngạc nhiên về cách nói đến các cuốn sách của bà, Rhoda sẵn sàng chấp nhận. bà Oliver cầm cuốn sách mở ra và ký… Sau cùng bà đưa sách cho cô gái.
– Đây, xin tặng cô.
– Rất cảm tạ bà! Tôi rất sung sướng. Bà không phiền lòng vì tôi đã tới chứ?
– Tôi muốn cô tới kia mà. Cô là một cô gái tốt. Tạm biệt. Hãy cẩn thận nhé, cô bé.
“Ồ, sao tự nhiên mình lại nói thế nhỉ?” bà Oliver lẩm bẩm khi khép cánh cửa lại.
Bà lắc đầu, vò xú tóc lên và quay về bàn làm việc tiếp.
Chương 18: NGHỈ UỐNG TRÀ
Bà Lorrimer ra khỏi cửa căn nhà ở phố Harley. Bà đứng một phút trên ngưỡng cửa rồi chậm rãi bước xuống các bậc.
Trên mặt bà hằn nét kỳ dị – pha trộn giữa lòng quyết tâm sắt đá với nỗi do dự lạ lùng. Bà nhíu mày như đang tập trung suy nghĩ việc gì đó hết sức chăm chú.
Đúng lúc đó bà nhìn thấy Anne Meredith ở hè đường đối diện. Anne đang đứng nhìn chằm chặp vào tòa nhà ở góc phố.
Bà Lorrimer do dự một lát, sau đó đi sang đường.
– Chào cô Meredith.
Anne giật mình quay lại:
– Ôi, chào bà.
– Vẫn ở London à? Bà Lorrimer hỏi.
– Không. Tôi mới lên đây hôm nay, để làm một số việc về luật pháp.
Mắt cô gái vẫn dán chặt vào tòa nhà lớn. Bà Lorrimer lại hỏi:
– Có chuyện gì chăng?
Anne giật mình vẻ tội lỗi.
– Chuyện gì ư? Ôi, không, thế chuyện gì vậy?
– Trông cô cứ như đang bận tâm chuyện gì đó.
– Tôi chẳng… Ồ, tôi có việc thật, song chẳng có gì quan trọng đâu, chuyện vặt thôi mà – Cô khẽ mỉm cười nói tiếp. Chỉ vì tôi nghĩ rằng bạn tôi, cô gái cùng sống với tôi ấy, đã đi vào đó, bây giờ tôi đang tự hỏi có phải nó đến gặp bà Oliver không?
– Bà Oliver sống ở đấy à? Tôi không biết đấy!
– Vâng. Bà ấy đến chỗ chúng tôi hôm nọ, cho chúng tôi địa chỉ, đề nghị chúng tôi tới thăm. Ôi không biết có phải thoáng thấy Rhoda hay không?
– Cô có muốn lên gác xem sao không?
– Không, tốt hơn là không nên làm như vậy.
– Cùng tôi đi uống trà vậy nhé? – Bà Lorrimer mời. Tôi biết có một cửa hiệu rất gần đây.
– Bà thật tốt quá – Anne nói, do dự.
Họ đi bên nhau trên phố và rẽ sang một ngõ hẹp. Trong một quán nhỏ, họ dùng trà và bánh mỳ nướng xốp. Họ không nói chuyện nhiều. Mỗi người đều cảm thấy dễ chịu vì sự im lặng của người kia. Đột nhiên Anne hỏi:
– Bà Oliver đã đến bà chơi chưa ạ?
Bà Lorrimer lắc đầu:
– Chưa có ai đến, ngoài ngài Poirot.
– Tôi không có ý…
– Cô không có ý à? Tôi cho là có đấy chứ – Bà Lorrimer bảo.
Cô gái nhìn lên, cái nhìn nhanh, sợ hãi. Thấy thái độ của người đối diện, cô có vẻ yên lòng hơn.
– Ông ấy chưa đến chỗ tôi – Cô chậm rãi nói.
Im lặng.
– Thế viên cảnh sát Battle cũng chưa đến bà ư? – Anne hỏi.
– Ồ, rồi chứ, dĩ nhiên. – Bà Lorrimer đáp.
Anne ngập ngừng nói:
– Ông ấy hỏi bà những gì ạ?
Bà Lorrimer thở dài mệt mỏi:
– Những thứ thường lệ thôi, tôi nghĩ vậy. Những câu hỏi khuôn mẫu. Ông ta rất hài lòng kết thúc cuộc thẩm vấn.
– Tôi cho rằng ông ấy hỏi cung tất cả mọi người.
– Tôi cũng nghĩ thế.
Hai người lại im lặng.
Anne hỏi:
– Bà Lorrimer này, bà có nghĩ là họ sẽ tìm ra thủ phạm không?
Mắt cô gái chăm chú nhìn vào đĩa bánh. Cô không nhận thấy nét kỳ lạ trong đôi mắt bà Lorrimer khi bà nhìn cái đầu đang cúi xuống trước mặt mình.
Bà điềm tĩnh đáp:
– Tôi không biết.
Anne lẩm bẩm:
– Việc ấy không… hay lắm, phải không nhỉ?
Mặt bà Lorrimer lại xuất hiện vẻ kỳ dị và cả vẻ cảm thông khi bà nói:
– Cô bao nhiêu tuổi rồi, cô Anne Meredith?
– Tôi. Tôi ấy à – Cô gái lắp bắp – Tôi hai mươi lăm tuổi.
– Còn tôi sáu mươi ba – bà Lorrimer chậm rãi tiếp lời – Hầu hết cuộc đời cô vẫn đang ở phía trước.
Anne run run:
– Tôi có thể bị ô tô buýt chẹt chêt trên đường về nhà chứ? – Cô nói.
– Đúng, quả có thế. Còn tôi, thì có lẽ lại không sao cả.
Bà Lorrimer nói câu ấy theo cách rất lạ. Anne nhìn bà kinh hoảng.
– Sống là một việc khó – bà tiếp – Cô sẽ biết điều đó khi cô bằng tuổi tôi bây giờ. Nó đòi hỏi lòng can đảm vững bền và biết bao nhiêu là chịu đựng. Để rồi cuối cùng ta lại tự hỏi “có đáng sống không”?
– Ôi, đừng! – Anne nói.
Bà Lorrimer mỉm cười và lại tự chủ được.
– Nói về những điều đáng buồn của cuộc sống chúng ta thì có vẻ rẻ tiền quá – Bà nói rồi gọi người phục vụ tới trả tiền.
Khi họ ra tới cửa, một taxi trờ tới. bà Lorrimer vẫy xe.
– Cô đi xe cùng tôi nhé – bà đề nghị – Tôi đi xuống phía Nam công viên.
Mặt Anne sáng lên:
– Không, cảm ơn bà. Tôi đã nhìn thấy bạn tôi rẽ góc phố kia rồi. Rất cảm ơn bà, bà Lorrimer. Xin tạm biệt.
– Tạm biệt! Chúc may mắn – Bà già đáp.
Bà lên xe, còn Anne chạy về phía trước.
Rhoda mắt sáng lên khi thấy bạn và trên mặt chợt thoáng nét tội lỗi.
– Rhoda, cậu vừa đến chỗ bà Oliver phỏng? – Anne chất vấn.
– Ừ, đúng thế.
– Và tớ vừa tóm cổ được cậu.
– Chẳng hiểu cậu nói gì mà lại bảo “tóm cổ”. Bọn mình xuống dưới kia rồi lên xe buýt. Cậu đã đi với anh chàng của cậu. Mình nghĩ chắc ít ra hắn cũng mời cậu uống trà chứ?
Anne im lặng một lát, một giọng nói vang lên trong trí cô” “Chẳng lẽ chúng ta không đón bạn cô ở đâu đó và cùng uống trà sao?”
Rồi chính câu trả lời của cô, vội vẽ, chẳng suy nghĩ gì: “Vô cùng cảm ơn anh, nhưng chúng tôi sắp cùng nhau uống trà với một số người khác bây giờ”.
Nói dối, và lại ngốc nghếch làm sao kia chứ. Người ta hay dại dột nói ngay điều đầu tiên chợt lóe lên trong đầu thay cho việ nghĩ ngợi một hai phút gì đó. Tuyệt nhất thì lẽ ra đáp rằng: “Cám ơn anh, nhưng bạn tôi lại đang dùng bữa ở chỗ khác rồi”. Đấy là cách nếu mình không muốn Rhoda đi cùng.
Kể cũng lạ cô chẳng hề muốn có Rhoda đi theo. Cổ chỉ muốn giữ Despard riêng ình. Cô cảm thấy ghen tuông, ghen với Rhoda. Sao Rhoda trong sáng thế, hay chuyện thế, tràn đầy nhiệt tình và sức sống đến vậy. Tối hôm ấy, thiếu tá Despard ngắm Rhoda như anh ta nghĩ rất tốt về cô gái. Nhưng chính cô, Anne Meredith mới là người anh đến thăm. Rhoda cũng muốn thế. Cô không muốn nghĩ tới điều đó. Nhưng đứng là cô không muốn có Rhoda cùng đi.
Vậy mà cô đã cư xử thật ngu dại, từ chối phải đi như thế. Nếu không thì có phải bây giờ đang được cùng anh ngồi uống trà ở một câu lạc bộ hoặc một quán nhỏ nào đó.
Cô cảm thấy bực với Rhoda. Phiền toái quá, Rhoda ạ. Lại còn không biết nó đến gặp bà Oliver làm gì? Cô nói to:
– Sao cậu lại đến nhà bà Oliver?
– Ơ kìa, bà ấy mời bọn mình tới mà.
– Ừ, nhưng tớ chẳng nghĩ bà ấy thực sự muốn thế. Tớ cho rằng bà ấy luôn phải nói những câu như thế.
– Bà ấy muốn thật đấy chứ. Bà ấy tuyệt lắm cơ, không ai có thể tuyệt hơn. Bà ấy tặng tớ một cuốn truyện mà bà ấy viết. Xem đây này.
Rhoda khoái trá và tự hào.
Anne nghi ngờ nói:
– Thế cậu nói chuyện gì? Không phải về tớ chứ?
– Cậu thử nghe những câu đề tặng dí dỏm của bà ấy mà xem này.
– Thôi, nhưng cậu có nói không? Cậu có kể về vụ giết người ấy không đấy?
– Chúng tớ nói về các vụ giết người của bà ấy. Bà ấy đang viết một cuốn sách về một vụ đầu độc bằng hành sống. Bà ấy rất tình cảm và bảo rằng viết văn là một việc cực kỳ gian khổ, rằng bà ấy có lúc rối trí lên vì những âm mưu. Chúng tớ còn uống cà phê đen và bánh mỳ nướng giòn phết bơ nữa.
Rhoda kết thúc với vẻ đắc thắng.
Sau đó cô thêm:
– Ôi, Anne, chắc cậu muốn ăn rồi?
– Không, tớ vừa ăn xong, cùng với bà Lorrimer.
– Bà Lorrimer ấy à? Có phải đấy là cái bà… cũng ở đó không?
Anne gật đầu.
– Cậu gặp bà ấy ở đâu? Cậu đến thăm bà ấy à?
– Không. Tớ tình cờ thấy bà ấy ở phố Harley.
– Bà ấy thế nào?
Anne uể oải đáp:
– Tớ chẳng biết. Bà ấy… hơi kỳ quặc, chẳng giống tối hôm nọ chút nào.
– Cậu vẫn cho là bà ấy giết à? Rhoda hỏi.
Anne im lặng một lát. Sau đó cô đáp:
– Tớ không biết. Thôi đừng nói về chuyện đó nữa. Rhoda! Cậu biết tớ ghét chuyện ấy đến mức nào rồi đấy.
– Được rồi, bạn ạ. Ông luật sư thế nào? Cực kỳ khô khan, cứng nhắc chứ?
– Hơi nhanh nhảu quá.
– Nghề được đấy – cô ngường một lát rồi hỏi thêm – Thiếu tá Despard thế nào?
– Rất tử tế.
– Anh chàng mê cậu rồi, Anne ạ. Tớ đánh cuộc đấy.
– Rhoda, đừng nói năng vô nghĩa thế.
– Được, rồi cậu xem.
Rhoda bắt đầu “vo ve” một mình. Cô nghĩ, chắc hẳn là anh mê nó rồi. Anne đẹp quá đi. Nhưng hơi nhạt nhẽo. Nó sẽ chẳng đi cùng đường với anh ấy được đâu. Tại sao nhỉ, nó sẽ kêu thét lên nếu trông thấy rắn. Đàn ông luôn mê mẩn những phụ nữ chẳng hợp với mình.
Và cô nói to lên.
– Xe buýt kia sẽ chở chúng mình về Paddington. Cái xe số 418 kia kìa. Lên thôi!