Đọc truyện Những Mùa Hoa Mãi Nở – Chương 23: Hoa hồng này, có phải ý là cậu cũng thích mình không?
“Chị hai!” Sáng vừa đóng cửa phòng lại thì nghe nhóc Huy trong phòng gọi vọng ra.
Tôi bước vào phòng thấy nó lắc lắc cái điện thoại trong tay cười nói: “Em được thăng chức rồi. Sếp rất hài lòng với bản vẽ.”
Trong lòng tôi chợt trào dâng bao cảm giác khó tả. Tôi mừng vì cuối cùng nó cũng đạt được ước mơ của mình. Từ giờ có lẽ công việc nó sẽ suông sẻ hơn, không còn phải bán mạng làm việc như vậy nữa. Nhìn nó từng ngày trưởng thành tôi đã không nhận ra nó đã lớn lắm rồi.
Tôi mỉm cười: “Vậy phải khao chị hai một bữa cho ra trò đó nhen!”
“Chị nên khao em mới đúng.” Nó trề môi.
“Em làm có lương, chị có đồng lương nào đâu mà khao?”
“Chị không cần làm cũng không sợ đói đâu, he he.”
“Em trai biết thương chị định ở vậy suốt đời nuôi chị hả?”
Nó cười gian xảo: “Không phải em! Anh Phát kìa. Chỉ cần gả chị đi là suốt đời chị cũng đừng mong bị đói.”
Tôi sốc. Thì ra nhóc Huy bận rộn cũng không quên đến chuyện đại sự của bà chị vô dụng này.
“Em nghe ai nói thế hả?”
“Thì anh Phát nói. Mà chuyện này cả nhà ai mà không biết. Hai người cũng giấu kĩ quá nha. Đến cả em còn không biết nữa.” Nó dựa người vào tủ quần áo thủng thẳng nhìn tôi như đợi tôi thú tội. Quả thật thì có muốn đi chăng nữa tôi đâu có chuyện gì để nói với nó.
“Thế ba mẹ nói thế nào?” Tôi không ngờ chuyện này đến cả tai ba mẹ.
“Còn thế nào nữa, thì mừng đến độ muốn gói chị lại rồi mang sang nhà cô chú biếu luôn cho rồi. Oái, em nói chơi thôi chị đừng đánh em.”
Biết tôi sắp đánh nó nghiêng người né sang bên. Tôi trợn mắt với nó, nó mới đứng nghiêm lại trả lời một dọc: “Ba mẹ nói như vậy cũng tốt, chị cũng hai mươi lăm rồi, vả lại hai nhà sát bên lại là chỗ thân thiết nên không lo, em còn thấy ba đồng ý cái rụp. Mà chuyện này là em lén nghe được thôi, hôm chị không có nhà ấy, cô chú sang chơi cũng tính đến chuyện này rồi, sau đó thì, ờ, anh Phát điện thoại nói tối đó hai người không về, ba mẹ cũng không nói gì. Em nghĩ là ba mẹ muốn tống chị sang nhà bên kia cho rảnh nợ lâu rồi, he he.”
Nó cười giã lã. Làm thế quái nào mà tôi là người trong cuộc mà không hiểu rốt cục là sai sót ở chỗ nào dẫn đến tình trạng như ngày hôm nay. Tôi trừng mắt với nó thì nó bày ra bộ dạng đáng thương: “Thật tình thì em cũng không muốn đâu. Nhưng sợ lỡ mất chuyến đò này thì sẽ không còn đò nữa, nên thôi, chị lên xe hoa vui vẻ đi.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, nó bị tôi đuổi đánh từ trên lầu xuống tới bếp, ra tận ngoài sân, lúc thấy ba ngồi đọc báo hai đứa mới thôi chiến đấu. Tôi quên mất hôm nay là chủ nhật cả nhà tôi không ai phải đi làm cả. Tôi bẽn lẽn nhìn ba, thấy ông không nói gì nên vội vã chạy xuống bếp phụ mẹ nấu cơm, mẹ cũng như mọi ngày nên tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Không ai đá động gì đến chuyện đó hết.
Mấy hôm nay tôi cứ có cảm giác như người cõi trên, lơ lửng lơ lửng, mà cái tên đầu sỏ gây chuyện lại nhún vai theo kiểu học đâu của mấy người Tây như mọi chuyện chẳng hề liên quan đến mình. Ức chết đi được!
Buổi trưa Phát ăn cơm ở nhà tôi, dù việc này trước kia đã diễn ra hàng ngàn hàng vạn lần có hơn nhưng bữa cơm hôm nay tôi cứ nơm nớp lo sợ như kẻ buôn lậu sợ cảnh sát vậy.
Lúc đang rửa chén trong bếp thì Phát vào. Cậu ấy dựa lưng vào bếp cạnh bồn rửa chén, hai chân bắt chéo nhìn tôi. Tôi không ngẩn mặt lên, tiếp tục công việc của mình. Thật lòng thì tôi muốn giận cậu ấy lắm, muốn dẹp cái tính ngang bướng của cậu ấy đi, muốn không thèm nói tới mặt cậu ấy nữa, nhưng cậu ấy cứ dây dưa lẩn quẩn trong cuộc đời tôi thế này tôi làm sao lờ đi được.
“Khi nào cậu trở lại trường?”
“Tháng sau.”
“Ừ.” Tôi trả lời gọn rồi úp chén lên kệ.
“Xa lạ với nhau thế à?” Cậu ấy nói giọng tổn thương. Tôi biết thừa là cậu ấy chỉ cố làm ra vẻ thế thôi.
“Ai thèm xa lạ với cậu. Thế về rồi định làm ở đâu?”
Tôi nghĩ ở cái thành phố này muốn tìm một công việc với bằng cấp cậu ấy không khó, nhưng muốn tìm một công việc vừa ý thật không phải dễ. Lương một tháng với tấm bằng du học của cậu ấy thực sự không thấm. Dù một tháng tôi cũng không kiếm được bao nhiêu tiền nhưng đâu phải tôi không biết tính toán. Huống gì ra đời mấy năm tôi cũng biết quý trọng đồng tiền và công sức lao động của mình hơn.
“Bệnh viện Quân y thành phố. Cậu nghĩ tôi còn đi đâu được nữa…” Phát chăm chú nhìn tôi lựa ra từng cái chén, dĩa, tô úp lên theo thứ tự.
“Cũng tốt, nhưng lương hình như không được cao lắm.”
Phát cười ha hả: “Cậu quan tâm đến việc đó làm gì, sợ tôi không nuôi nổi cậu à?”
“Xùy, không cần.” Tôi lau tay định bỏ đi nhưng bị cậu ấy kéo lại.
Hai tay cậu ấy nắm lấy tay tôi nói chuyện nghiêm túc: “Tôi cho cậu hai cơ hội lựa chọn, một là đợi sau khi tôi lấy bằng tốt nghiệp về lập tức đính hôn với tôi, hai là…” cậu ấy cười thật tươi, “…nếu cậu tìm được người khác chuyện này lập tức hủy bỏ. Tôi đã cho cậu tám năm rồi, tại cậu không biết tận dụng.”
Lựa chọn cái khỉ gì chứ? Trong một tháng bảo tôi đào đâu ra một người vừa ý để kết hôn? Mà đâu phải tôi già ế gì tới nơi đâu mà gấp vậy? Đúng là không nói lý lẽ… Tại sao người nhà hai bên gia đình lại đi nghe theo một kẻ có tư duy không logic tẹo nào như vậy chứ?
Chưa đợi tôi nghĩ được câu nào cay độc đáp trả cậu ấy đã huýt sáo bỏ đi. Tôi ngơ ngác đứng giữa phòng như bị ai dội vào người một gáo nước lạnh, à không, một thùng nước đá mới đúng.
…
“Tôi được nghỉ một tháng, trong một tháng này cậu phải đi chơi với tôi.” Phát đứng bên phòng nói vọng sang lúc tôi đang phơi quần áo.
“Lý lẽ gì nữa đây? Ngày mai mình còn đi làm nữa!”
“Không phải bạn gái nhóc Huy xin ra tiệm phụ cậu à? Lo lắng quá làm gì. Ha ha, nếu cậu không đi thì thôi vậy, tôi đi thăm thầy Tuấn thể dục mình ên rồi.”
Vậy là buổi tối có một đứa ngu ngơ bị kéo ra đường chỉ vì lời dụ dỗ ngu ngốc là được đi biển, được thăm thầy giáo cũ. Cậu ấy nói cũng đúng, thời gian của cậu ấy thật sự quá quý báo, sau khi nhận bằng tốt nghiệp về nước nộp cho đủ hồ sơ thì cậu ấy phải đi làm. Mà công việc của cậu ấy không có giờ giấc cố định, lại bận rộn, căn bản là thời gian đi rong cũng không có.
Chúng tôi đi trung tâm mua sắm, cậu ấy luyên thuyên về đủ thứ bên nửa vòng trái đất bên kia, mua được những thứ bên kia không có mang theo tặng bạn bè trước khi tốt nghiệp. Có lẽ tám năm rồi, đây là lần đầu tiên chúng tôi thoải mái trò chuyện và có thời gian bên nhau nhiều đến vậy. Cuộc trò chuyện cởi mở, vui đùa, cũng không khác trước kia. Chỉ là, tôi còn e ngại liệu cứ như thế này tình bạn chúng tôi sẽ đỗ ở bờ bến nào.
Dạo một vòng bến Ninh Kiều, ghé quán ăn vặt kêu đủ thứ món trên trời dưới đất, cậu ấy nói cách tám năm những món ăn vặt cũng thay đổi đến chóng mặt. Ngậm những xiên que trong miệng tôi còn có thể cảm thấy mùi vị nồng hậu của tuổi thơ, chợt mắt cay cay.
“Nè, mấy món này tôi dặn đừng để ớt rồi mà, có cay đâu mà sụt sùi vậy?” Phát rút miếng khăn giấy tự nhiên lau lên khóe mắt tôi.
Tôi nhìn cậu ấy, mỉm cười. Không phải cậu ấy không tốt, chỉ là cậu ấy quá tốt, muốn bày tỏ gì cũng thông qua hành động nên một đứa ngu ngơ như tôi không hiểu và cũng không dám suy diễn. Thứ mà cậu ấy cho tôi là cảm giác an toàn, bình yên, tôi chỉ sợ mình không mang lại gì cho cậu ấy ngoài những vướng bận.
Ừ thì đâu phải chúng tôi không thể dắt tay nhau lên phường làm một tờ giấy đăng kí kết hôn đóng mộc đỏ bắt mắt? Nhưng vậy rồi thì sao? Sau đó, cậu ấy hối hận, lại vì tình bạn hay bất cứ lý do gì mà cứ dây dưa, lúc đó người khổ không phải là tôi mà là cậu ấy. Mà cậu ấy buồn phiền tôi cũng không vui vẻ gì. Nhiều lúc tôi muốn hỏi, liệu quyết định kết hôn với tôi có mang một chút tình cảm nào hay không. Nhưng tôi lại sợ, sợ cậu ấy trả lời vì trách nhiệm đêm hôm đó, vì trách nhiệm lời hứa cả đời này chăm sóc tôi. Hay cậu ấy lại dối tôi trả lời cho tôi vui thì có khác gì không hỏi.
“Cậu đó, lớn rồi mà lúc nào cũng mau nước mắt, đang vui vẻ mà.” Cậu ấy lèm bèm lấy miếng khăn giấy khác lau đi nước mắt đang lăn dài trên má tôi.
Tôi cười cười nhìn cậu ấy qua làn nước mắt. Vốn dĩ không biết nói gì nữa nên gượng cười. Tôi thật biết phá hỏng không khí, đang vui vậy cũng khóc được.
Chợt muốn ôm cậu ấy thật chặt, vì trong lòng tôi lại nảy sinh một chút ý muốn chiếm hữu rồi.
Lúc đi dạo vòng quanh bờ hồ, đi ngang cô bé bán hoa cậu ấy mua tặng tôi một bông hồng, màu đỏ. Tôi im lặng tùy ý để cậu ấy chọn, vì trong số bông đó, nổi bật hơn hết là mấy bông hồng vàng rực, vậy mà cậu ấy lại chọn màu đỏ. Tôi mỉm cười cầm bông hoa trên tay, đây là lần đầu tiên có người tặng tôi một bông hồng đỏ.
Hai chúng tôi về đến nhà bóng tối đã bao trùm cả khu. Hai nhà chỉ cách nhau một cái hàng rào thôi mà Phát cũng kiên quyết đưa tôi về. Tôi im lặng đi bên cậu ấy cạnh giàn hoa ti gôn nay đã sum suê rực rỡ.
“Sau này đừng tặng bông hồng đỏ, nếu không mình sẽ hiểu lầm.” Tôi nhẹ giọng khi đã về đến cửa nhà.
Cậu ấy muốn nói gì đó, tôi lại không muốn nghe nên quay sang ôm cậu ấy thật chặt. Có lẽ vì bất ngờ nên cậu ấy quên mất nên trả lời gì, có lẽ cậu ấy cho rằng câu trả lời ấy không quan trọng nhưng tôi đã lấy hết can đảm hỏi cũng lấy hết can đảm nhận một câu trả lời “ừ, sau này sẽ không vậy nữa”. Thế mà đến phút cuối tôi lại bỏ cuộc, tôi sợ hãi, tôi sợ bị tổn thương, tôi không đủ lòng tin.
Lúc tôi buông cậu ấy ra xoay người chạy vào nhà tôi thật sự nghĩ không biết mình có làm đúng hay không. Chỉ biết là, những bốc đồng của mình có thể gây thêm nhiều hiểu lầm cùng nhiều chuyện khác nữa. Nhưng đã làm rồi thì làm sao rút lại được?
Tôi chụp lại hoa hồng, đăng lên dòng trạng thái của mình, “Hoa hồng này, có phải ý là cậu cũng thích mình không?” rồi chia sẻ chế độ chỉ mình tôi. Nếu như không dám đối mặt với câu trả lời thì để tự mình gặm nhấm nó đi.